Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi còn nhớ hình ảnh rất nhiều vị lãnh đạo cộng sản (vốn vô thần) cài bông hồng thắm trong một mùa Vu Lan nào đó, trên ti vi, đương nhiên là trong một dịp các vị ngẫu nhiên đến thăm chùa vào Rằm tháng Bảy âm lịch. Tôi nhớ vậy, ở một năm nào đó, trước đại dịch Vũ Hán. Thế rồi dịch kéo qua, sau nhiều bận tưởng chừng tốt đẹp, Việt Nam trở thành cái ổ chết chóc hàng đầu thế giới và khu vực, chết không kịp ngáp. Và, tự dưng, mùa Vu Lan này, có biết bao bông hồng thắm bỗng dưng phai màu, trắng lạnh và buồn đau. Vì đâu nên nỗi ? Và, thưa các ông/bà lãnh đạo cộng sản từng gắn hoa hồng, xin hỏi các ông/bà : Vu Lan này ông/bà có định báo hiếu ?

vulan1

Đoàn công tác tặng hoa chúc mừng đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa nhân Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2566

Thử hỏi những ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long - hai đầu sỏ và rất nhiều đầu têu nhỏ hơn một chút cùng hàng loạt bầy đàn của họ rằng họ có từng nghĩ đến ngày này một cách nghiêm túc hay chưa, tức cái ngày gọi là Báo Hiếu. Và khái niệm báo hiếu nếu có, với họ nghĩa là gì ?

Trong truyền thuyết nhà Phật, sau ba tháng An Cư Kiết Hạ, các đệ tử của Đức Phật dự lễ Tự Tứ Tăng, lễ Tự Tứ Tăng tức là buổi lễ mà Tăng Đoàn ngồi lại với nhau để trình bày, chia sẻ và chiêm nghiệm những gì mình đã sở đắc sau quá trình ba tháng An Cư Kiết Hạ. Cũng xin nói thêm, khởi sự mùa An Cư vào Rằm tháng Tư, tức là mùa của côn trùng, vạn vật bắt đầu sinh nở, Tăng Đoàn sẽ tổ chức An Cư để hạn chế đi lại ở mức tối đa có thể, nhằm tránh dẫm đạp vạn vật mới sinh hoặc đang sinh nở, vốn yếu đuối, không thể trốn tránh bước chân người. Thường thì trong ba tháng An Cư, các tăng hạn chế ăn uống, tham thiền và tĩnh tâm, trì chú kinh sách là chủ yếu.

Lễ Tự Tứ Tăng năm ấy, Ngài Mục Kiền Liên kể lại với các đồng môn về việc nhìn thấy mẹ của mình bị đọa xuống địa ngục, làm kiếp ngạ quỉ, miệng to nhưng cổ bé xíu như cây tăm nhang, nuốt cơm không qua khỏi cổ và khi đưa cơm vào miệng thì cơm biến thành lửa. Ngài đau đớn vô cùng nhưng không thể cứu mẹ của mình được bởi nghiệp ai nấy gánh, nợ ai nấy trả...

Đức Phật biết chuyện, bèn kêu gọi tất cả các đệ tử của Ngài lại, bàn với họ kế hoạch nhân lúc chư tăng vừa xong đợt An Cư, công lực tu tập và năng lượng còn rất cao, thôi thì tất cả cùng hiệp lực cầu nguyện cho mẹ của Mục Kiền Liên, cùng cứu vớt lấy bà ấy. Và kết quả là mẹ của Mục Kiền Liên được cứu khỏi kiếp ngạ quỉ nhờ vào lòng hiếu từ của Mục Kiền Liên. Bởi chính lòng hiếu từ, luôn nghĩ về mẹ của Ngài đã dấy động sáu cõi và mười phương, dấy động ba ngàn thế giới và đánh động lòng trắc ẩn của các bậc tăng lữ... Chình lòng hiếu đạo của ngài đã cứu vớt mẹ của ngài. Mục Kiền Liên trở thành biểu tượng của lòng hiếu đạo.

