Người Thủ Thiêm mất đất : Kết luận thanh tra không ‘đếm xỉa’ đến chúng tôi (VOA, 01/07/2019)
Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới đây khẳng định rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có "nhiều khuyết điểm, vi phạm" trong quá trình đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một người dân mất đất cho rằng kết luận kể trên tuy là một động thái "tích cực" song vẫn chưa "đếm xỉa" gì đến các nạn nhân.
Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm (courtesy image of NamPhatLand)
Bản kết luận thanh tra được công bố hôm 26/6 xác định rằng vi phạm đầu tiên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là "không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Chính quyền thành phố mắc sai phạm thứ hai là đặt ra mức chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại, dịch vụ, nhà ở là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Thanh tra Chính phủ cho rằng mức chi phí như vậy là "không đầy đủ" và "không đúng quy định".
Tiếp đến, chính quyền thành phố lấy chính mức tiền 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc này cũng bị đánh giá là "không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định", theo Thanh tra Chính phủ.
Trong bản kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ phân tích rằng do các sai phạm của chính quyền địa phương nên "các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn [chênh lệch địa tô] từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT [xây dựng - chuyển giao]". Ngược lại, nhà nước bị "thất thoát" lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị một số biện pháp khắc phục, trong đó, điều hàng đầu là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "phải thu hồi và hoàn trả ngay" hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan sẽ "xác định đúng chi phí đầu tư bình quân" đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trên cơ sở đó, các cơ quan "sẽ tính ra mức giá khởi điểm sát với thực tế hơn để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án".
"Trong quá trình xử lý, về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý", Thanh tra Chính phủ cảnh báo.
Ông Lê Văn Lung, 61 tuổi, một trong số những người dân Thủ Thiêm bị mất đất do dự án, nói với VOA về bản kết luận thanh tra :
"Nói chung đây cũng là một động thái tôi thấy là cũng tích cực. Nhưng đối với người dân, trong kết luận này, tôi thấy không đếm xỉa gì đến quyền lợi sát sườn của người dân theo những nội dung trong đơn khiếu nại, tố cáo lâu nay của bà con".
Hàng trăm hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh là "dân oan" khiếu kiện trong hơn 10 năm qua sau khi nhà cửa của họ bị chính quyền giải tỏa để lấy đất cho khu đô thị.
Những người dân khẳng định đất của họ bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lấy đi một cách sai trái vì theo bản đồ quy hoạch, vị trí đất của các hộ dân đó không nằm trong dự án.
Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ phần nào xác nhận những khiếu kiện của người dân là đúng với một bản kết luận nói rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ "có nhiều sai phạm" trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, "phá vỡ quy hoạch", thể hiện "sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất".
Tuy nhiên, tin cho hay, từ đó đến nay, quyền lợi của các dân oan vẫn chưa được giải quyết. Ông Lung nói với VOA rằng hai kết luận thanh tra của hai cơ quan cấp trung ương kể trên "chưa đầy đủ", vẫn "gây bức xúc cho người dân".
Ông nói thêm là người dân đang tiếp tục đòi thủ tướng Việt Nam lập đoàn thanh tra mới tập trung giải quyết những khiếu nại về vấn đề đền bù :
"Nói đúng ra, người dân chờ đợi cũng mệt mỏi rồi. Người dân chỉ trông mong rằng chính quyền có chính sách đền bù để người ta có nơi ở mới tương đương giá trị theo luật mới. Về vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, thì đương nhiên người dân cũng muốn luật pháp xử lý. Nhưng bức xúc nhất, bức thiết nhất của người dân là cần vấn đề bồi thường".
Những vụ tranh chấp và khiếu nại về chính quyền giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm đã kéo dài trong suốt 20 năm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn người dân bị buộc phải di dời và mất nhà cửa. Có người "đã thắt cổ tự tử" sau khi nhà bị cưỡng chế.
*******************
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm, chỉ ra những sai phạm trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án Đô thị mới ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những điểm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng được chú ý là đã chuyển kết luận cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xử lý những cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý để xử lý.
Ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Kết luận của Thanh Tra Chính phủ về Thủ Thiêm được công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 ; sang đến sáng 27 tháng 6 bên lề Đai hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, báo chí đặt vấn đề về các nội dung sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong kết luận thanh tra với một đại biểu khách mời là ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư thành ủy và cũng là cựu chủ tich thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Thanh Hải từ chối trả lời với lý do đã về hưu, không còn nhớ gì và không còn làm được gì nữa.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án lớn phải thông qua cấp chính phủ thì dự án mới được triển khai và thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt.
"Sau thủ tướng thì người chịu trách nhiệm thứ hai trong hệ thống hành chính Đảng và chính quyền đương nhiên chủ tịch và bí thư thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trực tiếp nên ông Hải mười năm làm Bí thư thành ủy và 10 năm làm chủ tịch thành phố thì trách nhiệm của ông là lớn nhất chứ không thể đùn đẩy cho cấp dưới được, nếu ông không chịu trách nhiệm chẳng lẽ là thủ tướng, thủ tướng người ta lo cho cả quốc gia chứ có phải riêng mỗi thành phố Hồ Chí Minh đâu".
Nhà báo Nguyễn An Dân còn cho rằng rằng phải khởi tố hình sự Ông Lê Thanh Hải thì mới yên lòng dân được.
"Trong bối cảnh quốc tế đang căng thẳng như thế mà lòng dân trong nước không yên thì vị trí lãnh đạo cũng không ổn. Thành ra trường hợp ông Hải thì Đảng có thể xử lý nhẹ hơn mức mà nhân dân mong muốn. Nhân dân mong muốn là vô cùng mà giới hạn chính trị là có hạn còn đến đâu thì phải chờ".
Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định rằng, đối với trường hợp của ông Lê Thanh Hải chắc chắn là phạm tội nhưng để xử lý kỷ luật ông Hải là điều khó xảy ra. Ông giải thích lý do :
"Vấn đề ông Hải là thành viên của Bộ Chính trị lúc đó thành phố làm không đúng với luật pháp hay chỉ đạo của thủ tướng chính phủ nhưng cũng có một số nội dung xin ý kiến, Bộ Chính trị hay Thủ tướng chính phủ cho phép, nếu giờ lôi ổng ra thì ổng cũng cho biết tôi có giấy xin ý kiến thế này thế kia thành ra có thể khó xử lý đối với ông Hải. Trong con mắt chúng tôi về trách nhiệm chứ chưa nói đến tham nhũng mà để thất thoát số tiền khổng lồ như thế thì không cần anh tham nhũng là anh cũng đã phạm tội rồi. Chức vụ trong Đảng của ông Hải cũng lớn mà đụng tới Bộ Chính trị là điều hiếm hoi ngoại trừ trường hợp của ông Đinh La Thăng là điều đặc biệt chứ từ trước đến nay thì không có đâu".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng từ Sài Gòn khẳng định rằng, nếu vi phạm vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự và thậm chí ngay cả khi người đó ra quyết định hành chính nào sai phạm trong thời kỳ đương chức vẫn bị khởi tố sau khi về hưu và chịu mọi trách nhiệm bồi thường phần họ đã gây thiệt hại.
Trước đây cũng từng có một số vụ xử các quan chức cấp cao đã về hưu đối với những sai phạm trong thời gian đương nhiệm.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Vũ Huy Hoàng. RFA Edited
Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông bị phát hiện sai phạm trong việc Mobifone mua AVG. Một quan chức khác là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và Bí thư ban cán sự Đảng Bộ vì có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số vi phạm công tác cán bộ khi giữ chức vụ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý kiến về trường hợp xử phạt những quan chức vi phạm :
"Mặc dù trong thực tế quan chức càng cao cấp thì đôi khi họ còn được hưởng những đặc ân trong quá trình xét xử nhưng về nguyên tắc không có điều đó đâu. Có một điều đáng chú gì là khởi đầu là trường hợp ông Vũ Huy Hoàng là có lối xử lý rất là lạ, dù đã về hưu nhưng đặc vấn đề là cách chức vụ mà họ đã từng đảm đương chức vụ đó nên trường hợp của ông Hải nếu bị khởi tố thì có thể ông bị xử lý như vậy, cách chức nguyên bí thư thành ủy thành phố".
Nhà báo Nguyễn An Dân thì lại có ý kiến khác cho rằng để xử lý ông Lê Thanh Hải như ông Vũ Huy Hoàng là điều không có khả năng.
