Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Câu nói trên đã đeo đuổi tôi suốt cuộc đời. Trong nhà tôi không nhớ từ khi nào tôi đã được tặng bản thư pháp với hàng chữ này.
Nhưng vào ngày 14 tháng Hai năm nay, Valentine’s Day, Ngày Tình yêu, nó gợi lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm.
Hồi nhỏ, trong những lúc cô đơn, buồn tủi nhất, tôi luôn nghĩ đến Mẹ tôi, nhất là những khi Mẹ về thăm ông ngoại tôi ở Huế. Mỗi lần Mẹ tôi đi xa, tôi cảm thấy những ngày đó như dài vằng vặc. Ăn không ngon, ngủ không yên, tôi chỉ trông Mẹ về để được bên Mẹ. Được ngủ bên cạnh Mẹ. Hình như các anh chị tôi và tôi đều muốn ngủ bên Mẹ cho đến khi gần 10 tuổi, đến khi không còn chỗ nào để nằm bên Mẹ nên phải nhường cho các em nhỏ hơn mình. Tình yêu thương của Mẹ tôi dành cho các con, cho học trò của Mẹ, và những người chung quanh, cho đến nay vẫn còn đầy ấp. Mẹ cho đi nhiều lắm, vô hạn. Và Mẹ tôi cũng nhận được rất nhiều, vô hạn. Mẹ tôi hạnh phúc khi thấy các con, cháu và chắc vui vẻ thành đạt, và Mẹ cũng đau buồn khi thấy chúng tôi có những khổ tâm riêng. Valentine’s Day là ngày tôi thường nghĩ đến tình thương bao la của Mẹ.
Và tôi cũng nghĩ đến cô giáo chủ nhiệm của tôi, một người cô hiền từ mẫu mực và thánh thiện, vào ngày Valentine’s Day năm nay. Nếu không có cô, tôi sẽ không là tôi như ngày hôm nay. Cô không cảm hóa tôi bằng những lời đe dọa, những thước thẻ tay, những cuộc mắng vốn với Bố Mẹ tôi. Cô đã dùng tình thương, cảm thông, tha thứ và bao dung để tôi nhận thấy những điều mình làm, sai hay đúng. Hơn nữa Cô luôn ghi nhận và trân quý những điều tôi làm tốt, những đóng góp nhỏ nhoi của tôi cho xã hội chung quanh. Mãi cho đến bây giờ. Cô vẫn là cô của tôi, dù tôi có lớn có già có là gì đi nữa trong hiện tại hay tương lai. Tôi thương quý cô như người Mẹ thứ hai của tôi.
Ngày Tình yêu năm nay, tôi lại nghĩ đến bao người, những cô thầy giáo cũng như những người làm thiện nguyện trong các trại tị nạn, tại Đông Nam Á nói riêng các trại tị nạn trên toàn cầu nói chung. Riêng tôi, tôi còn nhớ những thầy cô đến từ Mỹ, Hòa Lan, Mã Lai, Hồng Kông, Úc v.v… đã dạy học trong các trại tị nạn vào thập niên 1980 và 1990. Họ tận tụy với học trò, luôn đến sớm về trễ. Không chỉ dạy, họ còn quan tâm chia sẻ và giúp đỡ bao nhiêu điều khác trong bao khốn khó của người tị nạn. Có hai người, một Mỹ một Hòa Lan, đã thương yêu người tị nạn và tận tụy suốt ba thập niên, trước trong và sau khi tôi rời trại tị nạn. Tôi không bao giờ quên được những tấm lòng vàng này. Hôm nay nghĩ đến họ, tôi không biết cho đến khi nào mới được đền ơn đáp nghĩa cho phải lễ. Bởi vì họ không còn trong cuộc đời này nữa.
Ngày hôm nay, tôi có cơ hội trò chuyện với một người bạn cũ. Chúng tôi trao đổi nhau về ý nghĩa Valentine, và những câu chuyện tình thật hay và ý nghĩa. Tôi kể cho cô nghe về hai vị ân nhân của người Việt tị nạn mà bây giờ đã khuất. Cô hỏi tại sao hôm nay tôi lại nhắc về hai người này. Tôi im lặng. Và thật tình không hiểu vì sao ! Có lẽ trong tìm thức. Chỉ biết rằng tình yêu thương cao thượng của họ đã chuyển hóa tôi. Họ đã sống trong tôi, giống như Mẹ tôi, cô giáo chủ nhiệm của tôi, đã sống trong tôi.
Tôi hỏi cô về đường tình duyên của cô, cô có hạnh phúc không. Cô cho biết người cô yêu thì, vì bối cảnh ngoặc nghèo, anh không thể lấy cô. Người yêu cô bao năm trời, thì cô lại không yêu, nên sau đó còn ôm mối hận trong lòng. Rốt cuộc cô lập gia đình với một người thương cô tràn đầy và hy sinh nhiều về cô, và cô cũng thương yêu anh ấy, nhưng hạnh phúc thật sự thì cô không chắc !
Tình yêu quả là… không đơn giản. Có mấy ai yêu, và được yêu, để sống bên nhau suốt đời. Không cần 100 năm hạnh phúc ! Chỉ cần vài năm, mười năm, hai chục năm, nhưng những năm tháng ấy thật sự yêu nhau. Đó cũng là diễm phúc rồi !
