Ngày 24/02/2022, Việt Nam lên tiếng "hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine" và "kêu gọi các bên lên quan kiềm chế", "không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình". Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chỉ đưa ra lời kêu gọi chung chung, tránh lên án Nga, đồng minh lớn nhất của Hà Nội.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Moskva, Nga, ngày 30/11/2021. AP - Mikhail Klimentyev
Việc Nga tấn công Ukraine có đẩy Việt Nam vào thế khó xử không ? Hà Nội có phải đề phòng những nguy cơ tương tự trong tương lai với nước láng giềng Trung Quốc ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM), về chủ đề này :
*****
RFI : Trước việc Nga dồn quân tấn công Ukraine, kêu gọi quân đội đảo chính và liệt tổng thống Zelensky là "kẻ thù số 1" cần triệt hạ,Hà Nội cho biết "hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine". Ông nhận định như nào về tuyên bố này ?
Benoît de Tréglodé : Trước hết, chính phủ Việt Nam đang ở trong thế khó. Nga là đồng minh chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Hà Nội có thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Moskva và đây là một trong ba thỏa thuận như vậy mà Việt Nam ký, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Nga và Việt Nam thực sự ở cấp hợp tác chiến lược rất quan trọng.
Nhưng song song đó, người ta lại thường quên là Việt Nam cũng có mối quan hệ rất chắc chắn với Ukraine. Về mặt thương mại, Ukraine là một thị trường quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang Châu Âu và cũng là quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ chiến lược hữu hảo. Một phần công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ nằm trên lãnh thổ Ukraine, có nghĩa là của Ukraine hiện nay.
Đúng là Việt Nam đang ở thế khó trong cuộc khủng hoảng này vì Việt Nam có lợi ích từ cả hai bên. Trong bối cảnh này, đối với Hà Nội, tìm cách chọn phe là điều không thể được. Cần biết là một phần vũ khí của Việt Nam từ những năm 1990 được hiện đại hóa nhờ các nhà công nghiệp Ukraine. Sự hiện diện này còn nằm ở chỗ rất nhiều lãnh đạo Việt Nam đã sống và tu nghiệp ở Ukraine và duy trì quan hệ cá nhân với nhiều nhân vật chủ chốt Ukraine. Nếu nhìn từ khía cạnh này, tình hình đúng là phức tạp cho Hà Nội.
Ngoài ra, hiện giờ cũng phải xem cuộc xung đột Nga-Ukraine có ý nghĩa như thế nào ở Đông Nam Á. Tại khu vực này, Nga là một nước xa xôi. Hơi khác với Việt Nam, nước Cộng Hòa Dân Chủ non trẻ được Liên Xô công nhận từ tháng 01/1950 khi còn đang chống thực dân Pháp, có mối quan hệ cụ thể với Nga, tương tự với Lào và Cam Bốt, thì đối với phần còn lại của khối ASEAN, người ta thấy phản ứng tương đối bối rối, mập mờ hoặc giảm nhẹ đi tầm quan trọng. Trên thực tế, Nga không hiện diện về thương mại, cũng ít hiện diện về quân sự ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đặt ra hàng loạt câu hỏi, trước hết về tác động đến những nền kinh tế trong vùng, về tác động có thể dẫn đến công việc sơ tán công dân những nước này sống ở Ukraine.
Cho nên, đối với Hà Nội, khủng hoảng Ukraine liên quan trước tiên đến những hậu quả kinh tế đối với kinh tế Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại lần nữa đến mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa Việt Nam và Ukraine. Chúng ta thấy là thị trường chứng khoán ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã sụt giảm mạnh ngay khi Nga bắt đầu xâm chiếm Ukraine. Tiếp theo là làm thế nào bảo vệ cho khoảng 5.000 công dân Việt Nam sống ở Ukraine, đặc biệt là ở những vùng bị tấn công trực tiếp. Ví dụ, có khoảng 100 Việt kiều sống ở Donetsk, con số này còn nhiều hơn ở thành phố Kharkov và Odessa, cũng như ở những vùng bị quân đội Nga oanh kích.
