Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục than phiền về thủ tục hành chính vẫn gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi chủ trương của Chính phủ kinh tế tư nhân là động lực để phát triển kinh tế quốc gia.
Ảnh minh họa : Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình thoibaonganhang.vn
Mới đây, bà Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai kể về một trường hợp điển hình khi công ty của bà mất 3 năm để xin thủ tục cho một dự án và nhấn mạnh rằng vì quá mệt mỏi và bức xúc trong việc đầu tư kinh doanh mà bản thân bà muốn tự tử với tâm thư để Nhà nước làm cách nào tháo gỡ thủ tục.
Lời chia sẻ của Tổng Giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan tại buổi gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 10 tháng 4 được giới doanh nghiệp tại Việt Nam cho là tiếng nói chung của họ đối với thực trạng liên quan thủ tục hành chính đầy nhiêu khê và phức tạp.
Truyền thông trong nước cũng tường thuật lại tại buổi gặp gỡ vừa nêu, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc về các điều khoản của một số luật chồng chéo, thủ tục rườm rà và các cơ quan công quyền giải quyết thủ tục hành chính vẫn trên cơ sở "hành là chính" dù Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thục tục hành chính hồi tháng 4 năm 2018. Một số doanh nghiệp còn cho rằng đây là nguyên nhân khiến cho không ít hộ kinh doanh không muốn phát triển thành doanh nghiệp, và doanh nghiệp nhỏ không muốn tăng trưởng lớn mạnh vì càng lớn thì càng bị "hành".
Trước đó vào cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, ghi nhận phản ánh từ 12 ngàn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy có đến 58% bị nhũng nhiễu và 54% phải trả chi phí bôi trơn cho cơ quan công quyền các cấp.
Bà Nguyễn Thị Bích, nhân viên quản lý dự án của một công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, lên tiếng xác nhận với RFA rằng có thể nói tất cả doanh nghiệp ở Việt Nam đều phải "chung-chi" cho vấn đề thủ tục hành chính :
"Nếu như nói ‘một cửa-một dấu’ nhưng tôi là người dân trực tiếp đi làm thủ tục giấy tờ thì một chữ, một dấu phết… cũng bị bắt lỗi và bị bắt quay về làm hồ sơ lại. Nhưng nếu một người cò ôm vào 100 cái hồ sơ thì dù có sai, cán bộ tự sửa, in lại và thông qua luôn. Đó là một hình thức của cơ chế. Chủ trương Nhà nước không sai, nhưng người thực thi ở mỗi địa phương vì đời sống của nhân sự trong bộ máy của các ban, ngành có thể gây ra nhũng nhiễu cho người dân".
Báo Điện tử Tổ Quốc, vào ngày 11 tháng 4 dẫn lời nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam rằng theo chỉ đạo của Chính phủ thì các bộ, ngành có cắt giảm thủ tục hành chính và thái độ phục vụ cũng thay đổi, tuy nhiên các khâu then chốt nhất về cơ bản vẫn không có thay đổi nào. Luật sư Trương Thanh Đức còn khẳng định là doanh nghiệp chỉ kêu ca một phần vì sợ chính quyền trong khi thực tế còn khủng khiếp và tinh vi hơn với minh chứng có rất nhiều cán bộ lương thấp nhưng ngày càng giàu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, tổ được chức hồi cuối tháng 7 năm 2017, đã phát biểu trước khoảng 1000 doanh nghiệp tư nhân tham dự rằng Chính phủ tập trung đưa kinh tế tư nhân thành ngành mũi nhọn và là động lực phát triển kinh tế, phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp lên từ 50 đến 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cho biết đại diện chính quyền của các bộ, ngành và địa phương luôn lắng nghe ý kiến của khối doanh nghiệp tư nhân đễ hỗ trợ cho khối doanh nghiệp này ; trong đó đã thành lập Hội đồng tư vấn cải cách hành chính để giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp.
Bà Thanh Nguyễn, chủ một doanh nghiệp về xử lý rác thải nói với RFA rằng bà ghi nhận rõ ràng chính sách Nhà nước đang làm tốt hơn so với những năm trước :
"Bản thân là doanh nghiệp thì tôi thấy thủ tục, giấy tờ hành chính, kể cả bên thuế, tất cả mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn trước đây, chớ không phải khó khăn như hồi xưa. Ví dụ những năm trước, doanh nghiệp gặp Hải quan thì không dám nói tiếng nào hoặc phải thuận theo những chủ trương chứ không thể cãi. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp cũng khác rồi, doanh nghiệp có tiếng nói của họ để buộc cơ quan nhà nước cũng phải điều chỉnh theo kiến nghị của doanh nghiệp, không như hồi xưa một chiều là doanh nghiệp răm rắp làm theo".
