Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thêm một sáng kiến của Pháp được lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Năm 2018, "Đêm Ý tưởng" (La Nuit des Idées) bước sang mùa thứ 3 với chủ đề "Khi tưởng tượng lên ngôi". Một đêm để học hỏi, trao đổi tại hơn 100 địa điểm ở Pháp và hơn 100 thành phố ở 70 quốc gia cùng hưởng ứng sự kiện này.

nuit10

Áp-phich Đêm Ý tưởng 2018 (La Nuit des Idées) do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức.institutfrancais-vietnam.com

Được Viện Pháp (Institut Français) khởi xướng từ năm 2016, sự kiện thường niên này hiện trở thành ngày hẹn của hoạt động văn hóa thể thiện sự lan tỏa của Pháp trên thế giới. Như "Đêm Ý tưởng" 2017 đã thu hút hơn 180.000 người quanh chủ đề "Một thế giới chung", so với con số 5.000 vào năm đầu tiên 2016 tại trụ sở bộ Ngoại Giao Pháp (Quai d’Orsay).

Chủ đề năm 2018 - Khi tưởng tượng lên ngôi - được lấy lại từ những khẩu hiệu của phong trào sinh viên tháng Năm 1968 (Mai 1968) để kỷ niệm 50 năm thế hệ trẻ Pháp lúc đó đòi được phát biểu, đòi được lắng nghe. Tuy nhiên, theo ngoại trưởng Pháp, "Đêm Ý tưởng" 2018 không chỉ muốn bày tỏ ngưỡng mộ trước nghị lực của thế hệ trẻ Pháp 1968, mà "còn muốn mời giới trí thức, nghệ sĩ và thanh niên dấn thân cùng suy nghĩ đến những điều không tưởng của kỷ nguyên tương lai, thảo luận về canh tân công nghệ và sáng tạo nghệ thuậthoặc đổi mới cách suy nghĩ về cách thi hành quyền lực".

"Vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội" Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước Châu Á đầu tiên tham gia "Đêm Ý tưởng". Sau chủ đề năm 2017 "Cái Thiện và cái Ác trong Văn học và Nghệ thuật", buổi tọa đàm tối 25/01/2018 tại trung tâm Espace Hà Nội tập trung làm nổi bật "vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội" trong chủ đề chung "Khi tưởng tượng lên ngôi" (l’Imagination au pouvoir).

Ngoài hai vị khách mời người Pháp Alain Patrick Olivier, bộ môn triết học, đại học Nantes và Arnaud Mercier, bộ môn truyền thông chính trị, đại học Paris 2, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương và tác giả Đặng Hoàng Giang là hai khách mời người Việt cùng tham gia tọa đàm.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (1) đã giành cho RFI tiếng Việt một buổi phỏng vấn nhỏ về chủ đề anh tham gia thảo luận và nhận định về vai trò của trí tưởng tượng trong xã hội Việt Nam hiện đại.

RFI : Ban Việt ngữ đài RFI xin thân chào anh Đặng Hoàng Giang. Trong "Đêm Ý tưởng" 2018 được Viện Pháp tổ chức tại Hà Nội, anh đã tham gia với chủ đề gì ?

Đặng Hoàng Giang : Trong "Đêm Ý tưởng" về vai trò trí tưởng tượng và sáng tạo trong xã hội, tôi đã đề cập đến khái niệm "empathic imagination" (tạm dịch : sự tưởng tượng/sự hình dung của thấu cảm). Nó liên quan trực tiếp đến khái niệm thấu cảm, hiểu theo nghĩa là khả năng đi vào nội tâm của người khác, hình dung ra được ý nghĩ, cảm xúc của người khác và qua đó có thể giúp đỡ, hoặc thấu hiểu, thông cảm với họ hơn.

Đây là một khía cạnh mang tính xã hội học và tâm lý học. Và ở đây, vai trò của hình dung, vai trò của tưởng tượng được đề cao, tức là để cho mình có thể hiểu được người khác. Nếu người nào mà không có khả năng hình dung, hoặc không có khả năng tưởng tượng, có nghĩa là không có khả năng nhìn thực tại bằng con mắt của người khác, hay là không có khả năng nhận biết được, đoán định được cảm xúc, suy nghĩ của người khác, thì sẽ rơi vào trường hợp mà ta gọi là "vô cảm" hoặc "vô tình".

Cho nên, sự hình dung thấu cảm, tưởng tượng thấu cảm rất là cần thiết trong xã hội và chúng ta cần có những chương trình để giáo dục cho các em nhỏ, hoặc là thông qua văn học, nghệ thuật để có thể nâng cao khả năng thấu cảm của mọi người trong cộng đồng. Đây là khía cạnh tôi đã đề cập trong sự kiện đó.

RFI : Xin anh cho biết, liệu trí tưởng tượng còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại Việt Nam ngày nay hay không ? Và đóng vai trò như thế nào ?

Đặng Hoàng Giang : Đây là một câu chuyện khá thú vị. Xã hội càng hiện đại, càng đặt vai trò nhiều hơn cho sự sáng tạo. Trước kia, trong một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, hoặc một xã hội truyền thống nông nghiệp, người ta không coi trọng sự sáng tạo, tức là không coi trọng "cái mới" lắm, mà chỉ tập trung vào việc giữ truyền thống, giữ những tri thức đã được đúc kết qua nhiều thế kỷ và dẫn đến một thời gian đóng kín.

