Hành trình 8 năm của Nhóm Cánh Buồm
Ngày 26 tháng 11 năm 2009 Cánh Buồm ra mắt dè dặt, rụt rè, sơ sài nhân cuộc Hội thảo Hiểu Trẻ em–Dạy Trẻ em giới thiệu cuốn sách Hợp lưu các dòng Tâm lý học Giáo dục.
Nhà giáo Toàn và các bạn đồng hành với Cánh Buồm. Ảnh : Hiệu Minh
Quen gọi là "nhóm Cánh Buồm" nhưng nó không phải là một tổ chức – nó là một tư duy và là một cách tư duy khác về Giáo dục. Nếu nghĩ đến sinh lợi từ "tổ chức", Cánh Buồm sẽ sớm rời bỏ công việc.
Cánh Buồm cùng nhau làm cho một tư duy Giáo dục khác hiện rõ dần qua những bộ sách giáo khoa đủ sức tham gia vào việc tổ chức thực tiễn Giáo dục lên ngang tầm đòi hỏi của lý thuyết.
Công việc đó tiến hành dần dần và hoàn thiện dần trong thực tiễn Giáo dục. Các tên gọi Hội thảo thay đổi mỗi năm cho thấy sự trưởng thành chậm chạp đó trong thực tiễn Giáo dục tám năm qua.
- Hiểu Trẻ em–Dạy Trẻ em (2009),
- Chào Lớp Một (2010),
- Tự học–Tự giáo dục (2011),
- Em biết cách học (2012),
- Cánh buồm ra khơi–Thời đại Internet (2013),
- Cao hơn xa hơn và dễ tự học (2014),
- Hành trình trí tuệ–Từ mầm non đến lớp 9 (2016),
- và các cuộc hội thảo tiếp tục tìm hiểu trẻ em qua các tác phẩm của Jean Piaget, Howard Gardner (2014, 2015, 2016, 2017).
Và năm nay Hành trình 8 năm Cánh Buồm tự tổng kết những gì và gửi gắm những gì tới xã hội ?
1. Một tư duy giáo dục khác
Trong tám năm, Cánh Buồm đã phát biểu cái tư duy giáo dục khác của mình bằng những việc làm cụ thể.
Cánh Buồm nói mình chỉ là một cách tư duy khác, vì tôn trọng những cách tư duy khác nữa của những tác giả khác.
Cánh Buồm "phản biện" bằng việc làm, qua đó cũng tự kiểm tra và tự hoàn thiện phương án của chính mình.
Cánh Buồm nói một tư duy khác chứ không nói một tư duy đổi mới. Đổi mới giáo dục sẽ diễn ra cùng với sự trưởng thành của trẻ em – một công việc dài lâu qua rất nhiều thế hệ, có khi dài lâu cả trăm năm hoặc hơn, chứ không chỉ qua một thời gian tính trước của một dự án.
Cánh Buồm do đó chỉ tập trung nghiên cứu một đối tượng bất biến là Trẻ em. Cánh Buồm nghiên cứu việc tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên.
Sự trưởng thành đó mang tính biến động – trình độ trưởng thành năm chục năm sau, một trăm năm sau sẽ khác hẳn trình độ trưởng thành hôm nay.
Sự trưởng thành của học sinh lại cần được nuôi dưỡng trong một không gian văn hóa. Một nền văn hóa đang cần tổ chức lại khó chẳng kém gì trồng rừng và giữ rừng. Để có một tâm hồn Việt Nam trong hơi thở từng gia đình là mảnh đất màu cho việc trồng người !
2. Tổ chức con đường trưởng thành
Có hai cách tổ chức con đường trưởng thành của thanh thiếu niên.
Một cách là đưa ra những lời khuyên tốt đẹp kèm theo những tiêu chí để thanh thiếu niên phấn đấu.
Cách thứ hai là đưa cho thanh thiếu niên những phương tiện để các em tự trở nên những thanh thiếu niên trưởng thành.
Con đường trưởng thành thứ hai này diễn ra cùng các em ít nhất trong 9 năm học trường phổ thông. Hết 9 năm học, các em sẽ mang theo trình độ trưởng thành của mình để trưởng thành tiếp trên con đường tự chọn, ở nơi lao động, ở nơi học nghề, hoặc ở khoa dự bị của một trường nghề bậc cao, vẫn gọi bằng đại học.
Cách thứ hai này hoàn toàn do nhà trường đảm trách, không chia sẻ trách nhiệm với ai – đúng sai, tốt xấu, thành bại, tất cả do nhà trường quyết định.
Tóm lại, đó là tổ chức con đường trưởng thành của thanh thiếu niên thông qua phương thức nhà trường – phương thức đó diễn ra thông qua các môn học, các bài học và qua các tiết học.
