Ngành Y gặp khó hay chất lượng quốc gia đang xuống cấp ?
RFA, 27/02/2023
Tháng 9 năm ngoái, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, thuốc giải độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.
AFP
Tháng 2 năm nay, Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết, do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất nên kể từ đầu tháng 3, bệnh viện hạn chế tối đa các ca mổ hẹn trước để ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu. Lên tiếng trên truyền thông Nhà nước, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, dù bệnh viện đã cố gắng thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... đúng quy định pháp luật, nhưng một số hóa chất đã sắp hết vì vướng mắc trong việc đấu thầu.
Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng loan tin đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để chữa trị cho bệnh nhân. Cả bệnh viện có sáu chiếc máy chụp CT scanner, nhưng năm chiếc đã hư chưa sửa được. Hiện chỉ còn một máy hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, giá gói thầu đang là vấn đề khó khăn nhất của bệnh viện. Nếu tiếp tục chờ đợi ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau theo quy định, chắc chắn bệnh viện sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất.
Lỗi có hệ thống ?
Nhìn nhận về vấn đề trên, Bác sĩ Đinh Đức Long, nói với RFA quan điểm của ông trong sáng 27 tháng 2 năm 2023 :
"Mình khẳng định rõ ràng đây là lỗi của cơ chế quản lý, lỗi của con người cụ thể. Tại sao trước đây có thuốc, có vật tư y tế, bây giờ không có ?
Đây không phải lỗi do khách quan. Mà nói về ngành y thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là tư lệnh ngành, tức Bộ trưởng Bộ y tế. Tư lệnh ngành y tế hiện nay không phải là người học ngành y.
Còn cụ thể phải sửa như thế nào thì mình không phải người quản lý nên mình không biết cụ thể nó vướng chỗ nào. Nhưng để xảy ra như vậy thì bộ trưởng bộ y tế phải là người chịu trách nhiệm.
Trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay, tất cả bộ trưởng y tế đều từ ngành y ra. Đây là lần đầu tiên có một Bộ trưởng y tế không biết gì về ngành y, mà trong 100 ngày cầm quyền, tức là hơn ba tháng, là đủ để biết bộ trưởng có thể tạo ra đột phá hay không, có làm được việc hay không. Chế độ độc tài có quyền lực tuyệt đối. Có quyền lực tuyệt đối mà không làm được việc thì lỗi tại mình. Không thể đổ lỗi cho ai được hết".
Bộ trưởng y tế Việt Nam hiện nay là bà Đào Hồng Lan, người chưa từng học ngành y. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về việc không phải là người trong ngành y, bà Đào Hồng Lan cho rằng : "Bản thân không xuất phát từ ngành y, mọi việc đều rất mới, nhưng trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân nên mọi công việc sắp tới cũng rất mới".
Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 25 tháng 2 năm 2023 đã ký công điện số 72 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đây không phải lần đầu ông Phạm Minh Chính lên tiếng về tình trạng này. Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng đã kêu gọi một giải pháp phù hợp xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng đến nay, tình hình xem ra vẫn chưa được cải thiện.
Ách tắc do cơ chế ?
Một số chuyên gia y tế nhận định rằng, sở dĩ mọi chuyện bị "trì trệ" như vậy là do ông Chính chỉ nói mà không đưa giải pháp cụ thể nào cả.
Các chuyên gia cũng cho rằng điều cần làm ngay là Bộ Y tế phải cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà trong thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh ; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.
Bác sĩ Nguyễn Viện ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông :
"Bây giờ hầu như các điểm khám bảo hiểm thì đều thiếu thuốc. Một số đồng nghiệp của tôi cho rằng, đây là do vấn đề đấu thầu thuốc gần đây có những cái quy định khắt khe hơn. Thuốc phải trong danh mục. Còn với y tế tư nhân thì người ta có thể mua tất cả các loại thuốc trên thị trường.
