Ngày nay, khi đọc "1984", tác phẩm ngột ngạt về chủ nghĩa toàn trị, người đọc vẫn cảm thấy sốc.
Đầu tiên, đó là sự nhận thức : ta nhận ra, thấy quen quen với những gì ông mô tả.
Suy nghĩ kép (có hai suy nghĩ đối lập trong đầu cùng lúc), Tân Ngôn, Cảnh sát Tư tưởng, Bộ Yêu thương chuyên ra tay trước những nỗi đau, sự tuyệt vọng và tiêu diệt những người bất đồng chính kiến, Bộ Hòa bình để tiến hành chiến tranh, những cỗ máy viết tiểu thuyết chuyên tung ra truyện khiêu dâm để mua chuộc quần chúng : tác giả Orwell đã giúp ta nhận thức được về cách thức vận hành của các chế độ.
Nhưng giờ đây ta có thể đọc tiểu thuyết "1984" theo cách khác : dựa trên sự hiểu biết của mình, ta hãy thử áp dụng xem chúng ta, quốc gia của ta và thế giới đã đi tới chỗ nào trên con đường xuống địa ngục mà Orwell mô tả.
Tác giả Orwell đã giúp ta nhận thức được về cách thức vận hành của các chế độ.
Đó có phải là lời tiên tri không ? Có thể lắm.
Nhưng quyển sách đầy khiêu khích, gây xúc động, sáng tạo, hoàn toàn chính xác không thể bác bỏ, và cực kỳ hữu ích ?
Quả vậy. Được xuất bản ngày 8/6/1949 và được viết trong bối cảnh hoang tàn của chiến tranh, trong một quốc gia đói khát, mệt mỏi và u ám, tác phẩm 1984 khiến những cảm giác đó trở nên gần cận, hiện thực với chúng ta hơn bao giờ hết, và cũng giúp ta cảm thấy mạnh mẽ hơn.
Khi đọc "1984", tác phẩm ngột ngạt về chủ nghĩa toàn trị, người đọc vẫn cảm thấy sốc
Với câu mở đầu đầy lạ lùng, "Đó là một ngày tháng Tư sáng lạnh, vừa lúc đồng hồ điểm báo mười ba", quyển truyện thể hiện đặc tính kỳ dị của chế độ chuyên chế thời hiện đại.
Winston Smith, nhân vật chính, làm công việc kiểm duyệt tại Bộ Sự thật, liên tục cập nhật lịch sử để chúng khớp với tình hình hiện tại và sự thay đổi đồng minh.
Anh và đồng nghiệp bị kiểm soát tập thể bằng sự hiện diện của Anh Cả, kẻ có thể biết tuốt và nhìn thấy tất cả.
Orwell hiểu rõ rằng các chế độ áp bức luôn cần có kẻ thù.
Trong truyện 1984, các màn hình TV luôn theo dõi bạn, và mọi người đều theo dõi tất cả những người khác.
Ngày nay, đó chính là mạng xã hội đang thu thập từng cử chỉ, từng hành vi mua sắm, bình luận mà ta thực hiện trên mạng, và tạo ra thông tin toàn bộ về cuộc đời ta để đưa ra dự đoán về từng lĩnh vực.
Được xây dựng dựa trên lựa chọn người tiêu dùng, nơi người sử dụng là món hàng được tiếp thị, hành vi thu thập thông tin dùng để thực hiện các chiến dịch chính trị giờ đây đang bóp méo các giá trị dân chủ.
Orwell hiểu rõ rằng các chế độ áp bức luôn cần có kẻ thù.
Trong truyện 1984, ông cho thấy kẻ thù có thể được tạo ra ngẫu nhiên chỉ bằng cách kích thích cảm xúc của công chúng nhờ tuyên truyền.
Nhưng nội dung mô tả trong "Hai Phút Hận Thù", ông cũng tiên đoán trước cách thức mà bọn du côn trên mạng vận hành.
Buộc phải xem phim bạo lực (mọi người khác cũng đều phải xem), Winston Smith nhận thấy rằng "Cái ghê rợn của Hai Phút Hận Thù không phải ở chỗ ai cũng phải diễn trò mà là ở chỗ con người ta không có cách nào né tránh để khỏi phải tham gia… Một cảm giác ngây ngất gớm ghiếc, sợ hãi lẫn thù oán, ham muốn giết người, hành hạ người, đập búa nát mặt người, hình như lan truyền như điện khắp khán giả".
Thời nay, các tổ chức chính trị, tôn giáo và thương mại đều buôn bán sự khiêu khích cảm xúc.
Nhà văn Orwell vô tình đã định dạng được sự sẵn sàng thông đồng trong thù địch mà những phong trào này kích động : và dĩ nhiên Winston cũng nhận thấy điều đó trong bản thân anh.
Truyện ngầm ngụ ý rằng chính bản thân mỗi chúng ta cũng có thể trở nên như vậy.
'Kẻ kiểm soát được quá khứ thì cũng kiểm soát được tương lai. Kẻ kiểm soát được hiện tại thì cũng kiểm soát được quá khứ", Orwell viết
Ngoài ra, trong truyện còn có nhà độc tài mang tính biểu tượng được gọi là Anh Cả : vừa vô lý vừa đáng sợ, khủng khiếp.
Những trang viết của Orwell bắt nguồn từ "chủ nghĩa khổng lồ" đã bóp méo thế kỷ 20. Ông làm lính tình nguyện chống quân Phát xít trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (với niềm tin rằng chủ nghĩa hòa bình là sự xa xỉ dành cho những người khác), nhưng ông lại nhận ra những lời hứa hẹn của Chủ nghĩa cộng sản chỉ là hão huyền, khi nhóm chống Stalin mà ông chiến đấu bên cạnh bị săn đuổi bởi những kẻ sùng bái Stalin.
Ông là người trực tiếp trải nghiệm sự tự lừa dối của những người cả tin.
Ngày nay, có hàng loạt các loại chủ nghĩa khác, như chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân túy, vận hành bằng cách huy động cảm xúc nguy hiểm nhất của con người, đó là lòng thù hận.
Và dù bạn có nhìn vào bất cứ đâu trong thế giới hiện nay, "kẻ mạnh" là người nắm quyền.
Tác phẩm "1984" của George Orwell được đọc tại khắp các quốc gia có tự do dân chủ - hình ảnh GETTY IMAGES
Họ đều muốn đàn áp đối lập, khủng bố điên cuồng những người bất đồng, và đều thích tự quảng bá.
"Anh Cả" không còn là một khái niệm đùa giỡn nữa, mà đã công nhiên bước vào thế giới này.
Hai cộng hai bằng năm
Nhưng điều ghê rợn nhất trong thế giới điên rồ của Orwell là sự tước bỏ ý nghĩa của ngôn từ một cách có hệ thống.
Chế độ được kể đến trong cuốn truyện hướng đến việc tiêu diệt từ vựng, ý nghĩa và cảm xúc mà những từ ngữ ấy dung chứa.
Kẻ thù thực sự của thế giới ấy là hiện thực. Những kẻ chuyên chế muốn khiến cho mọi người không thể hiểu nổi thế giới thực nữa, mà tìm cách thay thế nó bằng những bóng ma và lời dối trá.
Hành động phản kháng táo bạo đầu tiên của Winston Smith là lén lút qua mặt chiếc máy quay phim vốn nhìn thấy tất cả để viết nhật ký - để sáng tạo lại chính bản thân và thế giới nội tâm của anh.
Anh biết hành động viết và miêu tả đó chính là án tử hình nếu anh bị phát hiện.
Khi cuối cùng gục ngã vì tra tấn, anh đã đồng ý là "hai cộng hai bằng năm". Anh khám phá ra rằng chúng thực sự có thể "đi sâu vào trong ta", và "Một điều gì đó đã bị giết chết trong lồng ngực ta, bị thiêu cháy, thiêu rụi hoàn toàn".
