'Tất cả các năm Đinh Dậu trong lịch sử Việt Nam đều báo hiệu một điều thay đổi, vì vậy cho nên chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi', đó là điều mà một nhà nghiên cứu Hán Nôm, đồng thời là chủ blog 'Chú Tễu' chia sẻ trong một chương trình mạn đàm đầu Xuân với BBC Việt ngữ hôm 05/02/2017.
Tết nguyên đán và đầu Xuân luôn là những dịp đặc biệt cho các lễ hội và hoạt động gắn kết cộng đồng ở Việt Nam.
Tán thành với một khách mời cùng dự cuộc tọa đàm hôm Chủ Nhật, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội nói :
"Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà văn Võ Thị Hảo khi nói rằng đất nước Việt Nam hiện nay đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là về kinh tế, văn hóa và xã hội.
"Điều này đòi hỏi là những nhà lãnh đạo cần phải thay đổi. Nếu không tạo ra một sự thay đổi... trên một cục diện lớn, sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng chìm đắm vào trong một sự lạc hậu, cổ hủ, nghèo nàn và bất công trong xã hội ngày càng lớn.
"Và sự thay đổi này đang đặt ra như một tối hậu thư đối với những nhà lãnh đạo và nếu như không có sự thay đổi thì đất nước Việt Nam sẽ ngày càng đi xuống, một cách như là xuống dốc không phanh", nhà nghiên cứu Hán Nôm và Ca Trù nói với BBC.
'Tín hiệu đổi mới'
Mới đây nhân đón Tết nguyên đán và trong dịp đầu Xuân Đinh Dậu, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam ở trung ương và địa phương đã xuất hiện trên truyền thông, trong đó có nhà lãnh đạo xuống ruộng cày máy, có vị tham gia trồng cây, có vị chuẩn bị tham dự lễ phát ấn, trong lúc các vị khác tranh thủ đầu Xuân năm sớm đưa ra các chỉ thị, chỉ đạo như ở Hà Nội là yêu cầu chấm dứt nhanh không khí vui Tết, còn tại Sài Gòn là ngăn chặn bảo kê thu mua sữa ở Củ Chi v.v...
Tết xong, người dân mọi miền ở Việt Nam lại bắt tay trở lại nhịp sống thường nhật.
Bình luận về 'tín hiệu đổi mới' nhân năm mới và liên quan vài khía cạnh ở trên, nhà văn Võ Thị Hảo từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức nói với BBC :
"Một tín hiệu nói rằng nếu không đổi mới sẽ chết, bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam phải làm việc đó như thế nào ?
"Họ có thực lòng hay không, hay chỉ là đổi mới râu ria, để rồi tình hình lại tệ hơn và chế độ, hệ thống tư bản thân hữu, hệ thống tư bản 'hoang dã, man rợ', hiện nay đang 'thoán đoạt' những lãnh đạo ở Việt Nam, thì nó sẽ còn tàn hại người Việt Nam đến mức nào ?
"Và chữ 'chủ nghĩa tư bản thân hữu' không phải là từ của tôi nghĩ ra, đấy là từ đăng trong một Tạp chí Cộng sản năm 2015 của ông Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, họ đã nhận ra, nhưng mà từ đó, họ vẫn không làm. Vậy thay đổi bây giờ là thay đổi như thế nào ?
"Tôi quan tâm đến những việc đó hơn, còn những chuyện đi cày ruộng hay là trồng cây, tất cả những trò đó đều hết sức hình thức và 'vớ vẩn'.
"Cái quan trọng nhất là hãy cứu nước Việt Nam và tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo đừng nghĩ rằng họ không phải là nạn nhân của thể chế Việt Nam hiện nay và trong khi cứu nước thì họ cũng phải tự cứu mình. Tôi nghĩ điều đó quan trọng hơn", nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo chia sẻ với BBC từ thủ đô nước Đức.
Quốc Phương
Nguồn : BBC tiếng Việt, 06/02/2017
Thư chủ nhiệm
Một khởi hành mới
Trang báo điện tử Thông Luận mới này ra mắt vào đúng ngày Tết Nguyên Đán Đinh Dậu như chúng tôi đã chọn để cùng với độc giả và thân hữu khởi hành vào một năm mới và giai đoạn mới.
Nhưng trước hết đây là dịp để ban biên tập Thông Luận thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúc quý độc giả và thân hữu một năm mới an khang hạnh phúc và để chúng ta cùng chúc đất nước một sức bật mới trong cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ.
Trang báo điện tử này không chỉ thay thế trang báo cũ đã bị chiếm đoạt bởi một số người phản bội tổ chức, nó còn là một cố gắng để đáp ứng đòi hỏi cải tiến giao diện cũng như hiệu năng của Thông Luận như nhiều thân hữu đã nhận xét.
Thông Luận từ ngày ra đời cách đây 29 năm là một tờ báo thông tin và nghị luận chính trị với niềm tin nền tảng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là sức mạnh chính của đối lập dân chủ Việt Nam trước bộ máy thống trị đồ sộ của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự trung thực. Thông Luận đã luôn luôn và sẽ mãi mãi trung thực trong cả thông tin lẫn bình luận.
