Việc ứng xử như thế nào với quá khứ, với lịch sử nói lên rất nhiều về một chế độ, một dân tộc
Chế độ độc tài nào thì cũng muốn "viết lại lịch sử" theo ý mình. Chế độ độc tài do Đảng cộng sản lãnh đạo ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng cũng không khác. Dưới sự đổi trắng thành đen, đen thành trắng, "bóp méo", của Đảng cộng sản, lịch sử Việt Nam trong suốt hơn 4000 năm, đặc biệt trong thế kỷ XX, XXI đã bị làm cho sai lệch rất nhiều. Không chỉ có thế, nhiều sự kiện đã hầu như bị "tẩy xóa" trắng. Và phải nói là Đảng cộng sản đã khá thành công, chỉ mới 5, 7 chục năm, tư liệu vẫn còn, nhân chứng vẫn còn mà nhiều nhân vật, sự thật còn bị viết lại hoặc bị "tẩy xóa" như chưa hề tồn tại. Mươi, mười lăm năm nữa, với nhiều con người, sự kiện mà tư liệu không có đủ, nhân chứng cũng đã qua đời hết, thì không biết còn sai lệch tới đâu ?
Trước hết phải nói cho rõ rằng : thảm sát Mậu Thân 1968 là có thật, vài ngàn con người hầu hết là thường dân đã bị giết theo những cách man rợ nhất
Mới đây nhân có một nhân vật có tiếng trong giới văn chương dính líu đến sự kiện Tết Mậu Thân 1968 qua đời, đọc bài viết và bình luận của nhiều người, mới nhận ra là rất nhiều người Việt Nam ở miền Bắc và ở miền Nam thế hệ sinh sau đẻ muộn thời hậu chiến vẫn không biết, hoặc biết rất ít về sự kiện đau thương kinh hoàng này, thậm chí không tin.
Trước hết phải nói cho rõ rằng : thảm sát Mậu Thân 1968 là có thật, vài ngàn con người hầu hết là thường dân đã bị giết theo những cách man rợ nhất y như những cách bọn Khơ Me Đỏ sử dụng (đập đầu bằng búa, hoặc bị bắn vào đầu ở cự li gần, tay trói giật cánh khuỷu, bị chôn sống, chôn trong những ngôi mộ tập thể, v.v.), không phải là những cái chết vì súng đạn bắn nhau từ xa ngoài chiến trường. Bằng chứng vẫn còn đầy trên internet, và do Việt Cộng gây ra chứ hoàn toàn không phải do Mỹ-Ngụy nào gây ra hết. Không chỉ có vụ thảm sát Mậu Thân 1968, kể từ khi thành lập cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã có vô số chính sách sai lầm cũng như vô số tội ác đối với đất nước, dân tộc Việt Nam. Nhưng có những tội ác quá hèn hạ, kinh tởm như vụ Mậu Thân đến nỗi Đảng cộng sản phải tìm cách "tẩy xóa" cho bằng được, không khác nào Đảng cộng sản Trung Quốc luôn tìm cách "tẩy xóa" vụ Thiên An Môn, hay những chính sách sai lầm giết hàng chục triệu người của Mao Trạch Đông trước kia.
Sự thật là chế độ độc tài do Đảng cộng sản cai trị ở bất cứ đâu, dù là Liên Xô, Đông Âu cũ, Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia… đều tàn ác, man rợ như nhau.
Và chừng nào lịch sử còn chưa được minh bạch, rõ ràng, ai đúng ai sai, thì đừng trách những nạn nhân tiếp tục oán hờn.
Có những người nói rằng "nghĩa tử là nghĩa tận, người đã chết rồi thôi bỏ qua, đừng xới lại chuyện cũ.
Ngay với một người thường, chết cũng chưa chắc đã là hết, còn bao nhiêu di sản, hệ lụy để lại cho con cháu, huống hồ là những nhân vật có tên tuổi, nhất là những chính trị gia, nhân vật lịch sử, thì phải chịu sự đánh giá, phán xét của người đương thời và đời sau thôi. Không lẽ chúng ta nói rằng Hitler, Stalin, Mao, Hồ, Pol Pot… đã chết rồi thì thôi bỏ qua đi ?
Với Việt Nam, có một điều đáng nói là không chỉ các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản, quan chức, cán bộ cộng sản... chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thừa nhận sai lầm, thành tâm sám hối, mà ngay cả người dân từ trí thức, văn nghệ sĩ, thầy tu… từng vì u mê, mông muội chọn sai đường, gián tiếp hay trực tiếp gây nên những tội ác bằng lời nói hay việc làm đối với đất nước, nhân dân, cũng hiếm ai có được một lời thẳng thắn nhận sai, xin lỗi thật sự. Hoặc là họ im lặng, hoặc là nói theo kiểu nửa vời, tiếp tục bao biện, bào chữa cho mình bằng những lời dối trá khác.
Lịch sử không thể "tẩy xóa" mà chỉ có thể rút ra những bài học từ đó. Ứng xử mình bạch, công bằng với quá khứ, với lịch sử là dấu hiệu cho thấy một dân tộc văn minh. Mặt khác, chỉ khi một dân tộc nào dám dũng cảm nhìn lại quá khứ, thành tâm sám hối, sửa sai thì dân tộc đó, quốc gia đó mới bước qua khỏi những trang sử tối tăm và tiến lên phía trước. Như người Đức, người Nhật đã bước qua trang sử thời phát xít của họ, chẳng hạn.
Có lẽ cái mà chúng ta cần, là một ngày sám hối.
Nói thật để thanh thản, để tự giải thoát cho chính mình
Như đã nói, khi nào Đảng cộng sản còn tồn tại và nắm chính quyền, thì không trong mong gì họ sẽ thừa nhận những sai lầm, những tội ác của họ và có những việc làm để sửa chữa. Điều mà chúng ta mong mỏi, hy vọng là những nhân chứng còn sót lại của mọi thảm kịch trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là từ phía cộng sản vì bị bưng bít, che đậy, "tẩy xóa" bao nhiêu năm nay, từ những vụ đặt mìn, ném bom, ám sát… tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam, thảm sát Mậu Thân, vụ thảm sát hàng trăm dân làng Tây Nguyên ngày 5/12/1967 tại làng Đắk Sơn do "quân giải phóng miền Nam Việt Nam" gây ra nhưng sau đó đổ thừa cho "Mỹ-ngụy", vụ "đại lộ kinh hoàng" tháng 3/1972 ở Quảng Trị, vụ thảm sát sáng 21/4/1975 (9 ngày trước khi Sài Gòn thất thủ) tại ấp Phú Mỹ, xã Tân Lập, huyện Xuân Lộc (nay là ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh), làm hơn hai trăm thường dân thiệt mạng oan khốc, v.v., hãy tiếp tục lên tiếng, ngay cả nếu mình không phải là nạn nhân mà lại là người gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra những thảm kịch đó. Nói thật để các thế hệ sau được biết, để lịch sử không lặp lại những sai lầm, nhưng trước hết, nói thật để thanh thản, để tự giải thoát cho chính mình, còn hơn là im lặng mang theo xuống nấm mồ.
Ở Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua, đã quá nhiều những lời nói dối. Chúng ta không cần có một ngày 1 tháng Tư là ngày nói dối như nhiều quốc gia khác, có lẽ cái mà chúng ta cần, là một ngày sám hối. Và sự cần thiết này, không chỉ dành riêng cho những người cộng sản.
Nếu xem lịch sử như chiếc gối ôm vỗ về giấc ngủ thì tương lai sẽ là ác mộng bởi chẳng có tương lai tươi sáng nào tự đến với kẻ chỉ biết nằm ôm gối.
Thụy Điển là nước đứng đầu thế giới về tái chế rác thải (công nghiệp và sinh hoạt), công nghiệp tái chế của họ phát triển đến mức quốc gia này không đủ rác để tái chế, phải nhập khẩu thêm rác từ nước ngoài.
Dẫu có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, dẫu có bỏ ra cả núi tiền thu gom thì vẫn có một thứ Thụy Điển không bao giờ có thể nhập khẩu cho công nghiệp tái chế của họ, đó là thời gian.
Nói cách khác, thời gian là thứ không thể tái chế.
Trên đời này không chỉ thời gian, nhiều thứ không thể tái chế, chẳng hạn tương lai, lịch sử…
Con người cho đến thời điểm hiện tại là sinh vật duy nhất trên hành tinh này kết hợp trong nó hai mặt đối lập : thông minh nhất và ngu xuẩn nhất.
Nếu một ai đó tuyên bố có thể "tái chế thời gian" thì chắc chắn kẻ đó phải là kẻ thuộc vào "nhóm lợi ích ngu", và biết đâu, khi đạt đến trình độ "ngu thượng thừa" thì lại có nghĩa là kẻ thông minh nhất ?
Xin biện minh một tí về "nhóm lợi ích ngu", tìm mãi trong tiếng Việt một từ phù hợp như "phe ngu", "tập đoàn ngu", "tầng lớp ngu", "bè lũ ngu", "giới ngu",… chẳng thấy có cụm từ nào phù hợp, trong khi đó báo chí suốt ngày nói về "nhóm lợi ích", xem đó là nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của thể chế, là nguy cơ mất nước.
Thế nên dùng cụm từ "nhóm lợi ích ngu" vừa đỡ công học mót, vừa phù hợp với trào lưu ném đá "nhóm lợi ích ".
Thời gian là thứ không thể tái chế (Ảnh : vietq.vn)
Luận về thời gian, không thể không nhắc đến những câu thơ tuyệt vời của Tế Hanh trong "Bài thơ tình ở Hàng Châu" :
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng trong cây
Một ít buồn trong gió trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ…
Mùa thu qua đi, cái đọng lại với con người là nỗi cô đơn, là một ít vàng trong nắng, một ít buồn trong mây và một ít vui trên môi người thiếu nữ.
Sao khi mùa thu qua, người thiếu nữ ấy chỉ còn một ít vui chứ không phải là cả một mùa vui ?
Sự tiếc nuối những thân thương không trở lại có gì đó khiến người ta thẫn thờ, khiến người ta luôn tự hỏi "bao giờ cho đến tháng ba" ?
Đến tháng ba để làm gì ?
Để con ếch hiền lành có thể cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng, để con lợn vốn được người đời đưa vào câu thành ngữ "ngu như lợn" có thể quật ngã để rồi "liếm lông con hổ".
(Bao giờ cho đến tháng ba ; Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng ; Hùm nằm cho lợn liếm lông…).
Người xưa nói ra mơ ước này có lẽ cả thiên niên kỷ, ngày nay người đời vẫn nhớ.
Thời gian, thứ duy nhất mà con người không nhìn thấy nhưng lại luôn cảm thấy, thứ duy nhất chuyển động không có điểm dừng, cũng là thứ duy nhất có thể bị cong (trong không gian cong) nhưng không thể bị bẻ gãy.
Thời gian, thứ quý giá nhất và cũng là thứ dễ bị phung phí nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Nhiều người mơ ước có cỗ máy thời gian để trở về quá khứ, để thay đổi lịch sử, cũng có người muốn nhờ cỗ máy thời gian bay đến tương lai để biết số phận mình sẽ như thế nào.
Mơ ước ấy nếu có thành sự thật thì cũng không có nghĩa là "tái chế thời gian".
Thời gian mất đi một cách vô ích không thể tái chế để trở nên có ích.
Khi dòng người kiên nhẫn nhúc nhích từng mét trên đường phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia quốc tế tính sự phí phạm thời gian ấy trị giá 1,2 tỷ USD riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh [1].
Nếu cộng thêm Hà Nội và trên các trục giao thông quan trọng thì lượng thời gian không thể tái chế ấy quy thành tiền không dưới 2 tỷ USD mỗi năm, nói cách khác nó vào khoảng 45 nghìn tỷ đồng tiền Việt.
Người ta nói quá nhiều về các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ, cả Quốc hội, Chính phủ, cả người thường lẫn quan chức "nhiệt liệt" phê phán người và cơ quan, tổ chức liên quan.
Thực ra số tiền thua lỗ ở 12 dự án đã thống kê cũng không hơn những gì mà kẹt xe mang lại, có khác chăng là chuyện kẹt xe không thấy nhiều người lên án bởi theo lý luận của một quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, còn nhúc nhích nghĩa là chưa bị kẹt, người ta cam chịu bởi mấy người phải bỏ tiền mua thời gian ?
Sau 10 năm kể từ khi Nghị quyết 3 khóa 10 được ban hành, đã có thêm Nghị quyết 4 khóa 11, Nghị quyết 5 khóa 12 liên quan đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bước đầu đã thấy chuyển biến nhưng để nhìn thấy thành công trong cuộc chiến chống nội xâm này có lẽ người dân phải kiên nhẫn chờ đợi, thời gian nhiều lắm, dùng mãi không hết thế nên cứ hy vọng rồi sẽ đến tháng 3.
Thế hệ làm nên cuộc trường chinh vĩ đại giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào năm 1975 đang dần về với cát bụi.
Trong số gần 500.000 "liệt sĩ chưa biết tên" chỉ mới quy tập được khoảng 300.000 về nghĩa trang, còn tới 200.000 liệt sĩ chưa biết hy sinh ở chốn nào.
Để thêm một thời gian nữa, liệu có thể quay về quá khứ để tìm kiếm hay kêu gọi thời gian tạm ngừng trôi để còn "dự trù kinh phí" ?
Ngày nay, ngay cả chị gái làm Bí thư tỉnh còn không biết em trai Giám đốc sở có dinh cơ rộng hơn vạn mét vuông (ở Yên Bái) thì việc thiếu thông tin của nửa triệu liệt sĩ có nên ngạc nhiên ?
