Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tôi bước vào phòng đấu giá Hôtel Drouot Paris để đo lòng nhiệt thành của giới sưu tầm nghệ thuật Đông Dương với tâm trạng ngổn ngang.

hamnghi1

Bức tranh đoạt mức giá cao nhất "Sous-bois au soleil couchant" 38.000 euro

Nhà Lynda Trouvé hôm 22/9/2023 đã đấu giá 255 lô hàng liên quan đến chủ đề này. Đáng chú ý trong đó có 19 bức tranh của vua Hàm Nghi được vẽ vào những năm 1909-1911.

Tôi tạm gọi đây là "giai đoạn Vichy" trong tranh ông, như tên gọi giai đoạn mang tên "Marie-Thérèse Walter" tràn ngập cảm xúc lãng mạn của danh họa Pablo Picasso.

Đơn giản đây là một cách dùng từ của tôi, không có ẩn dụ gì đến tầm vóc nghệ thuật và quan hệ giữa hai người nghệ sĩ.

Tâm trạng xao xuyến và tò mò vì tôi muốn biết về sự quan tâm của cộng đồng hải ngoại và người Việt trong nước thật sự ra sao với những giá trị nghệ thuật kể trên.

Hẳn rằng, vẫn còn cay đắng của Chế Lan Viên với việc đương đại quay lưng với lịch sử :

"Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

"Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…

Song đã xuất hiện những tốt lành, những biểu tượng thanh tao. Đó là hiện tượng những người Việt trong và ngoài nước đến những phòng đấu giá như hôm nay với hy vọng đắp bồi lại kỷ niệm mang sắc mầu quê hương, để mình được là mình khi ngắm những bức tranh, bức tượng rất "mình", tìm bến đậu nghệ thuật cho tâm hồn không phai nhạt với những xô bồ ngoại lai.

Những bức họa Vichy của vua Hàm Nghi xuất hiện lần này khá đẹp, nét vẽ nhã nhặn, tươi tắn, lãng mạn. Tôi thích bức tranh số 93 mang tên "Mặt trời lặn xuống đồng quê".

Đây là một bức đầu tiên trong hai bức tranh hiếm hoi mô tả sinh hoạt miền quê nước Pháp. Bức còn lại Hàm Nghi vẽ năm 1930, tức là đến 20 năm sau.

hamnghi2

Tấm danh thiếp với lời đề tặng viết bằng tay chưa biết là nét chữ của ai phía sau tác phẩm "Mặt trời lặn xuống đồng quê"

Đây cũng là họa phẩm tôi dự đoán sẽ được đua tranh quyết liệt nhất, vì đằng sau bức tranh còn dán chiếc danh thiếp đề tên viên tướng Henri Aubé và một dòng chữ viết bằng tay của người tặng ông bức tranh.

Hẳn là tìm hiểu sâu thêm về nét chữ đó thuộc về ai và những mối lương duyên nào trong tam giác Hàm Nghi, Henri de Gondrecourt, Henri Aubé sẽ thêm phần thú vị. Song, bức số 100 "Sous-bois au soleil couchant" (Mặt trời lặn dưới khóm cây) mới đạt kỷ lục số bán với con số 38.000 euro.

Không khí tranh đua mua tranh diễn ra với tốc độ nhanh dần, đến quyết liệt. Lô số 91 là họa phẩm đầu tiên của vua Hàm Nghi ra chào được gõ búa với giá 6.800 euro. Sau đó không còn giá này nữa. Bức tranh đánh số 92 "Ngôi nhà ven sông" có một vết mầu phai lớn trên bề mặt, là bức duy nhất không phải phong cảnh Vichy cũng chạm giá 17.000 euro. Người mua chắc là đại diện cho một người Việt trong nước được bà Lynda gọi là "quý ông đứng ở cửa" đã là người thắng cuộc. Trong sàn cũng có một phụ nữ đeo đến giá 10.000 rồi cũng không theo nổi. Bức này thẩm định với giá bèo 800-1.200 euro !

