Tôi học được nhiều bài "học làm người" từ súc vật và trẻ con.
Về súc vật thì dĩ nhiên tôi không thể không nói đến cậu chó nhà tôi. Ở trong nhà cậu hiền như Bụt. Ai đến nhà chơi, cậu cũng lân la gạ gẫm để làm quen. Với những con thú khác, ngoại trừ khi được lệnh phải săn đuổi, lúc nào cậu cũng cư xử như một con cừu non. Hai con gà ri mà tôi nuôi như thú kiểng thỉnh thoảng cũng xâm nhập vào gia cư của cậu. Cậu vẫn để yên cho chúng tự do leo lên đầu lên cổ của cậu. Ngay cả khi cậu được thưởng cho một miếng ăn ngon, hai chú gà cũng xáp tới giành giựt. Vậy mà cậu cũng chẳng buồn xua đuổi chúng. Hiền lành và "tử tế" như thế, nhưng mỗi buổi chiều khi được dắt đi làm một vòng để hòa nhập với thế giới bên ngoài thì cậu chó nhà tôi lại để lộ một bộ mặt khác hẳn. Nhỏ con, nhưng gặp bất cứ đối thủ nào, nhứt là những tay anh chị to con hơn cậu, cậu cũng đều xáp vô gây hấn và tấn công tới tấp. Nhà tôi đã vấn kiến các nhà "khuyển học" về tính khí bất thường này. Tất cả đều giải thích rằng cậu chó nhà tôi mắc phải chứng "bất an" và "lo lắng". Cậu phải đánh phủ đầu bởi vì cậu nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Cậu tỏ ra hung hãn bởi vì cậu lo sợ.
Ngay cả khi cậu được thưởng cho một miếng ăn ngon, các chú gà cũng xáp tới giành giựt. Vậy mà cậu cũng chẳng buồn xua đuổi chúng.
Thì ra thế. Suy bụng ta ra bụng người là điều có thể hiểu được. Nhưng từ cách ứng xử của thú vật mà suy diễn ra tâm lý của con người thì quả là xúc phạm. Tuy nhiên, trong sự quan sát thường ngày của tôi, tôi nhận thấy những kẻ to mồm bạo miệng có khi chỉ là những kẻ yếu nhược.
Không biết người Tây phương có ám chỉ đến những hạng người như thế không khi họ nói "chó sủa là chó không cắn" (chien qui aboie ne mord pas). Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là tâm lý chung của những nhà độc tài và các chế độ độc tài. Sở dĩ họ có đôi mắt "có hình viên đạn" như thế là bởi họ sợ hãi. Thỉnh thoảng cậu Kim Jong-un của Bắc Hàn có la toáng lên về những âm mưu đánh phá nào đó từ các thế lực thù địch bên ngoài là bởi cậu luôn sống trong lo sợ, không biết ngai vàng cậu đang bám vào sẽ sụp đổ vào lúc nào. Tôi cũng thường có một cái nhìn như thế về cựu Tổng thống Donald Trump. Càng dao to búa lớn, càng tấn công mạt sát người khác bao nhiêu, ông càng để lộ nỗi bất an và sợ hãi bấy nhiều. Sự thất bại của ông trong kỳ bầu cử vừa qua cho thấy sức mạnh đích thực không thuộc về những kẻ hùng biện nói suông nữa.
"Giờ đây, người ta không còn khen ai biết vung tay múa cẳng. Họ cần những người biết hòa giải xung đột. Người ta không còn tung hô những ai to mồm bạo miệng. Họ tán thưởng những người biết ôn tồn dùng lý lẽ để thuyết phục. Người ta cũng không còn ngưỡng mộ những ai "mày sai và tao lúc nào cũng đúng". Họ trân trọng những người dám thừa nhận "tôi đã sai" và biết nhìn vấn đề từ góc độ khác" (1).
Dám thừa nhận "tôi đã sai", tức thừa nhận "tôi đã thua" : đây là bài "học làm người" mà tôi đã học được từ đứa cháu ngoại của bà chị tôi. Cháu vừa tròn 7 tuổi và vừa bước vào năm thứ hai của bậc tiểu học. Kể từ khi biết đi và biết nói, cháu đã trở thành người bạn chơi của tôi. Bất cứ giờ phút nào tôi được ở bên cạnh cháu cũng đều trở thành những cuộc chơi, từ đánh tù tì, cút bắt, đá banh, chơi domino và ngay cả đua nhau ăn uống...
