Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam sắp chào đón công dân thứ 100 triệu ra đời vào tháng tới. Việc chào đón công dân này theo Thông tấn xã Việt Nam, sẽ được nhà nước tiến hành cùng với một chiến dịch quảng bá cho việc tăng dân số và phát triển kinh tế.

danso1

Trong năm nay dân số Việt Nam đạt 100 triệu dân (Nguồn: VOV).

Tính đến tháng tư năm 2022, theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở cùng năm, dân số Việt Nam là 99,2 triệu và Việt Nam hiện là nước đông dân thứ 15 trên thế giới và là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á.

Vấn đề dân số tăng sẽ đặt ra cho Việt Nam những cơ hội và thách thức gì ? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA về vấn đề này hôm 24/3 :

"Việc dân số Việt Nam tăng lên đến 100 triệu vừa đem lại cơ hội là có thêm lao động, nhưng cũng đem lại thách thức rất lớn. Bởi vì diện tích nông nghiệp không tăng lên, mà dân số thì tăng lên hơn gấp đôi từ năm 1975 cho đến nay. Cho nên nông nghiệp cần phải hết sức nỗ lực để bảo đảm an ninh lương thực. Ngoài ra cũng phải cải thiện trình độ giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay ưu thế về lao động giá rẻ ngày càng giảm sút, bởi cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những nguồn nhân lực được đào tạo tốt. Cho nên những lao động giản đơn được trả lương thấp sẽ mất dần ưu thế. Đấy là các thách thức mà dân số tăng lên ở Việt Nam cần phải xử lý".

Đặc biệt ông Doanh nhấn mạnh vấn đề dân số tăng lên không đồng đều ở Việt Nam, dân số tăng lên ở các thành thị, trong khi đó vùng núi và vùng cao dân số tăng chậm hơn rất nhiều... đó là một thách thức cần giải quyết. Ông Doanh nói tiếp :

"Việt Nam có cải thiện về tăng trưởng kinh tế sau đổi mới, hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do và hiện nay có quan hệ thương mại với 159 nền kinh tế trên thế giới. Thế nhưng việc tăng dân số cần phải được kiểm soát một cách hợp lý. Chúng ta thấy chính sách kiểm soát dân số quá ngặt nghèo của Trung Quốc cũng không đem lại mọi ưu điểm, hiện nay cũng gây ra các thách thức. Mặt khác để dân số tăng quá nhanh như Ấn Độ để trở thành một nền kinh tế có có dân số cao nhất thế giới, cũng là một thách thức cho nền kinh tế Ấn Độ".

Cho nên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, phải chọn một mức tăng trưởng dân số vừa phải, để phù hợp với sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội, bảo đảm hạnh phúc của người dân và chất lượng của lao động... đó là một thách thức không nhỏ đối với nhà nước Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 24/3, nói :

"Nếu dân số đông lên thì sẽ cần rất nhiều chính sách xã hội để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tôi nghĩ cần nỗ lực rất lớn từ phía chính phủ. Trong thời gian qua những chính sách an sinh xã hội của Việt Nam cũng đã có những cải tiến đáng kể so với trước đây, tuy nhiên nếu để một đất nước phát triển lên, sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Vì nếu nền kinh tế không vượt lên được, thì khả năng để đáp ứng được những nhu cầu về an sinh xã hội sẽ khó khăn hơn. Nói bình thường, một nhà đông con thì điều kiện để nuôi dạy, nếu kinh tế eo hẹp sẽ khó khăn hơn một nhà ít con. Cho nên nếu dân số đông mà chính sách về giáo dục, đào tạo nghề không có những bước tiến đáng kể, thì tôi thấy đó là một điều e ngại".

Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, thời gian gần đây rõ ràng giáo dục đào tạo có rất là nhiều vấn đề. Nếu như hiện nay giáo dục đã là một điểm yếu, mà dân số lại còn tăng lên, thì gánh nặng lại tăng lên. Bà Hương cho rằng, khả năng để mà nhà nước đáp ứng được, cũng là một điều bà cảm thấy lo lắng.

danso2

Một cụ bà bán rau quả ở Hà Giang hôm 21/2/2021. AFP Photo.

Dân số Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1975, khi đó dân số Việt Nam là 46,97 triệu người. Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển đổi như thế nào trong thời gian từ lúc đó đến nay ? Liệu sự phát triển kinh tế có đủ đáp ứng cho quy mô dân số hiện tại ?

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 24/3 cho rằng, việc dân số Việt Nam vượt qua con số 100 triệu đem lại nhiều thách thức cho đất nước. Thách thức lớn nhất là việc chính phủ phải tạo ra nhiều công việc mới có chất lượng. Điều này theo Tiến sĩ Vũ tùy thuộc vào khả năng điều hành kinh tế của chính phủ. Ông Vũ nói tiếp :

"Kể từ năm 1975, chính sách kinh tế Việt Nam có thể chia ra làm ba giai đoạn.

Giai đoạn từ 1975 đến 1986 là giai đoạn thực thi chính sách kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn từ 1986 đến giữa thập niên 1990s thực thi chính sách mở cửa trong nước và thay thế nhập khẩu. Giai đoạn sau đó cho đến nay là giai đoạn mở cửa ra bên ngoài, thực hiện nền kinh tế mở và hướng đến xuất khẩu.

Bằng cách dần dần cởi trói và mở cửa, nền kinh tế có một số thành tựu. Hiện tượng đói nghèo tràn lan đã không còn nữa. Ngày nay chuyện đói ăn chỉ còn ở những làng bản xa xôi".

Từ năm 1986 nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành chính sách mở cửa kinh tế. Họat động này đã đem lại những thay đổi đáng kể cho quốc gia này. Cũng theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở, dân số Việt Nam năm 1986 là 61,22 triệu người. GDP khi đó đạt 26,34 tỷ đô la.

Khi dân số Việt Nam tiến gần con số 100 triệu người, vào năm 2022 GDP của Việt Nam đạt 409 tỷ đô la, là một thành tựu đáng kể của Việt Nam. Tuy vậy theo ông Vũ, cho đến nay tốc độ phát triển bắt đầu chậm lại, trong khi thu nhập của người dân chưa đủ cao để đảm bảo một đời sống sung túc. Việc kiếm được một công việc để đảm bảo một cuộc sống tốt là chuyện không phải dễ, nếu không muốn nói là rất khó với nhiều người. Tiến sĩ Vũ cho biết thêm :

"Thách thức thứ hai đó là cơ sở hạ tầng. Việc tăng dân số tạo ra một áp lực lớn lên nhu cầu xây dựng mới đường xá, nhà cửa, bệnh viện, trường học v.v. Cho đến nay đây là những vấn đề mà chính phủ hiện nay đang bế tắc và vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Thách thức thứ ba đó là tình trạng dân số già nhanh. Điều này đòi hỏi việc chính phủ phải xây dựng một hệ thống phúc lợi, an sinh xã hội để đảm bảo người già được chăm sóc. Một hệ thống như vậy hiện nay vẫn còn ở dạng rất sơ khai và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội".

"Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Khoảng thời gian mà tỷ trọng người già tăng từ 7% lên 14%, được dự báo kéo dài trong hai thập kỷ 2015 đến 2035". Đó là thông tin có trong báo cáo quốc gia ‘Việt Nam một xã hội đang già hóa’... được công bố hôm 15/4/2021.

Nguồn : RFA, 24/03/2023

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam