Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 30 mai 2017 13:33

Khi cha mẹ bỏ bê con cái

Trẻ em độ tuổi vị thành niên phạm tội đang là một bài toán nan giải không chỉ của riêng Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay.

boroi1

Trẻ em dân tộc Hmông bán đồ lưu niệm cho khách du lịch tại một ngôi làng ở Sapa, Lào Cai hôm 8/12/2013. AFP photo

Một khảo sát gần đây cho thấy đến gần phân nửa số trẻ phạm tội ở Việt Nam là do thiếu sự quan tâm của cha mẹ.

Vì đâu con không được quan tâm

Năm 2011, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) đưa ra số liệu cho thấy trong 6 tháng đầu năm, Cục này đã xử lý trên 22.000 đối tượng phạm tội, trong đó có hơn 75% là thanh thiếu niên.

Một nghiên cứu khác của Học viện cảnh sát nhân dân về hoàn cảnh gia đình phạm tội của trẻ vị thành niên năm 2016 cho thấy 11% là do bố mẹ ly hôn ; 29% do bố mẹ không đáp ứng nhu cầu ; 5 % là do bố mẹ từ chối nuôi dưỡng và đến 45% là do bố mẹ bỏ bê, không quan tâm đến con.

Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói với chúng tôi rằng dù không cần số liệu chứng minh, thường mọi người vẫn hay nghĩ và tin rằng những trẻ hư và phạm tội là do cha mẹ bỏ bê không quan tâm đến con :

Xã hội hiện đại bây giờ cha mẹ rất bận rộn với công việc, nên không dành nhiều thời gian cho con. Lối sống gia đình bây giờ đã khác lối sống ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa cha mẹ có nhiều thời gian cho con hơn, cha mẹ ở nhà nhiều hơn còn bây giờ cha mẹ ở ngoài nhiều hơn. Trẻ em ngày xưa thời gian học cũng ít hơn, còn bây giờ ngoài ở trường còn phải đi học thêm nên cũng không có nhiều thời gian ở nhà. Thêm vào nữa thời gian ở nhà nào là xem ti vi, nào là chơi game, mỗi người một máy tính nên sự gắn kết mọi thành viên trong gia đình ít đi.

Những năm trước khi xã hội Việt Nam còn chưa phát triển như hiện tại nhiều gia đình chỉ có người cha đi làm để kiếm tiền, còn mẹ ở nhà chăm sóc nuôi nấng các con. Nhưng nay xã hôi phát triển kéo theo những yêu cầu về bình đẳng giới, phụ nữ cũng xông xáo lao động để phụ giúp tài chính cho gia đình. Đây là điều đáng mừng cho phụ nữ, những người thường được gọi là phái yếu nhưng lại là một thiệt thòi cho con trẻ vì cả bố mẹ đều mai mê lao động thì thời gian đâu để chăm sóc, quan tâm đến các con.

Khắp mọi nơi trên đất nước, dù là thành thị đến nông thôn, cảnh tượng ông bà già nghỉ hưu ở nhà chăm sóc trẻ có thể nói là bạt ngàn trong xã hội bây giờ. Nhiều người ở thành phố không có ông bà giúp đỡ việc chăm con nên đành thuê người giúp việc. Nhiều câu chuyện bi hài trên mạng cho thấy nhiều con trẻ theo người giúp việc hơn chính cha mẹ mình. Trong khi đó ở nông thôn kế mưu sinh khó khăn hơn nên hầu hết các cặp vợ chồng trẻ gửi con về quê cho ông bà trông nom để đi làm kiếm tiền rồi gửi tiền đó về quê phụ giúp việc nuôi con cái.

Chị Quỳnh, một người dân Sài Gòn, có cô con gái 13 tuổi, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về người bạn cùng lớp của con :

Ba mẹ mải buôn bán ngoài chợ nên con đi học hay đi chơi cũng không nắm được và phó mặc hoàn toàn cho nhà trường. Khi hết năm học, nhà trường báo kết quả học tập và các buổi vắng lúc ấy gia đình mới biết con mình không đi học mà đi chơi bời ở bên ngoài. Tuổi còn nhỏ các em cần được dạy dỗ, quan sát, và khắt khe hơn nhưng cha mẹ lại bỏ bê. ở Việt Nam tình trạng này đang rất nhiều. Các em sẽ bị các thành phần xấu cuốn theo mà không có lối ra.

Điều đáng buồn là một bộ phận lớn phụ huynh cho rằng bổn phận làm đấng sinh thành là phải cung cấp đầy đủ về tài chính, có khả năng cho các con những vật chất tốt nhất thì mới xứng là người cha người mẹ. Bà Phạm Quỳnh Hương nhận xét :

Rất nhiều người nghĩ rằng càng có nhiều tiền thì càng có thể đầu tư nhiều hơn cho việc giáo dục con cái, có thể cho con vào trường tốt, học nhiều lớp hơn, cho con học trường tư tốt hay du học nước ngoài. Vì guồng quay của đồng tiền và của xã hội cuốn hút con người ta ghê lắm. Khi một thời gian con lớn rồi, thấy con không được như mình mong đợi thì lại ân hận nghĩ rằng lẽ ra ngày ấy mình nên quan tâm con nhiều hơn.

Ngày trước, khi bố mẹ đi làm, trẻ em tụ tập chơi các trò như nhảy dây, đá bóng, đá cầu hay trẻ em nông thôn thì có các trò dân gian như đánh chắt, đánh chuyền, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê. Đó là những trò bổ ích cho các em vì tạo sự gắn kết với bạn bè, yêu cầu các em vận động thân thể và trí óc và tiếp xúc với không gian bên ngoài. Ngày nay Internet phát triển, khi bố mẹ còn mải mê với công việc, trẻ em ngồi trong nhà chơi một mình với các trò trên mạng không được kiểm duyệt. Bà Quỳnh Hương nói tiếp :

Bây giờ Internet, mạng phim ảnh nhiều cũng góp phần cho trẻ cơ hội hoàn thiện mình. Tuy nhiên mặt trái là những trang mạng không có tác dụng giáo dục, những trò chơi game hay phim bạo lực lại ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

Trong một nghiên cứu về các yếu tố tác động đến hành vi bạo lực của thiếu niên của giáo viên trường Bách khoa TP.HCM năm 2012 cho thấy trong số 80 em thường xuyên có hành vi bạo lực thì 26 em thường xuyên xem các phim ảnh, trò chơi có tính chất bạo lực.

Cô giáo Thanh Hằng, một giáo viên cấp 3 ở TP.HCM còn cho hay rằng một số đông cha mẹ, vì mải mê kiếm tiền, bận làm ăn nên không để ý đến con cái, chính vì thế, có em còn trốn học để chơi game :

Nhiều người đi làm suốt ngày, con cũng đóng quần áo, xách cặp đi thì người ta đâu có biết. Nhìn chung là học trò mê lắm. Học sinh học hành sa sút, nhiều đứa bỏ học…nhiều đứa khích nhau một cái là sẵn sàng rút dao đâm nhau.. nhiều khi chỉ cần va chạm nhỏ là đâm nhau.

Hậu quả khi con thiếu thốn tình cảm

boroi2

Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo

Báo chí thời gian gần đây đưa tin về hàng loạt các vụ đánh nhau, chém giết, trộm cắp mà đối tượng thực hiện là những người tuổi vị thành niên. Hồi đầu năm nay xảy ra việc 2 em học sinh cấp 3 ở Sơn La vì mâu thuẫn cá nhân đã hẹn đánh nhau và một người trong lúc hoảng loạn đã đâm người kia đến chết. Dư luận lúc bấy giờ chỉ xôn xao bàn tán lỗi của người nào, và tòa xử có án có đúng không mà quên đi mất thông điệp ẩn chứa đằng sau đó là vì lý do gì các em tuổi còn nhỏ đã tìm đến bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ?

Trong một bài viết đăng trên tờ Sài Gòn Giải Phóng năm 2015, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Văn Công có nói : "tình trạng giới trẻ vô cảm với những người xung quanh hay với chính người thân đang là vấn đề đáng báo động. Các em không cảm nhận được thế nào là sự chia sẻ, đồng cảm, không biết giá trị của yêu, ghét, giận hờn... mà thay vào đó là thái độ thờ ơ. Ông đánh giá một trong những nguyên nhân là do hiện nay ở một số gia đình không chú trọng giáo dục con cái biết chia sẻ, yêu thương. Từ nhỏ các em được chiều chuộng quá mức, cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất nhưng thiếu hụt về tình cảm, dẫn đến các em không cảm nhận được sự thiếu thốn hay nỗi đau khổ từ người khác.

Thiếu sự quan tâm của gia đình, theo bà Quỳnh Hương, còn khiến các em thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết :

Các em sẽ thiếu đi sự giáo dục về những kỹ năng sống để tham gia cuộc sống sau này. Điều này cũng sẽ tạo ra một lực lượng lao động không có đủ tố chất nhất định để có thể tự xây dựng cuộc sống cho các em cũng như phát triển đất nước.

Cũng theo bà, gia đình không quan tâm giáo dục trẻ em thì giáo dục đó thuộc về nhà trường. Nhưng hiện nay một bộ phận đông thầy cô cũng mắc lỗi tương tự là lao vào vòng xoáy kiếm tiền nên không quan tâm nhiều đến học sinh và mọi sự quan tâm đều bị quy về đồng tiền. Vì thế bà cho biết, trẻ em không còn chỗ lương tựa nên hoàn toàn phó mặc cho xã hội :

Đa phần các em sẽ bị lôi kéo, lệ thuộc vào đám đông và nếu đám đông xấu mình sẽ bị ảnh hưởng xấu vì môi trường lôi kéo mình đi. Nếu các em không chủ động được thì sẽ dễ dàng bị sa vào những tội phạm như cờ bạc, rượu chè, hút chích cộng với việc không có kỹ năng sống dần dần các em sẽ chìm xuống đáy của xã hội.

Giải pháp nào cho phụ huynh ?

Chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ với hàng chục các khoản lớn nhỏ mỗi gia đình phải chi trả hàng ngày. Vì vậy giải pháp chồng đi làm vợ ở nhà chăm sóc con không còn khả thi với hầu hết gia đình. Hơn nữa, ngày nay người phụ nữ xứng đáng được tiếp xúc với xã hội bên ngoài để thể hiện tài năng của mình, khác với quan niệm phụ nữ chỉ lấy chồng sinh con như ngày xưa. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể cân bằng thời gian cho công việc và thời gian cho con. Chị Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm chăm con của bản thân :

Bé đi học về là 5h30, mình về đến nhà là 7h, khoảng thời gian đó mình hay gọi điện về hỏi cô giúp việc xem bé đang làm gì. Bé có thể chơi nhưng sau đó phải tự học bài tập về nhà. 7h mình về sẽ kiểm tra, làm như vậy khoảng 2, 3 lần một tuần. Khi mình thấy bé vào nề nếp và có ý thức học rồi mình sẽ giãn ra. Đồng thời mình hỏi han giáo viên ở trường và điểm số và kết quả học tập của bé thế nào. Cô giáo có thấy bé có biểu hiện gì bất thường hay không.

Rồi mình cũng hay tâm sự với con giống một người bạn. Mình hỏi han trên lớp có chuyện gì, bạn bè như thế nào để bé tâm sự. Mình tự biến mình thành người nếu có chuyện gì bé tâm sự với mình đầu tiên. Có chuyện gì mình cũng song hành cùng con.

Mình tự biến mình thành người nếu có chuyện gì bé tâm sự với mình đầu tiên. Có chuyện gì mình cũng song hành cùng con.
- Chị Quỳnh 

Trào lưu bố mẹ là bạn thân của các con như chị Quỳnh vừa nhắc tới đang được các bậc phụ huynh trong dư luận rất quan tâm. Một bộ phận ủng hộ cho rằng nếu quá chiều con sẽ hư, còn nếu quá khắt khe sẽ phản tác dụng. Họ cho rằng cách tốt nhất là biến mình thành người bạn thân cho con chia sẻ, bầu bạn hàng ngày. Tuy nhiên, bà Quỳnh Hương chỉ ra điểm hạn chế của trào lưu này trong xã hội Việt Nam :

Theo truyền thống Việt Nam theo đạo Khổng, nên gia đình phải có tôn ti trật tự, con cái và cha mẹ phải có thứ bậc. Không bao giờ con cái lại được ngang hàng, làm bạn bè với bố mẹ. Tuy nhiên bây giờ xu hướng cha mẹ là bạn bè có thể chia sẻ với con mọi thứ. Tuy nhiên đó chỉ là mong muốn, khi thực hiện rất khó bởi vì các thế hệ trước chưa ai làm cả. Thế hệ này làm thì gặp phải rất nhiều phán xét, định kiến, góp ý từ những người xung quanh.

Hiện tại có nhiều chương trình sau giờ học và cuối tuần tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, học tập và trải nghiệm thực tế cho các em như học vẽ, học đàn hát, thăm quan thiên nhiên, kể chuyện, học kỹ năng sống. Các phụ huynh có thể tham khảo các chương trình này để các con được vui chơi học hỏi sau một ngày mệt mỏi trên lớp.

Anh Nguyễn Tùng Lâm, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh thiếu niên Việt Nam 4T chia sẻ về các chương trình trải nghiệm của trung tâm, nhằm giúp các em tự tin, tự lập, năng động và chủ động hơn trong cuộc sống :

Bọn mình có các mô hình như camping, như trại hè chẳng hạn. Hiện tại mình đang làm chương trình trại hè thẻ thao Olympic. Đó là chương trình kéo dài trong 1 tuần, ăn ở tại trường đại học thể dục thể thao, các bạn vừa tập thể thao và tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể. Bọn mình cũng có các câu lạc bộ như câu lạc bộ hiếu học, các bạn sẽ được thực hành các bài học nhỏ, các dự án để áp dụng hiểu biết của mình vào thực tế. Mô hình bọn mình dùng nhiều tình nguyện viên để trực tiếp chia sẻ với học sinh.

Gia đình là nôi nuôi dưỡng đầu tiên và là nền tảng hình thành nên nhân cách của một con người. Trẻ em rất cần được chăm sóc về mặt vật chất một cách đầy đủ, nhưng nếu cha mẹ chỉ chú trọng kiếm tiền không quan tâm đến con thì chúng sẽ lớn lên trở thành những con người được ăn ngon mặc đẹp nhưng lại vô cảm, không biết yêu thương, sẻ chia và mất đi những giá trị tâm hồn tốt đẹp.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 30/05/2017

Published in Văn hóa