Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp trở thành điểm hấp dẫn du học sinh quốc tế thứ tư trên thế giới trong năm 2017 sau Mỹ, Úc và Anh - ba nước sử dụng Anh ngữ vẫn thu hút đông đảo sinh viên Châu Á.

duhoc1

Đại học Sorbone, Paris. RFI tiếng Việt

Theo kết quả nghiên cứu của Campus France/Sofres, 93% sinh viên nước ngoài hài lòng về thời gian lưu học tại Pháp, 92% sẵn sàng giới thiệu nước Pháp với bạn bè.

Đây là một trong những thành quả đầu tiên trong suốt 5 năm nỗ lực cải thiện chất lượng đón tiếp và quảng bá với 10 lợi thế của ngành giáo dục-đào tạo Pháp. Trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo được Nhà nước tài trợ học phí, hệ thống 3.500 trường đại học công và tư trên khắp đất nước, điều kiện sống thoải mái giữa lòng Châu Âu, cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới, môi trường thuận lợi cho sáng chế và cho các chủ doanh nghiệp trẻ…

Trả lời RFI, ông Olivier Chiche-Portiche, giám đốc điều phối địa lý của Campus France, giải thích :

"Có 83% trong số gần 15.000 sinh viên nước ngoài được Sofres phỏng vấn, đề cao chất lượng đào tạo đại học tại Pháp và sự đa dạng về lựa chọn ngành học, kể cả một số ngành học bằng tiếng Anh. Học bằng tiếng Anh tại Pháp nghe có vẻ lạ, nhưng đúng là ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đào tạo đại học ở Pháp. Tôi nghĩ rằng chất lượng và môi trường tiếng Pháp là hai yếu tố giúp nước Pháp trở thành một lựa chọn khác biệt".

Du học Pháp thu hút nhờ tài trợ của Nhà nước

Vậy lý do gì đã giúp Pháp thu hút ngày càng đông đảo sinh viên nước ngoài ? Trước hết phải kể đến các khoản phí mà sinh viên phải nộp hàng năm, không thấm tháp vào đâu so với các nước dùng Anh ngữ, nhờ chính phủ tài trợ phần lớn chi phí thực sự dành cho đại học là 14.000 euro mỗi năm cho mỗi sinh viên.

Adja Marieme Sy, 19 tuổi, nữ sinh viên Sénégal, phó chủ tịch Hội Sciences Po khu vực Châu Phi, cho RFI biết đã cân nhắc nhiều giữa Pháp và Canada :

"Với bạn bè, chúng tôi thảo luận với nhau khá nhiều ngay khi học cấp III, vấn đề được đặt ra thường là chi phí và chúng tôi có thể chịu đuợc chi phí tại Pháp vì có khá nhiều chương trình học bổng. Nhưng đúng ngày càng có nhiều người nghĩ đến Canada, vì họ cũng có chương trình giảm học phí. Tôi có một số bạn bè đã đến Canada vì khá nhiều trường đại học tại đó soạn thảo chương trình đào tạo dành riêng cho sinh viên Châu Phi, hoặc chấp nhận một số tín chỉ để sinh viên Châu Phi không phải học lại một số môn khi đến Canada. Còn tôi chọn Pháp do chi phí, rất hấp dẫn. Và nếu so sánh về chi phi và chất lượng, nước Pháp có lợi thế hơn và còn có chương trình bảo hiểm y tế".

duhoc2

Trường đại học HEC Paris, năm 2014.Wikipedia

Không chỉ có Adja Marieme Sy chọn du học Pháp vì chi phí thấp, Thành Long, sinh viên ngành Tin học trường Paris VI-Pierre et Marie Curie và Tuấn Khang, sinh viên ngành Toán ứng dụng trường Paris VII-Diderot, có cùng quan điểm này khi trả lời RFI tiếng Việt :

"Cháu được biết là Pháp có chính sách hỗ trợ cho sinh viên, Thành Long giải thích, và điều quan trọng nhất là chi phí du học không quá cao so với các nước Anh, Mỹ, Úc. Cháu bắt đầu đi du học Pháp vào năm 2016. Học phí hàng năm mà sinh viên phải đóng vào khoảng 184 euro một năm, đó chỉ là phí ghi danh, còn lại học phí gần như được Nhà nước trả hết. Vì vậy, với điều kiện kinh tế của gia đình cháu, cháu quyết định chọn nước Pháp là hợp lý nhất".

Từng học song ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn Khang cho biết đã nghĩ đến du học Canada, nhưng cuối cùng quyết định chọn Pháp :

"Mấy nước Châu Âu thì học phí được bao trọn gói. Nhìn theo góc độ hạn hẹp của con, không biết các nước khác thế nào, nhưng nước Pháp tạo khá nhiều điều kiện cho sinh viên du học ở bên này. Về mặt học tập, chính phủ Pháp tài trợ gần như 100% tiền học phí, chỉ đóng mỗi năm khoảng 400 euro thôi, đó là tiền về cơ sở hạ tầng học tập, chủ yếu là tiền bảo hiểm y tế. Kế tiếp là về mặt ăn ở, có hỗ trợ của chính phủ về nhà ở (CAF), nên với 400 euro mỗi tháng là mình có thể đủ sống rồi".

Ngoài hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở, mỗi sinh viên, không phân biệt Pháp hay nước ngoài, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn phí tham quan bảo tàng, giảm một nửa giá vé xem kịch, xem phim, giảm một nửa vé tầu xe công cộng...

Dù chi phí dành cho mỗi sinh viên rất lớn, tại sao Pháp vẫn quyết cạnh tranh với nhiều nước khác để thu hút du học sinh ? Ông Olivier Chiche-Portiche giải thích :

"Bởi vì đó là một cơ may cho nước Pháp, là sự tỏa sáng của nước Pháp, mà người ta vẫn gọi là "quyền lực mềm". Đó là khả năng xây dựng cầu nối với sinh viên, với những cựu du học sinh tại Pháp. Sau khi họ về nước, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ thông qua cổng thông tin Alumni. Nước Pháp hiểu rõ những thách thức trong lĩnh vực nghiên cứu hiện nay : 41% những người đang làm tiến sĩ tại Pháp là nghiên cứu sinh nước ngoài".

Hài lòng về chất lượng đào tạo, chi phí học tập và cách đón tiếp nhưng sinh nước ngoài vẫn gặp một số khó khăn trong chi phí sinh hoạt hàng ngày, theo kết quả điều tra của Sofres : 39% cho rằng chi phí sinh hoạt quá đắt, 44% cho rằng tiền thuê nhà ở mức cao, đặc biệt tại Paris. Vậy họ xoay sở như thế nào trước những khó khăn tài chính và nhà ở ? Thành Long giải thích :

"Theo quy định về thẻ cư trú (titre de séjour) của sinh viên thì cháu được làm thêm tối đa 18 giờ mỗi tuần. Đi làm thêm ở Pháp sẽ có thể chi trả được phí nhà ở hoặc là sinh hoạt hàng ngày.

Có rất nhiều công việc làm thêm, như trông trẻ, phục vụ ở các quán ăn hoặc mình có thể làm ở các tiệm ăn nhanh McDonald, KFC. Như cháu, cháu đang làm thu ngân trong siêu thị. Nói chung, mình sẽ có thể chọn được rất nhiều nghề để làm, nó phụ thuộc vào sở thích và khả năng của mình".

Theo nhận định của Tuấn Khang, các bạn sinh viên qua Pháp không phải lo về vấn đề làm thêm, "đặc biệt là ở Paris, kiểu gì cũng kiếm được việc và mức lương đó đủ sống. Nhưng bù lại nếu bạn làm việc nhiều thì bạn phải tranh thủ học vào lúc đêm hoặc những lúc rảnh rỗi khác".

duhoc3

Một quầy trong ngày hội tư vấn du học Pháp 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh.Campus France Vietnam

Hiện tượng "sốc ngược" ?

