Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

40 năm trước, Trung Quốc khôi phục lại kỳ thi tuyển sinh đại học sau hơn một thập kỷ rơi vào hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa. Hơn năm triệu thí sinh dự thi với hy vọng trúng tuyển vào đại học. Nhà báo Ngô Ngọc Văn của BBC Tiếng Trung kể lại câu chuyện của mình.

daihoc1

Bà Ngô Ngọc Văn năm 1978, năm bà trúng tuyển vào Đại học Bắc Kinh

Vào ngày 10/12/1977, tôi bắt chuyến xe buýt số 35 đi từ trường Trung học Quận hướng Tây thành phố Bắc Kinh để làm một việc mà thanh niên Trung Quốc chưa hề làm suốt 12 năm trước.

Tôi dự kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên kể từ năm 1965.

Có một sự hào hứng lẫn mong đợi khẽ khàng nhưng rõ ràng trong tiết trời đông lạnh, bởi vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua chúng tôi có thể quyết định lấy số phận của mình. Tôi nắm chặt lấy thanh kẹo sô cô la trong túi mà cha cho. Đó là cách mà cha ủng hộ tôi - tôi chưa bao giờ được ăn sô cô la.

Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, việc học hành chính quy tại trường và đại học bị gián đoạn, giáo viên và tầng lớp trí thức bị nhục mạ công khai và đánh đập ; một số tìm đến con đường tự vẫn. Đó không phải là thời của những ai trân trọng giáo dục chính quy.

Năm của sự thay đổi

Hầu hết người dân xem năm 1978 là năm Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa, nhưng động lực cho sự thay đổi được nhen nhúm dần từ năm 1977- và kỳ thi tuyển sinh là có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tháng Hai năm đó, tôi nhận được công việc là giáo viên dạy tiếng Anh cho một trường tiểu học ở Bắc Kinh.

Tôi vừa học xong ba năm tại một trường ngoại ngữ có đào tạo giáo viên, và cảm thấy mình thật may mắn khi được ở lại thành phố và không bị chuyển về vùng nông thôn, như bốn anh chị em của tôi và rất nhiều bạn bè cùng lớp.

daihoc2

Khoảng 5,7 triệu thí sinh tham dự kỳ thi năm 1977 - với tỷ lệ trúng tuyển chỉ 4,8%

Tất nhiên tôi luôn muốn được học đại học, nhưng nhận ra rằng điều này là không thể vào thời điểm đó, và có thể không bao giờ xảy ra, nên tôi quyết định đi làm.

Tôi được giao công việc dạy tiếng Anh cho 200 học sinh lớp ba, 10 tuổi, được chia thành bốn lớp. Trong vòng một tuần, tôi thuộc tên tất cả học sinh, và cố gắng truyền cho các em niềm say mê môn tiếng Anh, và các giáo viên khác hỗ trợ tôi rất nhiều.

Tôi còn đảm trách cả một lớp học nâng cao cho toàn trường, và có vẻ như tôi đã đi đúng hướng để trở thành một giáo viên giỏi.

Một ngày mùa thu ấm áp năm 1977, tôi trở về sau một tháng ở vùng nông thôn cùng học sinh, mẹ tôi báo cho tôi, bằng giọng rất phấn khởi, rằng chính quyền quyết định khôi phục kỳ thi tuyển sinh đại học mùa đông năm đó, và tôi có thể dự thi.

Quyết định lịch sử

Tôi không tin vào tai mình. "Có thực không hay đây chỉ là chuyện đùa ác ý ? Cuối cùng con cũng có cơ hội được học đại học sao ?"

Hóa ra ông Đặng Tiểu Bình, sau khi bị chủ tịch Mao Trạch Đông cách chức trong thời gian Cách mạng Văn hóa và sau này được phục chức Phó Thủ tướng năm 1977, đã quyết định ưu tiên đưa giáo dục lên hàng đầu.

Ông tổ chức một cuộc họp vào tháng 8/1977 để bàn về khả năng khôi phục lại kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhiều người ủng hộ quyết định này, nhưng cũng có người không ủng hộ. Trở ngại chính là Chủ tịch Mao trước đây khuyến khích chọn học sinh đại học từ tầng lớp công nhân, nông dân và quân nhân, và nay có không đủ thời gian để chuẩn bị cho sự chuyển đổi.

Nhưng Chủ tịch Đặng đã ra quyết định lịch sử : bắt đầu hệ thống tuyển sinh mới vào năm đó, tạo nên một làn sóng hứng khởi khắp đất nước, trong đó có trường nơi tôi đang dạy.

Tám giáo viên trẻ muốn tham dự kỳ thi. Hiệu trưởng nhà trường ủng hộ chúng tôi nhưng không thể cho chúng tôi nghỉ phép để chuẩn bị cho kỳ thi. Do đó chúng tôi nên tiếp tục dạy như bình thường, nhưng có thể vắng mặt trong các cuộc họp.