Và cũng từ đó, ý nghĩa của mùa Tự Tứ Tăng được cộng thêm công cuộc Vu Lan Bồn, tức lễ báo hiếu của con cái dành cho bậc sinh thành. Nếu cha mẹ còn sống thì con cái sẽ bày tỏ lòng hiếu thảo của mình bằng cách chăm sóc và giúp cha mẹ hiểu thêm về kinh sách, về giá trị vô thường và Phật Pháp, giúp cha mẹ tỉnh thức, nếu cha mẹ đã qua đời thì con cháu cầu nguyện, đồng tâm hiệp ý cầu cho cha mẹ vãng sanh cực lạc.

Nói một cách khác, mọi hành động báo hiếu của con cháu đối với bậc sinh thành đều nhờ vào nghiệp lực và đức độ của con cháu. Giả sử Mục Kiền Liên là một kẻ vô minh thì cơ hội nhìn thấy khổ ải của mẹ nơi địa ngục là không có chứ nói gì đến cứu mẹ. Bởi vì thần lực và Phật tâm của ngài cao, đức độ của ngài đủ lớn nên ngài mới có đủ tri kiến, tuệ giác mà nhìn sang cõi khác, mà cứu mẹ. Nói chung, việc cứu mẹ chỉ là Quả, là biểu hiện cuối cùng, còn sự nghiệp cứu mẹ của Mục Kiền Liên lại nằm ở Nhân. Khi ngài khởi tâm thiện lành, tức là ngài đã bắt đầu sự nghiệp báo hiếu của mình. Một kẻ chưa khởi tâm thiện lành thì đừng nói tới việc báo hiếu.

Một kẻ tham quan, một kẻ có ăn học, có sự nghiệp, có danh phận trong xã hội, đối xử với cha mẹ mình rất tốt, hiếu thảo, vậy có nghĩa là đã báo hiếu cho bậc sinh thành được chưa ? Ở đây có hai hướng trả lời : Được và Chưa Được.

Được, nếu như người con có danh phận không làm điều xấu, không gây tội ác, không tạo nợ và nghiệp báo, thì lúc ấy, duyên lực cộng hưởng mà gia đình, dòng tộc, bậc sinh thành có được sẽ gia tăng, sẽ mạnh lên. Hay nói khác đi là bản thân họ là người tỉnh thức, một vị quan thanh liêm, một người tử tế, thì việc báo hiếu của họ dành cho bậc sinh thành thực sự có ý nghĩa.

Ngược lại, nếu như bản thân họ luôn dành phần hiếu hỉ cho cha mẹ nhưng lại là một quan tham, là kẻ bán nước cầu vinh, là kẻ phè phỡn trên nỗi đau đồng loại hoặc là kẻ làm giàu trên sinh mạng đồng loại. Trong trạng huống này, càng báo hiếu thì nghiệp lực của cha mẹ, dòng tộc càng nặng thêm và càng tỏ ra hiếu thảo bao nhiêu thì cha mẹ càng gánh lấy gánh nặng địa ngục bấy nhiêu.

Bởi bạn biết rằng một khi mình là quan tham, mỗi chiếc bánh, mỗi ly sữa, mỗi hộp sâm hay lọ yến... mà bạn trân quý, mua về biếu cha mẹ mình lại là thứ có được từ máu và nước mắt của đồng loại, của nhân dân, từ tiếng kêu rên xiết và oan uất của nhân dân, bạn thử nghĩ việc bạn đưa vào miệng, đưa vào thân thể cha mẹ mình, người thân của mình những thứ quà chứa đầy tiếng kêu đau đớn, chứa đầy tiếng thở dài oán hận, chứa đầy tiếng kêu cứu, chứa đầy nước mắt và máu ấy, thì cha mẹ bạn sẽ bị biến thành thứ gì ? !

Không có lòng hiếu thảo nào được dung dưỡng bằng máu và nước mắt tha nhân. Thế nhưng mọi kiểu báo hiếu của các quan tham nói riêng và các quan chức cộng sản thời bây giờ, nghe ra có vẻ chứa đầy tiếng thở dài, tiếng kêu than và thống khổ của đồng loại. Vô tình, họ đã cho cha mẹ họ, con cái họ, người thân và dòng tộc của họ nuốt oan khiên gai độc của đồng bào thông qua những lọ thức uống quí giá, những món ăn cao câp1.

