Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 13 mars 2024 22:36

Nền văn hóa lạc loài

Văn hóa có 8 đặc điểm :

- Tính vận động

- Tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều

- Tính đa nguyên

- Tính kế thừa hoặc mai một

- Tính chính trị

- Tính chi phối

- Tính đại diện

- Tính trách nhiệm.

vanhoa1

"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa…".

Một trường phái lớn, nhận được nhiều đồng thuận trên thế giới. Trường phái đó cho rằng, văn hóa là tất cả những cái đẹp của nhân loại. Trong quá trình vận động và tác động của xã hội loài người, những cái đẹp này được tạo ra, sử dụng rồi truyền bá, trao đổi giữa các quốc gia, cũng như giữa các dân tộc để học hỏi và chuyển giao cho nhau những điều tốt đẹp ấy, nhằm để nhân loại ngày càng cảm thông và dễ dàng chung sống với nhau trong hòa bình và nhân ái. Chính sự cảm thông về văn hóa lẫn nhau giữa các dân tộc, từ đó tác động lên nền chính trị mọi quốc gia, rồi chính trị sẽ được cải sửa, sao cho thích nghi dần, theo xu hướng ngày càng văn minh.

Ngày 22/02/2024 Đảng cộng sản Việt Nam có bài [1] "Những dấu ấn về Đảng lãnh đạo văn hóa qua bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng", trong có đoạn "...Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa…". Với cái gọi là "dấu ấn" tức Đảng cộng sản Việt Nam đang nói về tính "đại diện" của văn hóa. Thật vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã để lại những "dấu ấn" không thể phai mờ trong suốt gần 100 năm qua.

Theo đó, có ba giai đoạn của văn hóa Việt Nam, để nói về tính đại diện của "dấu ấn văn hóa", dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam :

Giai đoạn một : Trước 1975. Đại diện văn hóa trong giai đoạn này, thông qua hai thảm nạn khủng khiếp mang tên "Cải Cách Ruộng Đất" và "Nhân Văn Giai Phẩm". Hai thảm nạn này đã gây ra những chết chóc, điêu tàn cho miền Bắc trước đây và nó hoàn toàn gần như phá hủy phẩm giá người Việt Nam. Văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này, gần như không còn gì để gọi tên văn hóa. Ngoài hàng trăm ngàn cái chết gây ra cho dân chúng, những văn nhân - thi sĩ biến thành những "chiến sĩ cách mạng" để tiêu diệt văn hóa Việt Nam và tận diệt ngay cả đồng chí lẫn nhau.

Giai đoạn hai : Sau 1975, đây là thời điểm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Tính đại diện văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn này, thông qua hành vi của Bên Thắng Cuộc đối với những người dân miền Nam với các thảm nạn : Đổi tiền - Tù cải tạo đối với người lính Việt Nam Cộng Hòa, - Thuyền nhân - Đánh tư sản mại bản - Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy. Giai đoạn này, không chỉ đánh sập nền kinh tế hai mươi năm của Việt Nam Cộng Hòa mà nó đánh tan luôn văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Khi Hòn Ngọc Viễn Đông bể vụn dưới gót chân anh Giải Phóng quân - dộng ầm ầm trên các con đường thơ mộng của Sài Gòn xưa, cũng là lúc văn hóa Sài Gòn bị "bóp cổ" cho đến chết, qua nhiều hình thức man rợ từ thứ văn hóa bên kia vĩ tuyến : xởn quần ống loe - xởn tóc thanh niên để dài - nhảy đầm là đồi trụy và nhạc vàng cùng phim ảnh - băng dĩa đổ thành đống bên vỉa hè, rồi bị đốt trụi không thương tiếc.

