Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng nói "tôn trọng" trí thức nhưng cơ chế, chính sách nào cho họ tự do "phản biện" ?

Tự do là vấn đề cốt lõi của cơ chế, chính sách và là điều kiện tiên quyết cho trí thức phản biện

trithuc

Blogger Nguyễn Lân Thắng, một người phản biện xã hội vừa bị kết án tù sáu năm với tội danh "tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" - Facebook Nguyễn Lân Thắng

Chuyển đổi thị trường thực chất là tự do hoá nền kinh tế, dù khái niệm có thể bị "đánh tráo", lộ trình thực hiện nhanh chậm thì quá trình này vẫn hoạt động thông qua cơ chế : nhiều tự do hơn, nhiều kiến thức hơn, nhiều khám phá sáng tạo hơn, và từ đó mà sự thịnh vượng cũng sẽ đi theo sau. Tuy nhiên, nó đồng thời cũng gây "bất ngờ" cho giới lãnh đạo, trong đó nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp và con người trở nên "độc lập" hơn với Đảng - Nhà nước, vì thế "toàn trị" trở nên lung lay. Thể chế bất ổn kéo dài bởi quốc nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ, xã hội mất phương hướng, người dân hoang mang và niềm tin vào chế độ giảm sút… Ngoài ra, khủng hoảng lý luận về việc Đảng cộng sản lãnh đạo thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sa vào ý thức hệ giáo điều trì hoãn thể chế hoá, cụ thể hoá các quyền công dân theo Hiến pháp… khiến Đảng đang "loay hoay" đối phó không hiệu quả những tác động của những "bất ngờ", và đặt ra tương lai khó lường tiếp tục cải cách… Trước "những vấn đề của đất nước" như vậy, phải chăng Đảng cần cơ chế cho trí thức phản biện ?

Như đã trình bày, để sửa đổi Nghị quyết số 27 năm 2008 "về xây dựng đội ngũ trí thức…", liên tiếp có các lãnh đạo cao nhất của Đảng – Nhà nước, ông tân Chủ tịch nước ngày 16/2 và ông Tổng bí thư Đảng cộng sản ngày 24/3/2023, có các cuộc gặp với giới trí thức, văn nghệ sĩ của chế độ, bày tỏ "sự tôn trọng" họ và cam kết "có cơ chế phù hợp" để họ "tư vấn, phản biện" đối với "những vấn đề của đất nước." Liệu có thể một cơ chế cho trí thức phản biện nếu xa rời tự do ?

Xây dựng một cơ chế phù hợp cho trí thức phản biện chính sách chỉ có thể khả thi khi khái niệm "phản biện chính sách" được nhìn nhận từ quan điểm tự do. Trước hết, hãy nói về phản biện. Phản biện được hiểu là hình thức giao tiếp, ứng xử từ một lối suy nghĩ đa chiều, sâu sắc để đưa ra các lập luận thuyết phục đối với người nghe. Nội hàm phản biện bao gồm : tư duy phản biện ; một quá trình suy nghĩ một cách cẩn thận về một chủ đề hoặc một ý kiến mà không cho phép những cảm giác hay ý kiến khác ảnh hưởng tới ; một quan điểm nói rằng cái gì đó là không chính xác hay một ý kiến phản đối chống lại một quan điểm, một ý kiến hoặc một gợi ý khác ; và một hành động nói hoặc chứng minh rằng một ý kiến, một quan điểm hay một, nhóm người là không đúng…

Nói một cách khái quát : phản biện tạo ra sự khác biệt. Phản biện chính sách là khái niệm được áp dụng trong lĩnh vực chính trị, nó có thể tạo ra khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận xây dựng và thực thi chính sách. Phản biện chính sách công liên quan đến quyền lực công và nó trở nên "nhạy cảm" khi quyền lực công không được kiểm soát hiệu quả và thực chất. Nghĩa là, trong môi trường thiếu tự do, dân chủ phản biện chính sách là hành động có nhiều rủi ro, thậm chí dưới chế độ chuyên quyền, toàn trị thường bị cấm đoán, những người phản biện có thể bị coi là đối tượng chống đối, thế lực phản động… và, các hình thức trừng phạt được dựng lên, từ răn đe, đề phòng bởi các các biện pháp gây áp lực công việc, "khủng bố" tinh thần… đến rào cản pháp lý với những điều luật "mơ hồ" tuỳ biến có lợi cho hành pháp mang tính chính trị và khung hình phạt cao nhất có thể.

Tri thức là nhân tố động lực phát triển thịnh vượng và, phản biện là một thuộc tính của trí thức cần có môi trường tự do. Bởi vậy, phản biện được coi là tiêu chí cần thiết để phân biệt những người làm việc trí óc thông thường, làm chuyên môn trong các lĩnh vực, các nghề chuyên sâu… Đội ngũ này có thể đông trong nền kinh tế trí thức, nhưng những trí thức phản biện không thể có nhiều, họ có số lượng và đặc điểm tuỳ thuộc vào môi trường ý thức hệ, chế độ chính trị, càng nhiều tự do, dân chủ thì họ càng đông và càng mạnh, hoặc ngược lại. Dưới chế độ toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam quan niệm trí thức bị "đánh đồng" với lao động trí óc, trong đó số người do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam "quản lý" gồm 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên ‘trí thức’ (theo cách gọi của Đảng, nhưng thực chất là lao động trí óc), chiếm gần 1/3 số lượng trong cả nước. Đây là tổ chức chịu sự lãnh đạo trực tiếp, là cánh tay nối dài "toàn trị" của Đảng cộng sản đối với lao động trí óc. Cơ quan này giúp Đảng không chỉ loại trừ các tổ chức phản biện độc lập mà còn dễ dàng trấn áp các tiếng nói khác biệt từ "gốc" khi chỉ mới có các dấu hiệu.

trithuc2

Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức

Chẳng hạn, Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật đảng năm 2018, ông bị coi là "suy thoái tư tưởng chính trị" trên cương vị là Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã có một số phát biểu và cho xuất bản các cuốn có nội dung trái với hệ tưởng của Đảng cộng sản, trong đó có "Đường về nô lệ" của nhà kinh tế đoạt giải Nobel F. Hayek… Và mới đây, cuối năm 2022 Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển thuộc Liên Hiệp hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra bắt giam. Trong quyết định ông Giao bị khởi tố về tội "Trốn thuế", nhưng dư luận cho rằng đó là cái cớ vì ông là "nhà phản biện nổi tiếng mạnh mẽ !". Ranh giới phản biện và phạm tội thật mù mờ.

Sau hơn 30 năm Đổi mới mang lại thành tích kinh tế, nhưng môi trường tự do cho trí thức "sáng tạo" dường như "kém đi." Như đã biết "Nhóm thứ sáu" tập hợp những trí thức của chế độ nhưng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trọng dụng để nghe "tư vấn". Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có cuộc gặp năm 1987 để "cởi trói" cho giới giới văn nghệ sĩ để họ cho ra đời nhiều tác phẩm văn hoá "xứng tầm" đổi mới. Tiêu biểu như các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, các đạo diễn Lưu Quang Vũ, Trần Văn Thủy…. Họ được công chúng đón nhận. Họ đã "dấn thân", mặc dù gây khó chịu cho không ít quan chức bảo thủ, nhưng không ai trong họ bị bỏ tù. Hiện nay, trái lại, nhiều nhà bất đồng chính kiến, nhà báo phản biện về "các vấn đề" nóng của đất nước đã bị đàn áp. Mới nhất, ngày 14/4/2023 Blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng, người có tiếng nói phản biện thẳng thắn, đã bị kết án nặng nề. Được biết, cộng đồng mạng lan truyền một bức thư của cha mẹ của Blogger này gửi tới Hội đồng xét xử, trong đó có đoạn : "… Lân Thắng là một trong hàng triệu nhân chứng sống cho tiến trình Đổi mới của Việt Nam…" Chính quyền đã không cho là thế, và vì vậy, danh sách các "nhân chứng sống" như Thắng có thể sẽ tiếp tục kéo dài !

Trở lại với các cuộc gặp của lãnh đạo với các "trí thức" của chế độ như nêu trên, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn họ "… làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật…" Tuy nhiên, có một ý kiến gây chú ý mang tính "phản biện" của ông Chủ tịch Hội Nhà văn đề đạt với Đảng hãy "đầu tư niềm tin, không gian sáng tạo" cho giới trí thức. Tất nhiên, ông Chủ tịch Hội Nhà văn là "người của Đảng" và, ông ấy đã không thể nói thẳng rằng họ cần có sự đảm bảo tự do cho hoạt động sáng tạo. Một cơ chế, chính sách "đặc biệt" cho trí thức phản biện cần sự cam kết từ Đảng được thể chế hoá về quyền tự do.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 18/04/2023

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn

Vào một buổi sáng cuối tuần rảnh rỗi tôi có thời gian tranh luận với một người bạn, quen biết đã lâu, và anh cũng đã từng là quan chức, có học hàm - học vị đã đạt đến cực phẩm theo tiêu chuẩn nội địa Việt Nam hiện hành, tức là giáo sư sư - tiến sĩ - viện sĩ, đủ hết.

trithuc1

Anh có uy tín trong lĩnh vực "khuyên bảo kinh tế", gọi cách khác là "tư vấn kinh tế", dành cho khu vực công, và xuất hiện với tần suất cao trên truyền thông hàng tuần.

Tôi nói với anh : "Anh về hưu rồi, nhưng có bao giờ nhìn lại những gì anh đã làm không ?"

Quan điểm của tôi là những việc anh đã làm trong cả sự nghiệp là vô giá trị khi tất cả những điều anh viết, anh nói trong suốt cả mấy chục năm không có một chút đóng góp nào cho sự phát triển của hệ thống lý thuyết.

Đứng về mặt ứng dụng vào thực tế, thì nó lại càng thảm hại hơn khi anh luôn đợi chính sách/chủ trương/chiến lược đã gây ra hậu quả thì mới nhảy vào để tư vấn.

Cả 100% các tư vấn dạng này của anh đều tuân thủ công thức "Thực trạng - Nguyên nhân - Giải pháp" theo kiểu Xô Viết mà ngày hôm nay trên thế giới chẳng còn ai quan tâm đến do đã quá lỗi thời.

Anh trầm ngâm, và sau đó trả lời gián tiếp "Thôi, đó là lịch sử".

Tôi thì nghĩ chẳng có lịch sử nào ở đây cả, mà chỉ có sự đớn hèn và nhu nhược khi không dám phản biện trái ý những người có quyền hoạch định chính sách ngay từ phút ban đầu để hy vọng có thể cứu vãn được các nguồn lực cho đất nước.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thái độ này là tiếng gọi của "dạ dày", của việc bảo vệ vị trí cá nhân đã mạnh hơn tất cả, kể cả là việc phải vứt bỏ lương tâm.

Xin nêu ra một vài ví dụ.

Chiến lược về việc hình thành các tập đoàn kinh tế công ở Việt Nam, nếu từ cách đây 15 năm, ngay từ phút ban đầu soạn thảo, có sự phản biện trái chiều đủ mạnh thì rất có thể đã buộc những người có quyền hoạch định phải xem xét lại.

Và kết quả là sẽ cứu vãn cho đất nước hàng tỷ USD đã mất, tránh được một đống "thây ma" đang hấp hối như hiện nay.

Nhưng sự thực thì chẳng ai trong số những người như anh, dám hét to lên "Điều này là sai về bản chất, hỏng về cách triển khai, chậm về cơ hội lịch sử để cho phép làm theo sự thành công trong quá khứ như một số nước ở Đông Bắc Á đã từng trải qua, và hiển nhiên hậu quả sẽ là mất sạch các nguồn lực đổ vào, chưa kể các hệ luỵ kéo theo".