Vì thế Việt Nam phải đối mặt với một vấn đề thực sự, trước hết là xem xét tác động về kinh tế, giải quyết vấn đề an ninh cho kiều bào, tiếp theo là phải duy trì được mối quan hệ lịch sử đang khiến chính phủ Việt Nam lâm vào thế phức tạp để có lập trường thẳng thắn, rõ ràng về xung đột Nga-Ukraine.
RFI :Đối với phương Tây, Nga là kẻ xâm lược nước láng giềng Ukraine. Nhưng Trung Quốc không coi như vậy và kêu gọi hai bên đàm phán trong khi Bắc Kinh và Moskva dường như đang hình thành một trục mới. Nhìn vào hệ quả từ bối cảnh hiện nay, Việt Nam có lý do để lo ngại với Trung Quốc không ?
Benoît de Tréglodé : Để Nga xâm lược Ukraine mà không can thiệp là trao cho Trung Quốc quyền tự do hành động. Đây có lẽ phần nào là cách nhìn của Việt Nam về cuộc xung đột này : Đây là một cuộc xung đột gián tiếp. Dĩ nhiên vấn đề an ninh tập thể Châu Âu khá là xa vời với Đông Nam Á hoặc ở Châu Á, nhưng đối với phần lớn các nước trong vùng, sự kiện này dẫn đến việc suy nghĩ về cách thức phương Tây phản ứng trong kiểu xung đột đó, về ý nghĩa của những liên minh đang được đàm phán. Ở đây, cần phải nhắc đến khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, cạnh tranh thương mại và chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và trong bối cảnh cả hai cường quốc lớn nhất thế giới đang tìm cách biến Đông Nam Á thành vùng đệm.
Chúng ta thấy phản ứng của tất cả các nước Đông Nam Á là luôn cổ vũ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, khuyến khích Nga và Ukraine nối lại đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế. Có thể thấy đó là kiểu phản ứng rất thận trọng. Cũng đừng quên cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine năm 2014 với việc Kiev mất bán đảo Crimea, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vô cùng kín tiếng. Hiện nay, Hà Nội cũng không thể công khai lên án sự can thiệp quân sự của Nga do mối quan hệ giữa Hà Nội và Moskva. Nhưng đây cũng là cơ hội đánh giá mối quan hệ đối tác an ninh giữa Nga và Trung Quốc khiến Việt Nam ngày càng lo lắng từ vài năm gần đây.
Hiện đang có một cuộc tranh luận thực sự ở cấp vùng về vấn đề Ukraine và Nga nhưng tách hẳn khỏi những hoạt động mang tính quân sự ở Châu Âu. Điều mà nhiều nước Đông Nam Á, cũng như Việt Nam, đang chú ý là xuất hiện một trật tự quốc tế mới đang được hai cường quốc hiện nay là Trung Quốc và Nga thảo luận và trên thực tế, trật tự này bác trật tự truyền thống và lịch sử. Việt Nam và nhiều quốc gia khác sợ bị bắt làm con tin trong những thay đổi đó.
RFI : Hiện có một số ý kiến nêu những điểm tương đồng về vị trí địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc với trường hợp Ukraine và Nga để giải thích nguy cơ tiềm tàng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực tế quân sự tại đây không như ở Châu Âu, ví dụ không có NATO. Xin ông giải thích thêm về điểm này !
Benoît de Tréglodé : Phạm vi hoạt động ở Châu Âu và Đông Nam Á hoàn toàn khác nhau. Điểm tương đồng duy nhất giữa hai phần này của thế giới là đều có sự hiện diện của một cường quốc lớn về chính trị, quân sự và địa lý, viện cớ "mối quan hệ lịch sử cổ xưa" trong cách xử lý quan hệ với các nước láng giềng.
Đó là điểm duy nhất kết nối trường hợp Ukraine và Nga với trường hợp Trung Quốc và toàn bộ vùng Đông Nam Á. Còn lại là hoàn toàn khác. Chị nêu trường hợp NATO là vấn đề trọng tâm trong cạnh tranh giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu hiện nay với việc Ukraine bị mắc kẹt trong chính sách quốc phòng và ảnh hưởng giữa hai khối lớn. Trường hợp này hiện không xảy ra ở Đông Nam Á.
