Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 27 juillet 2023 21:23

Ăn cướp

Từ xứ Thái trở về, blogger Phạm Hồng Phong có mang theo một câu chuyện làm quà mà chỉ cần nghe qua cũng muốn ứa nước mắt :

ancuop1

Bay chuyến cuối cùng trong ngày, từ Don Muang về Tân Sơn Nhất. Gặp một nhóm hơn chục người đi tay không, quần áo nhàu nhĩ áo phông trắng thì thành cháo lòng, áo màu thì cáu bẩn, người đi tông, người đi chân đất, ồn ào, nhốn nháo lên máy bay tìm ghế ngồi. Tất cả đều rất trẻ, tuổi từ 20, đến 31.

Khá ngạc nhiên, hỏi ra mới biết anh em ngư dân Sông Đốc – Cà Mau bị cảnh sát biển Thái Lan bắt khi đang câu mực ở Vịnh Thái Lan, tịch thu thuyền, tài sản, án tù 3 tháng. Gia đình vay tiền chạy chọt, ngồi tù được 55 ngày, hôm nay được thả về.

Cầm vé trên tay nhưng không biết ghế của mình chỗ nào. Mình cùng mấy cô tiếp viên Air Asia hướng dẫn từng chỗ ngồi vì anh em đều lần đầu bị đi bằng máy bay.

Ngồi hỏi chuyện và nghe kể mới biết sự cơ cực từ ngày bị bắt đến khi được tha. Để được thả, gia đình phải tự tìm cò, qua Thái, liên hệ Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, xuống Songkhla gặp cảnh sát, cai tù… Rổ giá để được tự do :

- Thuyền viên 12 -20 triệu/người.

- Tài công 80 -120 triệu/người tùy tội nặng nhẹ, tùy hứng của cò và cảnh sát.

Tiền vé máy bay riêng, nghe anh em nói là mỗi người 8 triệu nộp cho đại sứ quán mua và làm thủ tục cho cả nhóm, ngồi xe tù, cảnh sát chở tuột ra sân bay, gọi tên từng thằng phát cho cuống vé. (Giá bình thường mua cận ngày thì tối đa cũng chỉ 150$~ 3 triệu ông cụ). Mình bảo anh em, có thể do tiền cò, lệ phí giấy thông hành Đại sứ quán cấp và xăng xe tù, xe áp tải của cảnh sát Thái nên mới hết 8 triệu, chứ vé mình mua trước đây 5 ngày có 1800 Bath ~ 1,2 triệu…

Câu chuyện làm quà của Phạm Hồng Phong khiến tôi nhớ đến bài viết ("Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Nam") của phóng viên Đình Dân, trên Tuổi Trẻ Online :

Ở Philippines ngư dân ta đi biển gặp nạn được Dũng giúp đỡ rất nhiều’, ‘Không chỉ những người Việt đi biển gặp nạn ở Philippines biết tới Dũng, mà thậm chí nhiều thân nhân của họ đang sống ở quê cũng lưu trong điện thoại cầm tay cái tên Dũng Việt Nam’…

Đó là những thông tin mà tôi nghe được từ nhiều người dân ở đảo Phú Quý. Và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ‘Dũng Việt Nam’ nhân chuyến đi Philippines viết về vụ 122 ngư dân bị giam giữ tại đây…".

"Chiều 23-8, trời Palawan vẫn mưa suốt. Sáng mai là ngày diễn ra phiên tòa xét xử 122 ngư dân nên chiều hôm đó những người từ Việt Nam qua ai cũng bận rộn lo giấy tờ, thủ tục chuẩn bị hầu tòa. Anh Dũng cũng cuống cuồng vừa chạy xe vừa điện thoại liên tục để hẹn các luật sư ở Philippines nhằm thiết kế các buổi gặp gỡ với các luật sư từ Việt Nam qua.

Vừa gặp luật sư xong, anh Dũng lại cùng anh Thoại – chủ DNTN Long Hải Long – vào nhà tù để mang thuốc tây và một ít tiền bà con ở đảo Phú Quý gửi cho người nhà của họ trong trại giam. Mưa to ướt hết áo, anh Dũng phải mượn áo một thuyền trưởng mặc vào để chạy tiếp…

ancuop2

Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi : ‘Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được…’

Một số ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Thuận kể rằng từ năm 2004 đến nay, anh Dũng đã giúp đỡ khoảng 30 nhóm ngư dân Việt Nam bị mắc nạn và trôi dạt vào vùng biển của nước bạn… Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên.

Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. ‘Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn – một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi : Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm.

12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết. Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines…

Ủa, cái ông Dũng này là ai mà sao rảnh rỗi và "bao la" dữ vậy cà ? Xin hãy nán đọc thêm một đoạn ngắn nữa, về người đàn ông Việt Nam vô cùng nhân ái và tháo vát này :

Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Philippines này là một người bán giày dép trên hè phố…

Coi : một người dân Việt lam lũ, vợ dại con thơ, đang lưu lạc nơi đất lạ xứ người mà chăm lo cho những đồng hương của mình từ A tới Z (cung cấp toạ độ nơi ngư dân bị bão đánh chìm thuyền cho hải quân Phi, tham vấn với luật sư bản sứ, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, vào tù thăm non tiếp tế cho đồng bào đang bị giam dữ, rồi cùng đi với họ ra toà …) như vậy thì các Toà Tổng Lãnh Sự và Đại Sứ Quán Việt Nam làm gì ?

Làm… tiền !

Chớ họ còn có lựa chọn nào khác nữa đâu, theo như nhận xét của blogger Hương Vũ : "Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán Việt Nam chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày".

ancuop3

Có thực mới vực được đạo chớ, "phong cách và đạo đức cách mạng" mà. Đại Sứ Trần Việt Thái đã "khai" như thế, trước tòa, vào hôm 12/07 vừa qua : "Việc chi bồi dưỡng cho cán bộ Đại sứ quán là việc phổ biến ở Malaysia, nếu không chi thì không huy động được người đi làm việc".

Ở đâu mà không vậy, chớ có riêng chi cái đám cán bộ ngoại giao ở Mã Lai. Không cho ăn thì ai mà làm. Vấn đề chỉ là các vị quan sứ ăn quá bẩn (và quá dầy) nên mắc nghẹn thôi :

- Những lời thú tội nhận tiền từ các cựu Đại sứ

- Vụ chuyến bay giải cứu : Cựu đại sứ khai về việc "ăn chia" tiền của gần 1.900 người mãn hạn tù

- Chuyến bay giải cứu : Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận nhận hối lộ 

- Vụ 'chuyến bay giải cứu' : Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng

- Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu"  

- Vụ "chuyến bay giải cứu" : Cựu Đại sứ tại Malaysia thu quá 11 tỷ đồng của dân để giữ lại và chia nhau

Tưởng là nhiều lắm chớ chỉ có mười một tỷ thì nào có là bao, và đây chỉ là cơ hội ngàn năm một thuở của các ông bà quan sứ ở nước ngoài thôi. Ở một xứ sở mà "một quả trứng chịu 14 loại phí, một con lợn cõng 51 thuế phí" thì dân làng Ba Đình đã ăn bao nhiêu tỷ bạc mỗi ngày, và ăn ròng rã như thế từ bao thập niên qua ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 27/07/2023

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa
vendredi, 07 janvier 2022 01:14

Ăn Cướp & Ăn Cắp

Tôi nghe nhiều người than phiền về một vị đồng hương (khó thương) của mình nên cũng đâm ra hơi sốt ruột, và xót ruột.

ancuop1

Người Buôn Gió : Hầu như cứ động đến Việt Kiều là có mặt Thọ Muối. Nhà văn Thọ Muối trước là cựu chiến binh giải phóng miền Nam, khi xuất ngũ về đói quá (tác phẩm Nhà Ba Hộ đoạt giải của Thọ Muối lột tả những tháng ngày đau khổ này) Thọ Muối đi xuất khẩu lao động sang Đông Đức. Thời thế nháo nhào Tây Đông hòa hợp, Thọ Muối thành Việt Kiều Đức nhưng lòng nhớ các em gái Việt Nam khôn nguôi.

Và hơn nữa là sự đam mê văn chương. Vì những thứ ấy chỉ ở Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu của Thọ Muối. Nên Thọ năng đi về quan hệ với văn nghệ sĩ và các em út trong nước. Mà muốn đi về thì phải phát ngôn thế nào thì Thọ tất rõ. Thọ Muối từng giật míc đọc thơ đón tiếp Tổng Bí Thư Nông khi ngài có dịp sang Đức quá bộ thăm Kiều bào bên đó".

- Đỗ Trường : Tập kiểu sống như thế này, hèn và nhục lắm ông Nguyễn Văn Thọ ạ.

- Khánh Minh : "Thọ Muối là đồng chí đéo lào mà lịnh thế !"

