Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc sống ngày nay bụi và ô nhiễm. Trái đất tổn thường. Một thế giới công nghiệp, các nhà máy trên thế giới liên tục chế tạo các sản phẩm từ những nguyên liệu thiên nhiên thành vũ khí, máy bay, ô tô, vi tính, đồ chơi, đồ gia dụng… Tất cả hầu như đều là những chất khó tự tiêu hủy trong môi trường tự nhiên như ni - lông, nhựa, thủy tinh… Một sản phẩm nhựa, thủy tinh, có thể còn nguyên vẹn dưới đáy biển hơn 200 năm. Những cuộc khảo cứu đã tìm thấy những con tàu chứa không ít những hiện vật còn nguyên trạng.

phelieu1

Benjamin Von Wong thu hơn hai tấn đồ thải nhựa để làm ra những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đầy ấn tượng phản ánh thực trạng nói rác công nghiệp đang đe dọa chính con người. "Vòi nước nhựa" – Ảnh Creapills

Một câu hỏi đặt ra đang thách thức thời đại. Với công nghệ hiện đại, và sự thông minh siêu vượt so với tất cả các loài vật sinh sống trên trái đất, con người trở thành chủ thể tưởng như điều khiển được vũ trụ. Loài người còn hy vọng với khoa học trong tương lai, sẽ tìm ra được những hành tinh tương đương trái đất và những con tàu vũ trụ tối tân siêu tốc sẽ đưa con người giải thoát khỏi trái đất đang bị ô nhiễm và có nguy cơ bị phá hủy. Liệu thoát được hay không ? Vấn đề môi trường trở nên nóng hổi trên bàn hội nghị thế giới. Năm 2015, tại Paris đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Cop 21 về bảo vệ môi trường với sự tham gia của gần 200 nguyên thủ các nước. Tất cả cùng ký tham gia bảo vệ môi trường.

Đến nay, tình hình chưa mấy khả quan. Các cuộc chiến tranh còn xảy ra, các nhà máy sản xuất vũ khí, nhà máy nguyên tử, hạt nhân còn hoạt động thì còn ảnh hưởng lớn đến môi trường. Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật năm 1945 không chỉ chứng minh sức mạnh của vũ khí hủy diệt loài người, mà những nguy cơ khi các nhà máy hóa chất, hạt nhân bị nổ tung hay rò rỉ như vụ Tchernobyl và những tàu chở dầu bị vỡ, những dòng sông, bờ biển bị ô nhiễm nặng. Con người vẫn tưởng chỉ chiến tranh, và hạt nhân, vũ khí làm hủy diệt môi trường. Họ không biết hàng ngày, mỗi người ngày nay đều dùng ít nhất một điện thoại di động, một máy tính, mỗi nhà vài cái tivi và ở các công sở máy tính hoạt động liên tục… Công nghệ đổi hàng loạt máy móc thành rác vụn.

Chỉ riêng khoản rác máy vi tính cũng đã là một đống rác khổng lồ trên quả địa cầu. Đống rác vi tính là nỗi lo về môi trường mà ít người tiêu thụ để ý. Nhiếp ảnh gia Mỹ Benjamin Von Wong có ý tưởng bất ngờ : ông thu hơn hai tấn đồ thải vi tính để làm ra những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đầy ấn tượng phản ánh thực trạng nói rác công nghiệp đang đe dọa chính con người. Tác giả đã cùng 50 người dựng tác phẩm nghệ thuật với chủ đề "Viễn cảnh tương lai" trên trái đất. Thật đáng sợ, khoa học vi tính tưởng giúp con người như một nàng tiên bay bổng trên không trung, nối kết được tất cả, liên kết tình bạn, mọi mối quan hệ, nắm được mọi thông tin, đó lại là cái đống rác nguy hiểm của trái đất với những kim loại và đồ điện tử…

phelieu2

Những cái đầu, nguyên liệu nhựa.