Nhưng nhìn một cách khác, cũng có thể liên tưởng đến quá trình thảo luận chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đang diễn ra với ý đồ của Mỹ, cũng như của Trung Quốc, duy trì sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á, trong khi các nước ASEAN phần nào muốn giữ trung lập, điều được ghi trong chính sách đối ngoại của họ. Thế trung lập này cũng được ghi trong chính sách quốc phòng của Việt Nam. Tôi xin nhắc lại chính sách "4 Không" trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, theo đó mọi khái niệm liên minh quân sự buộc Việt Nam chọn phe là hoàn toàn vi hiến và là điều không thể.
Dĩ nhiên những gì đang diễn ra ở Ukraine gây nhiều hậu quả và được các nước Đông Nam Á lo lắng theo dõi, nhưng theo hướng là trong tương lai, Trung Quốc sẽ tìm ra cớ gì hợp pháp nếu cần can thiệp vào những nước láng giềng, chứ không hẳn là về tình hình an ninh đang xấu đi ở Châu Âu vì điều này tương đối xa vời đối với những nước này.
RFI : Tổng thống Zelensky bất bình vì Ukraine hiện một mình chống "kẻ thù" Nga. Trường hợp của Ukraine càng giúp củng cố lập trường không nên quá xích lại gần với Mỹ hoặc với bất kỳ liên minh quân sự nào chống Trung Quốc, cũng như chính sách "4 Không" của Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé : Phản ứng của Bắc Kinh, cũng như của ngoại trưởng Vương Nghị ở Hội nghị An ninh Munich tuần trước, được Việt Nam chú ý lắng nghe. Phía Trung Quốc đưa ra lập luận là Hoa Kỳ can thiệp quá nhiều về mặt an ninh trong cuộc khủng hoảng này và làm gia tăng khủng hoảng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng đối với Việt Nam, xích lại gần phe này hay phe khác đều đi ngược với chiến lược của nước này nếu như chúng ta nhìn vào lịch sử từ 70 năm qua của Việt Nam, kể từ sau Thế Chiến II. Có bằng chứng rõ ràng đối với trường hợp điển hình là cuộc xung đột Ukraine là điều này cũng có thể nguy hiểm cho Việt Nam.
Vì thế, tôi nghĩ rằng đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ không củng cố cho khả năng lôi kéo hay huy động các nước vẫn còn chút lo lắng hoặc do dự về ý định can thiệp vào những cuộc xung đột mà không liên quan đến họ. Điều quan trọng tiếp theo là trong văn hóa chính trị của phần lớn các nhà lãnh đạo những nước này, cũng như trong công luận, họ thực sự nghĩ rằng một Nhà nước phải có phương tiện can thiệp hoặc tự vệ trong trường hợp cần thiết và trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trong trường hợp bị tấn công. Tất cả những yếu tố này được lý giải, khiến các nước Đông Nam Á cảm thấy ít liên quan nhất có thể và đưa ra lập trường gần như trung lập bằng cách nhắc đến luật pháp quốc tế cho dù kiểu can thiệp này, như Nga tấn công Ukraine, thách thức tính chính đáng.
RFI :Việc Nga điều quân tấn công Ukraine có trở thành tiền lệ cho Trung Quốc trong tương lai ?
Benoît de Tréglodé : Có lẽ không nên đưa ra những kết luận quá dễ dãi như vậy. Chắc chắn là đối với các nhà hoạch định chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cuộc chiến hiện nay ở Ukraine là một trường hợp nghiên cứu thực tế lớn, như một kiểu "trò chơi chiến tranh" (war games), cho phép họ hiểu được các nước trên thế giới có lập trường như thế nào về kiểu vấn đề địa chính trị này.
Châu Á hoàn toàn có lý khi chú ý theo dõi, nhưng không phải là về tình hình chiến sự mà để xem các nước khác, kể cả phương Tây, phản ứng như thế nào về kiểu can thiệp đơn phương, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như việc phương Tây có thể sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột ở Châu Á trong tương lai.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân Sự Pháp (IRSEM).