Giai đoạn ba : Sau 1995, đây là cột mốc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và lập lại bang giao với Việt Nam. Tính đại diện của văn hóa ở giai đoạn này thể hiện qua các lĩnh vực : Sản xuất, kinh doanh, đầu tư - Du lịch, du học - Xuất khẩu lao động. Giai đoạn ba kéo dài đến hiện nay. Có thể nói kinh tế phát triển hơn nhờ bãi bỏ cấm vận của Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng nhứt, từ các loại vốn liếng hàng tỷ đô la Mỹ đổ vô Việt Nam - thứ mà ngày "giải phóng miền Nam - thống nhứt đất nước", Bên Thắng Cuộc dạy cho "những con người mới xã hội chủ nghĩa" loại "văn hóa phỉ nhổ" mang tên "đế quốc Mỹ". Dĩ nhiên, văn hóa theo đó cũng có khởi sắc một chút. Tuy nhiên, sự khởi sắc không khác gì đóa phù dung sớm nở tối tàn, rồi thay bằng sự sa sút thảm hại và trầm trọng về văn hóa. Đặc biệt, hàng trăm ngàn người đi xuất khẩu lao động mỗi năm, đem về hàng tỷ đô la Mỹ nhưng bị thế giới đánh giá rất thấp về văn hóa, thông qua bảng xếp hạng Passport - mới nhứt - theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 12/01/2024 cho biết [2] : Passport Việt Nam giảm 5 bậc và đứng hạng 87/104 quốc gia xếp hạng. Đặc trưng văn hóa của giai đoạn này là một nền văn hóa lai căng, đua đòi, vong bản.

Văn hóa Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam trong gần một trăm năm qua là một nền văn hóa không có nguồn cội, bởi vì dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vốn chỉ có đấu tranh giai cấp - chuyên chính vô sản. Trong Tư Bản Luận của Các Mác, hoàn toàn không bàn về xây dựng văn hóa theo một mô thức nào hay theo tư tưởng nào.

Văn hóa Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam ngoài không có nguồn cội, nó không có tính nhân đạo, không có lòng nhân ái. Văn hóa Việt Nam gần một trăm năm qua, dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam là một nền "văn hóa lạc loài".

Dùng văn hóa trong quản trị quốc gia, để chúng dân biết thương yêu đồng bào và đạt được tinh thần "đại đoàn kết dân tộc" - Mục tiêu cao nhứt của Đảng cộng sản Việt Nam, xem ra vẫn còn xa diệu vợi...

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 13/03/2024

[1] https://damrong.lamdong.dcs.vn/hoc-tap-lam-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/tas...

[2] https://tuoitre.vn/viet-nam-giam-5-bac-trong-bang-xep-hang-ho-chieu-nam-...

Published in Văn hóa

Dấu ấn văn hóa "Pali Pali" trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc

Dấu ấn văn hóa "Pali" (Khẩn trương) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc ; Cuba cắt mạng xã hội và internet để triệt đường thông tin của người biểu tình ; Washington cũng có tượng Nữ Thần Tự Do ; Trung Quốc khan hiếm đất canh tác ở vùng đông bắc ; Thành phố Venise của Ý cấm du thuyền khổng lồ. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này của RFI.

pali1

Ảnh minh họa trước Cần Chính điện (Gyeongbokgung), Seoul, Hàn Quốc ngày 21/05/2021. AP - Ahn Young-joon

Người nước ngoài khi tới Hàn Quốc có lẽ thường bất ngờ trước những tiếng quát tháo của người dân địa phương khi chuyến bay bị trễ, thái độ giận dữ khi tàu điện ngầm hay xe bus đến muộn hay đơn giản là họ ăn xong một bữa ăn chỉ trong vòng 5-10 phút. "Pali Pali" (빨리 빨리 - Nhanh lên ! Nhanh lên nào !) trở thành nét đặc trưng cho lối sống đương đại ở Hàn Quốc và được áp dụng triệt để trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.

Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :

"Pali" có nghĩa là "nhanh" trong ngôn ngữ Hàn Quốc. Từ này được lặp lại hai lần mang phong thái thúc giục "nhanh lên, nhanh lên" và trở thành một cụm từ tượng trưng cho tính khí nóng vội của người Hàn Quốc.

Văn hóa "Pali" được hình thành sau chiến tranh Triều Tiên khi mà mọi thứ đã bị tàn phá một cách nặng nề. Để sống sót và độc lập, người dân Hàn đã buộc phải chuyển mình, thay máu trong khoảng thời gian 20 năm từ một nền kinh tế lệ thuộc vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ chuyển sang nền kinh tế công nghiệp nặng và hóa chất trong khoảng những năm 1970 đến 1980. Nhờ văn hóa này mà kỳ tích sông Hán đã xuất hiện và đưa Hàn Quốc vươn tầm thế giới và chỉ đứng sau Nhật Bản trong thời gian này.