Tất cả 19 bức tranh đều được bán hết, dao động giữa giá thẩm định đến giá chung cuộc là từ 21, 20 đến 25 lần. Thậm chí, một người mua rỉ tai với tôi, lần này có nhiều lựa chọn, con số tranh lớn bất ngờ, cũng tác động làm giá xuất có phần "khiêm tốn".

So sánh với bức đầu tiên lên sàn cách đây 13 năm (24/11/2010) là bức "Déclin du jour-Chiều tà", nhà Millon bán ra 8.800 euro, ngang ngửa 11 lần hơn giá thẩm định, thì hiện tại chỉ số đó tăng gấp đôi. Từ buổi đầu lưu luyến 2010 đến năm 2022 mới chỉ có 5 bức tranh của vua Hàm Nghi được mang bán. Song thời gian đó đã đào tạo một đội ngũ có tư duy đấu giá ở nước ngoài, có đội ngũ săn tìm, khả năng thao tác chuyên nghiệp. Vóc dáng chuyển hướng của tầng lớp có tiền không còn dừng ở mức phô trương mà bắt đầu đi vào chiều sâu văn hóa, nôm na là lặn vào chất bắt đầu manh nha.

Đương nhiên điều đó chỉ có thể xẩy ra khi có nhu cầu của thị trường ? Kẻ khoe xe, người đeo vàng, người tự sướng, gã dị hợm, đi đâu cũng phải làm như vô tình rút ra một cọc tiền, trong mắt người đời là "hâm có số có má", tương tự như câu chuyện "lợn cưới, áo mới". Để được vậy cũng chẳng dễ, như câu tục ngữ "năm đời mới biết ăn, bảy đời mới biết mặc" vậy.

Âu cũng là điều vui, người ngoài nhìn vào đỡ xấu hổ.

hamnghi3

Quang cảnh phòng đấu giá những bức tranh vua Hàm Nghi

Trước buổi đấu giá, một thanh niên trao đổi với tôi về dự định của anh. Đó là bức tranh mầu nước vẽ năm 1885 "trận tấn công thành Sơn tây" khổ 122x76cm. Anh nói, đến xem, hy vọng với biểu giá catalog 1.000-1.200 euro thì bớt chi tiêu để sở hữu. Một điều đáng trân trọng.

Anh đã không mua được vì mức giá bức tranh vọt lên tới 2.500 euro. Vì sao anh muốn mua bức tranh đó ? Phải chăng bài thơ Quang Dũng viết nhắc thầm tâm sự :

Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang giùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rớm lệ

Tôi viết thêm mấy dòng, biết đâu người thoáng quen có niềm vui trở lại khi tình cờ đọc bài viết. Trận Pháp hạ thành Sơn Tây ngày 11/12/1883 chấm dứt sự tác yêu tác quái của Lưu Vĩnh Phúc và đám lính Cờ Đen ở miền Bắc Việt Nam. Trong Bảo tàng Invalides còn trưng bầy ấn tín, cờ lệnh của tên tướng phỉ mà Việt Nam đến nay vẫn còn nhầm lẫn về vai trò của hắn.

Những nhà sưu tầm Việt Nam hay gốc Việt tìm đến tranh Hàm Nghi với nhiều nỗi niềm, không đơn giản chỉ là thưởng thức hội họa. Những câu chuyện về Hàm Nghi đã thuyết phục họ.

hamnghi4

Những bức tranh được mang ra chào đón người mua

Hàm Nghi đến với nghệ thuật như câu chuyện lành về nhân quả. Ông thoạt đầu chỉ là hình hài bé nhỏ trong trò chơi vương quyền của các Nhiếp chính vương Tôn Thất Thuyết (1839-1913), Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Trần Tiến Thành (1813-1883). Con người không có trong danh sách chọn làm quân vương ấy mà ngày sinh đến nay vẫn còn viết không chính xác đã may mắn hơn ba vị vua trước ông là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc, nạn nhân tức tưởi bị hãm hại Game of Thrones. Kẻ bị giết sau ba ngày bước lên ngai vàng như Dục Đức, người thọ được bốn tháng như Hiệp Hòa, và Kiến Phúc cũng chỉ sống thêm 8 tháng sau ngày làm vua.