Cứu cánh biện minh cho phương tiện là châm ngôn sống của nhiều người, chứ chả riêng chi ông Thọ. Nịnh bợ, nói nào ngay, cũng chỉ là một trong hằng trăm cách ứng xử ở đời thôi. Trong cái bối cảnh xã hội mà "không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn" (theo như lời của một vị sĩ phu xứ Việt) thì xu phụ – nghĩ cho cùng – cũng không có gì là trật lắm !

Tôi chỉ có hơi phiền lòng chút đỉnh khi nghe nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại vừa lớn tiếng đòi "lên án gia đình" em V.T.T.M, một nữ sinh mồ côi cha, quê ở Sầm Sơn – Thanh Hoá. Em bị bắt giữ và làm nhục chỉ vì ăn cắp một cái váy trị giá 160 ngàn đồng tiền Việt, vào hôm 3 tháng 12 năm 2021 :

"Xưa người ta thường nói Đứa dại hở L thằng khôn xấu hổ hay Chó gày hổ mắt người nuôi. Cha mẹ những kẻ ăn cắp phải nên biết xấu hổ và tôi thấy báo chí không nên khai thác 1 mặt về phía tâm lí cha mẹ trong trường hợp này, dường như gia đình và cô gái kia không đáng lên án sao ?"

ancuop2

May mà còn có những người người cầm bút khác, với cái tầm và cái tâm bao dung hơn thế :

Thùy Dương : Trong vụ việc nói trên, chủ shop quần áo đã có những hành vi mang tính nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ sinh 16 tuổi. Việc chụp ảnh em M. bị hành hung để tung lên mạng xã hội, phát tán cho nhiều người cùng xem, đã làm cho mức độ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nữ sinh này trầm trọng thêm.

Thái Hạo : Chúng ta tỉnh táo tới mức không thể chấp nhận việc có nhiều người động lòng thương gia đình một cô bé nghèo khổ ăn cắp, chúng ta sáng suốt nhân danh đủ thứ lý lẽ để đòi trừng trị, chúng ta cao giọng dạy dỗ huấn thị. Ngày xưa, khi phát hiện một đứa trẻ đang leo cây hái trộm ổi, ông chủ nhà sẽ im lặng không lên tiếng, giả vờ như không biết vì sợ nó té ngã ; ngày xưa, khi một đứa trẻ ăn trộm trái cây trong vườn ông thầy đồ, ông sẽ nói "cháu đừng hái trái xanh", rồi đến trưa thì tự tay mang sang nhà cho một rổ… Thời tôi vẫn còn lác đác thấy thế, thời cha mẹ ông bà tôi thì nhiều hơn.

Những chuyện "ngày xưa" thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một câu chuyện khác, chưa xa xưa gì lắm, đọc được trên trang Trí Thức Việt Nam :

Buổi sáng hôm ấy, cậu học sinh này cứ lang thang mở coi hết cuốn này đến cuốn khác ở chỗ các giá sách tiếng Pháp. Việc lấm lét nhìn tới nhìn lui của cậu bé khiến nhân viên trông coi khu sách tiếng Pháp nghi ngờ. Lúc cậu đi ra, họ giữ lại, sờ ngực áo cậu và lôi ra một cuốn Toán Hình học và Đại số của Réunion de Professeurs quý giá đã nói ở trên.

– Tại sao cậu ăn cắp sách ?

Cậu bé tái mặt không nói nên lời. Chiếc phù hiệu trên ngực áo cậu cho biết cậu học trường Pétrus Ký, một trong bốn trường trung học công lập lớn nhất rất nổi tiếng tại Sài Gòn lúc bấy giờ : Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký, Chu Văn An.

– Hừ, học sinh trường Pétrus Ký mà ăn cắp sách ! Tôi gọi cảnh sát đến bắt để cậu chừa cái thói đó đi !

Họ lôi cậu bé tới chỗ quầy thâu tiền của cô thâu ngân viên, nhờ cô giữ cậu giùm rồi đi gọi cảnh sát. Cậu bé sợ hãi khóc như mưa như gió :

– Lạy chị, nhà em nghèo không có tiền mua sách, chị nói với chú ấy tha cho em đừng gọi cảnh sát…

Từ đầu đến giờ có một ông đã lớn tuổi, ăn mặc lịch sự vẫn đứng theo dõi câu chuyện. Thấy cô thâu ngân nói thế, ông bảo cô ta :

– Thôi được, cuốn sách giá bao nhiêu để tôi trả tiền. Học trò nghèo mà, lấy một cuốn sách, lỡ bị đuổi học tội nghiệp…

Cô thâu ngân viên chưa biết giải quyết thế nào thì đúng lúc đó ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhà sách mà mọi người vẫn gọi là ông Khai Trí, từ ngoài đi vô.

Thấy chuyện lạ, ông dừng lại hỏi chuyện gì. Cô thâu ngân viên thuật lại sự việc và ông khách cũng đề nghị trả tiền như ông đã nói với cô thâu ngân. Ông Khai Trí cầm cuốn sách lên coi sơ qua rồi nói :

– Phải học trò giỏi mới dùng tới cuốn sách này chứ kém không dùng tới. Cám ơn lòng tốt của ông nhưng để tôi tặng cậu ta, không lấy tiền và sẽ còn giúp cậu ta thêm nữa…

Ông trao cuốn sách cho cậu bé, thân mật vỗ vai khuyên cậu cố gắng học hành rồi móc bóp lấy tấm danh thiếp, viết vài chữ, ký tên và đưa cho cậu :

– Từ nay hễ cần sách gì cháu cứ đem danh thiếp này đến đưa cho ông quản lý hay cô thâu ngân, cô ấy sẽ lấy cho cháu. Ngày trước bác cũng là học sinh trường Pétrus Ký mà…

Thái độ của người khách lạ và ông chủ hiệu sách Khai Trí khiến tôi nhớ đến tựa một cuốn sách (It Takes A Village) của Hillary Rodham Clinton, xuất bản lần đầu vào năm 1997. Đề tựa này dường như được lấy cảm hứng từ một câu ngạn ngữ cổ xưa – "It takes a village to raise a child" Một đứa bé cần được cả làng chăm sóc – của dân Châu Phi.

ancuop3

Cái thời mà phần lớn nhân loại sống theo từng làng mạc nay đã qua rồi. Bây giờ ở Việt Nam nếp sống được tổ chức chặt chẽ hơn nhiều. Ngoài sự "quan tâm" thường xuyên của Nhà Nước và Đảng cầm quyền, tất cả mọi người dân (bất kể nam phụ lão ấu) còn được Mặt Trận Tổ Quốc "chăm sóc" tới nơi tới chốn nữa cơ ?

Liệu chính quyền địa phương (với đủ thứ hội hè, đoàn thể, ban ngành) có chút trách nhiệm gì không về hành vi đáng tiếc vừa qua của một công dân vị thành niên ?

Tôi chưa được đặt chân đến Thanh Hóa lần nào nên cũng tò mò muốn biết xem cuộc sống nơi em V.T.T.M sinh trưởng ra sao ? Lần dò qua báo chí nước nhà, và đọc được những mẩu tin sau :

- Thanh Hóa : Chủ Tịch Xã Ăn Chận Tiền Hổ Trợ Thiên Tai

- Thanh Hóa : Cán Bộ Ăn Chận Tiền Hổ Trợ Trâu Bò Của Dân Nghèo

- Thanh Hóa : Cán Bộ Ăn Chận Tiền Hổ Trợ Cho Người Nghèo

- Thanh Hóa : Chuyện động trời, chăn trâu bò phải trả phí

- Thanh Hóa : Hiệu Trưởng Cắt Xén Cả Tỉ Đồng Của Học Sinh

- Thanh Hóa : Rút Ruột Công Trình Hàng Trăm Triệu Đồng

- Thanh Hóa : Chủ Tịch Hội đồng quản trị Công Ty Nước Tham Ô

- Thanh Hóa : Khối tài sản khổng lồ của Bí Thư Thành Ủy

Nếu "khối tài sản" của ông Bí Thư Thành Ủy Thanh Hóa đừng quá "khổng lồ" (và nếu quí vị quan chức ở địa phương này chịu "cắt xén" hay "ăn chận" mỏng hơn chút xíu) liệu em V.T.T.M sẽ có thể sắm một cái váy để mặc, thay vì trộm cắp hay không ?

Có thể cũng không, vì chả có gì hoàn toàn bảo đảm là một cá nhân có thể hành xử cách này, thay vì cách khác. Tuy thế, tôi vẫn tin rằng nếu nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng "đứng về phe nước mắt" như vô số người cầm viết khác (thay cho cái thói "thượng đội hạ đạp" cố hữu) thì chắc chắn ông sẽ tránh được rất nhiều điều tiếng hay búa rìu dư luận.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/12/2021 (tuongnangtien's blog)

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa