Người cứu bé trai sơ sinh bị chôn sống : Khi bế lên cháu cất tiếng khóc (Zing, 27/05/2018)
"Tôi bới lớp đất lên thì thấy bé trai vẫn còn nguyên dây rốn, mặt có vết thương sâu, khi bế lên bé cất tiếng khóc", chị Trúc, người phát hiện bé trai bị chôn sống, kể.
Sáng 27/5, ông Đỗ Tấn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng (Hàm Tân, Bình Thuận), cho biết sức khỏe của bé trai sơ sinh bị chôn sống đang hồi phục rất tốt tại Bệnh viện đa khoa La Gi.
Nơi bé trai bị chôn sống trong rẫy tràm. Ảnh : Tuấn Kiệt.
Trao đổi với Zing.vn, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (31 tuổi), người phát hiện ra bé trai, vẫn còn bàng hoàng khi kể lại vụ việc. Theo chị Trúc, vị trí phát hiện bé sơ sinh bị chôn cách đường khoảng 50 m, trong một rẫy tràm hơn 1 năm tuổi và gần trường học thuộc thôn Phò Trì, xã Tân Thắng.
Khoảng 7g ngày 26/5, chị Trúc đi vào rẫy tràm, phát hiện một phần khuỷu tay và chân của bé sơ sinh nhô lên khỏi mặt đất. Người phụ nữ này tò mò đến xem thì bàng hoàng thấy một bé trai bị chôn sống.
Bé trai được chôn sơ sài một cách vội vã dưới hố sâu khoảng 10 cm, phần thân, mặt và chân tay bị vùi trong đất. Riêng phần khuỷu tay và chân không lấp hết nên nhô lên khỏi mặt đất. Khi được cứu sống, bé còn nguyên dây rốn và có một vết thương rất sâu ở mặt.
"Tôi đi từ xa đã thấy khuỷu tay và khuỷu chân của bé nhô lên mặt đất. Khi bới lớp cát lên, tôi bàng hoàng phát hiện bé vẫn còn thở, khi bế lên bé đã cất tiếng khóc. Da bé vẫn chưa tím tái nên có khả năng vừa bị chôn chưa bao lâu", chị Trúc kể.
Bé trai bị chôn sống đã khỏe mạnh, đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh : Tuấn Kiệt.
Sau khi cứu sống bé trai sơ sinh, chị Trúc cùng gia đình đã lau đất cát trên người bé, cắt dây rốn và đưa bé đến trạm xá. Các bác sĩ tại đây tắm rửa và sơ cứu vết thương trên mặt. Một lúc sau, bé trai đã khỏe và hồng hào trở lại.
Ông Đỗ Tấn Sĩ, Chủ tịch xã Tân Thắng, cho hay địa phương vẫn đang cắt cử người luân phiên chăm sóc bé tại bệnh viện. Bé đang khỏe mạnh, riêng vết thương trên má phải may 10 mũi.
Xã Tân Thắng, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh : Google Maps.
Ông Sĩ cũng cho hay Công an huyện Hàm Tân đã ghi nhận hiện trường, tiếp tục khoanh vùng điều tra thân nhân của bé trai này. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn chưa tìm được thân nhân của bé. Người dân địa phương rất bức xúc khi vụ việc xảy ra.
Huỳnh Hải
*******************
Đà Nẵng : "Quả lừa" tại khu đô thị Phước Lý vẫn còn dai dẳng trong dân (CaliToday, 27/05/2018)
Ban đầu nói là thu hồi đất dân để xây dựng cụm công nghiệp, hộ dân không giao đất thì bị cưỡng chế nhưng rồi sau đó chính quyền thành phố (Thành phố ) Đà Nẵng lại cho chuyển đổi mục đích, chủ đầu tư lại đi phân lô bán nền. Một hộ dân ròng rã đi khiếu nại đòi lại đất cho gia đình nhiều năm qua…
Khu đô thị Phước Lý - Đà Nẵng (ảnh_ map.coccoc)
Đối với nhiều hộ dân phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu và phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng một thời có đất đai tại khu đô thi Phước Lý giờ nhìn lại không khỏi ngậm ngùi lẫn uất ức. Theo báo Tiền Phong của nhà nước Việt Nam, những hộ dân này có cảm giác ăn phải "quả lừa" bởi vì theo quy hoạch bạn đầu từ 12/2007, những hộ dân có đất ở khu vực Phước Lý phải tự nguyện giao đất cho chính quyền Đà Nẵng để vào năm 2008, chính quyền Đà Nẵng giao mặt bằng cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng-Miền Trung (DMT) xây dựng cụm công nghiệp. Cụm công nghiệp Phước Lý dự kiến có tổng diện tích gần 500.000m2, tổng mức đầu tư khoảng 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được số diện tích do chính quyền Đà Nẵng giao thì Công ty DMT không tiến hành xây dựng cụm công nghiệp, cho đến năm 2012 lại làm tờ trình gửi lên chính quyền Đà Nẵng xin được điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi từ cụm công nghiệp Phước Lý sang khu đô thị Phước Lý. Đáng nói ở đây là chính quyền Đà Nẵng đã đồng ý với nội dung tờ trình chuyển đổi mục đích của Công ty DMT. Công ty DMT tiến hành phân lô bán nền tại khu đô thị Phước Lý.
