Lời phi lộ : Đang diễn ra trên cả nước đang diễn ra việc phân định lại địa giới hành chính, tạo ra những đơn vị hành chính mới chỉ căn cứ vào cái vỏ vật chất là dân số và diện tích đất đai mà không nhìn nhận lịch sử hình thành, phong tục, tập quán, văn hóa dân gian của vùng đất tạo nên cái hồn của đất. Tách nhập cơ học đơn vị hành chính quốc gia, làm biển đổi trang sử của đất, đánh mất những giá trị thăm thẳm của đất và gây xáo động sâu sắc trong lòng người dân sống trên đất.
Trong bài "Chạy chức" có 5 phần, 18 trang A4, tôi đã công bố cuối năm 2023. Phần 3 viết về cô giáo mặn mà nhan sắc dạy trường cấp hai, Trung học cơ sở Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Rời giáo dục bước sang chính trị, cô giáo xinh đẹp vùn vụt thăng tiến : từ Phó Chủ tịch huyện. Bí thư Tỉnh đoàn. Bí thư Tỉnh ủy đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngồi ghế Bộ trưởng quản lý việc tổ chức bộ máy hành chính cả nước, cô giáo cấp hai liền ra tay sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia. Xin trích lại Phần 3, bài "Chạy chức" về việc làm phi lịch sử, phi văn hóa này. (PĐT)
Cô giáo mặn mà nhan sắc dạy trường cấp hai, Trung học cơ sở Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Rời giáo dục bước sang chính trị, cô giáo xinh đẹp vùn vụt thăng tiến : từ Phó Chủ tịch huyện, Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Tỉnh ủy đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Trong quá khứ, những người lãnh đạo quốc gia chỉ có quyền lực chính trị và quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ, không có quyền lực văn hóa nên không nhận biết được hồn lịch sử và hồn dân gian của mỗi vùng đất. Chỉ có sự ngạo nghễ ra tay sắp xếp lại giang sơn để thể hiện quyền uy, quyền lực chính trị, quyền lực hành chính đã nhiều lần tùy hứng chia tách, sát nhập, lắp ghép cơ học đơn vị hành chính tỉnh, huyện trên cả nước gây biến động, rối loạn cơ học rất lớn trong tổ chức đơn vị hành chính. Tạo thêm lỗ thủng rất lớn cho túi tiền teo tóp của ngân sách quốc gia phải chi khoản ngân sách lớn cho sự ra đời các đơn vị hành chính mới. Tạo ra sự xung khắc, lục đục, đấu đá triền miên trong việc lắp ghép gượng ép đội ngũ quan chức quản lí đơn vị hành chính mới.
Mỗi con người ngoài thể xác với chiều cao, cân nặng làm nên vóc dáng hình hài còn có con người văn hóa với thế giới tâm hồn và kiến thức văn hóa xã hội làm nên giá trị đích thực của con người đó. Số đo chiều cao, cân nặng mỗi con người chỉ là con số cơ học, chỉ là vật chất, chỉ có sức sống hữu hạn trong không gian. Thế giới tâm hồn và kiến thức văn hóa xã hội mới là tầm vóc, là giá trị đích thực của mỗi con người, mới có sức sống vô hạn trong thời gian.
Diện tích đất đai và dân số mỗi đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã cũng chỉ là con số cơ học, chỉ là phần vật chất, thể xác vô hồn. Cội nguồn lịch sử cộng đồng dân cư, hồn folklore, nét đặc sắc văn hóa dân gian, phong tục tập quán trong sinh hoạt, trong đời sống do lịch sử để lại và tình yêu máu thịt của cư dân với mảnh đất mang hồn cốt ông bà tổ tiên mới là phần hồn của một địa danh.
Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã tạo ra cho mỗi vùng đất một cộng đồng dân cư con đẻ của vùng đất đó. Cộng đồng dân cư lại tạo ra hồn dân dã và tạo ra khí thiêng lịch sử cho đất. Mỗi vùng đất có một lịch sử hình thành, có một cộng đồng dân cư tạo nên lịch sử vùng đất, tạo nên khí thiêng của đất và tạo nên hồn dân gian của cộng đồng. Đó là cơ sở xác đáng và bền vững, là căn cứ cần thiết tạo nên đơn vị hành chính của một vùng đất thuận tự nhiên, hợp lòng người, bảo tồn được khí thiêng lịch sử và hồn văn hóa của cộng đồng dân cư trên vùng đất đó.
Chung cội nguồn lịch sử, chung cội nguồn văn hóa dân gian, chung tình yêu với mảnh đất cha ông, chung cả tên gọi mảnh đất thân thương là chất keo kết dính dân cư sống lâu đời trên mảnh đất đó, tạo nên tính cách con người và niềm tự hào với mảnh đất quê hương, tạo nên sự ổn định, bền vững của một địa danh. Chỉ căn cứ vào con số cơ học, diện tích và dân số, phá vỡ cội nguồn lịch sử, phá vỡ cội nguồn folklore là phá vỡ sự ổn định, bền vững của địa danh đó.
