Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 19 juin 2023 14:40

Y Bion & Miền Sơn cước

Sổ Tay Thượng Dân K’ Tien 

"Buôn đẹp như một bức tranh với 36 mái nhà sàn xếp hàng đối xứng bên con đường đất pha cát mịn màng. Bao quanh buôn là cánh rừng già kèm theo dẫy núi Ch Pá… Bước đến Buôn Um là chạm vào chân rừng, gặp không khí mát dịu, nghe tiếng chim lảnh lót ríu ran muôn điệu và cả tiếng suối róc rách. 

ybion1

Nhìn lên rừng xanh um, tầng tầng lớp lớp thâm nghiêm. Nhìn xuống thung lũng cuối buôn thấy mượt mà lúa nước… Buôn Um có từ lâu lắm rồi, từ thời cây rừng trên núi Ch Pá mới to bằng thân người. Đến giờ cây đã to bằng năm, bằng bẩy thân người chập lại. 

Ở đâu phá rừng làm nương làm rẫy, mặc họ, còn ở Buôn Um dân làng từ thời trước cả thời ông bà, đến thời con cháu bây giờ đã nói với nhau lời thề giữ cánh rừng nguyên vẹn. Những khi cần đất làm rẫy, bà con chỉ dám đốt những khoảnh đất cỏ tranh, vài đám rừng bụi lúp xúp…

Nhưng câu chuyện về cánh rừng Buôn Um đã chuyển qua một hồi khác, với một số phận khác. Đó là năm 1999, cánh rừng Ch Pá đang yên ả, xe máy từ đâu ầm ầm kéo tới. Xí nghiệp khai thác chế biến lâm sản K. ủi đường vào rừng khai thác gỗ. Dân làng ngơ ngác…" (http://www.vov.org.vn/2002_03_vietnamese/xahoi.htm).

Nạn lâm tặc, cướp rừng, không chỉ xẩy ra ở Ch Pá. Người dân ở buôn Um cũng không phải là những kẻ duy nhất bị bức hiếp và đẩy đến chân tường. Con giun xéo mãi cũng oằn. Cuối cùng, vào tháng 2/2001, hàng vạn người dân miền núi đã phải đứng dậy bầy tỏ thái độ bất bình của họ với nhà đương cuộc Hà Nội.

Thay vì xét lại chính sách hà khắc cùng thái độ ngang ngược của mình, đảng cộng sản Việt Nam (với bản chất hung ác và xấc xuợc cố hữu) đã đàn áp, săn đuổi, bắt giữ và tra tấn nạn nhân. 

Những người tham dự vào những cuộc biểu tình hồi tháng 02/01 bị "đấu tố" bằng cách ép buộc đứng nhận tội trước làng và thề sẽ thôi liên lạc với người bên ngoài cũng như sẽ từ bỏ tôn giáo của mình [Villagers who had participated in the February 2001 demonstrations were forced to stand up in front of their entire village and local authorities to admit their wrongdoing, pledge to cease any contacts with outside groups, and renounce their religion – Vietnam’s Repression of Montagnard (Human Rights Watch Press, New York, April 23, 2002].

Tình thế đã khiến cho nhiều người phải bỏ chạy khỏi Việt Nam. Y Bion, một chàng trai trẻ của núi rừng Cao Nguyên Trung Phần, đã lìa bỏ quê hương bản làng trong hoàn cảnh đó. Y Bion cùng với 905 người khác nữa (trong số này có một em bé mới sinh trên đường đi chuyển từ trại tị nạn Mondokiri về Phnom Penh) đã được chấp thuận định cư ở Hoa Kỳ.

Sau một thời gian bỡ ngỡ, rồi (chắc) Y Bion cũng sẽ học được một cái nghề, kiếm được một việc làm, tạo dựng được một mái ấm gia đình nho nhỏ, và sống một cuộc đời an bình – như bao nhiêu thế hệ di dân khác đã đến sống (và chết) ở đất nước này.

Mảnh đời tị nạn của Y Bion, dù bình thường và tầm thường đến thế, vẫn là niềm ước mơ xa vời (vượt tầm tay với) của hàng triệu triệu người dân Việt khác – bất kể thuộc sắc dân nào, đang sống (và chết dở) ở Việt Nam. Nhưng hoài vọng của Y Bion không dừng ở đó. 

