Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việc đền bù và cuộc sống của người dân 4 tỉnh miền Trung hiện nay (RFA, 20/06/2017)

Chính phủ Việt Nam cho biết việc hỗ trợ và bồi thường do người dân 4 tỉnh miền Trung sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2017 và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung về cơ bản đã ổn định.

formosa1

Công ty Formosa Hà Tĩnh sả thải gây thiệt hại nặng cho 4 tỉnh miền Trung . AFP photo

Theo đánh giá của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội công bố hồi năm ngoái, sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do công ty Formosa Hà tĩnh gây ra đã làm ảnh hưởng đến hơn 200.000 lao động với hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính phủ mới đây cho biết, tính đến ngày 7/6/2017, tức 1 năm sau thảm họa, Thủ tướng Chính phủ đã tạm cấp cho 4 tỉnh với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng nhằm mục đích bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung của chính phủ cũng cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định.

Trả lời câu hỏi, ông có nhận xét gì về đánh giá nói trên của Ban chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung ?

Ông Hùng một người dân làm nghề kinh doanh thực phẩm cung cấp cho các tàu cá ở Vũng Áng, Hà tĩnh nói với RFA :

"À Thủ tướng nói như thế nhưng tôi nghĩ chưa có gì đâu, ở Việt nam mình họ cứ nói "trên mây dưới mưa như thế". Chương trình thời sự nói biển tắm được ở ngoài kia, nhưng tôi cảm thấy nước vẫn độc".

Theo ông Hùng cho biết, bản thân ông làm nghề kinh doanh thực phẩm cung cấp cho các tàu cá đi biển, cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của biển nhiễm độc nhưng vẫn không được nhận tiền đền bù. Vì lý do không nằm trong danh mục các đối tượng đền bù (theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

"Bây giờ cuộc sống mưu sinh và tiền bạc không có, còn tiền đền bù như cá nhân tôi chưa được lĩnh đồng nào".

Anh Quang ở Kỳ anh - Hà Tĩnh, một thợ lặn từng làm việc cho Công ty Forrmosa là nạn nhân của thảm họa biển nhiễm độc và phải nằm viện điều trị một thời gian dài nhận xét :

"Họ nói như thế để cho thấy không có việc gì xảy ra, tôi nghĩ không có biển sạch, cá thì vẫn có lùm sùm vẫn ra biển đi làm kiếm cá được, song bán cá họ mua với giá cá héo. Trên thực tế nước biển vẫn nhiễm nặng, không sinh hoạt được, nước biển vẫn nhiễm đấy"

Khi được hỏi về kết quả của công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã được chính quyền thực hiện ra sao ?

Anh Vũ, thông tín viên RFA

******************

Gần 18 ngàn lao động ra nước ngoài làm việc sau thảm họa Formosa (RFA, 20/06/2017)

Gần 18 ngàn lao động ở khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung ra nước ngoài lao động do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa gây ra.

formosa2

Người Việt Nam làm việc ở Đài Loan biểu tình phản đối công ty Formosa xả độc ra biển Việt Nam. Ảnh chụp hôm 10/8/2016. AFP photo

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, kể từ đầu tháng 6 năm 2016 cho đến cuối tháng 5 năm 2017, thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp nhận số lượng lao động vừa nêu ; với những công việc làm bao gồm : công nhân, thuyền viên tàu cá, chăm sóc bệnh nhân, làm việc nhà…

Có khoảng 263 ngàn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi thảm họa Formosa. Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội hiện đang phối hợp với Ngân hàng cùng các trung tâm dịch vụ lao động ở các tỉnh, thành để hỗ trợ công ăn việc làm cho các nạn nhân bị mất việc làm ở bốn tỉnh Bắc miền Trung.

Trong khi đó, lao động nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc làm việc tại Việt Nam chiếm tỉ lệ đến 30,9%.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội được công bố tại buổi hội thảo vào chiều ngày 19/6/2017, số lượng lao động người nước ngoài tại Việt Nam gia tăng từ gần 13 ngàn vào năm 2004 lên xấp xỉ 84 ngàn trong năm 2015 và có đến 93% lao động nước ngoài được cấp phép làm việc hợp pháp ở Việt Nam.

Lực lượng lao động người nước ngoài ở Việt Nam đến từ 110 quốc gia, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Published in Việt Nam