Thật ra, nếu so sánh, thì thế hệ hôm nay thật may mắn. May mắn hơn các thế hệ trước nhiều. Chỉ trong vòng vài thập niên hoặc hai ba thế hệ trở lại, con người có được nhiều quyền và tự do hơn, trong đó quyền được yêu và chọn người bạn đời của mình. Còn trước đó việc cưới hỏi vẫn chủ yếu được dàn xếp giữa người đứng đầu của hai gia đình, ở khắp nơi, nhất là những nơi mà "truyền thống" vẫn còn mạnh mẽ. Ngày hôm nay tuy một số nơi trên thế giới vẫn còn giữ quan niệm này, nhưng quyền được yêu thương đã trở thành quyền căn bản phổ quát của con người. Cho nên các cuộc hôn nhân không thể phủ nhận là không có tình yêu thật sự. Nhưng tỷ lệ hôn nhân đổ vỡ đưa đến ly dị nhau sau vài năm, hay lâu hơn, vẫn là con số đáng quan ngại.
Điều đó đưa đến câu hỏi căn bản : trong một hôn nhân, yêu nhau là đủ, hay cần phải thương nhau nữa ?
Ông Nguyễn Hưng Quốc đã chia sẻ một suy nghĩ ngắn về điều này vào ngày 14 tháng Hai vừa qua. Ông viết :
Để dịch chữ "love", trong tiếng Việt có hai chữ : yêu và thương. Chúng khác nhau thế nào ? Theo tôi, khác chủ yếu ở chỗ : "Yêu" bao hàm ý niệm chiếm hữu và có tính chất độc quyền, còn "thương" thì không. Mẹ thương con, càng nhiều người thương con, mẹ càng mừng. Nhưng vợ yêu chồng thì dứt khoát chỉ có một, không ai được quyền chia sẻ cả. Yêu nước cũng vậy : người ta không chấp nhận sự chia sẻ với các nước khác. Có điều, đến lứa tuổi nào đó, giữa các cặp tình nhân hay vợ chồng già với nhau, người ta thường dùng chữ "thương" hơn là "yêu" : Với họ, lúc ấy, chữ "thương" sâu đậm và đằm thắm hơn, trong khi chữ "yêu" lại có vẻ hơi sáo. Phải vậy không ?
Độc quyền, dưới bất cứ hình thức nào, đều có khả năng trở thành ích kỷ và hủy hoại.
Bao dung, dưới bất cứ hình thức nào, đều có khả năng quy tụ và xây dựng.
Có phải vì thế mà trong hôn nhân cần có cả hai, yêu và thương, để có thể sống mãi hạnh phúc bên nhau, cho đến "răng long đầu bạc" ?
Hỏi thì hỏi, nhưng tôi thật sự không biết câu trả lời. Tình yêu không có một khuôn thước mẫu mực gì để làm tiêu chuẩn, để đo lường được. Cho đến tuổi này, tôi cũng không biết mình có bao giờ đã từng yêu thật chưa, và được yêu thật chưa ? Tôi không nghĩ nhiều về tình yêu, nhưng lại ngẫm nhiều về tình thương. Tôi dễ cảm động trước những tình thương cao thượng giữa con người với nhau. Khi có tình thương và lòng trắc ẩn, chúng ta đều mong muốn những gì tốt đẹp nhất cho người mình thương. Khi có sự ghen ghét hận thù trong lòng, chúng ta dễ rơi vào vòng suy nghĩ tiêu cực, có khi trù ẻo, mong đợi những gì xấu nhất xảy ra cho người đó.
Có thể tôi sai, nhưng tôi có cảm tưởng rằng tình yêu thương ngày nay trở thành một thứ khan hiếm. Hiển nhiên có bao người vẫn tiếp tục rao giảng tình yêu thương, trong tôn giáo, xã hội, từ thiện v.v… Điều đó không thể chối cãi. Nhưng quan sát qua mạng xã hội, với bao nhiêu tin tức tiêu cực, vốn là bản chất của tin tức, người ta dễ dàng bị cuốn vào cái vòng bên này bên kia, thù nghịch, rồi nhìn đâu cũng thấy màu đen, cũng có cảm tưởng như mình đang bị đe dọa, tấn công. Thật sự thì thế giới bên ngoài không giống như vậy. Tôi vẫn tin người tốt vẫn hiện hữu ở khắp nơi. Tính bản thiện vẫn là gốc con người, giúp chúng ta tồn tại cho đến hôm nay.
Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm ơn tôi vẫn còn đây, để có thêm một ngày nữa yêu thương. Tôi mong chúc cô bạn tôi, và bao nhiêu người khác, mỗi ngày sống để và được yêu thương, chứ không riêng gì ngày 14 tháng Hai hàng năm. Và tôi cũng mong tình yêu thương cho con người Việt Nam, cho đất nước Việt Nam, ngày càng nhiều, để cuốn sạch đi những hận thù do ý thức hệ giáo điều và những hành xử độc ác hủy diệt người Việt trong thế kỷ qua, để Việt Nam được cất cánh thăng hoa.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 18/02/2020