Xin được nói thêm, khi chính quyền Đà Nẵng thông báo quyết định thu hồi đất của những hộ dân trong vùng dự án để xây dựng cụm công nghiệp Phước Lý đa phần các hộ dân đều đồng ý, tự nguyện giao đất và nhận khoảng tiền đền bù rẻ mạc từ 35.000 VND cho đến mấy chục ngàn VND/m2, thậm chí nhiều hộ còn không được bố trí đất tái định cư, hoặc tái định cư tại các khu nghiã địa và nếu hộ dân nào có điều kiện kinh tế mà có ý định mua lại đất của chính ông cha mình khai phá để định cư tại Phước Lý thì phải có "đơn xin mua" với giá khoảng 4-5 triệu VND/m2 (giá vào năm 2008). Các hộ dân nghĩ rằng khi cụm công nghiệp xây dựng lên thì sẽ giải quyết được việc làm cho con cháu.
Từ năm 2012, chủ đầu tư Công ty DMT được chính quyền Đà Nẵng cho phép chuyển đổi mục đích xử dụng đất, từ đất xây dựng cụm công nghiệp sang đất khu đô thị và được quyền phân lô bán nền khiến nhiều hộ dân giao đất ở Phước Lý ngỡ ngàng, ngậm gùi lẫn uất ức.
Chia sẻ với Cali Today, hộ dân Hồ Ngọc Phước có diện tích đất của gia đình khoảng hơn 2000m2 dính vào dự án xây dựng cụm công nghiệp Phước Lý cho biết nguồn gốc đất của gia đình do ông bà để lại cũng mấy trăm năm nay, có đầy đủ giấy tờ trích lục từ xưa. Vào năm 2007, Chính quyền Đà Nẵng bắt đầu tiến hành thu hồi đất của hộ gia đình ông Phước cũng như những hộ gia đình lân cận nhưng không có quyết định thu hổi nên hộ gia đình ông Phước không đồng ý giao đất.
"Đầu tiên họ không có quyết định thu hồi, tôi nói giờ mấy ông không đưa quyết định thu hồi đất thì tôi không đồng ý giao. Năm 2007, họ công bố kiểm định đất tất cả hộ dân nhưng riêng gia đình tôi thì đến năm 2011 họ mới đưa quyết định thu hồi đất để làm Cụm công nghiệp. Tôi cũng cho kiểm định nhưng chưa bàn giao vì đền bù giá 35.000 VND/m2. Tôi đi khiếu nại. Năm 2012, họ chuyển đổi sang mục đích phân lô bán nền và ra thông báo là bán" - ông Phước nói.
Không chấp nhận giao đất với giá đền bù rẻ mạc, ông Phước quyết định đi khiếu nại, thời điểm này thân phụ ông Phước đã qua đời nên diện tích đất của gia đình thuộc diện thừa kế của những anh, chị, em và ông Phước. Đơn từ ông Phước nói rõ sai phạm thu hồi đất tại khu đô thị Phước Lý-Đà Nẵng gửi đến nhiều cơ quan, ban ngành từ địa phương cho đến Trung ương nhưng rồi đa phần đều chuyển về Đà Nẵng. Năm 2017, ông Phước đơn độc trong quá trình đấu tranh giữ đất chính thức bị chính quyền quận Cẩm Lệ cưỡng chế.
