Bộ trưởng gặp ‘bão’ dư luận vụ ‘xe công đón phu nhân sát máy bay’ (VOA, 08/01/2019)
Một cơn bão dư luận nổi lên trên mạng xã hội và báo chí Việt Nam trong suốt dịp cuối tuần, sau khi có thông tin một xe công vụ được điều đến sát máy bay để đón phu nhân của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hôm 4/1 ở Hà Nội.
Người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh
Đến cuối ngày 7/1, theo tìm hiểu của VOA, Bộ trưởng Tuấn Anh chưa trả lời chính thức về vấn đề này, dù mấy ngày nay một số đại biểu quốc hội và nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã lên tiếng chỉ trích hay cáo buộc ông Tuấn Anh về những gì mà họ gọi là "lạm quyền" hoặc "sử dụng xe công sai mục đích".
Thông tin về sự việc ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội, từ một số hành khách trên chuyến bay hôm 4/1. Theo lời họ, sau khi máy bay hạ cánh và dừng lại trên đường băng, các tiếp viên hàng không yêu cầu "tất cả hành khách, kể cả khách hạng thương gia" phải "đứng nép sang một bên, nhường đường" cho một phụ nữ rời máy bay trước tiên.
Tiếp đến, người phụ nữ được một xe công vụ đeo biển xanh và xe cảnh sát dẫn đường đến tận chân cầu thang máy bay đón và đưa đi. Sau đó các hành khách mới có thể rời máy bay, vẫn theo lời tường thuật của một số hành khách.
Các hành khách này cho rằng người phụ nữ trong sự việc kể trên là người mẫu Thủy Hương, 54 tuổi, phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều báo đài trong nước, trong đó có Tiền Phong, Người Lao Động, Đất Việt, Giáo Dục Việt Nam, VOV, VTC… đã liên lạc với cơ quan quản lý sân bay Nội Bài để làm rõ đoàn xe biển xanh là của cơ quan nào và người được đưa đón là ai.
Theo một thông tư của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, việc đưa đón tại chân máy bay chỉ áp dụng với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản và chính phủ, trong đó có các bộ trưởng, không áp dụng với người nhà của các quan chức trong trường hợp người nhà đó đi riêng rẽ.
Trả lời báo chí hôm 5/1, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay họ nhận được công văn đề ngày 3/1 của Bộ Công thương về việc đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh "tại khu vực sân đỗ máy bay" vào chiều 4/1, khi ông bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Ngoài thông tin này, Cảng vụ không đưa ra xác nhận cụ thể liệu người được đoàn xe biển xanh đón hôm 4/1 có phải là Bộ trưởng Tuấn Anh, hay đó là người nào khác.
Công văn về việc đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở ngay đường băng
Dẫn thông tin về lịch làm việc của bộ trưởng do chính Bộ Công thương công bố, các báo khẳng định rằng Bộ trưởng Tuấn Anh có mặt ở bộ để chủ trì một sự kiện nhỏ vào gần cuối buổi chiều 4/1, và như vậy, ông không thể cùng một lúc cũng thực hiện chuyến bay từ Tp. HCM ra Hà Nội để rồi được đón rước ở sân bay Nội Bài.
Xâu chuỗi những thông tin kể trên, dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trên cả mạng xã hội lẫn báo chí nhà nước vì họ cho rằng Bộ trưởng Công thương đã "lạm quyền", "sử dụng xe công sai mục đích", và họ đòi ông Trần Tuấn Anh phải giải thích.
Một bài báo đăng hôm 7/1 trên Giáo Dục Việt Nam cho hay, đại biểu quốc hội khóa 13 Nguyễn Bá Thuyền đưa quan điểm rằng dù theo quy định, bộ trưởng được đưa đón tại chân máy bay, nhưng cũng không cần thiết phải làm như vậy vì điều đó là "quá phô trương". Ông Thuyền được trích lời nói rằng : "Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy ?".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp đến đề nghị rằng Bộ trưởng Tuấn Anh cần làm rõ là xe của Bộ Công thương đã đón bộ trưởng hay vợ của bộ trưởng để "tránh nhiễu loạn thông tin hay đồn đoán".
Cũng hôm 7/1, một đại biểu quốc hội khác, ông Phạm Văn Hòa, nói trên báo điện tử Kiến Thức rằng sự việc vừa diễn ra "cần phải xử lý nghiêm vì không thể nào chấp nhận được, rất là phản cảm". Ông Hòa nhấn mạnh : "Nếu không thuộc đối tượng theo quy định được ưu tiên mà lại được xe biển xanh đưa rước tới cầu thang sân bay thì không thể chấp nhận được".