Bảo hiểm của nhà nước hay bệnh viện công thì gặp khó khăn sau hàng loạt vụ bê bối Việt Á, người ta sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tóm lại, theo tôi nghĩ, việc thiếu thuốc, thiếu vật tư là do cơ chế đấu thầu mà ra".
Tháng 9 năm ngoái, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam có bài viết về vụ án Việt Á và cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Bài báo nêu ra một thực tế là vụ án này đã tác động mạnh đến tâm lý cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng "Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai", vì thế vài tháng nay em chẳng làm gì cả". Thực tế này đáng báo động. Vậy thực hư câu chuyện là gì ? Đúng sai, phải trái ở đâu ? Có ý kiến cho rằng, "Y tế và Giáo dục phản ánh chất lượng quốc gia". Ngành y đang bị quá nhiều scandal và ngành giáo dục cũng không ngoại lệ khi hàng loạt sai phạm trong thi cử bị phanh phui.
Trở lại với ngành y tế trong thời điểm "khó khăn" hiện nay, có thể thấy tình trạng thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư không phải chỉ mới bắt đầu mà đã có nhiều tháng trước.
Tháng 11/2021, Chính phủ ban hành Nghị Định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Truyền thông Nhà nước dẫn lời Bác sĩ Nguyễn Tri Thức-Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy rằng : "Thực tế từ ngày 1-1/2022, khi Nghị định 98-2021 có hiệu lực thi hành đến nay thì việc thu thập đầy đủ các báo giá cũng như tham khảo giá kê khai, công khai trên cổng thông tin gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao...Bệnh viện thường xuyên trong trạng thái thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị hư hỏng không sửa chữa được phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho người bệnh".
Một số người cho rằng, ngành y tế đã trở lại "thời kỳ bao cấp" khi bệnh viện không có thuốc, không có máy chụp CT dù là bệnh viện lớn nhất, nhì thành phố lớn nhất nước như Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nguồn : RFA, 27/02/2023
****************************
Nghị quyết chính phủ có trị được bệnh của ngành Y ?
Gió Bấc, RFA, 25/02/2023
Gần đến Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, bùng lên thông tin cả nước thiếu thuốc, vật tư y tế. Các bệnh viện tuyến cao nhất như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức đều kêu cứu thiếu thuốc, máy móc hư, hết vật tư hóa chất có nguy cơ đóng cửa. Bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu thuốc phải mua bên ngoài. Căn bệnh thiếu thuốc này không mới mà đã báo động từ năm trước. Không phải thiếu tiền mà do cơ chế, quy định ràng buộc, cán bộ sợ phải vô lò. Bộ Trưởng ngành y là dân ngoại đạo. Thủ tướng đã từng chỉ đạo phải quyết liệt. Lần này lại tăng đô ra nghị quyết ! Phát kiến mới, chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế bằng nghị quyết có nguy cơ đoạt giải Nobel.
Buổi Tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 3/02/2023-Ảnh : VGP/Quang Thương
Trước ngày Thầy thuốc Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Ngành y vượt khó" đã làm bùng nổ thông tin cuộc khủng hoảng thiếu thuốc, vật tư y tế, máy móc thiết bị trùm mền đang báo động trên toàn quốc.
Tình trạng này phổ biến ở tất cả các cấp độ điều trị từ cơ sở y tế huyện tỉnh đến tuyến cao nhất. Sự thiếu thốn đến mức độ kiệt quệ, thậm chí ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện tuyến cao nhất cho cá tỉnh phía Nam có 6 máy MRI thì chỉ hoạt động 1 máy. Thông tin dự báo rợn người "Bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất để xác định chẩn đoán và không đủ vật tư y tế tiêu hao để điều trị cho người bệnh" (1).
Tình trạng hệ thống điều trị cả nước bị vỡ trận đã xảy ra từ đầu năm 2022. Tại buổi làm việc của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 25/8/2022, Tiến sĩ Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo "Tất cả các tỉnh đều thiếu thuốc điều trị nên gần như chúng tôi đang gánh chịu những khó khăn từ tuyến dưới"… (2).
