Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 23 juin 2018 07:27

Giáo sư Phan Huy Lê qua đời

Giáo sư Phan Huy Lê, một trong "tứ trụ" của khoa học lịch sử miền Bắc Việt Nam, vừa qua đời tại Hà Nội hôm Thứ Bảy, 23 tháng Sáu, hưởng thọ 85 tuổi.

phan1

Giáo sư Phan Huy Lê. (Hình : VietnamNet)

Báo điện tử VnExpress trong nước trích lời Phó Giáo sư Trần Đức Cường, chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam, cho biết giáo sư Phan Huy Lê ra đi lúc lúc 1 giờ 6 phút chiều (giờ địa phương) tại bệnh viện Bạch Mai.

"Sau chuyến đi Trường Sa, thấy ông bị mệt, gia đình đưa vào bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận ông bị bệnh tim, cùng với tuổi cao sức yếu nên đã qua đời", ông Cường nói với VnExpress.

Từ London, Anh, nhà báo Lê Phan, cháu gọi Giáo sư Phan Huy Lê là chú ruột, nói với nhật báo Người Việt như sau : "Ông đang có một sự nghiệp rất lớn, đang viết Bộ Sử Việt Nam cùng với hơn 200 người khác, một cách khách quan, không bị ảnh hưởng của chế độ".

"Ông có nói với tôi đây là lần đầu tiên ông viết với sự trung thực của một sử gia. Tôi nghĩ, có lẽ ông cố gắng quá, nên mệt, phần nào ảnh hưởng sức khỏe", nhà báo Lê Phan nói thêm.

Theo VnExpress, Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Hai dòng họ nội, ngoại của ông đều nổi tiếng khoa bảng với những danh nhân văn hóa lớn, như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú, Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy… Cụ thân sinh của ông là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm.

Năm 1952, lúc 18 tuổi, ông rời gia đình ra Thanh Hóa học dự bị đại học.

Sau đó ông dự định chọn học toán lý, nhưng Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đào Duy Anh hướng ông vào học ban sử địa, Đại học Sư Phạm Hà Nội, và sau đó được giao làm phụ tá giảng dạy.

Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lịch sử liên quan đến chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, phong trào Tây Sơn, lao động trong xã hội phong kiến Việt Nam, văn hóa, và truyền thống…

Ngoài giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông còn dạy ở nhiều trường khác ở Việt Nam và ngoại quốc, như Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hòa Lan)…

Ông từng làm chủ tịch Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam hai nhiệm kỳ.

Là đại thụ của nền sử học Việt Nam, một trong tứ trụ của ngành sử học Việt Nam đương đại (cùng các giáo sư Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm), ông Phan Huy Lê được phong nhiều chức tước và được trao nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử.

Theo cáo phó của Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội và gia đình, lễ viếng ông sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 10 giờ sáng Thứ Tư, 27 tháng Sáu, tại Hà Nội, sau đó, lễ an táng sẽ được tổ chức tại Công Viên Nghĩa Trang Vĩnh Hằng tại Hà Nội vào lúc 1 giờ trưa cùng ngày. 

Đỗ Dzũng

Nguồn : Người Việt, 23/06/2018

Published in Văn hóa