Năm 2020, khi đại dịch Covid bắt đầu từ Trung Quốc lan ra các lãnh thổ xung quanh một cách khá chậm chạp thì đột nhiên tốc độ lây nhiễm virus tại Hàn Quốc vượt qua tất cả các nước láng giềng cũng như chính Trung Quốc và trở thành quốc gia có tốc độ lây nhiễm Covid-19 nhanh nhất thế giới. Cũng ngay sau đó, chính quyền đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật tiếp cận với đại dịch bằng cách khẩn trương tổ chức những trung tâm lấy mẫu xét nghiệm virus trên cả nước.

Với tốc độ xét nghiệm nhanh khiến cả thế giới ngỡ ngàng, Hàn Quốc lại trở thành một hình mẫu để các nước phương Tây cũng như toàn thế giới học tập để nhanh chóng phát hiện ra bệnh nhân Covid, nhanh chóng cách ly và nhanh chóng điều trị. Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang tuyên bố sẽ tiêm chủng với một tốc độ nhanh khủng khiếp với khoảng 1 triệu liều tiêm một ngày và trạm tiêm chủng được bố trí ở khắp nơi như nhà thuốc, phòng khám tư nhân hay bệnh viện.

Nhưng với tốc độ cách ly nhanh chóng mặt như vậy, thì những người trong khu cách ly lại gặp phải một cú sốc lớn về tâm lý. Việc thay đổi cuộc sống từ không có thời gian để, ăn, uống, ngủ, nghỉ chuyển sang một cuộc sống dư thừa thời gian làm cho nhiều người bị choáng ngợp. Để giúp cho người cách ly có việc làm, Hàn Quốc đã phát cho họ những quyển vở tập tô của trẻ nhỏ để họ có thể tập tô và làm quen với cuộc sống chậm rãi trong khoảng thời gian cách ly khó khăn.

Văn hóa "Pali Pali" mang đến cho Hàn Quốc một sức sống mới vươn tầm ra thế giới nhưng điều này cũng tạo một áp lực vô hình lên cá nhân trong cuộc sống gia đình, hay công việc. Hậu quả là căng thẳng kéo dài, mệt mỏi vì thành tích cá nhân và khó có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống".

Cuba cắt mạng xã hội và internet để triệt đường thông tin của người biểu tình

Covid-19 là "giọt nước làm tràn ly" khiến người dân Cuba liều mình xuống đường hôm 11/07/2021. Họ đòi "Tự do", "Đả đảo chế độ độc tài" nhưng chính quyền La Havana kiên quyết bác hiện tượng "bùng nổ xã hội" mà quy đó là "cuộc chiến thông tin và truyền thông chống Cuba".

Mạng xã hội Twitter, với hashtag SOSCuba, bị ngoại trưởng Bruno Rodriguez cáo buộc hôm 13/07 là làm mất ổn định chế độ. Theo AFP, hashtag SOSCuba được tung ra từ đầu tháng Bẩy để đánh động về tình hình dịch tễ ở Cuba ngày càng xuống cấp do dịch bệnh và kêu gọi cứu trợ nhân đạo. Số tin nhắn trên Twitter đã tăng vùn vụt, chỉ từ 8 tin vào 05/07 đã lên tới hai triệu vào ngày 12/07. Tương tự với Miến Điện, không đối phó được với các cuộc biểu tình bất ngờ, chính quyền La Havana cắt mạng di động để chặn nguồn thông tin của người dân.

Trả lời RFI ngày 12/07, ông Vincent Bloch, giảng viên Đại học New York và chuyên về Cuba, giải thích :

"Không thể bác bỏ là mạng xã hội đã cho phép người dân bớt e dè, sợ hãi gia nhập các đoàn người biểu tình. Họ hiểu rằng có rất nhiều người sẵn sàng phản ứng giống họ. Họ cập nhật thông tin từng giờ từng phút, từ đó mà một phong trào đã được hình thành. Nhiều người được sống trong những thời khắc tự do nhưng không kéo dài.

Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi bắt đầu phong trào biểu tình ôn hòa, lực lượng giữ an ninh đã kiểm soát được hoàn toàn đường phố. Internet bị cắt lúc 13 giờ 38, có nghĩa là chưa đầy hai tiếng sau khi diễn ra những cuộc tập hợp đầu tiên.

Các cuộc biểu tình đều là tự phát nhưng những người biểu tình thấy trước mặt họ các nhà lãnh đạo sẵn sàng đối phó với tình huống đó qua các đội tuần tra thường xuyên và dày dặn kinh nghiệm".