Diện tích đất đai là vật chất vô hồn có thể băm vằm chia cắt, lắp ghép tùy thích. Nhưng lịch sử cộng đồng dân cư, văn hóa dân gian, tình yêu của người dân với miền đất, ngay cả tên đất mang hồn dân dã quê kiểng của người dân thì một chính quyền thực sự có văn hoá, có kiến thức quản lí hành chính quốc gia và biết quí trọng giá trị nhân văn không thể tùy hứng, tùy tiện chia cắt, lắp ghép.
Địa hình tự nhiên và điều kiện sống tự nhiên đã hình thành trên khắp thế giới những đơn vị hành chính dù có cái vỏ vật chất nghịch lí là diện tích đất đai nhỏ xíu mà có số dân khổng lồ nhưng lại có cái lõi hợp lí của địa hình tự nhiên, của lịch sử và văn hóa cộng đồng dân cư khai phá, hình thành, viết lên tên vùng đất đó.
Không thể máy móc, duy ý chí, phi lịch sử, phi nhân văn xóa bỏ đơn vị hành chính của lịch sử rồi tùy tiện đưa ra những con số cơ học về dân cư, về diện tích đất đai để tạo ra những đơn vị hành chính theo con số dân cư và diện tích đất đai tưởng là hợp lí về con số cơ học, về hình thức nhưng lại xóa mất giá trị thiêng liêng của vùng đất đó. Xóa mất cái hợp lí của tự nhiên. Xóa mất từ tên gọi đến lịch sử và văn hóa của tên gọi đó.
Những đơn vị hành chính thuận tự nhiên, hợp lòng người đã tồn tại ổn định, bền vững, đã trở thành di sản thiêng liêng của cha ông, của lịch sử. Tên gọi những đơn vị hành chính từ cha ông, từ lịch sử để lại đã trở thành tên gọi của tình yêu, của niềm tự hào, là tên gọi quê hương, thân thiết, ruột thịt như tên cha, tên mẹ, tên người yêu.
Căn cứ con số cơ học về diện tích đất đai và dân số để rồi lại chia cắt, sát nhập tạo ra đơn vị hành chính mới, tạo ra những tên đất mới vô hồn là đánh phá vào cội nguồn văn hóa dân gian ngàn đời của mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu người dân lao động sáng tạo trên mảnh đất đó, gây tốn kém tiền bạc, bất ổn xã hội vô cùng to lớn và lâu dài.
Triều nhà Nguyễn kéo dài 143 năm là một triều đại có công rất lớn với tổ quốc Việt Nam trong mở đất về phía Nam và mở biển về phía Đông. Suốt thế kỉ 19, triều Nguyễn cùng người Việt cả nước không phải chỉ mang gươm mà còn mang máu, nước mắt, mồ hôi và hồn folklore của nền văn minh sông Hồng đi mở cõi. Sang thế kỉ 20 quyền lực nhà nước và quyền lực trí tuệ văn hóa của những khoa bảng ở vị trí quản lí quốc gia triều Nguyễn mới xác lập, định hình rất lịch sử, rất thuận tự nhiên và thuận lòng người đơn vị hành chính quốc gia từ làng xã đến huyện, tỉnh.
Những đơn vị hành chính quốc gia thuận địa hình tự nhiên, thuận điều kiện sống tự nhiên, thuận lịch sử hình thành và thuận lòng dân đã hình thành ổn định từ cuối triều nhà Nguyễn đến nay. Thời Pháp cai trị chỉ có đôi lần thay đồi cục bộ nhỏ lẻ ở một, hai địa phương. Chỉ từ mấy chục năm nay, những quan chức công nông quản lí quốc gia mới dồn dập chia tách, sát nhập vô tội vạ đơn vị hành chính quốc gia.
Những đảo lộn chia tách sát nhập đơn vị hành chính liên tục và bất tận, không do nhu cầu đời sống xã hội, không có căn cứ khoa học, chỉ do ý chí của người có quyền lực muốn thể hiện vai trò quản lí quốc gia và muốn để lại dấu ấn cá nhân người có quyền trong lịch sử nhà nước công nông. Những chia tách sát nhập đơn vị hành chính tùy tiện chỉ mang lại sự ngơ ngác, đau buồn, mất mát cho người dân, chỉ thêm gánh nặng cho ngân sách và tạo ra sự lục đục, bất ổn âm thầm nhưng gay gắt, bất tận trong bộ máy nhân sự quản lí lãnh thổ quốc gia.
Chia tách, sát nhập tùy tiện đơn vị hành chính quốc gia không có căn cứ khoa học, không do đòi hỏi của thực tế đời sống xã hội chỉ bộc lộ người quản lí bộ máy hành chính quốc gia chỉ có quyền lực hành chính mà không có quyền lực trí tuệ, không có hồn nhân văn, không cảm, không nhận ra cái hồn của từng vùng đất.
Vừa ngồi vào ghế bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà liền thể hiện quyền lực hành chính, trình Quốc hội dự thảo sắp xếp lại đơn vị hành chính quốc gia triệt để hơn những lần chia tách, sát nhập đơn vị hành chính quốc gia trước đây, đã làm lu mờ lịch sử, mất mát hồn dân gian nhiều mảnh đất đầy bản sắc folklore quí giá.
