Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sa Pa là một huyện của tỉnh Lào Cai, nơi đây không chỉ mệnh danh thiên đường của du lịch mà còn là nơi in đậm sự phong phú về văn hóa vùng miền Tây Bắc. Tuy nhiên, trong dịp tết cổ truyền Mậu Tuất 2018 vừa qua, Cali Today ghi nhận nhiều phản án của người dân cho rằng ; Sa Pa hiện nay đã hiện đại hóa đến mức chóng mặt, đánh mất bản sắc văn hóa vùng miền quá rõ rệt…

sapa1

Thị trấn Sa Pa phát triển sầm uất. (Ảnh Internet-báo Dân trí)

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu, phát triển kinh tế là việc không tránh khỏi của bất cứ quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, các cấp cầm quyền ở tỉnh Lào Cai đã vạch ra những chủ trương hiện đại hóa Sa Pa bằng những dự án "bê tông hóa" đến mức đánh mất đi bản sắc văn hóa vùng miền là điều đáng phải nhìn nhận lại để tìm cách khắc phục.

Cũng xin được nhắc lại, trước đây Cali Today từng đưa tin bài "Sa Pa : Tiếng kêu cứu của núi đồi… !" để nói về một thực trạng những dự án "bê tông hóa" những dự án "nằm treo" đã phá nát thiên nhiên du lịch Sa Pa. Đáng nói, trong những dự án "bê tông hóa" ấy có dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách Sa Pa đang tồn đọng những tiếng kêu cứu của một số hộ dân từ hơn chục năm nay.

Chị Phạm Thị Nhung, đại diện cho hộ dân Bùi Thị Huyền ở thị trấn Sa Pa từng chia sẻ với Cali Today, dự án xây dựng Chợ văn hóa và Bến xe khách Sa Pa được nhà cầm quyền tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2004. Tuy nhiên, chị Nhung và một số hộ dân mà Cali Today có dịp trao đổi đã cho biết, việc lấy đất của dân để phục vụ xây dựng dự án là trái quy định của pháp luật vì nhà nước cấm đổi đất lấy công trình từ kỳ họp thứ IV Quốc hội khóa XI.

"Gia đình tôi bị quyết định thu hồi hơn 7000m2 đất. Còn của bà con thì coi như dự án là 30,1ha đất thực sự vào năm 2009, 2010 họ đã lấy đất của người dân bán khoảng hơn 100 biệt thự rồi… Qua hai cấp Tòa, họ ra quyết định bãi bỏ nhưng bãi bỏ quan điểm của họ chứ họ vẫn thu đất của dân để đền theo giá mới, giá thời điểm bây giờ… có nghĩa là họ vẫn có quyền thu đất của mình và họ chỉ trả cho nhà mình mỗi người một suất tái định cư…" - lời của chị Nhung.

Chị Nhung và một số hộ dân dính vào dự án hiện đang trong thời gian xuống Hà Nội khiếu kiện.

Trong dịp tết cổ truyền Mậu Tuất 2018 vừa qua, du khách khắp nơi tấp nập đổ về Sa Pa. Qua vài chia sẻ với Cali Today, nhiều du khách cho rằng họ chọn Sa Pa làm chuyến du lịch trước tiên là để khám phá một phần vùng Tây Bắc với thiên nhiên núi non hùng vĩ như núi Hàm Rồng, thác Bạc suối Vàng hay muốn chinh phục đỉnh Phanxiphang… khám phá văn hóa vùng miền, văn hóa của các dân tộc anh em như : Dao đỏ, H’Mông, Tày, muốn hòa mình vào vũ điệu thổi khèn ném phao, ghé Chợ Tình xem những cô gái chàng trai kết bồ kết bạn…

Tuy nhiên, quá choáng ngợp bởi Sa Pa trong độ mười năm trở lại đây đã thay đổi quá nhiều, văn hóa đậm đà bản sắc nay bị lay nhiễm hoặc biến dạng theo cơ cơn lốc kinh tế. Thị trấn Sa Pa giờ sầm uất đã chiếm dụng không gian thiên nhiên, hoang dã. Nhà hàng, khách sạn làm nơi ăn nghỉ của người dân địa phương và du khách thay cho những lều trại, Chợ Tình nay đã vắng nhiều những đôi trai gái tìm đến.

sapa2

Một nét văn há đặc sắc của chợ tình Sa Pa (ảnh : trang mạng muachunghcm)

Những dự án nằm treo, những dự án "bê tông hóa" góp phần ảnh hưởng đến du lịch, văn hóa và con người ở Sa Pa khá nhiều.

Anh Cửu, cũng là một trong những hộ dân đi khiếu kiện giống như chị Nhung đã chia sẻ với Cali Today :

"Điều này là chính xác. Ví dụ dự án Chợ Văn hóa và Bến xe khách, trước đây người ta thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp. Chợ Văn hóa làm xong rồi, Bến xe cũng sắp xong mà vẫn còn thu hồi đất của dân. Sai nhiều vấn đề về luật đất đai, Nghị định của Chính phủ đã bãi bỏ vấn đề lấy đất của dân để đổi lấy công trình nhưng tỉnh Lào Cai vẫn cứ áp dụng vào đó".

Khu vực chợ Văn hóa nhưng lại thiếu những lễ, hội văn hóa và dường như nó chỉ hiện rõ ở các làng, bản. Anh Cửu nói :

"Lễ hội văn hóa ở chổ khu tôi ở thì chẳng thấy có gì cả. Ngày trước thì ở quanh Sa Pa thì có ở các làng, chứ ở khu vực chợ Văn hóa này thì chẳng thấy gì".

Và những dự án đặc biệt là những dự án treo đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Ảnh hưởng lớn. Dân muốn làm nhà cửa người ta không cho làm là một, hai nữa là kìm hãm sự phát triển của người dân ví dụ chúng tôi muốn xây dựng chuồng, trại người ta không cho xây".

"Ở Sa Pa này, thứ nhất là có dự án Vườn Đào, thứ hai là dự án Chợ Văn hóa, thứ ba là dự án đường Nguyễn Chí Thanh… đây là những dự án mà tôi nắm được, đặc biệt dự án Vườn Đào người ta phê duyệt cách đây cũng gần 20 năm rồi mà chưa thấy làm".

Phát triển cở sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng miền đó là một chủ trưởng đúng đắn nhưng phải làm sao bảo tồn văn hóa dân tộc bởi văn hóa là cội nguồn của dân tộc. Nhằm hướng tới Sa Pa lên đô thị loại 3 vào năm 2020, vậy nhà cầm quyền tỉnh Lào Cai phải đánh đổi bao nhiêu bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em ở vùng núi đồi Tây Bắc mà Sa Pa là một trong những điểm hội tụ bằng những dự án "bê tông hóa" là một câu hỏi đang chờ câu trả lời ?.

Thiên Hà

Nguồn : CaliToday, 07/02/2018

Published in Văn hóa