Không tồn tại khái niệm màu sắc của trí tuệ, tuy nhiên có hai lý do để cho rằng "trí tuệ có màu xám".
Dù màu da có khác nhau thì máu con người bình thường vẫn có màu đỏ, "máu trắng" chỉ gặp ở số ít người bị bệnh và thực ra cũng không hoàn toàn là màu trắng.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng không phải toàn bộ bộ não của chúng ta có màu xám, một số bộ phận có màu vàng, đỏ, đen, trắng… nhưng phần lớn là màu xám và do đó trí thông minh của con người còn được gọi là "chất xám".
Không tồn tại khái niệm màu sắc của trí tuệ, tuy nhiên có hai lý do để cho rằng "trí tuệ có màu xám".
Thứ nhất, trí tuệ là sản phẩm của vật chất phát triển cao - bộ não, vì vật chất cấu tạo nên bộ não chủ yếu có màu xám nên giới khoa học đã đồng nhất khái niệm "trí tuệ" với "chất xám".
Cụm từ "chảy máu chất xám" (brain drain hoặc human capital flight) được hiểu là sự ra đi của những người tài giỏi, những người có kỹ năng cao, những người có khả năng sáng tạo, có năng lực lãnh đạo hoặc những người trẻ có triển vọng chứ không phải sự "chảy máu" theo nghĩa thông thường.
Không tồn tại khái niệm màu sắc của trí tuệ, tuy nhiên có hai lý do để cho rằng "trí tuệ có màu xám". (Ảnh : humansarefree.com)
Thứ hai, lý do này thuần túy mang tính xã hội, có vẻ hơi khiên cưỡng, có vẻ chỉ đúng ở nước mình thời điểm này song không phải là vô lý và đó chính là nội dung đề cập trong bài viết này.
Con người vốn là sinh vật chứa đầy nghịch lý, vừa thông minh vừa ngu ngốc, vừa cao thượng vừa nhỏ nhen, ăn của ngon bằng cách … "ăn bẩn".
Có phải vì thế mà giữa trí tuệ và máu có sự đối nghịch không chỉ về màu sắc ?
Màu đỏ mang đến hạnh phúc và sức mạnh, màu xám là nỗi u buồn và tuyệt vọng.
Thiếu máu một thời gian là con người suy kiệt dẫn tới cái chết, thiếu trí tuệ người ta vẫn sống khỏe, sống dai, thậm chí còn sinh sôi nhanh hơn.
Loài người đang đầu tư công sức để thiết kế "trí tuệ nhân tạo" và cũng bước đầu thành công trong việc tạo ra "máu nhân tạo".
Năm 2011, tạp chí Nature đã đăng bài giới thiệu thành tựu của các nhà khoa học trường Đại học McMaster - Canada về việc chế tạo thành công máu người từ tế bào da.
Tuy nhiên cho đến nay, các bệnh viện vẫn phải sử dụng máu hiến tặng để cung cấp cho bệnh nhân bởi "chế tạo máu" không phải là công nghệ đơn giản.
Khi con đường của các nhà khoa học thế giới là "trí tuệ nhân tạo", là "máu nhân tạo", là vũ trụ và các vì sao thì các "nguyên khí quốc gia" của chúng ta đang làm gì ?
Ở thủ đô, có lúc người ta vinh danh cả sinh viên tốt nghiệp cao đẳng tại Văn Miếu, xem trình độ cao đẳng cũng thuộc vào hàng đỉnh cao của trí tuệ.
Cũng ở Hà Nội, dư luận râm ran chuyện có người được vinh danh (tặng huân chương) vì công trạng lập quy hoạch "băm nát thủ đô".
Gần nhất, người ta thấy hình ảnh hàng trăm chông tre tại một vườn hoa giữa trung tâm thành phố Hà Nội để chống… chó.
Các dòng sông Việt Nam ngày nay cạn nước có phải lỗi của việc tích nước hồ thủy điện ?
Nếu cát dưới lòng sông không bị hút vô tội vạ khiến lòng sông trở nên sâu hơn bình thường thì mực nước có xuống đến mức các trạm bơm chống hạn trở nên vô dụng ?
Tại Viện Thiết kế máy nông nghiệp, người ta bận giải trình chuyện "quỵt" lương của cán bộ trong khi những anh "Hai lúa" đã và đang âm thầm chế tạo hàng loạt máy đa dụng phục vụ bà con nông dân.
Trong khi các nhà quản lý của Việt Nam còn đang loay hoay soạn thảo tiêu chuẩn giáo sư, tiến sĩ thì chàng thanh niên Lê Việt Quốc, xuất thân từ miền quê nghèo Thừa Thiên-Huế lại trở thành một trong những người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chỉ có điều chàng tiến sĩ trẻ ấy không bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam và cũng không làm việc tại Việt Nam mà làm lãnh đạo Google Brain, "nhóm chuyên gia tiến hành các thử nghiệm để tạo ra cho máy tính một dạng các mạng lưới nơron hoàn thiện hơn, gần với cơ chế xử lý nơron thần kinh của con người".
Đánh giá về tài năng Lê Việt Quốc, một tờ báo nổi tiếng thế giới viết : "những gì anh (Lê Việt Quốc) đã làm được trong năm năm qua là giúp đưa trí thông minh nhân tạo tới tay mọi người trên toàn thế giới, kể cả những người sống tại làng quê của anh ở Việt Nam" [1].