Chẳng ai trong số những người như anh đủ hiểu biết và đủ dũng cảm để nói như vậy, và đó là sự thật không cần bàn cãi. Nếu tạm giả định rằng những học hàm, học vị của anh người quen nêu trên là trong sáng, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, thì anh thuộc về tầng lớp khoa bảng nhưng bàng quan hoàn toàn với "Việc chung", tức Chính trị.

Những người thuộc tầng lớp này, nói vô giá trị với sự phát triển thì cũng không hoàn toàn đúng, nhưng nói vô nghĩa với "Việc chung" là hoàn toàn chính xác.

Họ chỉ như một cái bóng mờ, thoáng lướt qua và không để lại một chút dấu ấn nào trong dòng chảy vận động của xã hội, mặc dù họ luôn tự hào là người đọc sách, là "kẻ sĩ" sáng sủa của đất nước.

Họ sống trong vầng hào quang giả tạo, của "lầu son gác tía" được xây bằng bìa carton, với nỗi lo sợ phập phồng khi biết rằng nếu bị bắt buộc rời khỏi nó, thị trường cạnh tranh tự do sẽ trả lời chính xác họ là ai.

Thêm một ví dụ nữa. Cuộc tư nhân hoá, hay gọi cách khác là cổ phần hoá, diễn ra tại cơ quan họ sẽ buộc thu nhập của họ phải gắn với kết quả cụ thể do thị trường quyết định.

Ôm rơm hay quên đi việc chung để lo cá nhân ?

"Ôm rơm nặng bụng" là câu thành ngữ ở Việt Nam có từ lâu đời.

Nhưng "ôm rơm" thì mới là trí thức đúng nghĩa khi thấy "Việc chung" như việc riêng của mình bởi trách nhiệm Thức tỉnh Xã hội là thường trực trong họ.

Còn nếu không "Ôm rơm" thì họ cũng chỉ là kẻ đi truy đuổi văn bằng để mưu cầu lợi ích cục bộ nhỏ bé, ví dụ : làm thoả mãn các điều kiện vật chất của cá nhân mình.

Nếu mang danh là trí thức, mà chẳng quan tâm đến "Việc chung", chẳng bảo vệ sự tử tế, chẳng tôn sùng sự tiến bộ và tìm cách mở đường cho nó phát triển, chẳng dám dấn thân và chấp nhận sự cô đơn thì cũng chỉ là dạng "Giá áo túi cơm".

Những con người này nếu vô tình bắt gặp một người cùng khổ mưu sinh trên vỉa hè, nhưng anh ta lại đang xẻ bát cơm cho một người cùng khổ hơn, ý kiến chủ quan, nên cúi đầu chào một cách khiêm tốn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xa rời trách nhiệm đối với đời sống công cộng, tức "Việc chung", của tầng lớp trí thức Việt Nam thì có nhiều, và chúng ta không có ý định đi sâu vào điều này ở bài viết.

Những cái nhìn từ bên ngoài

Tuy nhiên, để có một cái nhìn nhanh và khái quát, hãy xem Louis Raymond, trong tham luận được trình bày tại hội thảo tháng 9/2020 ở Paris về "Giữa phương Đông và phương Tây, thực trạng của trí thức Việt Nam ngày hôm nay", đã đánh giá như thế nào về điều này.

Sau khi đã xem xét kỹ về những đặc trưng của tầng lớp trí thức Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XX, Louis Raymond cho rằng trí thức Việt Nam không có cùng chức năng như trí thức phương Tây được thể hiện ở điểm quan trọng nhất đó là trách nhiệm thức tỉnh xã hội.

Ông viết : "… luôn có hai hiện tượng cần nhận được sự lưu ý để hiểu thêm về trí thức Việt Nam đương đại ngày hôm nay : khuôn khổ và định hướng".

Từ đây, ông đề xuất một định nghĩa về trí thức Việt Nam như sau : "… là những con người, thông qua các bài viết hoặc các sản phẩm của mình, đưa ra thông điệp về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước.., những con người đã được định hình về cách suy nghĩ, những con người vận dụng ý tưởng. Và những cách biểu đạt đó có mang lại ảnh hưởng hay không, có hiệu quả hay không, thì đó lại là câu chuyện khác hoàn toàn…".

Nghe có vẻ thật là nặng nề, nhưng rất tiếc đó lại là sự thật, và thực tế là nếu có cá nhân trí thức nào đó không nắm vững điều đó thì sự ê chề là khó tránh khỏi.

Hãy nhìn lại về Trần Đức Thảo, người được xem là đã có công đưa triết học của Husserl vào Pháp, tỏa sáng cùng Louis Althusser (triết gia dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Marxist) và Maurice Merleau-Ponty (nhà hiện tượng học nổi tiếng).

Ông Trần Đức Thảo (1917-1993) là người có thể tranh luận tay đôi với ngay cả Jean-Paul Sartre (gương mặt tiêu biểu của triết học hiện sinh), nhưng khi về Việt Nam cuối cùng chỉ nhận lãnh những nỗi buồn khi mơ ước sẽ diễn giải chủ nghĩa Marx dưới lăng kính của Tự do và Bác ái theo cách hiểu của riêng ông.

Nhưng nói vậy cũng không phải là một xã hội thì tất cả những người đọc sách, những người có văn bằng đều phải lo cho "Việc chung" và buộc phải dấn thân để mở đường cho sự tiến bộ thì mới là trí thức ; đối với những người này thì có lẽ điều quan trọng nhất mà xã hội trông chờ ở họ là bổn phận nghề nghiệp của họ.

Những trí thức có đủ năng lực và lòng cam đảm để thức tỉnh xã hội, mở đường cho sự tiến bộ, sẽ luôn luôn là thiểu số khi so với số đông trí thức có nghĩa vụ đơn thuần là hoàn thành bổn phận nghề nghiệp.

Thực tế đã cho thấy có vô số các ví dụ vững chắc để minh hoạ cho nhận định vừa nêu :

- Nước Mỹ, với chiều dài lịch sử lập quốc và phát triển chỉ hơn 200 năm, rất ngắn ngủi so vói các nước khác, nhưng đã trở nên hùng cường nhất trong lịch sử nhân loại như hiện nay, thì buổi mở đầu cũng chỉ nhờ vào một nhóm nhỏ có đủ tri thức và lòng dũng cảm để dẫn dắt phần còn lại trong cuộc cách mạng ;

- Nước Nga, cho đến tận thế kỷ thứ 17, vẫn là một trong những nước bị xem là còn lạc hậu nhất châu Âu, nhưng chỉ cần Pierre Đại Đế và một nhóm nhỏ cận thần cùng chí hướng, quyết tâm cách tân nước Nga khi bắt buộc quý tộc, sỹ quan, kỹ sư phải sang Tây Âu học tập thì cũng chỉ sau 20 năm là đã có hạm đội hùng mạnh để đối đầu với Đế chế Ottoman và Thuỵ Điển, mở đường cho nước Nga ra với đại dương, tạo nên lãnh thổ bao la như hiện nay.

- Nhật Bản với cuộc Duy Tân Minh Trị thế kỷ thứ 19

- Ngay tại Việt Nam thì trước năm 1945, có khoảng 90% dân số mù chữ, tầng lớp trí thức nho giáo thì quỳ rạp trước cường quyền phong kiến khi thấm nhuần tư tưởng tôi trung, nhưng cũng chỉ cần vài cá nhân có tri thức do được tiếp cận sớm với văn hoá cởi mở của phương Tây, dám dấn thân thì đã tạo dựng thành công nên cái mà họ theo đuổi bao trùm lên cả lãnh thổ ;

- Cuối cùng không thể không nói đến cuộc chiến hiện nay tại Ukraine đang làm cho cả thế giới phải ngưỡng mộ dân tộc này về lòng can đảm phi thường của họ.

Để có điều đó thì việc trước tiên phải nói đến là vai trò của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Chỉ mới 44 tuổi và trước khi được bầu làm Tổng thống thì ông không có một chút kinh nghiệm nào về làm chính trị, chỉ là một luật sư và diễn viên, nhưng chỉ bằng tri thức của mình, đặc biệt là bằng tình yêu nước nồng nàn và lòng dũng cảm, ông đã đánh thức 44 triệu người Ukraine phải bừng tỉnh trước hoạ ngoại xâm.

Cả một dân tộc đã rùng rùng chuyển động theo vị Tổng thống bất khuất của mình, tất cả đều đồng lòng đứng lên cầm vũ khí kháng Nga xâm lược. Sự can đảm của vị Tổng thống trẻ tuổi này còn làm cho cả thế giới phải lay động, dang tay giúp đỡ hết lòng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine.

Trên thế giới có vô số các ví dụ tương tự về việc những xã hội cũng chỉ cần có một tầng lớp nhỏ về số lượng trí thức, đủ hiểu biết và quan trọng là dám dấn thân để mở đường cho cái mới thì cả xã hội sẽ thức tỉnh để tạo nên sự phát triển.

Phần còn lại, tức những người đọc sách, có văn bằng khoa bảng, nếu bàng quan với "Việc chung" thì cũng chẳng sao. Họ cứ làm việc tốt trong phạm vi của mình là đã đóng góp cho sự tiến bộ.

Thế nhưng có lẽ điều quan trọng hơn đối với tương lai phát triển của một đất nước là họ nên nhường không gian cho những người là trí thức đúng nghĩa, quan tâm đến "Việc chung" và dám dấn thân vì cái mới của xã hội.

Nguyễn Đức Đại Vượng (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 08/05/2022

Additional Info

  • Author Nguyễn Đức Đại Vượng
Published in Diễn đàn

Trong chế độ cộng sản Việt Nam, có hai thành phần trí thức : trí thức sáng suốt và trí thức u mê. Đội ngũ trí thức sáng suốt khan hiếm, biết chọn cái đúng và việc cần làm. Nhưng thành phần trí thức u mê thì đông, là công bộc, sống chết với đảng ; đảng bảo đâu đánh đó, nhiều khi không cần tiêu chuẩn luân thường đạo lý.

Ngược lại, trí thức có bản lĩnh, có lập trường rành mạch thì biết đặt quyền lợi chung trên lợi ích cá nhân và biết chọn cái đúng đánh chết cái sai, không sợ bị trù dập.

dang1

Trí thức có bản lĩnh, có lập trường rành mạch thì biết đặt quyền lợi chung trên lợi ích cá nhân và biết chọn cái đúng đánh chết cái sai, không sợ bị trù dập. Ảnh minh họa Thẻ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam

Hiện tượng này, khi đặt vào sinh hoạt tư tưởng hiện nay sẽ thấy hai mặt hiện lên. Một phía chọn tự do và bảo vệ quyền được bầy tỏ ý kiến, chống kiểm soát của chính quyền. Một bên lên tiếng nhưng bằng lòng chịu sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo để bảo vệ đảng cầm quyền, ca tụng những việc làm của Lãnh tụ như họ đã và đang phục vụ Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Vậy cuộc chiến một mất một còn này đang ở đâu ?

Đứng đầu và quan trọng nhất đang diễn ra giữa những người đòi đảng tỉnh ngủ để từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh lạc hậu và đội ngũ "văn công" muốn kiên định và tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa cộng sản theo ý đảng.

Trong số những người đòi đảng phải thay đổi cho phù hợp với xu thế thời đại tiêu biểu có các vị giáo sư Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Mạc Văn Trang, Tương Lai ; nhà văn Nguyên Ngọc, nghệ sĩ Kim Chi, nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng và một số người khác.

Tất cả đều đã tuyên bố ra khỏi Đảng để phản đối sự ù lỳ không muốn bỏ chế độ cộng sản của phe cầm quyền bảo thủ.