Nơi nào có độc tài nơi đó tác phẩm "1984" bị cấm, nhưng dĩ nhiên người ta vẫn phát hành lậu quyển sách
Sự khủng khiếp của "1984" là sự hủy diệt cái tôi và hủy hoại khả năng nhìn nhận thế giới thực.
Không hề có thuyết tương đối rộng thời thượng hay thoải mái trong tác phẩm của Orwell : ông hiểu rằng để làm mọi thứ đúng đắn là điều cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, tác phẩm nhấn mạnh đến thế giới kinh hoàng nơi con người ngày càng có ít từ vựng hơn và suy nghĩ của họ bị các ý thức hệ làm cho méo mó.
Trên khắp thế giới, nơi nào có độc tài nơi đó tác phẩm "1984" bị cấm, nhưng dĩ nhiên người ta vẫn phát hành lậu quyển sách.
Và quyển sách vẫn ngày càng bán chạy ở ngay cả những quốc gia có nền dân chủ bền vững.
Ở Hoa Kỳ, tác phẩm bán rất chạy khi mọi người cố tìm cách hiểu hiện thực dưới chính quyền của tổng thống Trump.
Quyển 1984 gần đây bán rất chạy ở Hoa Kỳ, Ấn Độ, Anh Quốc và Trung Quốc
Bạn không thể tách bạch tác phẩm của Orwell khỏi con người tác giả. Người ta ngày càng nhìn nhận ông như một vị thánh, nhưng có lẽ ông sẽ cười vào tất cả những tượng đài mà người ta đang dựng lên cho ông.
Quan điểm của ông về nữ quyền (dù không phải phụ nữ), người ăn chay và những nhóm người khác khó có thể chấp nhận được trong thời nay.
Nhưng ông là người sống bằng niềm tin của bản thân. Ông tự mình khiến mình trở nên thực sự nghèo khó, ông chiến đấu cho điều ông tin là đúng, ông cực kỳ rộng lượng và tử tế với những nhà văn khác, dù ông luôn tự dạy bản thân phải nhìn thế giới theo cách nó sẽ không như ý muốn.
Ông không bao giờ mềm mỏng, và luôn đào sâu vào phần xấu xa nhất của bản thân cho ta chứng kiến. Sự chính trực lạnh lùng của ông thật sự độc đáo.
Chúng ta không chỉ sống trong một thế giới đã thay đổi vì cách nhìn của Orwell mà nó còn định hình cách ta nhìn nhận sự áp bức.
Nhưng "1984" vẫn là quyển sách gối đầu giường cho những thời điểm khó khăn. Tri thức là thứ sức mạnh, và chúng ta đều đang bị thử thách.
Jean Seaton
Nguồn : BBC, 02/07/2018
Jean Seaton là Giáo sư Lịch sử Truyền thông tại Đại học Westminster và là Giám đốc Quỹ Orwell.
Các chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa toàn trị v.v... tiếp tục vẫn là đề tài được nhiều giới quan sát, phân tích nghiên cứu và luận bàn.
Đang có khuynh hướng một số quốc gia 'lớn và mạnh' trên thế giới muốn đưa chủ nghĩa toàn trị trở lại, trong khi việc 'tôn vinh' chủ thuyết Marx - Lenin ở một số quốc gia với Đảng cộng sản cầm quyền thực chất chỉ là cách thức để 'tồn tại' và giữ độc quyền 'cai trị', theo ý kiến các nhà phân tích và quan sát người Việt Nam từ Pháp.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 17/5/2018 từ Marne-la-Vallée, mạn nam Paris, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nhà báo và nhà nghiên cứu, nêu quan điểm :
"Ngày nay, nhìn chung trên toàn thế giới, chủ nghĩa toàn trị đang phát triển khá rộng rãi, đặc biệt là ở một vài nước lớn, chẳng hạn như Nga hay Trung Quốc, nhưng tại một số các quốc gia ở lục địa Phi Châu, hay Nam Mỹ thì nó đang giảm dần.
