Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 13 octobre 2021 11:04

Bảy mẫu tự - Bảy nốt nhạc tượng

Nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị : Bảy mẫu tự - Bảy nốt nhạc tượng

Thế giới tranh tượng của Điềm Phùng Thị là không gian biến tấu đầy ngẫu hứng và lôi cuốn của những khối mềm, khối cứng, của trò chơi ánh sáng, của bảng màu, của đường nét và của chất liệu không giới hạn.

diem2

Điềm Phùng Thị thời son trẻ.  © Ảnh do Trung Tâm Nghệ Thuật Điềm Phùng Thị cung cấp.

RFI : Như chúng ta đã biết, không gian nghệ thuật của nữ điêu khắc gia xứ Huế này, có một phong cách không thể lẫn vào đâu được, ngay cả cái tên Điềm Phùng Thị cũng vậy, chị có thể cho biết tại sao bà mang nghệ danh này không ?

Đinh Thị Hoài Trai : Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920 tại làng Châu Ê, ngoại thành Huế, trong một gia đình quan lại gốc Hà Tĩnh, mẹ là người Huế. Bà qua đời vào năm 2002 tại Huế, sống và làm việc nhiều năm tại Pháp và là nha sĩ trước khi cống hiến trọn đời cho nghệ thuật điêu khắc. Tại Pháp, bà đã kết hôn với nha sỹ, là đồng nghiệp, đó là ông Bửu Điềm, và bút danh Điềm Phùng Thị ra đời từ đó. Theo người Pháp thì tên phải đặt trước họ, và người phụ nữ khi đã lập gia đình thì phải lấy tên chồng. Điềm Phùng Thị, Điềm là tên chồng, Phùng Thị là họ gốc của bà. Đó là ý nghĩa của bút danh Điềm Phùng Thị.

RFI : Là một nha sĩ được đào tạo tại Pháp, đến tuổi 40 bà bẻ lái sang một con đường vốn rất "kén chọn người", nhất là đối với phụ nữ trong nghệ thuật điêu khắc. Theo chị, điều gì đã khiến nha sĩ Phùng Thị Cúc trở thành một nữ điêu khắc gia tài năng Điềm Phùng Thị ?

Đinh Thị Hoài Trai : Bước vào nghệ thuật tạo hình ở tuổi 40, một điều rất đặc biệt ở nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, cái tuổi bước qua tuổi thanh xuân để trở về với những chiêm nghiệm và tĩnh lặng của một đời người, nhưng nghệ sĩ Điềm Phùng Thị đã khiến giới tạo hình thế giới rất bất ngờ, ngạc nhiên bởi từ lĩnh vực là một tiến sỹ, bác sĩ nha khoa sang một lĩnh vực như mình đã trao đổi, đó là lĩnh vực rất là kén chọn, đặc biệt là đối với phụ nữ. Người thầy dạy điêu khắc đầu tiên của bà tại Paris là ông Volti. Từ năm 1960 bà đã bắt đầu sáng tác. Bà đã từ bỏ công việc là một bác sĩ nha khoa tại Pháp để đi vào nghệ thuật điêu khắc.

Bà đã từng cho biết lý do đến với lĩnh vực này : "Đó là đầu những năm 60, chiến tranh ở quê nhà diễn ra rất là ác liệt, cái cảnh chết chóc được truyền hình chiếu đi chiếu lại làm cho đầu óc ai cũng căng thẳng. Để giữ thăng bằng, tôi đi học võ, học làm đồ gốm để thoát ra khỏi sự chật hẹp của cái miệng, của nghề răng. Một hôm tôi đi ngang qua một cái xưởng nặn đất sét, thì tôi dừng lại đó, rồi không đi đâu khác nữa. Hình như có một sức hút nam châm thu hút tôi, giữ tôi lại. Tôi không xác định được là tôi tìm đến với điêu khắc, hay là điêu khắc đã chọn tôi". Và đó là một quyết định rất táo bạo, đã làm thay đổi cuộc đời bà.