Trước đây chỉ chia tách sát nhập cấp tinh cả nước và một số huyện. Nay chia tách sát nhập tới quận, huyện, phường, xã. Tổ chức hành chính quốc gia lại bắt đầu một chu kì biến động cơ học về tổ chức đơn vị hành chính quốc gia và bất ổn sâu xa trong đời sống tình cảm của người dân với mảnh đất quê hương.
Phạm Đình Trọng
(30/03/2024)
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá một cách cụ thể xem tài liệu lộ như thế nào ? Mức độ ảnh hưởng và ai là người có liên quan.
Tiết lộ nhằm mục đích gì ?
Mới đây, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã triển khai quyết định kiểm tra, xác minh đối với Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn xung quanh việc cung cấp tài liệu mật cho báo chí.
Tài liệu được đề cập là Công văn 766 ngày 17/10/2013 của Tỉnh ủy Hậu Giang gửi Ban tổ chức trung ương và Bộ công thương xin Trịnh Xuân Thanh (thời điểm đó là Phó chánh văn phòng Bộ công thương) về bố trí làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phụ trách lĩnh vực công nghiệp.
Không lâu sau đó, nội dung kiểm điểm cùng kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật trong tổ chức đảng đối với Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã bị lộ ra ngoài và được đưa lên mạng xã hội. Theo quy định, tài liệu trên cũng phải quản lý theo chế độ tuyệt mật.
Hồ sơ mật liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã bị tiết lộ
Trao đổi với Đất Việt, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tài liệu thuộc diện bảo mật bị tiết lộ ra bên ngoài.
Tuy nhiên bà Thu Ba phân tích : "Theo tôi việc này phải xử lý hết sức nghiêm khắc. Việc làm lộ những thông tin này chẳng những ảnh hưởng đến cuộc sống của những người liên quan mà còn có thể ảnh hưởng đến vấn đề quốc gia.
Đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh khi mắc những sai phạm bị kỷ luật thì dư luận đặt ra vấn đề phải công khai, minh bạch thông tin để xử lý. Thời điểm này có thể khẳng định những tài liệu liên quan đến ông này không phải mật.
Tuy nhiên trước đó thì rõ ràng đây là tài liệu mật, vì nó liên quan đến từng cá nhân lãnh đạo cụ thể".
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá một cách cụ thể xem tài liệu lộ như thế nào ? Mức độ ảnh hưởng ra sao ? Những ai là người có liên quan để làm căn cứ xử lý.
"Chúng ta phải xác minh được mục đích tiết lộ là gì ? Việc này cần làm rõ để xử lý.
Nếu người tiết lộ đó thuộc cấp thấp và do Bộ Nội vụ quản lý thì Đảng ủy Bộ Nội vụ phải làm.
Còn trường hợp cán bộ ở cấp cao hơn tiết lộ và vi phạm thì Ủy ban kiểm tra Trung ương theo phân công thẩm quyền để xử lý", bà Thu Ba nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Quang - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ưong cho hay, tài liệu nhà nước hiện nay có nhiều mức độ khác nhau như : tuyệt mật, tối mật, mật và đều có quy định cụ thể.
Đối với hồ sơ của ông Trịnh Xuân Thanh hay nội dung họp kiểm điểm Thứ trưởng Bộ nội vụ, ông Quang đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra cụ thể để đánh giá mức độ mật của tài liệu.
"Việc kiểm tra này thực hiện theo quy trình cụ thể. Bộ Nội vụ nếu thấy cán bộ vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ thì phải đề xuất cấp trên xử lý. Ủy ban Kiểm tra trung ương theo phân công sẽ tiến hành kiểm tra đối với các vị trí thứ trưởng, bộ trưởng", ông Quang nói.
Quá nhiều tài liệu đóng dấu mật
Một vấn đề khác được bà Lê Thị Thu Ba nhắc đến là thời gian vừa qua, có quá nhiều tài liệu cơ quan nhà nước đóng dấu mật và không công khai với người dân, dư luận xã hội.
"Có những tài liệu cần phổ biến mà cứ bảo mật thì làm sao triển khai được ? Cho nên theo tôi phải đưa ra tiêu chí rõ ràng để xác định tính chất, mức độ mật của tài liệu.
Cái nào chỉ lưu hành trong nội bộ cấp trên và cấp dưới thì có thể coi là mật được. Những tài cần triển khai ra ngoài dân hay trong một phạm vi rộng hơn thì không nên mật", bà Thu Ba nhấn mạnh.
Trong bối cảnh người dân đang thực hiện quyền giám sát cán bộ, bà Thu Ba cho rằng nên có những quy định cụ thể, hợp lý hơn về bảo mật thông tin.
"Theo tôi tùy theo mức độ để xem xét công bố. Thông tin về đời tư, gia đình thì phải giữ mật theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên những thông tin khác cũng nên công khai để mọi người cùng giám sát", bà Thu Ba nói thêm.
Nguyễn Hoàn