Chi tiết

Vậy những vị này muốn đất nước đi về đâu ? Sau đây là tiểu sử sơ lược và quan điểm của họ.

dang2

Giáo sư Chu Hảo

- Ông Chu Hảo, sinh năm 1940, nguyên tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam 

Ông công bố quyết định "từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam" hôm 26/10/2018 để đi theo con đường Khai Sáng của Cụ Phan Châu Trinh.

Ông nói rằng Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản) mà ông gia nhập 45 năm trước "không còn tính chính danh", "có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".

Quyết định của Giáo sư Chu Hảo đã khiến Đảng choáng váng và xôn xao dự luận trong và ngoài nước, vì ông được kính trọng trên nhiều phương diện từ cá nhân, gia đình cho đến những công trình khoa học. Vì vậy, Đảng đã "khai trừ" ông ra khỏi đảng.

Vậy lý do nào đã khiến đảng không "nương tay" với Giáo sư Chu Hảo ?

Ủy ban Thanh tra Trung ương viết :

"Vi phạm của đồng chí Chu Hảo bắt đầu từ năm 2005, khi đồng chí nghỉ hưu (không còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ) và chuyển sang công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Với cương vị là Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đồng chí đã lựa chọn, biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng. Cụ thể trong các năm (2005-2009), đồng chí đã cho xuất bản 5 cuốn sách có nội dung chính trị tư tưởng sai trái, bị cơ quan chức năng thẩm định, kết luận, xử lý cấm phát hành. Chẳng hạn, cuốn "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít ; đề cao các giá trị dân chủ của chủ nghĩa tư bản, phủ nhận hoàn toàn hệ thống triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa của chủ nghĩa xã hội, phủ định chủ nghĩa Mác, gắn mô hình kinh tế của Liên Xô trước đây với mô hình của chủ nghĩa phát xít, cho rằng tất yếu mô hình đó sẽ dẫn đến nô lệ".

Đảng kể tiếp :

"Trong việc nói, viết và làm theo Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng chí có những vi phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, cụ thể như :

Đồng chí tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội như : "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" nêu lên 7 kiến nghị tập trung vào ba vấn đề cốt lõi : (1) Đòi bỏ Điều 4, Hiến pháp ; (2) Yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ; (3) Đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang ; "Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản", nội dung thư ngỏ cho rằng Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện... "Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam" có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua, khẳng định các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XII còn nặng về nhận định và chủ trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật. Việc lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là không thực tế…".

Nhưng quan điểm của Giáo sư Hảo không có gì đi ngược lại những quyền đã được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013. Điều này viết :

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Vì vậy, khi Nhà nước cáo buộc để xử phạt Giáo sư Hảo là đảng đã tùy tiện tước bỏ "quyền tự do ngôn luận" của ông.

dang3

Giáo sư, Tiến sĩ ngành xây dựng hàng đầu của Việt Nam, Nguyễn Đình Cống

- Trước đó, từ ngày 3 tháng hai năm 2016, sau hơn 30 năm tham gia, Giáo sư, Tiến sĩ ngành xây dựng hàng đầu của Việt Nam, Nguyễn Đình Cống, đã công khai lên tiếng từ bỏ đảng. Ông kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lê nin mà theo ông không còn phù hợp.

Giáo sư Cống nhận xét : "Đại hội đảng 12 là ‘giọt nước tràn ly’. Có những mong ước không đạt được ; tại vì Đại hội 12 là một đại hội rất mất dân chủ và thế lực bảo thủ vẫn còn rất mạnh. Tôi hy vọng sẽ có một số người trong 1510 đại biểu đi dự có hiểu biết, có đấu tranh, có trao đổi. Nhưng rồi tất cả đều bị im lặng hết".

Ông nói với BBC tiếng Việt :

"Thực ra ý định ra khỏi Đảng có từ lâu rồi. Nhưng tôi vẫn muốn kéo dài ra đến Đại hội 12 vì trước đại hội 12, tôi cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho đại hội, muốn đại hội thảo luận, trao đổi".

"Tôi chờ xem thử đại hội có trao đổi, thảo luận gì không, có chuyển biến gì không".

"Rồi sau đại hội, không thấy chuyển biến gì cảm thì tôi quyết định dứt khoát ra khỏi Đảng".

Giáo sư Cống, sinh năm 1937, nói thêm : "Tôi có nêu ý kiến Chủ nghĩa Marx-Lenin là không thích hợp nữa, nên bỏ nó đi. Chứ đừng có kiên trì Marx-Lenin, bỏ cái đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà phải xây dựng một thể chế dân chủ, tam quyền phân lập, bỏ cái việc toàn trị của Đảng, bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Nghĩa là phải thay đổi thể chế chính trị, chứ không phải giữ nguyên như thế này".

Phản ứng của Nhà nước cộng sản về quyết định của Giáo sư Cống rất nhiều, nhưng một bài viết trong báo của Học viện Chính trị ngày 14/09/2017 đã xếch mé với vị Giáo sư khả kính này rằng : "Độc giả trên mạng Internet không ai xa lạ gì Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Sự "nổi tiếng" của ông không phải ở học hàm, học vị mà là ở sự suy thoái về tư tưởng chính trị, trở thành phần tử bất mãn chính trị, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa".

Bài viết hằn học thêm : "Thời gian qua, Giáo sư Nguyễn Đình Cống rất "nhiệt tình" sản xuất nhiều bài viết trên một số trang mạng xã hội để đưa ra những luận điệu sai trái, thù địch nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Những quan điểm sai trái, thù địch của Nguyễn Đình Cống đã bị dư luận trong xã hội lên án mạnh mẽ".

Ra khỏi Đảng vào ngày lễ Độc lập

Người nổi tiếng khác, Phó Giáo sư Tương Lai, sinh năm 1936, nguyên Viện trưởng Xã hội học Việt Nam đã chọn ngày lễ Độc lập 2/09/2017 để bỏ đảng đi tìm "một phướng thức đấu tranh mới".

dang4

Phó Giáo sư Tương Lai

Ông tuyên bố trên mạng xã hội : "Chọn hôm nay, ngày Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố trước thế giới và với quốc dân đồng bào lý tưởng và mục tiêu chiến đấu nhằm xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện trong Hiến Pháp 1946 để đưa ra tuyên bố này là nhằm khẳng định lý tưởng và mục tiêu nhất quán của tôi, không hề là một quyết định nhất thời bởi những nhân tố ngẫu nhiên".

Giáo sư Tương Lai cảnh giác : "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào".

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì vào năm 2007, ông cùng với một số vị trí thức tên tuổi khác của Việt Nam như Hoàng TụyNguyễn Quang A, v.v. sáng lập Viện nghiên cứu Phát triển – IDS (Institute of Development Studies), một viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên ở Việt Nam với vai trò nghiên cứu chính sách và phản biện. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép nên IDS đã tự giải thể vào tháng 9 năm 2009.

Ngày 9/12/2015, ông cùng với 126 người khác, trong đó có các nhân vật như Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, các ông Huỳnh Tấn Mẫm Hồ Ngọc Nhuận, Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Phạm Xuân Yêm..., đã gửi một bức thư ngỏ đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Bức thư đề nghị "đổi tên đảng (không gọi là Đảng cộng sản) ; đổi tên nước (không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa) ; trả lại tự do cho những người khác chính kiến đang bị giam giữ ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp" đồng thời nêu ý kiến "Thực tiễn của nước ta cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác–Lênin".

Phản đối ngu dân

Phản đối hành động "kỷ luật" của đảng đối với Giáo sư Chu Hảo, làn sóng bỏ đảng của trí thức lan nhanh đến Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Nghệ sĩ Kim Chi, Trung tá Trần Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn và Kỹ sư Hoàng Tiến Cường v.v.

Một số người khác như Đỗ Thế Đăng thì viết là "bỏ sinh hoạt đảng, bỏ đóng đảng phí" từ lâu và "nay chính thức tuyên bố ! Từ bỏ và không có bất cứ liên quan nào đến tổ chức !".

dang5

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Nguyên Ngọc phổ biến quyết định xa đảng trên trang Facebook của ông ngày 6/10/2018. BBC tiếng Việt đưa tin : "Tác giả Rừng xà nu viết ông đã suy nghĩ và định rời bỏ Đảng từ lâu nhưng sau sự việc của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, ông quyết định "chính thức từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay… để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng".

Nhà văn Nguyên Ngọc, một tác giả có nhiều người đọc tuyên bố : "Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc".

"Kỷ luật ông Chu Hảo với những lý do đầy tính chất vu khống còn là hành vi có chủ tâm đánh vào những người trí thức yêu nước, có tài và có tâm, luôn hành động và phát ngôn theo lương tâm của mình. Việc làm thất nhân tâm này tất sẽ dẫn đến tình trạng 'sĩ phu ngoảnh mặt', hết sức nguy hiểm cho vận mệnh dân tộc" (BBC, ngày 28/10/2018).

Cùng ngày 26/10/2018, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, 86 tuổi, thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng tuyên bố tự ra khỏi đảng cộng sản để ủng hộ ông Chu Hảo.

dang6

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang

 

Ông viết rằng : "Từ năm 2000, tôi mới nhận rõ Đảng đã biến chất hoàn toàn, đảng viên ngày càng tha hóa, xã hội ngày càng xuống cấp, con người tồi tệ đi…

"Tôi noi gương những người giác ngộ, đi trước, cũng góp những ý kiến nhỏ bé của mình và vẫn hy vọng Đảng sẽ có đổi thay khôn khéo, không diễn ra bạo lực", vị nguyên Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Giáo dục viết.

Nhưng việc Đảng làm to chuyện kỷ luật người trí thức như Chu Hảo là nhằm triệt tiêu giới tinh hoa của đất nước, những người nhiệt thành muốn thay đổi xã hội theo chiều hướng văn minh, đẩy họ về phía đối lập với Đảng.

Giáo sư Mạc Văn Trang kết luận : "Tôi rời bỏ Đảng vì thất vọng với những gì Đảng đã và đang làm, bất chấp bao ý kiến đóng góp tâm huyết và trí tuệ của những người như Chu Hảo ; bất chấp những tiếng kêu thảm thiết của biết bao người dân bị cướp bóc, đàn áp, bất công một cách oan ức, thảm khốc".

Hối tiếc và thất vọng

Nghệ sĩ Kim Chi, tài tử điện ảnh, sinh tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam ngày 4/11/2018.

dang7

Nghệ sĩ Kim Chi, tài tử điện ảnh

Bà công bố trên Facebook cá nhân : "Lẽ ra tôi đã làm việc này cách đây gần ba năm trước, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi tôi biết ông Trọng một mực theo đuổi chủ nghĩa xã hội - con đường tăm tối không có tương lai cho đất nước, đi ngược xu thế tiến bộ của nhân loại".

"Nhưng ngày đó, lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Chu Hảo và chồng tôi, ông Vũ Linh, cùng nhiều bằng hữu tâm huyết khuyên tôi kiên nhẫn ở lại để giúp những người tốt trong Đảng cộng sản Việt Nam nhận biết lẽ phải".

"Tôi đã kiên nhẫn tỏ bày chính kiến ôn hòa trong mọi việc : Xuống đường biểu tình vì nhân quyền, chủ quyền đất nước, môi trường sống. Viết Facebook lên án những sai trái của an ninh, giới chức nhà nước. An ủi, sẻ chia cùng tù nhân lương tâm, bà con dân oan…".

"Tham gia các hoạt động xã hội dân sự, với thiện ý xây dựng, tôi thành tâm mong góp tiếng nói phản biện, nhằm thức tỉnh lương tri những người đang chèo lái vận mệnh đất nước…Nhưng đáp lại thiện chí của chúng tôi là sự đàn áp ngày càng khốc liệt người bất đồng chính kiến ; là ý đồ muốn biến nhân dân thành bầy cừu ; thù ghét, khủng bố những người dấn thân tranh đấu vì những quyền cơ bản, chính đáng của con người, những giá trị phổ quát của nhân loại ; hãm hại những trí thức ưu tú muốn khai trí nhân dân...".

