Từ tri thức cần lao tới lao động sáng tạo
Với chủ đề tri thức về lao động, tôi xin bắt đầu với xã hội học thực nghiệm song hành cùng triết học đạo đức, và chính trị học lý trí. Cụ thể là khi tôi điền dã về điều kiện lao động của dân lành Việt mà họ tự gọi họ là : dân đen ; rồi tiếp theo tôi điều tra về quan hệ xã hội giữa chủ là tư bản thân hữu với chính quyền và thợ là làm công bị bóc lột bởi loại chủ này người làm công gọi tên là : trọc phú. Và khi khảo sát sâu vào sinh hoạt kinh tế, tài chính của loại tỷ phú -nhưng trọc phú- này thì tôi phải phân tích để phân loại chủ nhân kiểu Việt Nam hiện nay (tư bản gia đình, tư bản thân hữu, tư bản tham nhũng) với tư bản của phương Tây hiểu thịnh vượng-tiến bộ-văn minh cho xã hội vì thấu luôn luật xã hội dựa vào liên kết công bằng-công lý-công pháp của luật lao động. Hai loại tư bản này khác nhau hoàn toàn !
Sáng tạo ngược với quan hệ
Sự khác biệt có ngay trong vai trò chủ thể của tư bản phương Tây biết chủ đoán để chủ động trong đầu tư. Sự thành công của tư bản phương Tây dựa trên kinh tế tri thức để có công nghiệp sáng tạo, rồi biến công nghệ truyền thông thành công cụ và phương tiện cho toàn cầu hóa từ trao đổi dịch vụ tới trao đổi thông tin. Họ thăng hoa để vinh danh cùng lúc với kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thông tin… biến câu chuyện thứ nhất có tự do rồi thành câu chuyện thứ nhì rất thông minh vì rất sáng tạo là ngày ngày phải có tự do hơn. Nên họ thấy tư bản gia đình, tư bản thân hữu, tư bản tham nhũng dựa vào độc đảng nắm độc quyền kiểu Việt Nam hiện nay chỉ thành công trên bất động sản, bằng chính quyền cướp ngày là quan sinh đẻ ra ma quyền bất động sản trộm, cắp, cướp, giật đất đai của nhân dân.
Một sớm một chiều giầu có, nhưng cũng một sớm một chiều biến dân lành của dân tộc mình thành dân oan, nên đồng nghề tư bản, nhưng không hề đồng thuyền trong đồng đầu tư, không hề đồng hội trong thành quả lao động. Vì vậy tư bản phương Tây xem tư bản đỏ của Việt Nam hiện nay chỉ là loại man chợ buôn gian bán lận. Thành công vì đồng lõa với bạo quyền độc đảng, thành tựu nhờ đồng mưu với tà quyền tham quan, thành tiền nhờ đồng môn qua ma quyền tham nhũng. Bọn tư bản đỏ này không hề thành tài nhờ chính tri thức sáng tạo của chúng như các lực lượng tư bản của kinh tế tri thức của công nghiệp sáng tạo.
Khi phải giải thích để giải luận về sự khác biệt một trời một vực này giữa Tây có sáng tạo và Ta có âm binh nắm kinh tài, thì tôi phải đưa xã hội học thực nghiệm vào xã hội học so sánh, đưa triết học đạo đức vào triết học phân tích, đưa chính trị học lý trí vào chính trị học tri thức. Nên tôi đã thấy rõ được sự khác biệt này trong câu trả lời của một lý thuyết gia mà cũng là một nhà tư bản lớn của phương Tây, khi ông nói rằng : "Nên cẩn trọng với sự thành công bằng tiền bạc, vì tiền bạc có thể là rác rưởi hôi thối nếu để nó bám vào nhân phẩm chúng ta, làm chúng ta sẽ mất nhân cách. Nhưng tiền bạc cũng có thể hương hoa của sáng tạo, nếu chúng ta biết đầu tư để thăng hoa cho nhân sinh, bằng thăng tiến của văn minh để vinh danh nhân vị cho chính chúng ta !".
Triết luận của luật pháp
Hãy bắt đầu tìm hiểu luật pháp về lao động bằng thượng nguồn của nó qua triết luận của luật pháp, qua tác phẩm Triết của luật (Philosophie du droit) của Hegel đặt nền tảng cho luật pháp bắt đầu bằng tôn trọng tự do của cá nhân, mà cá nhân ở đây không phải là cá nhân chỉ của cái tôi, chỉ cho tôi. Mà cá nhân đây là luận triết của tác giả được phân tích là khung của luật pháp, trong đó mọi cá nhân được bảo vệ như nhau, chính khung luật này vừa bảo vệ quyền hạn của cá nhân, vừa tạo luật lệ để mọi cá nhân có quyền hạn như nhau trong cùng một luật pháp. Triết luận này đã lập nên chủ luận cho luật pháp, để khi phân tích trường hợp của Việt Nam hiện nay ta thấy cái quái thai của một chế độ nơi mà mọi đặc quyền, đặc lợi, đặc ân của Đảng cộng sản Việt Nam tự đặt ra để bảo vệ quyền lực và quyền lợi của mình, tất cả đều bất chính vì bất hợp pháp, đã phạm luật vì bất tuân cái khung công bằng của luật luận.