Trong tương lai, chúng ta sẽ sống trên đống rác thải đó và bị chính nó chôn vùi. Ngay đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà làm phim đã đề cập đến vấn đề "công nghiệp hóa" trong tác phẩm của họ. Kịch gia nổi tiếng Ionesco đã viết một vở kịch Những chiếc ghế. Những cái ghế cứ câm lặng chồng chất lên cho đến hết vở kịch. Thế giới con người đang bị bủa vây bởi hội họp, giấy tờ, và đồ vật... Nhà văn Beckett được giải thưởng Nobel Văn học với những vở kịch phi lý. Một người đàn bà đơn độc cứ kêu lên "Trời đẹp !" dù đang bị chôn vùi dần trong đất cát. Đất cát đây chính là rác công nghiệp hiện đại, là cuộc sống hiện hữu. Con người đang bị phi lý và cô đơn chôn vùi nhưng vẫn tưởng trời đẹp… Nhà đạo diễn kiêm diễn viên thiên tài Charlie Chaplin đã diễn tả trong phim câm của ông : người công nhân bị áp lực của đời sống công nghiệp đến mức hành động như chiếc máy vô hồn, sống như robot trong thời hiện đại.

Con người bị chính dòng điện vô hình đang nhập vào người, và bị rác thải á như những gọng kìm bóp chết lúc nào không hay.

Công nghệ càng cao liệu có giúp con người thoát khỏi trái đất không hay lại bị che lấp bởi chính rác công nghệ đó. Lượng điện nạp hàng ngày sử dụng điện thoại máy tính, đèn, sản xuất... làm ra từ những nhà máy hạt nhân. Xà phòng, thuốc rửa bát, đồ mỹ phẩm, các bình lọ, máy bay, ôtô, lốp xe đều tạo ra chất thải công nghiệp, hóa học làm ô nhiễm trái đất.

Con người lên được sao Hỏa, sao Kim, vẫn chưa tìm được hành tinh thay trái đất. Con người và mọi sự sống đều cần đất, nước. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt dùng từ "đất nước" để chỉ nơi sinh sống của mình. Chỉ có đất và nước mới có màu xanh để trao đổi khí CO2 cho sự sống hàng ngày.

Con người làm sao để thoát khỏi đống rác công nghiệp. Một câu hỏi làm day dứt tất cả những ai có lương tâm với tương lai nhân loại ! Để thực hiện bảo vệ trái đất sạch, nhiều nơi đã cấm sử dụng các túi ni lông. Gần đây nhất, tổng thống Macron ra lệnh cấm đóng rau hoa quả trong túi ni-lông. Vấn đề tái chế sản phẩm thải đang được nhiều nước quan tâm.

phelieu3

Nguyên liệu Nilon

Nhiều nghệ sĩ thế giới cũng hưởng ứng bảo vệ môi trường được Unesco khuyến khích. Ở Việt Nam, một số họa sĩ cũng đau đáu về vấn đề đồ thải công nghiệp. Nỗi ám ảnh rất lớn này đưa con người sống trong ảo tưởng như mây khói, song nó đã biến con người là những bóng ma hiện đại vật vờ trong tương lai. Họa sĩ Lê Anh Quân cũng nằm trong số các họa sĩ quan tâm đến môi trường. Tranh của anh từ nhiều năm nay đã thể hiện nỗi đau của sự ô nhiễm vì khói bụi, chất độc màu da cam, nguyên tử do chiến tranh gây ra. Những đứa trẻ bím tóc tung tăng đến trường trong khói đen nghịt vì hơi thở của ô tô, của khói nhà máy. Những đứa trẻ thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả của chính ông cha chúng gây ra. Lê Anh Quân đã dùng các phế liệu để làm những tác phẩm nghệ thuật. Trong các tác phẩm của anh đậm nét hình ảnh tuổi thơ, những đứa trẻ bím tóc xưa tung tăng vung vẩy trên phố giờ ám khói ô nhiễm. Những vết chấm li tí đỏ như mẩn ngứa toàn thân, trong khung đen than tro, thuốc súng, chất độc mầu da cam.

