Ban biên tập Thông Luận kính chúc quý độc giả cùng gia đình một mùa Giáng Sinh đầm ấm...
Phạm Thu Hà hát Ave Maria (Schubert)
trong sum họp…
Renaud Capuçon – Massenet : Méditation de Thaïs - Guillaume Bellom
và những ngày cuối năm tươi vui, sinh động...
Libertango Dancers - Astor Piazzolla / Scarpino & Caldarella
và thành công trong mọi dự định và mong ước cho năm 2025.
André Rieu - Grande Valse Viennoise
T.M. Ban biên tập Thông Luận
Nguyễn Văn Huy
Một ông bạn "đồng đạo" thỉnh thoảng gọi điện thoại để tâm sự về "chuyện đạo". Mới đây ông cho biết cậu con trai út của ông đã mua được nhà và dọn ra riêng. Con cái đến tuổi trưởng thành có được cuộc sống tự lập là điều đáng mừng. Nhưng ông bạn tôi lại than rằng con trai ông dọn ra riêng là để được sống "tự do" với cô bạn gái của nó. Mà cô bạn gái này lại mới "trở lại đạo", nghĩa là mới được "rửa tội" để trở thành một người công giáo thực thụ. Ông bạn đồng đạo của tôi "phán" : "Vậy là chúng nó đang sống trong tội lỗi, bởi vì theo giáo huấn của Giáo hội Công giáo, hai người công giáo "ăn ở" với nhau mà không có "phép đạo", nghĩa là không chính thức cưới hỏi trong nhà thờ là "rối đạo". Có đến nhà thờ thì cũng không được lên rước Chúa Giêsu hiện diện trong bánh thánh".
Phạm Thùy Dung hát Ave Maria - Gounod/Bach
Ông bạn đồng đạo của tôi còn nói đến một thứ tội khác mà cậu con trai út của ông và cô bạn gái của nó đang "phạm", đó là sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo, bởi vì giáo huấn của Giáo hội nghiêm cấm sử dụng các phương tiện này. Về giáo huấn này thì những người công giáo ở tuổi U80 như ông bạn đồng đạo của tôi và tôi đều rành "sáu câu".
Còn nhớ vào khoảng đầu thập niên 1960 của thế kỷ trước, tại các nước Tây Phương đã nổ ra điều thường được gọi là "cuộc cách mạng tình dục" và hệ quả của nó là "cuộc giải phóng phụ nữ". Một cách cụ thể, nhờ các phương tiện như viên thuốc ngừa thai, bao cao su (condom), vòng xoắn, cắt ống dẫn tinh... việc ngừa thai được an toàn hơn, chức năng của người phụ nữ không chỉ giới hạn trong việc "mang nặng đẻ đau", vợ chồng có thể lên kế hoạch về số con cái họ có thể nuôi dạy phù hợp với tình trạng kinh tế của gia đình, sức khỏe của người phối ngẫu được bảo đảm và dĩ nhiên tình yêu lứa đôi cũng có ý nghĩa hơn...
Đứng trước cuộc cách mạng này, các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới và rất nhiều giáo dân không khỏi hoang mang. Họ muốn nghe được tiếng nói chính thức của Giáo hội. Năm 1968, nhà lãnh đạo tối cao của Giáo hội lúc bấy giờ là Giáo hoàng Phaolô VI liền cho thành lập một ủy ban gồm một số chuyên gia thuộc nhiều lãnh vực khác nhau như thần học, khoa học, y tế, xã hội học, tâm lý học... để tham khảo ý kiến. Sau một thời gian thảo luận, ủy ban đã đệ trình lên kiến nghị yêu cầu cho phép người giáo dân được sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo. Nhưng nhân danh quyền giảng dạy tối thượng trong Giáo hội, Giáo hoàng Phaolô VI đã cho công bố giáo huấn có tên là "Thông điệp Sự sống Con người" (Humanae Vitae) nghiêm cấm việc sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo. Kể từ đó, người công giáo có thể mắc thêm một cái tội nữa là tội sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo !
Ông bạn đồng đạo của tôi cũng có lần nói đến sự "bối rối" của các quân nhân công giáo trước năm 1975. Công tác xa nhà, hành quân nay đây mai đó, thỉnh thoảng mới được vài ngày phép về thăm gia đình, kinh tế gia đình èo ọp, lại sống nay chết mai... liệu có quân nhân công giáo nào có thể triệt để tuân hành giáo huấn của Giáo hội không ?
Chiến đấu một mất một còn ngoài trận mạc, các quân nhân công giáo trước năm 1975 hẳn còn phải trải qua một cuộc chiến đấu nội tâm cam go hơn khi phải đối đầu với giáo huấn của Giáo hội. Nhưng nhắc đến tình cảnh éo le của các quân nhân công giáo, tôi không thể không liên tưởng đến số phận có lẽ còn thảm thương hơn của nhiều người công giáo tại nhiều nước Phi Châu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Aids-HIV (Sida). Khi cơn dịch bệnh hiểm nghèo này bùng phát tại lục địa đen, Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc và các nước Tây Phương đều xem việc sử dụng bao cao su như phương thế hiệu nghiệm nhứt để phòng chống lại nó. Nhưng các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo vẫn khăng khăng lên án biện pháp phòng chống này.
Năm 2005, ký giả John Thavis, đặc phái viên của hãng tin công giáo Hoa Kỳ Catholic News Service tại Vatican, đã ghi lại lập trường của Giáo hoàng Benedictô XVI trong chuyến viếng thăm Phi Châu đầu tiên của ngài. Trên chuyến bay từ Ý sang Cameroun, khi được các ký giả tháp tùng hỏi về giáo huấn của Giáo hội đối với việc sử dụng bao cao su để phòng chống dịch bệnh Aids-HIV, vị giáo hoàng này đã trả lời một cách dứt khoát rằng "bạn không thể giải quyết vấn đề bằng việc phân phát bao cao su ; trái lại bao cao su làm cho vấn đề thêm tồi tệ hơn" (1).
Ôn lại giáo huấn luân lý của Giáo hội Công giáo về hôn nhân, tính dục và nhứt là vấn đề ngừa thai bằng những phương pháp nhân tạo, ông bạn đồng đạo của tôi đã có lúc thở dài như để bày tỏ một chút cảm thông với cậu con trai út của mình : "Người công giáo tụi mình đã được dạy dỗ ngay từ nhỏ để nhìn đâu cũng thấy tội".
"Nhìn đâu cũng thấy tội" cho nên cử chỉ tiêu biểu nhứt của người công giáo ở mỗi đầu thánh lễ chính là đấm ngực xưng thú "lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng". Một nhà báo Việt Nam ở California, cứ mỗi lần nói đến người công giáo, luôn gọi họ là dân "đấm ngực" !
Ngay từ lúc lên bảy, tôi đã biết đấm ngực. Thật vậy, 7 tuổi, tôi đã được dạy và buộc phải đi xưng tội hai tuần một lần. Tôi vẫn còn nhớ mãi : một vị linh mục người Pháp khi về làm quản nhiệm xứ đạo của tôi đã phát cho mỗi đứa trẻ một cuốn sổ để mỗi lần đi xưng tội được ông ký tên vào đó. Mỗi lần trình diện để xưng tội là một cực hình đối với đứa trẻ 7 tuổi như tôi : lục xét mãi mà không tìm ra tội thì đành phải "phịa" thôi ! Nhưng có lẽ tôi không bao giờ quên được những cú tát tai in năm ngón tay trên má từ một vị linh mục người Việt Nam. Tôi bị trừng phạt ngay trong nhà thờ và trước mặt mọi người chỉ vì cái tội trốn học giáo lý.
Tôi sợ ông cha sở. Tôi sợ các bà "xơ". Và dĩ nhiên tôi sợ tội. Tôi sợ nhứt là tội bỏ lễ và "làm việc xác" ngày chúa nhựt. Bà mẹ rất mực "đạo đức" của tôi lúc nào cũng hù dọa : bỏ lễ chúa nhựt mà "chết tươi ăn năn tội chẳng kịp" thì chắc chắn phải "sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp" mà thôi.
Dù là tín hữu Kitô hay không, ai cũng xứng đáng hưởng niềm vui ấy. Vậy thì thay vì "Merry Christmas" với kỳ thị và thù hận, xin được cầu chúc mọi người "Happy Holidays !" (Chúc những ngày nghỉ lễ hạnh phúc !) bên tách trà nóng
Thời đó, tức giữa thập niên 1950 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng có các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đến xứ đạo của tôi để gọi là "giảng tuần đại phúc". Trong suốt một tuần, các bài giảng của các vị linh mục này hoàn toàn tập trung vào chủ đề "hỏa ngục". Với tài hùng biện mà các cha sở thường không có, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế mô tả "hỏa ngục" với những hình ảnh sống động và khủng khiếp như thể các vị vừa mới đi chầu Diêm Vương trở về. Ai nghe mà chẳng sợ phải "sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp !"