Trải qua rất nhiều thăng trầm, khi đang ở trong nước và sau khi tốt nghiệp nha khoa năm 1946, bà sang Pháp để chữa bệnh và tiếp tục học để trở thành tiến sỹ. Đó là một cuộc đời với bao nhiêu cố gắng, nỗ lực trong quá trình học tập và phấn đấu để trở thành một bác sỹ, một tiến sỹ. Nhưng bà đã để lại tất cả phía sau để đến với điêu khắc vì một khắc khoải với quê hương. Đó là quê hương đang đau khổ, đang chìm trong chiến tranh.

Và bà đã nhìn thấy nghệ thuật có thể giúp bà cất lên tiếng nói vì quê hương. Qua lĩnh vực nghệ thuật, bà có thể thể hiện được những trăn trở, những băn khoăn, những bồi hồi của bản thân mình, là một người con của quê hương đối với tổ quốc khi xa quê hương. Và bà cũng tự tin để thay đổi chính mình vì không thể suốt đời chỉ sống trong "ba mươi sáu cái răng trong miệng". Bà khát khao muốn làm một điều gì đó để lòng tự tôn dân tộc được lên tiếng bằng nghệ thuật, và bằng chính nhân cách của bà.

RFI : Những tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị rất độc đáo, lạ lùng và phá cách. Cho đến thời điểm này, những thập niên đầu thế kỷ 21, chúng vẫn không bị "lỗi mốt" và nằm trong những xu hướng điêu khắc đương đại thế giới. Theo chị, điều gì đã làm nên "ngôn ngữ điêu khắc" Điềm Phùng Thị độc lạ như thế ?

Đinh Thị Hoài Trai : Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị nổi tiếng và rạng danh với sự độc đáo, đó là bảy mẫu tự mang tên Điềm Phùng Thị. Bảy mẫu tự này được hoàn chỉnh qua một quá trình suy tư, tìm tòi. Những mẫu tự đó tất nhiên có sự thừa kế, đó là sự cắt bỏ những dư thừa của những giai đoạn trước để tìm ra bảy mẫu tự mang tên của mình.

Các mẫu tự của bà cũng như các tác phẩm nghệ thuật của bà luôn khiến người xem rất là thích thú bởi khả năng tạo tác tuyệt vời đi cùng với tâm hồn của người nghệ sỹ, thể hiện những tâm tư, những băn khoăn của mình qua tác phẩm. Và bà không giới hạn một chất liệu cố định nào cho sáng tác cả. Bà thử nghiệm và sử dụng rất là nhiều chất liệu khác nhau kết hợp trong các tác phẩm của mình như bằng gỗ, composite, đá, đồng, nhôm, ngọc, thạch cao, vân vân…

Nhưng cái điều độc đáo nhất làm nên đặc trưng rất riêng của Điềm Phùng Thị, đó là sự linh hoạt, linh động. Các tác phẩm của bà có thể biến hóa rất là kỳ diệu và thần kỳ trong các vật liệu, kích thước và cả trong cấu trúc. Các tác phẩm của bà được công chúng đón nhận rất rộng rãi, đã đi vào cuộc sống rất tự nhiên như hơi thở của mỗi chúng ta vậy. Đặc biệt là các tác phẩm của bà có thể đặt bất kỳ ở nơi đâu, trong một không gian rộng mở, phối hợp với thiên nhiên hay trong vườn nhà, trong phòng làm việc, trong gia đình hoặc có thể là trên bàn thờ hay sử dụng cho các tượng đài tưởng niệm, lăng mộ cho những người đã nằm xuống.

Hiện tại, ngôn ngữ điêu khắc Điềm Phùng Thị ngoài việc được trưng bày, quảng bá và giới thiệu các tác phẩm và công trình nghệ thuật của bà để lại, thì Bảo Tàng Mỹ Thuật Huế cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ứng dụng, sáng tạo với 7 mô đun, ký tự nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho các em học sinh. Tức là các em sử dụng 7 mô đun này thỏa sức sắp đặt như các trò chơi ghép hình, để các em có khả năng tư duy cũng như thể hiện được năng khiếu nghệ thuật trong lĩnh vực ứng dụng, sáng tạo 7 mô đun, ký tự nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Và Điềm Phùng Thị đã từng cho rằng hội họa và điêu khắc không phải luôn luôn là cái món trang trí, và nếu có phải là trang trí đi chăng nữa, nó cũng phải phản ánh một tâm hồn, một dân tộc, một thời đại. Thì có lẽ chăng vì vậy những tác phẩm và nghệ thuật Điềm Phùng Thị vẫn không "lỗi mốt" và luôn nằm trong những xu hướng điêu khắc đương đại thế giới.

diem3

Điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và bộ sưu tập tranh tượng.  © Ảnh do Trung Tâm Nghệ Thuật Điềm Phùng Thị cung cấp.

RFI : Với 38 tác phẩm điêu khắc mang tên bà, được dựng trên khắp nước Pháp, hàng chục cuộc triển lãm tiếng tăm mang tầm quốc tế và sự vinh danh lớn lao mà thế giới đã dành cho, nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị đã miệt mài sáng tạo bằng bàn tay và trái tim của một phụ nữ Việt Nam, bà chính là "chiếc cầu nối Đông Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ". Chị có thể giới thiệu sơ qua một trong số tác phẩm nổi tiếng của bà dựa trên tinh thần này ?

Đinh Thị Hoài Trai : Điềm Phùng Thị được nổi danh là nhờ tính chất của các công trình, tác phẩm của bà để lại. Những công trình này là nơi giao điểm của hai thế giới : Đông Nam Châu Á nơi mà bà sinh trưởng và phương Tây nơi mà bà được đào tạo và phát triển tài năng. Hai cái ảnh hưởng đó, nó đã hỗ trợ cho nhau và quyện lại vào nhau trong mọi tác phẩm của bà.

Trong lời tự sự của mình, bà đã nói rằng "Tôi là người Việt Nam, hấp thụ sâu sắc nền văn hóa Việt Nam. Cái tâm hồn Việt Nam của tôi, nó được phát triển trong môi trường văn hóa Pháp. Được sự giúp đỡ của phương tiện, và kĩ thuật hiện đại của phương Tây, do đó tác phẩm của tôi chắc chắn chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa".

Và nhà thơ Tố Hữu cũng đã có nhận định như thế này : "Tôi thật lòng bàng hoàng và nhận những cảm xúc vừa trừu tượng, vừa cụ thể về cuộc sống và con người với muôn vàn vẻ đẹp kỳ diệu của một nghệ thuật : vừa bác học, vừa dân gian, vừa có tính nhân loại, cả đông cả tây. Điềm Phùng Thị có thể được xem là một tạo hóa trong lĩnh vực điêu khắc, mở ra những chân trời mới không những cho nghệ thuật mà cho cả lĩnh vực tư duy".

Rất là nhiều tác phẩm đã thể hiện trong quá trình sáng tác của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị như là Văn Miếu, Sự Im Lặng Vĩ Đại, cũng như là Tượng Đài Hoa Sen đang ở Val-de-Marne, Pháp. Thì đó là những tác phẩm thể hiện được nhìn nhận "như là chiếc cầu nối Đông Tây trong một cuộc hội thoại siêu ngôn ngữ".

RFI : RFI tiếng Việt xin trân trọng cảm ơn chị Đinh Thị Hoài Trai.

Hoài Dịu

Nguồn : RFI, 14/10/2021

Additional Info

  • Author Đinh Thị Hoài Trai, Hoài Dịu
Published in Văn hóa