Thu Hằng
Người RFI, 28/02/2022
Việt Nam và Trung Quốc đang tố cáo lẫn nhau dùng "dân quân biển" để gia tăng các hoạt động lấn chiếm chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có bên nào chuẩn bị chiến tranh không ?
Khu trục hạm 016 Quang Trung của Việt Nam trên Biển Đông
Tình hình lắng dịu đầu năm 2022 là bằng chứng không bên nào muốn ra tay trước. Nhưng nếu Trung Quốc tấn Việt Nam ở Trường Sa để chiếm trọn vùng biển còn lại, sau khi đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 thì liệu Việt Nam có giữ được Biển Đông không ?
Câu hỏi này đang vất vưởng trong đầu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng cũng băn khoăn không ít đối với lãnh tụ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, vì những thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới với Việt Nam năm 1979 thời Đặng Tiểu Bình đã để lại bài học đắng cay cho Quân đội Tầu.
Nhưng kể từ khi nắm quyền ở Trung Quốc năm 2012, ít nhất là 3 lần ông Tập đã công khai tuyên bố vùng biển-đảo ở Nam Hải (Biển Đông), có diện tích 2/3 trong tổng số 3,5 triệu cây số vuông là của Trung Quốc từ thời cổ đại.
Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ yêu sách của họ Tập, và khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.Do đó, dù hai nước vẫn giao hảo khá tốt với phương châm "vừa là đồng chí vừa là anh em", nhưng thâm tâm những người cầm quyền Việt Nam cũng có lúc ước gì không phải sống bên cạnh một quốc gia có nhiều tham vọng xâm lăng láng giềng như Trung Quốc.
Bởi vì, từ khi hai nước nối lại bang giao năm 1991,sau 10 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979-1989), lãnh đạo Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng đánh chiếm nốt Trường Sa, sau khi đã chiếm 7 vị trí ở Biển Đông ngày 14/03/1988 gồm : Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Cụm đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi.
Do đó, đối với Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã "ăn sống nuốt tươi" hai phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt" mà cả hai bên đã cam kết tại Hội nghị Thành Đô năm 1990 giữa phái đoàn Trung Quốc do Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc họp với đoàn Việt Nam gồm Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng.
Hai bên cùng xây dựng
Để bành trướng ảnh hưởng quân sự ở Biển Đông, từ năm 2012 Trung Quốc đã tân tạo 7 vị trí chiếm đóng thành căn cứ quân sự có quân đội trấn giữ và bến cảng cho tầu neo đậu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở rộng các đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi và xây ở đó 3 sân bay có khả năng cho máy bay quân sự và dân sự sử dụng. Cả 3 sân bay đều nằm ở hướng đông nam Vũng Tầu và đe dọa trực tiếp đến quân Việt Nam đồn trú ở Trường Sa.
Như vậy, cùng với sân bay lớn ở Hoàng Sa ở phía bắc, Trung Quốc đã có 4 sân bay ở Biển Đông. Máy bay chiến đấu từ các căn cứ này là mối đe dọa cắt đứt liên lạc và tiếp vận của Việt Nam từ đất liền ra hải dảo. Một hệ thống hỏa tiễn phòng không và đài kiểm soát không lưu cũng đã được Trung Quốc thiết lập ở Hoàng Sa và Trường Sa để chống Mỹ và đe dọa an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Việt Nam cũng thiết lập được một sân bay ở đảo "Trường Sa lớn" nằm cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (470,4 km) và cách Vũng Tàu hơn 500 km theo đường biển. "Trường Sa lớn" là đảo to thứ bốn, sau Bến Lạc, Thị Tứ và Ba Bình thuộc Quần đảo Trường Sa.
Ngoài ta Việt Nam cũng đã xây dựng và tân tạo nhiều vị trí chiến lược, trong số 21 đảo và đá do Việt Nam kiểm soát ở Trường Sa gồm : các đảo An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Sơn Ca, Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Cô Lin, và các đá, hay rạn san hô, gồm: Đá Đông, Đá Lát, Đá Len Đao, Đá Lớn, Đá Nam, Đá Núi Thị, Đá Núi Le, Đá Phan Vinh, Đá Tây, Đá (Bãi) Thuyền Chài, Đá Tiến Nữ, Đá Tốc Tan và Đảo Trường Sa Đông.