Phương thức đó không nhằm đem đến cho thanh thiếu niên những cái đầu đầy ắp kiến thức, mà đem tới mỗi em một cái đầu có tổ chức – cái đầu của tư duy người.
Cái đầu mang tư duy người đó sẽ giúp thanh thiếu niên ngay từ ghế nhà trường đã biết sống tự lập, với một tinh thần trách nhiệm và một tâm hồn phong phú.
3. Học phương pháp học
Con đường tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên đi qua phương thức nhà trường, và là trường phổ thông bình thường cho mọi em nhỏ bình thường, kể từ khi em nhỏ tròn 6 tuổi theo luật định và về tâm lý thì đã đủ chín để mong đợi được đến trường.
Đến trường để học, nhưng học như thế nào mới là điều quan trọng. Chắc chắn không thể học như sách Quốc văn giáo khoa thư đã dạy.
"Tôi đi học. Năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không còn chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé. Tôi đi học. Tôi học đọc, học viết, học tính, học vẽ và nhiều khoa học khác nữa. Tôi cố tôi học. Tôi chăm tôi học. Học sao cho mau tấn tới, cho "văn hay chữ tốt", cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng".
(Bài "Tôi đi học")
Tư duy giáo dục Cánh Buồm chỉ thay đổi một việc nhỏ như sau : đến trường là để học phương pháp học để sau đó, suốt những năm ở các bậc học từ thấp đến cao, cho tới khi vào đời làm những công việc khác nhau, giữ những cương vị khác nhau, sẽ đủ sức tiếp tục học suốt đời.
Kiến thức thì có khối lượng lớn và biến động vô tận như những cái cây mọc lên chẳng cây nào có hình thù giống cây nào. Phương pháp chiếm lĩnh kiến thức thì bất biến vì chỉ tập trung vào một khái niệm cây – một cho tất cả.
Mong ước từ muôn đời "học một biết mười" sẽ chỉ là khẩu hiệu, nhưng chiếm lĩnh được một khái niệm thì rất có thể tự nắm bắt mười vật liệu có cùng bản chất với khái niệm đã nắm bắt.
Các bộ sách Cánh Buồm thể hiện quan điểm đó như thế nào ?
4. Phương pháp dạy học Cánh Buồm
Cuối cùng, vẫn là câu hỏi đúc kết vậy phương pháp Cánh Buồm là gì ? Cách Dạy học của Cánh Buồm được gói trước hết trong khái niệm gốc về nhiệm vụ của người giáo viên : Dạy học là tổ chức việc tự học của học sinh.
Khái niệm gốc đó dẫn tới cách hiểu khác đi với những khái niệm quen thuộc : Môn học, Bài học và Tiết học.
Thực tại thì lộn xộn muôn hình muôn vẻ. Để giúp học sinh khám phá thực tại, các nhà sư phạm định ra khái niệm Môn học. Mỗi môn học chắt lọc những yếu tố bản chất nhất của thực tại đã có từ hàng triệu năm để đưa cho học sinh chiếm lĩnh trong thời gian hữu hạn một học kỳ, một năm học, một cấp học… có khi là một tiết học, tiết hình thành khái niệm.
Mỗi môn học có sự sống riêng. Phương pháp học nằm trong việc người học đi vào sự sống riêng mang tính bản chất của sự vật đã thu lại trong môn học.
Việc khám phá bản chất của sự vật thuần túy là công việc của nhà bác học về đối tượng đó. Phương pháp học của học sinh bao hàm bản chất sự vật cộng với mục đích học hành dụng của đời mình.
Nhà bác học nghiên cứu Ngôn ngữ chỉ để khám phá sự sống riêng của ngôn ngữ đó là Ngôn ngữ học – học sinh đi theo con đường Ngôn ngữ học để hoạt động ngôn ngữ của mình trong cuộc sống được chân xác, phong phú, có nhiều cách dùng vốn từ đồng nghĩa cùng những biểu đạt đồng nghĩa.
Nhà bác học nghiên cứu rung động thẩm mỹ để khám phá sự sống riêng của nghệ thuật và tạo thành khoa Văn học hoặc các bộ môn Ngôn ngữ nghệ thuật – học sinh đi theo con đường khám phá những cách biểu đạt nghệ thuật để làm phong phú cho cuộc đời mình trong một tâm hồn đầy rung cảm nghệ thuật.
