Căn biệt phủ phong cách kiến trúc châu Âu đã làm dậy sóng dư luận vì mức độ hoành tráng sau một buổi tiệc ăn mừng thăng chức hồi đầu tháng Sáu.
Căn biệt phủ đứng tên người mẹ của Thiếu tướng Phạm Bá Hiền được bao bọc xung quanh là những cánh đồng lúa xanh ở Hà Tĩnh, nơi bà con nông dân vẫn cày cuốc hằng ngày.
Ông Phạm Bá Hiền được thăng cấp từ đại tá lên thiếu tướng hồi tháng Năm. Ông giữ chức Tư lệnh Binh đoàn 16, một đơn vị kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng.
Ước tính trị giá lên đến hàng trăm tỷ đồng, căn biệt phủ nằm trên khu vực rộng khoảng 5.000 mét vuông tại thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, một địa phương khó khăn tại Hà Tĩnh.
Trước đó vào năm 2018, đã xuất hiện bài báo trên trang Bảo vệ Pháp luật về việc mẹ của ông, bà Từ Thị Loan, người đứng tên sở hữu căn biệt phủ, là một phụ nữ "bần nông, hàng ngày vẫn trồng rau mang ra chợ bán".
Việt Nam có học từ Trung Quốc cách kiểm soát xã hội ?
Một số bài báo nêu nghi vấn rằng người chủ thực sự của biệt phủ này không phải là bà mẹ làm nông, mà là người con quan chức.
'Hà Tĩnh nghèo lắm'
Căn biệt phủ do mẹ của Thiếu tướng Phạm Bá Hiền đứng tên gây bão dư luận.
Đây là một số bình luận nổi bật trên mạng xã hội, theo quan sát của chúng tôi.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người từ nhiều năm nay giúp đỡ cho cộng đồng người Việt tại Đài Loan, trong đó có nhiều người lao động từ Hà Tĩnh bình luận với BBC News Tiếng Việt :
"Tôi có cảm xúc lẫn lộn khi thấy hình ảnh căn biệt phủ này. Thông qua công việc của tôi bên Đài Loan, giúp đỡ các công nhân Việt Nam sang, tôi biết các em đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An nghèo lắm.
"Tôi không hiểu người xây biệt phủ họ nghĩ cái gì khi xây một lâu đài như vậy ngay giữa một vùng nghèo khổ như vậy".
Hà Tĩnh có thu nhập bình quân đầu người trong năm 2022 là hơn 45 triệu đồng, tức khoảng 3-4 triệu/người/tháng, theo báo Lao Động.
Rời vùng quê "chảo lửa, túi mưa", những người lao động từ Hà Tĩnh sang Đài Loan, Nhật Bản và những nơi khác để kiếm kế sinh nhai.
Qua tiếp xúc với người dân lao động từ Hà Tĩnh, Linh mục Nguyễn Văn Hùng chia sẻ :
"Ở vùng Hà Tĩnh, chó ăn đá, gà ăn sỏi, mùa hè nóng kinh khủng, mùa đông lạnh buốt giá, mưa thì không đều nên đất đai rất khô cằn.
"Sau biến cố Formosa năm 2016, những người sống ở biển khó khăn nên di chuyển lên núi, đồi. Người lao động qua Pleiku, Kontum để kiếm sống. Khó khăn quá thì họ chỉ còn cách đi ra nước ngoài. Họ không có tiền để đi, cầm sổ đỏ có tiền qua Đài Loan, rồi có khi bị lừa, nợ chồng chất nợ. Họ phải làm ít nhất hai năm để trả tiền môi giới".
"Trong tâm trí tôi thì ấn tượng về người dân Hà Tĩnh là họ rất sống dè sẻn trong chi tiêu, rất cố gắng giúp con cái vượt khỏi cái nghèo, bao nhiêu tiền đều dành cho con đi học. Người Hà Tĩnh chấp nhận mọi gian khổ trong cuộc sống",ông nói.
Hình ảnh một phụ nữ lớn tuổi băng qua đường tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, ảnh năm 2019
Nhắc lại những biệt phủ khác
Biệt phủ của nhà Thiếu tướng Phạm Bá Hiền khiến dư luận nhắc lại những căn biệt phủ hoành tráng khác của quan chức Việt Nam được loan tin rộng rãi trên báo chí nhà nước.
Ở Việt Nam, những cụm từ như "buôn chổi đót xây biệt phủ" trở nên quen thuộc cách đây vài năm.