Washington cũng có tượng Nữ Thần Tự Do

Tìm lại "tự do" hàng ngày như trước khi bị dịch Covid-19 cũng nằm trong dụng ý của tượng Nữ Thần Tự Do, phiên bản thu nhỏ, được khánh thành tại Washington (Mỹ) đúng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2021 trong khuôn viên tư dinh của đại sứ Pháp. Đối với hai ngoại trưởng Pháp và Mỹ tham dự buổi lễ, "vị khách mời đặc biệt" của Mỹ trong vòng 10 năm còn thể hiện "tình bác ái" giữa hai dân tộc và mối liên kết bền vững giữa hai nước.

"Em gái" của Nữ Thần Tự Do soi sáng thế giới trên đảo Liberty (New York) chỉ cao 3 mét, nằm trong số 12 phiên bản được làm từ khuôn gốc của nhà điêu khắc Auguste Bartholdi, cha đẻ của bức tượng gốc. Viện Nghệ thuật và Thủ công Quốc gia (Conservatoire national des arts et métiers - CNAM) sở hữu bộ sưu tập Bartholdi, cũng như phiên bản bằng đồng cao 3 mét, được đúc vào năm 2011 và được trưng bày suốt 10 năm trong sân bảo tàng của CNAM ở quận 3 Paris trước khi đưa sang thủ đô của Hoa Kỳ.

Ông Olivier Farron, tổng giám đốc Viện CNAM, giải thích với thông tín viên RFI Anne Corpet tại Washington :

"Đối với tôi có hai ý quan trọng, thứ nhất là phải trưng bày di sản. Đây là một phần di sản của Pháp, từ Bartholdi rồi Gustave Eiffel. Đó là một thành tựu tuyệt vời của cả nghệ thuật cũng như nghề thủ công. Vì thế đó là một công trình có ý nghĩa.

Ý thứ hai, tôi nghĩ rằng đây là một biểu tượng đẹp cho mối quan hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ hiện giờ qua những tự do. Chúng ta đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch tễ trong khi Hoa Kỳ thay đổi nhiều nhờ tìm lại được tự do. Chúng ta cũng cần nối lại mối quan hệ bền chặt hơn giữa Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi nghĩ là việc này mang một ý nghĩa, một biểu tượng vô cùng quan trọng".

Tuy nhiên, "tự do" này vẫn không trọn vẹn. Vẫn theo thông tín viên Anne Corpet, những người Pháp sống ở Washington bất bình về Travel Ban, cấm mọi chuyến đi từ Pháp sang Hoa Kỳ, trừ trường hợp bất khả kháng, kể cả đối với người Pháp đã được tiêm chủng.

Trung Quốc khan hiếm đất canh tác ở vùng đông bắc

Trong lĩnh vực môi trường, những vùng đất đen ở đông bắc Trung Quốc, nổi tiếng là mầu mỡ cho canh tác ngũ cốc, đã bị mất năng suất, một phần do khai thác quá mức trong suốt 40 năm qua. Được Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cảnh báo trong Sách Trắng 2021, tình trạng này, nếu tiếp diễn, có thể trở thành một thách thức lớn cho vấn đề an ninh lương thực của Trung Quốc.

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh ngày 14/07 :

"Ra Sách Trắng về đất đen ở vùng đông bắc Trung Quốc là sự kiện đầu tiên trong lĩnh vực này và cũng là dấu hiệu cho thấy "lửa đang cháy trên đồng".

Tập tài liệu dài 50 trang bằng tiếng Hoa bắt đầu với việc nhắc lại tầm quan trọng của vựa ngũ cốc vùng Đông Bắc. Ngô, đậu nành và nhất là gạo, 1/3 sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đến từ 18,53 triệu ha đất trồng trọt trải trên ba tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm.

Vấn đề ở chỗ, theo các tác giả báo cáo, với việc khí hậu nóng lên và phương thức quảng canh, đất đã bị cằn đi. Trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000, diện tích trồng trọt đã tăng thêm hơn 2 triệu ha, còn diện tích rừng thì giảm bớt 410.000 ha, các thảo nguyên 570.000 ha và các vùng ngập nước 1,12 triệu ha.

Ngày 28/12/2020, chủ tịch Trung Quốc từng coi đây là "vấn đề nghiêm trọng" và bảo vệ đất đen trở thành một ưu tiên quốc gia. Ngoài việc "sử dụng hợp lý" đất đai và áp dụng những công nghệ nông nghiệp mới nhất, các nhà khoa học còn khuyến nghị cách chăn nuôi tôn trọng môi trường hơn".