Luật chơi mà tôi cũng như mọi người xung quanh phải triệt để tuân thủ là bằng mọi giá phải thua, bởi vì trong mớ tự vựng còn nghèo nàn của cháu chưa có từ "thua". Trong bất cứ trò chơi nào, mọi người đều phải thua. Nếu không, theo kiểu ví von của luật sư kiêm nhà báo Nguyễn Hoàng Duyên, cháu của bà chị tôi lúc nào cũng bắt chước mấy tay "kéo bài ba lá" ở Chợ Cầu Ông Lãnh để đạp bàn và quơ tiền bỏ chạy bằng cách xụ mặt xuống và nghỉ chơi. Tuy nhiên, cách đây vài tuần, sau khi cháu lên lớp hai, tôi nhận thấy có một biến chuyển tâm lý tích cực đáng kể. Trong hai lần chơi cá ngựa, tôi đã cố tình không tỏ ra là người chịu nhường nhịn (nice guy) nữa. Quả đúng như tôi dự đoán, trong cả hai lần thua, cháu của bà chị tôi không còn phụng phịu, "đạp bàn" bỏ chạy nữa. Kẻ thắng cuộc dĩ nhiên không phải là tôi mà chính là cháu, bởi vì đây là lần đầu tiên cháu biết chấp nhận "thua cuộc". Chị tôi cho biết : kể từ hôm đó, biến chuyển tâm lý nơi đứa cháu gái của chị đã diễn ra một cách tích cực : nó đã hiểu rằng "thua cuộc" là một phần trong cuộc sống, nếu không muốn nói đó là phần quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sự trưởng thành nhân cách của "người bạn chơi" của tôi sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận của sự lớn mạnh trong ý thức về sự "thua cuộc" trong cuộc sống. Biết chập nhận thua cuộc là một bước quan trọng trong sự trưởng thành nhân cách.
Qua ý thức về thua cuộc nơi đứa cháu của bà chị tôi, tôi học được bài học mà tôi cho là quan trọng nhứt trong cuộc sống : đó là biết thừa nhận thua cuộc ! Quan trọng nhứt bởi vì nếu không học biết thua cuộc, con người không những làm hỏng cuộc sống của mình, mà cũng có thể gây ra bao nhiêu tai hại cho người khác. Đây là điều đã xảy ra cho ông Trump và cả nước Mỹ.
4 năm tổng thống của ông Donald Trump đã được tính sổ và tính sổ dưới rất nhiều góc cạnh. Riêng tôi, vốn xem trọng chuyện học làm người và tư cách con người, tôi nhận thấy nét nổi bật nhứt trong dung mạo của ông chính là không bao giờ biết chấp nhận thua cuộc và mọi tai họa xảy ra cho nước Mỹ đều bắt nguồn từ thái độ ấy. Cho tới giờ phút này, không biết trong nội tâm sâu kín của ông, ông có biết rằng mình đã thất cử không. Nhưng qua những lời tuyên bố cũng như hành xử của ông, ông vẫn khăng khẳng quả quyết rằng ông đã đắc cử với một cuộc chiến thắng "long trời lở đất". Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến bao nhiêu thảm họa cho nước Mỹ.
Khi đại dịch xảy ra, ông đã đối phó một cách vụng về, nếu không muốn nói là chẳng làm gì để chận đứng nó. Đây là thất bại nặng nề nhứt do ông tự tạo ra, nhưng lúc nào ông cũng huênh hoang tự cho điểm mười trên mười ! Và cũng bằng giọng điệu của mấy ông bà Việt cộng, hễ "mất mùa là tại thiên tai", "được mùa là bởi thiên tài đảng ta", lúc nào ông cũng giành chiến thắng cho mình, mặc cho đại dịch có cướp đi bao nhiêu mạng sống con người và kinh tế có suy sụp đến đâu. Với ông, chính phủ do ông lãnh đạo không bao giờ thất bại. Thất bại là do đảng Dân chủ và bọn truyền thông thổ tả hay một "nhà nước ngầm" nào đó tạo ra để hạ uy tín của ông mà thôi !