Mặc dù vậy bà Thanh Nguyễn cho là những quy định, luật lệ vẫn còn thiết sót, bất cập và thiếu thực tế :
"Như bản thân tôi làm trong lãnh vực môi trường mà có nhiều quy định của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường rất buồn cười và trớt quớt. Ví dụ như công ty của tôi lắp đặt một cái lò đốt rác lớn nhất thế giới, đem về lắp đặt ở Đồng Nai. Cái lò đốt rác của chúng tôi hai năm trời không được nghiệm thu là vì tiêu chuẩn của Việt Nam tréo ngoe cẳng ngỗng, không áp dụng được. Có nhiều quy định thiếu thực tế, đâm ra doanh nghiệp ở giữa chịu kẹt cứng luôn".
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi liên tục của các định chế, luật lệ ban hành cũng tạo ra áp lực cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bích than phiền :
"Các quy định đưa ra hỗ trợ cho doanh nghiệp là tích cực, nhưng cũng có mặt tiêu cực khi thay đổi luật định liên tục thì doanh nghiệp theo rất vất vả".
Một số các doanh nghiệp mà Đài RFA tiếp xúc cho biết họ mong muốn Nhà nước có những hướng dẫn cụ thể và ràng về mặt pháp lý để cho doanh nghiệp làm đúng, chứ đừng như hiện tại để cho doanh nghiệp làm một cách tự phát đến khi xong rồi thì bảo rằng sai và phạt.
Báo giới quốc nội trích lời của Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn rằng với quy trình xây dựng văn bản pháp luật và kiểm soát việc xây dựng văn bản pháp luật như hiện nay thì tình trạng sẽ còn tiếp diễn và không thể chỉnh đốn, thay đổi trong thời gian ngắn được.
Trong khi đó giới chuyên gia cho rằng còn có một lý do chính yếu là Nhà nước đang bỏ tống lỗ hổng trách nhiệm kỷ luật vì chưa có bất kỳ một nghị định nào quy định hành vi vi phạm của cán bộ bị hình thức xử lý ra sao.
Khối kinh tế tư nhân được Chính phủ Việt Nam đặt để là ngành mũi nhọn, nhưng trên thực tế sự sống còn của các doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân bị lệ thuộc rất nhiều bởi hệ thống cơ chế hiện hành và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi hoạt động xúc tiến thương mại của Nhà nước được đánh giá không có hiệu quả.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê đưa ra vào tháng 10 năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng và phải giải thể nhiều bất thường, lên đến hơn 24.000 doanh nghiệp, tức là tăng 76% so với cùng kỳ năm 2017.
Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi :
"Tỷ lệ doanh nghiệp ‘bị chết’ cao hơn hẳn tỷ lệ doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy thì làm sao có thể nói nền kinh tế tăng trưởng mạnh ?"
Hòa Ái
***************
8 người chết trong vụ cháy lớn ở Hà Nội (rrfa, 12/04/2019)
Đã có 8 người chết, trong một vụ hỏa hoạn ở một xưởng sản xuất ở ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 12 tháng 4. Thông tin được truyền thông trong nước trích nguồn tin từ cơ quan chức năng cho biết như vậy vào cùng ngày.
Lính cứu hỏa phun nước dập đám cháy ở Hà Nội hôm 12/4/2019 - AFP
Trong số những nạn nhân có 4 người trong một gia đình, trong đó có hai em nhỏ 1 tuổi và 5 tuổi.
Theo truyền thông trong nước, vụ hỏa hoạn xay ra tại xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác của Công ty Môi trường 79 ở quận Nam Từ Liêm. Vụ cháy bắt đầu từ ngọn lửa xuất phát từ một nhà xưởng và sau đó lan nhanh sang nhiều xưởng khác.
Truyền thôn trong nước trích thông tin từ cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội cho biết nguyên nhân của vụ cháy được xác định là chập điện từ nhà xưởng sản xuất thùng nhựa đựng rác.