Ông Hồ Ngọc Phước, nhân vật bài viết (ảnh_ Facebook Ngoc Phuoc Ho)
Ông Phước nói với Cali Today :
"Tôi đi khiếu nại miết cho đến năm 2017 thì họ cưỡng chế, do các hộ dân bàn giao hết rồi riêng tôi thì không bàn giao nên họ cho công an xuống cưỡng chế…họ không có quyết định cưỡng chế mà chỉ thông báo cưỡng chế mà thôi".
Nghịch lý ở chổ là ông Phước muốn mua lại chính diện tích đất của gia đình cũng không được. Gía đền bù đất thu hồi chỉ là 35.000 VND/m2 nhưng theo ông Phước thì hiện tại ước chừng chủ đầu tư bán ra giá cũng mười mấy triệu đồng/m2, tức là gấp mấy trăm lần. Vì vậy, sau khi được sự trợ giúp chính quyền để lấy đất của hộ gia đình ông Phước, Công ty DMT hiện đã nhanh chóng phân lô bán nền cho người khác hiện đang xây dựng nhà.
"Vụ đất đai họ không giải quyết, họ bố trí lại cho gia đình tôi một lô đất ở đường 5m5 nhưng tôi không chịu vì đây là lợi ích nhóm quyền lực. Tôi yêu cầu phải trả lời chính đáng cho tôi chứ tôi sai chổ nào tôi chấp nhận, còn tôi đúng thì họ phải xử lý đất đai cho tôi như thế nào chứ ? Tôi mua 6 lô đất mà họ không bán, họ đền tôi giá nhà nước 35.000 VND/m2 thì tôi mua lại giá nhà nước, họ đền tôi giá thị trường thì tôi mua giá thị trường, đúng ra doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân chứ đằng này mượn tay chính quyền, mượn tay công an để trấp áp người dân"- Lời của ông Phước.
Hiện tại, ông Hồ Ngọc Phước vẫn đang tiếp tục hành trình khiếu nại và tố cáo để đòi lại đất của gia đình bị mất. Hành trình này ông Phước gặp rất nhiều gian nan, nguy hiểm ví dụ vào ngày 19/3 vừa qua, ông Phước xuống trụ sở Thành ủy Đà Nẵng số 72 Bạch Đằng nộp đơn, từ khi ông Bí thư Trương Quang Nghĩa về Đà Nẵng giữ cương vị Bí thư Thành ủy, ông Phước cho biết cũng đã nộp biết bao nhiêu đơn từ, yêu cầu trả lời đơn mà không thấy trả lời. Trên đường về thì ông Phước bị những kẻ mặc thường phục tạt nước có tẩm chất độc hại gì đó mà theo mô tả của ông Phước là gây ngứa ngấy cả người. Tiếp nữa là tháng 5/2018, trên đường về ông Phước bị tạt dầu nhớt tôi có làm đơn trình báo, ngoài ra còn những lần bị đeo bám, theo dõi và canh cửa.
Quê Hương
****************
Dân huyện ở Sài Gòn hiến đất, mất tiền (Người Việt, 27/05/2018)
Khi triển khai dự án làm đường, chính quyền huyện Bình Chánh hứa thưởng tiền cho nhà dân nào sớm giao đất. Thế nhưng, gần ba năm qua, hàng trăm nhà dân chờ "dài cả cổ" dù đất đã giao.
Nhiều người dân hiến đất để mở rộng đường Dương Đình Cúc nhưng chưa nhận được tiền hứa thưởng.(Hình : Thanh Niên)
Nói với báo Thanh Niên, người dân ở các ấp 3 và 4 của xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Sài Gòn, cho biết năm 2014 chính quyền thông báo mở rộng, nâng cấp đường nhỏ Dương Đình Cúc lên 10 mét ngang. Lúc này, song song với việc thông báo tiền hỗ trợ di dời kiến trúc nhà cửa, Ủy Ban Nhân Dân huyện Bình Chánh cũng đưa ra chính sách khen thưởng 7,5 triệu đồng (hơn 329 USD)/nhà nếu gia đình nào giao đất sớm.
Ông Lê Hùng Dũng, nhà ở ấp 4, xã Tân Kiên, cho biết việc mở rộng đường khiến nhà ông bị cắt mất gần 90 mét vuông đất. "Hàng trăm người dân ở ấp 3 và 4 của xã Tân Kiên bị ảnh hưởng khi mở rộng đường. Nhà tôi cũng bị ảnh hưởng và giao đất sớm nhưng mấy năm rồi không thấy tiền thưởng như chính quyền hứa. Nhiều lần họp huyện, xã, người dân đều phản ảnh nhưng chưa được giải quyết", ông Dũng nói.