Ý : Thành phố Venise cấm du thuyền khổng lồ

Cũng vì vấn đề môi trường và bảo vệ cảnh quan, những du thuyền sừng sững như những tòa nhà sẽ bị cấm neo đậu ở Venise từ tháng 08/2021 để bảo vệ thành phố được xếp hạng Di sản Thế giới từ năm 1987 nhưng lại nằm trong danh sách "gặp nguy" từ nhiều năm nay.

Thông tín viên Anne Le Nir tường trình từ Roma :

"Sau nhiều năm đẩy tới đẩy lui quyết định, rồi những cuộc đấu tranh của các hiệp hội bảo vệ Venise và khu đầm, cuối cùng thành phố khiến cả thế giới mơ tưởng sẽ thoát khỏi những con tầu du lịch khổng lồ.

Một nghị định về điểm này vừa được chính phủ thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08. Nói chung chỉ có những tầu chở tối đa 200 hành khách mới có thể được cập bến ở quảng trường Saint-Marc. Tất cả những con tầu khác sẽ phải neo đậu ở cảng Marghera.

Dĩ nhiên, biện pháp này cũng khiến nhiều người không hài lòng vì nó sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ đã dự kiến hỗ trợ tài chính cho những lĩnh vực sẽ bị tác động nặng nhất".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Văn hóa là sản phẩm của loài người

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa, cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều thống nhất rằng : Văn hóa là sản phẩm của con người trong suốt quá trình sống, lao động, ứng phó với thiên nhiên, với con người lẫn nhau trong xã hội.

vanhoa1

Tranh vẽ thời kỳ đồ đá (18.000 năm) trong hang động Lascaux, vùng Dordogne, Pháp - Ảnh minh họa

Thật vậy, kể từ thuở hồng hoang, lúc con người còn ở thời kỳ "ăn lông ở lỗ", văn hóa theo đó đã dần xuất hiện, dù lúc đó loài người chưa biết gọi tên.

Biết tạo ra lửa và dùng trong nhiều loại hình sinh hoạt đời sống, kể cả bảo vệ bản thân trước thú dữ, đó là biểu hiện đầu tiên của văn hóa.

Lửa được loài người phát minh từ cách đây khoảng 500.000 năm trước Công nguyên, xuất phát từ thực tế trong cuộc sống khi con người quan sát và nhận biết qua hiện tượng sấm sét. Các loài động vật khác không có khả năng này.

Loài vật nói chung, có thể rất thông minh nhưng chúng không có và không hiểu văn hóa. Ví dụ rõ nhất là trong duy trì bản năng truyền giống. Loài vật không có cảm giác hổ thẹn. Đó là đặc tính văn hóa quan trọng nhất mà chỉ có loài người được "đặc ân". 

Tiếng nói và chữ viết - đặc tính văn hóa thứ hai và đó là đặc tính phong phú nhất của văn hóa - cũng do loài người phát minh ra.

Tín ngưỡng nói chung và tôn giáo nói riêng là một phần của văn hóa. Phạm trù này cũng xuất phát từ đời sống hàng ngày. Con người thuở xưa cần một niềm tin đi liền với sự chở che, bảo bọc từ siêu nhiên, cần sự an ủi, ân cần chia sẻ, giúp đỡ khi đối diện trước những đau khổ trong đời sống, trong những lúc tuyệt vọng nhất mà ngay chính con người cũng không thể là điểm tựa cho nhau.

Theo dòng tiến hóa nhân loại, loài người đã tạo ra văn hóa để phục vụ cho chính mình.

Diverse Talents

Ngay cả trong lãnh vực giải trí, phục vụ cho chính con người sau một ngày làm lụng cực nhọc, những lời ca tiếng hát, câu hò cho đến các lễ hội v.v... hoặc trong ẩm thực, các môn thể thao v.v... tất thảy đều là văn hóa, do con người tạo ra.

Văn hóa (từ chữ La tinh là "Cultus") có nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người" (Wikipedia).

Kể từ đó, dần dần các khái niệm : lương tri, lương tâm, nhân cách, đạo đức v.v... bắt đầu được con người nghĩ đến, nghiên cứu và đúc kết đưa vào các môn học và ứng dụng trong thực tế (dân tộc học, nhân loại học, tâm lý học v.v...).

Văn hóa là cội rễ của giáo dục

Cũng theo sự phát triển ngày càng văn minh hơn, loài người ngày càng tinh tế và sâu sắc để nghĩ đến việc bảo tồn các nét văn hóa cho nhân loại nói chung và cho từng quốc gia, từng địa phương nói riêng.