Thừa kế từ Công nghệ Giáo dục, Cánh Buồm tổ chức cho người học đi lại con đường nhà khoa học và nhà sáng tạo nghệ thuật đã đi để chính mình "khám phá lại" khoa học và nghệ thuật thuần khiết. Người học khi đó được sống thực như chính mình là một nhà khoa học hoặc một nghệ sĩ – thay cho vai trò nhại lại những "kết luận khoa học" hoặc những "tác phẩm tiêu biểu" (!).
5. Một vài minh họa
Cuộc Hội thảo năm 2017 này giới thiệu ba bộ sách mới hoàn thiện : Tiếng Anh, Lối sống,Khoa học. Vì vậy, xin phép giải thích việc áp dụng khái niệm dạy học Cánh Buồm vào ba bộ sách vừa nói.
Sách Tiếng Việt và sách Văn từ lớp 1 đến lớp 9 đã nhiều lần giới thiệu và mổ xẻ. Lần này xin đi vào ba bộ sách mới để minh họa cho rõ một vài khái niệm Dạy học sẽ được nhận rõ hơn qua mỗi môn học.
Để mở đầu, ngay khái niệm dạy học cũng đã thay đổi. Nó đã thành công việc tổ chức việc Học của giáo viên, thay cho những điều giảng giải tùy thích và tùy tiện của người chiếm lĩnh được bục giảng.
5.1 Môn Tiếng Anh
Nhiệm vụ (hoặc mục đích) của bộ sách Tiếng Anh cho 5 lớp bậc Tiểu học của Cánh Buồm là cung cấp một công cụ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để người học có thể thâm nhập vào một nền văn hóa xa lạ phục vụ cho mục đích sống riêng của mình.
Quy trình tổ chức việc học ngoại ngữ đó diễn ra như sau. Người học phải làm ra bộ công cụ và sau đó đem dùng công cụ đó – tương tự như làm ra con dao và dùng con dao. Quá trình dùng bộ công cụ sẽ củng cố và giúp cho công cụ được sắc bén dần lên. Quy trình đó diễn ra như sau :
Lớp 1 – Âm và từ. Công cụ ngoại ngữ nhất thiết phải bắt đầu bằng phát âm. Việc phát các âm được gửi trong những từ. Vậy là giai đoạn đầu tiên làm ra "con dao tiếng Anh" đối với người Việt sẽ gồm có việc tập phát âm và sửa chữa những khuyết tật do đã quen tiếng nói đơn âm tiết và âm cuối khép lại. Tập 1 Tiếng Anh vừa luyện giọng cho học sinh vừa yêu cầu các em ghi nhớ chừng 300 từ.
Lớp 2 – Từ loại và Từ vựng. Công cụ phát âm cần được củng cố thêm với việc mở rộng các cách cấu tạo từ tiếng Anh và giúp học sinh mở rộng vốn từ. Những câu nói đơn giản lúc này được học bằng kinh nghiệm nhằm phục vụ cho việc luyện phát âm và mở rộng vốn từ.
Lớp 3 – Từ Câu Văn bản. Qua Lớp 1 và Lớp 2, việc tạo công cụ ngoại ngữ đã đi được một đoạn đường. Lớp 3 là giai đoạn hoàn thiện "con dao" : dùng vốn từ vựng vừa đủ để tạo các loại câu và dùng vào các loại văn bản khác nhau.
Lớp 4 – Tìm hiểu nền văn hóa Anh. Lõi của lớp này là những văn bản về văn hóa Anh, từ lịch sử, địa lý, đến cuộc sống văn minh đương đại của người Anh.
Lớp 5 – Tìm hiểu nền văn hóa Anh ngữ. Lõi của lớp này là những văn bản về văn hóa các quốc gia nói tiếng Anh. Đó là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Ấn Độ, v.v…
Nguyện vọng của Cánh Buồm trong bộ sách ngoại ngữ này là phổ biến một tư duy khác nhằm giúp các vùng còn nghèo khó, thiếu thốn (kể từ các trung tâm văn hóa lớn đến các vùng sâu vùng xa).
Sao cho người thiếu thốn bớt tủi và thêm tự tin trong việc tự mình có được một công cụ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để có thể thâm nhập vào một nền văn hóa xa lạ phục vụ cho mục đích riêng của mình.
5.2 Môn Lối sống
Nhiệm vụ (hoặc mục đích) của bộ sách Lối sống cho 5 lớp bậc Tiểu học của Cánh Buồm là cung cấp một tư duy và nếp sống đồng thuận cho người Việt Nam bắt đầu từ tuổi lên sáu.
Một lối sống mới cho trẻ em được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Đó là học để biết cùng tìm cách sống hòa hợp giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Đó cũng là lối sống hằng ngày, ngay ngày hôm nay, từ lớp Một, và ý thức sống đó sẽ có tác động tới lối sống của nhiều đời trong mai sau.