"Sự việc mới đây khiến tôi không thể kìm lòng được nữa : Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố kết luận hết sức xằng bậy về Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Đó là một ý đồ hắc ám, muốn thông qua việc trừng phạt một trí thức ưu tú mà tôi và đông đảo trí thức cũng như người dân kính trọng như tinh hoa dân tộc, tuyên chiến với giới trí thức tiến bộ tâm huyết, tuyên chiến với nhân dân…".

Bà nói bà đã "thất vọng" bỏ sinh hoạt Đảng từ năm 2013 và mong mỏi nhiều đảng viên "có lương tri" và nhất là thế hệ trẻ "tiếp tục rời bỏ đảng" và "đoàn".

Hãy bỏ Đảng

Trong khi đó, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève (Thụy sĩ) từ năm 2008 đến 2012, ông Đặng Xương Hùng, sinh năm 1961, đã tuyên bố bỏ đảng từ 2014 cũng lên tiếng ủng hộ trào lưu bỏ đảng.

dang8

Ông Đặng Xương Hùng, nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève (Thụy sĩ)

Dưới tiêu đề "Hãy bỏ đảng" phổ biến ngày 26/10/2018 tại Genève, ông Đặng Xương Hùng viết : "Vào thời gian này, cách đây đúng 5 năm, tôi đã bỏ đảng. Mấy ngày hôm nay, lại có một trào lưu bỏ đảng mới rầm rộ hơn, dẫn đầu bởi nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Mạc Văn Trang. Trong tôi dậy lên một niềm vui nhè nhẹ : cảm giác tái khẳng định cái quyết định của mình cách đây 5 năm là chính xác, sống lại cái cảm xúc của con người đã được tự do, tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý.

Tôi đã từng nhận xét, đảng đã chết từ lâu trong rất nhiều đảng viên. Đúng như cách mà nhà văn Nguyên Ngọc thông báo : tuyên bố chính thức điều mà mình đã quyết định từ lâu.

Đảng ngày càng bộ lộ là đảng phi nhân nghĩa, phản nước, hại dân.

Trong tuyên bố từ bỏ đảng của tôi, tôi mới chỉ nhận ra ba tội của đảng đó là :

- Mù quáng với chủ nghĩa Mác-Lê nin, dẫn dắt cả dân tộc Việt Nam đi xuống hố "chủ nghĩa xã hội".

- Làm tay sai cho Trung cộng, đưa Việt Nam thành khu tự trị của Trung Quốc.

- Hồ Chí Minh là người Trung Quốc, đột lốt Nguyễn Ái Quốc.

Nếu như bây giờ, danh sách trên của tôi sẽ dài ra rất nhiều :

- Cướp đất của dân oan, cướp vàng của doanh nghiệp.

- Gạt bỏ trí thức có tâm với dân với nước, đặt vận mệnh dân tộc trong tay những nhân vật hèn kém.

- Bỏ tù vô tội vạ những người dám đứng lên chống lại cường quyền, thực thi tự do ngôn luận.

- Tham quyền, cố vị, tham nhũng tràn lan.

- Coi nhân dân như kẻ thù, xây dựng chế độ công an toàn trị.

- Coi thường luật pháp quốc tế, hành động không khác một quốc gia khủng bố quốc tế.

"Hèn với giặc, ác với dân" đó là câu tổng kết xúc tích, ngắn gọn và chính xác, áp cho đảng cộng sản Việt Nam và chế độ hiện nay.

Đúng như một chính khách quốc tế đã nói : đảng cộng sản kêu gọi người dân đứng lên giành chính quyền để mang lại hạnh phúc cho chính họ. Đảng cộng sản Việt Nam đã phản bội lại người dân Việt Nam, khi họ nắm chắc được quyền lực, họ đã coi thường người dân, thậm chí họ còn coi người dân như kẻ thù.

Những làn sóng bỏ đảng như hiện nay đang làm cho những kẻ gây tội ác run sợ, đồng thời nó cũng làm vững tin cho những đảng viên chân chính đang ấp ủ một hướng đi chính nghĩa, đó là quay về với nhân dân.

Hãy bỏ đảng. Hãy bỏ thật nhanh, thật nhiều, thật dứt khoát".

Hư hỏng và tự diệt

Cũng nên nhớ khi còn sinh tiền, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916–26-12/2019), nguyên Đại sứ tại Trung Quốc từ 1974 đến 1987 đã lên án Đảng cộng sản Việt Nam "hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được".

dang9

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ tại Trung Quốc từ 1974 đến 1987

Theo nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/9/2017 thì tướng Vĩnh đã cho rằng : "Đảng cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được ! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa ! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất :

- Một là, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được ! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì.

- Hai là, Đảng cộng sản Việt Nam không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi Đảng Lao động Việt Nam trước đây nữa !

- Ba là, Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với Đảng cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào Đảng cộng sản Trung Quốc ! Đảng cộng sản Việt Nam làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi Trung Quốc ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam !".

Với những nhận xét và phê bình của Tướng Vĩnh, không một viên chức hay báo nào của đảng dám lên tiếng phê bình hay chỉ trích vì uy tín của ông quá lớn. Những lời tâm huyết của ông, một lần nữa đã như một bảo đảm cho quyết định bỏ đảng của giới Trí thức và Văn nghệ sĩ là không sai.

Chỉ có điều khi nhà nước khoe đã tập hợp được 2,2 triệu trí thức vào năm 2020, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước thì không biết có bao nhiêu trong số này nằm trong khối "u mê" Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương, những ngưởi chỉ biết bảo vệ chế độ cộng sản ở Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.

Phạm Trần

(17/11/2021)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

Trong bất cứ xã hội nào, thì bộ phận có học vấn luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với mọi lĩnh vực. Điều đơn giản này thiết tưởng chẳng cần phải nhắc lại. Nhưng thực tế lịch sử luôn khiến chúng ta không được yên lòng, chủ quan với bất cứ nhận định nào.

trithuc1

Số phận của trí thức luôn gắn liền với số phận của những cộng đồng, quốc gia cụ thể, nơi anh ta là thành viên. Trong những xã hội lạc hậu, bảo thủ, trí thức luôn bị dị nghị, bị nghi ngờ, bị lánh xa, thậm chí bị coi thường, bị biến thành kẻ thù nguy hiểm, như chúng ta từng thấy, đang thấy và chắc chắn sẽ còn thấy. Các đấng quân vương, những kẻ độc tài thường đòi hỏi mọi thần dân đều phải nhất nhất tin theo ông bà ta, cấm bàn cãi. Mọi lời ông bà ta ban ra là chân lý cuối cùng, bất khả tư nghị, không ai có quyền nghi ngờ tính đúng đắn tuyệt đối của nó. Trí thức trong những xã hội ấy thường đóng vai trò làm vật trang trí, không có tiếng nói, hoặc quay sang quy phục quyền lực để vinh thân phì gia, chấp nhận làm cái loa cho nó, trở thành những kẻ xu nịnh hèn mạt.

Trong khi đó, trí thức là "kho trí khôn" là "túi càn khôn", là "mỏ trí tuệ" của những xã hội văn minh, nơi đề cao tiếng nói phản biện. Tại đó, trí thức và giới trí thức không chỉ là những người cung cấp ý tưởng, tư tưởng, các sáng kiến, vạch ra kế sách, can dự vào các chính sách, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị tinh thần cao quý như đạo đức, lẽ phải, sự tiến bộ, định hình chiến lược giúp quốc gia hướng tới tương lai.

Vậy trí thức thực chất là ai ?

Có khá nhiều định nghĩa thế nào là một trí thức ? Theo tiêu chí học vấn và có vẻ cũng dễ được chấp nhận nhất, thì trí thức là người có bằng cấp, có học hàm học vị. Theo tiêu chí công việc, thì trí thức là những người chuyên nghiên cứu, phát minh, sáng chế, quản lý, truyền thụ kiến thức….nghĩa là làm việc bằng cái đầu. Rồi với mỗi chế độ xã hội lại có những định nghĩa khác nhau, theo quan niệm riêng của mình, về trí thức.

Một trí thức lớn (mà tôi không nhớ tên) có một cách nói rất hay, làm nổi bật chân dung của một trí thức. Ông bảo rằng : Người nghĩ ra bom hạt nhân, chắc chắn phải là một bác học. Nhưng nếu anh ta không thấy trước để cảnh báo về tai họa của bom hạt nhân với nhân loại, thì anh ta chưa phải là một trí thức !"

Một người học đầy mình, có đủ kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn chưa phải là một trí thức.

Sự quan trọng của trí thức trước hết bởi họ vốn là những người luôn có óc hoài nghi. Người bình thường, những kẻ ít học, có thể yên phận tin theo số đông, nhưng một trí thức thì không, hoặc không dễ tin theo. Thậm chí anh ta sẵn sàng chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm, chính kiến của mình.

Nhưng giá trị đích thực, giá trị lớn nhất của trí thức lại ở chính cái phẩm chất ấy ?

Thứ hai, trí thức là những người có tầm nhìn xa, có tư duy sắc bén, nhạy cảm với mọi thay đổi. Họ là những người đoán định được tương lai dựa trên những suy tưởng mang tính triết học.

Nhưng có lẽ quan trọng nhất, trí thức là nguồn ánh sáng dẫn dắt sự phát triển lành mạnh của xã hội. Một xã hội không phát triển, chắc chắn là một xã hội không có tương lai. Nhưng sự phát triển thiếu dẫn dắt, thiếu trí tưởng tượng lại rất dễ gây thảm họa, tạo ra thứ chúng ta gọi là nhân tai, thậm chí còn nguy hiểm cả hơn thảm họa thiên tai, như chúng ta vẫn thấy.

Chính vì những điều đó mà tiếng nói của trí thức luôn vô cùng quan trọng. Nó cần thiết vào mọi thời điểm, mọi không gian quyền lực chính trị, văn hóa, với mọi thể chế xã hội. Trước mỗi vấn đề lớn của quốc gia, liên quan đến hàng triệu người, thì tiếng nói của trí thức càng phải được lắng nghe một cách nghiêm túc và chân thành.

Trên thực tế, thì tiếng nói quan trọng nhất của trí thức thể hiện ở những ý kiến phản biện.

Tuy được nhắc đến hàng ngày, nhưng không nhiều người hiểu thấu đáo từ phản biện, hành động phản biện. Vì nó có từ "phản" (luôn được hiểu là chống lại) nên thường phản biện bị gán cho nghĩa tiêu cực. Tiêu cực nhất mà người ta hay quy cho phản biện, là nó làm thất tán sự tập trung, phá rối, gây mất đoàn kết của cộng đồng khi thực hiện một công việc, một chính sách nào đó !

Vậy phản biện cần được hiểu thế nào ?

Trước hết, phản biện là một tư duy, một thái độ và một quyền. Trong từ điển Đào Duy Anh, thì phản có nhiều nghĩa : Trái ; Trả lại ; Trở về ; Tự xét. Còn từ biện có các nghĩa : Xét rõ để phân biệt ; Tranh luận phải trái ; …Ghép hai từ lại với nhau thành Phản biện, có thể hiểu là đưa ra một cái nhìn trái chiều mang tính tranh luận, trên cơ sở học thuật và trách nhiệm, để tìm ra những chỗ sai, những chỗ chưa hợp lý, những chỗ chưa chuẩn xác, chưa khôn ngoan, chưa hợp thời… (của một quan điểm, một chính sách nào đó) rồi cùng nhau đạt đến mức hoàn thiện nhất có thể. Như vậy từ sâu trong bản chất, phản biện mang tính trách nhiệm và tinh thần xây dựng, chứ không như nhiều người cho rằng nó nhằm chống lại, phá rối ?