Nhưng Thông Luận cũng không phải là một tờ báo bình thường mà còn là cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị. Mục đích của nó cũng đồng thời là bằng những phân tích chính xác góp phần thuyết phục và động viên thật nhiều người tham gia cuộc vận động dân chủ. Nhu cầu động viên này đang đặc biệt quan trọng trong lúc này. Chúng ta không chỉ bắt đầu một năm mới, chúng ta cũng bắt đầu một giai đoạn mới đầy ẩn số, thử thách cũng như hy vọng.
Hoa Kỳ vừa có một tổng thống mới rất đặc biệt với chủ tâm chỉ biết đến quyền lợi của nước Mỹ, buông lỏng những quan hệ đồng minh sẵn có với các nước dân chủ và từ khước mọi nghĩa vụ quốc tế nếu quyền lợi của Hoa Kỳ không bị đe dọa. Sự thay đổi lãnh đạo này dĩ nhiên không chỉ ảnh hưởng lên nước Mỹ mà lên cả thế giới bởi vì, như chúng tôi đã nhận định trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Hoa Kỳ có sức mạnh áp đảo nên quốc gia nào cũng có vấn đề Hoa Kỳ của mình.
Đối với Việt Nam vấn đề Hoa Kỳ này là ít nhất trong thời gian trước mắt những người dân chủ không nên mong đợi một hậu thuẫn đặc biệt nào từ Mỹ cả, và chúng ta cũng không thể hy vọng một sự cổ võ nào từ Châu Âu và các nước dân chủ khác bởi vì chính họ cũng đang bối rối trước chủ thuyết tự cô lập của chính quyền Trump. Nhưng nếu chúng ta đạt tới được kết luận dứt khoát là không nên chờ đợi gì nhiều ở các cường quốc dân chủ thì đó quả là một bước tiến lớn, bởi vì dù Trump hay một tổng thống Mỹ khác thì thực tế vẫn thế, Việt Nam có dân chủ hay không vẫn chủ yếu là do người Việt Nam. Thời đại các nước mạnh quyết định, hay tiếp tay dựng lên, chính quyền tại các nước yếu đã qua rồi, hy vọng ở các thế lực bên ngoài chỉ khiến chúng ta thụ động và làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa.
Vả lại "hiệu ứng Donald Trump" chưa chắc đã bất lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam. Nếu chúng ta không hy vọng gì ở ông thì chế độ cộng sản lại rất vất vả với ông. Donald Trump sẽ tìm đủ mọi lý cớ, kể cả những vi phạm nhân quyền, để giảm bớt trao đổi thương mại giữa hai nước trong khi kinh tế Việt Nam đã quá lệ thuộc thị trường Mỹ. Khối thặng dư mậu dịch 30 tỷ USD của Việt Nam đối với Mỹ - tương đương với 20% GDP và 60% tổng chi ngân sách - đang là thực phẩm nuôi sống chế độ. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không thể hy vọng dựa vào Trung Quốc để duy trì chế độ toàn trị, ngay cả với cái giá là hy sinh chủ quyền, bởi vì chính Trung Quốc sẽ là nước gặp nhiều khó khăn nhất do chính sách mới của chính phủ Donald Trump.
Những người dân chủ Việt Nam càng không có lý do gì để lo ngại vì, nếu nhận định một cách chính xác thì từ trước đến nay hậu thuẫn của cuộc vận động dân chủ không phải là một cường quốc nào, dù là Mỹ hay Châu Âu, mà là khuynh hướng dân chủ hóa toàn cầu và khuynh hướng này chỉ mạnh lên chứ không hề yếu đi. Mặt khác niềm tin của anh em chúng tôi là Donald Trump và các tỷ phú trong chính quyền của ông sẽ không thể làm tất cả những gì họ muốn làm. Tổng thống Mỹ không có nhiều quyền như ông tưởng và chính ông cũng sẽ nhận ra rằng nước Mỹ cũng rất cần thế giới và do đó không thể bất chấp thế giới. Một trật tự dân chủ toàn cầu cũng cần thiết cho chính nước Mỹ.
Nhưng đó là vấn đề của nước Mỹ, chúng ta chỉ cần biết để đừng ngạc nhiên thôi chứ đó không phải là điều quan trọng đối với chúng ta. Điều quan trọng đối với chúng ta là phong trào dân chủ đã yếu đi trong năm qua thay vì mạnh lên dù Đảng Cộng sản đã phơi bày sự chia rẽ nội bộ qua Đại hội 12 và dù chính quyền cộng sản đã xử lý một các rất tồi tệ trong thảm kịch Formosa. Đó không phải là vì khát vọng dân chủ yếu đi mà vì đối lập dân chủ Việt Nam đang trải qua một giai đoạn xét lại cần thiết để đánh tan những ngộ nhận tai hại như hy vọng cải tổ một chế độ không thể cải tổ, hay nghĩ rằng các tổ chức xã hội dân sự có thể thay thế các tổ chức chính trị, hay tưởng rằng có thể đấu tranh chính trị mà không cần có tổ chức v.v.
Trang báo điện tử này, cùng với Blog Thông Luận https://thongluan2016.blogspot.fr và trang FB Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ là dụng cụ để Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đóng góp cho cuộc xét lại khó khăn nhưng giải thoát này.
Một lần nữa xin chúc quý độc giả và thân hữu một năm Đinh Dậu an khang.
Nguyễn Văn Huy
Chủ nhiệm