Ngoài những chuyện liên quan đến gia đình, người thân và bạn bè trong nước, tôi ít quan tâm đến tin tức do các cơ quan truyền thông công cụ ở Việt Nam phổ biến.
Tin tức (news, nouvelles, noticie, noticias...) trong ngôn ngữ của hầu hết các nước Tây Phương, luôn có hàm ý về một điều mới mẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay cũng như trong các chế độ độc tài, tin tức lúc nào cũng chỉ là bổn cũ lập lại. Như chuyện bầu cử chẳng hạn : lúc nào kết quả bầu cử cũng có trước khi người dân đi bỏ phiếu ; lúc nào các ửng cử viên được đảng đề cử và chỉ được đảng đề cử cũng đạt kết quả trên 90 phần trăm số phiếu bầu ; có vị được cả đến 99 phẩy 9 phần trăm... Với kết quả bầu cử được biết trước như thế, các phóng viên nằm nhà uống cà phê cũng vẫn có thể tường thuật đầy đủ "tin tức" về bầu cử. Đó là chuyện "tin tức" của các cơ quan truyền thông công cụ. Còn những lời phát biểu của cấp lãnh đạo hay các viên chức chính phủ, trước sau như một, lúc nào cũng chỉ là những lời sáo rỗng, những công thức vô nghĩa... Thành ra, trong một xã hội mà sự tử tế đã trở thành quý hiếm, thỉnh thoảng đọc được một bản tin đề cao một nghĩa cử, tôi xem đây mới thực sự là tin tức và đọc đi đọc lại với rất nhiều cảm xúc.
Nguyễn Quốc Phương, người bán vé số không tay, bật khóc nhận tấm vé cuối ngày bay về chăm bố - Ảnh Thanh Niên 02/06/2021
Trên báo Người Việt số ra đầu tháng Sáu vừa qua, tôi đọc được câu chuyện của một người bán vé số không tay được một số nhân viên ở phi trường Tân Sơn Nhất giúp lên máy bay vào những giây phút cuối trước khi máy bay cất cánh. Người khuyết tật bán vé số này tên là Nguyễn Quốc Phương, quê ở Hải Dương. Anh giải thích về hoàn cảnh của mình cho người đại diện của hãng hàng không Bamboo Airways tại Sài Gòn : "Em đi xe đò vào Sài Gòn cách đây ba năm, bán vé số dạo để gởi tiền về quê. Bố em bị tai biến, hôm nay ra phi trường mua vé về quê gấp, nhưng bị từ chối vì không có giấy tờ hợp lệ. Em là người khuyết tật, không có đôi bàn bay, nên không làm Chứng Minh Nhân Dân được. Anh chị thương giúp em với".
Không có Chứng Minh Nhân Dân thì đương nhiên không được phép lên máy bay đã đành, mà vét hết tiền túi ra cũng không đủ cho một giá vé một chiều Sài Gòn - Hà Nội là 900.000 đồng. Người hành khách khuyết tật chỉ có đúng 350.000 đồng. Nhưng với chút từ tâm còn sót lại trong một xã hội vô cảm, các nhân viên bán vé ở phi trường mỗi người một chút đã góp đủ một vé máy bay cho anh Phương và nhân viên an ninh phi trường cũng nhắm mắt làm ngơ để cho anh được lên máy bay như một công dân bình đẳng trong một chế độ "bình đẳng nhưng có những người bình đẳng hơn người khác".
Bài báo được Người Việt trích dẫn đã ghi lại cảm xúc của một nhân viên bán vé của hãng Bamboo Airways : "Nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của người đàn ông bán vé số nhỏ xíu, bàn tay co cúm lại, khuất vào phía phòng chờ cùng tấm vé cuối ngày, ai nấy đều lâng lâng trong lòng" (1).
Bản tin không chỉ làm dấy lên trong tôi niềm cảm thương sâu xa đối với người bán vé số khuyết tật, sự cảm phục đối với các nhân viên bán vé ở phi trường, mà còn khiến tôi cảm thấy uất hận trước cái chế độ độc ác, vô tâm và tàn nhẫn đối với những thành phần thấp kém trong xã hội.