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, ở thế kỷ XXI và toàn cầu hóa, người ta đã hiểu ra là sự sáng tạo rất quan trọng và qua đó, trí tưởng tượng cũng đóng vai trò quan trọng theo vì nếu không có sự tưởng tượng thì sẽ không có sự sáng tạo.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, cũng có vẻ như trí tưởng tượng lại bị đẩy ra một góc và gặp khó khăn. Lý do thứ nhất là do truyền thông, càng ngày người ta càng được "bón" cho ăn, hoặc là "đút" cho ăn tất cả những hình ảnh từ mọi nơi trên thế giới, từ mọi nền văn hóa, từ mọi góc cạnh trên thế giới và không còn chỗ để người ta hình dung, tưởng tượng nữa. Tất cả mọi thứ đã được nhào nặn sẵn, được sản xuất sẵn để đưa cho người tiêu thụ thông tin.

Lý do thứ hai, trong thế giới mới cùng với hiệu quả, đuợc gọi là "sản xuất output" (đầu ra), người ta cũng nhìn việc hình dung, mơ mộng, tưởng tượng theo một nghĩa khá tiêu cực. Và người ta mong muốn là tất cả phải tạo ra được một đầu ra nào đó, một sản phẩm nào đó có thể sờ mó được thật là nhanh. Cho nên, đặc biệt là ở Việt Nam, giáo dục không coi trọng việc tạo cho các em sự tưởng tượng, thời gian để mơ mộng hoặc những khả năng được trình bầy ý kiến, quan điểm ra ngoài những cái mà người lớn chấp nhận.

Theo tôi, đây là một xung đột trong quan điểm giáo dục và quan điểm sống, ít nhất là của người Việt. Tức là, một mặt, người ta cho rằng các thế hệ mới cần phải sáng tạo hơn, nhưng mặt khác lại không cho phép các thế hệ mới mơ mộng, tưởng tượng, dùng thời gian của mình mà lại không sản sinh ra một "sản phẩm đầu ra" gì cả.

RFI : Là một người thường xuyên hoạt động xã hội tại Việt Nam, theo anh, hoạt động sáng tạo sẽ và nên được áp dụng như thế nào trong lĩnh vực này ?

Đặng Hoàng Giang : Tôi nghĩ là sự sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động xã hội cũng sẽ tương tự như trong nghệ thuật, hay là trong kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác.

Tôi nghĩ là nó sẽ đòi hỏi sự dũng cảm để rời bỏ những lĩnh vực đã quen biết, đã biết rồi, đã an toàn rồi và đi ra những vùng, tạm gọi là "vùng cấm" hoặc là "vùng mới", thử nghiệm và chấp nhận sai lầm, chấp nhận thất bại, để qua đó, học và tìm đến những ý kiến mới, những ý tưởng mới để thành công, để sáng tạo.

Người làm công tác xã hội cũng phải nhận thức được điều đấy và có sự dũng cảm để đề ra những phương thức hoạt động xã hội mới mà có thể là không được chấp nhận, hoặc rủi ro cao. Nhưng nếu không chấp nhận "đi ra ngoài" cái đã quen biết và chỉ hoạt động xã hội theo những phương thức cũ thôi thì sẽ không có sự sáng tạo. Tôi nghĩ điều này cũng đúng với mọi lĩnh vực khác.

nuit2

Nhà văn Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie, một trong những khách mời danh dự Đêm Ý tưởng, ngày 25/01/2017, tại bộ Ngoại Giao Pháp, Paris. STEPHANE DE SAKUTIN / AFP

"Đêm Ý tưởng" : Ngoại giao văn hóa của Pháp

Thông qua hệ thống Viện Pháp, trung tâm Alliance française, trung tâm nghệ thuật, nghiên cứu, các trường đại học, thư viện, nhà hát..., "Đêm Ý tưởng" hướng đến mục đích thiết lập lâu dài "ngành ngoại giao ý tưởng" rộng mở cho sự phong phú về tư duy, trao đổi và đối thoại. Hoạt động này cũng cho thấy Pháp có khả năng huy động được những địa điểm khác nhau, các nhân vật hàn lâm, thể chế và văn hóa... cùng ngồi lại với nhau "sôi nổi thảo luận về những thách thức lớn trong thế giới hiện đại".

Ngoài ra, theo ông Pierre Buhler, giám đốc Viện Pháp : "Đêm Ý tưởng muốn nhắc lại rằng tại nhiều nước, Viện Pháp và các trung tâm Alliance française không chỉ là nơi học tiếng và giao tiếp với văn hóa Pháp, mà còn là nơi được tự do bày tỏ, một không gian ưu tiên cho thảo luận được coi như là một diễn đàn địa phương, một nơi đón tiếp diễn đàn chung, kể cả về những chủ đề phức tạp".

Từ New York đến Mexico hay Tunis, "Đêm Ý tưởng" là một sự kiện phổ biến lớn, minh chứng cho hoạt động của Viện Pháp. Đã có thêm nhiều nước tham gia cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng trong đêm 25/01/2018, như Nga, Bồ Đào Nha, Uganda, Azerbaidjan, Canada..., kể cả một số vùng vẫn còn xung đột, như Palestine hay Venezuela.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 26/01/2018

***

(1) Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là tác giả của ba cuốn sách Điểm đến của cuộc đời (2018), Thiện, Ác và Smartphone (2016) và Bức xúc không làm ta vô can (2015), Nhà xuất bản Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Published in Văn hóa