Từ quan hệ giữa triết học và luật học trong quá trình tiến hóa của nhân loại, thì kinh tế học và xã hội học đã nghiên cứu về một xã hội văn minh luôn phải đi thêm một bước nữa bằng cách đặt thêm một câu hỏi để có những câu trả lời thỏa đáng về : Đâu là chế độ lao động để nhân vị được bảo vệ, nhân phẩm được bảo đảm ? Cụ thể là một xã hội văn minh phải loại bỏ không những chế độ người bóc lột người, người cưỡng chế người bằng lao động, mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để công bằng xuất hiện giữa kẻ có của và người có công, không để kẻ có của hiếp đáp, hà hiếp, trấn áp người có công. Mà thực tế kẻ có của hiếp đáp, hà hiếp, trấn áp người có công chính là thực cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay dưới độc quyền của độc đảng ; nơi mà dân lành đã thành dân đen vì bị bóc lột từ điều kiện lao động tới lương bổng thấp, từ sự vắng mặt của bảo hiểm lao động khi bị thất nghiệp tới bảo hiểm tính mạng khi gặp tai nạn lao động… Đây lại là một bất công không chấp được mà nó đang trở nên đại trà khi độc quyền của độc đảng qua liên minh âm binh của nó đã cấu kết với tư bản đỏ, tư bản gia đình, tư bản thân hữu… Liên minh âm binh này vừa mở cửa cho các tập đoàn ngoại quốc vào bóc lột sức lao động ngay tại quốc nội ; cùng lúc tổ chức các đường dây nô lệ hóa lao động Việt bằng các chính sách xuất khẩu lao động, biến hằng triệu đồng bào thành lao nô, thành nô tỳ cho các nước láng giềng, để vơ vét thêm với lòng tham không đáy của chúng.
Toàn trị để độc trị
Trong lịch sử nhân loại từ khi con người vào kỷ nguyên công nghiệp với sự bóc lột trắng trợn sức lao động của công nhân, nông dân… một kỷ nguyên xem con người là công cụ, là vật liệu, là hàng hóa để tạo sản xuất, để tăng năng suất. Sự xuất hiện của hai thế chiến trong thế kỷ XX vừa qua, càng làm sự bóc lột trắng trợn sức lao động của con người trở nên nhờm tởm với quá trình biến xã hội thành một nhà máy khổng lồ để phục vụ chiến tranh, để phục vụ chuyện con người tiêu diệt con người, để nhân sinh tự tiêu diệt, đưa nhân loại vào tử lộ.
Các khẩu hiệu "Tổng động viên" làm nên khẩu lệnh "Tất cả vì tiền tuyến" để tiêu diệt đối phương, giờ không những đã là kẻ thù mà đã trở thành tử thù, "không đội trời chung", loại luận điệu này thì người Việt nghe rất quen tai. Đây cũng chính là thảm họa của Việt tộc, chỉ cần một nhúm người cộng sản mang một ý thức hệ ngoại lai đấu tranh gia cấp bằng chuyên chính vô sản dưới lá cờ chống thực dân rồi chống đế quốc vì độc lập dân tộc, để đưa Việt tộc từ tà lộ mệnh danh "cách mạng", với biệt danh "giải phóng", tới tử lộ của huynh đệ tương tàn, với nhiều triệu sinh mạng của đồng bào bị thí mạng như những công cụ vô tri. Ngoài sự mất mát quá lớn về tính mạng của đồng bào mà Phật đạo của dân tộc gọi chính danh là : sinh linh, mọi sinh vật đều thiêng liêng vì linh thiêng bằng chính sự sống của nó. Không chỉ sự mất mát về tính mạng, mà còn sự mất trọn tất cả các giáo lý tổ tiên Việt về tương thân tương trợ, song hành cùng sự mất trắng tất cả các tiềm năng phát triển đất nước, để đưa dân tộc vào quỹ đạo của tiến bộ, để đi về hướng một xã hội có văn minh của dân chủ, có văn hiến của nhân quyền. Sau chuỗi mất mát-mất trọn-mất trắng hiển hiện trước mắt mọi công dân Việt là địa ngục hiện tiền, với hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) của Đảng cộng sản Việt Nam sinh đôi với hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền) cũng của chính nó.
Giữa hai thế chiến, một chính trị gia mà cũng là một tư tưởng gia của Đức quốc : Ernst Junger đã nhận ra là tất cả các khẩu hiệu "Tổng động viên" làm nên khẩu lệnh "Tất cả vì tiền tuyến" chính là bộ mặt thật của kinh tế chiến tranh, và chuyện quái gở nhất là nó không tự biến mất sau khi hòa bình được lập lại, mà nó tiếp tục và trở thành khuôn khổ của kỷ luật lao động tập thể bắt một dân tộc, một giống nòi phải vào quỷ lộ của nó với các khẩu hiệu "Tổng động viên để xây dựng lại đất nước" làm nên khẩu lệnh "Tất cả vì phát triển của đất nước", bằng kỷ luật quân đội để quản chế một dân tộc, để quản thúc một đất nước. Việt tộc không những nghe quen tai các luận điệu này, mà còn phải chịu bao tai ương của trại cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… sau 1975. Thông minh của một dân tộc là dùng khả năng lao động sắc nhọn của mình để chấm dứt vĩnh viễn loại tuyên truyền ngu dân rất sắc máu này !
Nhận thức về cần lao
Loại ngữ pháp : tổng động viên trong quá trình chính trị hóa rồi quân sự hóa toàn bộ lực lượng lao động của một quốc gia dẫn tới chế độ toàn trị, trong đó từ cá nhân tới tập thể, từ cộng động tới quốc gia, không ai thoát được ý thức hệ toàn trị làm nên định chế toàn trị. Khi chế độ toàn trị, ý thức hệ toàn trị, định chế toàn trị đã có mặt trong xã hội, vì đã có chính quyền toàn trị bảo lãnh cho chúng bằng bạo lực, đây chính là thảm cảnh của số phận Việt tộc hiện nay, vì toàn trị luôn là độc trị trong độc hại vì nó chỉ biết độc lộ bằng độc quyền và độc lợi của nó.