Còn ông Nguyễn Văn Bảy, nhà cũng ở ấp 4, xã Tân Kiên, cũng cho hay khi thực hiện dự án mở đường, riêng tiền hỗ trợ di dời kiến trúc, nhà ông được tính khoảng 90 triệu đồng (hơn 3.953 USD), sau đó tính lại giảm còn 60 triệu đồng, rồi giảm còn hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ di dời nhà cửa. Riêng số tiền 7,5 triệu đồng hứa thưởng, ông Bảy cũng chưa thấy đâu.
Nói với báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tân Kiên, thừa nhận dự án đường Dương Đình Cúc mở rộng có tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng (hơn 2,1 triệu USD) chính thức triển khai năm 2014. Mặc dù có thu hồi một số diện tích đất của người dân nhưng chính quyền chỉ hỗ trợ chi phí di dời vật dụng, kiến trúc trên đất chứ không đền bù diện tích đất thu hồi và điều này được người dân đồng ý.
"Đúng là có chuyện chính quyền vận động người dân giao đất sớm để triển khai nhanh dự án. Hộ nào giao sớm thì ban bồi thường giải tỏa mặt bằng huyện khen thưởng 7,5 triệu đồng. Dự kiến số tiền khen thưởng gần 1,6 tỷ đồng (hơn 70.283 USD). Tuy nhiên, huyện đang triển khai thì phải tạm dừng do ở trên thành phố cho rằng việc hiến đất làm đường thì không thể khen thưởng. Vì vậy, đến nay mới có 31 hộ trên tổng số 211 hộ liên quan được nhận số tiền thưởng", bà Thảo nói.
Sau khi việc chi thưởng bị tạm dừng, ủy ban xã Tân Kiên và huyện Bình Chánh liên tục kiến nghị Ủy Ban Nhân Dân thành phố xem xét cho phép tiếp tục chi trả tiền khen thưởng cho dân, để giữ chữ tín cho chính quyền khi vận động dân hiến đất, nhưng chưa có kết quả.
Trong khi đó, bà Phan Thị Cẩm Nhung, phó Phòng Dự Án Ban Bồi Thường Giải Tỏa Mặt Bằng huyện Bình Chánh, phụ trách dự án, cho biết việc khen thưởng bị ách tắc do quy định của thành phố "chỉ áp dụng đối với đất bị thu hồi chứ không áp dụng đối với đất hiến".
"Ủy ban huyện Bình Chánh đã nhiều lần làm việc và gửi công văn kiến nghị ủy ban thành phố hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời", bà Nhung nói. (Tr.N)
*****************
Đưa ‘lậu’ người vào Anh Quốc, cụ bà gốc Việt lãnh án tù (VOA, 27/05/2018)
Một cụ bà 73 tuổi mới bị kết án 3 năm tù vì cầm đầu đường dây buôn người hoạt động ở xứ Wales thuộc Vương quốc Anh.
Bà Nguyen Thi Lien, 73 tuổi, chống gậy tới tòa.
Bà Nguyen Thi Lien sinh sống ở London được coi là người cầm đầu nhóm còn có sự tham gia của người con trai 35 tuổi, Kevin Lam.
Tờ Daily Post hôm 25/5 đưa tin rằng ông Lam bị kết án 10 tháng tù giam.
Còn có 7 bị cáo khác bị kết án tù vì dính líu tới đường dây này.
Tin cho hay, nhóm trên đã đưa trót lọt hoặc âm mưu đưa ba người vào Anh Quốc.
Phe công tố cho rằng bà Lien đã dành nhiều thời gian để điều hành mạng lưới buôn người này.
Hai nạn nhân buôn người.
Tờ Thanh Niên từng dẫn số liệu của Đại sứ quán Anh ở Việt Nam cho biết rằng người Việt đứng thứ hai trong danh sách bị mua bán nhiều nhất ở Anh.
Năm ngoái, Việt Nam và Anh tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ trong đấu tranh chống nạn buôn bán người thời hiện đại, theo VGP News.
Tin cho hay, Vương quốc Anh đã và đang "hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam để triệt phá tội phạm, truy tố những kẻ phạm tội và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng".