Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tin vua nhạc rốc Johnny Halliday vừa mất làm nhiều người trên thế giới xúc động. Johnny Halliday nổi tiếng là ca sĩ rock thành công tổ chức sự kiện hát rất lớn, thu hút đông đảo cả ngàn người xem. Một ca sĩ đa tình, dũng cảm với năm lần kết hôn không ngần ngại. Yêu là cưới. Mối tình nổi tiếng là với nữ ca sĩ Sylvie Vartan xinh đẹp với giọng hát quyến rũ. Cặp đôi làm nghiêng ngả sân khấu một thời trên thế giới. Cuộc tình cuối cùng với cô gái trẻ Laeticia. Việt Nam biết thêm về ca sĩ vì đã cùng người vợ cuối cùng nhận hai con nuôi gốc Việt. Những người đã có con và còn dám nhận con nuôi cũng phải có tình yêu và lòng vị tha nhân đạo.

johnny1

Johnny cùng vợ và 2 cô con gái gốc Việt.

Ông đã từng được mời hát nhân buổi quốc tang Charb và đồng nghiệp khi kẻ cuồng tín đạo Hồi sát hại tuần báo hí họa Charlie. Ông đã ủng hộ tuần báo Charlie, bảo vệ giá trị tự do của nền cộng hòa Pháp. Sự cuồng nhiệt hừng hực với cây đàn ghi ta trên sân khấu của ông thể hiện khát vọng tự do tuyệt đối.

johnny2

Ông đã ủng hộ tuần báo Charlie, bảo vệ giá trị tự do của nền cộng hòa Pháp.

Cái mất của vua nhạc rock nhắc lại trong tôi một kỷ niệm mãi mãi không quên. Thời sinh viên năm thứ hai khi tôi du học ở Bucarest Rumanie. Tôi được phân học chuyên ngành triết văn Pháp. Tất cả sinh viên khoa đó từ năm thứ hai được phép vào trung tâm văn hóa Pháp tại Bucarest sinh hoạt, xem phim, nghe nhạc. Đám Việt Nam sung sướng. Còn gì may mắn hơn là học văn chương ngôn ngữ của nước được hưởng luồng ánh sáng văn hóa nước đó. Đây là dịp may để tiếp xúc với người Pháp và tìm hiểu thêm văn hóa Pháp. Háo hức chuẩn bị đi làm thẻ sinh hoạt, bỗng bí thư chi đoàn tập hợp lại và tuyên bố "ban chấp hành đoàn, cán bộ đã trình bày lên tòa đại sứ Việt Nam việc này. Sứ quán không cho phép đến đó. Vậy mong các đoàn viên đừng ai phạm kỷ luật". Niềm vui chưa được một ngày, bỗng bị hụt hẫng. Cả đêm tôi nằm dằn vặt suy nghĩ. Đi học ngôn ngữ Pháp, chưa bao giờ đối thoại người Pháp. Tôi mắn mắn hơn nhiều bạn bè cùng học, do thi đậu vào trường năng khiếu đại học sư phạm, được cô giáo Pháp chính cống sống ở Hà Nội dạy tiếng Pháp.