Theo ghi nhận của Bách khoa Toàn thư mở thì từ : "1990 đến 2008, Việt Nam kiểm soát thêm 10 điểm, từ 2008 đến 2014 thì kiểm soát thêm 18 điểm tại quần đảo. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ, đến năm 2015, Việt Nam đã mở rộng khu vực kiểm soát lên 48 đảo, cồn và rạn san hô. Nhóm đảo này được gộp vào thành một huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa".
Đe dọa quân sự
Trước thế yếu của Việt Nam, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát Biển Đông, không bằng chiến thuật đánh lớn mà sử dụng lực lượng "lính áo xanh", hay "dân quân biển" xâm nhập vào biển của nước khác để gây tranh chấp rồi chiếm đóng.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế về Biển Đông thì đội quân này là những cựu chiến binh Trung Quốc được huấn luyện đánh bắt hải sản. Họ được vũ trang để đóng vai ngư dân chống các thuyền đánh cá nước lân bang, đồng thời chống cự lại lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam và các nước khác.
Chiến thuật "quân sự hóa ngư dân" của Trung Hoa đã xẩy ra vào tháng 6 năm 2012 khi lực lượng đánh cá Trung Hoa, được các tầu Hải quân bảo vệ, đã chiếm bãi cạn Scarborough hay đảo Hoàng Nham do Phi Luật Tân kiểm soát ở Trường Sa.
Bãi cạn Scaborough/đảo Hoàng Nham nằm cách bờ tây đảo lớn của Philippines 230 km và cách Trung Quốc hơn 800 km về phía bắc. Đây là một cụm san hô và đá ngầm, nằm cách bờ biển phía bắc đảo Luzon của Philippines hơn 220 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km.
Tổng số quân dân quân biển của Trung Quốc không rõ rệt, mặc dù đang có khoảng 187.000 tầu đánh cá bằng sắt sơn mầu xanh xuất phát từ Bộ tư lệnh Hải quân ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) đang hoạt động ở Biển Đông.
Vì vậy, đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam) của Đảng cộng sản Việt Nam đã tố cáo : "Thay vì sử dụng tên lửa hay máy bay không người lái để chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể ở Biển Đông, Trung Quốc tận dụng tối đa lực lượng dân quân biển và ngư dân phục vụ cho thực hiện "chiến thuật vùng xám" của nước này" (VOV, ngày 14/04/2021).
Đến ngày 30/11/2021, VOV lại báo động : "Trung Quốc đang tăng cường hoạt động của lực lượng dân quân biển – lực lượng bên ngoài thì có vẻ là tham gia các hoạt động đánh bắt cá thương mại nhưng thực chất là phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của nước này".
Dân quân biển Việt Nam
Việt Nam cũng đã thành lập "hải đội dân quân biển" đầu tiên trong cả nước tại tỉnh Kiên Giang ngày 09/06/2021.
Theo báo Tuổi Trẻ online thì : "Sáng 9/6, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định của tư lệnh Quân khu 9 về việc thành lập hải đội dân quân thường trực tỉnh Kiên Giang. Đây là địa phương đầu tiên trong 6 địa phương ven biển được lựa chọn thành lập hải đội dân quân thường trực trong giai đoạn 1".
Báo này trích lời ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết :"Lực lượng dân quân thường trực trên biển còn có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp với các lực lượng khác làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường, ngư dân. Phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tham gia cứu hộ, cứu nạn, vận tải, tiếp tế trên biển, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo…".
Theo Tuổi Trẻ online : "Ngoài tổ chức thành lực lượng tương đương với lực lượng dân quân tự vệ ở các địa phương, hải đội dân quân thường trực của Kiên Giang được trang bị 9 tàu làm nhiệm vụ, trong đó có nhiều tàu công suất lớn đảm bảo đáp ứng hoạt động làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng ở các vùng biển xa bờ, trong điều kiện thời tiết biển động mạnh".
Vẫn theo báo này thì : "Kiên Giang là tỉnh ở cực Tây Nam của Việt Nam, có vùng biển rộng 63.000km2, có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước với khoảng 8.000 tàu. Vùng biển Tây Nam có vị trí chiến lược cả về kinh tế lẫn an ninh, quốc phòng".