Cựu tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là người không bao giờ biết chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Tony Schwartz, nhà văn "ma" (ghostwriter) đã từng chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng của ông Trump "Nghệ thuật mặc cả" (The Art of the Deal) xuất bản hổi năm 1987, cho biết từ đó cho đến nay ông đã "theo dõi" từng đường đi nước bước của ông Trump. Ông nói rằng ngoài việc ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử nồi năm 2016, chẳng có bất cứ điều gì ông cựu tổng thống này làm, khiến ông phải ngạc nhiên cả. Trong một bài đăng trên báo The Washington Post ngày 12 tháng 11 năm vừa qua, tác giả khẳng định : "Ông ta (Trump) lúc nào cũng thế và sẽ mãi mãi như thế. Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận mình thất bại, bởi vì ông không thể" (2).
Ông Trump sẽ không bao giờ chấp nhận mình thất bại, bởi vì ông không thể
Theo tác giả Schwartz, ông Trump tự giam hãm trong một thế giới huyễn hoặc do chính ông đã tự tạo ra. Ông không thể thoát ra khỏi nhà tù ấy để nhìn nhận kết quả bầu cử bởi vì nếu ông nhìn nhận, ông bị buộc phải đối diện với sự trống rỗng mà ông đã phải suốt đời hậm hực cố gắng để lấp đầy. Trốn trong "nơi ẩn trú" của mình, ông gào thét : "Chớ có hối tiếc cho tôi. Tôi không phải là một kẻ thua cuộc".
Cũng dõi bước theo ông "trên từng cây số", bà Mary Trump, người cháu gái gọi ông bằng chú, không ngừng nói về ông chú của mình như một người không thể và không bao giờ chấp nhận mình thất bại hay thua cuộc. Là một chuyên gia tâm lý, bà Mary Trump nói rằng ông chú của bà không được phép phô bày sự yếu nhược của mình. Chính vì vậy mà ông không thể chấp nhận thất bại, cụ thể là thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Vice News dạo đầu tháng Mười Hai vừa qua, bà nói : "Ông ta là người duy nhứt có thể tự ru ngủ mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Có lẽ phần nổi bật nhứt trong tâm lý của Donald là nhu cầu phải chối bỏ bất cứ thực tế nào tô vẽ ông như một kẻ thua cuộc hay như một người yếu đuối" (3).
Suốt đời không chấp nhận thực tế, cụ thể là thực tế của sự thất bại hay thua cuộc, cho nên ông Trump cứ phải ngậm đắng nuốt cay và đổ lỗi cho người khác, tấn công người khác và nhứt là không nhìn nhận bất cứ một trách nhiệm nào về những sai trái mình đã làm hay những thiệt hại mình đã gây ra cho người khác. Dù có lui về một nơi "nghỉ mát" như Mar a Lago, tôi không tin rằng ông sẽ có được sự bình an trong tâm hồn, bởi lẽ học biết thua cuộc là chìa khóa để có được an bình.
Mỗi một năm mới, dương lịch hay âm lịch, với tôi luôn là một lời mời gọi làm lại và làm lại từ những thất bại hay thua cuộc của mình. Làm lại với ý thức về giá trị và tầm quan trọng của mỗi một người xung quanh tôi. Chẳng có ai là "nhứt" trong cuộc đời này cả. Không có dân tộc nào "thượng đẳng" hơn dân tộc nào cả. Mỗi người là một nhân vị độc nhứt vô nhị cho nên bất cứ ai, dù nghèo nàn, xấu xí, bệnh tật hay đần độn đến đâu, cũng đều có một điều gì đó để trao tặng cho tôi hay dạy tôi. Ý thức về thất bại hay thua cuộc của tôi do đó cũng là một lời mời gọi tôn trọng và cảm thông đối với người khác. Có như thế thì lời cầu chúc "thân tâm an lạc" trong năm mới may ra mới trở thành hiện thực trong tôi.
Chu Văn
(14/02/2021)
Chú thích :
(1) https://www.luatkhoa.org/2021/02/tet-nam-tinh-va-dan-ong-viet-nam/
(2) https://www.washingtonpost.com/outlook/2020/11/11/trump-losing-concede-election/