"Nhưng có phong trào mới là ngày nay các quốc gia trong khối cộng sản cũ đang có khuynh hướng muốn trở lại chế độ toàn trị để giữ vững quyền lực và duy trì niềm tin của dân chúng vào chế độ".
Và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy đưa ra lý giải cho góc nhìn của mình, ông nói :
"Với trào lưu toàn cầu hóa, người dân trong các quốc gia cộng sản cũ có khả năng biết được những tin tức ngoài quốc gia của họ qua hệ thống mạng Internet và từ đó thấy những sai trái của chế độ cai trị đương quyền. Để hạn chế mọi chống đối, các quốc gia lớn cộng sản cũ, như Trung Quốc và Nga, đang có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay một người, muốn kiểm soát mọi người và duy trì lại chính sách toàn trị".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy nói về Chủ nghĩa Toàn trị
Về chủ nghĩa cộng sản, trong dịp quốc tế đánh dấu 200 năm sinh của Karl Marx, nhà quan sát này nói thêm :
"Chủ nghĩa cộng sản sau Đệ nghị Thế chiến phát triển rất mạnh mẽ. Ở Châu Âu thì có thể nói là chủ nghĩa cộng sản là một trào lưu tư tưởng chính trị phát triển rất mạnh trong những năm 1940-1955, nhưng từ khi khối Liên Xô ra mặt đối đầu với khối Tự Do mà do Mỹ và Tây Âu lãnh đạo, phong trào cộng sản bắt đầu giảm xuống, các chính quyền phương Tây hạn chế quyền lực và tầm vóc của những tổ chức cộng sản.
"Đến gần đây, tại Pháp chẳng hạn, đảng cộng sản đã gần như bị tan rã và suy thoái hoàn toàn và họ phải kết hợp với những tổ chức khuynh tả khác để tạo lại một thế lực cánh tả... Đảng cộng sản Pháp ngày nay không còn thực lực và không đủ khả năng quy tụ quần chúng như trước. Chủ trương và đường lối của họ ngày nay không còn hấp dẫn người Pháp nữa.
"Nhìn sang các quốc gia thứ ba, trong đó có Việt Nam, Lào, Trung Quốc, nói chung là các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, thì chủ nghĩa cộng sản chỉ lời nói ngoài miệng mà thôi, chứ thực sự tổ chức xã hội của họ ngày nay không còn gì cộng sản hết.
"Vì lý tưởng cộng sản chủ trương xóa bỏ giai cấp bóc lột, đem công bằng và phúc lợi xã hội cho người dân, phân chia của cải đồng đều cho mọi người… Trong khi ngày nay tại các quốc gia cộng sản như Việt Nam, Bắc Hàn, Lào, hoặc Trung Quốc, bất công xã hội hoàn toàn ngự trị, cái gì cũng phải trả tiền kể cả học hành và chữa bệnh.
"Trong khi những người có tiền, nhất là những cấp lãnh đạo giàu có trong Đảng cộng sản, lãnh đạo đất nước không có gì là cộng sản cả. Thành ra tôi thấy trong khối các quốc gia cộng sản, mặc dù những người lãnh đạo vẫn nói là áp dụng hay duy trì chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực chất các xã hội này đã biến thoái nhường chỗ cho một chủ nghĩa tư bản mang dại lộng hành. Lý tưởng mà họ theo đuổi không còn có ý nghĩa gì của thời Karl Marx đưa ra, nghĩa là mọi người đều bình đẳng và được bảo vệ như nhau trước luật pháp của một xã hội dân sự tốt", Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy bình luận.
'Sai lầm lớn nhất'
Từ Paris, nhà văn Vũ Thư Hiên đưa ra quan điểm của ông về Chủ nghĩa Marx và bình luận về điều mà ông cho là hạn chế hay sai lầm của chủ thuyết này, ông nói :
"Tôi nghĩ rằng không phải vô lý mà ở nhiều Đại học trên thế giới người ta vẫn dành ra những giờ cho việc nghiên cứu Marx và Engel, các ông ấy trong phương pháp nghiên cứu và những phát biểu của mình, đặc biệt là Marx lúc trẻ có nhiều ý kiến hay, nhưng sai lầm lớn nhất của họ sau những nghiên cứu rất kỹ càng về các vấn đề của Chủ nghĩa Tư Bản, thì lại đi đến một kết luận sai lầm là tất cả sinh ra bởi tư hữu tài sản, cái đó là sai.