johnny3

Johnny biểu diễn

Sang Ru, tiếng Pháp võ vẽ lại phải học song đồng tiếng Ru, sinh viên Việt rất khốn khổ. Cuốn từ điển Pháp Việt Việt Pháp không có. Mọi việc học toàn thông qua tiếng Ru. Từ điển Ru- Việt hay Việt Ru đều không có nốt. Nhiều sinh viên đã khóc mỗi lần bị thầy mắng vì không hiểu và phát âm sai. Tiếng Pháp phức tạp. Năm thứ nhất đại học vào học chung với sinh viên Ru như vịt nghe sấm. Không đi học thì sợ bị phê bình, đi học thì như đóng kịch câm điếc. Buồn lắm, thấy thầy cô giảng trên lớp, sinh viên Ru cười vang vỡ lớp, chục đứa Việt mặt ngẩn tò te, có đứa phải cười theo để có nụ cười đại diện dân tộc : ừ tôi cũng hiểu. Tôi dường như đạt kỷ lục trốn học nhất trong đám Việt Nam, thầm lặng xuống thư viện cẩn mẫn đọc đi đọc lại dù chỉ một trang. Để nói được tiếng Pháp, tôi kết bạn với đám châu phi từ các thuộc địa Pháp sang du học. Một thứ tiếng Pháp, mà sau này qua Pháp tôi mới hiểu cách phát âm địa phương nặng trình trịnh, và đôi khi hơi kỳ kỳ. Anh họ tôi từng học tiếng Pháp từ nhỏ ở các trường Pháp tại Sài gòn kể khi anh qua Montréal, anh hoảng quá, tưởng mình nói tiếng Pháp sai. Sau mới biết bọn Quebec tiếng Pháp đáng sợ thế. Thời trước, không có vi tính, wifi, không có thông tin cập nhật qua mạng, nên ngay ở Sài Gòn, các anh họ tôi cũng chưa bao giờ biết Montréal (Canana) nói tiếng Pháp như vậy. Một thứ tiếng Pháp xen đầy thổ ngữ của một nhóm thuyền chài, hay thôn quê Pháp di cư từ thế kỷ 16, 17. Tôi nghĩ muốn học được phải lợi dụng dịp này. Tôi liều đi làm thẻ với giấy chứng nhận là sinh viên khoa triết văn Pháp. Trung tâm đón tiếp sinh viên rất vui vẻ và trao cho chương trình các sự kiện văn hóa. Các buổi biễu diễn văn nghệ làm tôi hứng thú. Ngôn ngữ chưa thạo, âm nhạc và hội họa không bị rào cản ngôn ngữ nhiều như tiểu thuyết, thơ. Tôi ẽ là sinh viên duy nhất thời đó bỏ tiếng mua cái máy quay đĩa và rình mua đĩa hát (đặc biệt là đĩa tiếng Pháp), và "lẻn" đi xem balet. Mọi bạn bè tiếp kiệm tiền mua đồ về nước, nên mua đĩa hát, xem ba let là xa xỉ phẩm. Thời đó ngay ở Rumani cái gi cũng hiếm. Có cuốn từ điển chia động từ Pháp ra vài ngày là hết ngay. Đĩa hát nhạc Pháp cũng hiếm và rất đắt tiền. Tôi loay hoay nghe đi nghe lại để học tiếng Pháp qua những bài hát Dalida, Mathieu. Nhiều khi chẳng hiểu rõ lời, tôi nhờ bạn Ru biết tiếng Pháp thạo cùng lớp nghe hộ, chép ra học cách phát âm.

Bản thân cũng mê văn nghệ. Từ nhỏ tôi đã sơ tán theo bộ văn hóa, nơi có các đoàn văn công sơ tán xung quanh, tôi theo con các nghệ sĩ lang thang chiều chiều ngồi xem các diễn viên tập kịch, hát chèo, hát bội, hát chòi như bà Lệ Thi, dân ca liên khu năm Ái Liên và nghe đám diễn viên nhí Ái Vân, Ái Xuân, Hạnh Nguyên… mỗi đầu tuần hát trước lớp, trường. Xem diết rồi cũng thuộc lòng những bài hát họ tập. Ông già làm trưởng ban thi đua ở Bộ, tôi được hưởng xem tất cả những buổi trình diễn ra mắt thời đó.

Sang Ru, ngay hôm đầu tiên tôi đã rủ rê được 3 cô bạn thân cùng trường trung học phiêu lưu vào thử một rạp xem phim ở Bucarest trước khi xuống thành phố khác học dự bị ngoại ngữ. Võ vẽ dăm chữ Ru, chữ Pháp liều đi xem không xin phép cao bồi Mỹ (lúc đó cấm xem). Cả bốn đứa ú ớ xem xong chẳng hiểu gì nhưng khoái vì được thấy cái rạp phim rộng hơn rạp Công nhân, hay Hồng Hà và đám cà bồi cưỡi ngựa với những nụ hôn cháy bỏng với một nàng xinh đẹp. Phim Việt Nam lúc đó, chẳng bao giờ có nụ hôn tình yêu. Tất cả quên tình yêu vì chiến trường... Có đứa chẳng bao giờ biết rạp phim ở Hà Nội lúc đó toàn xem phim bãi ngoài trời. Cả bọn bị lạc đường, nói thì không thạo, mất 3 tiếng mới về đúng nơi tập kết đi. Hú vía, cả đoàn đang chờ, và lo lắng không biết 4 đứa mất tích từ sáng, tận 5 giờ chiều mới quay về vừa kịp đi thành phố Cluj. Mọi người "quan tâm" hỏi đi đâu ? Đã chuẩn bị trước câu trả lời, đổ lỗi nhầm hướng buýt, xuống linh tinh họ chỉ đi linh tinh vì không hiểu… Cuối cùng tất cả vội lục đục kéo vali lên ô tô, chỉ bị dặn rút kinh nghiệm lần sau, đi đâu phải hỏi các anh chị năm trên…