Khi bước vào năm đầu đại học, sinh viên nước ngoài thường chỉ mới 17-18 tuổi. Còn quá trẻ, chưa kinh nghiệm, vì vậy, bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà đối với họ là cả một quá trình khó khăn và có cả "sốc ngược" vì hình ảnh nước Pháp và cuộc sống phương Tây không trọn vẹn như những gì họ tưởng, theo giải thích của Chiều Xuân, nữ sinh 19 tuổi, đang học kỹ năng ngôn ngữ tại Paris :

"Cháu thích nước Pháp, kiến trúc ở Pháp, rồi cũng đọc trên báo kiểu Pháp lãng mạn, kinh đô thời trang, nhưng lúc cháu đến, thấy không như cháu tưởng tượng. Ở đây, cháu thấy mọi người sống hơi "công nghiệp" một chút, mọi người chỉ sống cho mình, sống theo kiểu độc lập. Ở Việt Nam, mọi người sống theo kiểu cộng đồng, gia đình.

Cháu đi du học, có những lúc mình không biết phải làm gì, không ai giúp đỡ, đôi lúc cháu cảm thấy tủi thân và khó khăn, thì mình phải tự giúp bản thân mình".

Với Thành Long, ngoài rào cản ngôn ngữ, hòa nhập với môi trường đại học và xã hội là trở ngại lớn trong hai năm đầu đại học tại Pháp :

"Khó khăn đầu tiên mà bất cứ sinh viên nước ngoài nào, không chỉ sinh viên Việt Nam nói riêng, đó chính là vấn đề rào cản ngôn ngữ. Khó khăn thứ hai khi đi học, đó là sự khác biệt giữa văn hóa Châu Âu và Châu Á. Cháu đã gặp rất nhiều khó khăn để kết bạn với các bạn sinh viên bên này. Nhưng sau khoảng gần hai năm đi học, cháu cũng bắt đầu dần dần thích nghi được và cũng đã kết bạn được một chút. Đó là những khó khăn sinh viên gặp phải khi mới sang".

Nhưng chắc hẳn cũng có nhiều sinh viên đã chuẩn bị tinh thần trước khi du học Pháp, như trường hợp của Tuấn Khang :

"Con đọc nhiều bài báo thấy nhiều người thất vọng khi đặt chân đến Pháp, vì họ cứ tưởng nước Pháp mầu hồng hay là việc học đều sẽ thuận lợi. Khi con hình dung về nước Pháp, con chỉ hình dung qua phim thôi, là nó đẹp, nó nguy nga, nó tráng lệ. Nhưng mà con không đòi hỏi nhiều, cái quan trọng ở đây là mục đích mình tới học tập, chứ không phải mục đích là tới du lịch nên con không đòi hỏi, con không bị sốc như nhiều người, nhiều bài báo đăng tin bi quan, đau khổ gì đó".

Trong những năm gần đây, Pháp nỗ lực quảng bá lợi thế và chất lượng đào tạo đại học. Khoảng 220 văn phòng Campus France trên khắp thế giới đóng vai trò cầu nối và thông tin giữa tân du học sinh quốc tế, trong đó Việt Nam có hai văn phòng chính ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và hai chi nhánh ở Huế và Đà Nẵng.

Ngoài ra, để giữ liên lạc với khoảng 100.000 sinh viên quốc tế hàng năm tốt nghiệp hệ thống đại học Pháp, Campus France đã thành lập "France Alumni", cổng thông tin điện tử giúp các cựu sinh viên kết nối và chia sẻ dự án với nhau, cũng như giúp nước Pháp xích lại gần với cuộc sống và sự nghiệp của họ. Khoảng 67% cựu du học sinh nước ngoài, sau khi học xong tại Pháp, tìm được việc làm ở một nước khác vẫn giữ quan hệ với nước Pháp.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 04/05/2018

Published in Văn hóa