Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong bài Vì sao các nền văn minh vĩ đại lại sụp đổ, chúng ta đã biết rằng các vấn đề thay đổi khí hậu, môi trường suy thoái, bất bình đẳng và chế độ tập trung quyền lực vào tay một số ít người, tình trạng phức tạp và quan liêu của xã hội, các tác động ngoại cảnh và vận rủi hoặc những yếu tố ngẫu nhiên khác là những yếu tố tác động lớn nhất, dẫn đến sự sụp đổ của một nền văn minh.

vanminh1

Ảnh minh họa

Chúng ta có thể xem xét, đánh giá các chỉ dấu cho thấy những mối nguy hiểm này, để biết liệu nền văn minh hiện nay của chúng ta sẽ phát triển hay sẽ lụi tàn.

Dưới đây là bốn trong các chỉ dấu, được tính toán dựa trên vài thập kỷ qua :

Nhiệt độ là một chỉ dấu rõ ràng về tình trạng thay đổi khí hậu, GDP thì đại diện cho sự phức tạp trong xã hội, còn dấu vết chúng ta lưu lại trong hệ sinh thái là một chỉ dấu về sự suy thoái của môi trường. Mỗi chỉ dấu này hiện đều có xu hướng tăng lên nhanh chóng.

vanminh2

Biểu đồ về những dấu báo hiệu những mối nguy hiểm để biết liệu nền văn minh hiện nay của chúng ta sẽ phát triển hay sẽ lụi tàn

Sự bất bình đẳng thì khó tính toán hơn. Biện pháp điển hình vốn được dùng để đo lường mức độ bất bình đẳng trong xã hội là Chỉ số Gini, hiện cho thấy tình trạng bất bình đẳng có giảm nhẹ trên toàn cầu (tuy tại một số quốc gia thì tăng).

Tuy nhiên, Chỉ số Gini có thể gây hiểu sai, bởi nó chỉ đo lường những thay đổi có liên quan tới thu nhập. Nói cách khác, nếu hai cá nhân, một người kiếm được 1 đô la và một người kiếm được 100 ngàn đô la, cùng tăng gấp đôi thu nhập, thì Chỉ số Gini sẽ không thể hiện sự thay đổi trong vấn đề bất bình đẳng. Tuy nhiên, trong ví dụ này thì khoảng cách bất bình đẳng giữa hai cá nhân đã tăng từ 99.999 đô la lên tới 199.998 đô la.

Vì lý do này mà tôi cũng đã mô tả về tình trạng phân chia thu nhập trong số 1% những người giàu nhất thế giới. Số 1% này đã tăng phần thu nhập của họ trong tổng thu nhập toàn cầu từ khoảng 16% vào năm 1980 lên tới trên 20% ngày nay.

Điều quan trọng là sự bất bình đẳng giàu nghèo thậm chí còn đang trở nên tồi tệ hơn. Tổng số tài sản mà nhóm 1% giàu nhất thế giới nắm giữ đã tăng mạnh, từ 25-30% trong thời thập niên 1980 lên khoảng 40% trong năm 2016.

Trên thực tế, con số này có thể còn lớn hơn nữa do các số liệu chính thức không bao gồm khối tài sản và các khoản thu nhập được chuyển tới các thiên đường thuế ở nước ngoài.

vanminh3

'Người giàu ngày càng giàu thêm' là điều đã gây ra thêm tình trạng căng thẳng xã hội trong các nền văn minh trước đây

Các nghiên cứu cho thấy EROI đối với các nguồn năng lượng hóa thạch đã giảm xuống đều đặn qua năm tháng, bởi các nguồn trữ lượng dễ tiếp cận nhất, nhiều nhất nay đã bị khai thác cạn kiệt.

Energy Return on Investment - EROI

Có một biện pháp khác giúp tăng mức độ phức tạp, được gọi là Lợi tức Năng lượng Đầu tư (Energy Return on Investment - EROI). Thuật ngữ này được dùng để chỉ tỷ lệ giữa tổng năng lượng có được từ một nguồn tài nguyên nào đó và số năng lượng cần thiết phải sử dụng để thu được tổng năng lượng đó.

Cũng giống như sự phức tạp của xã hội, EROI có vẻ như cũng có điểm cực thịnh rồi đi đến thoái trào.