Đã phản biện thì đòi hỏi đầu tiên phải có chính kiến. A dua, nói theo thì còn phản biện nỗi gì ! Bởi vì a dua là một hình thức xu thời, chắc chắn mang động cơ vụ lợi cá nhân.

Tiếp theo, muốn phản biện, phải có nền tảng học vấn tốt, có tư duy độc lập, không chấp nhận bất cứ CHỈ ĐẠO định hướng nào, của bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào.

Cuối cùng, người đưa ra ý kiến phản biện phải là người có tư cách đạo đức, có tinh thần tự do.

(Chiếu theo các tiêu chí này, thì liệu chúng ta có bao nhiêu trí thức, bạn đọc hãy tự trả lời. Rất nhiều người có bằng cấp đầy mình, có hàng chục danh hiệu sang trọng về học vấn đi kèm nhưng thực sự họ chỉ là KẺ GIÚP VIỆC).

Vì sao cần tiếng nói phản biện ?

Trên thực tế không có bất cứ thứ gì là hoàn hảo, vì thế bất cứ thứ gì muốn tiến tới hoàn hảo, cũng cần được soi xét nhiều chiều. Một mô hình phát triển, một đường lối, một chính sách, một điều luật, một chủ trương… có ảnh hưởng lớn đến xã hội, cho dù nhóm soạn thảo có tài giỏi đến đâu, cá nhân nào đó có là thiên tài, thì vì đặc tính "nhân vô thập toàn" của con người, không thể nào bao quát được toàn bộ sự đúng đắn. Sự giới hạn về mặt không gian, thời gian, văn hóa… cũng luôn là một vật cản chắn tầm mắt của những người trong cuộc.

Khi đó nó cần các nhà phản biện, như những người có thể giúp họ thoát ra khỏi vấn đề để nhìn nó từ bên ngoài, từ nhãn quan khác, từ phía ngược lại. Bởi vì mục tiêu cuối cùng của phản biện không phải là để tranh hơn tranh kém về tầm vóc học vấn, không phải nhằm tìm cách bôi nhọ, giễu cợt nhau, không nhằm xóa bỏ vô lối, vô lý mà để hoàn thiện thứ bị phản biện.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lời của một vĩ nhân : "Dân tộc nào thiếu vắng những nhà phản biện lớn, thì đó là dân tộc đại vô phúc".

Một đảng phái, một chính thể luôn tuyệt đối hoá mình, tự coi mình là đỉnh cao trí tuệ, là chân lý thời đại để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái rồi tìm mọi cách đàn áp bằng bạo lực, sẽ không bao giờ có tương lai.

Tạ Duy Anh

Nguồn : Boxitvn, 12/04/2021

Additional Info

  • Author Tạ Duy Anh
Published in Diễn đàn
lundi, 23 novembre 2020 10:35

Khi tôi nhìn các người

Các lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam 

Khi tôi sử dụng xã hội học lịch sử để soi rọi lý lịch của các người thì tôi nhận ra các người sinh ra trong môi trường vô minh, lớn lên trong nạn cảnh vô tri. Bây giờ các người lại khoe học vị cùng học hàm tới từ học giả, thi giả, điểm giả, bằng giả, chưa bao giờ các người có học lực bằng học thật. Thảm nạn vô học các người đã đưa đẩy dân tộc, xã hội theo với các người bằng con đường học giả, thi giả, điểm giả, bằng giả, mà thảm nạn này làm nên thảm họa cho bao thế hệ, cho cả một giống nòi.

banggia1

Thảm nạn vô học các người đã đưa đẩy dân tộc, xã hội theo với các người bằng con đường học giả, thi giả, điểm giả, bằng giả…

Khi tôi vận dụng chính trị học tri thức để xem xét từ hành vi tới hành động, tôi thấy các người luôn hành tác trong bạo lực. Bên trong nội bộ đảng thì thanh trừng thành phản xạ, bên ngoài xã hội thì bạo hành công an trị thành phản ứng. Trong hay ngoài, các người đều có các hành vi phản lại lý luận tri thức, các người không hề là chính khách, vì các người không có tri thức chính trị làm nên chính trí biết dựa lên chính trị để làm ra chính sách. Vì các người suốt kiếp vùng vẫy trong bùn não vô minh.

Khi tôi vận hành ngôn ngữ học tri luận để phân tích về sự mang trá của tuyên giáo trị, tôi thấu rõ sự gian xảo của tuyên truyền trị. Chính tuyên truyền trị là hằng số ngu dân trị, với ý đồ bùn đen hóa não bộ của dân tộc, trùm phủ lên não trạng của bao thế hệ, nơi mà cái xảo trá đã sinh đôi cùng sự ngu dốt.

banggia00 (2)

Chính cái vô tri, vô minh, vô giác, vô cảm sẻ chặn tuổi đời, ngăn tuổi thọ của các người, vì nhân kiếp của các người là vô hậu.

Khi tôi tận dụng triết học đạo đức để cân, đo, đong, đếm các tri thức đạo lý của các người về luân lý tổ tiên Việt được vận hành để giáo dục dân tộc Việt, giáo dưởng giống nòi Việt, tôi nhận ra cái vô học đã tạo cái vô giác, sinh ra cái vô cảm của các người. Chính cái vô tri, vô minh, vô giác, vô cảm sẻ chặn tuổi đời, ngăn tuổi thọ của các người, vì nhân kiếp của các người là vô hậu. Thảm nạn của các người trong vô tri, vô minh, vô giác, vô cảm, giờ đã thành thảm họa của xã hội, thảm cảnh của dân tộc, mà chuyện đáng kinh sợ làm mọi công dân Việt điếng tim là : giống nòi Việt sẽ bị các người vô hậu hóa !

Lê Hữu Khóa

(23/11/2020)

---------------------

lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Additional Info

  • Author Lê Hữu Khóa
Published in Diễn đàn

Từ ý thức dân chủ tới nhận thức công dân

Công bằng chính là cột trụ không những của dân chủ để bảo vệ nhân quyền, mà còn nền móng của tự do, vì không có công bằng thì tự do sẽ rơi vào vực thẳm của ích kỷ tự lợi, loại ai chết mặc ai, kiểu bây chết mặc bây, nên công bằng luôn sánh vai với và song hành với công ích xã hội.

ythuc1

Khi nghiên cứu về dân chủ, Toqueville yêu cầu ta không chỉ xem dân chủ chỉ là một thể chế, một chế độ, mà trước hết là một tổ chức văn minh cho xã hội, cho con người vì nó đứng vững trên công bằng để chống bất công. Quá trình chống bất công với mục đích và chỉ tiêu vì công bằng luôn là quá trình đấu tranh trong suốt mọi giai đoạn xây dựng dân chủ, một xã hội dù giàu tới đâu, dù nhiều tiền của vật chất tới đâu, mà để bất công tràn lan, thì chính xã hội đó đang thụt lùi trước nhân quyền, đang xa rời quỹ đạo văn minh và tiến bộ. Trường hợp của xã hội Việt hiện nay chính là thảm kịch tay ba : môt xã hội đầy dẫy bất công, với tư bản đỏ là ma quyền liên minh với bạo quyền độc đảng để cướp đất, cướp của, biến dân lành một sớm một chiều thành dân oan, dân đen…

Bất công : chân dung bất nhândiện mạo thất đức

Từ nghiên cứu thực tế tới khảo sát thực địa, bất công xuất hiện trong xã hội Việt với chân dung bất nhândiện mạo thất đức của nó :

h Kẻ giàu nhờ buôn gian bán lận thì ngày càng giàu

h Kẻ nghèo làm ăn lương thiện thì ngày càng bị sưu cao thuế nặng

h Kẻ giàu nhờ cướp ngày là quan thì ngày càng giàu nhanh

h Kẻ nghèo chân lấm tay bùn thì ngày càng khó sống.

h Kẻ giàu nhờ biết hối lộ cho tham quan thì ngày càng giàu lên.

h Kẻ nghèo thức khuya dậy sớm thì lấy công làm lời.

h Kẻ giàu là "sân sau" được tà quyền "chống lưng" thì tha hồ hốt bạc.

h Kẻ nghèo một nắng hai sương thì ngày thì "ngóc đầu không nổi".

h Kẻ giàu nhờ có "ô dù" của tà quyền tham tiền thì yên tâm mà vơ vét.

h Kẻ nghèo tối tăm mặt mũi thì ngày thì ăn bữa sáng lo bữa tối.

Bất công tại xã hội Việt hiện nay, được hoặc bị các chuyên gia của các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, nhất là kinh tế học, xã hội học, chính trị học xem như là loại bất công với mức độ thậm tế nhất, với cường độ nhẫn tâm nhất, với chỉ số bất lương nhất, mà gốc, rễ, cội, nguồn của loại bất công này mang những hệ lụy sâu đậm tồi tệ chống lại nhân phẩm Việt :

h Bạo quyền độc đảng dùng công an trị để truy hiếp nhân tâm Việt, nhân từ Việt.

h Tà quyền tham quan dùng tham ô, tham nhũng để tiêu hủy nhân tính Việt, nhân lý Việt.

h Ma quyền tham tiền dùng tiền tệ và quan hệ để xóa trừ nhân nghĩa Việt, nhân đạo Việt

h Cực quyền độc trị dùng khủng bố, đàn áp, sát hại… để vùi dập nhân tri Việt, nhân trí Việt.

h Cuồng quyền độc tôn dùng vu cáo, tù đày, lao lý để tẩy khử nhân vị Việt, nhân bản Việt.

Khi nhận diện ra được bất công với chân dung bất nhândiện mạo thất đức của nó, thì vẫn chưa nhìn sâu trông rộng vào tâm địa của bạo quyền độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, cực quyền độc trị, cuồng quyền độc tôn. Mà tâm địa của loài âm binh này, thì hiện tượng luận đã dựa vào biệt danh cùng biệt hiệu của chúng để soi rọi hệ lương của chúng :

h Lương tâm không có nên chúng mới : hèn với giặc, ác với dân.

h Lương thiện không có nên chúng mới : mưu hèn kế bẩn.

h Lương tri không có nên chúng mới : buôn dân bán nước.

Từ hiện tượng bất công, phân tích về bản chất của loài âm binh này phải đi theo lời khuyên của cụ Tiên Điền Nguyễn Du là : "phải lần cho tới tận nguồn lạch sông" để giải thích rồi giải mã cho thảm trạng của Việt tộc hiện nay, với :

h Tàu tặc cướp đất, biển, đảo của Việt tộc.

h Tàu họa gây ô nhiễm để truy diệt môi trường, môi sinh Việt.

h Tàu hoạn đầu độc bằng hóa chất độc trong thực phẩm Việt.

h Tàu nạn lũng đoạn thương mại, kinh tế, xã hội Việt.

h Tàu tà thao túng chính quyền, chính phủ là tay sai cho nó để xâm lược đất nước Việt.