Ví dụ rõ nhất về việc bảo tồn, người ta chia ra văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Văn hóa vật thể, ví dụ Việt Nam đã được UNESCO công nhận : Cố Đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long, Phố Cổ Hội An v.v...

Văn hóa phi vật thể, ví dụ Việt Nam đã được UNESCO công nhận : Ca Trù, Hát Xoan, Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, Nhã Nhạc Cung Đình v.v...

Văn hóa không phải hoàn toàn là những sản phẩm tốt đẹp. Bởi có những loại văn hóa đã mai một theo thời gian (ví dụ : văn hóa ăn trầu của người Việt Nam, vừa ngậm cây tăm vừa nói chuyện sau khi ăn v.v...), hoặc bị xóa bỏ (ví dụ : văn hóa kỳ thị chủng tộc hay văn hóa kỳ thị người thuộc LGBTQ+).

Ngay tại Việt Nam có những nét văn hóa địa phương gây ra tranh cãi về mê tín và đạo đức, như : Lễ hội Khai Ấn Đền Trần hay Chém Lợn, Chọi Trâu...

Văn hóa không thể bị chính trị hóa theo cách coi "Đường Kách Mệnh" là "bảo vật quốc gia" [1] như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã làm. Bởi khái niệm được quốc tế công nhận chỉ là "văn hóa vật thể" và "văn hóa phi vật thể". Thật vậy, ngay cả chỉ trong phạm vi nước Việt Nam, một sản phẩm viết sai chánh tả ngay từ tên tác phẩm là biểu hiện phản văn hóa.

Văn hóa là cội rễ của nhân quyền

Vì không phải hoàn toàn là tốt đẹp, cũng như đứng trước ứng xử văn hóa không phải lúc nào cũng đủ lương tri và lương tâm giữa con người với nhau trong đời sống, trong thiên tai, trong chiến tranh và nhất là trong cách "ăn nói & đối đãi & ứng xử" lẫn nhau, khái niệm Quyền Con người ra đời.

vanhoa3

Bản Tuyên ngôn Quyên Con người và Quyền Công dân của Pháp năm 1789

Hiến pháp Hoa Kỳ ra đời vào năm 1787. Quyền Con người được Hoa Kỳ gọi tên chính thức vào năm 1791, sau khi tu chính án Hiến pháp.

Cho đến lúc bấy giờ, dù Nhân quyền đã "có tên" nhưng người Mỹ vẫn không coi trọng cho lắm, bằng chứng là tình trạng "nô lệ da đen" là một trong các nguyên nhân gây ra nội chiến Bắc - Nam, kéo dài 4 năm, kể từ tháng Tư năm 1861 đến tháng Năm năm 1865. Và cuộc nội chiến chấm dứt cũng chính thức kết liễu luôn "chế độ nô lệ da đen".

Con người vẫn đối đãi với nhau phản văn hóa và vô văn hóa. Đó là hậu quả dẫn đến Đệ nhất Thế chiến và Đệ nhị Thế chiến.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được biết ra đời vào ngày 10/12/1948.

Bối cảnh Tuyên ngôn Nhân quyền ra đời là sau Đệ nhị Thế chiến. Điều này có nghĩa, loài người nhận ra một thực tế kinh hoàng về văn hóa. Nó đang trở nên thê thảm sau chiến tranh mà cả thế giới lao vào cuộc sinh tử với những điêu tàn và tan hoang xác xơ phủ trùm trên địa cầu.

Loài người nhận ra, chính mình đã gây ra sự xác xơ về văn hóa và cần phải tìm cách cứu vãn cách cư xử giữa con người với con người, sao cho nhân bản hơn - bởi nếu không như vậy, loài người còn thua cả loài vật.

Và kể từ đó, Nhân quyền được đề cập đến, được phổ biến hơn 375 ngôn ngữ, với tinh thần là truyền đạt và giáo dục rộng khắp cho nhân loại hiểu và thực hành Quyền Con người - sống nhân bản (tức là bản chất tốt đẹp của loài người).

Không còn gì hoài nghi khi kết luận văn hóa là cội rễ giúp cho nhân quyền nảy sinh và phát triển.

Vô văn hóa tất phi nhân quyền.

Không thể đấu tranh cho nhân quyền bằng những việc làm và phát ngôn phản văn hóa.