Tôi đã được "may mắn" sống dưới chế độ cộng sản hơn 5 năm. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao cho đến khi trốn khỏi chế độ, tôi vẫn không được cho làm Chứng Minh Nhân Dân. Không có giấy tờ hợp lệ cho nên việc đi lại trong nước vốn đã khó đối với mọi người, lại càng khó hơn đối với một người không được nhìn nhận là "nhân dân". Một người "phản động" như tôi có thể không được "chứng minh" là "nhân dân" là điều có thể hiểu được. Nhưng một người khuyết tật không được chứng nhận là "nhân dân" chỉ vì không còn đủ hai bàn tay, đây quả là tận cùng của sự bất công và độc ác của một chế độ lúc nào cũng tự hào là cổ súy và xây dựng sự bình đẳng. Đây chính là bộ mặt thật của một chế độ không có linh hồn !
Tại Úc Đại Lợi, tôi có biết một gia đình người Việt có hai cậu con trai song sinh mắc chứng tự kỷ bẩm sinh. Cả hai nay đã là thanh niên nhưng vẫn cư xử gần như một trẻ thơ. Gia đình chỉ đủ sức để chăm sóc cho một cậu. Dĩ nhiên với sự tài trợ của chính phủ Úc. Một cậu thì lại được trao phó hoàn toàn cho chính phủ chăm nom. Chính phủ thuê nhà và mướn người túc trực ở bên cạnh cậu ngày đêm. Gia đình của hai thanh niên khuyết tật này cho biết mỗi năm chính phủ dành một ngân khoản không dưới mấy trăm ngàn Úc kim cho mỗi cậu.
Úc Đại Lợi, mặc dù cũng có lúc tự nhận là một "đất nước may mắn", nhưng chưa bao giờ được xem là đất nước của niềm mơ ước như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng qua các chương trình xã hội, cách riêng đối với người khuyết tật, tôi vẫn xem đây là một thiên đàng trần gian thật sự. Thiên đàng là tình yêu. Ở đâu có tình yêu, đặc biệt tình yêu dành cho những thành phần kém may mắn và yếu kém nhứt trong xã hội, thì ở đó có thiên đàng. Và dĩ nhiên ở đâu có tình yêu thì ở đó mới có hòa bình thật sự.
Nhắc đến Úc Đại Lợi thì dĩ nhiên cũng phải nêu đích danh Trung Quốc, một người khổng lồ không có trái tim đã và đang chèn ép và dọa nạt Úc Đại Lợi bằng đủ mọi cách. Không chỉ Úc Đại Lợi mà hầu như toàn thế giới đã trở thành một thứ sân chơi trong đó tên khổng lồ không có trái tim muốn đàn áp, hạch xách, bắt nạt ai tùy ý. Được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của khối G-7 tại Anh Quốc, Úc Đại Lợi đã cùng với một thành viên của khối là Nhựt Bổn công bố một bản cáo trạng lên án thói hung hăng côn đồ của Trung Quốc. Bản cáo trạng bày tỏ quan ngại sâu xa về chủ trương diệt chủng của Trung Quốc đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương, nhấn mạnh đến việc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến tại Hương Cảng và đặc biệt lên án hành động xâm lăng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng như đối với Đài Loan (2).
Một cuộc thăm dò về dư luận của thế giới đối với Trung Quốc do Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Pew research Center) thực hiện hồi năm ngoái và được cập nhựt cho thấy ngoại trừ tại một vài nước như Nga, Ba Tây, Israel, Tunisia... đâu đâu cũng đều có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc (3). Tiêu cực là một cách nói lịch sự. Thật ra, đúng hơn phải nói là ở đâu người ta cũng "thù ghét" Trung Quốc.
Cũng may, ít ra nay Trung Quốc đã chợt nhận ra cái bộ mặt đáng ghét của mình. Dạo cuối tháng Năm vừa qua, tại một hội nghị gọi là "học tập tập thể" về đường lối ngoại giao, lãnh tụ Tập Cận Bình đã kêu gọi "giảng hảo Trung Quốc cố sự", nghĩa là hãy kể cho thế giới nghe câu chuyện về Trung Quốc "thật hay". Thay cho chính sách ngoại giao "lang sói" (wolf warrior diplomacy) vốn đã tạo ra ác cảm và thù ghét của thế giới, chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức cao cấp nhứt của Đảng Cộng Sản hãy "tập trung kiểm soát lời nói, cởi mở và tin tưởng, nhưng cũng đồng thời phải giản dị và khiêm tốn, cố gắng tạo ra một hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính".
Tôi không tin là Trung Quốc có thể thay đổi được bộ mặt bỉ ổi của mình. Trong cuộc sống, dù cá nhân hay trên bình diện quốc gia, muốn được "đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính" thì hãy cư xử tử tế đã. Hình như cho tới giờ phút này, những người cộng sản Trung Quốc chưa tỏ ra và chưa hiểu thế nào là tử tế. Dịp rất may để Trung Quốc tỏ ra mình "đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính" là tình trạng dịch bệnh hiện nay tại Đài Loan. Nhựt Bản đã viện trợ cho Đài Loan 1,25 triệu liều thuốc chủng ngừa. Hoa Kỳ cũng đã cử một phái đoàn đến thăm Đài Loan và hứa sẽ gởi một số thuốc chủng ngừa đến quốc gia hải đảo này. Lẽ ra đây là cơ hội để Trung Quốc làm một nghĩa cử với người dân Đài Loan vốn là người đồng chủng với mình. Nhưng họ đã hành xử vô nhân đạo với Đài Loan bằng cách chỉ trích Nhựt Bản, lên án Hoa Kỳ và ngăn chặn số lượng thuốc chủng ngừa AstraZeneca mà Đài Loan đặt mua. Một hành động vô nhân đạo như thế không thể nào làm cho bộ mặt thô bỉ của Trung Quốc trở thành "đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính".
Thông điệp của các nhà lãnh đạo khối G-7 đã được tóm gọn trong hai chữ "Tình yêu" (Love) mà Đệ nhứt Phu nhân Hoa Kỳ, bà Jill Biden đã cho in trên lưng chiếc áo gió bà mặc trên người.
"Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn" (Build back a better world), đó là thông điệp mà các nhà lãnh đạo của khối G-7 muốn nhắn gởi cho toàn thế giới sau Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua tại Anh Quốc. Với tôi dường như thông điệp của các nhà lãnh đạo khối G-7 đã được tóm gọn trong hai chữ "Tình yêu" (Love) mà Đệ nhứt Phu nhân Hoa Kỳ, bà Jill Biden đã cho khắc lên trên lưng chiếc áo gió bà mặc trên người. Nhiều người đã liên tưởng đến khẩu hiệu "Tôi thực sự không quan tâm. Còn bạn thì sao ?" (I really don’t care. Do you ?) được viết trên chiếc áo gió mà cựu đệ nhứt phu nhân Melania Trump đã mặc khi đi viếng thăm một trung tâm giam giữ trẻ em tầm trú vào Mỹ và bị tách lìa với cha mẹ. Không ai biết bà Trump có dụng ý gì khi mặc chiếc áo gió có một khẩu hiệu như thế. Nhưng trong bối cảnh của một chuyến viếng thăm những đứa trẻ đáng thương đang bị giam giữ trong những điều kiện không mấy bình thường, một khẩu hiệu như thế dễ gợi lên sự vô tâm hơn là sự cảm thông và tình thương dành cho những người khốn khổ.
Người ta thường nói rằng đàng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà. Nếu đúng như thế thì quả thật bà Jill chắc chắn phải góp phần rất lớn cho sự nghiệp chính trị và các chính sách của ông Biden và cách riêng, khẩu hiệu "Tình yêu" mà bà cho viết trên lưng chiếc áo gió của bà trong những ngày có mặt tại Anh Quốc đã tóm gọn được thông điệp của khối G-7 mà linh hồn đầu tầu không ai khác hơn là tổng thống Biden.
"Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn" chính là xây dựng bằng "Tình yêu" chớ không phải bằng sự hung hăng, gây hấn, hận thù hay chia rẽ. Và dĩ nhiên, đó không phải là trách nhiệm riêng của các nhà lãnh đạo quốc gia. Đã là người thì ai cũng mong muốn tỏ ra "đáng tin cậy, đáng yêu và đáng kính". Và muốn được như thế thì dĩ nhiên phải biết sống yêu thương và cư xử tử tế với mọi người. Sống như thế là góp phần vào việc "xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn".
Chu Văn
(15/06/2021)
Chú thích :
(2) https://theworldnews.net/au-news/sabotaging-peace-new-claims-as-china-lashes-out-at-australia