Nhìn phải thấy, thấy phải thấu tất cả các hệ lụy bất công để đi tìm ra các hệ luận công bằng mà hóa giải để khử trừ tà đạo của ma quyền đang đưa Việt tộc vào tử lộ.

ythuc2

Hệ lụy bất công, hệ luận công bằng

Khi các các chuyên gia phân tích bất công để lập nên các chuyên luận mà giải thích công bằng, thì sự thật đầu tiên xuất hiện là phát triển kinh tế của một quốc gia không giải quyết vấn đề bất công, mà có khi còn ngược lại là tạo những bất công ngày càng nhiều, ngày càng sâu trong dân tộc. Chuyện này thì đã rất rõ trong hai thái cực đang phân hóa xã hội Việt đến cùng cực là tư bản đỏ, tư bản thân hữu, mang biệt danh là trọc phú, dựa vào quan hệ-tiền tệ-hậu duệ tha hồ trộm, cắp, cướp, giựt của dân lành, biến đại đa số của Việt tộc hiện nay là dân đen, với dân oan bị cướp đất đã lên hàng triệu ; nơi mà các chuyên gia đặt biệt hiệu cho chế độ độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là một cường quốc của dân đendân oan. Hệ lụy bất công có nguồn máy, có sự vận hành riêng của nó, dựa loại chính quyền ký sinh trùng sống nhờ mưu thâm kế độc của tà quyền qua :

h Sưu cao thuế nặng trên lao động, đánh hằng loạt những loại thuế bất chính, lên giá xăng dầu bằng thuế bảo vệ môi trường nhưng không công bố công khai số liệu và thống kê về cách sử dụng tiền thuế này vào bảo vệ môi trường gì ? ở đâu ?

h Buôn gian bán lận chủ quyền, cướp đất của dân ngay trong Hiến pháp, mà danh chính ngôn thuận phải gọi là thiến pháp của Đảng cộng sản Việt Nam với tà ngữ ma ngôn : "đất là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý" để lập ra liên minh âm binh bạo quyền độc đảng-tà quyền tham quan-ma quyền tham tiền, rồi mở ra tà lộ của "quy hoạch" để tha hồ cướp bóc bằng "cưỡng chế".

Khi đã là nạn nhân của bọn cướp ngày là quan, thì Việt tộc phải cẩn trọng hơn là liên minh âm binh bạo quyền độc đảng-tà quyền tham quan-ma quyền tham tiền này, vì chúng sẽ tiếp tục vơ vét tiếp trên :

h tài nguyên, thiên nhiên của đất nước,

h xuất khẩu lao động Việt,

h đầu tư nước ngoài vào Việt Nam,

h xuất khẩu nông sản và hải sản,

h ngoại tệ của Việt kiều…

Tại đây, ta phải nhận ra một bộ mặt khác của toàn cầu hóa hiện nay, với mặt phải của nó về tự do thông tin, tự do truyền thông, tự do thương mại… nhưng cùng lúc nó có mặt trái của toàn cầu hóa của bất công, với kẻ giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng khốn cùng. Mà chân dung diện mạo của nó ta đã thấy qua toàn cầu hóa ma quyền độc đảng diệt thông minh Việt, hủy sáng tạo Việt trên đường đi tìm văn minh và tiến bộ, để nhận kiếp xuất khẩu lao động mà làm lao nô, nô tỳ cho các nước láng giềng. Việt tộc thông minh và biết sáng tạo Việt như các quốc gia làng giềng đã thành công : Nhật Bản, Đại Loan, Hàn Quốc, Singapour, thì tại sao dân Việt phải nhận nhục kiếp lao nô ? Đây là loại bất công về nhân kiếp có thể trở thành truyền kiếp của một dân tộc phải cúi đầu-khoanh tay-qùy gối để ở đợ, làm công trong nhục kiếp mà không bao giờ có cơ hội được làm chủ như các quốc gia làng giềng đã thành công : Nhật Bản, Đại Loan, Hàn Quốc, Singapour. Cơ hội có trong đấu tranh vì công bằng qua dân chủ ; cơ hội có trong tranh đấu vì tự do qua nhân quyền.

Bất công xã hội, phân cực dân tộc

Qua điển dã, điều tra, khảo sát, nghiên cứu về bất công, thì xã hội học về lao động, kinh tế học về lợi tức, chính trị học về quyền lực đa cùng nhau đưa ra không những chân dung diện mạo của các chủ mưu lấy bất công để làm giầu. Ở đây, ta nhận ra ngay lý lịch bất chính của bọn di dạng bất lương của bạo quyền độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, cực quyền độc trị, cuồng quyền độc tôn đang có mặt trong xã hội Việt hiện nay, chúng không quá 1% tức là không quá 1 triệu trong gần 100 triệu dân Việt, nhưng chúng có thượng cấp của bất công :

h Đặc quyền quyết định tài sản của dân tộc, tài nguyên của đất nước.

h Đặc lợi để vơ vét từ tham ô tới tham nhũng.

h Đặc ân hưởng thụ tối đa tự quyền lực tới quyền lợi.

Tổ tiên Việt đã nhận ra chúng đã mô thức hóa quỷ dạng trong tà kiếp của chúng :

h Đặc quyền của cướp ngày là quan.

h Đặc lợi của ngồi mát ăn bát vàng.

h Đặc ân của ăn trên ngồi trốc.

Chúng lại mang những di tật đã vĩnh viễn làm nên khuyết tật của chúng, mà cụ Tiền Điền Nguyễn Du đã ghi nhận chân dung của chúng như :

h Mã Giám Sinh : "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng".

h Sở Khanh : "Nói lời rồi lại nuốt lời như chơi".

Gian dối trong đểu cáng, nên chúng chứa nhiều tà khí trong não trạng âm binh của chúng : "thừa nước đục thả câu", "thừa gió bẻ măng", chúng lại "nhớt thây dầy cốt" của loại "chờ sung rụng", theo kiểu "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau", lại thích moi xương uống máu của loài thích "cốc mò cò xơi" để bóc lột đồng bào, đồng loại. Có lúc chúng là ký sinh trùng loại "nuôi ong tay áo, nuôi cáo dòm nhà", có lúc chúng là thành siêu vi khuẩn "sâu dân mọt nước" như có thể gây nên những đại dịch không sao lường hết trên nhân kiếp Việt tộc, chính chúng đang là chủ mưu bất nhân, là thủ phạm thất đức gây ra ung thư đại tràng hiện nay trong xã hội Việt. Khi phối hợp phân tích định lượng song hành cùng định chất, thì ta có thể nhận ra đưa ra một chân dung dị kỳ của bất công xã hội chính là nguyên nhân tạo ra phân hóa ngay trong dân tộc, với sự phân cực :

h Tầng lớp giàu và ngày càng giàu, đang rời không gian của đất nước và bỏ lại nhân kiếp chung của một dân tộc, khi với tiền của vơ vét được từ tham ô tới tham nhũng, bọn này đã có thẻ xanh, quốc tịch ngoại cùng lúc đã chuyển tiền ra ngoài và đã có bất động sản tại phương Tây.

h Tầng lớp nghèo ngày càng nghèo rơi xuống đáy vực, rồi tụ lại ở tận cùng dưới đáy, nơi dân đen "nằm gai nếm mật" chung kiếp với dân oan "ăn chực nằm chờ", cả hai chịu nhục phận "đầu tắt mặt tối" ngay trong nhân kiếp của một dân tộc nạn nhân của bạo quyền công an trị.

Kẻ giàu bất lương, người nghèo lương thiện, có cùng một lịch sử, cùng một văn hóa, vì cùng một dân tộc, một giống nòi nhưng đã không nhận ra nhau, đây đúng là ung thư ngay trong nội tạng của dân tộc, để độc tố trọc phú của loài "bây chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi", cứ tiếp tục bòn rút trên mồ hôi, nước mắt của đại đa số dân tộc. Khi bất công tạo ra phân cực, thì liên minh của kinh tế học, chính trị học, triết học, xã hội học lại yêu cầu ta phải đi sâu vào sự phá hoại của bất công, nơi mà bọn chủ mưu bất nhân, là thủ phạm thất đức đang thủ tiêu :

h Công bằng xã hội cùng công ích xã hội,

h Công bằng xã hội cùng an sinh xã hội,

h Công bằng xã hội cùng bảo hiểm xã hội,

h Công bằng xã hội cùng dịch vụ xã hội,

h Công bằng xã hội cùng luật lao động và luật xã hội…

Khi nghiên cứu về bất bình đẳng sinh ra bất công, hầu hết các tư tương gia, các lý thuyết gia, các chuyên gia đều công nhận là :

h bất bình đẳng về lợi tức sinh ra bất bình đẳng xã hội ;

h bất bình đẳng về thuế má sinh ra bất bình đẳng xã hội.

Và một chính quyền có lương tâm vì dân, có lương tri vì xã hội thì chỉ cần hai chính sách :

h thu ngắn lại sự phân cực giàu nghèo để thu ngắn lại khoảng cách của bất bình đẳng ;

h cân bằng lại tỷ số thuế má, nơi mà người giàu phải đóng thuế nhiều để chính phủ lo cho người nghèo là thượng nguồn của cuộc đấu tranh chống bất công.

ythuc3

Chính quyền bất công có chính phủ của bất bình đẳng

Các khẩu hiệu tuyên truyền ngu dân hiện nay : "một chính quyền do dân và vì dân" của tà quyền đảng trị bằng ba trị : công an trị, tham nhũng trị, tham tiền trị chỉ là loại : "ăn không nói có" để tiếp tục "ăn tục nói phét". Tiêu chuẩn của một chính quyền do dân và vì dân rất rành mạch, vì rất minh bạch :

h lấy quyết sách công bằng để diệt bất bình đẳng ;

h lấy quyết tâm công luật để khử bất công ;

h lấy chủ quyết công lý để bảo vệ luật pháp ;

h lấy chủ động luật pháp để bảo hành công bằng ;

h lấy chủ thể pháp quyền để bảo trị xã hội ;

Làm sao nhận diện được một chính quyền vì công bằng chống bất công ? Đó là một chính quyền luôn có ít nhất hai tri thức về hai kinh nghiệm :

h Bất công chính là khủng hoảng của bất bình đẳng, nhưng khủng hoảng này khó được nhận ra như khủng hoảng kinh tế tác động lên toàn xã hội. Ngược lại khủng hoảng từ bất công gây ra thì có số nhiều nghèo và số ít giàu, chính số ít này được sự ủng hộ qua các định chế của chính quyền dung thứ bất công.

h Chính quyền muốn dung thứ bất công luôn thì có ý đồ định chế hóa bằng luật lệ và hành chính sự bất bình đẳng trong xã hội, tại đây ngoài thù lao, lương bổng, thì chính quyền này còn cho phép giảm thuế hoặc miễn thuế qua đầu tư, sản suất, phân phối… nơi mà kẻ giầu luôn có những đặc lợi để tăng thêm lợi tức của mình mà vẫn tránh né được thuế.

Một chính quyền có hai tri thức này và tránh được hai kinh nghiệm này, thì các chính sánh liêm chính chống bất công sẽ tới :

h vận dụng thuế để tổ chức bảo hiểm xã hội,

h vận dụng thuế để tổ chức dịch vụ công cộng

h vận dụng thuế để phục vụ an sinh xã hội.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, an sinh xã hội được pháp lý hóa qua luật lao động, luật xã hội chính là sức mạnh của một chính quyền thực tâm chống bất công, vì chính quyền đó làm được các việc sau :

h trợ cấp y tế khi người bị tai nạn lao động

h trợ cấp lợi tức khi người lao động bị sa thải

h trợ cấp xã hội khi người lao động về hưu…

Chính quyền độc đảng hiện nay tại Việt Nam cũng dàn dựng những loại trợ cấp này nhưng"thực hiện dở chừng","quyết tâm dở hơi", với "kết quả dở mùa", cụ thể là trong thực tế :

h Bảo hiểm y tế tồi tệ, người dân vẫn phải hối lộ bịnh viện, bác sĩ, y tá để được phục vụ, không có tiền hoặc không biết hối lộ thì bị bỏ rơi.

h Người bị tai nạn lao động, bị tai nạn lao động mà tật nguyền thì thường bị bỏ rơi, gia đình phải thay thế xã hội để chăm lo.

h Người bị xa thải, về hưu với trợ cấp tồi tệ không được định mức, định cấp theo chỉ số biến đổi tới từ lạm phát…

Khi ta nghiên cứu về luật lao động, luật xã hội trực tiếp phục vụ cho bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, an sinh xã hội trong các quốc gia có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền, thì ta sẽ nhận ra đây không chỉ là phạm trù của tài chính, của hành chính… mà là cội rễ của văn minh biết "đối nhân xử thế" :

h Mọi người được tôn trọng như nhau trong bảo hiểm xã hội.

h Mọi người được phục vụ như nhau trong dịch vụ công cộng.

h Mọi người được đối xử như nhau trước an sinh xã hội.

Khi một chính quyền có tri thức đứng đắn về công bằng thì sẽ có những quyết sách tử tế để ngăn chặn sự phát triển của bất công, chính quyền đó lo cho toàn thể dân tộc, cho toàn bộ xã hội, chớ không chỉ chăm lo một tầng lớp, một thiểu số giàu có tự lợi tức tới quyền lợi. Những chính quyền bất lương trước bất công, bất nhân trước bất bình đẳng luôn gặp những trở lực mà bản thân nó không lường được nếu nó liên tục bất tín trước toàn dân. Đó là thực trạng của chính quyền độc đảng hiện nay, nó hoàn toàn bất lực trước :

h Mức độ ô nhiễm trong các thành phố lớn rất nguy hại cho sức khỏe của mọi công dân, không phân biệt kẻ giàu người nghèo.

h Đại dịch Vũ Hán với tên gọi coronavirus, hoặc Covi-19 đe dọa tính mạng của mọi công dân, không phân biệt kẻ giầu người nghèo.

Chỉ cần hai thí dụ này, hai kinh nghiệm trên thì thấy rõ là khi sống chung với nhau trong cùng một không gian thì nhân sinh chính là nhân kiếp theo nghĩa rộng nhất, thì dù giàu hay nghèo, đều "đồng hội, đồng thuyền" trước tai họa của nhiễm ô, dịch bịnh… Một chính quyền vì công bằng chống bất công, thì "nhìn xa trông rộng", thấy rõ để thấu sâu mệnh đề vì toàn dân, mà không chỉ chăm sóc cho một tầng lớp có đặc quyền, đặc lợi, đặc ân, vì quen biết hay thân thuộc với chính quyền theo kiểu liên minh âm binh qua bạo quyền độc đảng, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, cực quyền độc trị, cuồng quyền độc tôn.

Chính liên kết luật lao động, luật xã hội, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, an sinh xã hội là một hệ luận hay, đẹp, tốt, lành vì một xã hội mà mọi người biết cùng nhau đồng hành về phía chân trời của công bằng, với ánh sáng quang minh chính đại rất thông minh, vì biết sống-chung để được sống-lành, sống-vui.

ythuc4

Công ích xã hội không đối kháng

Phạm trù công ích xã hội không đối kháng xuất hiện trong xã hội có văn minh của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) có văn hiến của dân chủ (đa nguyên, đa đảng, nhân quyền). Tại đây, bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, an sinh xã hội qua luật xã hội, cho phép :

h Mọi người được hưởng như nhau.

h Không ai bị thiệt thòi từ lao động tới thuế má.

h Không ai bị đe dọa từ quyền lợi tới tư lợi.

Nơi đây không có phân biệt đối xử cũng như không có phân biệt đẳng cấp xã hội, không có phân cực giầu nghèo cũng như không có phân tầng bằng ưu tiên "mâm trên mâm dưới", mà mọi công dân chấp nhận "ngồi cùng chiếu" khi phải đóng thuế, để được "hưởng cùng mâm" : bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, an sinh xã hội. Hãy đi xa hơn nữa trong phạm trù công ích xã hội không đối kháng qua hai hình tượng đã trở thành biểu tượng cho công ích xã hội không đối kháng :

h Người mẹ có một con, hay nhiều con thì tình mẫu từ vẫn nguyên vẹn, chớ không phải có nhiều con thì phải chia ra, để tình mẫu từ vơi đi, cạn đi, hao đi.

h Mặt trời sáng cho mọi người, đủ cho mọi người, chớ không phải có quá nhiều người thì ánh sáng mặt trời sẽ yếu đi, nhạt đi, phai đi.

Hai hình tượng đẹp làm nên hai biểu tượng đúng này, có nội chất mà cùng là nội công của giải luận công ích xã hội không đối kháng. Học thuật phương Tây còn đi xa thêm khi đề nghị một mệnh đề mới cho công ích xã hội không đối kháng, phải cẩn trọng hơn trong nhận định, phân tích, giải thích về quan hệ xã hội qua :

h Quan hệ bạn bè là một quan hệ xã hội, nhưng không giống như các quan hệ xã hội khác, vì trong quan hệ bạn bè con người biết ưu tiên đẩy lên hàng đầu tình bằng hữu, và đủ nội lực để đẩy xuống thấp quan hệ kinh tế, quan hệ vật chất.

h Quan hệ tình yêu là một quan hệ xã hội, nhưng không giống như các quan hệ xã hội khác, vì trong quan hệ tình yêu không có toán tính của tư lợi, không có độc đoán vì quyền lợi, nếu không thì tình yêu sẽ bị đe dọa rồi bị hủy diệt để thế bằng một quan hệ khác, nhưng không được mang tên là quan hệ tình yêu.

Tất cả bốn hình ảnh : người mẹ, mặt trời, tình bạn, tình yêu cũng là bốn khâu, có khác biệt nhau nhưng nếu con người đủ minh triết thì có thể biến chúng thành bốn mắt xích liên kết với nhau qua công ích xã hội không đối kháng, ta sẽ trả lời được câu hỏi sống chung với nhau trong cùng một xã hội. Tại đây, các tư tưởng gia, các lý thuyết gia giải luận về công bằng yêu cầu chúng ta phân biệt :

h St Juste phân biệt sự khác nhau giữa những cá nhân có những cá tính rất khác nhau, không phải là nguyên nhân của phân tầng để phân giai cấp trong xã hội. Một xã hội công bằng chính là một không gian vừa có sự khác biệt giữa các cá nhân, vừa có sự hợp quần qua hợp tác để xây dựng và bảo đảm cuộc sống chung trong một xã hội, vì nơi đây có bổn phận chung của tập thể song hành với trách nhiệm chung của công đồng, cùng sự tôn trọng cá tính của cá nhân.

h Rousseau lại chọn một quỹ đạo khác cho cuộc sống chung trong một xã hội, trong đó sự cẩn trọng về khác biệt giữa các cá nhân không chỉ tới từ cá tính, mà còn qua khả năng, tài năng, làm nên thành quả khác nhau trong lao động, đây có thể nguồn cơn, là mầm móng của bất bình đẳng sẽ tạo ra bất công khi con người dùng sự khác biệt để tạo sự phân biệt. Chính sự phân biệt có nguyên nhân của xếp hạng, có trên có dưới, và nếu cúi đầu tuân thủ sự phân biệt trên dưới thì chắc chắn sẽ có kẻ trên đỉnh núi và người ở dưới vực sâu, đây chính là hình tượng đáng sợ của bất bình đảng đã báo hiệu là bất công sẽ xuất hiện và hoành hành.

h Barthes, khi khảo sát về tổ chức các nơi tu hành của tôn giáo thì nhận ra có hai đời sống trong một cuộc sống : đời sống cộng đồng với cầu nguyện, kinh kệ, thiền định cùng nhau giữa các tu sĩ ; và đời sống riêng tư của cá nhân cũng có cầu nguyện, kinh kệ, thiền định, hai đời sống này khác nhau biệt lập nhau, song song với nhau nhưng luôn giữ khoảng cách để đời sống này không diệt đời sống kia. Ngay trong xã hội, cùng có hai đời sống, một đời sống chung trong quan hệ, trong sinh hoạt với tha nhân ; và đời sống riêng của cá nhân luôn giữ khoảng cách với tha nhân, để bảo vệ tâm tư riêng. Thử thách của chuyện chung sống trong xã hội chính là sự thành công hay thất bại giữa những khác biệt.

Tạo thuận lợi tối đa cho công bằng

Trong tổ chức hiện đại của các xã hội có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền, các quốc gia phương Tây, người ta tìm nhiều cách để tạo ra :

h Tạo thuận lợi tối đa cho công bằng ngay thượng nguồn với các điều kiện tốt lành cho thành công trong học đường, thành tài trong nghề nghiệp, thành đạt trong kinh tế để tạo ra thành tựu trong xã hội. Khi tạo điều kiện để thực hiện hệ thành (thành công, thành tài, thành đạt, thành tựu) thì kết quả cụ thể vẫn ở trong tay của cá nhân với đạo lý học tập chăm chỉ, đạo đức nghề nghiệp chuyên cần, chính cá nhân phải có trách nhiệm khôn nhờ dại chịu.

h Tạo thuận lợi tối đa cho công bằng để tạo cơ hội dựng nghiệp qua hệ thành (thành công, thành tài, thành đạt, thành tựu) đòi hỏi cá nhân phải tiếp nhận đầy đủ và nhuần nhuyễn ba giáo dục : giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội để tạo ra hiệu quả học tập, hiệu năng lao động, cũng tại đây quá trình cá nhân hóa sẽ cho xuất hiện ít nhất hai loại người làm nên sự khác biệt sâu xa. Loại người thứ nhất biết thức khuya dậy sớm, lại biết một nắng hai sương, còn nhìn xa trông rộng một cách rất thực tiễn là ăn bữa sáng lo bữa tối, thì hoàn toàn khác với loại người thứ nhì chờ sung rụng, lại nhớt thây dầy cốt, trong ích kỷ ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.

St Simon nhận định : nếu xã hội chấp nhận có hai loại người này thì xã hội phải chấp nhận có :

h Phân tầng xã hội có trên và có dưới : trên có loại người thứ nhất chủ động, dưới có loại người thứ nhì thụ động. Chủ động để thăng hoa, và thụ động vì muốn an phận.

h Phân tầng xã hội có hiệu lực : loại người thứ nhất có khả năng, có hiệu năng, loại người thứ nhì không có khả năng, không có có hiệu năng, đây là chuyện hoàn toàn cá nhân.

Castel bằng điều tra xã hội học lao động yêu cầu mọi chính quyền làm nên chính sách vì công bằng phải thận trọng quá trong sử dụng các luận điểm về công bằng :

h Nếu vận dụng chủ luận tạo thuận lợi tối đa cho công bằng để giúp cá nhân có cơ hội, có bàn đạp, có dàn phóng để thành công thì là một chính sách đúng ;

h Còn ngược lại tận dụng chủ luận tạo thuận lợi tối đa cho công bằng để lấp bằng, san bằng, đắp bằng kiểu cá mè một lứa thì vô cùng nguy hại cho xã hội.

Tạo thuận lợi tối đa cho công bằng còn phải đi thêm một bước nữa trong phạm trù công lý xã hội, qua chuyện thừa hưởng gia tài. Tại đây, thừa hưởng một gia tài lớn mà không chịu trả thuế để xã hội có thêm thực lực tài chính mà phục vụ cho an sinh xã hội đã là một bất công, lại dùng gia tài để mua chức bán quyền để đi tắt mà tạo ra các bất công mới của loài con quan thì được làm quan, dù bất tài, bất tín, mà chế độ chuyên chính độc đảng đã cho ra đời loại ung thư đại tràng trên toàn xã hôi với loại tà đạo trong điếm lộ của quan hệ-tiền tệ-hậu duệ, để truy diệt đi trí tuệ của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của xã hội.

ythuc5

Chủ thể vì công bằng

Nếu định nghĩa chủ thể là cá thế có chủ quyết về tự do của mình, có chủ định về số phận của mình, bằng sự chủ động có nhận thức về bổn phận và trách nhiệm của mình trước cộng đồng, tập thể, dân tộc, nhân loại, tôn trọng môi trường, trân trọng môi sinh ; thì chủ thể vì công bằng là loại chủ thể nào ? Đó là chủ thể trên ít nhất ba nhận thức :

h Chủ thể kinh tế, có tự trọng trước lao động.

h Chủ thể chính trị, có tự chủ trước thể chế.

h Chủ thể pháp lý,tự tin trước công lý.