Chương trình học được phân bố theo các chủ đề như sau :
Lớp 1 – Cá nhân (ý thức sống tự lập – tự phục vụ. Tự lập là mặt tinh thần, còn tự phục vụ là mặt vật chất).
Lớp 2 – Cộng đồng (Nguyên lý sống đồng thuận thể hiện rõ nhất ở lối sống của con người trong cộng đồng ; và đồng thuận là (a) cùng lao động, (b) cùng tôn trọng giá trị văn hóa – tinh thần của nhau, (c) cùng tháo ngòi xung đột).
Lớp 3 – Gia đình (Nguyên lý ba yếu tố sống đồng thuận áp dụng vào cộng đồng gia đình để sống hạnh phúc và biết xử lý khi hạnh phúc gia đình bị đe dọa).
Lớp 4 – Tổ quốc (Nguyên lý ba yếu tố sống đồng thuận áp dụng vào cộng đồng quốc gia-dân tộc : học sống đồng thuận trong một dân tộc ở đó em có những đồng bào ; và sống đồng thuận trong một quốc gia ở đó có những ràng buộc bằng luật pháp).
Lớp 5 – Nhân loại (Nguyên lý ba yếu tố sống đồng thuận áp dụng trong cộng đồng loài người văn minh đang phải cùng học lối sống văn minh hơn để tránh bị tuyệt diệt).
Nguyện vọng của Cánh Buồm trong bộ sách Lối sống này là được thấy học sinh thanh thiếu niên thực sự có một nếp sống đồng thuận, như cái mẫu của con người hôm nay cho con người mai sau.
5.3 Môn Khoa học
Nhiệm vụ (hoặc mục đích) học môn Khoa học ở nhà trường phổ thông là giáo dục trẻ em biết cách làm việc theo lối thực nghiệm và nhờ đó mà có tư duy thực chứng.
Tư duy thực chứng là cách suy nghĩ và xét đoán của người chỉ tin vào cái thực. Con người sống trong cái thực, hưởng thụ cái thực, nghiên cứu để làm ra cái thực. Tư duy thực chứng giúp con người chỉ tin vào cái có thực, cái có thực do mình làm ra được, cái có thực do người khác tạo ra được, không có đầu óc viển vông, mê tín quàng xiên.
Tư duy thực chứng vô cùng cần thiết cho con người trưởng thành và ngày càng phát triển trong lao động, trong học tập, và trong lối sống cả cuộc đời mình.
Theo lý tưởng đó, chương trình bộ môn Khoa học sư phạm của nhóm Cánh Buồm như sau.
Lớp 1 – Cách học môn Khoa học. Học sinh ngay từ bậc Tiểu học đã không học những thứ vẫn thường được gọi bằng "Khoa học thường thức". Các em cần học cách thức nhà bác học đi vào sự vật, mà ở bậc Tiểu học, đó là công việc quan sát và cảm nhận để từ đó tự đề ra điều cần giải đáp qua thực nghiệm.
Lớp 2 – Tự nhiên. Học sinh đem năng lực nghiên cứu đã có từ Lớp 1 để xem xét giới tự nhiên, và phân biệt được tự nhiên và văn hóa – tự nhiên như là mọi thứ "Giời đất sinh ra" và văn hóa như là mọi thứ bàn tay con người nhúng vào tự nhiên để cái tự nhiên không còn là tự nhiên hoang dã.
Lớp 3 – Thực vật và Lớp 4 – Động vật. Học sinh đi sâu vào hai giới Thực vật và Động vật như những bài "luyện tập mở rộng" để thêm hiểu và yêu quý thế giới tự nhiên đa dạng, phong phú.
Lớp 5 – Người. Đây là đích đến của cả 5 năm học Khoa học bậc Tiểu học. Con người như một động vật đặc biệt, ngoài cái năng lực tự do trong không gian còn có năng lực đặc biệt mà sách Cánh Buồm gọi bằng Tâm linh người – một sự Tự do trong Thời gian, cái thực tại buộc mỗi con người sống có ý thức người, vì nó kéo dài sự sống của cá thể mình trong Thời gian.
Nguyện vọng của Cánh Buồm trong bộ sách Khoa học này là được thấy những thanh thiếu niên tự tin, không mê tín, vững bước trên đường đời.
6. Khái niệm sách giáo khoa
Các nội dung sách giáo khoa như được nói đến bên trên vẫn chỉ tạo ra những cuốn sách giáo khoa chết. Chúng nằm chết trên giá sách, chết đẹp như nàng công chúa ngủ chờ trong Rừng.
