Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Trung Quốc bị ám ảnh bởi những con số. Việc chúng chiếm vị trí quan trọng trong cả đời sống thực tế lẫn đời sống trên mạng là điều mà khách du lịch dài ngày và người ngoại quốc sống tại đây cảm thấy kỳ quặc.

so1

Người Trung Quốc bị ám ảnh bởi những con số.

Là người vừa chân ướt chân ráo đến Bắc Kinh, có một số thứ tôi cần mau chóng ghi nhớ : thời gian chính xác tôi phải ra khỏi nhà vào buổi sáng để tránh bị đè bẹp giữa cả đống người chen như nêm trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm ; địa chỉ của những quán đồ ăn xào cay ngon nhất ; không bao giờ cho giấy vệ sinh vào bồn cầu ; và không bao giờ, không bao giờ được ăn hoành thánh bằng cách đưa thẳng vào miệng (mà phải cắn một chút rồi húp xì xụp phần nước suýt đã, bạn nhớ nhé).

Mặc dù vậy, vẫn có một nhiệm vụ dường như bất khả thi. Đó là việc phải ghi nhớ số QQ của mình, đó là một chuỗi các chữ số được gán ngẫu nhiên dùng để nhận dạng người dùng cho dịch vụ nhắn tin QQ mà nhiều người ở Trung Quốc sử dụng.

Là nhân viên nước ngoài duy nhất trong bộ phận, rõ ràng mỗi mình tôi là người gặp vấn đề này. Các đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi không gặp khó khăn gì trong việc đọc vanh vách dãy 10 chữ số của họ, hoặc trong một số trường hợp là số ID gồm 9 chữ số.

Ngoài tôi ra thì chả ai cảm thấy cần phải chạy đến máy tính như một tên đại ngốc để kiểm tra mỗi khi có ai đó hỏi số ID của họ. Kẻ ngốc duy nhất không nhớ nổi chỉ có mỗi là tôi.

Kể từ hai năm trước, khi một đồng nghiệp giúp tôi khởi tạo số QQ, tôi đã không bao giờ đăng xuất khỏi tài khoản QQ của mình, vì lo sợ rằng tôi sẽ không thể đăng nhập lại. Nếu bạn hỏi tôi số nhận dạng QQ của tôi là gì sau hơn 104 tuần sống ở Trung Quốc và sử dụng dịch vụ nhắn tin này, tôi sẽ không tài nào nhớ nổi để nói ra cho bạn biết được.

Tôi đã từng hỏi anh chàng người Anh làm việc trong văn phòng bên cạnh chúng tôi xem anh ta có nhớ số ID không. Anh ta chả nhớ gì hết. Cả hai người bạn Mỹ của tôi cũng không thể nhớ.

"Những con số đó có ý nghĩa gì cơ chứ ?" Chúng tôi than vãn với nhau. "Ở đó không hề tồn tại thứ tự nào cả. Sử dụng các chữ cái có phải hơn không ? !"

Tôi đã tìm cách đổ lỗi cho trí nhớ tồi tệ của mình về việc này, nhưng hoá ra mọi chuyện không chỉ có vậy.

Không ai trong số những người dân địa phương mà chúng tôi hỏi cảm thấy có vấn đề trong việc ghi nhớ không chỉ các chuỗi chữ số QQ dài nhoằng mà còn nhiều thứ số má khác thuộc các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng nằm đầy rẫy trong tên miền các trang web. Chúng là một phần của tiếng lóng trên mạng internet. Một vài con số có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa : có số biểu hiện sự may mắn ; có số lại hiện thân cho chuyện xui xẻo, cần phải tránh bằng mọi giá.

Khi bắt đầu tìm hiểu, tôi thấy dường như sống ở Trung Quốc có nghĩa là liên tục bị dội bom bởi những con số, nhiều hơn so với các quốc gia và các nền văn hóa khác. Và không ai trong số đồng nghiệp hoặc bạn bè Trung Quốc của tôi biết rõ lý do vì sao.

"Tôi nghe nói giá vé tàu trên trang web CTrip khá đắt", Panbi, bạn cùng phòng người Tứ Xuyên, nói với tôi lúc tôi mới chuyển đến đây, khi chúng tôi nói chuyện về kế hoạch du lịch Tết Nguyên đán của mình. "Tại sao bạn không thử 12306 ?"

"Ừm, đó có phải là số điện thoại trợ giúp không ?" tôi hỏi và nói thêm rằng tôi e là tiếng Trung của tôi không đủ dùng. Hóa ra không, đó không phải là một đường dây trợ giúp. 12306.cn là trang web và ứng dụng chính thức của công ty đường sắt Trung Hoa. Bạn biết đấy, nó tương tự như các trang web dịch vụ email 163.com và 126.com.

Trong khi cố gắng tìm hiểu chính xác lý do tại sao chúng đều được đặt tên bằng số như vậy, tôi đã gặp một dòng trạng thái đầy bối rối của một người dùng - không phải người Trung Quốc - đăng trên diễn đàn của một công ty phần mềm.