Trên phân tích này, ta phải thấy sự thông minh của các minh quân, minh vương, minh chủ trong một hệ thống độc tài, họ biết được tổng động viên toàn lực trong một thời điểm lịch sử nhất định, trong khi chờ đợi dân chủ đa nguyên biết tôn trọng nhân quyền, thì họ đã thực hiện được tổng động viên vì thấy và thấu thực tế của thị trường toàn trị. Đó là trường hợp của các minh quân, minh vương, minh chủ này mà ta đã thấy trong thế kỷ XX vừa với kinh nghiệm của Nhật Bản, Nam Hàn, Đại Loan, Singapour ; và ta không quên vai trò của Đặng Tiểu Bình đã nhận ra con đường này cho Trung Quốc từ những năm của thập kỷ 1980. Phạm trù của thị trường toàn trị luôn dựa lên kinh tế thị trường, nơi mà thức khuya dậy sớm trong cần lao phục vụ cho sản xuất, nơi mà một nắng hai sương trong lao động phục vụ cho xuất khẩu, nơi mà ăn bữa sáng lo bữa tối phục vụ cho tiết kiệm.
Tất cả sung lực của cần cù trong lao động, chăm chỉ trong công việc, được đưa vào đúng đại lộ của tiềm năng sáng tạo, lấy sáng kiến lao động để thăng hoa sáng chế ra chất lượng của sản phẩm ngay trong cần lao. Cần lao vừa là đạo lý vừa là tri thức lấy đa trí phục vụ cho đa tài ; lao động giáo lý vừa là ý thức lấy đa năng phục vụ cho đa hiệu. Trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam, thì các lãnh đạo qua hơn nửa thế kỷ từ ngày thành lập đảng 1930 tới nay, họ không hề có ý thức về cần lao, nhận thức về lao động, vì ngay thượng nguồn họ không hề có kiến thức chính-quyền-hiểu-thị-trường. Sự thành công của Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapour và cả của Trung Quốc dưới sự chủ đạo Đặng Tiểu Bình là đã tổng động viên toàn lực lao động vào kinh tế thị trường, nơi mà thị trường kinh tế chính là chiến trường mới, nhưng không có máu đổ đầu rơi ; nơi mà chiến đấu bằng lao động sáng tạo của mình làm nên chiến thắng kinh tế để đất nước của mình được tiến bộ, dân tộc của mình được hưởng văn minh. Tổng hệ luận (chiến trường là thị trường-chiến đấu bằng lao động-chiến thắng bằng cần lao) đã bị tiêu diệt ngay trong trứng nước trong hệ thống độc đảng của chế độ Việt Nam hiện nay, độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không hề có tri thức quản trị, cộng vào đó là sự tung hoành cho tới tan hoang của hệ tham (tham quyền, tham quan, tham ô, tham nhũng, tham tiền) làm tan vỡ ngay trên thượng nguồn mọi phương hướng và phương pháp để đưa Việt tộc tới tiến bộ và văn minh.
Liên minh ý tưởng-ý muốn-ý lực trong lao động
Giữa hai thế chiến, tại Âu châu con người đã ý thức được cái nguy hại của tổng động viên lao động chỉ phục vụ cho chiến tranh, nên qua hiệp ước Versailles, nhân loại đã cho ra đời Tổ chức quốc tế lao động (Organisation internationale du travail), nhân đạo hóa lao động bằng nhân phẩm biết phục vụ hòa bình và tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, và tiếp tục cho ra đời Liên hội các quốc gia (Société des nations), là tiền thân của Liên Hiệp Quốc (Nations-unies) sau Đệ nhị thế chiến. Sự ra đời của các cơ quan quốc tế : Tổ chức quốc tế lao động, Liên hội các quốc gia, Liên Hiệp Quốc làm nền tảng cho sự xuất hiện các công pháp quốc tế vừa để bảo vệ nhân loại chống chiến tranh, vừa để ngăn chặn các bất công tới từ sự bóc lột lao động của cá lớn nuốt cá bé. Và chính công pháp quốc tế đã trợ lực cho luật lao động, để luật xã hội có mặt trong an sinh xã hội, với bảo hiểm xã hội, dịch vụ công cộng, luôn được củng cố và hoàn thiện qua các đấu tranh của xã hội dân sự.
Trong tuyên ngôn của Tổ chức quốc tế lao động, người ta nhận được các điều kiện lao động bảo vệ được nhân phẩm, bằng các định đề nơi mà nội dung của nhân tính được bảo đảm bằng nhân lý trong lao động :
h Con người lao động với sự chủ động đóng góp được sức lao động của riêng mình, đó chính là thành quả lao động tới từ tự nguyện lao động.
h Con người lao động với nhân phẩm, nhân tính, nhân lý nên con người không phải là thú vật hoặc máy móc phải khuất phục chỉ để tuân lệnh chủ nhân.
h Con người lao động với tự chủ, bằng tự do của tư duy "muốn làm được việc" bằng lao động của mình, từ thủ công tới trí thức, với sự tính toán của phương án, với ý muốn biến lao động thành quả do mình định đoạt.
h Con người có ý tưởng lao động dựa trên ý muốn có thành quả lao động, làm nên ý lực của hiệu năng và hiệu quả lao động. Chính hệ luận ý tưởng đầu tiên làm nên ý muốn để thành ý lực ngay trong lao động, đã làm nên sự khác biệt tòan diện giữa điều kiện làm người trong lao động và điều kiện của súc vật hoặc máy móc.
h Con người vận dụng liên minh ý tưởng-ý muốn-ý lực trong chính điều kiện làm người trong lao động của mình để bảo vệ nhân phẩm, nhân tính, nhân lý trong tổ chức lao động, để trực diện chống lại sự tha hóa nhân vị và nhân bản trong lao động.