"Đời sống Mỹ thì tốt vào lúc này. Nhưng nếu chúng tôi đi Mỹ, sau đây mọi người sẽ quên khu vực Tây nguyên và những gì xẩy ra ở đó. Tôi thì không bao giờ quên. Khi vùng Tây Nguyên được tự do, tôi sẽ quay về". Y Bion đã trả lời với phóng viên của hãng Reuters như vậy, khi được hỏi về dự tính của mình cho tương lai ("Người Thượng sẽ đi Mỹ định cư nhưng trở về khi quê hương tự do", Người Việt, Westminster, California, 2/5/2002).

Y Bion không phải là người Việt tị nạn đầu tiên (hay cuối cùng) đến Mỹ. Anh cũng không phải là người duy nhất (vừa bước chân đi) đã ôm mộng trở về xây dựng lại quê hương. Tâm sự của Y Bion, chắn chắn, đã làm nao lòng rất nhiều người – những người mà vào đầu thập niên 1980, khi phong trào vuợt biển tìm tự do lên đến điểm cao nhất, cũng đã cắn răng rời bỏ quê hương, và cũng đều đã nhủ lòng rằng : "mai này chúng ta cùng về Việt Nam".

Từ đó đến nay, hàng triệu người đã "cùng về Việt Nam" nhưng phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, đều chỉ về chơi thôi !

Tôi nghĩ là Y Bion đã nói đến chuyện trở lại cố hương với một ý hướng tử tế hơn như thế. Tôi cũng tin rằng khi về tóc của Y Bion vẫn hãy còn xanh. May mắn hơn những kẻ đã bỏ đi một hai thập niên về trước, ngày về của Y Bion không còn phải là một ước vọng xa vời nữa. Sự băng hoại của chế độ hiện hành ở Việt Nam, hy vọng, đã đến giai đoạn cuối. 

Vật cùng tất biến. Tuy vậy, sự việc không nhất thiết sẽ diễn biến theo chiều hướng an bình và tốt đẹp – nhất là ở vùng Cao Nguyên Trung Phần, nơi Y Bion đã mở mắt chào đời, và cũng là nơi mà "chỗ đứng của người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam chưa có đáp số". (Nguyễn Văn Huy, "Tìm hiểu nguyên nhân những cuộc nổi dậy của người Thượng trên Cao nguyên miền Trung", Người Việt, 11 April 2001, B2). 

Nếu đúng thế, viễn tượng "mai này chúng ta cùng về Việt Nam" để xây dựng lại quê hương e sẽ có lắm gian nan và trắc trở.

Chiều ngày 3/6/2002, đài Phát Thanh Á Châu Tự Do loan báo : "Tin tức xuất phát từ Cambodia cho biết, toán người Thượng Việt Nam tị nạn đầu tiên đã rời thủ đô Phnom Penh hồi chiều hôm nay để lên đường sang Hoa Kỳ định cư. Tin tức cho biết toán đầu tiên gồm 50 người, sẽ đến Los Angeles vào sáng sớm mai, tính theo giờ Việt Nam, và ở lại đây trong vòng 3 ngày trước khi về bang North Carolina định cư".

Y Bion, rất có thể, sẽ là một trong năm mươi người đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Ở Hoa Kỳ có hai tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của những người sắc tộc ở Việt Nam. Tổ chức thứ nhất có tên là Montagnard Foundation, Inc. Trụ sở đặt tại South Carolina – do ông Ksor Kok, người sắc tôc Gia Rai, đứng đầu. Họ chủ trương lập quốc, tách hẳn Cao Nguyên Trung Phần ra thành một quốc gia biệt lập.

Ðây cũng là đòi hỏi của tổ chức BAJARAKA  – tên viết tắt của bốn sắc dân Bahnar, Jarai, Rade, and Kaho – tiền thân của Fulro, kể từ năm 1957 (The goal of the BAJARAKA was to have a separate nation with its own administration and army. What it really means is the independence for Degar peoples) 

Tổ chức thứ hai có tên là Montagnard Human Rights Organization , thành lập năm 1998, có trụ sở ở North Carolina, do hai ông Y Bhuat Eban (chủ tịch) và Nay Rong (phó chủ tịch) lãnh đạo. MHRO có chủ trương ôn hòa và nhân nhượng hơn : đấu tranh trường kỳ bằng những phương thức bất bạo động cho đến khi nhà đương cuộc Hà Nội thừa nhận và thoả mãn những đòi hỏi sau đây :

1. Chấp nhận người Thượng là chủ nhân chính thống và hợp pháp của vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam và quyền tự trị của vùng đất này, như đã được thừa nhận bởi nước Pháp vào ngày 27/5/1946.