Và chưa dừng ở đó, họ dùng cả những đồng tiền dính máu và tiếng kêu đau của đồng loại để đi cúng dường, cầu siêu bạt độ cho người thân, dòng tộc. Thử nghĩ, với những đồng tiền chứa đầy oan khí kia, với ý niệm gieo rắc thoạt kì thủy đã hàm chứa manh tâm và bất chính như vậy, thì việc cầu siêu chả khác nào rừa tiền, vô tình, người được/bị cầu siêu lại nhận thêm một lần nợ nần và nghiệp lực, bị đọa sâu thêm chốn địa ngục. Có lẽ chính vì vậy mà hầu hết các quan tham sau khi đi chùa để cầu siêu, sau khi đánh trống khai giảng, sau khi thắp nhang tưởng niệm các anh hùng đều có nguy cơ bị hất khỏi ghế, lột áo mão về quê, thậm chí bị đọa chốn lao lý. Bởi vì đâu ?

Bởi vì việc cầu siêu, đánh trống khai trường hay dâng hương các vị anh hùng là một việc khai minh và hiển thánh. Khai minh ở đây có nghĩa là khai sáng, vén tấm màn bóng tối cho ba ngàn thế giới, hiển thánh ở đây là làm hiện thánh tính cho ba ngàn thế giới. Một khi anh làm việc này bằng thân xác ô trọc, bằng tâm giả đối và bằng linh hồn chứa đầy xú uế của sự gian manh, xảo trá, lừa lọc, thậm chí cười trên máu và nước mắt đồng loại như vậy thì chẳng khác nào anh đang chọc giận chư thiên, anh đang coi Trời Đất là đứa trẻ con thiểu năng trí tuệ, anh muốn làm gì thì làm, muốn giả dối thì giả dối, muốn lừa phỉnh thì lừa phỉnh. Đừng tưởng Thinh không chỉ là thinh không, đừng tưởng trời đất là một cõi câm điếc !... Đó là hiểu và luận theo triết thuyết nhà Phật.

Nói như vậy để thấy rằng ông Trời có mắt, và đừng bao giờ nghĩ rằng việc mình làm không ai biết nghĩa là không có hậu quả. Hậu quả chắc chắn phải đến, nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì không bao giờ có quả tốt. Việc mình làm luôn có Trời biết, Đất biết cho dù con người có thể biết hoặc không biết.

Mùa Vu Lan năm nay, không biết có vị nào định tổ chức báo hiếu, mừng thọ rình rang cho cha mẹ không nhỉ ? ! Nếu có, nên xem lại những đồng tiền của mình có đủ sạch hay không trước khi mua quà cho bậc sinh thành (và cả những người thân) nhé !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 26/08/2023

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn
lundi, 24 août 2020 21:45

Vu Lan, mùa nhớ…

Mỗi khi đến mùa Vu Lan báo hiếu, hình tượng người cha/người mẹ xuất hiện nhiều hơn trong các bài viết, trong các dòng cảm xúc ; những bài nhạc về cái tình cảm thiêng liêng ấy như được vang lên nhiều hơn trong khoảng thời gian này.

Tổng hợp hình ảnh Lễ Vu Lan báo hiếu đầy cảm động

Tham dự một số lễ Vu Lan ở những năm trước, thật sự tôi cảm thấy có một sự gì đó vô cùng trang trọng ngay trong thời khắc ấy. Tôi nhớ, có một năm, đi Tịnh xá trung tâm ngay đúng vào lễ Vu Lan, được một bạn thuộc gia đình Phật tử cài lên ngực áo mình một bông hoa màu đỏ. Xin được mượn lời một bài viết của thầy Nhất Hạnh để có thể diễn tả cảm xúc này : "Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa".

Rồi một năm đi qua, tháng bảy lại đến, mọi người lại chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan. Với tôi, năm nay thật khác biệt so với năm ngoái. Một cảm giác hụt hẫng, một cảm giác trống vắng : tôi mất ông nội.