Thật không may là hầu hết các nguồn năng lượng thay thế thuộc dạng có thể tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, lại có mức EROI thấp hơn một cách đáng kể, chủ yếu là do mật độ tập trung năng lượng của chúng, do chi phí cần thiết để có các kim loại đất hiếm cần có cũng như quá trình sản xuất cần thiết để biến chúng thành dạng năng lượng sử dụng được.

Điều này dẫn tới cuộc tranh luận về nguy cơ dẫn đến "bờ vực năng lượng" do EROI giảm xuống tới điểm mà các cấp độ sử dụng năng lượng trong xã hội như hiện thời sẽ không còn có thể tiếp tục duy trì được nữa.

"Bờ vực năng lượng" không nhất thiết sẽ dẫn tới giới hạn cuối cùng, nếu như các công nghệ về năng lượng tái tạo tiếp tục được cải thiện, và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả được triển khai nhanh chóng.

Các biện pháp chống đỡ, phục hồi

Có một tin dẫu sao cũng khiến ta yên tâm phần nào. Đó là khả năng phục hồi của xã hội có thể sẽ làm trì hoãn, thậm chí ngăn chặn được tình trạng sụp đổ.

Ví dụ như "sự đa dạng kinh tế" toàn cầu - là biện pháp đo lường mức đa dạng và phức tạp trong việc xuất khẩu của một quốc gia - trong thời nay là cao hơn so với hồi thập niên 1960 và 1970, theo cách tính toán của Chỉ số Mức độ Phức tạp Kinh tế (Economic Complexity Index - ECI).

Các quốc gia ngày nay nhìn chung ít dựa vào những loại hình xuất khẩu đơn lẻ hơn so với trước.

Chẳng hạn như một quốc gia đã đa dạng hóa tới mức không chỉ xuất khẩu hàng nông sản nhiều khả năng sẽ chống đỡ được tình trạng suy thoái môi trường hoặc việc mất đi các đối tác thương mại một cách dễ dàng hơn.

ECI cũng đo lường cả cường độ xuất khẩu tri thức. Những xã hội với dân số có trình độ sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn khi xảy ra các cuộc khủng hoảng.

Tương tự, sáng chế - là yếu tố được đánh giá dựa trên các phát minh, sáng chế được đưa ra ứng dụng tính trên đầu người - cũng đang tăng lên. Về lý thuyết, một nền văn minh sẽ ít rơi vào tình trạng mong manh dẫn đến sụp đổ hơn, nếu như các công nghệ mới có thể được áp dụng để ngăn cản các áp lực như tình trạng thay đổi khí hậu.

Sự "sụp đổ" cũng có thể xảy ra mà không cần có tình trạng bạo lực nào tác động tới. Trong một số trường hợp, các nền văn minh chỉ đơn giản là nhạt nhoà dần rồi biến mất.

vanminh4

Năng lực của chúng ta trong lĩnh vực công nghệ có thể giúp trì hoãn sự sụp đổ của nền văn minh hiện thời

Thế nhưng khi nhìn đến tất cả những lần sụp đổ đã xảy ra và các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trở lại, thông điệp được đưa ra là rất rõ ràng : chúng ta không thể / không nên tự mãn.

Có một số lý do khiến ta có thể thấy lạc quan, đó là chúng ta có khả năng sáng tạo và đa dạng hóa để tránh được thảm hoạ.

Quả là thế giới vẫn đang xấu đi trong một số mảng vốn đã góp phần tạo ra sự sụp đổ của các xã hội trước đây. Khí hậu đang thay đổi, khoảng cách giàu nghèo đang tăng thêm, thế giới đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, và những đòi hỏi của chúng ta đối với môi trường đang vượt quá khả năng đáp ứng của Trái Đất.

Cầu thang tồi

Như thế vẫn chưa phải là tất cả. Đáng lo ngại là thế giới giờ đây đang ngày càng đan xen lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.

Trước đây, sự sụp đổ chỉ gói gọn trong các khu vực - là sự thụt lùi tạm thời, và con người thường dễ dàng quay trở lại đời sống nông nghiệp hoặc săn bắn hái lượm. Với nhiều người, điều đó thậm chí còn là sự chậm lại đáng mừng so với tình trạng phải chịu sự áp chế, kiềm toả của nhà nước thời kỳ đầu. Hơn nữa, những loại vũ khí có trong thời kỳ bất ổn xã hội cũng còn sơ sài : dao kiếm, cung tên, và thảng hoặc có súng đạn.