Không thể đòi hỏi quyền tự do ngôn luận mà không dám nhận trách nhiệm. Bởi tính trách nhiệm là biểu hiện rõ nét nhất của văn hóa loài người.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 01/04/2020 (nguyenngocgia's blog)

[1] https://tuoitre.vn/trung-bay-bao-vat-quoc-gia-duong-kach-menh-va-nhieu-h...

Published in Diễn đàn
samedi, 02 février 2019 21:33

Văn hóa rác

Trên thế giới có lẽ không một dân tộc nào yêu văn hóa hơn dân tộc Việt. Hai từ văn hóa đã xuống đường, len lỏi vào mọi ngóc ngách xã ấp, xóm làng, khóm phường, phố thị, đầu đường xó chợ. Nó chui vào tận góc bếp gầm chạn từng nhà, nhảy xổm lên chễm chệ ngồi trong các cửa quan quyền. Nó múa may trong các lễ hội, sinh hoạt giải trí, tôn giáo, chính trị.

vanhoa1

Nhà văn hóa ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, vừa được xây dựng xong và đưa vào sử dụng… Ảnh minh họa

Người Việt như chưa bao giờ được tận hưởng khoái lạc văn hóa. Họ hít thở, ôm ấp, khóc cười, tự sướng với nó. Họ như chưa bao giờ được hãnh diện về văn hóa dân tộc. Nay họ được đánh thức dậy sau giấc ngủ dài. Văn hóa không chỉ được luận bàn trên báo chí hay trong các tài liệu, sách vở nghiên cứu bác học trên trời. Nó đi vào cuộc đời, sinh động như gánh xiếc, diêm dúa như phường chèo, phong phú như cỏ dại. Nào là tổ văn hóa, khóm văn hóa, phường văn hóa, nhà văn hóa, sở văn hóa, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông, văn hóa thể thao, văn hóa đình chùa, văn hóa ứng xử, văn hóa Hà Nội, văn hóa nghìn năm Thăng Long…

Nó nhiều đến mức người ta quay cuồng, ngụp lặn trong cơn lốc văn hóa, không kịp tiêu hóa thích ứng và cũng không biết xã hội này đang vận hành theo mô hình văn hóa nào. Biện pháp tốt nhất là hồ hởi phấn khởi theo kiểu bầy đàn hay cứ sống theo kiếp vô sinh và cố chết nhẹ nhàng với nó. Nói khác, một kiếp nhân sinh đúng quy trình, sống theo bản năng và chết theo lý trí.

Có lẽ suốt dòng lịch sử dân tộc, chưa bao giờ văn hóa được hỗ trợ và định hướng mạnh mẽ như trong cái thời đại rực rỡ mang tên Hồ Chí Minh này. Hậu quả là một nền văn hóa bốc phét. Khởi đầu bốc phét có thể chỉ là tính đảng, dần trở thành thói quen chung của xã hội và tạo ra quán tính Việt đặc thù. Nhưng bốc phét là vỏ bọc của lường gạt và dối trá vì vậy nó bất cần luận chứng, đạo lý hay sự thật. Từ đó, dối trá đi vào mọi lãnh vực đời sống, là chìa khóa để thành công, là lá bùa hộ mệnh để tồn tại và người ta thoải mái sử dụng nó như lẽ tự nhiên.

vanhoa2

Một trong 10 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng tại hội nghị doanh nghiệp lần hai - Zing, 18/05/2017

Rất nhiều người đã lên tiếng báo động về vấn đề văn hóa đất Việt. Nào là giáo dục xuống cấp, con người tha hóa,vô cảm, bạo lực gia đình và xã hội, đạo đức suy đồi, tình người cạn kiệt… Người ta truy tìm nguyên nhân, vặn óc đề ra giải pháp, dùng hết khả năng viết lách để trình bày. Đáng tiếc là dù sau bao cố gắng, vấn đề không những vẫn nguyên vẹn mà mỗi lúc càng tệ hại hơn.

Có một thực tế người ta vẫn cố né tránh, không dám đề cập đến : đó là Đảng cộng sản Việt Nam, một đống rác lịch sử. Khi một đảng phái chính trị xây dựng trên sự dối trá và dối trá như căn bệnh truyền nhiễm lây sang cả một dân tộc thì văn hóa phải suy tàn. Mong chờ sự lương thiện, tử tế, tình người, sự công bằng, tính ngay thẳng thật thà, liêm sỉ, thượng tôn pháp luật… khi dối trá là nền tảng của chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, tín ngưỡng thì chẳng khác nào kẻ mộng du.