2. Tôn trọng quyền tự quyết, độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ của người dân Thượng.

3. Công nhận những quyền căn bản của người Thượng, như đã được bảo đảm bởi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố vào ngày 10/12/1948. 

(The MHRO will carry out a long-term struggle in peaceful means until the Hanoi government recognizes and satisfies the following demand :

1. To recognize the Montagnard people as the legal and rightful owners of the Central Highlands of Vietnam. And to recognize the autonomy granted to the Montagnard people by the French on May 27, 1946.

2. To respect the right to self-determination, independence, freedom and territorial sovereignty of the Montagnard people.

3. To recognize the basic rights of the Montagnard people that are guaranteed by the Universal Declaration of Human Rights proclaimed by the General Assembly of the United Nations on December 10, 1948)

Montangard Foundation Inc. là động lực chính của biến động 02/01, một biến động lớn nhất ở Việt Nam kể từ khi người cộng sản cướp được chính quyền. Về phía Montagnard Human Rights Organization, họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở Washington D.C. và New York vào năm 2001 để phản đối chính sách man rợ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với người dân bản địa. Sau đó, họ đã thành công trong việc vận động chính giới Hoa Kỳ để những người tị nạn ở Cao Miên (sau biến động 02/01) được phép định cư ở Mỹ.

Tôi e rằng Y Bion không hề biết đến những tổ chức vừa kể, cũng như chủ trương, và những hoạt động của họ. Hầu hết người Việt (có lẽ) cũng đều như thế. Chỗ đứng của "đồng bào" Thượng trong lòng người Kinh chưa có đáp số, đã đành ; chuyện khó đành hơn là (dường như) cũng không mấy ai bận tâm xem là họ sẽ "đứng", "nằm" hay "ngồi" ra sao cả. Cứ làm như thể họ không hề hiện hữu vậy ; hoặc giả, nếu có, cũng chỉ là "chuyện nhỏ thôi" !

Cho đến nay, theo như tôi biết (và tôi cầu mong rằng sự hiểu biết của mình hoàn toàn sai sót), Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức duy nhất ở hải ngoại có đề cập đến vấn đề chủng tộc, trong Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên của họ :

"Đất nước ta tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung mới hội nhập xong từ the kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Nước ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức của ta lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh…

Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. 

Nhiều quốc gia đang và sẽ còn phải khốn đốn vì những cuộc nổi dậy cuồng nhiệt của các sắc tộc ít người vùng lên đòi bản thể. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là miền Thượng Du phía Bắc và miền Cao Nguyên Trung Phần có thể trở thành bất ổn và không phát triển được.

Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng… Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất hóa để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung… Lịch sử Việt Nam cũng phải được xét lại và được coi như lịch sử của các sắc dân đã hợp lại để tạo thành đất nước Việt Nam…" [Thành Công Thế Kỷ 21 (Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên) Paris 2001, trang 58 &59]. 

Tôi thiệt mát lòng mát dạ vì những đoạn văn in nghiêng vừa trích dẫn, dù tự thâm tâm chưa dám mong mỏi đến chuyện mọi con dân sống trên đất Việt "phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc". Chuyện "tình cảm", để đó, tính sau. Người ta ‘nhìn nhau" hoặc "coi nhau" ra sao còn tùy vào "kích thước", nghĩa là "tầm nhìn", của từng cá thể. Nhưng ở bình diện quốc gia, và về phương diện pháp luật thì mọi người người phải được đối xử tuyệt đối bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, phái tính, tôn giáo, địa phương, quá khứ hay sắc tộc gì ráo. 

Từ lâu, nhiều nước trên trên thế giới đã tạo lập được đời sống ổn định và phú túc cho dân chúng nhờ vào ý niệm bao dung và khai phóng như thế – khi đặt mọi nền móng để xây dựng quốc gia của họ. 