Tất cả thế giới đang biến thành những hình quái dị, trên nền đen sẫm. Dấu chữ thập đỏ quá mỏng manh chao đảo dù là tâm điểm trong bố cục toàn cầu không cứu nổi thế giới vũ khí chiến tranh với các chất độc hóa học hiện đại.

phelieu4

Các tông và sắt

Một vi sinh vô hình Covid 19 và những biến thể bất ngờ của nó là một bằng chứng đã làm đảo lộn thế giới. Trường học phải đóng cửa. Con người bất lực trước sự lan chóng mặt của nó. Trước kia người ta phải ra nhiều luật để cấm bớt xe, hạn chế biểu tình… Con vi trùng covid 19 tự nhiên làm luật hủy nhiều chuyến bay liên quốc và liên tỉnh. Khói xăng máy bay, tàu xe hàng ngày, rừng phá, nhiều nơi sông cạn, con chim không còn rừng phải sống trên nóc nhà, cột điện… đứa trẻ sinh ra sau này cũng vậy sẽ ko tránh khỏi thảm họa khi cả bầu khí quyển ám khói tro… Nước và không khí là nguồn sống đều ô nhiễm… Con người sẽ sống ra sao…

phelieu5

Thủy tinh

Biến nguyên liệu phế thải từ nilon, thủy tinh, sắt vụn, giấy… thành những đồ vật nghệ thuật là mong ước ấp ủ từ lâu trong anh cùng nhiều người bạn. Anh đã kết hợp với Nguyễn Quốc Quân, Phạm Minh Đức, Đinh Thiên Tâm đã thổi vào những đồ tưởng chừng đã chết, một linh hồn nghệ thuật. Họ đã được Unesco ủng hộ để tổ chức triển lãm Ánh Sáng "Lighting" vừa qua ở Hà Nội. Một số sản phẩm nghệ thuật được tái sinh từ phế liệu công nghiệp như đèn bàn, đồng hồ, gạt tàn, trở nên những đồ vật lung linh trang trí nội thất của Lê Anh Quân trông rất hấp dẫn.

Từ chai lọ bia rượu uống xong vứt đi, Lê Anh Quân đã chịu khó xin bạn bè đem về để chế biến lại thành những gạt tàn thuốc lá, lọ hoa, đồng hồ. Để tạo được những sản phẩm này, anh tự chế ra những lò nung thủy tinh khi điều kiện chưa cho phép mua những chiếc lò hiện đại như bên phương Tây. Những chai lọ, thủy tinh vỡ tưởng vứt đi biến thành những sản phẩm thi vị lãng mãn đòi hỏi sự sáng tạo của người nghê sĩ để thu hút người tiêu dùng.

phelieu6

Đèn bàn (từ phế liệu thủy tinh)

Đi triển lãm ở nước ngoài, anh luôn tò mò xem nghệ thuật ứng dụng. Mỹ thuật nhằm phục vụ cho cuộc sống. Mỹ thuộc không thể tách rời đời sống hàng ngày. Nhiều người nghĩ nghệ thuật là viển vông, trên trời dưới biển. Nghệ thuật cũng xuất phát từ thực tế. Các bức tranh, tượng siêu thực đều nói lên một khía cạnh nào đó của hiện thực. Dali làm những chiếc đồng hồ chảy theo thời gian, muốn nói lên thời gian không ngừng chảy, cuộc sống luôn đổi theo thời gian, nó sử dụng điệu vũ uốn éo không định hình… có khi méo mó, có khi rất đẹp. Piscaso vẽ những hình con người chẳng giống thực tế, nhưng là con người với tư duy thầm lặng bên trong được bộc lộ khác nhau qua cách cảm thụ riêng của họa sĩ. Để đưa nghệ thuật gắn với thực tế là cả một vấn đề đặt ra đối với nghệ sĩ. Vẽ ma quỷ dễ hơn vẽ người thật cũng như đưa sản phẩm nghệ thuật vào ứng dụng đòi hỏi tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Tái chế từ phế liệu thành một đồ vật dùng trong cuộc sống càng đòi hỏi cao tính sáng tạo.

phelieu7

Gạt tàn từ chai thủy tinh. Đầu đứa trẻ đèn như nhắc nhở tế nhị đối với người dùng thuốc lá độc hại đối với thiếu nhi, và sức khỏe.

Nhiều nghệ sĩ trên thế giới đã ở thế kỷ 18, 19 đã đảo lộn thay đổi đưa ánh sáng mới vào nghệ thuật. Thay bằng chỉ mô tả chân dung thần thánh, Chúa, họ đã đưa những con người thực vào đời như Molière đưa tiếng cười chế nhạo đời thay tư duy buồn thảm bi kịch cổ điển Racine, Corneille. Balzac phơi sự trần trụi cuộc đời khác với sự bay bổng lãng mạn của Victor Hugo. Cuộc sống đa dạng đòi hỏi sáng tạo không ngừng. Việc tái chế biến rác thành nghệ thuật đã có từ lâu ở châu Âu.

Nghệ thuật luôn vừa là sự cắt đứt vừa là sự nối tiếp. Xã hội hiện đại là một xã hội tiêu thụ ; Nghệ thuật đoản thọ (Christo) hay vĩnh cửu đương là vấn đề đặt ra. Xã hội tiêu thụ nhiều thứ trở thành đoản thọ… Nhanh chóng hưởng thụ gấp, sống gấp đẩy đến tình trạng quan niệm nghệ thuật đoản thọ. Không có gì vĩnh cửu với thời gian. Thế giới đang tràn ngập rác rưởi. Kịch phi lý nói lên không gian sống con người đang bị thu hẹp bởi đồ vật, giấy, nghị quyết… Chỉ riêng covid đã thấy bao nhiêu luật đoản thọ ra đời : cấm tụ tập đông, ra đường phải đeo khẩu trang, luật cách ly 14 ngày, xuống 7 ngày ; luật thẻ tiêm chủng, luật cấm các hoạt động văn hóa, tiệm nhảy, bar… luật cấm các chuyến bay thương mại, du lịch, luật test 48 tiếng trước khi lên máy bay… Mỗi nước đòi hỏi khác nhau vì vấn đề nhân quyền. Nếu thống kê quy định của mỗi nước và sự thay đổi từng giai đoạn covid này chắc dày hơn luận án tiến sĩ.

Nghệ thuật tái chế đòi hỏi sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Những vật dụng mới đẹp là nhu cầu đòi hỏi của con người. Ai cũng thích cái mới cái đẹp.

Từ thế kỷ 19 ở Châu Âu đã sinh ra khái niệm "Art brut", nôm na gọi là nghệ thuật thô. Cuối thế kỷ 19, Facteur Cheval (1836‑1924) họa sĩ một nhân viên bưu điện nghèo đã xây một cung điện lý tưởng nổi tiếng ở Hauterives (Drome‑Pháp). Gần 30 năm nuôi mộng, và 12 năm thai nghén, ông đã dùng tất cả các phế liệu như gạch, ngói, xi măng vụn vỡ khi thiên hạ sửa chữa nhà để xây ngôi nhà mơ ước mà hàng xóm tưởng ông điên.

phelieu8

Joseph Ferdinand Cheval là một người phát thư nổi tiếng, ông đã dành 33 năm cuộc đời để xây dựng một lâu đài mà ông gọi là "Cung điện lý tưởng".

Sử dụng các đồ phế thải, nghệ thuật đôi khi biến ngẫu sinh ra những tác phẩm đẹp vượt qua ý đồ tác giả. Tuy nhiên một tác phẩm nghệ thuật được công chúng đánh giá và Unesco ủng hộ đòi hỏi phải có giá trị đích thực nhất định.

Hy vọng trong tương lai, Lê Anh Quân và các nhiều họa sĩ Việt sẽ thành công cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đầy thi vị mang tính ứng dụng cao, từ các chất thải công nghiệp để góp phần bảo vệ môi trường sạch xanh toàn cầu.

Trần Thu Dung

21/02/2022

Published in Văn hóa