Ngày nay, sự sụp đổ xã hội gây tác động ở quy mô to lớn hơn thế nhiều. Vũ khí mà một quốc gia có thể có được, thậm chí là các nhóm, tổ chức nào đó có thể có được trong bối cảnh xã hội tan rã thời hiện đại gồm từ chất độc sinh hóa cho tới vũ khí hạt nhân.

Những công cụ bạo lực mới, như vũ khí giết người tự động, có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Con người đang ngày càng trở nên chuyên môn hóa hơn, trở nên xa lạ hơn với việc trồng trọt, làm ra lương thực thực phẩm và làm ra những đồ vật thiết yếu phục vụ cuộc sống căn bản. Một cú thay đổi khí hậu nghiêm trọng có thể sẽ khiến chúng ta không thể quay trở lại thực hiện những kỹ năng đơn giản của nghề nông.

Hãy nghĩ về một nền văn minh như một chiếc thang được làm rất tồi. Khi bạn leo lên, mỗi bậc bạn bước lên sẽ rớt xuống. Nếu rớt xuống từ độ cao mới chỉ là vài nấc thang ngang thì sẽ không sao. Nhưng càng trèo lên cao, độ cao rớt xuống càng lớn. Cuối cùng, một khi bạn leo lên tới một độ cao nhất định thì cú rớt xuống dứt khoát sẽ là cú ngã trí mạng gây chết người.

Với sự phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta có lẽ đã đạt tới điểm "tốc lực tối đa" của nền văn minh. Bất kỳ cú sụp đổ nào - bất kỳ cú ngã nào từ chiếc thang xuống - đều có nguy cơ trở thành cú sụp đổ vĩnh viễn, không thể gượng lại.

Bản thân chiến tranh hạt nhân có thể tạo ra mối đe doạ về sự sinh tồn : loài người hoặc sẽ tuyệt chủng, hoặc sẽ thụt lùi trở lại Thời Đồ đá.

vanminh5

Một người phụ nữ đi qua đống đổ nát ở một thành phố của Syria sau cuộc giao tranh

Trong lúc chúng ta đang trở nên ngày càng mạnh mẽ về kinh tế và về sức bền chịu đựng, năng lực công nghệ của chúng ta cũng tạo thành những mối đe doạ không tiền khoáng hậu mà không nền văn minh nào từng có.

Chẳng hạn như những thay đổi khí hậu mà chúng ta đang phải đối diện thì có bản chất khác với lần thay đổi khí hậu lớn vốn đã xóa sổ nền văn minh Maya hay Anazasi. Chúng có tính toàn cầu, do con người gây ra, xảy ra nhanh chóng hơn, và nghiêm trọng hơn.

Những thứ hỗ trợ cho quá trình tự làm mình tàn lụi của chúng ta không phải là đến từ những vị láng giềng thù nghịch, mà từ sức mạnh công nghệ của chính chúng ta. Sự sụp đổ, trong trường hợp nền văn minh đương đại của chúng ta, có thể là một cái bẫy từ từ sập xuống.

Sự sụp đổ của nền văn minh chúng ta không phải là điều không thể tránh khỏi. Lịch sử nói rằng nó nhiều khả năng sẽ xảy ra, nhưng chúng ta có lợi thế độc đáo là khả năng học hỏi từ những đống đổ vỡ của các xã hội trước kia.

Chúng ta biết mình cần phải làm gì : giảm bớt khí thải, cân bằng tình trạng bất bình đẳng, đảo ngược lại tình trạng suy thoái môi trường, khuyến khích sáng tạo công nghệ và đa dạng hóa các nền kinh tế.

Các đề xuất chính trị đã được đưa ra, nhưng quyết tâm chính trị thì chưa có.

Chúng ta cũng có thể đầu tư vào việc phục hồi.

Đã có những ý tưởng được phát triển rất tốt về việc cải thiện khả năng các hệ thống lương thực và tri thức để chúng ta có thể hồi phục sau thảm hoạ.

Tránh tạo ra những công nghệ nguy hiểm và dễ dàng tiếp cận được cũng là điều quan trọng. Những bước đi đó sẽ làm giảm bớt nguy cơ không thể đảo ngược viễn cảnh sụp đổ trong tương lai.