Sách giáo khoa tốt nhất vẫn chỉ là biên bản cho trước của những tiết học, của từng tiết học, mỗi tiết học ngắn ngủi nhưng qua đó giáo viên và học sinh cùng làm ra cuốn sách giáo khoa sống của mình.
Trí tuệ do Giáo dục giúp học sinh tạo dựng không là những cái đầu đầy ắp thứ quen gọi là "kiến thức". Trí tuệ quan trọng nhất do nhà trường đem lại cho học sinh là cách tìm đến tri thức. Gọi nôm là cách học.
Cách học ở trường có thể đi theo hai cách : cách theo chủ nghĩa kinh nghiệm, như người từ thượng cổ vẫn tiến hành theo lối "trực quan sinh động".
Nhà trường không đủ thì giờ và không lãng phí thời giờ của trẻ em, sẽ chọn cách học của phương thức nhà trường tiến hành từ trừu tượng đến cụ thể.
Phải có "bản thiết kế" để học sinh khám phá từng bước những điều phải chiếm lĩnh để tự hình thành trí tuệ của mình. Hồ Ngọc Đại gọi đó là Công nghệ Giáo dục. Còn Jean Piaget gọi đó là thích nghi với cái mới và điều tiết cái mới "đã cũ" với cái "mới hơn" để thành "cái mới mới" cho bản thân mình.
Và xin nhắc lại, từng bước nhỏ trong cả tiến trình được diễn ra trong tiết học – trong thời gian vàng bạc đó, giáo viên và học sinh cùng tìm ra cái mới – đó là sách giáo khoa sống để nếu đối chiếu với sách giáo khoa chết hoặc những biên bản cho trước cả thầy và trò đều thấy mình có thể bổ sung cho những tác giả giáo khoa uyên bác.
Tuy nói vậy, nhưng những cuốn sách giáo khoa còn ở dạng "chết" cũng phải được viết một cách công phu – phải chính xác về khoa học, phải hợp lý về hệ thống, và phải tinh tế, thân tình và có duyên trong biểu đạt.
Theo cách học thành quy trình chặt chẽ đó, nhà trường phổ thông hoàn toàn có thể loại bỏ tất cả các cuộc kiểm tra, thi cử, kể cả kỳ thi tốt nghiệp với mọi sáng kiến quý báu một trong hai hoặc hai trong một.
Đôi điều kết luận
Tám năm hành trình Cánh Buồm đã được kể lại mà không thấy một trích dẫn "lý luận" hoặc "khoa học" nào !
Thật đáng ngờ ! Hoặc thật đáng tin cậy !
Cả hai thái độ, ngờ vực tính khoa học và tin cậy ở lập luận và kết quả thực tiễn, đều có thể đúng như nhau.
Cánh Buồm không chia sẻ lợi ích với cả phe ngờ vực lẫn phe ủng hộ.
Người thầy vĩ đại của Cánh Buồm là các em nhỏ ngay ngày hôm nay và ngay ở chỗ này trên mảnh đất Việt Nam thương yêu.
Chân lý nằm trong tư duy vì Trẻ em do nhà giáo thực sự đồng hành cùng Trẻ em, để tổ chức sự trưởng thành của trẻ em do Trẻ em tiến hành theo bản thiết kế chết ban đầu.
Bản thiết kế đó sẽ chết ngóm không gì biện bạch nổi nếu bị Trẻ em khước từ – các em ngại học, các em chán học, các em không thích học, thậm chí các em chống lại việc học "để có tương lai tươi sáng".
Dẫu sao, Cánh Buồm vẫn thấy cần ngỏ lời cảm ơn một người, giáo sư Hồ Ngọc Đại với những gợi ý kích thích từ khi vào năm học 1978-1979 ông đã đòi dỡ ra làm lại từ đầu chính cái nền Giáo dục đã đem lại cho ông học vị cao quý.
Đến lượt mình, Cánh Buồm gửi lại cho Tổ quốc và Dân tộc một tư duy Giáo dục khác cùng với một vài khái niệm khác đối với công việc Dạy học.
Di sản quan trọng nhất cho cuộc đời thực là ở một tư duy và những khái niệm.
Thế hệ tương lai sẽ có thái độ riêng với di sản đó phù hợp với các giai đoạn phát triển của Đời, của Thời, và của Người.