Tại sao người Việt (nhất là những kẻ đã có dịp sống ở ngoại quốc) không học hỏi được điều này từ những bài học đó ? Tại sao đến hôm nay người Việt (bất kể Kinh/Thượng) phải trở lại với cái ý niệm "tự trị", và những phân định của người Pháp – từ tiền bán thế kỷ XX – về một vùng đất mà họ phân định là P.M.S.I. (Pays Montagnards du Sud Indochinois) hay gì gì đó. 

Đó chả qua là sách lược chia để trị, tiện lợi cho họ, vào thời điểm cũ mà thôi. Sao cứ nghe đến người Pháp và những phần đất được gọi là Bắc Kỳ, Trung Kỳ hay Nam Kỳ Tự Trị… là tự nhiên tôi muốn… ói !

Tôi cũng không tin rằng thành lập một quốc gia riêng ở Cao Nguyên Trung Phần, với dân số vài trăm ngàn người, bao gồm hơn bốn mươi sắc dân riêng biệt (Bahnar, Jarai, Rhade, Koho, Sedang, Bru, Pacoh, Ktu, Jeh, cua, Halang, Hre, Rongao, Mnom, Roglai, Cru, Monong, Lat, Sre, Nop, Maa, Stieng, ect…) giữa một vùng đất không có đường thông thương với thế giới bên ngoài là một giải pháp thực tế và khả thi – ít nhất thì cũng trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này cũng không mang lai lợi ích thiết thực (cho bất cứ ai) mà chỉ có nguy cơ tạo ra bất ổn và chiến tranh, nhất là nội chiến. 

Tôi xin lỗi vì thái độ hơi thiếu tự chế của mình qua những giòng chữ (chuyên chở quá nhiều xúc cảm) như vừa viết. Chả qua vì tôi đã thất vọng quá, thất vọng não nề, và thất vọng đến cùng cực về cách mà dân Việt (nói chung, chứ chả riêng chi người không cộng sản) cư xử với nhau, nhất là đối với những "đồng bào" kém may mắn của mình – nơi miền sơn cước.

Tôi cũng xin được tha thứ, nếu sai lầm, vì đã không ủng hộ đòi hỏi tự trị hay lập quốc của những cư dân ở Cao Nguyên Trung Phần. Đúng ra, đây là những vấn đề mà thứ thường dân (như tôi) có lẽ không nên lạm bàn. (Chúng sẽ được bàn cãi và đi đến chung quyết bởi Quốc hội Việt Nam, mai hậu, với đầy đủ qúy vị dân biểu của mọi sắc dân). 

Tuy nhiên, vì đã lỡ bàn (với tất cả chủ quan), tôi đành "bàn" tiếp. Người Thượng chỉ có một chỗ đứng duy nhất ở Việt Nam mà thôi. Họ đứng ngang hàng với người Kinh và với mọi sắc dân khác trên đất nước Việt. Đó cũng là đáp số duy nhất (đúng) cho bài toán chủng tộc ở Việt Nam. 

Chúng ta (có thể) không bình đẳng trong ánh mắt của nhau nhưng mọi người (bắt buộc) phải tuyệt đối bình đẳng trước pháp luật. Nếu không, tình trạng Việt Nam hậu cộng sản so sánh với hiện trạng (nếu có khác biệt) thì chỉ là ở mức độ – chứ bản chất nó vẫn là cái thứ xã hội xây dựng trên kỳ thị, bất công và áp bức.

K’ Tien (2004)

Nguồn : VNTB, 19/06/2023

****************************

Một chút tình riêng về miền Sơn Cước

Tưởng Năng Tiến, Việt Báo, 27/08/2004

Chẳng hiểu em nói cái gì

nhìn môi một cụm xuân thì cũng thương

em xinh như đóa hướng dương

mọc hoang theo lối về buôn bản nghèo

(H’na Cô Gái Tây Nguyên – PTN)

ybion2

 Tác giả những câu thơ vừa dẫn, thi sĩ Phan Ni Tấn, là một người vô cùng may mắn. Vô số kẻ đã đến miền sơn cước nhưng có lẽ chỉ riêng mình thằng chả là có mối duyên tình với nàng sơn nữ ("xinh như một đóa hướng dương") dù rằng hai bên bất đồng ngôn ngữ.

Tôi biết một nhân vật khác, cũng lặn lội lên đến cao nguyên, và đến nơi rất sớm nhưng không có cái diễm phúc tương tự. Ông tên là Văn Trí, người viết bản nhạc Hoài Thu :

("Mùa thu năm ấy

Trên đường đến miền Cao nguyên …)

vào năm 1951.

