Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tọa lạc trên phố 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chợ Âm Phủ như một chứng tích về nạn đói Ất Dậu 1945 và cuộc nổi dậy năm 1946. Dưới lòng đất, suốt chiều dài chợ Âm Phủ là một khu mộ tập thể của một số người được chôn sơ sài trong nạn đói Ất Dậu 1945 để rồi sau đó, nơi đây thành mồ chôn tập thể của cuộc nổi dậy năm 1946. Không có năm xây dựng cụ thể, theo dân gian, chợ Âm Phủ hình thành từ những năm 1950 của thế kỉ trước, chỉ bán thịt chó để đuổi tà ma vì không thể bán bất kì thứ gì khác và cũng không thể khởi công xây dựng được công trình. Mãi đến năm 1986, mồ tập thể được di dời, chợ Âm Phủ hình thành và bán nhiều hàng hóa khác.

cho1

Chợ Âm phủ được quy hoạch và xây dựng lại thành Trung tâm Thương mại 19 tháng 2 RFA

Về cái tên Âm Phủ

Ông Trần Cảnh Gia, người nghiên cứu lịch sử về chợ Âm Phủ, Hà Nội, chia sẻ : 

"Từ cái thời còn Pháp thuộc thì cái đất Hà Nội này khi mà cuộc sống đói, nhiều người đã mất đi ở chỗ này và chỗ này là chỗ chôn tập thể của những người khổ, người nghèo, vậy nên người ta mới lấy khu này gọi là khu chợ Âm Phủ, nay đổi thành phố 19 tháng 12 quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày xưa phố này vắng lắm, cuộc sống ở phố này vắng lắm. Thời Pháp thuộc thì người ta làm lại dãy đường này để cho rằm tháng Bảy người ta đến thắp hương cho những vong chết yểu, khổ ở đây".

Ông Gia chia sẻ thêm là thực ra, ngay từ đầu, chợ mang tên của một Thống sứ Pháp nhưng người dân vẫn gọi đó là chợ Âm Phủ bởi nỗi ám ảnh về hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn xác chết do đói, do cuộc chiến cướp chính quyền nằm bên dưới chợ. Thỉnh thoảng, những câu chuyện rùng rợn về chợ, về thế giới âm linh vẫn xuất hiện ở khu chợ này.

Và lý giải cho việc bán thịt chó, chỉ có thịt chó ở chợ Âm Phủ, Hà Nội, nhiều tiểu thương có nhiều đời gắn với chợ kể rằng thời chưa bốc các hố chôn tập thể để di dời, ngoài thịt chó ra thì không thể bán thứ hàng hóa nào khác. Ví dụ như bán trái cây, cả một sạp trái cây có thể bị thâm đen, bầm tím sau một đêm hoặc là bán gạo thì cảm giác như gạo đã có "ai đó" vọc tay, đổ nước vào khiến cho nó trở nên ẩm ướt, khó hiểu, kể cả thịt lợn và bánh ngọt, dường như không thể bán ở chợ này.

Chỉ có món thịt chó là có thể bán được một cách suôn sẻ ở chợ Âm Phủ, và cũng từ đó, món thịt chó là mặt hàng duy nhất được bán ở đây. Mãi cho đến sau này, khi các khu mộ tập thể bên dưới chợ được di đời thì chợ mới có thể bán thứ hàng hóa khác và các công trình xây dựng mới không bị bỏ dỡ do thi công nửa chừng thì bị tai nạn chết người hoặc sập đổ một cách khó hiểu.

Khi đường sách mọc trên chợ Âm Phủ

Kể từ lúc vấn đề các hố chôn tập thể được di đời một cách trang nghiêm, chôn cất tử tế, các loại hàng hóa có tính phổ dụng, tiêu dùng hàng ngày được bán nhiều hơn để thay thế cho các gian hàng thịt chó ở chợ Âm Phủ. Các loại trái cây, đặc sản từ miền Nam cũng mang ra bán tại đây ngày càng nhiều. Năm 2008, chợ Âm Phủ được qui hoạch, xây dựng lại thành trung tâm thương mại 19 tháng 12 và một nửa diện tích chợ Âm Phủ được xây dựng thành đường sách Hà Nội. Mặc dù được xây dựng khá công phu và tốn kém nhưng đường sách Hà Nội lại ế ẩm, vắng người, nó khác xa so với đường sách Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc.

Ông Trần Xuyến, Ban quản lý chợ Âm Phủ và đường sách Hà Nội, chia sẻ :

"Chợ Âm Phủ thu gọn lại, chỉ có thịt, cá, gà, các thứ thôi chứ thịt chó hết rồi, một bên là chợ Âm Phủ, một bên là đường sách".

Ông Trần Cảnh Gia, người nghiên cứu lịch sử về chợ Âm Phủ, Hà Nội, chia sẻ : 

"Năm 2008 thì sửa sang lại con đường này, chợ thì vẫn như các chợ khác, bán rau, dưa các loại khác mà người ta gọi là chợ Âm Phủ".

Ông Trần Xuyến, Ban quản lý chợ Âm Phủ và đường sách Hà Nội, chia sẻ thêm :

"Năm 2017, tháng 5 mới bắt đầu làm phố sách này chứ trước đây chợ Âm Phủ kéo dài từ đầu phố kéo sang đến tận Lý Thường Kiệt kia".

Dường như người Hà Nội chỉ nhớ rằng đường 19 tháng 12 là chợ Âm Phủ, là cái chợ bán thịt chó, là cái chợ bán trái cây, là con đường từng có nhiều oan hồn chết đói và chết do hòn tên mũi đạn… Nhưng ít ai có vẻ vui khi nghĩ rằng đến chợ Âm Phủ cũ để tìm mua những cuốn sách mới. Và đường sách Hà Nội cũng nhanh chóng chết tên với chợ Âm Phủ.

Và hiện tại, khi các cửa hàng sách ở chợ Âm Phủ, tức đường 19 tháng 12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mở cửa, dường như suốt ngày chẳng có khách nào đến mua sách hoặc độc giả. Họa hoằn lắm mới có vài cặp đôi đến chụp hình cưới. Nhưng cũng chụp tít tận ngoài đầu đường chứ chẳng mấy ai vào bên trong đường sách để chụp hình.

Đương nhiên, về vấn đề âm linh, có lẽ câu chuyện đó đã thuộc về quá khứ hoặc chí ít nó cũng đã bước một chân vào quá khứ. Những nỗi ám ảnh về nạn đói, về cuộc chiến cướp chính quyền và những xác người vẫn chưa bao giờ nguôi trong trí nhớ và ký ức người Hà Nội. Thời gian có thể làm xóa nhòa mọi thứ, nhưng có những điều khiến cho nhiều thế hệ khó có thể xóa nhòa được. Và chợ Âm Phủ với nhiều chuyện kể cũng như đường sách Hà Nội ế ẩm cũng là một vết thương khó nói thành lời giữa lòng Hà Nội.

Nhóm Phóng viên

Nguồn : RFA, 13/04/2018

Published in Văn hóa