Mặc dù vậy, không ai biết Việt Nam đã tổ chức được bao nhiêu đơn vị dân quân biển như Tỉnh Kiên Giang. Nhưng tại tỉnh Thanh Hóa, nơi có nhiều ngư dân cũng đã tổ chức xong lực lượng dân quân biển.
Báo Quân đội Nhân dân viết ngày 12/10/2021 : "Các chiến sĩ dân quân biển của tỉnh Thanh Hóa vẫn được ví như những "cột mốc sống", "tai mắt" trên biển khi vừa bám biển đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, vừa tích cực tham gia cùng các lực lượng bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm qua, lực lượng này luôn được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển, đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu".
Cũng không rõ loại vũ khí nào được trang bị cho dân quân biển, nhưng tại Thanh Hóa, dơn vị này đã được tập bắn súng AK-47, song song với huấn luyện : "Phương pháp ngăn chặn các phương tiện xâm phạm chủ quyền biển, đảo ; một số hình thức cứu hộ, cứu nạn trên biển ; kỹ năng tuyên truyền cho ngư dân về biển, đảo Việt Nam ; phát hiện, xác định vị trí và cách thông báo, báo cáo các phương tiện bị nạn; huấn luyện võ thuật ; huấn luyện bắn trúng mục tiêu trên biển"...
Ngoài ra cũng có tin dân quân biển đã được tổ chức ở Bà Rịa-Vũng Tầu và Bộ Quốc phòng Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức thêm dân quân biển ở 12 tỉnh ven biển khác.
Không có tin chi tiết về hoạt động xa bờ của lực lượng dân quân biển Việt Nam, nhưng tạp chí Naval and Merchant Ships của Trung Quốc đã cáo buộc : "Lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của lực lượng này gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc".
Tuy nhiên, ngày 29/4/2021, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt phản pháo : "Việt Nam bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam.
Ông nói : "Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển và Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo".
Lực lượng đôi bên
Bên cạnh "dân quân biển", cả hai nước Việt-Trung đều có các lực lượng Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân để sử dụng khi xẩy ra chiến tranh. Việt Nam cũng có trên 1.000 lính đồn trú rải rác ở Trường Sa.
Nhưng Việt Nam không thể nào đánh thắng được Trung Quốc vì quân số ít, không đủ sân bay ở Trường Sa, và nhất là không có nhiều tàu chiến lớn và tầu sân bay như Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc có 2 tầu sân bay là Liêu Ninh, mua lại tầu cũ của Ukraine để tái chế bảo vệ phía bắc và Sơn Đông, do Trung Quốc tự chế để bảo vệ phía Nam. Tầu sân bay thứ 3 vẫn còn đang thiết kế tại xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải.
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi tầu sân bay được trang bị máy bay tấn công, máy bay trực thăng, hỏa tiễn và các đại pháo khác.
Ngoài ra Trung Quốc còn có một lực lượng tầu ngầm trên dưới 50 chiếc được trang bị vũ khí tối tân, trong khi Việt Nam chỉ có 6 chiếc tuộc loại Kilo mua từ Nga.
Tên của 6 chiếc này là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa-Vũng Tàu, được trang bị "tên lửa hành trình Kalibr. Điển hình có thể nói đến biến thể chống hạm 3M14E Klub-S có tầm bắn hơn 200km và biến thể tấn công mặt đất 3M54E có tầm bắn 300km" (theo VTC News).
Ngoài tầu ngầm, Việt Nam còn có phương tiện chiến tranh biển nào khác ?
Theo một bài viết trên báo điện tử VTC News (Đài Truyền hình kỹ thuật số) ngày 21/06/2021 thì : "Trong bảng xếp hạng sức mạnh hải quân thế giới năm 2021 của Global Firepower, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 38 toàn cầu và thứ 5 ở khu vực Đông Nam Á với 65 tàu chiến các loại".