Ngày 12/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo điều 313 Bộ Luật hình sự 2015 để điều tra vụ cháy.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã điều động hàng chục xe chữa cháy chuyên dụng đến hiện trường nhưng phải mất 4 giờ sau hỏa hoạn mới được dập tắt hoàn toàn.
Việc tìm kiếm xác nạn nhân đã được bắt đầu ngay sau đó.
Theo Tuổi Trẻ, đến 3 giờ 15 chiều, cả 8 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy.
********************
Việt Nam chỉ tuyên án tử đối với các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’ (RFA, 12/04/2019)
Việc bãi bỏ án tử hình không phải là một phần của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Bà Nguyễn Thị Loan (bên trá) kêu oan cho con là tử tù Hồ Duy Hải - Ảnh chụp màn hình (SBS video)
Đây là trả lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 11/4 trước thông tin Việt Nam nằm trong 5 nước thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới trong năm 2018 của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.
Trước đó, vào thứ Tư 10/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo về án tử hình vào năm 2018, cho biết Việt Nam đã xử tử ít nhất 85 người và nằm trong danh sách 5 nước thi hành nhiều án tử nhất thế giới năm ngoái.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm hình phạt tử hình chỉ được áp dụng cho các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Bà Hằng khẳng định các tội phạm vẫn được xử lý theo luật pháp Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và các quyền của người dân.
Vẫn theo Phát ngôn nhân Việt Nam, chính phủ Hà Nội đã nhiều lần giảm số lượng tội phạm có thể bị tuyên án tử hình.
Bộ luật hình sự mới nhất năm 2015 của Việt Nam, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018, đã loại bỏ 8 hành vi vi phạm pháp luật khỏi danh sách bị tuyên án tử. Đồng thời, những người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ chăm sóc con dưới 3 tuổi và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ không bị kết án tử hình cho những sai phạm mà họ gây ra.
Việt Nam tuyên phạt tử hình đối với 15 loại tội phạm, bao gồm hãm hiếp, giết người, tham nhũng và các tội liên quan đến ma túy và an ninh quốc gia. Chính phủ Hà Nội đã chuyển hình thức thực hiện từ bắn súng sang tiêm thuốc độc vào năm 2013.
********************
Hoa Kỳ chỉ trích Việt Nam cấm nhập khẩu thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate (RFA, 12/04/2019)
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue hôm 11/4 chỉ trích Việt Nam ra lệnh cấm nhập khẩu thuốc diệt cỏ chứa glyphosate, và cho rằng quyết định này sẽ có có tác động tiêu cực lên sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Reuters loan tin vừa nói vào cùng ngày.
Glyphosate là hóa chất có trong thuốc diệt cỏ Roundup bán chạy nhất của Bayer AG, ảnh chụp ở Hoa Kỳ. AFP
Ông Perdue cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã chia sẻ các nghiên cứu khoa học với Việt Nam, bao gồm kết luận rằng glyphosate không có khả năng gây ung thư cho con người.
Theo ông Perue, nếu cần nuôi 10 tỷ người vào năm 2050, nông dân trên toàn thế giới cần tất cả các công cụ và công nghệ có thể giúp đạt được điều này.
Trước đó, vào hôm 10/4 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ban hành quyết định cấm không cho sử dụng chất diệt cỏ glyphosate trong thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam vì có nguy cơ gây các bệnh ung thư. Theo báo chí Việt Nam, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 6 năm 2019.
Glyphosate là hóa chất có trong thuốc diệt cỏ Roundup bán chạy nhất của Bayer AG, công ty đã mua lại sản phẩm này từ Monsato, công ty đã từng bán chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Chất Glyphosate cũng là mục tiêu của hàng ngàn vụ kiện ở Hoa Kỳ với cáo buộc tiếp xúc với chất này gây ung thư.
Roundup - loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới - là loại đầu tiên có chứa glyphosate. Nhưng nó không còn được bảo vệ bởi bằng sáng chế độc quyền.
Khi trả lời Reuters, đại diện hãng Bayer cho biết lệnh cấm của Việt Nam sẽ không giúp nước này cải thiện sự an toàn cũng như an ninh lương thực. Hãng này cũng không biết liệu Việt Nam có thực hiện bất kỳ đánh giá khoa học nào trước khi ban hành lệnh cấm hay không ?
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết quyết định loại bỏ thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate khỏi danh sách các hóa chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam là phù hợp với luật pháp hiện hành, luật pháp quốc tế, và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.