Khi chúng ta nêu được các yếu tố trên đã làm nên mệnh đề : thế nào là lao động đúng với điều kiện làm người đúng, hoàn toàn khác biệt với súc vật và máy móc ; thì cùng lúc chúng ta cũng phải công nhận là mỗi con người đều mang hai bản chất cũng rất khác nhau. Bản chất thứ nhất của bản năng : đói ăn khát uống lao động để nuôi thân ; và bản chất thứ nhì của bản thể : lấy ước mơ làm lý tưởng, với các giá trị biểu tượng trong đó con người lao động để thỏa mãn hoài vọng, để thực hiện hoài bão của mình với các giá trị của luân lý, của nghệ thuật, của khoa học… Chính bản thể với các giá trị biểu tượng của hoài vọng, của hoài bão sẽ làm nên sáng tạo trong lao động, nâng cao hiệu xuất lao động, làm rộng hiệu năng lao động, không những để tăng trưởng sản xuất mà còn để thăng hoa nhân kiếp ngay trong lao động.
Sáng tạo trong lao động làm nên chủ thể lao động bằng sáng tạo, không lặp đi lặp lại một cách máy móc hành tác lao động, mà ý thức trong lao động có công cuộc thay đời đổi kiếp, vì trong sáng tạo lao động có thể làm được chuyện dời non lấp bể ; mà không trao thân gởi phận cho chuyện vật đổi sao dời mà mình không có một quyết định, một quyết đoán gì hết ! Khi ta học làm người tức là ta học dung hòa giữa hai bản chất để rồi sau đó chọn ưu tiên một trên hai bản chất : bản năng hay bản thể. Tại đây, lao động chính là môi trường học tập để thỏa mãn bản năng, cùng lúc để thăng hoa bản thể, vì vậy lao động từ môi trường lao tác đã biến thành ngôi trường học tập để mỗi chúng ta xây dựng hiện tại, gầy dựng tương lai bằng nhân đạo làm nên nhân phẩm bằng rành nghề, thạo nghề, giỏi nghề để thấy và thấu chuyện nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Từ môi trường đến ngôi trường của không gian lao động, chúng ta sẽ khám phá ra ít nhất hai hệ vấn đề mới : khám phá thế giới mà ta đang sống (đang ăn ở và đang sáng tạo), cùng lúc khám phá ra chính chúng ta, có hay không "thiên năng" để xây dựng năng khiếu cá nhân, để gầy dựng tài năng, mà thành công trong huấn nghiệp, thành đạt trong chuyên nghiệp, thành tài trong sự nghiệp.
Lao động có lương tri
Khi lý luận của Tylor được lấy làm tiền đề cho tổ chức lao động với mục đích độc nhất chỉ đi tìm hiệu quả lao động cao nhất trong thế kỷ XX vừa qua, nó đã trở thành một chủ thuyết để phát triển công nghiêp bằng mô hình của các nhà máy nơi mà nhân tính bị bứng đi khỏi người lao động, khi con người chỉ là một công cụ của một nguồn máy. Chính Tylor đã biện minh về chủ thuyết của mình là : "công nhân không cần có tư tưởng", "Trong lúc làm việc thì người công nhân không cần suy nghĩ", và có một số nhà máy thời đó còn trưng lên khẩu hiệu : "Tới làm việc thì phải để tư duy ngoài nhà máy". Thời kỳ này chính thức đã qua, nó bị khai tử bởi tiến bộ của xã hội song hành cùng văn minh của nhân quyền, trong đó công đoàn, xã hội dân sự, cùng các chính quyền dân chủ biết chủ trương an sinh xã hội đã đưa nó khỏi không gian của nhân phẩm nơi mà giá trị làm người luôn ở trên cao, cao hơn giá trị phải lao động để được sinh tồn.
Vậy mà trong thế kỷ mới này, người lao động Việt hiện nay vẫn chưa có : công đoàn độc lập, xã hội dân sự thực sự, để cả hai cùng nhau xây dựng : bảo hiểm xã hội lương thiện, dịch vụ công cộng có lương tâm, luật xã hội có lương tri, từ đó bảo đảm một an sinh xã hội chân chính. Chỉ vì chính quyền độc đảng hiện nay không những độc tài nhưng bất tài, mà chính quyền độc đảng này lại dùng độc trị để nuôi nấng độc tham, dụng tham nhũng để cướp bóc lao động vừa qua tổ chức lao động bất nhân, vừa qua chế độ thuế má thất đức. Nên chính quyền độc đảng này không hề có một tri thức tối thiểu nào về lao động có lương tri.
Ngày ngày, người lao động Việt hiện nay đang bị các xí nghiệp, doanh nghiệp ngoại quốc bóc lột với lương bổng thấp, điều kiện lao động tồi, và nếu đòi hỏi thì bị đuổi việc, nếu biểu tình, xuống đường để đấu tranh thì bị công an đàn áp thẳng tay bằng quyền lệnh độc đảng của công an trị. Từ đối xử thậm tệ với đồng bào lao động cho tới chuyện thí mạng chính đồng bào mình, chính là hiện thân của một độc đảng "hèn với giặc, ác với dân". Con dân Việt thấy rõ trong hành tác "quỳ trước Tàu họa" trong thảm nạn ô nhiễm của khu công nghiệp luyện thép Formosa năm 2016 đã giết trọn một vùng biển miền Trung, làm nhiều triệu ngư dân "dở chết dở sống" bao năm qua. Giờ đây với động thái "cúi đầu trước Tàu nạn" không dám đóng cửa biên giới đầu năm nay 2020 với đại họa tàu dịch coronavirus, đang để mặc công nhân Việt bị lây tàu dịch này từ công nhân Trung Quốc trở lại Việt Nam làm việc sau khi về lại Trung Quốc. Không như các nước láng giềng có chính sách y tế minh bạch để cách ly công nhân và du khách Trung Quốc đã thực hiện. "Ác với dân" đã hiển hiện trước mắt mọi công dân Việt giờ chính là : "độc với lao động việt".