Ở phía Bắc cũng không khá hơn, Giáo sư Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết chỉ 1 tuần sẽ hết hóa chất xét nghiệm. Bên cạnh đó, số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại bệnh viện này cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Bệnh viện thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Theo Giáo sư Giang, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Việt Đức mà còn tương tự ở nhiều bệnh viện lớn khác. Đây là việc "cấp cứu" của cấp cứu, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu (3).
Ngày 12/8, tại Tọa đàm về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Tiến sĩ Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XIII báo động "Thiếu thuốc không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai mà còn ở 28 bệnh viện, 12 sở y tế. Việc không có đủ thuốc là vấn đề của cả xã hội không chỉ riêng ngành y". Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế nhấn mạnh : "Chúng ta phải khẳng định tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đặc biệt là vật tư tiêu hao, hóa chất là trầm trọng, trải dài từ bệnh viện thuộc Bộ đến tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế, ảnh hưởng đến chất lượng, công bằng trong khám chữa bệnh. Thiếu thuốc bảo hiểm y tế buộc người bệnh phải bỏ tiền túi mua thuốc ngoài. Vì thế, muốn tìm giải pháp chúng ta phải tìm nguyên nhân, khách quan, chủ quan".
Tại nhiều bệnh viện, một số thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế hết, người bệnh phải ra ngoài mua.
Tìm hiểu nguyên bệnh viện thiếu thuốc không phải thiếu tiền. Nguyên nhân khách quan là sau dịch covid 19, người dân đến bệnh viện đông hơn nhưng đó chỉ là chuyện phụ. Nguyên nhân chính là những quy định hiện hành về mua sắm, đấu thầu rối rắm đang ràng buộc các bệnh viện. Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cần tìm cách cho những văn bản pháp quy trở thành các công cụ hữu ích, tiện ích cho các cơ sở, bệnh viện, cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận tiện, minh bạch, công khai.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu thầu quốc gia nhấn mạnh hầu như 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế (4).
Những cuộc đốt lò hung tợn làm người ta ngán ngẩm. Tiến sĩ Nguyễn Công Hựu-Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận có nguyên nhân hiện nay các bệnh viện thận trọng hơn trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế.
"Quá trình mua sắm đấu thầu thuốc hoặc vật tư y tế thường kéo dài 4-5 tháng. Trước đó, các khoa, phòng của bệnh viện làm chuyên môn đều phải có dự trù, thống kê và lên kế hoạch mua sắm. Kế hoạch mua sắm phải có hồ sơ được phê duyệt và lựa chọn đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu đôi khi cũng không có đủ hàng cung cấp cho bệnh viện. Bên cạnh đó, quy trình làm thầu chậm cũng có nhiều lý do, trong đó có thể dự trù không kịp", ông Hựu lý giải.
Phó Giáo sư Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong quy trình đấu thầu (lập dự toán, kế hoạch, thẩm định, thực hiện đấu thầu), khó nhất là thẩm định giá, trước đây thuộc Bộ Y tế và từ đầu năm 2020 giao cho các đơn vị tự chủ động. Do mới thực hiện quy định này, nhiều đơn vị chưa quen, cộng với tâm lý sợ sai sót nên việc lập giá kế hoạch, thẩm định giá bị "đẩy qua, đẩy lại" (5).
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu đinh, nẹp, vít do trượt giá, khi áp thầu giá cũ thì công ty trúng thầu không bán vì giá rẻ, còn mua giá cao thì bệnh viện… sợ. Bệnh viện lựa giá rẻ nhất để mua, nhưng khi mua được thì công ty… hết hàng.