Tuy nhiên, đánh giá của Global Firepower bị báo chí Việt Nam phê bình không chính xác. Tờ Sputnik (Tiếng nói nước Nga) viết : "Tiến sĩ Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học và xã hội cho biết, Việt Nam đang có trong tay một lực lượng hải quân hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, Quân chủng Hải quân cũng đã hoàn tất việc xây dựng các lực lượng nòng cốt gồm : tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, pháo binh – tên lửa bờ và đặc công hải quân".
"Theo dữ liệu của Global Firepower, Hải quân Việt Nam đang có trong biên chế 65 tàu chiến các loại, trong số đó có 4 tàu hộ vệ tên lửa, 7 tàu hộ vệ săn ngầm (phần lớn đã được thay tính năng), 13 tàu tên lửa tấn công nhanh, 8 tàu tên lửa, 12 tàu pháo, 5 tàu phóng lôi và một số tàu chiến khác".
Hải quân Việt Nam cũng có hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ thuộc lớp tầu Gepard do Nga chế tạo. Cả hai tầu lớn này đếu trang bị vũ khí tối tân để tấn công trên bộ, mặt nước và tầu ngầm. Việt Nam cũng sở hữu lối 25 tầu quân vận để chở lính và tiếp tế.
Vũ khí kinh tế
Ngoài sức mạnh quân sự, Trung Quốc còn có vũ khí kinh tế để đe dọa Việt Nam bất cứ lúc nào, vì hầu hết nguyên liệu Việt Nam cần để sản xuất hàng hóa đều phải mua từ Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam về các mặt hàng nông và thủy sản.
Bộ Công thương Việt Nam đã nhìn nhận thực tế này trong bản tin ngày 15/01/2021 : "Theo thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9% ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019".
Việt Nam cũng nói : "Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Động lực tăng trưởng chính của thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 chủ yếu đến từ nhóm hàng chế biến chế tạo (đạt 37,07 tỷ USD, tăng 20,06%) và vật liệu xây dựng (đạt 3,12 tỷ USD, tăng 104,09%)…
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020, tăng 2 bậc so với năm 2019. Việt Nam cũng đang là thị trường cung ứng hàng hóa lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới".
Do đó, bất kỳ sự xích mích chính trị hay quân sự nào giữa hai nước cũng sẽ là gánh nặng kinh tế cho Việt Nam. Bằng chứng này đã được chứng minh trong 10 năm chiến tranh biên giới và cuộc chiến ở Trường Sa năm 1988 giữa đôi bên.
Vì vậy, mặc dù Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cơ hội để khiêu khích và gây khó khăn cho Việt Nam ở Biển Đông, nhưng lãnh đạo Việt Nam vẫn ngậm đắng nuốt cay để chịu trận vì biết rằng, bất kỳ thái độ chống đối Trung Quốc nào cũng chỉ mang lại hậu qủa khôn lường cho bản thân.
Đó là lý do tại sao Công an và Cảnh sát Việt Nam đã ra tay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát của người dân Việt Nam chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn trước đây và ngay cả sau này.
Phạm Trần
(16/02/2022)
Lời tòa soạn : Tác giả Trần Quốc Việt gởi tới tòa soạn Thông Luận bài viết này để cậy đăng. Bài này đã được phổ biến trên diễn đàn Danlambao ngày 28/09/2016 và đã gây ra một làn sóng chống đối của những dư luận viên trong nước.
Tít bài có thể gây sốc cho người đọc, nhưng nội dung bài viết đã chỉ diễn tả lại những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam trong quan hệ đối tác với Trung Quốc, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và du lịch.
Chúng tôi khẳng định là dân tộc Việt Nam không dễ dàng cúi đầu tâm phục trước một thế lực bạo tàn nào, dù là Trung Quốc. Vấn đề của dân tộc Việt Nam hiện nay là đang bị Đảng cộng sản trói tay dẫn vào tương lai và không được quyền phản ứng.
Tác giả bài viết này đã chỉ gióng chuông báo động, vô cảm chính là sợi dây đang trói buộc dân tộc Việt Nam đi vào tương lai. Đây không chỉ là nỗi lo âu của riêng tác giả Trần Quốc Việt mà của tất cả chúng ta, những người còn quan tâm đến tương lai đất nước.
Nguyễn Văn Huy
********************
Hình ảnh một người bị trói chằng chịt quỳ trước cổng thành mở toang có thể là hình ảnh Việt Nam tương lai.
