Bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - hôm 27/9 cho truyền thông Nhà nước hay trang dự báo Meteostar.com vừa phát cảnh báo đầu tháng 10 sẽ có một vùng áp thấp vượt qua Philippines vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, hướng di chuyển về miền Trung Việt Nam.
Các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến - RFA
Liên tục trong ba ngày qua từ 27/9 đến nay các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến.
Nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng (không muốn nêu tên) cho biết, họ đã chuẩn bị tinh thần chống bão vì năm nào cũng sẽ có, tuy nhiên năm nay đang giữa cao điểm dập dịch Covid-19 mà lại hứng thêm bão, họ chưa biết ra sao :
"Năm nào tới mùa mưa bão là phải chèn chắn, năm nay đặc biệt có dịch rồi mưa bão thấy cuộc sống khó khăn nhưng riết rồi mình khắc phục chứ nhà nước cũng quan tâm hết sức rồi.
Cuộc sống đương nhiên khó khăn vì dịch bệnh kéo dài năm mấy, hai năm tái đi tái lại hoài, cũng coi như cố gắng sống qua ngày. Giờ bão đến, thiên tai đến mình không biết được thì phải cố gắng.
Chuyện mưa bão đến coi như mình không muốn nó cũng đến, mình cũng lo chằn chống trước chứ sao không lo. Ví dụ nhà mình chắc chắn trước thì đỡ hơn, còn nhà mình tạm bợ thì phải cố gắng".
Theo dự báo, khoảng ngày 5/10 bão sẽ di chuyển tây tây bắc hướng về miền Trung Việt Nam.
Bà Xuân Lan cũng nói thêm do dự báo xa nên chưa thể khẳng định vị trí bão sẽ đổ bộ, nhưng có thể dự báo vào miền Trung.
Nhiều người dân tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam nói với phóng viên RFA rằng thông qua các trang mạng xã hội họ cũng nắm được miền Trung sắp có bão nên hiện giờ, nhiều gia đình đã bắt đầu chuẩn bị chằng chống, đối phó đợt bão sắp tới :
"Mình bỏ cát lên tole, bỏ đồ lên mái nhà, chuẩn bị hết rồi, giờ dân vô thông tin, lên mạng, họ cũng chuẩn bị.
Giờ thiên tai đến thì phải chịu, mình phải cố gắng khả năng của mình đến đâu thì hay đến đó chứ chẳng biết được.
Khi bão đến mình cũng chằng chống, trước mắt là bỏ cát, căng dây, cọc dây vậy thôi, còn khi nó vô thì bay ra sao không biết đường.
Mình tự lo chứ cũng chưa có ai đến nhắc nhở hay hỗ trợ gì, chưa thấy".
Tuy chính quyền Đà Nẵng chưa thông báo cho các hộ dân về tin bão sắp đến nhưng người dân ở đây cho biết, phía chính quyền đã có những động thái chuẩn bị đón bão :
"Mấy bữa nay em thấy hình như bên công ty môi trường đô thị họ đi tỉa cây, tỉa cành, nói chung bắt đầu vô mùa mưa bão rồi đó".
Tuy vậy, vẫn theo lời người phụ nữ không muốn nêu tên vừa nói, do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài vừa qua, nên giờ cô muốn buông xuôi, không chuẩn bị gì hết :
"Dịch cứ ở nhà hoài, không được đi làm mà giờ còn mưa bão thì cũng lo lắng vậy, nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn.
Như chỗ nhà em bao nhiêu mùa mưa bão ví dụ nếu có chuyện gì thì nhà nước phải di tản, còn không mình tự lo. Ví dụ nếu dự báo thời tiết báo khả năng bão mạnh thì dân tự chằng chống giúp nhau, còn nếu dự báo thời tiết mà nhẹ thì thôi, cũng bình thường".
Còn theo một người dân khác, bão lũ năm nào cũng kéo về nhưng riêng năm nay, người dân đã hoàn toàn kiệt sức khi phải chống chọi với dịch Covid-19 trong thời gian quá dài nên giữa việc lo bão đến đối với họ không lớn bằng việc lo thiếu ăn do đại dịch gây ra :
"Giờ nhờ sự may rủi của trời thôi chứ khi dịch triền miên bà con sống nhờ mạnh thường quân, sống nhờ sự hỗ trợ đây đó nên đã thất thần biết bao nhiêu thời gian dịch, giờ tới bão nói chuẩn bị cũng không biết lấy gì chuẩn bị. Nói chung không còn nguồn lực để chuẩn bị.
Năm nay là ngàn năm có một, chưa năm nào thê lương như năm này, không phải thê lương một thời điểm gì, thê lương triền miên, hai năm liền, kéo tới bây giờ vẫn chưa dứt.
Nói thiệt giờ là lo sợ chứ không thể lo lắng được vì bây giờ không có một tiềm lực, nguồn lực hay sức lực nào lo lắng nữa, chỉ biết lo sợ thôi. Giờ dịch mà dập tới dập lui chỉ có dân chết chứ con vi-rút không chết. Bây giờ dân chỉ biết lo lắng cơn bão chứ chẳng biết làm gì hơn".
Cũng theo chia sẻ của người dân miền Trung, dịch Covid-19 kéo dài gần hai năm qua khiến họ kiệt sức. Một bức tranh ảm đảm đang hiện ra trước mắt họ khi công việc bị mất, tiền bạc, lương thực cạn dần vì ở nhà hàng tháng trời. Khốn khó, thiếu thốn, đói kém là những cụm từ họ diễn tả về cuộc sống hiện tại.
"Tôi cũng lo dữ lắm. Lo cái ăn thôi, trông cho dịch bệnh qua mau để mình làm mới có chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Như đợt dịch vừa rồi cũng có hỗ trợ 500 ngàn, trong 20 ngày dừng mọi hoạt động của thành phố bên thôn cho được rau, bắp cải".