Cụm từ này bắt nguồn từ căn biệt phủ được ước tính 500 tỷ đồng của ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái (em trai Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà) thu hút quan tâm dư luận năm 2017. Thời điểm đó, bà Thanh Trà là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Ông Phạm Sỹ Quý trả lời báo chí năm 2017, với những câu đến nay mọi người còn nhắc đến như, "Quá trình thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng".
"Nhà tôi nhìn thế thôi chứ chỉ bằng hai mét đất ở Hà Nội",ông Phạm Sỹ Quý nói trước khi bị cách chức và thuyên chuyển công tác về Hà Nội.
"Túp lều" của ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khiến dư luận ngỡ ngàng vào năm 2022, khi ông bị bắt tạm giam để điều tra về tội "nhận hối lộ", liên quan vụ án tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Biệt phủ của ông Thành rộng hàng ngàn mét vuông, và có vườn bonsai ước tính hàng trăm tỷ, nằm ở vị trí ba mặt tiền tại thành phố Biên Hòa.
Hồi tháng Hai, khi Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng bị tạm giữ, khám xét nhà riêng, dư luận bàn tán về căn biệt thự của ông.
Ông Đỗ Hữu Ca được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng năm 2012. Khi đó vụ cưỡng chế thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã trở thành sự kiện chính trị lớn tại Việt Nam.
Năm 2019, tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam bị phạt 50 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động hai tháng vì thông tin bị cho là "sai sự thật" trong bài viết về biệt phủ của gia đình Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng.
Tạp chí này mô tả trong bài viết rằng đây là một biệt phủ "lấn sông rộng hàng nghìn mét vuông", "uy nghi", "đồ sộ" và "tráng lệ".
'Đốt lò' đến đâu ?
Dư luận đã đặt câu hỏi liệu vấn đề quan chức kê khai tài sản tại Việt Nam có phải là "lồng bàn úp voi" hay không ?
Và quan trọng hơn, cho đến nay, phải chăng công cuộc đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đang "ném đá ao bèo" ?
Ông Trọng đã nhấn mạnh về "bốn hơn", "ba không" trong chống tham nhũng, và khẳng định "Các vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm nhưng có tình có lý, cân nhắc nhiều mặt".
Các tiêu chí này được lý giải là : "Bốn hơn" bao gồm "Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa" và "Ba không" là "Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Theo truyền thông Việt Nam , tiến độ điều tra các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố được đẩy nhanh trong quý II năm nay.
Trong bài bình luận trên trang Nikkei Asia với nhan đề "Vietnam's political infighting has gone quiet but is far from over" ("Đấu đá nội bộ chính trị tại Việt Nam tuy tĩnh lặng nhưng còn lâu mới kết thúc"), đăng ngày 20/06, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) cho rằng số ủy viên của Bộ Chính trị Việt Nam đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1986.
"Điều này cho thấy mức độ đấu đá nội bộ cao và tính khó dự đoán khi các mối quan tâm chính của Đảng cộng sản Việt Nam là đang hướng đến công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026",Giáo sư Zachary Abuza nhận định.
Trả lời BBC về mục tiêu của Đảng cộng sản Việt Nam và công cuộc chống tham nhũng, vào ngày 27/06, Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies đánh giá :
"Tôi nghĩ mục tiêu tối thượng của chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam là sự tồn vong của chế độ cộng sản.
"Đây không còn là bí mật gì nữa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói rằng tham nhũng đã tạo nên mối đe dọa lớn nhất đến sự tồn vong của chế độ.
"Ông Trọng cũng nói, tuy ít thường xuyên hơn, rằng "suy thoái chính trị" nguy hiểm hơn cho chế độ cộng sản so với "tham nhũng kinh tế".
"Thông qua cách nói "suy thoái chính trị", ý của ông Trọng là nhấn mạnh đến những ý tưởng và tư tưởng đi ngược lại với tư tưởng của Đảng cộng sản. Trên thực tế là ở Việt Nam có những tư tưởng dân chủ tự do".
Giáo sư Alexander Vuving cho rằng Việt Nam hiện đang trở nên ít "dân chủ hơn" từ hậu quả của "đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo cấp cao".
"Ở cả Việt Nam và Trung Quốc, xu hướng 'ít dân chủ hơn' dường như là cần thiết để hai Đảng cộng sản theo đuổi nghị trình chính trị của mình",ông nói thêm.
Hiện chỉ số Corruption Perceptions Index (CPI) của Việt Nam là 42/100, xếp thứ 77/180. 100 điểm được xem là minh bạch nhất, theo Transparency International.
Transparency International đã từ chối bình luận với BBC News tiếng Việt hồi tháng Hai năm nay, về lý do khiến Việt Nam được thăng hạng so với năm 2021.
Nguồn : BBC, 09/07/2023