"Vai trò của ông Lê Thanh Hải không chỉ liên quan trách nhiệm Thủ Thiêm mà hiện nay Đảng đang có chiến dịch chống người nước ngoài, thẳng ra là người Trung Quốc mua đất và sở hửu đất đai mà điều này trong 20 năm ông Hải nắm giữ quyền lực tại Thành phố Hồ Chí Minh thì điều này nó diễn ra hơi nhiều nên ổng sẽ chịu trách nhiệm thêm về vấn đề này. Do đó tôi nghĩ xử lý ông Hải như ông Vũ Huy Hoàng thì tôi thấy không có khả năng vì sai phạm về chính trị đối với Đảng đối với đất nước nó nặng hơn ông Vũ Huy Hoàng nhiều".
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu có bài viết đăng trên mạng Tiếng Dân vào ngày 28 tháng 6 với câu hỏi ‘Những kẻ phạm tội đầu sỏ bao giờ thì bị trừng trị ?’
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ ‘sai phạm về Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm không phải chỉ ông Tất Thành Cang là người có tội lớn nhất, mà là thủ trưởng của ông Tất Thành Cang là ông Lê Thanh Hải mới là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu thì ‘những tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, sử dụng quyền lực và cơ chế để vơ vét tài sản của nhân dân, làm giàu cho cá nhân và người thân thì phải bị trừng trị thích đáng.’
Nguồn : RFA, 28/06/2019
*******************
Lê Thanh Hải nói ‘về hưu rồi’ để né tránh vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm (Người Việt, 27/06/2019)
Khi được hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Thành ủy ở Sài Gòn đã lảng tránh và từ chối trả lời.
Ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy ở Sài Gòn 2006-2016 được cho là tác giả chính vụ Thủ Thiêm. (Hình : Internet)
Sáng 27/06/2019, bên lề "Đại hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc" ở Sài Gòn lần thứ XI, các đại biểu, khách mời đã có những trao đổi với báo chí liên quan đến nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được công bố hôm 26/6.
Khi báo Thanh Niên đặt câu hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn, cho biết ông đã nghe thông tin về kết luận Thanh tra Chính phủ. và chỉ nói "giờ tôi hưu rồi, có làm được gì mà trả lời ?"…
Phóng viên báo Thanh Niên tiếp tục hỏi về các nội dung sai phạm được Thanh tra Chính phủ đề cập, xảy ra tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm lãnh đạo Sài Gòn, nhưng ông Hải đều từ chối trả lời.
Trước đó, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo về "Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn".
Kết luận thanh tra đề cập đến nhiều sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và sau đó là bí thư Thành ủy thành phố này.
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/09/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Công luận đang bàn tán, chưa bao giờ gia tộc "Hải Heo" (một tục danh mà nhiều người dân Sài Gòn và nhất là tầng lớp dân oan Thủ Thiêm đặt cho Lê Thanh Hải) lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm như bây giờ.
Trước đó, trưa 20/06/2019, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố ở Sài Gòn đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc SAGRI, em trai Lê Thanh Hải vì "vi phạm rất nghiêm trọng".
Theo báo Người Lao Động, ông Hùng bị cho là "có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong tài chính, đầu tư dự án, sử dụng nhà đất trong doanh nghiệp nhà nước…".
Bày tỏ ý kiến với báo Thanh Niên, độc giả Trần Lan bất bình viết : "Ông Hải là chủ tịch rồi bí thư. Ông là người liên quan trực tiếp đến vấn đề Thủ Thêm. Ông có quyền không trả lời. Nhưng đừng nghĩ là về hưu rồi sẽ xong". Ý kiến này nhận được hơn 3.700 sự đồng tình của người khác.
Còn người có nickname Olala cho rằng : "Sự quyết tâm, tinh thần khẩn trương đều đã có nói đến từ rất lâu rồi, vấn đề bây giờ là làm như thế nào để sửa sai, đừng để đến khi phải trả lời ‘tôi giờ hưu rồi’ rồi chối bỏ trách nhiệm. Nếu trách nhiệm công vụ không còn liệu có còn trách nhiệm lương tâm khi những sai phạm của mình khi đương chức đã đẩy người dân Thủ Thiêm vào cảnh khốn cùng trong hơn hai mươi năm qua ? Có vị nào dám khắc phục hậu quả bằng cách… bán tài sản ‘có được qua các thời kỳ’ để khắc phục hậu quả do chính mình gây ra không ?". Ý kiến này cũng được hơn 700 đồng tình (like).