Trung tâm văn hóa Pháp ở Rumani rất hấp dẫn. Lúc đó tôi cũng chưa biết các ca sĩ Pháp nào. Nhớ lúc đi học dự bị thầy giáo Ru thử trình độ văn hóa chung của đám Việt Nam mới hỏi "ai là nhạc sĩ nổi tiếng thế giới"khi học từ "giao hưởng", "cổ điển". Lớp 20 đứa Việt Nam, chẳng ai trả lời, tôi mới sực nhớ đáp "Tchaikoski" mà tôi vẫn được nghe giới thiệu khi xem biểu diễn ở nhà hát lớn về người trình diễn đào tạo từ học viện âm nhạc Tchaikoski. Thầy giáo bảo cũng được, còn ai khác hay hơn không…, tôi bật nhớ đến bản nhạc mà đám trình diễn vẫn chơi "Beethoven" bản định mệnh… Thầy giáo gật đầu. Đúng là một dịp để cứu sự xấu hổ về"tình trạng văn hóa nghèo nàn thời chiến tranh ở Việt Nam" và trình độ kiến thức văn hóa chung đào tạo ở ngay Hà Nội.

Năm thứ nhất, về Bucarest học đại học, giáo sư tách chúng tôi ra, 6 đứa học riêng vì trình độ tiếng Pháp cao hơn, đám còn lại phải học ngoại ngữ tiếp, do 4 đứa học trường năng khiếu khoa Pháp và 2 sinh viên đi từ Sài gòn (xuyên rừng ra Bắc, con cán bộ ngầm trong thành Sài gòn thời đó). Vừa vào lớp ngày đầu tiên, giáo sư dạy về văn chương Pháp, chỉ lên tường một chân dung một ông già râu xồm chống tay trên trán đang suy tư" hỏi ai đây. Cả sáu đứa (cả nam lẫn bắc đều được học tiếng Pháp trung học) lắc đầu. Ở Hà Nội chúng tôi chỉ thấy ảnh ông "tây" râu xồm duy nhất là Các Mác, và một ông đầu hói treo khắp nơi là Lê Nin. Tưởng miền Bắc đói khổ, bom đạn, việc dạy không có sách giáo khoa là chuyện thường tình. Hóa ra đám học ở Sài gòn cũng thế nốt. Chiến tranh cả hai miền đều khốn khổ, đều phải chịu thiệt thòi. Chúng tôi học tiếng Pháp, cô giáo Pháp dạy gì biết nấy. Cô tên là Monique, chồng Việt, cô cùng chồng về Việt Nam theo tiếng gọi của đất nước hòa bình. Cô cũng phải chịu cực đi đào hầm như học sinh. Cô nói tiếng Việt lơ lớ, chậm chậm. Cô ít cười hơi buồn. Chúng tôi rủ cô sang làng bên hay qua sông chơi,cô tâm sự cô không được đi đâu xa, đi đâu phải báo công an. Nên chỉ quẩn quanh đúng Hà Nội và làng sơ tán cho phép. Cô cũng chẳng có sách báo nước ngoài bằng tiếng Pháp để chỉ cho chúng tôi xem, làm sao chúng tôi có thể biết ai là ông râu xồm kia. Cô trình độ có hạn, chỉ dạy phát âm, chính tả cùng vài bát hát nhi đồng, trong đó có nhiều bài bây giờ bên Pháp không thấy ai hát, chỉ có mấy ông già sinh 1930 mới biết. Một lần, bố tôi không biết kiếm đâu ra cuốn sách thiếu nhi bằng tiếng Pháp dịch từ Nga, có vẽ hình màu, in khổ lớn mang về quà cho tôi. Tôi thích quá, loay hoay đọc và cứ nhớ mãi đến thuộc luôn vì có mỗi 1 cuốn "Natasha va à l’école" (Natasha đến trường). Từ nào không biết, bố là từ điển. Cả sáu đứa đang ngớ ngẩn, giáo sư thủng thỉnh đáp : đấy là nhà đại văn hào Victor Hugo. Lần đầu tiên tôi nghe cái tên đó. Thời đi học phổ thông, thầy giáo văn có lẽ cũng chẳng biết ông này là ai, chỉ loanh quanh với Thép đã tôi thế đấy, Thời thơ ấu của Maxim Gocky. Thơ văn Trung Quốc, tôi biết mỗi tên Đỗ Phủ nhờ học di chúc Hồ Chí Minh, còn thơ văn của ông cũng mù tịt. Thơ văn học thời đó toàn ca dao chống Pháp, chống mê tín dị đoan, phong kiến "cặc bụp cắc bụp xòe, ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo… Cặc bụp cặc bụp xòe… hoặc bài thơ cách mạng "Anh La Văn Cầu,… giặc bắn què tay, anh chặt phăng ngay, xông lên nổ súng…" làm gì được học những áng thơ văn Victor Hugo.