Vài câu chuyện có thật về văn hóa xứ người :

1. Nhân chuyến về thăm Việt Nam, đứa con trai 27 tuổi của người tôi quen được một người bạn ở Việt Nam đèo xe scooter đi hóng gió Sài Gòn. Đến ngã tư đèn đỏ, người bạn vẫn chạy và rẽ phải. Cảnh sát giao thông đã chận lại và đòi lập biên bản phạt tiền. Sau cuộc điều đình chớp nhoáng, số tiền phạt là 100 000 VND. Người bạn chỉ có 80 000 VND nên dở bài năn nỉ. Vừa ngay khi viên cảnh sát đồng ý, cậu "việt kiều yêu nước" buộc miệng nói : Không sao đâu, N. Có tiền trả mà !". Thế là vụ bôi trơn kết thúc tốt đẹp, tiền đầy đủ vào túi người đại diện pháp luật.

2. Luật pháp nước ngoài bắt buộc người ngồi trong xe ô tô phải choàng dây an toàn. Gia đình tôi quen có nuôi một chú chó cảnh, giống chihuahua. Theo luật, chủ xe cũng phải mua dây an toàn phụ dành riêng cho nó. Một hôm, cô con gái muốn chở thú cưng đi chơi nhưng không tìm thấy sợi dây. Gia đình bảo cô cứ bỏ chú cún vào xe chở đi không cần dây. Cô phản đối kịch liệt vì cho đó vừa nguy hiểm vừa phạm pháp. Cuối cùng, sau gần một tiếng đồng hồ lục tung trong nhà, cả hai có thể an vị ngồi trong xe với dây an toàn choàng vai.

3. Cô con gái gia đình tôi quen xin vào học một trường trung học cấp 3 nổi tiếng tại thủ đô. Nhà trường yêu cầu cô phải có địa chỉ thường trú ở thủ đô. Trong thời gian học cấp 2, cô sống cùng cha mẹ ở tỉnh ngoại thành, cách trường khoảng 18 km. Giải pháp đơn giản nhất là mượn tạm địa chỉ của người chú hiện đang sống ở thủ đô để xin học rồi mỗi ngày đi về bằng xe bus. Cô dứt khoát không bằng lòng vì cho đó là dối trá. Cuối cùng cha mẹ phải thuê riêng cho cô một căn hộ gần trường để đi học.

Cách suy nghĩ và hành xử của những đứa trẻ trong3 câu chuyện kể trên có thể, đối với một số người, bị cho là ngớ ngẩn, gàn dở hay buồn cười. Các chính trị gia phương Tây có lúc cũng từng bị chế giễu là ngây thơ. Họ sinh ra và lớn lên trong một xã hội tự do dân chủ và hưởng được một nền giáo dục lành mạnh. Vì vậy, họ không quen những giả dối, đểu cáng, mánh khoé lọc lừa. Mọi giải pháp vẫn sẽ bế tắc nếu thể chế chính trị này vẫn tồn tại. Vấn đề là ở thượng tầng, đầu mối của mọi rác rưởi văn hóa. Trong kinh tế, cái quan trọng đối với người dân là công ăn việc làm chứ không phải những con số GDP. Các lý thuyết kinh tế sẽ trở nên tầm phào nếu không đạt được kết quả cụ thể. Cũng vậy, tiếp tục ngồi vạch ra những vấn nạn văn hóa xã hội, tìm cách sửa đổi trên nền tảng của dối trá chính trị là vô tình tiếp tục tiếp tay cho bạo quyền. Nó chẳng có giá trị nào khác ngoài việc khoe khoang kiến thức hơn người và không khéo lại đi vào vết xe đổ của đường lối mị dân. Không ai tìm cách sửa chữa một căn nhà sắp sụp vì thiếu móng. Vẫn chưa đủ nếu chỉ có cái tâm. Phải can đảm nói l

ên sự thật. Nếu kẻ thù của người Tàu là người Tàu (theo Bá Dương) thì chính người Việt là kẻ thù của nhau. Nguy hiểm nhất là những kẻ đã nhận ra sự bất lực của chính mình, phải sử dụng dối trá và bạo lực hay bám víu ngoại bang để tìm lối thoát.

Hoàng Thủy Ngữ

(02/02/2019)

Published in Văn hóa