Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam VTV mới đây có phóng sự cho rằng những ý kiến kêu gọi nên thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai giống như nhiều nước khác ‘là sai lầm’, ‘xuyên tạc’…
Dân oan mất đất lên khiếu kiện ở Thủ đô Hà Nội trước đây. AFP PHOTO
Phóng sự của VTV còn cho rằng những người góp ý về chế độ sở hữu đất đai là ‘đối tượng thù địch’… ‘chưa hiểu’ hay ‘không muốn hiểu’ về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai… khi cho rằng người dân Việt Nam không có quyền gì đối với đất đai.
Một số chuyên gia phê phán chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘mù mờ về mặt pháp lý’, vì không xác định được ai là chủ sở hữu trong các quan hệ đất đai, nhất là khi xảy ra tranh chấp... Trong khi đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào tháng 3 năm 2021 cho rằng nếu tư hữu về đất đai sẽ có nhiều điều kiện bất lợi cho Việt Nam, ngay cả khi chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay VTV lại cho rằng phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trả lời RFA từ Na Uy hôm 7/9, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định :
"Nếu chủ nghĩa xã hội được định nghĩa như một chế độ không có tư hữu thì việc chính quyền cộng sản khi tuyên bố theo đuổi việc thực thi một chế độ như vậy họ không những phải quốc hữu hóa đất đai mà còn phải quốc hữu hoá tất cả các tài sản khác của công dân và cả các tổ chức hoạt động ở Việt Nam.
Những gì đang diễn ra chứng tỏ ngược lại. Giới cầm quyền và họ hàng của họ là những người rất giàu, sở hữu vô số tài sản. Các chính sách của đảng cầm quyền hiện nay, thay vì đi theo hướng quốc hữu hoá tài sản công dân như chế độ xã hội chủ nghĩa đề xướng, lại chủ yếu xây dựng nên một nhóm tư bản thân hữu dựa vào lũng đoạn chính sách của chính quyền để làm giàu".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, việc tước đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân tại Việt Nam là một kiểu như ông vừa nêu để làm giàu. Ông Vũ nói tiếp :
"Bằng việc tước đi quyền sở hữu đất của họ, và chỉ cấp một mảnh giấy quyền sử dụng đất, giới cầm quyền sau đó dễ dàng tước đoạt mảnh đất bằng nhiều lý do khác nhau để trục lợi từ những mảnh đất như vậy. Nói một cách khác, việc duy trì khẩu hiệu sở hữu toàn dân đối với đất đai là một cách để giới cầm quyền dễ dàng chiếm đoạt đất đai để làm giàu cho phe nhóm của mình.
Còn chế độ hiện nay chẳng có bất cứ dấu hiệu nào là đi theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ này dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản đang đi theo con đường tư bản hoang dã mà trong đó giới cầm quyền và thân hữu đang tìm mọi cách để trục lợi trên quê hương".
Phóng sự của VTV về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai lấy ví dụ người dân ở một số địa phương đã hiến đất để nhà nước chia cho người nông dân khác không có đất. Tuy nhiên còn hàng chục ngàn người dân khác bị mất đất mà không được đền bù thỏa đáng thì đã không được VTV nêu lên.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân bị Nhà nước lấy đất ở Thủ Thiêm nhưng không đền bù thỏa đáng, nói với RFA hôm 7/9 :
"Càng sửa luật thì người dân càng mất đất nhiều hơn, vì người ta không theo ý kiến người dân mà chỉ theo ý kiến của những người lấy đất của dân. Càng sửa dân càng mất quyền lợi, càng rối… Theo tôi điều gì đến thì phải xảy đến, dân mà làm sao không có quyền sở hữu được ? Sau khi người ta lấy được nhiều đất chia cho những người có chức có quyền, thì họ mới lập quyền sở hữu cho dân. Trước sau gì cũng phải có quyền sở hữu, nhưng khi đó người dân chẳng còn gì hết".
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người mất đất ở Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA hôm 7/9 :
"Về mặt luật pháp đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước chỉ quản lý. Đúng ra cái nhà của tôi anh quản lý thì anh không có quyền bán mua, mà chỉ bảo vệ lau chùi sạch sẽ, đất cũng vậy… Nhưng mà nhà nước đi trái với nguyên tắc đó, họ không chịu thừa nhận thực tế đó, quyền quản lý của họ trở thành lạm quyền, cướp đi cái quyền sở hữu của người dân.
Hiện nay nếu còn duy trì quyền quản lý thì nhân sự của chính quyền này sẽ tích tụ đất vô tội vạ, những nông trường lấy đất của dân vùng sắc tộc, của nông dân rồi không trả lại. Thực chất người dân có thể bị tước quyền sử dụng bất cứ lúc nào, nên cũng không thể gọi là quyền sử dụng".
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành giải toả khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu ở Thủ Thiêm từ khoảng năm 2012 để tiến hành xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 730 ha bên sông Sài Gòn. Nhưng sau hơn 20 năm thực hiện, dự án vẫn gặp khó khăn tại một số nơi khi hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm nhiều năm qua đã đi khiếu kiện lên tận trung ương, yêu cầu giá đền bù hợp lý, phản đối việc giải tỏa sai quy định của giới chức thành phố. Chính quyền TP.HCM đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống từ Hà Nội, khi trao đổi qua điện thư với RFA hôm 7/9, cho rằng ý kiến nhấn mạnh ‘ở Việt Nam phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội’ là một ngụy biện xảo trá và trắng trợn nhằm bênh vực, bợ đỡ, phục vụ cho nền chuyên chế, độc tài của cộng sản. Theo Giáo sư Cống, đối với toàn nhân loại quyền tư hữu tài sản là thiêng liêng. Đó là một trong những tiêu chí phân biệt con người và động vật. Ông dẫn chứng :
"Ở thời quân chủ chuyên chế, vua tự xưng là Con Trời, xem toàn dân như súc vật, chủ trương mọi người là nô lệ của vua, mọi đất đai đều là của vua. Nói theo luận điệu ngày nay thì đất đai là sở hữu toàn dân do nhà vua quản lý.
Chế độ độc tài cộng sản học theo bọn quân chủ, tập hợp một số trong nhóm lợi ích, tạo nên vua tập thể. Họ bịa đặt ra khái niệm mơ hồ ‘Sở hữu toàn dân’, thực chất là cướp đoạt của toàn dân để cho một số nhóm lợi ích chia chác".
Ông Hồ Chí Minh từng tuyên bố ‘mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng’… Suy rộng ra, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng. Cộng sản Việt Nam chủ trương đất đai trong một nước phải là sở hữu toàn dân. Như vậy, theo suy rộng của Hồ Chí Minh thì đất đai trên toàn quả đất phải là sở hữu chung của nhân loại, thế thì chia ra lãnh thổ các nước làm gì.
Theo ông Nguyễn Đình Cống, sở hữu toàn dân là một ngụy biện mà bọn phát xít, cũng như một số chính quyền độc tài khác chưa dùng, chỉ bọn người tham lam vơ vét, chuyên việc cướp đoạt của người khác mới dùng sức mạnh thống tri và sự lừa dối để áp đặt cho toàn dân bị trị. Trong cải cách ruộng đất là dùng bạo lực để cướp đoạt của người giàu, Luật đất đai là dùng chính quyền và luật pháp để cướp của toàn dân. Giáo sư Cống nói tiếp :
"Phải thấy rằng chủ nghĩa xã hội không phải là mục đích cần đạt cho được bằng bất kỳ giá nào, nó chỉ là một phương tiện. Mục đích là Tự do và Hạnh phúc cho toàn dân và cho mỗi con người. Để đạt mục đích ấy có nhiều con đường không cần gì chủ nghĩa xã hội theo Mác Lê. Lịch sử đã chứng tỏ con đường xã hội chủ nghĩa do Liên xô và nhiều nước đã chọn, là sai lầm, đã sụp đổ. Một số lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam kiên trì chủ nghĩa xã hội theo Mác Lê, thực chất không phải vì tự do và hạnh phúc của dân, không phải vì sự phát triển của đất nước mà chỉ là để duy trì và phát triển quyền và lợi của một nhóm người đã chiếm được những vị trí thống trị".
Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức từ ngoài du nhập vào Việt Nam, lợi dụng được lòng yêu nước và sự nhẹ dạ cả tin của một số người Việt ưu tú để phát triển. Khi gây ra cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, đảng tuyên truyền là vì độc lập và thống nhất. Nhưng theo Giáo sư Cống, thực ra độc lập thống nhất, về lâu dài cũng chỉ là phương tiện, còn mục đích sâu xa của đảng là đặt được sự thống trị lên toàn bộ đất nước, áp đặt cho được chuyên chính vô sản, sự thống trị của cộng sản. Ông Cống cho biết thêm :
"Hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam giống một cành tầm gửi bám vào cây chủ là Dân tộc. Bề ngoài Đảng có những việc làm hình như là vì dân tộc, nhưng thực chất Đảng không vì tự do và hạnh phúc của dân tộc mà làm cho dân giàu lên để Nhà nước thu được nhiều thuế nhằm cung phụng cho đảng là chủ yếu".
Đảng nói rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của dân Việt Nam. Theo Giáo sư Cống là ngụy biện thuộc loại vu cáo trắng trợn. Không hề có trưng cầu dân ý hoặc thảo luận rộng rãi về lựa chọn chủ nghĩa xã hội hay không. Sự lựa chọn là của một vài người trên chóp bu rồi phố biến cho toàn đảng, rối áp đặt cho toàn dân. Nói rằng toàn dân lựa chọn là nói lấy được, không dựa trên một cơ sở đáng tin nào.
Tóm lại Giáo sư Cống cho rằng, ý kiến nói "Ở Việt Nam phải có sở hữu toàn dân đối với đất đai để đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội" là tập hợp nhiều ngụy biện xảo trá vào trong một câu, điều này chỉ đánh lừa được một số người kém trí tuệ chứ không thể lừa dối được những người có hiểu biết, có suy nghĩ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, chấp nhận chế độ sở hữu đất đai toàn dân hay cho tư nhân sở hữu đất đai cũng đều được, vì đó chỉ là một thuật ngữ. Tuy nhiên theo ông Võ, điều quan trọng là luật phải quy định rõ, Nhà nước quyền đến đâu, được làm gì, người giữ đất được có những quyền nào và được làm gì...
Nguồn : RFA, 07/09/2022