Hàng trăm (cũng có thể là hàng nghìn) biệt thự khủng của quan chức ngày nay vẫn còn bị "thiếu thông tin", hoặc thông tin vẫn cất trong ngăn kéo thì làm sao có thể tìm thông tin từ nửa thế kỷ trước ?
Bây giờ người ta sống với tương lai, mấy ai sống bằng quá khứ, chuyện mấy chục năm trước, thời gian xóa nhòa hết rồi chăng ?
Nói dòng chảy thời gian không có điểm dừng có người lập tức liên tưởng, rằng với một bộ phận (không biết có còn là nhỏ) quan chức ngày nay "tham" cũng không có điểm dừng.
Kêu gọi quan tham đừng tham nữa, hãy biết thương nước, thương dân, hãy biết tự phê bình, tự chuyển hóa bản thân thành người tốt, thành công dân có ích cho xã hội có làm quan tham tỉnh ngộ hay phải siết chặt kỷ luật, phải nghiêm trị bằng luật pháp chứ không phải bằng cách rút kinh nghiệm ?
Nếu không dùng luật, nếu chỉ phê bình và tự phê bình mà khiến "cán bộ hư" chuyển hóa thành "cán bộ ngoan" thì chắc chắn phải coi đó là công nghệ mới, sánh ngang với công nghệ nhốt thời gian vào lồng để tái chế !
Thực ra mọi sự so sánh đều khập khiễng, ngay cả khi có thể nhốt thời gian để tái chế thì những kẻ tham đến mức thoái hóa biến chất chẳng bao giờ dừng tham nếu còn cái để mà tham.
Khi không tham được nữa là lúc chúng nhập viện hoặc lưu vong, bên cạnh những cái tên như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy,… nghe nói còn có cả một cựu nữ trưởng phòng tỉnh Thanh Hóa.
Trong khi Tổng Bí thư nhấn mạnh phải "kỷ luật vài người để cứu muôn người" thì bà Bí thư tỉnh ủy Yên Bái "ngơ ngác" không biết vì sao em trai ruột của bà và cán bộ dưới sự lãnh đạo của bà kiếm hàng vạn mét vuông đất làm nhà bằng cách nào, cũng là lúc đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên nêu câu hỏi "Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không ?".
Những dân thường tin vào quảng cáo của đường sắt quốc gia mất cả buổi xếp hàng tại ga Hà Nội nhằm mua chiếc vé giá 10.000 đồng bị "ăn quả lừa" nhận được gì ?
Người ta chỉ việc đổ lỗi cho "thông tin chưa đầy đủ dẫn đến gây hiểu lầm cho hành khách", còn bao nhiêu thời gian tiêu tốn cho việc xếp hàng thì đó là lỗi của dân, không phải lỗi của doanh nghiệp nhà nước ?
Gây thiệt hại cho dân, doanh nghiệp vô can, phải chăng đó là đạo lý kinh doanh của doanh nghiệp ?
Những người làm công ăn lương, những người đang bán thời gian với giá rẻ mạt cho các ông chủ tư bản trong và ngoài nước liệu có ý thức được, rằng họ đang cầm cố cuộc đời mình để đổi lấy bát cơm, manh áo, ngoài con đường từ nhà trọ đến nhà máy, họ có gì thêm ?
Tổng thống Nga V. Putin có lẽ là người có câu trả lời rõ nhất về việc không muốn và không thể tái chế thời gian.
Nếu có cỗ máy thời gian, ông Putin chỉ muốn "là một nhà quan sát thụ động, không muốn thay đổi bất cứ thứ gì trong quá khứ cũng như trong tương lai".
Tuy nhiên ông "muốn chứng kiến thành phố St.Petersburg được dựng lên như thế nào và Cuộc chiến Vệ Quốc vĩ đại đã thắng lợi ra sao".
Có người "AQ" với chính mình rằng đạt được như hôm nay là tốt lắm rồi, mãn nguyện lắm rồi, chả cần gì hơn nữa, thành tựu đạt là đỉnh cao muôn trượng, không ai, không gì có thể sánh nổi.
Hào quang quá khứ có thể soi sáng con đường hiện tại và tương lai nếu đó là đường thẳng, nhưng không thể nếu có những khúc rẽ, những gập ghềnh.
Không thể tái chế thời gian có nghĩa là không thể thay đổi lịch sử. Tuy nhiên nếu xem lịch sử như chiếc gối ôm vỗ về giấc ngủ thì tương lai sẽ là ác mộng bởi chẳng có tương lai tươi sáng nào tự đến với kẻ chỉ biết nằm ôm gối.
Xuân Dương
Nguồn : GDVN, 26/06/2017
Tài liệu tham khảo :
[1] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140915/tphcm-ket-xe-gay-thiet-hai-12-ty-usd-nam/646060.html