Hà Nội, 15 tháng 12 năm 2017
Phạm Toàn
**********************
Vài suy nghĩ về "Cánh Buồm"
Nguyễn Hải Hoành, 22/12/2017
Nhà giáo Phạm Toàn và trẻ em lớp 1. Nguồn : Phạm Toàn
Điều đáng nói hơn cả
Khi nói về nhóm cải cách giáo dục Cánh Buồm, người ta thường chú ý nhiều tới các bộ sách giáo khoa nhóm đã biên soạn và xuất bản trong hoàn cảnh khó khăn hoàn toàn không được dùng tiền ngân sách Nhà nước. Quả thật đây là một thành tích cụ thể mang ý nghĩa đạo đức và có thể thấy ngay của Cánh Buồm. Nhưng có lẽ chúng ta nên quan tâm hơn tới những công trạng khó định lượng được của nhóm này, đây mới là cái quý nhất.
Đầu tiên cần nói tới tinh thần dũng cảm của nhóm Cánh Buồm, trước hết là của "Thuyền trưởng" Phạm Toàn. Bao năm nay xã hội ta phàn nàn về chất lượng giáo dục, đòi hỏi cải cách giáo dục. Người nói thì nhiều, người làm thì ít, làm được lại càng ít. Nhà nước cũng đã chi không ít tiền của để cải cách giáo dục, nhưng chẳng "cải" được bao nhiêu, thậm chí còn bị chê nhiều hơn. Đó là vì cải cách giáo dục rất khó, nhất là giáo dục phổ thông, một công việc "quá khó, rất ít người đủ trình độ và đủ tấm lòng để làm", như nhận xét của anh Phạm Toàn. Thế mà nhóm Cánh Buồm chỉ có "một con gà trống già U80 và mấy con gà nhép" dám tự tay làm cải cách giáo dục với tinh thần "tay không bắt giặc". Thật là dũng cảm !
Không chỉ nói, chỉ hô hào hoặc thuyết giảng suông, mà Cánh Buồm chủ trương làm ngay ra sản phẩm cụ thể, "làm cái gì đó trực quan để xã hội thấy và xem xét". Nhóm đã nghiên cứu xác định chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, biên soạn sách giáo khoa, tất cả đều theo tinh thần sáng tạo mới, và đã tổ chức thực nghiệm tại một số trường, thu được kết quả mong muốn. Rõ ràng phải dũng cảm liều mình dấn thân lắm mới làm được như vậy, nhất là trong tình hình phía "quan phương" hầu như cố ý phớt lờ các hoạt động của Cánh Buồm (trừ lần "rút thẻ vàng" với trường Nguyễn Văn Huyên).
Ai cũng biết, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực thiết thân nhất với đời sống của đông đảo người dân trong một xã hội hiện đại. Cũng vì thế hai lĩnh vực ấy được mọi người quan tâm nhất, theo dõi sát sao nhất và dễ bị phàn nàn chê trách nhất, ở bất cứ nước nào cũng vậy, đặc biệt ở những nước chính quyền quản lý tất cả mọi lĩnh vực đời sống của dân. Tại các nước mà chính quyền không quản lý toàn diện như vậy, xã hội công dân [xã hội công dân, chúng tôi tránh dùng từ xã hội dân sự vì lý do mọi người đã biết] được dịp phát triển mạnh, người dân chủ động lo liệu việc giáo dục con em mình qua hệ thống trường tư (thường là được nhà nước hỗ trợ). Ở ta, chính quyền muốn nắm tất cả, làm tất cả, nhưng lực bất tòng tâm, chưa kể một số quan chức vừa bất lực lại vừa chẳng có "tâm" để mà "tòng". Cho nên các đợt cải cách giáo dục phổ thông đều khó đạt mục đích, thậm chí bị dư luận chê trách. Ví dụ gần đây VNEN học từ Colombia rồi mô hình giáo dục Phần Lan đều kết thúc buồn sau khi tiêu tốn khá nhiều kinh phí. Dư luận cảm thấy bế tắc. Lĩnh vực cải cách giáo dục phổ thông có quá nhiều khó khăn !
Một số nhà giáo đã dũng cảm lao vào lĩnh vực này, và họ đã bước đầu gặt hái thành công. Như thầy Văn Như Cương mở trường tư thục Lương Thế Vinh, thầy Phạm Toàn tổ chức nhóm Cánh Buồm… Có thể thấy đây là hai tổ chức của xã hội công dân mới nhen nhóm ở Việt Nam nhưng đã được dư luận đón nhận với tình cảm tốt đẹp. Lẽ tự nhiên, xã hội hiện đại nào cũng chia làm ba mảng : mảng những người nắm chính quyền, mảng những người làm kinh doanh, và mảng xã hội công dân, được hiểu là tập hợp các tổ chức tự nguyện của dân chúng nhằm bảo vệ quyền lợi của dân và làm cho xã hội ngày một tốt hơn. xã hội công dân là một tồn tại khách quan, chẳng ai cấm đoán được, xã hội công dân càng phát triển thì nhà nước càng đỡ vất vả, xã hội càng dân chủ và ổn định hơn, dân sống tốt, yêu nhà yêu nước hơn.