Khi nhận ra được định nghĩa cùng định luận của chủ thể, ta sẽ nhận rõ được hành động và hành tác của chủ thể trước công bằng, mà công bằng căn bản và phổ quát là công bằng xã hội, nơi mà :

h Chủ thể biết sống chung trong quan hệ xã hội với tha nhân mà không là nạn nhân hay thủ phạm của bất bình đẳng gây ra bất công trong quan hệ này.

h Chủ thể biết sống cùng trong đời sống xã hội với tha nhân mà không là nạn nhân hay thủ phạm của bóc lột gây ra tha hóa trong đời sống này.

h Chủ thể biết sống với sinh hoạt xã hội với tha nhân mà không là nạn nhân hay thủ phạm của bất nhân gây ra thất đức trong sinh hoạt này.

Như vậy, sẽ không có công bằng xã hội thực sự nếu không có các công dân chính là chủ thể của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức, tỉnh thức) trên nền tảng của :

h cộng hòa với tự do, công bằng, bác ái,

h dân chủ với đa nguyênnhân quyền.

Nhưng vẫn chưa đầy đủ để nhận diện ra chủ thể, tại đây chúng ta cần sự hỗ trợ của nhiều chuyên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn để thấy chỗ đứng, ghế ngồi của chủ thể ; để thấu đường đi nẻo về của chủ thể, nhất là qua các chuyên ngành như triết học, nhân học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học... Các chuyên ngành này đã nhận ra chân dung đặc thù của chủ thể không chỉ là một cá nhân, nhận ra nhân diện đặc điểm của chủ thể không chỉ là một cá thể, nhận ra nhân dạng rất có đặc tính của chủ thể không chỉ là một công dân bình thường của chén cơm manh áo, tầm thường của giá áo túi cơm, mà chính cụ Tiên Điền đã mượn lời của Từ Hải để lập nên nhân cách của chủ thể chính là phản diện của loại người : "những phường giá áo túi cơm xá gì !". Chính liên kết của đặc thù-đặc điểm-đặc tính làm nên cá tính của chủ thể, rất nhiều với cá nhân, cá thể, công dân, ta sẽ thấy chủ thể cho xuất hiện trong hành động lẫn hành tác của mình ít nhất các hệ sau :

h Hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái).

h Hệ chuyên (chuyên cần, chuyên môn, chuyên nghiệp).

h Hệ tinh (tinh lực, tinh thông, tinh hoa).

Cả ba làm nên hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng tạo) chính là nội công, bản lĩnh, tầm vóc hay, đẹp, tốt, lành của chủ thể, biết chủ quyết trong đòi hỏi, biết chủ vị trong đấu tranh, biết chủ động trong đàm phán, nơi mà công bằng làm nên công lý vừa là động cơ vừa là mục đích của chủ thể. Nên đừng hàm hồ mong đợi là chủ thể sẽ :

h Nhắm mắt trước bạo quyền độc đảng,

h Cúi đầu trước tà quyền tham quan,

h Khoanh tay trước ma quyền tham tiền,

h Quỳ gối trước cực quyền độc trị,

h Khom lưng trước cuồng quyền độc tôn.

Nội công, bản lĩnh, tầm vóc hay, đẹp, tốt, lành của chủ thể được chế tác ra trên nền tảng của hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) để từ đó phát huy rồi phát triển hệ tự (tự do, tự trọng, tự chủ, tự tin) làm nên nhân sinh quan của chủ thể. Chính chủ thể nhận ra hậu quả của bất công không chỉ có mặt trong kinh tế, tài chính, vật chất, lao động… mà hệ lụy của nó tác động một cách xấu, tồi, tục, dở lên đạo đức, giáo dục, văn hóa, bản sắc của mỗi công dân. Như vậy bất công là một hệ lụy lan tỏa trong nhân sinh, trùm phủ lên nhân kiếp, với những hậu nạn không lường trước được trên nhân vị nhân phẩm của nạn nhân khi đã khuất phục trước bất công. Khi nhận ra chân dung diện mạo của bất công, thì chủ thể phải phân biệt để phân loại, rồi phân định để phân giải các thể loại bất công có mặt trong quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội :

h Bất công trong tổ chức xã hội, chủ thể không chấp nhận : "con quan thì được làm quan" mà chủ thể biết đấu tranh để "con dân cũng được làm quan".

h Bất công trong trật tự xã hội, chủ thể không chấp nhận : "quan hệ-tiền tệ-hậu duệ" để vùi dập trí tuệ.

h Bất công trong vận hành xã hội, chủ thể không chấp nhận : "sân sau", "chống lưng", "ô dù" để mua quyền bán chức trong buôn gian bán lậu.

Chủ thể vì công bằng đấu tranh rất cụ thể ngay trong xã hội dân sự cho tới đấu tranh trực diện với chính quyền bất chính đã tạo ra bất công, chủ thể đủ sung lực để chủ xướng : chủ-luận-chống-phân-cực ngay trong xã hội, một bên là một thiểu số trọc phú vung tiền qua cửa sổ, sống biệt lập trong biệt thự, biệt phủ, biệt dinh ; còn một bên là đa số dân đen"đầu tắt mặt tối", cộng với dân oan "màn trời chiếu đất". Chủ quyết ngay trên chủ-luận-chống-phân-cực này là chủ động ngay trên số phận của đất nước, nhân kiếp của đồng bào. Sẽ không có cải cách xã hội vì công bằng nếu không chủ thể vì công bằng trong mọi quan hệ xã hội, sinh hoạt xã hội, đời sống xã hội, tổ chức xã hội, trật tự xã hội, vận hành xã hội.

Lê Hữu Khóa

(08/05/2020)

------------------------

lhk0 Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học Lille

Giám đốc Anthropol-Asie

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á

Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc

Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris

Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á

Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.

Additional Info

  • Author Lê Hữu Khóa
Published in Văn hóa
mercredi, 28 décembre 2016 21:47

Tội của anh là khơi nguồn tri thức

trithuc2

Hệ thống truyền thông thông minh khơi nguồn tri thức

Trưa ngày 26/12/2016, anh đang uống cafe thì bị rất đông an ninh mặc thường phục lẫn cảnh phục lao vào quán, đánh và bắt anh đi. Anh chỉ kịp nhắn được một tin ra ngoài là "anh bị bắt vô cớ" rồi điện thoại không còn liên lạc được nữa. Đến nửa đêm tôi nhận được điện thoại từ số lạ và người ở đầu dây là chồng mình.

Anh đã bị giữ đến nửa đêm, và trong quá trình làm việc tại đồn công an, bị mạt sát, xúc phạm đủ kiểu vì anh im lặng không hợp tác với cách hành xử vô luật của công an. 12h đêm, anh gọi taxi rời đồn. Đi được một quãng thì hơn chục an ninh mặc thường phục chặn xe, lôi anh khỏi taxi và hành hung anh trên đường về. Mười mấy người lao vào đấm đá vào đầu, vào gáy anh, tưởng như có thù hằn sâu đậm. Hai chiếc điện thoại và máy đọc sách của anh trước đó đã bị họ cố bẻ khóa để đăng nhập, không mở được, họ bèn đập nát, rồi ngâm vào nước cho hỏng ; anh phải mượn điện thoại gọi báo tôi biết mong tôi bình tâm.

Họ bắt giữ anh để hỏi về các lớp học của anh, họ đánh anh cũng chỉ vì căm ghét các lớp học như thế.

Giáo dục giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một dân tộc. Một dân tộc chỉ có thể vững mạnh khi có nền giáo dục lành mạnh. Nền chính trị coi thường giáo dục không thể và không bao giờ đem lại tương lai nào cho người dân.

Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục không những không được đặt lên vị trí hàng đầu mà nó còn là một thảm trạng văn hóa với vô số những tiêu cực. Một sinh viên, thậm chí một người thành đạt trong xã hội cũng không biết về các giá trị của lịch sử xã hội, tầm quan trọng của quá khứ trong sự hình thành và phát triển một đất nước. Từ đó dẫn đến nhận thức văn hóa và cách hành xử trong xã hội mất đi tính nhân văn và dần đi xuống theo chiều hướng xấu, chúng ta thường gọi là băng hoại đạo đức.

Công việc của chồng tôi, anh Nguyễn Hồ Nhật Thành – một nhà hoạt động xã hội – là khơi nguồn lại tri thức, khai dân trí. Khởi đầu anh không phải là học giả, anh cũng không có một nền tảng vững chắc trong nhận thức như nhiều trí thức. Anh vốn là một doanh nhân tự học. Vươn lên từ vốn hiểu biết ít ỏi, anh đã tự mình mày mò tìm hiểu, đọc và học để trau dồi kiến thức cho bản thân. Cho đến ngày hôm nay anh đã có thể tự tin khẳng định những gì mình học được và muốn chia sẻ những kinh nghiệm ấy với những người xung quanh. Anh mở lớp học, truyền đạt lại những gì mình trải qua trên con đường học thuật, những giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội mà anh trăn trở, tầm quan trọng của tri thức trong bối cảnh xã hội hiện nay. Mong muốn của anh là nâng cao năng lực cho những người muốn hoạt động vì xã hội, dựa vào mối quan hệ với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực giáo dục, làm cầu nối để họ chia sẻ những kiến thức nền tảng về hiến pháp, pháp luật, tiếng Anh, lịch sử dân tộc, giá trị nhân quyền và đặc biệt là dân quyền cho các bạn trẻ.

Đây không phải lần đầu tiên anh Thành mở nhóm học tập. Năm 2011, anh từng tổ chức nhiều buổi hội thảo "khơi nguồn tri thức" cho các bạn sinh viên có môi trường trao đổi và chia sẻ kiến thức. Những buổi hội thảo của anh đều bị phía an ninh cản trở, từ việc ép chủ nhà không cho thuê địa điểm, đến cắt điện, đe dọa các bạn sinh viên. Rút kinh nghiệm, lần này anh mở nhóm âm thầm, nhằm tránh những giằng co, xích mích không đáng có giữa mọi người và phía an ninh.

Nhưng thật không ai nghĩ rằng việc khai dân trí, mở mang giáo dục – một việc hết sức bình thường và được coi trọng ở một xã hội nhân văn – lại bị coi là cái tội ở Việt Nam. Chồng tôi đã bị họ quy chụp, bôi nhọ, với một tâm địa độc ác. Trong khi hành hung họ không quên dọa nạt, đòi bắt, dí súng đòi giết anh nếu còn tiếp tục việc chia sẻ kiến thức nền tảng cho các bạn trẻ.

Xưa nay tôi vẫn biết an ninh thích bắt là bắt, thích đánh là đánh, nhưng dù sao thì cũng hơi sốc và bất ngờ trước hành vi của họ với một người chỉ muốn chia sẻ học thuật, khai dân trí. Chúng tôi biết chúng tôi sẽ không thể bắt phía công an chịu trách nhiệm về trận đòn và vụ bắt giữ tùy tiện này. Nhà báo và luật sư bị họ hành hung giữa ban ngày còn không thể buộc họ chịu chế tài trước pháp luật thì chúng tôi càng khó có thể.

Lúc này đây, dù rất bức xúc trước hành vi của ngành công an, nhưng thay vì dành cho họ những lời lẽ không hay ho, tôi nghĩ mình nên cảm ơn họ chăng ? Cảm ơn vì họ đã không đánh chết chồng tôi trong đêm 26/12 vừa qua như họ đã từng đánh chết bố tôi vì một lỗi hành chính.

Trịnh Kim Tiến

Nguồn : Facebook, Trịnh Kim Tiến, 28/12/2016

Additional Info

  • Author Trịnh Kim Tiến
Published in Diễn đàn