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thành phố Đà Nẵng vào ngày 24/9 cho hay thành phố dự kiến sẽ nới lỏng giãn cách xã hội, thay vì áp dụng Chỉ thị 16 sẽ hạ xuống Chỉ thị 19 vào đầu tháng 10, cụ thể từ ngày 1-15/10.
Vào trung tuần tháng 9, sau khi miền Trung kết thúc đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cao điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung là vào tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12.
Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.
Chiều 23/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 6 năm 2021. Khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa to đến rất to. Dự báo trong 12 giờ tới, bão đi vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và sau đó sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh này.
Hình ảnh dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão số 6/2021
Hồi 13 giờ ngày 23/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc ; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định khoảng 180km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 260km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 330km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 380km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 01 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc ; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 24/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc ; 107,2 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) : từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây Kinh Tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển : Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 ; sóng biển cao từ 2,0-4,0m ; biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10 ; sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động rất mạnh.
Ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Gió mạnh trên đất liền : Từ tối và đêm nay (23/9), trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều nay đến ngày 24/9, bão còn tiếp tục gây mưa rất to ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Từ ngày 24-25/9 ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 150mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 06g00 ngày 23/9/2021, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.810 phương tiện/245.233 lao động. Trong đó :
+ Hoạt động trên biển : 4.346 tàu /28.620 người.
+ Neo đậu tại các bến : 40.464 tàu/216.603 người.
- Theo dữ liệu trích xuất từ hệ thống VNDMS, hiện nay trong khu vực nguy hiểm còn 236 tàu (Nghệ An 1 tàu, Hà Tĩnh 8 tàu, Quảng Bình 3 tàu ; Thừa Thiên Huế 2, Đà Nẵng 6 ; Quảng Nam 13 ; Quảng Ngãi 65 ; Bình Định 112 tàu ; Phú Yên 18 ; Khánh Hòa 4 ; Ninh Thuận 3 ; Tiền Giang 1).
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đang cập nhật chi tiết.
Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Bình đến Bình Định
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản :
- Diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển : 11.719 ha (các tỉnh có diện tích lớn : Thừa Thiên-Huế 3.089 ha ; Quảng Nam 3.070 ha, Bình Định 2.359 ha).
- Số lồng bè : 4.912 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn : Thừa Thiên-Huế : 2.000 ; Quảng Nam 1.100 ; Bình Định 1.118 lồng bè).
+ Khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Bình còn 97.476 ha lúa chưa thu hoạch (Thanh Hóa : 65.300 ha, Nghệ An : 31.000 ha, Hà Tĩnh 677 ha ; Quảng Bình 490 ha).
+ Khu vực từ Thừa Thiên Huế - Bình Định còn 10.487ha lúa chưa thu hoạch (Thừa Thiên Huế 390 ha ; Quảng Nam 412 ha ; Quảng Ngãi 3950 ha ; Bình Định 5.735 ha)
+ Khu vực Tây Nguyên còn 143.346ha lúa chưa thu hoạch (Kon Tum 15.931ha; Gia Lai 48.943ha; ĐakLak 60.147ha; Đak Nông 6.679ha; Lâm Đồng 11.646ha).
Hồ thủy điện các lưu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Hiện nay, dung tích các hồ đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế. Một số hồ thủy điện có dung tích lớn hơn như : Khe Bố : 96,5% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,4m) ; Chi Kê : 100% ; Hố Hô : 96,49% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,04m ; A Lưới : 100% ; Văn Phong : 100% ; An Khê : 92,08% thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,39m) ; Sê San 4 : 95,69% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,23m) ; Srêpôk 4 : 93,42% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,52m) ; Srok Phu Miêng : 100,00%, Buôn Kop : 98,95% (thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ 0,12m). Các hồ vận hành phát điện theo kế hoạch.
Hồ chứa thủy lợi :
- Khu vực Bắc Bộ có 2.543 hồ đạt từ 40 - 100% dung tích thiết kế, một số hồ ở mức cao như : Suối Chiếu 102%, (Sơn La); Ngòi Là 2 100% (Tuyên Quang) ; Ngòi Vần 103%, Lửa Việt 100% (Phú Thọ) ; Yên Quang 1 100%, Yên Quang 4 100%, Yên Thắng 1 103%, Yên Thắng 2 100%, Thác La 135% (Ninh Bình).
- Khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ đạt từ 40-68% dung tích thiết kế, một số hồ chứa đang tích nước cao như : hồ Thung Bằng 100%, Cống Khê 101%, Hao Hao 101% ; hồ Cầu Cau 100%, Quỳnh Tam 101%, Cửa Ông 113%...
- Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có 517 hồ đạt từ 18-69% dung tích thiết kế, một số hồ chứa đang tích nước cao ĐakLong Thượng 100%, Phúc Thọ 102%, Đăk Lé 100%, Đạ Tẻh 132% (Lâm Đồng) ; Đăk Rtang 104%, Đăk Nang 100% (Đắk Nông)…
- Khu vực Nam Bộ có 131 hồ đạt 69% dung tích thiết kế.
Tình hình đê điều
- Đê biển, đê cửa sông khu vực từ Hà Tĩnh – Bình Định có 34 vị trí đê điều xung yếu (Quảng Bình : 11 ; Quảng Trị : 7 ; Huế : 04 ; Quảng Nam : 11; Bình Định : 01).
- Có 14 công trình đang thi công dở dang (Quảng Trị : 06 ; Thừa Thiên Huế : 03 ; Đà Nẵng 01 ; Quảng Nam 01 ; Quảng Ngãi 03).
Tuệ Khanh