Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 24 août 2020 08:24

Viết và sống

Vi Phát là một họa sĩ, nhà điêu khắc và nhiếp ảnh gia được nhiều người Việt ở Úc Đại Lợi biết và mộ mến. Có lần ông giải bày rằng ông làm "nghệ thuật vị nghệ thuật" chớ không phải để kiếm sống. Ông sáng tác vì nhu cầu và sự thúc bách để sáng tác hơn là để mưu sinh. Có đến nhà ông mới thấy điều đó. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ ngõ ra vườn, ở đâu cũng ngổn ngang những tác phẩm của ông, ở xó nào cũng có dấu ấn của bàn tay phù thủy của ông, chỗ nào cũng là khu triển lãm nghệ thuật của ông.  Không biết mai kia, sau khi ông về cội, có ai đó sẽ khám phá ra kho tàng nghệ thuật của ông không. Giá ông xuất hiện vào thời tôi còn ở bậc trung học, khi làm bài văn nghị luận với đề bài "nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh", chắc chắn tôi không thể không nghĩ tới ông.

vietvasong1

Nghệ sĩ sống chết cho nghệ thuật như Vi Phát không phải là hiếm. Có khi vì hết mình với nghệ thuật mà nhiều người mới có được cảm hứng để sáng tác. Nhưng nghệ sĩ cũng là con người. Họ cũng phải có phương tiện để sống. Với nhiều người, sáng tác nghệ thuật cũng là một nghề để kiếm cơm. Ngày nay hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng đều là những người giàu có. Họ hái ra tiền nhờ tài nghệ của họ. Điều này lại càng đúng hơn trong lãnh vực văn chương. Tôi nghĩ đến một trong những người phụ nữ giàu có nhứt thế giới hiện nay là bà J.K Rowling sau khi cho ra đời bộ tiểu thuyết giả tưởng Harry Potter. Rất có thể khi bắt tay vào việc sáng tác có lẽ người phụ nữ này không hề nghĩ đến tuyệt đỉnh của danh vọng và giàu có mà tác phẩm của bà đã mang lại cho bà. Nhưng với một số người, ngòi bút thường là cần câu để kiếm cơm. Không ngoa để bảo "nhà báo nói láo ăn tiền". Điều này hoàn toàn đúng trong các chế độ độc tài, nhứt là độc tài đảng trị cộng sản. Trong chế độ cộng sản, có nhà văn nhà báo nào mà không uốn cong ngòi bút của mình để kiếm cơm và sống còn.

Điển hình của hình tượng ngòi bút bị uốn cong trong chế độ cộng sản là thi sĩ Xuân Diệu. Nhiều người ở miền Bắc khâm phục ông. Họ nâng ông lên thành một tấm gương sáng cho giới cầm bút, bởi vì ông "sáng tác" không ngừng nghỉ. Thật ra, sai lầm lớn nhứt của ông là nghĩ rằng tài năng của một nhà văn nhà thơ tùy thuộc vào số trang sách mình viết được. Thành ra, thay vì sáng tạo nghệ thuật, ông chỉ làm một nhà sản xuất ; thay vì nhắm đến việc tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, ông lại miệt mài tăng thêm số chữ và số trang. Hơn nữa, trong khát vọng muốn làm một cái gì hữu ích cho xã hội (dĩ nhiên xã hội cộng sản) và chế độ mà ông đang cúc cung phục vụ, "ông đã đồng nhứt nhiệm vụ của một người cầm bút với nhiệm vụ của một cán bộ". Nói cho cùng, "thay vì nhắm đến những giá trị thẩm mỹ lâu dài, ông chỉ nghĩ đến việc phục vụ những nhu cầu nhứt thời và khá phù phiếm của xã hội" . Thật đáng tiếc và cũng đáng thương cho một người đã từng là một nhà thơ tài hoa hay, như Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã nhận xét, "cực kỳ tài hoa của một thời, thời 1932-45, trong Phong trào Thơ Mới" (1).

vietvasong2

Nhà thơ Xuân Diệu (2/2/1916 - 18/12/1985)

Thật ra, trong chế độ cộng sản ở Việt Nam, nhan nhản như ruồi nhặng những con người như Xuân Diệu. Như Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã phân biệt: rất nhiều người được nâng lên hàng "văn sĩ" (écrivain) ở Việt Nam thật ra chỉ là những kẻ "dụng văn" (écrivant), tức những kẻ chỉ biết xếp 24 chữ cái cho ra câu cú mà thôi ! (1).

Gần đây tôi cũng tập tành "viết lách". Tuy không bị buộc phải uốn cong ngòi bút để phục vụ cho một chế độ hay đảng phái chính trị nào hoặc phải rán nặn óc để kiếm chút cơm cháo, tôi thấy mình chưa vượt qua được ngưỡng cửa của một kẻ "dụng văn". Có lúc tôi cảm thấy ngượng đến chín người khi được ai đó tặng cho danh hiệu "nhà văn" hay "nhà báo".

vietvasong3

Nhưng tại sao tôi lại "viết lách" ? Viết để làm gì ? Có một thời tôi thích viết "nhựt ký" : ngày nào cũng ghi nhớ ngày tháng và viết xuống những cảm xúc và suy nghĩ của mình về một sự kiện hay một biến cố nào đó xảy ra cho mình hay xung quanh mình. Đọc lại thấy ngô nghê và buồn cười quá, sợ có người đọc được cười nhạo cho nên tôi xé bỏ hết. Vốn sống của tôi lại quá nghèo nàn cho nên tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc viết hồi ký. Vả lại, như một giáo sư Triết của tôi đã khuyên, khi nào biết mình sắp chết và tin chắc tư tưởng của mình không còn thay đổi nữa, lúc đó hãy viết !

Hiện nay, thỉnh thoảng tôi cầm bút hí hoáy vài trang. "Viết chơi" như nhà văn Võ Phiến đã luận bàn chớ không phải để kiếm cơm. Chẳng có lý do gì để "lách" và cũng chẳng xem đó như "di sản" muốn để lại cho hậu thế hoặc nhắm đến ai cả. Viết, với tôi hiện nay, trước hết là viết cho bản thân, là nói với chính mình.

Sở dĩ có chuyện nói với chính mình là bởi lúc nào tôi cũng nhận thấy trong tôi có 2 cái tôi : một cái tôi lúc nào cũng mách bảo tôi phải tiến tới dưới tấm bảng chỉ đường của lý trí và đạo đức và một cái tôi lúc nào cùng kéo tôi lùi lại với những bản năng thấp hèn. Đâu cần phải bị "nhị trùng bản ngã" (dédoublement de personalité) hay mắc chứng "tâm thần phân liệt" (schizophrenia) mới thấy trong mình lúc nào cũng có cuộc chiến giữa hai cái tôi ấy. Khi tôi cầm bút viết là lúc cái tôi của lý trí đang cố gắng nói phải trái với cái tôi của những bản năng thấp hèn trong tôi. Một cách cụ thể, mỗi khi tôi cầm bút, cái tôi của lý trí khuyên bảo cái tôi tham lam, ích kỷ, thù hận, vô cảm trong tôi... hãy cố gắng làm chủ những cảm xúc tiêu cực để sống cho ra người tử tế hơn. Thành ra, với tôi, viết và sống là một. Viết những gì mình cố gắng sống và sống những gì mình viết.

Tôi muốn hiểu câu nói "văn là người" (le style c’est l’homme) hay "văn dĩ tải đạo" của người Á Đông theo ý nghĩa ấy. Hay như thi sĩ Boileau (1636-1711) của Pháp đã khuyên : "Điều gì được thai nghén kỹ càng mới được bày tỏ một cách rõ ràng" (Ce qui se concoit bien s’énonce clairement). Viết là thể hiện niềm xác tín được thai nghén, hình thành và sống một cách tích cực trong cuộc sống mỗi ngày.

Chu Văn

(24/08/2020)

1. Nguyễn Hưng Quốc, Viết, tập san Việt, Cộng hòa Văn chương Thế kỷ 21, Úc Châu, 2000, trg 83 

2. Võ Phiến, Viết Chơi, tập san Việt, Úc Đại Lợi 2000, trg 134

Additional Info

  • Author Chu Văn
Published in Văn hóa