Có lẽ, trong cuộc đời của mình, tôi sẽ mãi mãi không quên được cái ngày chủ nhật hôm đó. Nhìn ông của tôi khó thở, máy xông với thuốc cũng không hiệu quả, nhìn ông lịm dần trong tay của mình. Và đến khi nhận được tin báo từ bác sỹ ở bệnh viện Nhân dân Gia Định, ông đã qua đời, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước (lúc còn ở bệnh viện quận Bình Thạnh) song với tôi, khi ấy, thật sự không biết mình nên làm gì ? Không lẽ, tôi mất ông rồi sao ?

Đêm hôm đó, một mình thức canh ông để sáng mai nhập quan, những hình ảnh của ký ức như vọng về.

Quên sao được hình ảnh lúc còn bé, học dốt, bị má la, ông nội can thiệp. Quên sao được những bài tập Mỹ thuật cho về nhà, tôi thì vẽ xấu hoắc, nhờ ông nội vẽ giùm để lên nộp cô. Quên sao được những lúc Nội dạy tôi học tiếng Anh năm lớp 6 ? Quên sao được mỗi khi ông nội đi chơi với phường về, mua quà cho tôi ? Quên sao được hình ảnh ông nội chở tôi trên chiếc xe đạp đi chơi vòng vòng gần nhà ?

Tôi lại càng không thể quên được hình ảnh ông nội bận áo vest, lì xì cho tôi một phong bao nhân ngày tôi lấy vợ… Tất cả tựa như chỉ vừa mới đây thôi. Tôi cảm thấy gần lắm, nhưng mỗi lần muốn với tay tới thì nó lại như dạt ra xa.

Tôi vẫn còn nhớ, cái ngày đưa tiễn ông ra lò thiêu, tôi cũng muốn khóc lắm chứ. Nhưng khi giọt nước mắt chuẩn bị chảy ra từ mắt thì tôi lại nhớ đến lời của một người nhà từng nói với tôi trong đám tang của bà cố : "Nếu con khóc, người thân mất rồi sẽ quyến luyến, khi Phật đến đón họ đi, họ sẽ không đi. Lúc đó, ma quỷ sẽ đến đón họ". Bất giác, tôi lại cố gắng kìm xuống.

Không biết rằng, nếu như ngực trái tôi cài bông hoa đỏ tượng trưng cho cha mẹ đủ đầy ; ngực phải tôi cài bông hoa trắng, như để nhắc nhớ về ông, bà của mình. Liệu có được chăng ?

Dẫu biết "sinh lão bệnh tử" là lẽ của tự nhiên, chẳng ai có thể trường sanh bất tử ? Nhưng được mấy ai yêu thương người thân mình thật lòng, khi họ mất đi, mà không khỏi xót xa, đau đớn ?

Có người từng nói với tôi rằng, họ cũng mất đi một người thân, thời gian những năm đầu, thật sự đau, nhớ nhiều lắm. Nhưng họ không biết có phải thời gian thật sự vô tình, dần dần những năm về sau, họ quên mất đi một nửa khuôn mặt người thân đã mất. Họ sợ liệu rằng, sau này, họ sẽ quên hết ? Họ không muốn điều đó.

Rồi đây, tôi cũng sẽ giống trường hợp nói trên ? Nhưng dẫu thế này đi chăng nữa, tôi vẫn tin một điều rằng, người thân mình chỉ đang chơi một trò chơi trốn tìm với mình mà thôi, họ vẫn ở đó, phù hộ và dõi theo bước chân của từng thành viên trong gia đình. Bởi lẽ, ông nội thường hay xuất hiện trong những giấc mơ của tôi, trong mơ ông luôn mỉm cười với tôi, còn tôi thì chỉ biết khóc.

Có lẽ chỉ khi nào mình cố tình lãng quên họ, lúc đó họ mới thật sự là không còn nữa.

Năm nay, Vu Lan lại về…

Minh Trí

Nguồn : VNTB, 24/08/2020

Additional Info

  • Author Minh Trí
Published in Văn hóa