Tôi được dạy dỗ để nhìn đâu cũng thấy tội, để sợ tội và sợ hỏa ngục. Và dĩ nhiên, cùng với nỗi sợ ấy, tôi cũng bị nhồi nhét vào đầu tinh thần bất khoan nhượng. Không rõ ông bà tổ tiên của tôi từ đâu và lúc nào đã có mặt trong xứ đạo. Chỉ biết xứ đạo nguyên thủy là một làng của người Chàm. Hiện nay trong làng vẫn còn rất nhiều bia mộ của người Chàm.
Lúc nhỏ có những đêm tôi lén đi theo người lớn để xem cảnh đào mả Chàm để lấy vàng. Có một số người chết vì "bệnh lạ". Người ta bảo đó là những người đã bị vàng của người Chàm "bắt" ! Người công giáo sống giữa những di tích của người Chàm và dĩ nhiên cũng hòa đồng với những người ngoài công giáo. Giữa làng có một ngôi đình. Lẽ ra đó là một cơ sở văn hóa và xã hội để mọi người dân làng có thể gặp nhau mỗi năm ít nhứt một lần. Nhưng người công giáo vẫn xem đó là nơi cư ngụ của ma quỷ chỉ dành riêng cho "kẻ ngoại" hay "người lương" mà thôi. "Kẻ ngoại" hay "người lương" là những người không được rửa tội. Trong cuộc sống hằng ngày, họ là ông bà, cô dì, chú bác và anh em họ của tôi. Nhưng trong thâm tâm, người công giáo trong xứ đạo của tôi vẫn xem họ là "kẻ ngoại", là "người ngoài". Dù có ăn ngay ở lành cỡ nào, nếu chết mà không được rửa tội thì họ cũng phải sa hỏa ngục mà thôi. Ngay cả con nít mới lọt lòng mẹ mà chết trước khi rửa tội thì cũng đâu có được lên thiên đàng !
Tôi đã được dạy dỗ để nhìn đâu cũng thấy tội, để sợ hỏa ngục và cũng để nhìn người khác đạo với cái nhìn bất khoan nhượng như thế. Cuốn giáo lý mà bọn trẻ công giáo chúng tôi phải "tụng" mỗi ngày được gọi là "cuốn thiên", nghĩa là cuốn sách gồm có "chín thiên và mười giái" ("giái" là giới nói theo giọng địa phương). "Thiên" thứ nhứt xướng như sau : "Thiên Chúa Nhứt Thể Tam vị đệ nhứt thiên". Câu hỏi thưa đầu tiên là : "Hỏi có mấy đàng lên thiên đàng ? Thưa có một đàng rất chánh rất thật là đạo thánh Đức Chúa Trời" ! Ngoài "đàng" ấy ra thì tất cả mọi con đường khác đều dẫn xuống hỏa ngục !
Ngày nay, gần đất xa trời, đã đến lúc cần phải "về thu xếp lại", càng suy nghĩ về con đường mình đã đi qua, tôi càng hiểu được tại sao đã có những cuộc thánh chiến, những cuộc thập tự viễn chinh, những giàn hỏa thiêu dành cho những người bị xem là lạc giáo, và cả những cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa những người cùng tôn thờ một Thiên Chúa...
Trong tác phẩm "Sapiens", tóm tắt lịch sử của nhân loại, sử gia Yuval Noah Harari, hiện đang giảng dạy tại Đại học Jerusalem, Israel, đã có một nhận xét khá lý thú về các tôn giáo độc thần. Theo tác giả, các tôn giáo độc thần như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là những tôn giáo có chủ trương bách hại các tôn giáo khác hơn là đa thần giáo. Riêng về Kitô giáo, sử gia Harari ghi nhận rằng trong suốt 300 năm trước khi Hoàng đế Constantino trở thành một tín hữu Kitô, các hoàng đế La Mã đã phát động 4 cuộc bách hại các tín hữu Kitô. Nhưng trong suốt 3 thế kỷ, con số các tín hữu Kitô bị sát hại chỉ có vài ngàn người. Trong khi đó, trong 1500 năm tiếp theo sau đó, con số nạn nhân bị tàn sát trong cuộc chiến tương tàn giữa các tín hữu kitô để gọi là bảo vệ tôn giáo của "tình yêu và sự cảm thông" lên đến hàng triệu người... Theo ông, "những người theo các tôn giáo độc thần có khuynh hướng cuồng tín và truyền đạo hơn những người theo đa thần giáo" (2).