Chúng ta chỉ đi đến tình trạng sụp đổ nếu như chúng ta cố tình nhắm mắt làm ngơ. Chúng ta chỉ bị đẩy đến gần ngày tận thế nếu như chúng ta không muốn lắng nghe quá khứ.

Luke Kemp 

Nguồn : BBC, 17/03/2019

Luke Kemp là nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu về sự sinh tồn của các xã hội, Centre for the Study of Existential Risk, tại Đại học Cambridge.

Published in Văn hóa

Trong một câu chuyện gần đây với mấy người bạn, biết rằng tôi đang viết một cuốn sách về các nền văn minh, một anh bạn bỗng hỏi, trong tình trạng hiện thời, vậy thì nguy cơ nền văn minh của chúng ta sụp đổ có nhiều khả năng đến đâu. Câu hỏi này bỗng làm tôi suy nghĩ nhiều và sau đây là môt số suy nghĩ để trình bày với quý vị độc giả.

vanminh1

Các sử gia, các nhà nhân chủng và những chuyên gia khoa học xã hội khác đưa ra giải thích các cuộc sụp đổ của các nền văn minh trong quá khứ, một trong số đó có việc hủy hoại môi sinh. Trong hình, hơn 140 con cá voi chết trên bãi biển ở miền Nam New Zealand do không được giải cứu kịp thời vào cuối tháng Mười Một, 2018. (Hình : youngzine.org)

Sử gia Arnold Toynbee trong tác phẩm khổng lồ 12 tập "A Study of History" nghiên cứu về sự nổi lên và sụp đổ của 28 nền văn minh trên thế giới đã đưa ra kết luận : "Các nền văn minh không chết vì bị giết. Chúng chỉ chết vì tự tử".

Ông Toynbeen nói rất đúng, nhưng không phải hoàn toàn đúng. Tuy rằng cái chết của các nền văn minh đều là do tự tử, nhưng việc tự tử này phần nhiều là có được giúp đỡ.

Nền văn minh La Mã chẳng hạn tuy rằng là nạn nhân của rất nhiều những bệnh mà tự mình gây ra, bành trướng quá mức, hủy hoại môi sinh, lãnh đạo hủ hóa, phân hóa xã hội và tôn giáo nhưng nó chỉ chết hẳn khi mà thành phố Rome bị rợ Visigoth đánh chiếm và cướp bóc vào năm 410 rồi sau đó bởi rợ Vandal vào năm 455.

Sự sụp đổ khi đến thì thường rất là nhanh, và những huy hoàng của quá khứ không làm cho nó được miễn nhiễm. Đế quốc La Mã chẳng hạn bao gồm một diện tích 4,4 triệu cây số vuông (1,9 triệu dặm vuông) vào năm 390. Chỉ năm năm sau nó thu lại còn 2 triệu cây số vuông (770.000 dặm vuông) và đến 470 thì không còn gì nữa.

Quá khứ của chúng ta đầy dẫy những tấm gương sụp đổ của các nền văn minh. Tại Đại học Cambridge, có một trung tâm, Centre for the Study of Existential Risk, nghiên cứu về những nguy cơ có thể làm hại cho sự hiện hữu của loài người trong đó có nguy cơ sụp đổ của nền văn minh hiện nay của nhân loại. Và người ta đã đưa ra một số tiêu chuẩn để định nghĩa thế nào là sự sụp đổ và những nguyên nhân của nó.

Một sự sụp đổ có thể được định nghĩa như là một sự giảm sút mau chóng và lâu dài dân chúng cũng như những cơ cấu kinh tế xã hội. Các dịch vụ công cộng bị sụp đổ và loạn lạc nổi lên khi nhà nước mất đi quyền kiểm soát và độc quyền dùng bạo lực. Hầu như tất cả các nền văn minh trong quá khứ đều phải đối phó với số phận này. Một số phục hồi lại được như nền văn minh cổ đại Ai Cập và Trung Quốc. Một số chết đi, nhưng trên thây ma của nó sau một thời gian nổi lên một nền văn minh mới thừa kế như nền văn minh phương Tây nổi lên với di sản của Hy Lap, La Mã và các nền văn minh khác trong quá khứ. Có khi nền văn minh này chết đi luôn tỷ như nền văn minh Maya tại Mexico với các thành thị trở thành những di chỉ điêu tàn và sau cùng trở thành những nơi cho khách du lịch thăm viếng.