Một vấn đề khác được báo chí và dư luận đặt ra là việc các quan chức và người thân của họ tuân thủ rao sao một quy định của Đảng Cộng sản về nêu gương.
Quy định do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành hồi tháng 10/2018 có một điều nêu rõ quan chức cấp bộ trưởng, cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc "vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi".
Họ cũng phải chống việc "vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật", theo quy định.
Liên hệ quy định này với vụ việc vừa xảy ra, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền bình luận : "Bộ trưởng mà không nêu gương thì làm sao nói được ai nữa !".
Ở thời điểm vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào từ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Thuyền nêu ý kiến rằng : "Nếu đúng là dùng xe công vụ để ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ thì Bộ trưởng cần lên tiếng xin lỗi".
Trên mạng xã hội, những người có nhiều ảnh hưởng có quan điểm thậm chí còn khắt khe hơn. Các nhà báo Nguyễn Như Phong và Hoàng Hải Vân viết trên các trang cá nhân lần lượt hôm 6/1 và 7/1 rằng Bộ trưởng Tuấn Anh "nên làm đơn từ chức" và các ý kiến này nhận được hàng nghìn phản ứng "yêu, thích", cùng với hàng trăm lời bình luận bày tỏ ủng hộ.
Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân trên nền tảng Facebook với hơn 73.000 thành viên cũng có nhiều bài viết xem việc lạm dụng chức vụ, sử dụng xe công sai mục đích là hành vi tham nhũng, đồng thời kêu gọi ông Trần Tuấn Anh "nhận lỗi" và "từ chức".
VOA không thể liên lạc được với Bộ trưởng Bộ Công thương để nghe ý kiến của ông về vấn đề này.
Trả lời phỏng vấn tờ Thanh Niên đầu năm 2018, Bộ trưởng Tuấn Anh đã đề cập tới người cha là nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, khi được hỏi thân phụ mình "đóng vai trò như thế nào trong việc để ông có được những gì bây giờ".
Người đứng đầu Bộ Công thương trả lời rằng "cha tôi có nguyên tắc mà tôi học được, đó là trong suốt 2 nhiệm kỳ làm phó thủ tướng và sau đó là 2 nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông không bao giờ để cho những mối quan hệ gia đình có cơ hội tác động vào phạm vi công việc và thẩm quyền của ông".
********************
Bộ trưởng xin lỗi vụ ‘xe biển xanh đón phu nhân dưới chân máy bay’(VOA, 08/01/2019)
Bộ trưởng Công thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, hôm 8/1 lên tiếng xin lỗi dư luận thông qua một lá thư gửi tới báo giới sau bốn ngày hứng chịu "bão dư luận" về cáo buộc là một xe công vụ thuộc bộ của ông đã được điều vào sát chân máy bay để đón vợ ông ở sân bay Nội Bài.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh là con cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Trong thư được đăng trên nhiều trang tin lớn như Lao Động, VOV, Zing, v.v…, Bộ trưởng Tuấn Anh viết ông "xin được nhận lỗi trước công luận" vì để xảy ra sự việc Văn phòng Bộ Công thương dùng xe của bộ vào đón "người trong gia đình" của ông Tuấn Anh ở sân bay hôm 4/1. Nhưng vị bộ trưởng không nói cụ thể hơn "người trong gia đình" đó có phải là vợ ông, bà Thủy Hương, hay không.
Theo tìm hiểu của VOA, thông tin về sự việc ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội, do một số hành khách đăng lên, có tin nói là từ hai đại biểu quốc hội đã đi trên chuyến bay hôm 4/1.
Theo các hành khách này, sau khi máy bay hạ cánh và dừng lại trên đường băng, các tiếp viên hàng không yêu cầu "tất cả hành khách, kể cả khách hạng thương gia" phải "đứng nép sang một bên, nhường đường" cho một phụ nữ rời máy bay trước tiên. Người phụ nữ được nhận diện là người mẫu Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công thương.
Vẫn theo lời tường thuật của một số hành khách, được báo chí đăng lại sau đó, một xe công vụ đeo biển xanh và xe cảnh sát dẫn đường đến tận chân cầu thang máy bay đón bà Thủy Hương. Sau khi bà đã rời đi, các hành khách mới có thể ra khỏi máy bay.