Sơ Mary Scullion, đồng sáng lập Project Home, phát biểu tại lễ ra mắt chuyến lưu diễn xe buýt toàn quốc Nuns on the Bus & Friends Vote Our Future tại Philadelphia, Pa., ngày 30/09/2024.
Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ, tôi vẫn xem tôn giáo là một yếu tố quan trọng. Kể từ năm 2016 đến nay, sự ủng hộ của các tín hữu Tin Lành Mỹ dành cho ông Donald Trump vẫn không suy suyển. Riêng trong cuộc bầu cử vừa qua, theo kết quả của một cuộc thăm dò được báo The Washington Post cho phổ biến liền sau cuộc bầu cử, đã có đến 56 phần trăm người công giáo Mỹ ủng hộ ông Trump (3). Nhìn chung, lá phiếu của các tín hữu Kitô là một trong những yếu tố quan trọng mang lại chiến thắng cho ông Trump.
Đa số các tín hữu Kitô Mỹ đã dồn phiếu cho ông Trump vì họ tin rằng ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn giống như một số nhân vật lịch sử của Do Thái Giáo. Chính ông cũng muốn cho người ta tin như thế. Trong một cuộc vận động bầu cử ở Florida sau khi bị ám sát hụt, ông Trump đã tuyên bố : "Nhiều người đã nói với tôi rằng Chúa đã để cho tôi tiếp tục sống là có lý do và lý do đó là để cứu lấy đất nước của chúng ta và khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ". Và dĩ nhiên, nhiều tín hữu Kitô Mỹ hiểu ngầm rằng khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ cũng có nghĩa là khôi phục lại vị trí thượng tôn của Kitô giáo trong xã hội Mỹ.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Với nhiều tín hữu Kitô Mỹ, khôi phục lại vị trí thượng tôn của Kitô giáo cũng có nghĩa là khôi phục lại lời cầu chúc "Merry Christmas". Vào những ngày cuối của cuộc vận động bầu cử, ông Donald Trump đã hứa một điều, "Merry Christmas đang trở lại. Chúng ta sẽ có "Merry Christmas" như chúng ta đã từng có cho mọi người cách đây 7 năm khi chúng ta đã đem nó trở lại. Nó (lời cầu chúc này) đã gặp nguy hiểm sâu xa, (nhưng) chúng ta đã đem nó trở lại" (4).
Nhưng ông Trump đã mang lại thứ "Merry Christmas" nào ? Trong suốt mấy mùa Giáng Sinh vừa qua, thông điệp ông gởi đi lúc nào cũng chứa những lời rủa sả đầy hằn học và hận thù dành cho các đối thủ chính trị của ông. "Christ" trong "Christmas" của ông là một "Christ" của kỳ thị và hận thù. Và hiện nay, qua những người mà ông đề cử vào các chức vụ quan trọng trong chính phủ sắp tới của ông, người ta cũng chỉ nghe được cùng một giọng điệu của hận thù, kỳ thị và bất khoan nhượng.
Bước vào tháng 12, ánh sáng của lễ Giáng Sinh đã bắt đầu chiếu sáng trong cái khu xóm nhỏ của tôi. Tôi thấy có đủ mọi hình tượng như ông già Noel, cây thông, quà cáp và nhiều con thú khác. Nhưng tuyệt nhiên, tôi không thấy có hang đá, máng cỏ, Hài nhi Giêsu hay "Christ" nào cả. Nhưng tôi biết chắc một điều : ai cũng thấy rộn lên một niềm vui ! Và tôi cũng tin chắc rằng đó là niềm vui vượt qua mọi hàng rào của kỳ thị, hận thù, bất khoan nhượng. Dù là tín hữu Kitô hay không, ai cũng xứng đáng hưởng niềm vui ấy. Vậy thì thay vì "Merry Christmas" với kỳ thị và thù hận, xin được cầu chúc mọi người "Happy Holidays !" (Chúc những ngày nghỉ lễ hạnh phúc !)
Chu Văn
(18/12/2024)
Chú thích :
1. John Thavis, The Vatican Diaries, Viking Penguin, 2013, trg 256
2. Yuval Noah Harari, Sapiens, a brief history of Humankind, Harvill Secker 2014, trg 240
3. "US elections : Catholic voters supported Trump over Harris", La Croix International, November 5th, 2024
4. "The Christian case for Happy Holidays", The Atlantic, December 2, 2024