Mười năm học thêm một năm vỡ lòng, tổng cộng mười một năm, hầu như tuần nào cũng học địa lý, sử mà tôi cũng chẳng nắm được gì mà vẫn được coi là học sinh giỏi. Tôi rất sợ học sử vì cứ Thái Tôn, Nhân Tôn, Thánh Tôn… Lý Trần Lê loạn cào cào trong đầu. Cô giáo cũng chẳng biết. Thầy sử phải đi ra chiến trường. Trường thiếu giáo viên cô giáo kỹ thuật toàn lấy sách giáo khoa sử địa đọc cho học sinh chép là hết giờ. Học sinh chỉ biết vài sự kiện lớn : cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại 1917, đảng cộng sản Việt Nam thành lập 1930 và 1945 giành độc lập, Điện Biên Phủ 1954… nhờ hầu như bài kiểm tra năm nào cũng chỉ hỏi mấy câu đó. Đến lúc dự bị nước ngoài được học thêm 3 dòng thác cách mạng. Thực ra tôi cũng chẳng nắm được, buổi sáng, mấy lớp khối tự nhiên thi trước với câu 3 dòng thác cách mạng. Tôi mới lôi sách ra đọc lại. Chiều kiểm tra thi 3 dòng thác, phân tích dòng thác thứ ba "về vai trò văn hóa tư tưởng". May mắn tôi đạt được điểm tốt, còn cô bạn thi buổi sáng rớt môn chính trị nên phải ở lại học trong nước. Hồi lớp sáu, đang chơi với trẻ con ngoài đường nhẩy dây,cô giáo chủ nhiệm đi xe đạp đến bảo "mai em đi thi sử học sinh giỏi", Tôi hoảng quá từ chối, cô bảo "không em phải đi, vì lớp không có ai. Em đại diện cho lớp". Tôi đến thi cho lấy lệ, biết là trượt, nhưng cô giáo bảo phải nghe, không được quyền phản đối. Sau này qua Rumanie tôi mới hiểu thế nào học sử địa. Ở Việt Nam dạy ngoại ngữ chỉ để nói, nhưng ở nước ngoài ngay dự bị học tiếng, chúng tôi đã được thầy giáo dạy sử địa minh họa rất rõ, dù ngoại ngữ yếu cũng vẫn hiểu. Thầy treo bản đồ, chỉ rõ tên các nước và biên giới, chiến tranh thế giới, phân chia biên giới… Học xong lịch sử địa lý thế giới, Ông giáo cho bài tập "Lịch sử Việt Nam qua các thời đại". Ông tin là lịch sử Việt Nam thì đám sinh viên Việt không thể không biết như lịch sử châu Âu và sẽ có điều kiện gỡ điểm. Đúng hẹn, cả 20 đứa nộp bài. Hôm trả bài, ông giáo nói mặt lanh tanh "Nước Việt không có lịch sử, vì 20 bài làm 20 lịch sử hoàn toàn khác nhau." Thú thật, tôi nghe được xấu hổ muốn độn thổ xuống đất. Tôi vốn thi ban toán lý hóa nhưng lại bị xếp đi học cùng với đám ban văn sử địa vì học bổng ngành Pháp ngữ thiếu người. Vừa mới hiệp định Paris chấm dứt, tình trạng thiếu người biết tiếng Pháp ở lớp trẻ đang khủng hoảng, Bộ đại học quyết cho đi đào tạo tiếng Pháp để chuẩn bị sẵn thế trận nhớ phải ký kết hiệp định tiếp, chiến tranh còn có thể kéo dài. Đám văn sử địa thi đậu đi nước ngoài hóa ra cũng thảm hại về kiến thức sử Việt.

Ngay thời tôi đã trở thành giảng viên đại học khoa văn, trong chương trình văn học thế giới 1/3 là văn học Trung Quốc, 1/3 là văn học Nga xô Viết, còn lại văn học châu Á, Châu Mỹ Latinh, với văn học Pháp, Anh. Sách truyện dịch hiếm hoi, ngay những năm 80. Đi du học tôi gửi 3 bộ từ điển rất nặng Larousse, và Petit Robert cùng sách về từ Bỉ về trước qua bưu điện bị mất không nhận được. Tôi còn nhớ thời đó hễ có cuốn dịch nào mới ra hay, anh bạn thân tôi cũng tìm cách mua tặng tôi một cuốn. Thời đó sách là một món quà rất quý mà tôi mãi nhớ.

Sách thiếu thốn, từ điển không có, có điều kiện được mượn sách và tìm hiểu bổ sung kiến thức thì bị cấm.

johnny4

Johny Halliday biểu diễn nhạc Rock

Nhưng khát vọng tìm hiểu thế giới tư bản, văn hóa Pháp càng thôi thúc tôi bất chấp kỷ luật âm thầm đến trung tâm văn hóa Pháp ở Bucarest. Buổi đầu tiên tôi đến xem phim ca nhạc ở đấy, chính là phim về buổi biểu diễn nhạc Rock của Johny Halliday. Tất cả làm tôi bất ngờ ngạc nhiên. Vốn chỉ quen nghe các ca sĩ Việt ăn mặc chỉnh tề, hát nghiên túc buồn buồn những bài dân ca hoặc hùng tráng nghiêm trang ca những bài cách mạng. Johny Halliday hát rất đa dạng, hát tình yêu với tất cả nhiệt huyết. Vừa hát ca sĩ vừa cởi phanh áo, mồ hồi nhễ nhại, quẳng áo tung xuống khán giả, đám cuồng mê hét hò tranh nhau cướp và xé hít chiếc áo đấy. Tất cả như quay cuồng loạn điên trên sân khấu. Những bản nhạc đập thình thình, đàn ghi ta nghiên ngả, sân khẩu như đảo lộn… Cuồng nhiệt và tự do đến ngạt thở. Tôi tự hỏi tư bản là thế ư ? Qua Paris mới biết Johnny Halliday là ca sĩ Pháp đầu tiên chơi nhạc rock và thành công rực rỡ với giọng hát tuyệt vời.

johnny5

Một bến metro Paris mang thêm tên mới Durock Johnny

Johny Halliday đã mất, nước Pháp mất đi một người nghệ sĩ lớn. Tổng thống Macron cùng phu nhân đã đến tận gia đình Johnny chia buồn. Tàu điện ngầm hàng năm ở Pháp thu hút hàng trăm triệu người. Chỉ một ngày sau khi nghe tin ca sĩ ra đi, sở giao thông đã không cần họp bàn lâu dài quyết định tôn vinh nghệ sĩ, lấy tên ông đặt thêm cho bến tàu điện ngầm có tên Durock. Những người yêu âm nhạc có dịp đến tận bến để chụp ảnh kỷ niệm. Johnny Halliday ra đi nhưng mãi mãi đi vào lòng người hâm mộ. Một vinh quang không chỉ dành cho ông mà cho cả Paris. Paris xứng danh là thành phố ánh sáng văn hóa luôn tôn vinh văn hóa nghệ thuật.

Johnny Halliday đã in vào đầu tôi không chỉ sự cuồng nhiệt tự do tuyệt đối mà cùng với bao kỷ niệm buồn vui một thời du học mãi mãi không quên là thế.

Paris, 10/12/2017

Trần Thu Dung

Published in Văn hóa