Điều đáng nói nữa là tính sáng tạo của Cánh Buồm. Bất cứ nhà cải cách nào trước hết cũng phải nêu ra ý tưởng cải cách của mình. Gần đây nhiều người bàn chuyện cần xác định triết lý giáo dục của nước ta. Dường như một số nhà lãnh đạo muốn chính trị hóa triết lý đó, nhằm đào tạo ra những công cụ thực hiện đường lối của họ. Thực ra triết lý giáo dục bậc phổ thông nên có tính phổ quát, bởi lẽ trẻ em toàn thế giới đều như nhau, chúng được nhận sự giáo dục để trước hết thành người biết nghĩ. Vấn đề này không hoàn toàn mới. Từ thế kỷ trước, nhà nhân loại học Margaret Mead (1901-1978) đã nói : "Trẻ em cần được dạy cách suy nghĩ chứ không phải nghĩ cái gì (Children must be taugh how to think, not what to think)". Hiểu đơn giản, trẻ em tới trường là để được "kích hoạt" bộ óc, để được suy nghĩ về những kiến thức mới chúng được thấy, được học. "Biết nghĩ" là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất đối với trẻ em bất kỳ dân tộc nào. Cách dạy quen thuộc ở ta là "Thầy nói trò nghe", trò luôn chịu sức ép phải chấp nhận một chiều mọi điều thầy dạy mà không được suy nghĩ hoặc nghi ngờ những điều đó. Cách dạy và học ấy làm cho học sinh kém hào hứng học tập và chẳng thể phát huy được năng lực tư duy.
Các phát biểu về triết lý giáo dục của Cánh Buồm hoàn toàn phù hợp quan điểm "dạy trẻ cách suy nghĩ". Nhóm đã đưa ra nhiều ý tưởng để áp dụng một cách sáng tạo quan điểm đó. Ví dụ : "Nghệ thuật giảng dạy là nghệ thuật tổ chức sự tự học", "Tự học là năng lực các nhà sư phạm hai tay dâng lên thanh thiếu niên Việt Nam", "Tổ chức các việc làm của học sinh để học sinh tự tìm đến các khái niệm, tự tạo ra các kỹ năng cần thiết", "Bậc Phổ thông cơ sở là bậc tạo nền tảng trí tuệ cho trẻ em – sau chín năm học, một trí tuệ nền tảng gồm có (a) một phương pháp học đúng đắn ; (b) một tư duy mạch lạc ; và (c) một năng lực hành dụng – hành trang và đạo lý vào đời của người thiếu niên 15-16 tuổi", "Từ lớp Một đến lớp Chín, các em được hưởng nền giáo dục phổ thông cơ sở – năm năm đầu học phương pháp học, bốn năm tiếp theo tự trau dồi kiến thức để có thể sống có ích cho mình, cho gia đình và xã hội"…
"Tự học, tự tìm hiểu, tự làm" là những kỹ năng cần thiết nhất cho sự trưởng thành của con người, chỉ khi ấy đầu óc mới được vận dụng với hiệu suất cao để học hỏi và sáng tạo. Đặc biệt trong thời nay, người biết cách tự học thì sẽ tự mình học được cực kỳ nhiều từ kho kiến thức vô tận trên mạng Internet. Bill Gates từng nói vui : Thời đại Internet thì cần gì phải tới trường nữa. Nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể tự học lấy mọi kiến thức cần thiết. Nhưng tự học là một kỹ năng, lũ trẻ cần được dạy kỹ năng đó. Bậc phổ thông là bậc dạy trẻ làm người, tức con người biết nghĩ, biết học suốt đời. Thực tế lịch sử nhân loại cho thấy, hầu hết nhân tài, thiên tài đều là người biết cách tự học, biết cách vận dụng tư duy. Tổ chức sự tự học cho trẻ là một nghệ thuật, thể hiện trong phương pháp giảng dạy. Một lần được dự cuộc hội thảo do các em lớp ba tự tổ chức theo phương pháp do Cánh Buồm đề xuất, tôi hết sức ngạc nhiên, thán phục. Mấy em được giao nhiệm vụ điều khiển hội thảo tỏ ra rất chủ động và có tự tin, sáng tạo. Tôi tin rằng cứ dạy và học theo kiểu thầy kiếm việc và giao việc cho trò tự làm thì nhất định các em sẽ có thể có đủ kỹ năng trưởng thành. Chớ nên yêu cầu các em phải đạt được những mục tiêu cao xa, trừu tượng, có tính chính trị. Trước hết hãy dạy các em trở thành một con người dần dần biết làm lấy những việc cụ thể để tự trưởng thành, trong đó có việc học.