Nhà văn Vũ Thư Hiên (trái) bình luận về Chủ nghĩa Cộng sản nhân 200 năm sinh của Karl Marx
"Thứ hai, và là cái sai lớn nhất, là ở trong Tuyên ngôn Cộng sản, khi ông tuyên xưng sự chuyển biến từ một xã hội bình thường mà chúng ta quen gọi là xã hội Tư Bản Chủ nghĩa, sang Chủ nghĩa Xã hội và đích cuối là Chủ nghĩa Cộng Sản, thì ông cho rằng cái đó phải được tiến hành bởi giai cấp vô sản và phải áp dụng một cái gọi là chuyên chính vô sản, thì những cái đó đã tạo ra một tệ nạn kinh khủng ở trên thế giới này.
"Tất cả các Đảng Cộng sản mà đi theo con đường đó đã để lại những di họa rất lớn, số người chết thì không thể tính trăm, tính nghìn, mà tính hàng triệu rồi, thì cái đó phải nói rằng Chủ nghĩa Marx gây ra tai hại", tác giả cuốn hồi ký chính trị 'Đêm giữa ban ngày' nói.
Tác phẩm 'Tư bản' của Marx được trưng bày ở Trier
Khi được hỏi, nếu có những hạn chế hay điểm gây tranh cãi như vậy, tại sao Chủ nghĩa Marx, mở rộng hơn là Chủ nghĩa Marx - Lenin, vẫn tồn tại và được tôn vinh ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc hay Việt Nam v.v..., nhà văn Vũ Thư Hiên nói :
"Tôi nghĩ rằng chuyện đó cũng bình thường, nó tùy vào tầm hiểu biết mà người ta tôn vinh cái này hoặc cái kia, thí dụ như tục vái những ông bình vôi treo ở các cây đa đầu làng, thì vẫn có những bà đến vái, vì vậy cho nên chúng ta có thể bằng trí tuệ nói chuyện về Chủ nghĩa Marx chứ không nên tấn công những cụ bà già đó làm gì, cái đó không xứng đáng với con người trí tuệ của thế kỷ này,
"Trong trường hợp phải nói là những người hiện nay cố gắng giữ Chủ nghĩa Marx và cộng thêm Lenin vào đấy, mà thực sự ra cái đó cũng khiên cưỡng, họ đưa vào đấy để tồn tại và giữ được quyền cai trị chứ không phải vì cái gì khác...
"Cái câu mà nói rằng 'cái gì tồn tài, cái đấy hợp lý', khái niệm hợp lý có thể ở trong một thời điểm, có thể trong một quãng thời gian, chúng ta thấy rằng nó đã từng hợp lý ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng sau đó người ta đã chứng minh là nó không hợp lý và người ta làm cái khác.
"Vì vậy nếu chúng ta nói là nếu nó tồn tại ở Trung Quốc, Việt Nam là hợp lý, thì tôi không thể chia sẻ cách suy nghĩ đó", nhà văn Vũ Thư Hiên nói BBC Tiếng Việt từ thủ đô của nước Pháp.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 23/05/2018
"Chỉ có những người có tiền, nhất là những người có tiền trong Đảng Cộng sản, mới lãnh đạo xã hội. Thành ra tôi thấy Chủ nghĩa cộng sản, mặc dù người ta vẫn nhân danh nó, nhưng nó đã biến thoái và không còn có ý nghĩa gì của thời Karl Marx đưa ra, nghĩa là mọi người đều bình đẳng và được bảo vệ như nhau trước luật pháp của một xã hội dân sự tốt", Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44223801
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 23/05/2018