Trong khi đó, ký giả Nguyễn Thiện bày tỏ trên trang Facebook cá nhân : "Dạo Facebook thấy công chúng bày tỏ kính trọng ông Phạm Toàn và thấy nhiều người phỉ nhổ Lê Thanh Hải".
Hiện, công luận đều bày tỏ muốn cá nhân ông Lê Thanh Hải "phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Thủ Thiêm, bởi trong thời gian sai phạm chính ông Hải đã từng là chủ tịch rồi bí thư Thành ủy ở Sài Gòn, Ủy Viên Bộ Chính trị". (Tr.N)
*****************
Chủ tịch UBND xác nhận mức độ sai phạm nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (RFA, 27/06/2019)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định tính chất và mức độ quan trọng liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Truyền thông trong nước loan tin hôm 27/6 dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại bên lề đại hội đại biểu toàn quốc Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra cùng ngày.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Ủy ban nhân dân Thành phố vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về kết luận thanh tra mà chỉ biết thông tin kết luận qua mạng và truyền thông của cổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vì tính chất và mức độ quan trọng của vụ việc, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thực hiện những bước đầu liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận thanh tra.
Ông Phong cho biết chậm nhất vào thứ hai (1/7) Ủy ban nhân dân sẽ báo cáo Thành ủy và sẽ tổ chức họp báo để trả lời cụ thể những nội dung mà báo chí quan tâm.
Một kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra là Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách 26.300 tỉ đồng đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng qui định. Thời hạn là đến ngày 31/12 năm nay, nếu không thực hiện, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Công an.
Trong công bố kết luật thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những vi phạm thuộc dự án này.
*******************
Nhà cầm quyền Sài Gòn ‘ăn đất Thủ Thiêm’ nhưng không nêu tên cụ thể (Người Việt, 26/06/2019)
"Trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Khu đô thị Thủ Thiêm sau 22 năm quy hoạch. (Hình : Lao Động)
Đây là kết luận của Thanh Tra Chính phủ thông báo hôm 26/06/2019, về việc "thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Tuy nói là "có nhiều khuyết điểm, vi phạm" nhưng bản kết luận không nêu tên một giới chức cụ thể nào, trong thời mà ông Lê Thanh Hải làm bí thư thành ủy Sài Gòn.
Báo VnExpress dẫn tin cho biết, "Theo đó khu đô thị mới này đã giải tỏa mặt bằng trên 99%. Công tác đền bù, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định".
"Thành phố Sài Gòn đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT, như : bốn tuyến đường chính ; cầu Thủ Thiêm 2 ; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc-Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ…".
"Ngoài các vi phạm về quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được thông báo tháng 9/2018, Ủy ban thành phố "đã ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định cũng như ý kiến chỉ đạo của thủ tướng… Vi phạm này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý ; có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng".
Cụ thể, thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho một mét vuông đất thương mại-dịch vụ-nhà ở là 26 triệu đồng/mét vuông, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu… Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao).
Bốn con đường kê thêm giá 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD) ở Thủ Thiêm. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban thành phố phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng (514,7 triệu USD) cho dự án bốn tuyến đường chính khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Qua thanh tra, phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD).
Công ty cổ phần Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó có 25 tỷ đồng (1,07 triệu USD) "không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho dự án".
Khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và Ủy ban thành phố "đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định".
Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 221 hécta được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng Ủy ban thành phố "đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai".
Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên do lãnh đạo Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn "không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thủ tướng ; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như : Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm…".
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/9, 2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Đồng thời "tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư ; bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và xác định khắc phục tình trạng mất cân đối chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Trên cơ sở "xác định đúng" này, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định. Trong đó, kiểm tra, làm rõ và báo cáo thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng (450,6 triệu USD) ; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042 tỷ đồng (731,1 triệu USD).
Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30/9 tới để báo cáo thủ tướng chính phủ.
Theo báo Tuổi Trẻ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để "xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận".
"Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý…" kết luận thanh tra nêu. (Tr.N)