"Các địa chỉ email 126.com và 163.com có phải là giả mạo không ?" Một người dùng hỏi, có phần lo lắng. "Tôi nhận thấy địa chỉ email của một số thành viên chúng ta có những con số trong phần tên miền. Tôi mới thử tìm hiểu sơ sơ một chút và e rằng các tên miền này là giả mạo".

Nhiều người dùng khác nhanh chóng làm rõ ngay rằng chúng là địa chỉ hợp pháp, không phải giả mạo. Tuy nhiên không ai giải thích tại sao.

Gượm đã, chỉ là gần như là không có ai thôi. Mà lý do thì có vẻ như cũng tương tự với lý do đằng sau mỗi lựa chọn trong cuộc đời của tôi vậy : là chuyện ngại phải nỗ lực.

so2

Số 8 được người Trung Quốc coi là con số may mắn

Như Frankie Huang, một cây viết và là chiến lược gia tại Thượng Hải, nói với tôi qua email, thì các con số dễ gõ hơn cho các mục đích như làm tên trang web, so với bính âm Hán ngữ, tức là cách dùng hệ thống chữ cái Latin để phiên âm các ký tự tiếng Trung.

"Không phải ai ở Trung Quốc cũng đều thành thạo về bính âm. Nếu các trang web có tên theo bính âm, một số người thực sự có thể khó tìm ra những chữ cái để viết", cô Haung nói. Một chuỗi con số dễ khắc ghi vào bộ nhớ hơn các từ trong tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, để viết mỗi chữ số thì bạn chỉ cần gõ bàn phím một lần, cho nên bạn có thể nhập số nhanh hơn nhiều so với nhập chữ cái. "Đây là một lợi thế đặc biệt khi sử dụng điện thoại, bởi điện thoại chỉ có bàn phím chữ số và để nhập các ký tự là chữ cái, bạn sẽ cần phải nhấn phím số nhiều lần", cô nói thêm. "Không ai có thời gian cho việc đó".

Không giống như số nhận dạng ID của dịch vụ tin nhắn QQ, các chữ số trong tên miền trang web thường không xuất hiện ngẫu nhiên, Christopher Beam giải thích trong một bài viết mới đây của mình.

Chẳng hạn, 163.com là địa chỉ trang web của công ty internet Trung Quốc NetEase. Đó là một sự gợi nhớ về thời ta còn truy cập internet bằng dịch vụ 'dial-up' - kết nối bằng cách quay điện thoại cố định tới số dịch vụ, mà ở Trung Quốc thời đó là số 163.

"Các công ty điện thoại China Telecom và China Unicom chỉ đơn giản là sử dụng luôn các con số dịch vụ khách hàng nổi tiếng của họ trong tên miền, tương ứng là 10086.cn và 10010.cn".

Đồng âm cũng đóng một vai trò trong lựa chọn này. Trong tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, nhiều nền tảng phần mềm khác nhau đều là 1688.com, với các số 1688 khi đọc trong tiếng Trung sẽ là 'ee-lio-ba-ba' trong tiếng Trung. Các bạn hiểu vấn đề rồi chứ ạ ?

Một số hãng khác, như McDonald, (được dịch theo ngữ âm trong tiếng Trung là 'Maidanglao', cho đến khi đổi tên vào năm 2017) đã quyết định áp dụng một cách sáng tạo hơn nữa.

Bạn có thể đặt mua McMuffin trực tuyến bằng cách nhập 4008-517-517.cn, vì '517' trong tiếng Trung đọc là 'wu yi qi', phát âm nghe gần giống như 'wo yao chuh', nghĩa là 'tôi muốn ăn', ('chuh' là cách đánh vần ngữ âm giống nhất cho 'chi' tức là 'ăn').

Trang web 51job.com nghe tựa như 'Tôi muốn có việc làm', và '6' trong trang web phát trực tuyến video 6.cn là một số khi đọc lên đồng âm với hành động 'phát trực tuyến', Beam viết.

Tất cả các con số trong tiếng Trung đều là đơn âm tiết, làm cho chúng dễ nhớ hơn, như điệu nhạc, hoặc một lời hô ngắn, hấp dẫn.

Nếu như sống lâu ngày ở Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy là cả xã hội có niềm đam mê với những con số, mà điều này thì thậm chí các du khách cũng có thể nhận ra.

Lần đầu tiên tôi gặp phải vấn đề văn hóa kỳ quặc với các con số là cách đây nhiều năm, trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Trung Quốc.

Tôi ở thành phố Thái Châu, dành vài ngày ở chơi với bố. Ông làm việc ở đó, cứ bay qua bay lại Thái Châu và Mumbai vài tháng một lần.

Lúc đi lên căn hộ của ông, tôi nhận thấy bảng điều khiển thang máy không có tầng 4. Có 1, có 2 và sau đó có 3A và 3B. Nhiều tháng sau, khi tôi chuyển đến Trung Quốc, tôi tiếp tục đi trên các thang máy hoàn toàn kiên định không thừa nhận số 4.

Lý do là cách phát âm của số '4' (tứ) trong tiếng Trung nghe rất giống với từ 'chết' (tử). Với người Hoa chính thống thì con số này hoàn toàn không thể dùng được.

Một đồng nghiệp nhẹ nhàng đề nghị tôi bỏ bớt một trong bốn chiếc đế lót ly được vẽ bằng tay mà tôi đã mang từ Ấn Độ sang cho người sếp của mình trước khi đem tặng bà ấy.

Đại lý môi giới bất động sản thì cho tôi biết rằng, tất nhiên chỉ hoàn toàn là chia sẻ thông tin ngoài lề thôi, rằng thường thì các căn hộ số 4 hoặc 44 được đem cho người nước ngoài thuê. "Người Trung Quốc địa phương không muốn sống trong các căn hộ đó", cô nói, và điều này ngay lập tức khiến tôi nhớ đến ngôi nhà 44 ở khu Tiền Mã Trường Hồ Đồng (Qianmachang Hutong), Bắc Kinh, nơi bạn trai cũ người Mỹ của tôi đã từng ở.

so3

Các tòa cao ốc của Trung Quốc thường 'xóa bỏ' các tầng có số xấu

Cô Huang nói rằng tòa nhà chung cư của cô ở Thượng Hải "là một ví dụ cực kỳ điển hình về mê tín dị đoan". Nó gán ghép cho không chỉ con số Trung Quốc, mà cả con số phương Tây. Cùng với việc không có các tầng 4, 14, 24 và 34, nó cũng đã xóa bỏ luôn tầng 13.

"Một lần, tôi và chồng tôi nhìn vào tòa nhà của chúng tôi từ bên ngoài và chúng tôi đã cố gắng tìm ra tầng nào là của chúng tôi bằng cách đếm từ dưới lên", Huang nhớ lại. Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng số thứ tự tầng là vô nghĩa vì tất cả đều sai bét. Tầng 13 thì hoá ra lại là tầng 14, còn tầng 23 thực sự lại là tầng 20.

Mặt khác, số 8 lại được coi là con số may mắn nhất, vì nó phát âm theo tiếng Trung ('bát') nghe giống như từ 'phát', tức là thịnh vượng, phát đạt. Nếu biển số xe có nhiều số 8 thì hẳn là chủ xe đã phải vung ra nhiều tiền. Con số '88' được trang trí hoa văn bóng bẩy bên ngoài tiệm hoàn thánh của ông Shi ở Bắc Kinh về cơ bản là một thông báo cho bất kỳ đối thủ tiềm năng nào biết rằng họ đang kinh doanh cực kỳ phát đạt, cảm ơn nhiều nhiều ! Nếu bạn tình cờ có được chuỗi 888 trong số điện thoại của mình, bạn có thể đem bán được kha khá tiền.

Các con số cũng truyền cho bạn một cảm giác vững vàng, mà rõ ràng là chính phủ rất ưa kết hợp chúng vào các chính sách chính thức.

Học thuyết 'Bốn toàn diện' do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, tiếp nối việc sử dụng con số 4 sau khi Mao Chủ tịch cổ suý cho việc 'Phá tứ cựu' - xoá bỏ bốn điều cũ, gồm Tư duy cũ, Văn hóa cũ, Phong tục cũ và Thói quen cũ - trong thời thập niên 1960.

so4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra thuyết 'Bốn toàn diện'

Bởi vì các chính sách chính thức không quan tâm đến sự mê tín dị đoan về văn hóa, nó không liên hệ đến việc một con số đem lại may mắn như thế nào. Cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đưa ra thuyết 'Ba đại diện'.

Người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào thì đưa ra 'Ba điều tối thượng', âm thanh nghe có vẻ hơi buồn hơn, nhưng sau đó đã bù đắp bằng 'Bát Vinh Bát Sỉ' ('Tám điều vinh dự và Tám nỗi hổ thẹn') - cũng là tựa đề bài giảng mà cha mẹ tôi, người Ấn Độ, đã dạy dỗ khi tôi đến tuổi dậy thì.

Rồi trên thế giới tiếng lóng trên internet rộng lớn hoang dã của Trung Quốc, nơi cần né tránh kiểm duyệt (hoặc chỉ là để tránh cha mẹ tò mò), ý nghĩa của các con số phổ biến là do đồng âm.

Ví như 748 là đang rủa ai đó xuống địa ngục ; 555 về cơ bản có nghĩa là một biểu tượng cảm xúc đang khóc lóc ; 233 có nghĩa là bạn đang cười và 520 là 'Tôi yêu bạn'.

Và nếu bạn muốn thực sự nâng thêm vài tầm, thì có ngay 2010000 nghĩa là 'Tôi yêu bạn 10.000 năm'.

Published in Văn hóa