Lao động có lương tri bắt đầu bằng quyết tâm chấm dứt lối lập luận công nhân trong nhà máy là loại người máy là việc như công cụ, như phụ tùng trong sự vận hành của nhà máy vừa đóng vai chính, vừa đóng vai chủ. Từ đó, nó bứng tư tưởng có trong nhân lý, nó tháo tư duy có trong nhân tính, để tha hóa nhân phẩm bằng cách bắt buộc nhân bản phải cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước toan tính của lợi nhuận, trước tính toán của hiệu năng. Nội dung của lao động có lương tri mang những nội chất sau :
h Lao động có lương tri là lao động vận dụng nhân lý, nhân tính bằng nhân tri, nhân trí để bảo vệ nhân phẩm, nơi mà lao động phục vụ nhân bản chứ không phải ngược lại.
h Lao động có lương tri là lao động tận dụng từ nhân tri tới nhân trí bằng khoa học, bằng kỹ thuật đã tạo nên những tiến bộ, văn minh cho nhân loại ; chính khoa học, kỹ thuật là lực lượng lao động song hành cùng nhân sinh để phục vụ nhân sinh chớ không phải ngược lại.
h Lao động có lương tri là lao động chống các hoang tưởng tới từ một loại ý thức hệ nơi mà hứa hẹn là hứa hão để lừa bịp bằng man trá : "Làm theo nhu cầu, hưởng theo tiêu thụ" ; mà quên đi tiền đề của thành tựu lao động luôn là cần lao, cần cù trong lao động và chăm chỉ trong công việc, mà tổ tiên Việt làm rõ bằng các định đề : "thức khuya dậy sớm", "một nắng hai mưa", "ăn bữa sáng lo bữa tối"…
h Lao động có lương tri là lao động chống các chỉ tiêu tới tự ý chí chủ nghĩa, chủ quan hàm hồ lấy số lượng toán để quyết định số phận người, lấy định lượng bị mù lòa về tăng trưởng để vùi dập định chất nơi mà tài năng được nhận ra bằng thành quả lao động, nơi mà sáng tạo biết thăng hoa lao động.
h Lao động có lương tri là lao động chống lại các lý thuyết tuyệt đối vị khoa học, chống lại các chủ thuyết toàn thần quá khích, mượn tôn giáo để bóc lột lao động, nên nó chống luôn các lãnh đạo dùng ma đạo của độc tôn khoa học, lạm dụng tà đạo của độc quyền tôn giáo.
Lao động có lương tri là làm việc với tri thức của lương tâm, nơi mà hiệu quả lao động phục vụ cho nhân vị, hiệu năng lao động phục vụ cho nhân bản, thành quả lao động phục vụ cho nhân phẩm, thành tựu lao động phục vụ cho nhân văn, trong đó nhân sinh, nhân loại được bảo vệ bởi nhân tính, nhân lý biết dựa vào nhân tri luôn tỉnh táo để có sáng suốt bằng nhân đạo của nhân trí.
Lao động bằng lương tri
Từ lao động có lương tri tới lao động bằng lương tri là sự trưởng thành toàn diện của hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri), nơi mà lương thiện là gốc, rễ, cội, nguồn của lương tâm chế tác ra lương tri chính là sự hiểu biết của con người bằng tổng lực của nhân tính, nhân lý, nhân tri, nhân trí, biết làm nên nhân vị, nhân văn, nhân bản để bảo đảm và bảo trì nhân phẩm, nhân đạo, nhân tâm. Hãy lý luận trên nội dung để tìm ra lập luận về nội chất của lao động bằng lương tri :
h Lao động bằng lương tri vận dụng nhân tính, nhân lý, nhân tri, nhân trí để hiểu nhân loại, nhân thế, nhân sinh không lao động trong đơn lẻ mà lao động trên một môi trường, lao tác trên một môi sinh, tại đây một nhân sinh quan đứng đắn phải là một thế giới quan tử tế với môi trường và môi sinh. Cụ thể là không để quê hương gấm vóc của tổ tiên Việt tộc thành bãi rác ô nhiễm của Tàu họan, bằng hóa chất độc, thực phẩm bẩn của Tàu nạn, nhiệt điện than của Tàu họa, để sau này lại có thể là bãi tha ma của Tàu dịch.
h Lao động bằng lương tri vận dụng sáng tạo lao động để thành quả lao động không chỉ là sản phẩm phục vụ nhân loại, nhân thế, nhân sinh, mà còn là tác phẩm của môt nhân sinh quan đứng đắn hợp lực một thế giới quan tử tế để có một vũ trụ quan liêm chính biết tôn trọng muôn loài nơi mà mọi sinh vật có chỗ đứng ghế ngồi của sinh linh, tức là linh thiêng bằng linh hồn của sự sống.
Liên minh giữa nhân sinh quan đứng đắn, thế giới quan tử tế và vũ trụ quan liêm chính chính là bản lĩnh của một nhân loại văn minh, chính là tầm vóc của một nhân sinh "ăn ở có hậu" với tiền đồ tổ tiên, với các thế hệ mai hậu, ngay trong mọi hành tác lao động mang hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức) để làm nên lao động bằng lương tri. Từ lao động có lương tri tới lao động bằng lương tri là sự thông minh toàn lý về nhận thức biết làm ra sản phẩm, lại biết làm nên tác phẩm bằng sáng tạo ngay trong lao động, và liên hợp giữa sản phẩm và tác phẩm, có trong sự thông thạo làm ra sản phẩm, song lứa để song hành cùng sự thông thái làm ra tác phẩm. Nên lao động có lương tri luôn có chỗ dựa làm nền của hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái), nơi mà lao động thủ công và lao động trí thức luôn bổ sung để hỗ trợ cho nhau.
Quy chế lao động nhân đạo
Dựa trên những quy định có nhân tính và nhân lý để bảo đảm một chế độ lao động trọng nhân đạo làm nên nhân vị, lấy nhân bản làm định chế, lấy nhân quyền làm cơ chế. Nơi mà tất cả các định nghĩa : quy chế, quy định, định chế, cơ chế phải có gốc, rễ, cội, nguồn từ ý muốn bảo vệ nhân phẩm. Hãy cụ thể hóa quy chế lao động nhân đạo :
h Tổ chức trong lao động tôn trọng nhân phẩm, nhân tâm.
h Hành tác trong lao động tôn trọng nhân bản, nhân văn.
h Phân công trong lao động tôn trọng nhân tính, nhân lý
h Thành quả trong lao động tôn trọng nhân tri, nhân trí.
Lịch sử lao động của nhân sinh có trong lịch sự tiến hóa của nhân loại, nơi mà bất bình đẳng cực độ đã làm nên bất công cùng cực trong lao động của chế độ nô lệ, con người làm cùng, làm thay con vật để canh tác trên những mảnh đất mà địa chủ được "chống lưng" bởi vua chúa. Khi vào cách mạng công nghiệp, thì con người lại là công cụ của một bộ máy, nơi mà các chủ đầu tư là "sân sau" để cho ra đời một hệ thống lao động bị cơ giới hóa, với con người chỉ là dụng cụ thứ phụ ngay trong tổ chức lao động. Con người lại phải càng cẩn thận trong hơn với công nghệ truyền thông hiện nay, nơi mà thông minh nhân tạo không những làm được nhiều lao tác thay thế con người, mà còn quản lý được những con tính vô cùng phức tạp. Để từ đó đẩy con người ngày càng phụ thuộc sự tính toán của "tìm năng suất để kiếm lợi nhuận", mà gạt đi cùng lúc nhân vị trong lao động làm ra sản phẩm và nhân tri trong lao động sáng tạo ra tác phẩm. Khi chủ nhân có chủ đích đi" tìm năng xuất để kiếm lợi nhuận", thì đó là kẻ không hề đặt câu hỏi về giá trị lao động mà chỉ nhìn giá cả sản phẩm để biết có bao nhiêu tiền lời tới từ sản phẩm.
Khi con người phân biệt được giá trị lao động không phải là giá cả sản phẩm, thì con người phải cẩn thận hơn trước các thuật ngữ : vốn thiên nhiên, vốn môi trường, vốn môi sinh… đây là loại "tính vốn để kiếm lời". Hãy vượt thoát ý niệm vốn để vượt thắng định nghĩa vô minh làm nên vô giác của nó, để nhận ra là giá trị của thiên nhiên, giá trị của môi trường, giá trị của môi sinh không định lượng được, không cân, đo, đong, điếm được bằng số học và toán học. Nếu con người phải sống chung, sống cùng với thiên nhiên, môi trường, môi sinh từ đời này qua đời khác thì tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, môi sinh là vô giá, không có giá cả nhất định để người ta mang ra mặc cả, trả giá được. Vậy thì đừng mang thiên nhiên, môi trường, môi sinh mà trao, đổi, mua, bán.
Lương tri lao động không hề rời lương tri của nhân loại về thiên nhiên, môi trường, môi sinh. Đây là quan niệm sinh tử của thiên nhiên, môi trường, môi sinh của Việt tộc hiện nay nơi mà bạo quyền độc đảng vạch quy hoạch để tà quyền tham quan kiếm chác mà mở cửa cho ma quyền buôn rừng bán biển tha hồ vơ vét tài nguyên, hủy hoại thiên nhiên, truy hiếp môi trường, truy diệt môi sinh. Chính tạp-hợp bạo quyền, tà quyền, ma quyền khi thành âm binh để lũng đoạn rồi thì chúng còn nhẫn tâm hơn nữa khi chúng mở cửa cho quỷ quyền của một tạp-chất với Tàu họa của thực phẩm bẩn cùng hóa chất độc, của Tàu hoạn của ô nhiễm từ khai phá tài nguyên trên Tây Nguyên tới tiêu diệt bờ biển miền Trung kiểu Formosa, với Tàu nạn của nhiễm ô không khí tới từ các nhà máy nhiệt điện than, trong họa cảnh chung của Tàu tặc cướp đất, biển, đảo của Việt tộc.
Lương tri lao động không hề rời lương tri của dân tộc về nhân lực, đã không được tập-hợp bạo quyền, tà quyền, ma quyền đánh giá là nguyên khí quốc gia, với sự tin tưởng vào thông minh Việt, sáng tạo Việt, mà đã bị tồi tục hóa trong chính sách xuất khẩu lao động để chúng vơ vét tiếp bằng các đường dây buôn người lao động với thực chất là biến con dân Việt thành lao nô, thành nô tỳ cho các quốc gia láng giềng. Lương tri lao động làm nên sáng tạo lao động không hề hiện diện trong não trạng của bọn âm binh này !
Công lý lao động
Phạm trù công lý lao động để giải quyết không những công bằng phải có mặt trong xã hội, mà phải hiện diện ngay trong lao động. Tập-hợp bạo quyền, tà quyền, ma quyền với địa thế ngồi mát ăn bát vàng, với tư thế ăn cỗ đi trước lội nước đi sau ; từ mượn gió độc đảng mà bẻ măng trong thiên nhiên, cướp tài nguyên, với tục thế cốc mò cò ăn, chính là bất công của bất công, nên công lý bảo vệ nhân vị vì nhân phẩm trong lao động phải xuất hiện bằng công pháp biết làm ra công luật để xét và xử bọn cướp ngày là quan này. Từ thảm cảnh của Việt Nam hiện nay, hãy phải nhìn rộng ra những tai họa trong suốt quá trình công nghiệp hóa của ba thế kỷ qua :
h Biến tổ chức lao động thành tổ chức xã hội, nơi mà con người luôn là công cụ của tổ chức chính trị với hệ ý (ý định, ý muốn, ý đồ) làm nên ý lực biến nhân lực thành công cụ mà không tôn trọng nhân phẩm của kẻ lao động.
h Đưa chủ thuyết Tylor nơi mà con người là công cụ của nhà máy vào ý đồ của Lenin là biến nhân lực của nguồn máy độc đảng thành công trường để áp đặt lên toàn xã hội với một kỷ luật quân sự toàn trị bất nhân thất đức.
Từ đây, chúng ta cũng không được quên những lầm đường lạc lối của chính các lý thuyết gia, các tư tưởng gia chính là các tác giả lớn trong hệ thống học thuật của khoa học xã hội và nhân văn khi họ nghiên cứu về quan hệ giữa con người, xã hội, và lao động :
h Tổ sư của xã hội học cận đại là Durkheim đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là một vật thể (chose)
h Tổ sư của xã hội học đương đại là Bourdieu đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là một phân tử (particule) trong một không gian nam châm.
h Tổ sư của nhân học cận đại và đương đại là Levi-Strauss đề nghị khi nghiên cứu về quan hệ con người-xã hội-lao động, thì hãy xem con người là côn trùng (insecte) trong một cấu trúc chung nơi mà cơ cấu quyết định cho số phận của cá nhân.
Khuyết điểm của các luận thuyết này làm nên khuyết tật của các chủ thuyết mà họ đề ra, nơi mà các lý thuyết gia, các tư tưởng gia này không những mượn hình tượng của vật thể vô tri kiểu Durkheim, của vật thể vô giác kiểu Bourdieu, của tiểu sinh vật vô cảm kiểu Levi-Strausse để làm biểu tượng mà dựng lên hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) không nhân lý cũng không nhân tính, không nhân bản cũng không nhân văn… Khuyết điểm thành khuyết tật ngay trong hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức) của các trí thức này tác động thẳng lên nhân trí, luôn yêu cầu chúng ta phải cẩn thận trong tri thức để cẩn trọng trong nhân tri. Trong một thế chế thực sự dân chủ để bảo vệ nhân quyền, thì công lý lao động phải có mặt ngay trong công bằng lao động qua :
h Tổ chức trong lao động bằng hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức, tỉnh thức).
h Hành tác trong lao động bằng hệ tự (tự do, tự trọng, tự chủ, tự tin).
h Phân công trong lao động bằng hệ chuyên (chuyên khoa, chuyên ngành, chuyên môn, chuyên nghiệp).
h Thành quả trong lao động bằng hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng lập, sáng tạo).
Nhưng tri thức lao động làm nên thành quả lao động có hiệu quả kinh tế, được hỗ trợ bởi khoa học kỹ thuật, trong đó sáng tạo lao động có mặt trong thị trường qua cung và cầu, ở ngoài phạm vi quyền lực của chính quyền và chính quyền chỉ có vai trò làm trọng tài khi bất công trong lao động xuất hiện. Khi chính quyền trở thành trọng tài thì chính quyền này phải được bảo chứng bởi luật lao động, được trợ lực bởi luật xã hội với các tiền đề :
h thành quả lao động không phải là hàng hóa với giá cả nhất định
h vai trò con người trong lao động không phải hàng hóa để trả giá, để mặc cả
h thị trường lao động không thuần túy là thị trường hàng hóa.
Công lý lao động trong điều kiện công nghiệp cơ giới hóa không còn là công lý lao động trong điều kiện công nghệ truyền thông hiện nay với khả năng vi tính biết có phản ứng phản hồi để thích ứng môi trường, bối cảnh, hiện trạng của xã hội. Kỷ nguyên công nghệ truyền thông có khả năng vi tính có phản ứng, biết phản hồi để thích ứng với nhiều hoàn cảnh, từ chứng khoán tới đầu tư, từ sản suất tới tiêu dùng bắt buộc chúng ta phải linh động trong chuyển luận về công lý lao động… Tại đây công lý lao động trong bối cảnh công nghệ truyền thông, cũng vẫn bị điều khiển bởi quyền lực của lượng, nơi mà số lượng đẩy lui chất lượng, để chất phải lùi để nhường chỗ cho lượng, từ đó ra đời xã hội tiêu thụ bằng sản suất bằng lượng. Nơi mà chỉ tiêu sản xuất quyết định cường độ lao động, tất cả phải phục tùng định lượng trong hiệu quả và kết quả lao động.
Chính sức ép của sản lượng, áp đặp lên hiệu quả, hiệu năng của lao động đã cho xuất hiện những hiện tượng trầm cảm, tự tử, với tầng số tai nạn lao động cao, theo cùng với những hậu quả về tâm lý, những hậu nạn về nhân phẩm. Chính tại đây, công lý lao động phải tiếp tục những phương án, phương pháp mới để bảo đảm lao động có nhân tính, để bảo hộ người lao động không là nạn nhân của tổ chức lao động, phân công lao động luôn dựa trên sản lượng lao động. Bảo đảm lao động vừa bằng luật lao động vừa bằng luật xã hội, vừa bằng bảo hiểm lao động vừa bằng bảo hiểm xã hội. Công lý lao động phải biết tương đối hóa sản lượng, để vào thực chất của phẩm, để biết nhận ra tác phẩm của sáng tạo lao động, tự đó biết được hoài bão của nhân phẩm, hoài vọng của nhân tri, nơi mà nhân trí đã vượt thoát số lượng, để vượt.