Bác sĩ Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An chỉ ra Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng do cấp quy định : "Khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị phải tham khảo giá thuốc và dược liệu trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế do Bộ Y tế công bố trên trang thông tin điện tử để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng loại thuốc, dược liệu". Trong khi năm 2020/2021, cả nước tập trung chống dịch Covid-19 và rất ít đơn vị tổ chức đấu thầu nên không thể có giá để tham khảo. Một số loại thuốc khi lấy được giá kế hoạch theo 3 kết quả trúng thầu của năm 2020/2021, thì các nhà thầu không đồng ý bán hoặc không tham dự do giá nguyên liệu, vật tư tăng
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chỉ ra Thông tư 14 quy định phân nhóm máy móc và trong cùng nhóm phải mua giá rẻ mà không tính đến hiệu quả sử dụng. Như với máy xông "Khi thực tế sử dụng, các y bác sĩ nhận thấy, xông rẻ tiền hơn rất cứng, hút dịch phế quản BN rất khó, thậm chí gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Nhưng một số Bệnh viện phải mua xông giá rẻ đó", ông Cơ nói.
Nếu chỉ mua sản phẩm giá rẻ, thì thực tế điều trị có thể nảy sinh về chất lượng trong quá trình điều trị. Nhiều loại thiết bị đắt tiền như máy chụp cộng hưởng từ, CT. Với các thiết bị y tế kỹ thuật cao, các hãng giá rẻ đưa ra chỉ số cấu hình có thể "oách" hơn cả các hãng có công nghệ tiên tiến, nhưng thực tế không chụp được. Nhưng khi tham gia trong cùng nhóm, thì máy giá rẻ sẽ trúng thầu". Việc tìm kiếm giá thật, giá đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để làm cơ sở khi xây dựng giá kế hoạch là rất khó. Vì hiện giá vật tư, thiết bị y tế do nhà sản xuất tự kê khai, không có cơ quan chịu trách nhiệm xác định, kiểm soát. Do đó, không thể đảm bảo đó là giá chuẩn ; không có tính pháp lý. Vậy, chủ đầu tư, các Bệnh viện dựa vào đâu để mua sắm ?" (6).
Thủ tướng anh minh cũng biết hết mọi chuyện và đưa ra khẩu hiệu "Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với trách nhiệm cao nhất".
Chiều ngày 23/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. Giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý, tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc và triển khai nhiều giải pháp về vấn đề này (7).
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không thiếu tấm lòng và không bỏ qua cơ hội đánh bóng tên tuổi và tuôn lời vàng ngọc. Ông Đam cũng đi thực tế ở Thành phố Hồ Chí Minh và thả thính với dân "mệnh lệnh trên hết là cứu dân. Đây không chỉ là trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Pháp luật mà còn là tấm lòng, lương tâm".
Từ Thủ tướng đến Phó Thủ tướng ai cũng hiểu, ai cũng thương và lo sức khỏe cho dân, ác thay họ lại giao sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, quản lý điều hành guồng máy y tế cho người đẹp Đào Hồng Lan không một ngày học ngành y, không biết mặt con virus tròn hay méo. Bà Lan cũng chưa từng một ngày là người hoạch định chính sách, xưa nay vốn chỉ làm những công việc quản lý hành chính dâng trà rót nước. Kết quả là việc thiếu thuốc, thiếu vật tư, máy móc thiết bị y tế vốn đã thiếu giờ lại hư hỏng phải đắp chiếu trùm mền như vậy.
Trước tình thế nguy ngập tuột dốc đến tận cùng là nguy cơ hiển hiện phải đóng cửa các bệnh viện hàng đầu như Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai, chính phủ đã đưa ra phương thuốc mới là ra nghị quyết.
Chia sẻ với báo chí sau cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 25/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết những vấn đề "nóng" của ngành y tế liên quan đến thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế hiện nay sẽ được đưa vào nghị quyết của Chính phủ và sẽ có hiệu lực ngay khi nghị quyết được ban hành.
Dự kiến, nghị quyết này sẽ được ban hành ngay trong những ngày cuối tháng 2 này hoặc đầu tháng 3 (8).
Chưa biết toa thuốc Nghị quyết của Thủ tướng áo mướt mồ hôi chống dịch sẽ có tác dụng như thế nào. Có cần huy động bộ đội đem xe tăng đi mua thuốc như hồi chống dịch hay không ? Liệu người đẹp mũm mĩm Hồng Lan chưa từng điều hành, quản trị có gở đươc cuộn chỉ rối này ? Có lẽ hiệu quả, tiết kiệm nhất là cứ tập trung các loại virus, vi trùng bệnh tật lại, đọc cho chúng nghe sách của Nguyễn Phú Trọng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chống diễn biến hòa bình… nghe xong chúng không ngã lăn ra chết mới là chuyện lạ.
Căn nguyên chứng bệnh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế hiện nay nằm sau những ràng buộc, rối rắm các quy định quản lý, đấu thầu. Đó là những phe nhóm lợi ích đã và đang ăn ruổng bộ máy từ trung ương đến địa phương. Không chỉ có bà trùm Kit test, không chỉ em Nhàn trong mua sắm thiết bị vật tư y tế còn có những đường dây khác đã và đang đứng sau giật dây, thiết kế ra tình trạng này. Bác sĩ Võ Xuân Sơn cả đời lăn trải trong ngành Y đã viết trên Fb cá nhân "Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra. Khó khăn với người này là cơ hội của người khác. Thiệt hại của bên này là lợi lộc của bên khác... Đó là qui luật từ ngàn đời nay. Cho nên, làm gì mà có cái gọi là khủng hoảng, chỉ là sự trao qua đổi lại lợi ích và thiệt hại giữa các nhóm trong xã hội mà thôi.
Chỉ khi nào những đấng quyền lực có quyền giải quyết cho khó khăn của bên này mà không có lợi ích ở phía bên kia, nói rõ hơn, là không có xung đột lợi ích giữa những đấng quyền lực và bọn dân đen, thì vấn đề mới được giải quyết" (9).
Liệu người đẹp Đào Hồng Lan, bà thầy thuốc đang điều trị chứng hết thuốc của ngành y có thấy và có trị được căn bệnh này ?
Nhưng những ông bà trùm ấy cũng chưa phải là tác nhân cuối cùng. Chính thể chế chính trị độc đoán, bất minh và vô lương hiện nay đã sản sinh và tạo môi trường cho bầy sâu tham nhũng xâu xé ngành y. Từ trên trời rơi xuống ghế bộ trưởng, Đào Hồng Lan cũng chính là một bà Trùm.
Gió Bấc
2. https://tienphong.vn/thieu-thuoc-benh-nhan-cac-tinh-don-ve-cho-ray-de-do...
3. https://baove.congly.vn/benh-vien-viet-duc-bach-mai-keu-cuu-vi-thieu-vat...
4. https://tienphong.vn/benh-vien-thieu-thuoc-may-moc-dap-chieu-vi-vuong-ph...
5. https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-thieu-thuoc-benh-vien-so-sai-nguyen...
6. https://thanhnien.vn/khi-nao-benh-vien-het-thieu-thuoc-1851479560.htm
7. https://baochinhphu.vn/thu-tuong-bao-dam-thuoc-va-nhan-luc-y-te-bao-ve-t...
BBC, 04/11/2021
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề nghị kỷ luật Nguyên Bộ trưởng Y tế Việt Nam.
Ảnh năm 2018 : Bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi còn là Bộ trưởng Y tế, chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra vào ngày 4/11 theo đó Ủy ban này đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thông báo của ban này mô tả điều họ gọi là "hàng loạt sai phạm tại Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 khiến dẫn đến việc Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư.
Những vi phạm này được cho là đã "gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật "cảnh cáo" đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Cục Quản lý dược cùng nhiệm kỳ này cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy Bệnh viện Bạch Mai và "khiển trách" Đảng ủy Cục Quản lý dược.
Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội ; Nguyễn Quốc Anh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc ; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị khai trừ ra khỏi Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Cũng trong ngày 4/11 Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban Cán sự đảng, về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan tới vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.
Tin cho hay năm 2013, ông Trương Quốc Cường với tư cách Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet.
Lô thuốc "trị ung thư" này đã được xác định là giả nguồn gốc xuất xứ, không được dùng chữa bệnh cho người.
Trước đó vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma giai đoạn 1 đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử.
Ông Võ Mạnh Cường, cựu Giám đốc Công ty H&C bị phạt 20 năm tù và ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma, lĩnh án 17 năm
Cơ quan an ninh điều tra cho rằng việc để xảy ra các vụ án trên có trách nhiệm lớn của Cục Quản lý dược với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, và đã có dấu hiệu hình sự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm thứ Năm cũng quyết định kỷ luật khiển trách các ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế ; Nguyễn Thế Thịnh, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền ; Vũ Tuấn Cường, Đảng ủy viên Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý dược ; Nguyễn Trí Dũng, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến hiện là Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế ;
Được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế "chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức đảng, đảng viên khác có liên quan".
*****************
Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị đề nghị kỷ luật
RFA, 04/11/2021
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nay là Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương. Truyền thông Nhà nước trích thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 4/11/2021 sau kỳ họp thứ 8 của Ủy ban diễn ra từ ngày 2 - 4/11 ở Hà Nội.
Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 26/1/2016 - Reuters
Ủy ban kết luật Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách ; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao ; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Kết luận cũng xác định những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng giữ chức Bộ trưởng Y tế từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 11 năm 2019 trước khi được điều về làm Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương vào tháng 6 năm 2019.
Bộ Y tế dưới thời bà Tiến đã gặp phải một số vụ việc gây xôn xao dư luận mà nổi bật nhất cho đến tận bây giờ là vụ bán thuốc chữa ung thư giả của công ty VN Pharma nơi em chồng bà Tiến là ông Hoàng Quốc Dũng làm Phó tổng giám đốc.
Liên quan đến vụ án này, đã có 12 người bị kết án tù với tội danh buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Ngay trước khi có kết luận đề nghị kỷ luật bà Tiến, hôm 3/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế với tội danh : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định khởi tố được đưa ra căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự : "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế".
Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Y tế, bà Tiến cũng phải đối mặt với những chỉ trích của dư luận, thậm chí đòi bà từ chức vì vấn đề tiêm nhầm vắc-xin khiến trẻ tử vong, hay vụ bùng phát dịch sởi vào năm 2014 khiến hàng ngàn trẻ nhiễm bệnh và hơn một trăm trẻ tử vong.
********************
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố liên quan vụ buôn thuốc ung thư giả
RFA, 04/11/2021
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng – VnExpress/RFA edited
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hôm 3/11/2021 ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế với tội danh : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, công an đã thực hiện Quyết định nêu trên đối với ông Cường, tuy nhiên không rõ biện pháp ngăn chặn được đưa ra với ông này (nếu có) là gì.
Quyết định khởi tố được đưa ra căn cứ kết quả điều tra vụ án hình sự : "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược – Bộ Y tế".
Trên trang web của Bộ Y tế thì danh sách lãnh đạo của bộ này hiện nay vẫn còn hình ảnh và tên của ông Trương Quốc Cường.
Liên quan đến vụ án buôn thuốc chữa ung thử giả, hồi tháng 10/2019, Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng nhận bản án 17 năm tù, trong khi đó người môi giới cho VN Pharma mua thuốc H-Capita 500mg Võ Mạnh Cường bị tuyên 20 năm tù, các bị cáo khác bị tuyên từ 4-12 năm tù giam.
Trong phiên tòa xử vụ VN Pharma hai năm trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị tòa triệu tập nhưng liên tục vắng mặt theo giải thích của Bộ Y tế là do "không nhận được giấy mời" và "bị ốm".
Hàng loạt cán bộ của Bộ Y tế trước đó bị truy tố gồm các ông/bà Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế ; Phạm Hồng Châu, Trưởng phòng Đăng ký thuốc Cục Quản lý dược ; Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc Cục Quản lý dược.