Trung Quốc đã và đang trói Việt Nam bằng muôn ngàn sợi dây dày và chắc chắn. Họ trói ta bằng sợi dây nước qua việc họ có thể bất kỳ lúc nào cũng có thể chi phối hay chặn được hẳn nguồn nước chảy xuống đồng bằng sông Cửu Long và có thể cả đồng bằng sông Hồng. Họ trên thực tế có thể ngăn chặn ta đánh cá trên Biển Đông và càng ngày càng thu hẹp ngư trường truyền thống của Việt Nam.
Nông dân Việt khóc trước cảnh khô hạn của Đồng bằng sông Cửu Long tháng 3/2016. Ảnh internet
Họ có thể chi phối hoàn toàn nền kinh tế ta mà vốn phụ thuộc toàn diện và hoàn toàn vào Trung Quốc từ thương mại, năng lượng, nhiên liệu, nhà máy và thiết bị. Sợi dây này có thể thòng vào cổ ta lúc nào họ muốn.
Họ có thể khiến ta chết hàng loạt hay từ từ vì ung thư hay làm suy yếu sức khỏe và tương lai nòi giống qua việc nhắm mắt cho phép thực phẩm bẩn xâm nhập tràn lan đến tận hang cùng ngõ hiểm của Việt Nam. Sợi dây thực phẩm bẩn càng trói chặt ta hơn khi nhiều người Việt Nam vì lợi nhuận phi nghĩa mà vô lương tâm tiếp tay với họ.
Họ buông dây trói văn hóa phủ kín lên hầu như mọi nhà người Việt khi phim họ chiếm lĩnh gần như hoàn toàn các chương trình giải trí truyền hình. Văn hóa truyền thống mai một và lụi tàn chỉ là vấn đề thời gian khi tiếng Trung vào trường học và các viện Khổng Tử mọc trên cả nước.
Sợi dây rất dài trói chặt ta từ đầu đến chân chính là sợi dây chính trị. Hơn 70 năm qua họ đã gầy dựng và nuôi dưỡng bộ máy cai trị bản xứ hoàn toàn dưới sự sai khiến của họ. Cho nên rất nhiều người Việt hôm nay vẫn còn nhận giặc làm cha và theo cha làm giặc để ăn tàn phá hại đất nước này.
Muôn ngàn sợi dây lớn nhỏ vô hình và hữu hình ấy đã và đang trói chặt Việt Nam. Những vòng trói đan kín chằng chịt ngày càng bị siết chặt từ từ cho đến lúc nào đó vì sinh tồn trước mắt chúng ta sẽ danh chính ngôn thuận tự nguyện gia nhập vào đại gia đình các dân tộc Trung Quốc. Dân Việt Nam sẽ được tồn tại như vùng tự trị dưới bóng che chở của người Hán. Giấc mộng chinh Nam bốn ngàn năm của họ đã thành. Lá cờ Trung Quốc điểm thêm một sao, bản đồ thế giới mất đi một nước.
Như trong những truyện lịch sử xưa của Tàu, những vị vua hay tướng của các nước bị vây hãm lâu dài và tuyệt đường sinh lộ thường chịu trói và ra quỳ ngoài thành để chứng tỏ sự hàng phục. Đó là hình ảnh chúng ta trong tương lai.
Nhưng biết đâu giấc mộng lớn của họ vẫn không thành nếu chúng ta vẫn còn kịp không trao chọ họ sợi dây trói cuối cùng nhưng tối quan trọng quyết định sinh tử của dân tộc mà bao vương triều Trung Quốc hằng mơ ước : sợi dây vô cảm của mình mà hiện nay chúng ta mỗi ngày càng chung nhau bện chặc hơn.
Hương án bày ra, lồng đèn giăng lên, hàng người lớp lớp chúng ta bị trói quỳ trước cổng thành chờ đợi... Đây là những hình ảnh cuối cùng của nước Việt mà con cháu chúng ta, những Trương Tam, Lý Tứ mới, sẽ xem trên truyền hình vào những ngày lễ An Nam Quy Hàng hằng năm.
Trần Quốc Việt
(13/02/2022)