Nghề-nghệ-nghiệp
Từ khi xã hội học ra đời thì chuyên nghành xã hội học lao động đã là một trong những cột trụ trung tâm để tìm hiểu sự vận hành của xã hội. Xã hội học lao động đã trợ lực cho xã hội học tổng quát, từ điền dã tới điều tra, từ khảo sát tới phân tích, từ giải thích kết quả nghiên cứu tới giải luận các khuynh hướng chủ đạo của xã hội. Xã hội học lao động luôn trợ sức cho xã hội học giáo dục, xã hội học văn hóa, xã hội học di dân, xã hội học nhập cư, xã hội học kinh tế, xã hội học chính trị hiểu thêm để hiểu sâu về đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội. Khi diễn luận về lao động sáng tạo, nơi mà kết quả của lao động vừa có khả năng làm ra sản phẩm, vừa có tài năng làm ra tác phẩm, thì xã hội học lao động đã nhận diện được nhân diện bằng hệ chuyên (chuyên khoa, chuyên ngành, chuyên môn, chuyên nghiệp), để nhận ra được nhân dạng bằng hệ sáng (sáng kiến, sáng chế, sáng lập, sáng tạo), để nhận rõ được nhân cách làm nên nhân phẩm bằng hệ thông (thông minh, thông thạo, thông thái) của con người lao động.
Khi ta đưa luận đề tri thức lao động vào phân tích và giải thích các quá trình lao động là để kiểm chứng bản chất của lao động là sự thao tác qua tổng hợp của hệ thức (ý thức, kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức).Từ đó nhận ra được tri thức cần lao vừa là giáo lý lao động của tổ tiên để lại, vừa là đạo lý lao động của chủ thể trách nhiệm về lao động của chính mình. Tại đây ta giải luận được chính tri thức cần lao là thượng nguồn của thành công của nghề, thành tựu của nghệ, thành đạt của nghiệp. Phạm trù nghề-nghệ-nghiệp là không gian và thời gian của nhân kiếp, của một đời người, có đạo đức lao động nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, có thực trạng sinh nghề tử nghiệp, vì nghề-nghệ-nghiệp luôn song hành với thử thách với thăng trầm của đời người, nghề-nghệ-nghiệp như hình với bóng cùng cuộc đời giúp chủ thể lao động nhân ra nhân loại, nhân sinh, nhân kiếp là ba phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Sống trong cùng một nhân loại nhưng người có tri thức cần lao thức khuya dậy sớm, mà trong ngạn ngữ phương Tây đặt tên là những kẻ biết dậy sớm, dậy sớm trước người khác, biết luôn cả dậy sớm trước ngày, trước cả bình minh. Tri thức cần lao thức khuya dậy sớm làm nên đạo lý cần cù của một nắng hai sương, đây là hai chỉ báo dụng nhân tri để nhận ra nhân cách làm nên nhân phẩm ngay trong cần lao, khác hẳn với loài ngồi mát ăn bát vàng, khôn lanh kiểu chờ sung rụng là khôn ngoa của nhớt thây dày cốt, chúng lúc nhúc trong ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Khôn lanh và khôn ngoa không hề là khôn ngoan của công bằng trong lao động làm nên công lý trong thành quả lao động ; khôn lanh và khôn ngoa chọn bạo quyền lãnh đạo để gian trá trong tà quyền của tham quan, lấy tham nhũng và tham ô để cùng tham tiền với bọn ma quyền của "sân sau", của "chống lưng", của "ô dù"…
Ngược lại, khôn ngoan luôn đứng về phía ánh sáng của có làm mới có ăn, song hành với sự thật của muốn ăn thì lăn vô bếp, để không phải rơi vào nhục kiếp miệng đói đầu gối phải bò. Định lý của khôn ngoan trợ duyên cho công lý trong lao động quang minh chính đại trong hành tác lao động danh chính ngôn thuận ngay trong lao tác nghề nghiệp ; nó ngược lại với bọn ăn vụng, ăn lén, ăn chui, ăn quỵt, ăn giựt… của khôn lanh và khôn ngoa đứng về phía bóng tối của âm binh, tà kiếp trong ma lộ của ăn không ngồi rồi, chúng là ký sinh trùng mượn bóng tối để bòn rút máu, xương, tủy của đồng bào, đồng loại.
Khi ta nhận ra được sự đối kháng toàn diện giữa sáng tạo trong lao động ngược với liên minh âm binh của quan hệ-tiền tệ-hậu duệ, là chúng ta đã nhận ra được liên minh của bạo quyền-tà quyền-ma quyền đã, đang, sẽ tiếp tục diệt trí tuệ. Giết trí tuệ trong lao động là giết được tuệ giác của đạo lý cần lao. Đây là thảm họa của lao động Việt hiện nay nơi mà trí tuệ lao động có hệ chuyên (chuyên khoa, chuyên nghành, chuyên môn, chuyên nghiệp), luôn song hành cùng hệ tự (tự do, tự trọng, tự chủ, tự tin) đã bị thiêu hủy ngay thượng nguồn bởi lao động giả (học giả-thi giả-điểm giả-bằng giả) để tuệ giác cần lao bị thiêu rụi ngay hạ nguồn bởi mua bằng bán cấp trong mua chức bán quyền.
Nên chủ đề nhận thức về cần lao luôn ngược lý, ngược luận, ngược chiều với mọi độc tài toàn trị để độc trị, trong thảm trạng lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam : độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không biết quản trị lao động. Tại đây, chúng ta dùng những chỉ báo của luật lao động biết bảo vệ người lao động từ huấn nghiệp tới hưu trí… của luật xã hội với bảo hiểm xã hội như là trình độ của văn minh dân chủ, của văn hiến nhân quyền, với quy chế lao động nhân đạo, với công lý lao động. Từ đây ta sẽ nhận ra bản chất của chế độ độc đảng hiện nay tại Việt Nam, độc tài nhưng bất tài, độc trị nhưng không biết quản trị để hiểu sâu bằng biểu tượng : một trời một vực, nơi mà mức độ làm nên trình độ, nơi mà láng giềng gần xa của Việt Nam đang ở giữa trời, thì Việt tộc hiện nay đang nằm dưới vực !
Lê Hữu Khóa
(11/05/2020)
---------------------
- Giáo sư Đại học Lille
- Giám đốc Anthropol-Asie
- Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á
- Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCOLiên Hiệp Quốc
- Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris
- Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á
- Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN-trang thầy Khóa.