Trên thế giới hiện có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nghiêm cấm đối với chất glyphosate này.
*******************
Hoa Kỳ bỏ thuế chống bán phá giá lên tôm Việt Nam (RFA, 11/04/2019)
Truyền thông trong nước hôm 10/4 trích thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Bộ Thương mại Mỹ đã đồng ý bỏ thuế chống bán phá giá lên tôm đông lạnh nhập từ 32 công ty xuất khẩu của Việt Nam sau lần xem xét hành chính lần thứ 13.
Hình minh họa. Tôm trong băng chuyền xử lý tại Công ty Hải sản Khánh Sùng, huyện Mỹ Xuyên. AFP
Như vậy, mức thuế bị phía Mỹ áp lên tôm đông lạnh từ Việt Nam trước đó là 4,85% sẽ về 0%.
VNexpress trích lời ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết với quyết định này, các công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường vào Mỹ.
Theo VASEP, Mỹ hiện là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm ngoái, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 637 triệu đô la.
*******************
Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại nạn rửa tiền gia tăng ở Việt Nam (RFA, 11/04/2019)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đây bày tỏ lo ngại về nguy cơ nạn rửa tiền sẽ gia tăng ở Việt Nam với việc Việt Nam cho phép người dân được vào đánh bạc tại các sòng bạc.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 14/2/2011 - sòng bạc Crown Casino ở Đà Nẵng - AFP
Báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề này nhận định "trong năm 2018, Việt Nam đã cấp phép thí điểm những sòng bạc địa phương, làm gia tăng nguy cơ rửa tiền nếu các giới chức Việt Nam không đảm bảo được việc thực thi hiệu quả những biện pháp chống rửa tiền".
Trước đó, Việt Nam chỉ cho phép người nước ngoài vào đánh bạc tại các sòng bạc.
Theo nghị định mới ban hành vào năm 2017, công dân Việt Nam đóng phí 1 triệu đồng tiền vào cửa và chứng minh thu nhập hàng tháng ít nhất là 10 triệu đồng có thể vào các sòng bạc.
Trong báo cáo mới, Bộ Ngoại giao mỹ nhận định, với tốc độ phát triển kinh tế, gia tăng thương mại quốc tế, cùng với đường biên giới trên đất liền dài, nhiều lỗ hổng, cùng với dân số trẻ hiểu về công nghệ, kết hợp với các sòng bài mới được cấp phép, Việt Nam rất có nguy cơ đối mặt với tình trạng rửa tiền.
Ông Trump khen Việt Nam 'mua than của Mỹ' (BBC, 23/02/2018)
Phát biểu tại đại hội của phái Bảo thủ Mỹ (CPAC2018) hôm 23/2, Tổng thống Donald Trump khoe rằng trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông đã thuyết phục lãnh đạo nước này 'mua than của Mỹ'.
Lãnh đạo các nước dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng
Cụ thể, ông nói, sau khi ông nêu ra là "Chúng tôi có thương mại mất cân bằng với các quý vị" thì cả Thủ tướng và Chủ tịch Việt Nam đều hứa giúp.
Họ hứa sẽ làm gì đó để mua hàng hóa Mỹ, và "cân bằng cán cân thương mại" với Hoa Kỳ, theo lời ông Trump.
Họ cũng "khen than từ West Virginia" mà họ đã mua về là "tuyệt vời nhất thế giới" (the finest coal in the world), ông Trump kể lại.
Tỏ ra hài lòng với chính mình, ông Trump nói đến chuyện thợ mỏ Mỹ nay có việc làm nhờ ngành than "sống lại".
Ông cũng khen than đá của Mỹ "rất sạch".
Các số liệu mấy năm qua cho thấy Hoa Kỳ xuất than đá sang Ba Lan, Cộng hòa Czech Slovakia, Hungary, Đức, và Áo cùng một số nước Châu Á, gồm cả Trung Quốc.
Hồi tháng 7/2017, Reuters cho hay ngành xuất khẩu than của Mỹ tăng 60% chỉ trong năm đó, nhờ nhu cầu cao từ Châu Âu và Châu Á.
Điều này cho phép chính quyền Trump nhận là họ có công "làm sống lại ngành khai mỏ" vốn gặp khó khăn trước đây, theo Reuters.