Liệu có phải ở Úc nơi Lê Việt Quốc học đại học hay ở Viện Đại học Stanford (California - Mỹ), nơi anh bảo vệ luận án tiến sĩ, trí tuệ có màu khác so với tại quê nhà ?
Chừng nào người ta còn "chọn người nhà, không chọn người tài" thì chừng đó vẫn còn lý do chính đáng để khẳng định "trí tuệ có màu xám".
Có một thực tế mà truyền thông "suốt ngày" đề cập, việc "chọn người nhà, không chọn người tài" có phải chỉ diễn ra ở các cơ quan công quyền mà không có trong các lĩnh vực khác ?
Lễ trao giải Cánh Diều 2016 : Nhiều sạn và thiếu chuyên nghiệp (Vov.vn 10/4/2017).
Sự kiện Gala trao giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam 2016 vướng vào lùm xùm không đáng ngay trước thềm diễn ra sự kiện (Anninhthudo.vn 14/1/2017).
Vì sao những lễ trao giải văn học, điện ảnh, thể thao năm nào cũng đầy "sạn", vì sao vị lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh phải xin rút giải thưởng nếu tác phẩm của mình thực sự có chất lượng ?
Ngày 10/10/2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - ký quyết định công nhận chức danh giáo sư cho 65 nhà giáo và phó giáo sư cho 638 nhà giáo.
Con số hơn 700 giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2016 này tăng vọt so với số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận trước đây.
Cụ thể năm 2011 là 409 ; năm 2012 : 469 ; năm 2013 : 571 ; năm 2014 : 644 , năm 2015 : 522 ; năm 2016 : 703.
Bình quân 5 năm (2011-2015) mỗi năm nhà nước công nhận 523 người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Như vậy năm 2016 số giáo sư/phó giáo sư được công nhận vượt tỷ lệ trung bình là 180 người.
Theo Tiến sỹ Đỗ Đức Tín - nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, người đã có hơn 20 năm công tác tại đây thì :
"việc phong giáo sư hay công nhận chức danh giáo sư nhiều lần bị gián đoạn, trong đó có những lần bị gián đoạn đến vài năm, đều là khi các văn bản để công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cần được sửa chữa" [2].
Chuẩn bị công bố tiêu chuẩn chức danh mới nhưng năm 2016 Nhà nước không tạm dừng mà "tháo khoán", rõ ràng "chuyến tàu vét" hay việc "bổ nhiệm lãnh đạo" ở phút 89 không chỉ xảy ra với công chức nhà nước mà còn xảy ra trong một lĩnh vực rất tôn nghiêm, với những người đáng ra phải được tôn trọng đúng mực : các giáo sư, phó giáo sư.
Người ta đều biết tiêu chuẩn để được phong giáo sư, phó giáo sư sẽ thay đổi theo chiều hướng nâng cao chất lượng trong năm 2017.
Chờ đến 2017 thì không đủ tiêu chuẩn, thì sẽ không hy vọng được nêu tên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thế là người ta ào ào làm hồ sơ và Hội đồng chức danh nhà nước đành miễn cưỡng (hay vui vẻ ?) trở thành tài xế bẻ lái "chuyến tàu vét giáo sư, phó giáo sư" năm 2016 !
Đương nhiên không phải tất cả các vị giáo sư, phó giáo sư được công nhận năm 2016 đều "chạy nước rút".
Nhiều người thực tài được giới khoa học trong nước và quốc tế thừa nhận, họ bị vạ lây bởi dư luận khó có điều kiện phân biệt họ với những người "bám càng" trước khi tiêu chuẩn bị thay đổi.
Không chỉ truyền thông mà cả một số vị lãnh đạo cấp cao đều cho rằng chất lượng giáo sư/phó giáo sư Việt Nam có vấn đề, nghĩa là "biểu hiện" trí tuệ của chúng ta có vấn đề.
Có thể có người tuy có thiếu tí chút (trí tuệ) nhưng bù lại họ đều được công nhận "đúng quy trình" !
Vậy nên có lẽ để tránh vàng thau lẫn lộn, Nhà nước có nên ra văn bản quy định ghi chú năm phong hàm, chẳng hạn "Giáo sư năm 2016" hay "Giáo sư năm 2017".
Liệu chuyện "phong giáo sư nhà, không phong giáo sư tài" có xảy ra ở các Hội đồng chức danh từ thấp đến cao ?
Liệu lĩnh vực học thuật của nước nhà có hoàn toàn trong sạch, không lẫn tí ADN nào từ lĩnh vực công quyền và "trí tuệ" của chúng ta là sáng láng, là màu hồng chứ không phải màu xám ?
Nêu lên câu hỏi này nhưng câu trả lời rõ ràng là chưa trọn vẹn, tiếc rằng khi chưa trả lời được thì lại xuất hiện câu hỏi khác "vị trí tuệ là gì" ?
Nếu "màu trí tuệ" là xám thì "vị trí tuệ" có lẽ là : "đắng".
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 14/04/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/160325_moon_landing_inspired_google_brain
[2] http://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-de-su-kien/20161104/chuyen-nhieu-it-va-chat-luong/1202677.html