Việt Nam có quy định về việc đưa đón tại chân máy bay, nhưng chỉ áp dụng với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản và chính phủ, trong đó có các bộ trưởng, mà không áp dụng với người nhà của các quan chức trong trường hợp người nhà đó đi riêng rẽ.
Đối chiếu với quy định đó, dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trên cả mạng xã hội lẫn báo chí nhà nước vì họ cho rằng Bộ trưởng Công thương đã "lạm quyền", "sử dụng xe công sai mục đích", và họ đòi ông Trần Tuấn Anh phải giải thích, xin lỗi.
Bức thư của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh được đăng hôm 8/1/2019
Trong thư gửi báo giới hôm 8/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh viết rằng bên cạnh xin lỗi công luận, ông và gia đình cũng xin lỗi toàn thể hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối hôm 4/1.
"Đặc biệt, tôi xin lỗi đến Nhân dân, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương", ông Tuấn Anh bày tỏ trong thư.
Ông nói đây là "bài học sâu sắc" cho cá nhân, gia đình và Bộ Công thương, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ cố gắng "để bảo đảm không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai".
Vị bộ trưởng gặp nhiều chỉ trích trong những ngày gần đây cũng giải thích qua thư rằng phải đến ngày 8/1 ông mới chính thức phản hồi về sự việc hôm 4/1 vì ông "đang phải nằm điều trị tích cực" tại Khoa Tim mạch ở một bệnh viện lớn "theo yêu cầu của Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương".
VOA quan sát thấy thư xin lỗi của Bộ trưởng Tuấn Anh nhận được một số phản ứng trái ngược nhau trên mạng xã hội.
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy cho rằng lời xin lỗi còn "chung chung" và "chưa thành khẩn". Nữ Facebooker có tên Cát Linh chuyên cổ súy cho các hoạt động vì tiến bộ xã hội viết rằng ông Tuấn Anh "buộc phải viết thư xin lỗi" chỉ sau khi tìm cách để chối bỏ không thành công. Chị đưa ra quan điểm rằng sự việc vừa qua chính xác là "tội lạm dụng chức quyền, làm thất thoát của cải nhà nước", và đặt câu hỏi "chẳng lẽ lại xin lỗi là xong ?"
Nhà báo Phạm Tuyên của báo Tiền Phong viết trên trang Facebook cá nhân rằng lời xin lỗi của Bộ trưởng Công thương tuy "dũng cảm" nhưng "quá muộn, quá chậm". Ông Tuyên cho biết là ở góc độ cá nhân, ông "không thấy mừng, cũng chả thấy có cảm xúc khi đọc thông tin về lời xin lỗi".
Một nhà báo khác với tên Dương Tiêu trên Facebook bày tỏ trên trang cá nhân rằng sự cố "xe biển xanh" hẳn là "ngoài ý muốn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh". Nhà báo cho hay ông "ghét sự lạm quyền của phu nhân" nhưng "yêu sự thẳng thắn" của bộ trưởng.
"Và tôi nghĩ rằng sự việc có lẽ nên kết thúc ở đây", Facebooker Dương Tiêu đưa ra ý kiến.
******************
Xin lỗi của Bộ trưởng Công thương có thực tâm ? (RFA, 08/01/2019)
Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh, chính thức công bố thư xin lỗi việc xe công vụ đón vợ ông tận chân cầu thang máy bay.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (phải) tiếp Bộ trưởng Lào ngày 4/1/2019. Ảnh chụp lại từ Báo Vinanet.
Dư luận nói gì về việc này ?
Việc xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tạo nên một sự chú ý rất lớn, vì đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp của Chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo lên tiếng xin lỗi công khai về một hành vi thuộc về trách nhiệm của mình.
Một cựu viên chức của nhà nước Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ, từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hoan nghênh hành động của ông Trần Tuấn Anh, ông nói với đài RFA :
"Rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công thương đã có một lời xin lỗi rất chân thành đối với một việc đã xảy ra, và Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến dư luận trên mạng xã hội. Ở đây có hai điểm. Thứ nhất đối với một quan chức nhà nước ở bậc cao như vậy mà quan tâm đến dư luận mạng xã hội thì rất cần đánh giá cao. Thứ hai là nhận thức được mạng xã hội như vậy thì lập tức có lời xin lỗi chân thành".