Ðà Lạt (ở thời điểm này) theo như lời mô tả của tác giả là một nơi "núi rừng thâm xuyên", với những "bầy nai ngơ ngác, lá vàng rơi đầy miên man", và… chấm hết ! Tuyệt nhiên, không hề thấy bóng dáng bất cứ một cô sơn nữ nào ráo trọi !

Tôi ra đời sau tác phẩm Hoài Thu và dưới một ngôi sao xấu. Dù sinh trưởng ở miền sơn cước, tôi chưa bao giờ có hân hạnh được trao (hay nhận) những lời yêu thương đến cô gái H’Na – như Phan Ni Tấn. Tương tư suông, nghĩa là yêu đơn phương, cũng miễn có luôn.

Tôi cũng không được cái vinh dự nhìn thấy nét man dại, trinh nguyên của một vùng đất mới như ông Văn Trí. Sự hoang dã của cao nguyên Lâm Viên, đối với những kẻ sinh sau đẻ muộn như tôi (có chăng) chỉ còn là dư âm – qua những câu chuyện kể – đại khái như :

– "Hồi đó, ở Ðà Lạt, cọp thiếu mẹ gì. Nhiều bữa, con nít đang lơn tơn đến trường bỗng thấy mấy ông cọp bự nằm chơi phơi nắng. Vậy là đám lật đật nín thở, nhè nhẹ quay lưng, và chầm chậm… đi về". 

Khoẻ ! 

Sự gần gũi (giữa cọp và người) như thế – tiếc thay – không kéo dài luôn, và cũng chả kéo dài lâu. Trong những tháng ngày thơ ấu, mỗi sáng đi học, tôi đều cầu nguyện và van xin (Phật, Chúa, Thánh, Thần…) để được nhìn thấy vài ông cọp bự – cũng đang ngồi chơi phơi nắng giữa đường – như "những ngày xưa thân ái" đó. 

Dù tôi hết sức chí tình, sự khẩn cầu này – tiếc thay – chưa bao giờ ứng nghiệm. Lòng tin của tôi vào các đấng thiêng liêng giảm sút (không ngừng) kể từ thưở ấy. 

Khi tôi được "bế" lên Ðà Lạt, vào giữa thập niên 1950, thành phố này đã bị đô thị hóa. Voi, cọp, heo, beo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, chồn… không còn chung sống với người. Người Thượng (nói chung) và những cô sơn nữ (nói riêng) cũng không mấy khi xuất hiện trên đường phố. Họ ở cách xa, nơi những bản làng heo hút. 

Văn hóa miền núi, tất nhiên, có nhiều nét dị biệt với miền xuôi ; do đó, trong giao tiếp giữa người Thượng và người Kinh (đôi lúc) đã có những hiểu lầm vô cùng đáng tiếc !

Thuở ấu thơ, tôi đã có lần chứng kiến cảnh một chàng thanh niên từ miền sơn cước xuống chợ miền xuôi, và bị "tiếng sét ái tình" với một cô gái bán hàng. Chàng đứng ngẩn ngơ, chân không thể bước. Trước tình huống đó, có người buột miệng nói đùa :

– Người Kinh không có "bắt chồng" như người Thượng đâu. Muốn "bắt vợ" thì tuần trăng sau phải mang hai con trâu tới đây mới được.

Chàng trai miền núi mừng rỡ gật đầu, hăm hở quay về. Không hiểu phải qua bao nhiêu đường đất, và gặp bao nhiêu khó khăn ở thôn bản của mình nhưng đúng hẹn chàng trở lại. Nhác trông thấy người xưa – dắt theo hai con trâu, như giao ước – cô gái vội vàng bỏ trốn !

Chờ hoài không thấy cố nhân, chàng thẫn thờ (mãi) rồi lặng lẽ dắt trâu đi. Một chuyện tình buồn thảm thiết như thế mà khi kể xong vẫn có người cười. Nói thiệt : sao tôi cười… không nổi ! Cách đùa cợt đó, ngay từ khi còn bé, tôi đã cảm thấy có cái gì rất là không ổn. Sau này, lúc đã cắp sách đến trường, cũng đã có lần tôi suýt khóc khi đọc một câu thơ trào phúng :

Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe !

Tú Xương sinh năm 1870 và mất năm 1907. Câu thơ (thượng dẫn) có thể được viết từ cuối thế kỷ XIX. Vào thời điểm này, khi mà mọi phương tiện truyền thông và giao thông đều vô cùng giới hạn nên cách nhìn lệch lạc của thi sĩ về một người đồng bào miền núi – tôi cố nghĩ – có thể thông cảm được.

Đến đầu thế kỷ XXI, theo bài viết về "Mọi" của Duy Ngọc (đọc được trên talawas) thì tình cảm của người Việt đối với "những đồng bào thuộc sắc tộc ít người’ (hoàn toàn) không có gì thay đổi : "Thử lên Tây Nguyên sống vài tháng sẽ thấy cái nhìn kỳ thị như thế trong rất nhiều người Kinh đối với các cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn còn nặng nề như thế nào".

Khỏi phải "thử lên Tây Nguyên sống vài tháng" làm chi, cho má nó khi. Cứ ngồi nhà google vài chữ – "thằng mọi, thằng mán, thằng mường" – là sẽ tìm được vô số định kiến vô cùng đáng tiếc. Tự thâm tâm, có lẽ, những người thuộc dân tộc Kinh ở Việt Nam chưa bao giờ coi đồng bào Thượng là đồng bào (thiệt) cả.

Bà Tòng Thị Phóng (khi còn là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương) cũng đã lớn tiếng kêu gọi :

"Quan tâm đặc biệt đến vùng cao, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến trước đây ; tăng cường cơ sở khám bệnh, cán bộ y tế cho các xã, thôn ấp, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số ; khuyến khích trồng và sử dụng các loại thuốc dân gian ; từng bước ngăn chặn tình trạng suy giảm dân số, suy giảm đời sống của một số dân tộc thiểu số".

Bà Phóng (cũng) nói cho nó đã miệng vậy thôi chớ sáu năm sau, theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới thì "các sắc dân thiểu số ở Việt Nam có tỉ lệ người nghèo cao hơn 5 lần tỉ lệ của người Kinh".

Cách đây chưa lâu báo Tiền Phong cũng (buồn bã) loan tin : "Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng nằm sâu trong hẻm núi xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, nơi phần lớn là người dân tộc K’dong sinh sống, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 100 km, không có học sinh nào đậu tốt nghiệp trong kỳ thi vừa qua".

Nguyên do, theo lời của thầy hiêu trưởng Nguyễn Hải Thịnh : "Đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống đào tạo có chất lượng thấp". Nói cách khác là "gạo nào cơm nấy", thế thôi.

Còn ông Phạm Tấn Hoàng, chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm : "Sơn Tây có 6/6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ nghèo đói còn 78% trên tổng số 3.706 hộ. Do địa bàn cách trở giao thông, điều kiện kinh tế học sinh khó khăn, nơi ăn ở cho học sinh chưa có nên các em không an tâm học tập".

An tâm gì nổi, hả Trời ! Đời sống có những ưu tiên sắp sẵn : ăn – mặc, ăn – học. Cơm áo lo chưa xong, nói chi đến học – mấy cha ?

Theo tường trình của Ủy ban Dân tộc  thì "người như PuPéo, Rơ-măm, Brâu chỉ còn lại… vài trăm !". Nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài "Phát triển bền vững ở Tây Nguyên"  cho biết thêm : "Người Châu ở trong thung lũng Mường Hon của núi Ngok Linh, chỉ có khoảng 80…".

Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc bản địa tự ngàn xưa. Với cuộc sống đơn giản và hài hòa với thiên nhiên, họ đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một "vòng đai xanh" cho cả nước. Cũng chính họ là những tuyến đầu, và là vòng đai an ninh cho tố quốc. Cớ sao toàn Đảng (cũng như toàn dân) tỏ thái độ khinh thị, và cương quyết tìm mọi cách đẩy họ đến bước đường cùng như thế ?

"Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc" (Lý Hồng Xuân, "Nhận diện chân dung nhà văn", Văn Nghệ, California, 2000).

"Bọn bành trướng Bắc Kinh" (xem chừng) đang sắp sửa muốn tràn sang lần nữa, và "những chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc" thì mỗi lúc lại càng tệ hại hơn ! 

K'Tien

Nguồn : Việt Báo, 27/08/2004

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến, K'Tien
Published in Văn hóa