Cánh Buồm khởi đầu việc soạn sách giáo khoa môn tiếng Việt và môn Văn là rất đúng, vì hai môn học này góp phần quan trọng nhất trau dồi năng lực tư duy cho trẻ mới lớn và tạo điều kiện cho chúng dễ tiếp thu các kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội. Trẻ mới lớn trước hết cần phải nói ra được gãy gọn ý nghĩ của mình, muốn vậy các em cần giỏi tiếng mẹ đẻ, cần biết nói và viết tiếng Việt đúng luật, rõ ý. Phạm Toàn thường nhắc các bậc phụ huynh hãy cho trẻ học giỏi tiếng Việt đã rồi mới học ngoại ngữ, chớ nên làm ngược lại.
Nỗi lo và niềm tin về Cánh Buồm
Trong suốt tám năm qua, nhóm Cánh Buồm đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những thành tích vẻ vang không ai có thể phủ nhận. Tuy vậy những người yêu mến Cánh Buồm vẫn chưa thể yên lòng, nhất là khi nghĩ tới chặng đường dài phía trước. Cải cách giáo dục là sự nghiệp lâu dài nhưng đời người thì quá ngắn. Chẳng ai có thể đoán trước những gì sẽ xảy ra trên chặng đường ấy. "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Có người sẽ nghĩ về nỗi lo lấy đâu ra kinh phí để Cánh Buồm tiếp tục hoạt động, nỗi lo liệu các nhà trường có còn cho tiếp tục thực nghiệm phương pháp và chương trình giảng dạy của Cánh Buồm hay không… Ở đây tôi muốn nói về một nỗi lo khác.
Có thể ví nhóm Cánh Buồm như một đoàn thủy thủ giương buồm đưa con thuyền ra khơi trên đại dương mênh mang sóng to gió lớn. Đoàn người ấy, con thuyền ấy không thể thiếu một nhân vật quan trọng nhất – thuyền trưởng. Không có thuyền trưởng giỏi thì con thuyền chẳng thể đi xa. Tám năm qua, nhóm Cánh Buồm may mắn được thuyền trưởng Phạm Toàn chỉ huy. Là người hết lòng tâm huyết với công cuộc cải cách giáo dục, anh đã dũng cảm một mình đứng ra tổ chức nhóm Cánh Buồm để thực hiện các ý tưởng cải cách nung nấu trong lòng mình đã mấy chục năm. Không chỉ tâm huyết cùng dũng cảm mà anh đặc biệt giỏi tổ chức công việc. Con người ấy có các tố chất đáng quý của hai tầng lớp tinh hoa xã hội – nhà giáo và nhà văn. Đứng trên bục giảng mấy chục năm, anh hiểu rõ các suy nghĩ của thanh thiếu niên học sinh và nắm vững tình hình giáo dục nước nhà. Là nhà văn, anh quan sát thế sự với con mắt phê phán, nhanh chóng thấy được các mặt tích cực và tiêu cực của sự vật. Trời cho anh một trí nhớ cực tốt và năng lực diễn đạt những điều phức tạp thành đơn giản. Thói quen chăm đọc sách giúp bộ óc anh tích trữ được một lượng kiến thức đáng ghen tị. Khi được con người tài ba và hăng say làm sự nghiệp lớn ấy đề nghị điều gì, rất ít người có thể từ chối. Cánh Buồm "tay không bắt giặc", nếu thuyền trưởng không có tài thuyết phục thiên hạ giúp sức thì sao có thể vượt qua tám năm khó khăn và đạt được những thành tích như đã thấy.
Nhưng Phạm Toàn năm nay đã 87 tuổi. Sức khỏe giảm dần không cho phép anh tiếp tục cầm lái con thuyền Cánh Buồm, tuy rằng anh có thừa nhiệt tình để làm nhiệm vụ ấy. Rõ ràng cần phải tìm được người thay thế anh. Đây có lẽ là nỗi lo của nhóm này cũng như của những người yêu quý họ. Chắc hẳn vị thuyền trưởng lão luyện họ Phạm lo hơn cả. Nhưng giờ đây con thuyền đã đi được một chặng đường khá xa, đoàn thủy thủ đã dày dạn nhiều. Tre già măng mọc. Tin rằng nhóm Cánh Buồm sẽ chọn được một người kế nghiệp xứng đáng cầm lái đưa con thuyền đi tiếp. Mong sao nỗi lo nói trên sẽ là thừa và Cánh Buồm sẽ tiếp tục băng băng lướt sóng tới bến bờ mơ ước.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn : Tiếng Dân, 23/12/2017