Mạng xã hội tại Việt Nam thường được các viên chức của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam nhìn bằng con mắt nghi ngại, với nhiều lần phát biểu chỉ trích các thông tin mà họ gọi là sai lạc trên mạng xã hội. Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một bộ luật an ninh mạng mà giới chỉ trích cho rằng để bóp nghẹt thông tin trên mạng xã hội nói riêng, internet nói chung.
Tuy nhiên theo quan sát của nhiều người, trong đó có cả các nhà báo tự do, những người bất đồng chính kiến thì nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam hiện nay rất quan tâm theo dõi những phản ứng của dư luận trên mạng xã hội.
Bức hình vợ ông Trần Tuấn Anh được xe công vụ đón tận chân cầu thang máy bay đã lan truyền rất mạnh trên mạng xã hội, kèm theo những lời chỉ trích rất nặng nề diễn ra vài ngày trước khi ông Bộ trưởng đưa ra lời xin lỗi.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài gòn thì đánh giá bức thư xin lỗi của công Trần Tuấn Anh quan trọng ở chổ nó là một sự thay đổi thái độ của các viên chức cao cấp :
"Đó là văn hóa của những người lãnh đạo làm công bộc mà tôi cho rằng cần thiết phải làm. Khi anh là bộ trưởng thì anh chỉ có thể sử dụng phương tiện cho công vụ thôi. Tôi thấy đây là một điều mới, một người làm không đúng thì xin lỗi, thì tôi thấy đây là một điều mới".
Trong thời gian những năm gần đây đã có nhiều vụ bê bối ở các bộ giáo dục (vụ điểm thi), y tế (vụ thuốc chủng ngừa), tài nguyên và môi trường (vụ Formosa), liên quan đến trách nhiệm của các bộ này, nhưng chưa thấy những vị đứng đầu các bộ này đưa ra lời xin lỗi nào.
Gần đây có lời xin lỗi của các viên chức đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh được đưa ra trong vụ Thủ Thiêm, nhưng rất muộn màng sau nhiều năm sai phạm, và sau nhiều biến động căng thẳng gần đây.
Vẫn có những sự nghi ngờ lời xin lỗi của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng, từ Hà Nội cho RFA biết ý kiến của ông :
"Mình nghĩ xin lỗi trong việc này là không đủ. Xin lỗi theo dạng văn bản, thì nó không thành thật. Làm đúng cách, trong một xã hội văn minh thì ông ấy phải tổ chức một cuộc họp báo, cho người dân được phản hồi, được hỏi, chứ không phải một bức thư là xong".
Trong bức thư xin lỗi được đăng tải công khai, ông Trần Tuấn Anh đưa ra một nguyên nhân rằng ông không nắm được sự việc khi đang nằm bệnh viện. Tuy nhiên có một số hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho rằng ông Bộ trưởng không thành thật vì ông vẫn khỏe mạnh và có mặt trong buổi tiếp kiến một người đồng nhiệm từ nước Lào, vào ngày 4/1, đúng ngày sự việc vợ ông được đón tại cầu thang máy bay diễn ra.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, từ Sài Gòn, một mặt hoan nghênh lá thư xin lỗi của ông Trần Tuấn Anh, cho rằng một lá thư bằng văn bản rất là quan trọng và lời lẽ cũng rất là trọng thị, mặt khác ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ tính chân thực của lá thư như công luận trên mạng xã hội đưa ra :
"Tuy nhiên xét về nội dung có vẻ có một số điều không phải là sự thật. Chẳng hạn như là công chúng thắc mắc trên phương tiện thông tin đại chúng thì thời gian đó ổng không nằm bệnh viện mà tiếp Bộ trưởng Lào. Cái thứ hai nếu chuyện này không xuất phát từ cá nhân ổng thì cũng xuất phát từ một viên chức thuộc cấp trong việc ký cho xe công vào sân bay. Vậy thì phải xử lý chứ. Tức là đáng hoan nghênh nhưng chưa đầy đủ".
Việc xin lỗi hay từ chức của các viên chức cao cấp Việt Nam chưa bao giờ xảy ra, dẫn đến hình thành một cách nói của người Việt Nam hiện nay rằng quan chức không có "văn hóa xin lỗi và từ chức".
Người ta cho rằng việc này nằm ở chổ trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay không có cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân, và các viên chức thường nại cớ là họ làm việc do Đảng Cộng sản phân công.
Có một số tài liệu nói đến một Bộ trưởng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là ông Trần Đăng Khoa, Bộ trưởng Bộ thủy lợi, đã từ chức vào năm 1960 khi một công trình thủy lợi bị hư hỏng. Nhưng ông Trần Đăng Khoa không phải là đảng viên đảng cộng sản, và các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam hiện nay cũng không đề cập đến chuyện này.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam hiện nay, là đảng viên Đảng Cộng sản, từng giữ chức vụ lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ, và được nói là con trai của nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương.
Kính Hòa
Sự hủ bại của vợ chồng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các thuộc cấp (RFA, 06/01/2019)
Các hoạt động mang tính chất lợi dụng chức vụ quyền hạn hay tham nhũng khác của các quan chức cộng sản và vợ con thường diễn ra khá kín đáo. Hiếm khi người dân, hay các cơ quan truyền thông có thể biết nếu như không có sự tiết lộ tình cờ hay cố ý của những người trong cuộc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao Quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - Ảnh Bộ Công thương
Trong vụ việc hai xe biển xanh của Bộ công thương vào tận cầu thang máy bay để đón vợ của Trần Tuấn Anh, ban đầu là do hai đại biểu quốc hội tiết lộ cho Báo Người Lao động, rồi sau đó hàng loạt các báo cùng đồng loạt đưa tin.
Ngày 5/1 đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc vội vàng đưa ra công văn của Văn phòng Bộ Công thương ký ngày 3/1 về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Theo công văn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ Công thương sẽ đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3-4/1/2019.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ rời Thành phố Hồ Chí Minh trở lại Hà Nội lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262 của hãng Vietnam Airlines. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng các cơ quan liên quan cho phép cán bộ của Bộ Công thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Vẫn theo đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Bộ Công thương đăng ký 2 xe vào đón Bộ trưởng, trong đó có một xe biển 80B 5645.
Thế nhưng theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, trong 2 ngày 3 và 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc tại Hà Nội và tham dự một số sự kiện quan trọng.
Cụ thể, trong ngày 3/1, vào buổi sáng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại trụ sở Bộ này.
Bộ trưởng Công Thương cũng đã có phát biểu tại đây.
Còn trong ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục làm việc tại Hà Nội. Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tại trụ sở.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực điện lực.
Buổi chiều 4/1, tại trụ sở Bộ, Trần Tuấn Anh đã dự và trực tiếp trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho Lê Triệu Dũng, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương).
Quan diễn biến sự việc kể trên chúng ta có thể thấy sự suy thoái về nhân cách, đạo đức, lối sống và sự gian dối giữa các cơ quan, giữa các quan chức với nhau như thế nào trong chế độ cộng sản.
Trần Tuấn Anh mới chỉ là Bộ trưởng công thương mà đã để cho vợ con và thuộc cấp sử dụng xe công bừa bãi, làm công văn gian dối, lừa đảo. Đây chỉ là những việc vừa bị phơi bày, còn trong bóng tối, chúng làm biết bao chuyện phá hoại đất nước mà chưa bị lộ ?
Trần Tuấn Anh buộc phải biết về những việc làm của các thuộc cấp và vợ con của y. Tôi cho rằng đây chỉ là lần đầu tiên bị phơi bày ra công luận chứ không phải lần đầu tiên mà họ sử dụng xe công và làm ra các công văn gian dối, lừa đảo.
Chuyện gì sẽ xảy cho quốc gia, dân tộc nếu sắp tới đây Trần Tuấn Anh lên Thủ tướng hay Chủ tịch nước ?
Chủ lò Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý vụ này như thế nào khi Trần Tuấn Anh đang là đương kim Bộ trưởng lại đã từng là thái tử của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương ?
Người dân Việt Nam còng lưng đóng thuế thì không thể để cho các quan chức cộng sản sử dụng bừa bãi , làm càn, sống sa hoa, hủ bại trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của Nhân dân.
Nguyễn Văn Đài (nguyenvandai's blog)
******************
Dư luận xôn xao vụ xe biển xanh ưu tiên đón vợ con Bộ trưởng ở cầu thang máy bay (RFA, 05/01/2019)
Từ chiều tối ngày 4/1, dư luận trong nước xôn xao thậm chí bất bình sau khi có tin từ báo Người Lao Động và mạng xã hôi cho biết một xe biển xanh (của chính phủ) vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà một vị lãnh đạo cấp bộ ngành, gây chậm trễ cho những người khác cùng đi máy bay.
Bên trong sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh minh họa) - VoV
Mạng xã hội Facebook chỉ rõ đó là vợ con của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Tuy nhiên, vào ngày 5/1, VOV phỏng vấn đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc và được cho biết, ngày 3/1 đơn vị này nhận được công văn của Văn phòng Bộ Công thương về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác sẽ đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3 đến ngày 4/1/2019. Cụ thể, Theo công văn mà VOV có được, ông Tuấn Anh sẽ rời thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội vào lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho phép các cơ quan liên quan cho phép cán bộ của Bộ Công thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Theo báo Giao thông, cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết Bộ Công thương cũng đã được cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không dài hạn có giá trị 1 năm.
Theo quy định của Bộ Giao thông và vận tải về chương trình an ninh hàng không, người, phương tiện thường xuyên, chuyên trách đưa đón các Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh huỷ, thành ủy trực thuộc trung ương, Chủ tịch hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc đối tượng được cấp thẻ kiểm soát an ninh dài hạn.
Tuy nhiên, theo trang tin Soha, trong hai ngày 3 và 4 tháng 1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang có các hoạt động tại Hà Nội. Trang tin này trích tin từ ngay chính cổng thông tin của Bộ Công thương cho biết trong ngày 3/1, ông Bộ trưởng dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Trong ngày 4/1, ông Bộ trưởng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Khammany Inthirah, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tại trụ sở.
Cũng theo cổng thông tin của Bộ Công thương, vào chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho ông Lê Triệu Dũng.
Sau khi có những thông tin không thống nhất về chuyện đi và về của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và xe biển xanh đón gia đình riêng của ông ở chân cầu tháng máy bay, ngày 5/1, ông Trần Hoài Phương- Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết cơ quan này đã giao cán bộ kiểm tra thông tin vụ xe biển xanh và khi có thông tin cụ thể sẽ cung cấp đến báo chí.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thời gian qua đã kêu gọi việc làm trong sạch đảng và đảng viên phải gương mẫu.
Tại Hội nghị toàn quốc về học tập, quán triệt Nghị quyết trung ương 8 ở Hà Nội vào ngày 23/11/2018, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh chính kêu gọi đảng viên cao cấp phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ, chồng, con sống xa hoa, phô trương, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, bài báo về vụ xe biển xanh đóng vợ con cán bộ ở chân cầu tháng máy bay trên trang Vietnamnet đã bị rút xuống mà không rõ lý do.
*****************
Xe biển xanh đón vợ Bộ trưởng Công Thương m tại chân cầu thang máy bay (Người Việt, 05/01/2019)
Mạng xã hội dấy lên đàm tiếu về chuyện một chiếc xe biển xanh được cử vào tận chân cầu thang dẫn lên phi cơ ở phi trường Nội Bài chỉ để đón bà Thủy Hương, vợ Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh.
Bà Thủy Hương (trái), vợ Bộ trưởng Công Thương cộng sản Việt Nam Trần Tuấn Anh trong ngày cưới con gái riêng. (Hình : Vtc.vn)
Một số tờ báo hôm 5 tháng Giêng gián tiếp xác nhận vụ này nhưng tường thuật rằng "chiếc xe đón bộ trưởng Tuấn Anh".
Sự việc xuất phát từ tiết lộ trên mạng xã hội của một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam ẩn danh có mặt trên chuyến bay : "Lúc phi cơ vừa hạ cánh, tất cả hành khách kể cả người đi hạng thương gia đều phải đứng nép sang một bên, nhường đường cho bà Thủy Hương bước xuống. Phía dưới cầu thang, ngoài chiếc xe biển xanh chờ sẵn, có cả đội công an dẫn đoàn. Không khí đón bà Hương được ghi nhận hết sức "trang nghiêm và kính cẩn".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là con trai của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương nên ông này vẫn được cộng đồng mạng gọi là "thái tử".
Báo điện tử VTC News hôm 5 tháng Giêng dẫn nguồn Cảng Vụ Hàng Không Miền Bắc giải thích sự xuất hiện của chiếc xe biển xanh tại khu vực hạn chế của phi trường Nội Bài đêm 4 tháng Giêng là do Văn phòng Bộ Công thương "gửi công văn về việc đón ông Tuấn Anh đi công tác ở Sài Gòn trở về".
Bài báo không đề cập tên bà Thủy Hương. Cùng thời điểm, một bài báo trên tờ Người Lao Động chỉ ghi chung chung là "xe biển xanh đón người nhà lãnh đạo bộ ngành ở cầu thang phi cơ tại phi trường Nội Bài đêm 4 tháng Giêng". Không rõ vì lý do gì mà báo VietNamNet phải gỡ link bài về việc này cũng trong hôm 5 tháng Giêng.
Một bài báo khác cũng trên VTC hồi tháng Chín, 2017 tiết lộ, bà Thủy Hương ở tuổi 53 sinh con cho ông Tuấn Anh, dù bà này có con gái riêng đến tuổi lấy chồng.
Hồi cuối tháng Giêng, 2018, mạng xã hội xôn xao vụ rò rỉ một lá đơn tố cáo ông Tuấn Anh của những người tự nhận là "cán bộ công tác lâu năm trong ngành công thương được ghi là gửi đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Lá đơn viết : "Với mong muốn được theo hầu cận Bộ trưởng Tuấn Anh, Trần Hữu Linh đã tìm mọi thủ đoạn dẫn dắt những cô em chân dài cho bộ trưởng và có mối liên hệ mật thiết với ‘người đẹp Thủy Hương’ (vợ ông Tuấn Anh). Sau khi ông Tuấn Anh kết hôn với bà Hương, ông Linh trở thành kẻ hầu cận chăn dắt gái cho bộ trưởng tiếp khách".
"Trần Hữu Linh khá gần gũi nên biết Bộ trưởng Tuấn Anh phong lưu đa tình nên dẫn dắt chân dài liên tục ra mắt ông. Đến thời điểm này, ông Linh vẫn hàng ngày đi theo Bộ trưởng Tuấn Anh, cung cấp tiền, gái cùng những bữa tiệc xa hoa, buổi đánh bạc hàng trăm ngàn đô la để lấy lòng bộ trưởng… Việc ông Linh hủ hóa, quan hệ bất chính lại được Ban Cán sự Đảng bộ Công thương lờ đi hoặc ‘mũ ni che tai’ trước dư luận ồn ào thì quả thật cái quy trình của bộ thật sự có vấn đề, không khác gì thời kỳ của người tiền nhiệm – ông Vũ Huy Hoàng".
Trước vụ này, Bộ trưởng Tuấn Anh cũng bị chỉ trích vì có biểu hiện "lợi ích nhóm" với người anh em cột chèo, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ trong "siêu dự án" Thép Cà Ná do doanh nghiệp này khai triển. Dù vậy, ông Tuấn Anh vẫn tại vị cho đến nay. (T.K.)
********************
Chính khách & Đại gia (RFA, 05/01/2019)
Về nhân cách và liêm sỉ của một chính trị gia (như câu chuyện phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh), đã nói ở bài trước.
Chính khách & Đại gia
Phần này, nói thêm về một phía khác : các doanh gia Việt.
Hầu hết giới doanh gia máu mặt, không gắn với anh Ba, anh Tư, chú Bảy, bác Năm nào đó hàng BCT coi như vứt. Hoặc chí ít, loại tầm tầm trung gia mới nổi cũng phải cặp kè được vài ông trung ủy (trung ương ủy viên). Tầm tỉnh thành, vào nhà Bí thư, Chủ tịch phải quen đến mức chó vẫy đuôi không sủa. Không được vậy, hốc cám mà ăn !
Vì thế, món đầu tư trước nhất của giới doanh gia là : đầu tư quan hệ.
Doanh gia Việt, khác thiên hạ ở điểm này.
Để thành "người nhà" của các cụ, không phải chỉ vác tiền đến mà xong. Ngày giỗ bố mình có khi không cần nhớ, nhưng giỗ bố các quan thì chớ có quên. Thậm chí, phải nhớ cả size giầy của sếp, nhớ sinh nhật vợ con sếp, à quên cả size đến gu màu sắc, thương hiệu từng cái xi lip xu chiêng của vợ sếp nữa.
Tôi thề là rất ít, thậm chí không còn quan hàng... thứ trưởng trở lên tự đi mua quần áo, giầy dép, đồng hồ hay cây gậy đánh golf cho mình. Tất tật, có người sắm hết, họ "đánh hơi" được ngay từ khi các sếp chưa... tằng hắng !
Cắt chặt mối quan hệ dây leo kiểu "cộng sinh" này, cũng là để chặn ngăn tình trạng tham nhũng chính sách, loại tham nhũng có thể nuốt chửng cả một hòn đảo Phú Quốc hay Vân Đồn, hoặc biến cả những con tàu Vinashin khổng lồ tan thành bọt biển.
Đừng để những chính khách, mỗi khi hạ bút hoạch định chính sách lại vướng víu tận những dây nhợ... xu chiêng xi lip của vợ mình nữa thì tan tành quốc sự.
Còn lũ doanh gia kia, sẽ là gì nếu không phải là những tập đoàn cá mập đất làm giàu trên sự cướp đoạt đất đai và xương máu đồng bào ?
Hãy nhìn lại bức ảnh Bắc Hà với Nguyễn Tấn Dũng, để hiểu vì sao đất nước này, thời Cộng sản mới này lại tòi ra một lớp những trọc phú cúi mình làm tôi tớ cho chính khách và hống hách du côn với dân tình đến vậy.
Trương Duy Nhất
*****************
Stop Trần Tuấn Anh ! (RFA, 05/01/2019)
Tôi từng nhiều phen chứng kiến, những chiếc xe 80B xịch ngay chân cầu thang máy bay đón một thằng... cò đất. Tiền hô hậu ủng đón những đứa "thái tử đảng" từ khi chúng là đứa trẻ con du học trở về, chưa thành Bộ trưởng như giờ.
Stop Trần Tuấn Anh !
Nhiều bận thấy những thằng trọc phú giàu lên nhờ đất, bưng cả mâm mỳ Quảng vào phòng chờ hầu Nguyễn Tấn Dũng bất chấp máy rà soát của hệ thống an ninh như bưng vào bếp nhà nó vậy.
Mọi nguyên tắc an ninh, áp với ai, không phải với chúng.
Những thằng cò đất, thậm chí vợ con chúng còn thế, huống chi chuyện phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ầm ĩ hai ngày qua.
Vì thế, chuyện kiên quyết dẹp bỏ biển 80B với các doanh nghiệp bình phong hoặc thân hữu, tôi cho là quyết tâm đáng cổ vũ của chính phủ.
Nhưng như thế chưa đủ. Còn một loại khác cũng nên stop ngay : Không thể để một bộ máy văn phòng tiền hô hậu ủng quanh năm rồng rắn đi hầu hạ vợ con những thằng Bộ trưởng chướng tai gai mắt thế.
Không phải không còn người biết liêm sỉ, nhưng loại mới phu nhân Bộ trưởng đã như thể ăn đái trên đầu quốc dân, không phải ít.
Tôi không cho Bộ trưởng Tuấn Anh vô can trong chuyện này. Anh phải thế nào thì vợ anh mới thế chứ.
Xin lỗi, hay bất kỳ một hình thức kiểm điểm gì đấy trong lúc này là không đủ. Phải cách chức. Vâng, tôi nghĩ một quyết định cách chức Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là nên và ngay tức thời.
Vợ đã vậy. Lại bê con ra làm lá chắn, bắt con "đổ bệnh" để biện minh thì quả là một nhân cách không gì vô liêm sỉ bằng.
Tôi kính, phục khi nghe nhiều vị dám hi sinh cái ghế của mình để bảo vệ vợ con. Và khinh miệt những chính khách vô sỉ đến mức bê cả bệnh tình và tính mạng con ra làm tấm khiên đỡ, khi lâm trận.
Đàn ông thế, hèn !
Chính khách thế, vứt !
Một chính khách thế, không chặn ngăn lúc này, lỡ nay mai thành Thủ tướng, Tổng Bí thư, hoặc Chủ tịch nước như bố Tuấn Anh trước đây đã từng (giả dụ thế), thì vợ con y sẽ thế nào ? Để họ ỉa đái trên đầu quốc dân sao ?
Nhìn ở mặt khác, đây là hậu quả của một nhiệm kỳ đám con quan, "thái tử đảng" được cài nhét chen chặt chính trường. Chúng được cài nhét, xếp đặt không phải từ qui hoạch hay tài cán gì, mà từ chính sự quyết tâm của bố mẹ chúng. Đường quan dựa lưng bố, đã biến chúng thành những đám quan con coi việc nước như việc của cha chúng nó, biến bộ máy công thành một đám lâu la làm ô sin hầu hạ vợ con chúng. Một thế hệ Cộng sản mới, có thể có học hơn cha chú chúng, nhưng đầy hư hỏng ngay từ khi bắt đầu thò chân vào chính trường.
Trương Duy Nhất
Bộ trưởng Trần Tuấn An