Tiếp sau đó là những đêm dài chong đèn ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi cùng lúc với việc soạn giáo án lên lớp cho hôm sau. Nhưng tinh thần tôi rất hưng phấn và tôi không hề cảm thấy mệt mỏi. Mẹ cũng thức khuya cùng tôi, ngồi đan áo và thỉnh thoảng đặt câu hỏi ôn lại kiến thức lịch sử cho tôi.

Tôi nộp đơn thi vào ngành tiếng Anh tại Đại học Bắc Kinh theo lời khuyên của cha.

Ngày đầu tiên chúng tôi làm bài thi tiếng Trung ; đề bài tiểu luận yêu cầu chúng tôi kể lại những gì đã làm trong năm vừa qua.

Tôi trúng tủ - một công việc mới, dạy tiếng Anh cho 200 học sinh. Chúng tôi cũng thi môn tiếng Anh và toán sau đó.

Sau khi đỗ kỳ thi viết, tôi dự kỳ thi vấn đáp tại Đại học Bắc Kinh, trải qua một đợt kiểm tra sức khỏe, và chờ đợi đằng đẵng trước khi có kết quả cuối cùng.

Kết quả đến một cách đầy kịch tính.

daihoc3

Dưới thời Mao Trạch Đông, sinh viên được chọn dựa trên tiêu chí tư cách chính trị hơn là thi tuyển công khai

Ngày thứ Bảy cuối cùng của kỳ nghỉ đông tháng 2/1978, tất cả giáo viên, bao gồm tám người dự kỳ thi đại học, được yêu cầu chuẩn bị cho năm học mới, trong khi hiệu trưởng thay mặt chúng tôi đi nhận kết quả.

Nếu trúng tuyển, thì hôm đó có thể là ngày cuối cùng ở trường của chúng tôi ; nếu trượt, chúng tôi phải trở lại trường tiếp tục dạy học vào ngày thứ Hai.

Thông tin về Khóa '77

Kỳ thi tuyển sinh đại học bị tạm ngưng vào năm 1966 khi Phong trào Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông diễn ra trên toàn quốc. Sinh viên được huy động tham gia vào cuộc cách mạng, nên việc học chính quy bị tạm dừng.

Từ năm 1968, hàng triệu thanh niên được đưa về nông thôn để được "nông dân" giáo dục lại.

Khoảng đầu những năm 1970, các trường đại học và cao đẳng bắt đầu tuyển sinh trở lại, chủ yếu từ tầng lớp công nhân, nông dân và quân nhân, và họ được đề cử chủ yếu dựa vào tư cách chính trị tốt hơn là thi tuyển công khai.

Khoảng 5,7 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 1977 và 273,000 trúng tuyển, tỉ lệ trúng tuyển 4,8% - thấp nhất trong lịch sử.

Tỉ lệ trúng tuyển đại học hiện nay - kỳ thi "gaokao" - cao hơn rất nhiều so với thời trước nhưng nguy cơ trượt vẫn cao.

Kết quả đến khoảng giữa ngày. Năm trong số chúng tôi trúng tuyển vào các trường đại học khác nhau. Tôi đậu Đại học Bắc Kinh. Mọi thứ dường như có phần kỳ ảo.

daihoc4

Đến năm 1982, bà Ngô Ngọc Văn đã trở thành giảng viên tại trường Đại học Bắc Kinh

Hiệu trưởng nhanh chóng tổ chức họp chia tay và mỗi người chúng tôi được tặng một quyển sách như quà chia tay.

Vài ngày sau, tôi đến Đại học Bắc Kinh, và mọi thứ còn lại trở thành lịch sử.

Chúng tôi được biết đến là Khóa '77 - mặc dù chúng tôi bắt đầu học vào năm 1978. Nếu bạn nhắc đến từ này với những người ở độ tuổi nhất định, họ sẽ lập tức gán cho bạn những đức tính như người từng trải, chăm chỉ, có trách nhiệm và may mắn.

"Các bạn lên được chuyến tàu đầu tiên", họ sẽ nói như vậy.

Tôi tự hào được làm một trong số các thành viên của Khóa '77 và là nhân chứng lịch sử cho một sự kiện của lịch sử Trung Quốc đương đại.

Kỳ thi tuyển sinh năm đó đánh dấu sự khởi đầu cho thời kì đổi mới và mở cửa của Trung Quốc và Khóa '77 trở thành lực lượng nòng cốt cho sự chuyển đổi của Trung Quốc trong suốt bốn thập niên về sau.

Họ là những giảng viên, nhà khoa học, luật sư, bác sĩ, nhà văn và nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình, trong đó phải kể đến Thủ tướng đương nhiệm Lý Khắc Cường, từng học luật và kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, bạn đồng môn của tôi.

Rõ ràng đây là thế hệ ưu tú được trao nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ đen tối. Đã có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, nhưng đồng thời cũng có nhiều ý kiến hoài nghi tốc độ thay đổi về mặt chính trị.

Tôi đã hoàn thành giấc mơ đại học của mình và không thể chối cãi khi nói Trung Quốc đã có một bước tiến lớn để sửa chữa những sai lầm của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 29/12/2017

Published in Văn hóa