Những điều xảy ra trong quá khứ giúp chúng ta đoán được gì về tương lai nền văn minh toàn cầu mà chúng ta đang sống ? Liệu những bài học rút từ những nền văn minh có cơ sở là nông nghiệp có áp dụng được cho nền văn minh tư bản kỹ thuật của chúng ta hay không ?

Vấn đề ở đây không phải là trình độ kỹ thuật mà là sự phức tạp của cơ cấu xã hội. Và các xã hội trong quá khứ cũng phức tạp không kém gì xã hội của chúng ta hiện nay. Lý thuyết toàn học về các hệ phức tạp cho thấy rằng bất kể chúng thuộc loại nào, chúng đều thường xuyên có nguy cơ bị sụp đổ.

Thành ra sụp đổ có thể là một hiện tượng bình thường cho mọi nền văn minh. Chúng ta có thể tiến bộ hơn về kỹ thuật so với quá khứ, nhưng điều đó không có thể nào làm chúng ta miễn nhiễm với những nguy cơ làm sụp đổ nền văn minh của các tổ tiên chúng ta. Không những thế những kỹ thuật mới của chúng còn có thể tạo ra những nguy cơ mới chưa từng có trước kia.

Nếu số phận của các nền văn minh trước là những chỉ dẫn cho tương lai của nền văn minh chúng ta thì những chỉ dẫn đó là gì. Dưới đây là một số những yếu tố mà các sử gia, các nhà nhân chủng và những chuyên gia khoa học xã hội khác đưa ra giải thích các cuộc sụp đổ của các nền văn minh trong quá khứ :

- Thay đổi khí hậu : Khi sự ổn định của hệ thống khí hậu thay đổi, thì hậu quả của nó có thể kinh khủng. Nó tạo ra việc thất thu liên tục trong mùa màng, nạn đói và sa mạc hóa. Sự sụp đổ của nhiều nền văn minh, từ nền văn minh đầu tiên Sumer-Akkad cho đến nền văn minh Maya tại Châu Mỹ và văn minh La Mã đều trùng hợp với những giai đoạn mà khí hậu thay đổi mạnh.

- Hủy hoại môi sinh : Sụp đổ cũng có thể xảy ra khi xã hội khai thác vượt quá khả năng chịu đựng của môi trường sinh sống. Lý thuyết sụp đổ vì hủy hoại môi sinh đưa ra những lý do dẫn đến sự khủng hoảng qua việc phá hủy rừng quá mức, ô nhiễm nguồn nước, mất đa dạng sinh học như là tạo ra những biến động kinh tế xã hội.

- Bất công kinh tế xã hội và tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ : Bất công kinh tế chính trị thường là một động cơ căn bản dẫn đến sự phân hóa xã hội. Tương tư như vậy là tình trạng một nhóm nhỏ tập trung quyền lực trong tay mình. Những chuyện này không những làm gia tăng căng thẳng xã hội mà còn làm cản trở khả năng của xã hội đối phó với những vấn đề tạo ra do những nguyên nhân ngoại lai như môi sinh hoặc khí hậu. Cổ xã hội học đã xây dựng được những mô hình cho thấy các yếu tố tỷ như bất công xã hội và dân số có liên hệ trực tiếp với bạo động chính trị. Phân tích thống kê những tư liệu còn lại của các xã hội xưa cho thấy rằng đây là một hiện tượng tuần hoàn. Với dân chúng gia tăng, số lao động cung ứng vượt quá nhu cầu đẩy giá nhân công xuống thấp và bất công gia tăng. Bất công này xói mòn tinh thần đoàn kết xã hội và những xáo trộn chính trị xảy ra.

Mặc dầu có rất nhiều nghiên cứu nhưng chúng ta còn chưa có một lý thuyết nào đáng tin cậy về sự sụp đổ của những nền văn minh. Điều chúng ta biết là những yếu tố nói trên đều có thể đóng góp vào. Sụp đổ là một hiện tượng bước ngoặt xảy ra khi các yếu tố áp lực vượt quá khả năng đối phó của xã hội. Thành ra sự sụp đổ của nền văn minh chúng ta đang sống không bắt buộc phải tất yếu.

Lịch sử khuyến dụ rằng nó có triển vọng xảy ra, nhưng chúng ta có cái lợi thế là có thể học hỏi từ những tấm gương của quá khứ để tìm cách tránh. 

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : Người Việt, 06/03/2019

Published in Diễn đàn