Nước Pháp can đảm "nuôi ong tay áo" đã biến kẻ nghịch tử của nền thống trị thực dân thành một nghệ sĩ đích thực. Tôi như đọc thấy ở ông câu đối thời Victor Tardieu ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương :

"人才國家之原氣" Nhân tài quc gia chi nguyên khí

"大學教化之本元" Đại hc giáo hóa chi bn nguyên

Dịch nghĩa :

Nhân tài là nguyên khí quốc gia

Đại học là gốc của giáo hóa

Những người cầm quyền ở Algeria như Henri de Vialar, Louis Tirman có thiện cảm với chàng thanh niên 18 tuổi đã đưa Hàm Nghi hội nhập vào sinh hoạt của tầng lớp quý tộc. Trong một bức thư Hàm Nghi gửi cho cháu gái Henri de Vialar, viết năm 1899 :

"Bạn sẽ không thể tưởng tượng được điều gì đã xảy ra với tôi vào thứ ba tuần trước, khi tôi nhận được thiệp mời từ Đô đốc Servan đến chơi quần vợt. Tôi đến đó như mọi khi với giày bệt, quần ngắn và vợt tennis. Đô đốc dẫn tôi về phía một cô gái trẻ xinh đẹp và giới thiệu với các quan khách và nhiều sĩ quan mặc quân phục đại lễ : "Các bạn sẽ thưởng thức quý cô và quý ông trẻ trung này chơi".

Bạn thấy đấy : chúng tôi chơi tennis, trong tiếng nhạc vui vẻ của một buổi tiếp đón long trọng. Chiều nay được tổ chức để vinh danh Hoàng tử Waldemar, người thừa kế ngai vàng Đan Mạch đang đến thăm thủ đô Alger và để vinh danh những người Nga có mặt ở đây".

Henri de Vialar nhận ra người tù trong tay mình có năng khiếu về hội họa nên khuyến nghị ngay từ tháng 11/1889 rằng, Hàm Nghi nên theo học với họa sĩ theo trường phái đông phương Marius. Reynaud đến dạy Hàm Nghi trong hơn 15 năm, hai lần một tuần, chỉ vẽ và vẽ.

Nét khai bút của vua được thể hiện trong bức "Phong cảnh El Biar-Algeria 1891" vẽ ngày 9/11/1891đã được bán ở Paris với giá 30.000 euro ngày 26/11/2021.

hamnghi5

Đấu giá qua mạng có số lượng người tham gia lớn hơn rất nhiều người đến mua trực tiếp

Những bức tranh giai đoạn Vichy của vua Hàm Nghi có cùng một nhận dạng. Tất cả đều bị cắt khỏi khung tranh. Trả lời câu hỏi của tôi về xuất xứ của lô hàng đặc biệt này, nhà đấu giá Lynda Trouvé hé lộ, lô tranh được vô tình tìm thấy trong một thùng rác, không phải đến trực tiếp từ hậu duệ của tướng Henri Aubé, có thể liên quan đến thời kỳ chiếm đóng nước Pháp năm 1940 của phát xít Đức.

Giả thiết này có cơ sở, vì tướng Henri Aubé là một người đóng góp nhiều chiến công trong Đại chiến thế giới thứ nhất. Hiện còn một bức ảnh lưu trữ về ông được vinh danh trên sân điện Invalides.

Khi tuyến phòng thủ ở mặt trận phía Đông tan vỡ năm 1940, Paris sắp rơi vào tay Đức, các tác phẩm nghệ thuật trong các viện bảo tàng lớn đều có chủ trương phải di tản, chạy giặc. Tướng Henri Aubé đã mất năm 1935, song ngôi nhà của ông ở Paris hẳn không tránh được đôi mắt nhòm ngó của Đức vào năm 1940. Để phân tán kỷ vật của ông, phải chăng người nhà đã cắt những bức tranh ra khỏi khung để dễ bề di chuyển, để rồi bị thất lạc ?

Hitler đặc biệt rất căm phẫn và tức tối về thất trận của nước Đức và những điều khoản được cho là uất đến phi lý mà các cường quốc thắng trận ép nước này phải ký vào "Le traité de Versailles ngày 28/6/1919". Ngay khi chiếm được Paris, Hitler đã tịch thu bản Hiệp định này mang về Văn phòng Thủ tướng, hàng ngày đều dừng chân để ngắm chiến lợi phẩm. Nước Pháp hiện nay cũng không truy tìm ra văn bản kể trên.

Tôi nhắc thêm rằng, sau khi thua ở Sedan ngày 1/9/1870, trước khi các lữ đoàn kỵ binh Phổ tiến vào Paris, Bộ chiến tranh Pháp đã thiêu hủy một số lượng lớn quân kỳ, chiến lợi phẩm đoạt được từ các trận thắng của Hoàng đế Napoléon Bonaparte trưng bầy ở Invalides để đoàn quân chiến thắng nhớ đến tủi hận của ông cha tìm cách cướp phá và trả thù.

Những bức tranh của vua Hàm Nghi có ơn lành thoát kiếp bèo dạt hoa trôi, đời sống của khóm lục bình vô danh.

Họa phẩm của ông, thứ văn tự hồn nhiên không tan biến vào hư không đã tìm được về ngôi nhà tâm hồn của người Việt, thật đáng mừng.

Bài thể hiện văn phong và quan điểm của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do ở Paris, Pháp.

Phạm Cao Phong

Nguồn : BBC, 24/09/2023

***********************

Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu đày tìm tự do qua nghệ thuật

BBC, 05/01/2023

Tháng 12/1888, vua Hàm Nghi, vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn bị chính quyền Pháp đưa xuống con tàu mang tên Biên Hòa đi đày ở Bắc Phi.

Tới thủ phủ Alger của Algeria lúc 18 tuổi, vị Hoàng đế An Nam sống một cuộc đời lưu đày cho tới khi ông mất tháng 1/1944, thọ 72 tuổi.

hamnghi6

Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu đày tìm tự do qua nghệ thuật

Tìm đến hội họa lúc đầu chỉ như cách giết thời gian, theo năm tháng, Vua Hàm Nghi say mê vẽ tranh và điêu khắc trong những năm tháng lưu đày.

Gần 80 năm sau khi ông qua đời, hậu duệ năm đời của nhà vua, chị Amandine Dabat, hoàn thành một luận án tiến sỹ nghiên cứu về cuộc đời và hội hoạ của Vua Hàm Nghi.

Không chỉ là một vị vua yêu nước, Hàm Nghi còn là một hoạ sỹ và nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên được dạy bởi những danh họa và nghệ sỹ điêu khắc danh tiếng của Pháp đầu thế kỷ thứ 19.

TS Amandine Dabat và ông Nguyễn Ngọc Giao, một người Việt tại Pháp tìm hiểu sâu về cuộc đời Vua Hàm Nghi, chia sẻ với khán giả của BBC về quãng đời của vị cựu hoàng sau khi đặt chân tới Algeria, cũng như vai trò của hội hoạ và điêu khắc trong cuộc đời lưu đày của ông.

"Hàm Nghi - vị Hoàng đế lưu đày tìm tự do qua nghệ thuật", Thời lượng 12,35

Phỏng vấn và dựng phim : Minh Thư

Quay phim : Sam Robinson và Phil Darley

Published in Văn hóa