Tuy thế, các nguồn Việt Nam cho đến đầu 2018 vẫn nói về bốn nước bán than chính cho Việt Nam là Indonesia, Úc, Trung Quốc và Malaysia.
Nga cũng bán than cho Việt Nam và báo chí ngành than nói cả về giá than từ thị trường Nhật Bản.
Bài diễn văn tại CPAC 2018 của ông Trump chứa đựng nhiều thông điệp bảo thủ
Bài diễn văn của ông Trump, trong phần về việc Hoa Kỳ bán than cho Việt Nam, không nêu rõ đây là việc đang xảy ra hay sẽ xảy ra.
Thông điệp bảo thủ
Ông Trump phát biểu sáng 23/02/2018 ở CPAC tại Maryland và nói nhiều về "các thành công" trong một năm cầm quyền của ông.
Ông liệt kê ra chương trình "cắt giảm thuế", số việc làm tăng lên, và cũng không quên nhắc ông sẽ "không bao giờ" bỏ Điều 2 của Tu chính án trong Hiến pháp Mỹ về quyền mang súng.
Đoạn về Việt Nam được ông nêu ra khi nói về các nước có "quan hệ thương mại mất cân bằng" gây thiệt hại cho Mỹ.
Ông điểm ra Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổng thống Trump nói giọng hơi diễu cợt về chuyện cả Trung Quốc và Ấn Độ cứ nhận họ là "nền kinh tế đang phát triển".
Nhưng riêng về Việt Nam, ông Trump tỏ ra hài lòng là ông đã thuyết phục lãnh đạo Việt Nam "làm gì đó để cải thiện" sự mất cân bằng thương mại.
Ông cũng tranh thủ đả phá đảng Dân chủ Mỹ, đối thủ của đảng Cộng hòa và nhận được nhiều tràng pháo tay từ người dự CPAC.
Cũng trong ngày ông Trump đến dự CPAC, Tòa Bạch Ốc thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt "lớn nhất từ trước đến nay" nhắm vào Bắc Hàn.
Các biện pháp này sẽ nhắm vào 56 công ty tàu biển và hàng hải.
CPAC là chữ viết tắt của 'Conservative Political Action Conference', sự kiện tụ họp đảng Cộng hòa và các tổ chức cánh hữu của Mỹ.
Ông Trump cũng dành nhiều thời gian để nói về cố mục sư Bill Graham và niềm tin vào Chúa Trời của nước Mỹ.
Ông nhấn mạnh, công dân Hoa Kỳ "không tôn thờ chính phủ, mà chỉ tôn thời Thượng đế".
Hôm 22/01, ông Wayne LaPierre, một lãnh đạo của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) đã đọc diễn văn tại CPAC 2018 nhấn mạnh lại quyền được mang súng của công dân Hoa Kỳ.
Việc này diễn ra khi trên nước Mỹ đang có phong trào đòi xem lại cách kiểm soát súng sau vụ 17 người bị Nikolas Cruz, 19 tuổi, hạ sát hôm thứ Tư tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida.
Tổng thống Trump nhắc lại chuyến thăm các nạn nhân vụ xả súng đó và nói vụ tấn công "làm trái tim chúng ta rỉ máu".
Ông kêu gọi nước Mỹ cần có giải pháp về "các vấn đề tâm thần" để cải thiện an ninh trường học và cộng đồng.
*********************
Mỹ thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào Việt Nam (RFA, 23/02/2018)
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 22/2 cho biết Bộ này vừa mở một văn phòng Kiểm soát động thực vật tại Hà Nội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ vào Việt Nam.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, số 7 Láng Hạ, cũng là nơi liên lạc của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Ảnh chụp năm 2000. Photo: RFA
Bộ Nông Nghiệp Mỹ hy vọng có thể đạt được con số 2 tỷ rưỡi đô la xuất khẩu hàng nông nghiệp vào Việt Nam.
Có mặt tại buổi lễ khai trương văn phòng là các quan chức Việt Mỹ bao gồm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Trần Thanh Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, và các viên chức USDA.
Văn phòng này được biết là sẽ cùng với các đối tác Việt Nam giải quyết những vấn đề dịch bệnh trên gia súc và cây trồng dựa trên những cơ sở khoa học.
Một viên chức Mỹ là trợ lý lo về thương mại của USDA nói rằng Việt Nam hiện là một trong những thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Mỹ có tốc độ phát triển nhanh nhất.