Vào chiều 23/4/2018, trong dư luận đã lan truyền thông tin về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đã ‘mời làm việc’ đối với hai nhân vật là Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông, và bộ trưởng Thông tin và truyền thông hiện thời là Trương Minh Tuấn về vụ ‘Mobifone mua AVG’.
Nguyễn Bắc Son (phải) bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ vụ ‘Mobifone mua AVG’. Còn Trương Minh Tuấn (trái) lại trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son. Ảnh : Zing News
Một động tác ‘trấn an tư tưởng’ để ‘các đồng chí yên tâm và tiếp tục công tác’ chăng ?
Đó là một khả năng, và khả năng này có thể phù hợp với hiện tượng gần đây ông Trương Minh Tuấn có vẻ đã ‘được cho’ xuất hiện trở lại trên cương vị Bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi ông chủ trì cuộc họp quản lý báo chí của bộ này cùng vài cuộc họp không quan trọng khác.
Vào tháng Ba năm 2018, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’, Bộ trưởng Thông tin Trương Minh Tuấn đã vừa viết thư phản bác Thanh tra chính phủ, vừa ‘đạo diễn’ để AVG trả lại tiền cho Mobifone như một cách ‘khắc phục hậu quả’, với đợt hoàn tiền đầu tiên là 2500 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có kịch bản hoàn trả tiền là thành công, trong lúc bản phản bác dài đến ba chục trang của Trương Minh Tuấn đã bị báo chí nhà nước gỡ khỏi trang chỉ sau vài giờ đồng hồ đăng tải. Một trong những bi kịch lớn nhất của chế độ cộng sản đã hình thành như thế : kẻ thường xuyên bịt miệng đã bị đảng bịt miệng lại.
Song vào thời gian sau đó, rất nhiều dư luận đã tỏ ra nghi ngờ rằng ông Trương Minh Tuấn đã ‘chạy án’.
Trong khi việc bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ sang bộ Công an vẫn nhùng nhằng như thể bị cố ý ‘câu giờ’, dư luận báo chí xôn xao về Trương Minh Tuấn cũng lắng dần.
Mãi đến ngày 23/4/2018, hồ sơ này mới chính thức được bàn giao cho cho C46 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an).
Vào lúc này, kịch bản cho số phận của Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng có thể diễn biến xấu đi.
Bởi trùng thời điểm cuộc làm việc của Ủy ban Kiểm tra trung ương với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, ủy ban này cũng đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông. Cũng vào ngày 23/4, Bộ Công an chính thức tiếp nhận bàn giao hồ sơ vụ ‘Mobifone mua AVG’ từ Thanh tra chính phủ.
Chuỗi động tác trên cho thấy tiến trình tố tụng hình sự vụ việc này sắp nóng trở lại.
Với rất nhiều dấu hiệu ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ rất nhiều khả năng sẽ được khởi tố kèm bắt bớ trên diện rộng.
Còn cuộc làm việc của Ủy ban Kiểm tra trung ương với Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn có thể là động tác ‘làm công tác tư tưởng’ trước khi chính thức công bố hình thức kỷ luật.
‘Mobifone mua AVG’ là một vụ kê khống giá mua lên tới gần 9000 tỷ đồng so với giá trị thực chỉ khoảng 1000 - 1500 tỷ đồng, được phối hợp ‘binh chủng hợp thành’ bởi hàng loạt quan chức của doanh nghiệp viễn thông Mobifone, AVG và các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng chính phủ. Sau hơn một năm trời bị cố ý ‘ngâm tôm’ kết luận thanh tra, đến tháng Ba năm 2018 kết luận thanh tra vụ việc này đã được Thanh tra chính phủ công bố, sau khi đã ‘cưỡng bức’ thay ghế Tổng thanh tra chính phủ và đẩy Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh về hưu. Kết luận thanh tra này đã được thông qua bởi Thường trực Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thủ tướng chính phủ và được xem là ‘chung quyết’.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7000 tỷ. Còn Trương Minh Tuấn cũng được cho là không thể ‘vô tư’ khi ông này trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho Nguyễn Bắc Son.
Một dẫn chứng phát lộ gần đây nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng, vụ ‘Mobifone mua AVG’ và cá nhân Trương Minh Tuấn được dư luận đặc biệt chú tâm. Nếu ông Trọng ‘cho qua’ vụ Trương Minh Tuấn, điều được ông Trọng tuyên xưng là ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ sẽ vô giá trị, còn tất cả những tụng danh dành cho ông Trọng như ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh quân’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và gần đây nhất là ‘Người đốt lò vĩ đại’ sẽ chỉ còn gió thoảng mây bay.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng chỉ mang tính công bằng để bắt đầu thuyết phục được dư luận nhân dân khi ông ta phải chấp nhận ‘diệt’ cả người của ‘phe ta’.
Cơ hội để Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ‘hạ cánh an toàn’ là không cao, bởi gần đây Nguyễn Phú Trọng còn chỉ đạo khởi tố và tống giam cả một quan chức tình báo cao cấp là Phan Hữu Tuấn - cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 26/04/2018
Nhóm dư luận viên Việt Vision ‘tự giải tán’ (Người Việt, 09/03/2018)
Nhóm dư luận viên Việt Vision, chuyên đứng sau các vụ quấy rối các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc và lên án các nhà hoạt động, vừa tuyên bố "tự giải tán".
Một buổi họp mặt của nhóm dư luận viên Việt Vision. (Hình : Facebook Nguyễn Ngọc Bảo Trâm)
Thông báo "tự giải tán" này vừa được đăng trên trang Facebook Nguyễn Ngọc Bảo Trâm ngày 7 tháng Ba với nội dung : "Để phù hợp với tình hình thực tế hoạt động trong giai đoạn hiện nay, cũng như tiếp thu ý kiến của nhiều bạn bè, khán giả thân hữu. Việt Vision xin trân trọng thông báo kể từ lúc 15g00 ngày 7 tháng Ba, 2018, nhóm Việt Vision sẽ tự giải tán không còn ban điều hành, ban biên tập nữa. Các cá nhân tham gia trong ban điều hành, ban biên tập trước đây sẽ hoạt động với tư cách cá nhân, độc lập và tự chịu trách nhiệm trước những hành động hay phát ngôn của mình và không liên quan gì đến Việt Vision".
Thông báo còn viết thêm : "Chúc các anh chị em luôn vững tin với đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, luôn trau dồi đạo đức, bản lĩnh chính trị để có những bài nói chuyện, phản biện hay đủ lý lẽ có sức thuyết phục cao chống lại các luận điệu xuyên tạc của các phần tử phản động ngày đêm chống phá lại đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta".
Các hoạt động từ năm 2014 của Việt Vision được công luận chú ý vì đây là một tổ chức dư luận viên công khai tôn chỉ của họ là "Phản biện chính luận, đập tan luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch".
Một nhân vật nổi bật của nhóm này, ông Trần Nhật Quang, được nhiều người biết hơn với biệt danh Quang "lùn" được ghi nhận là dư luận viên "lão thành" thường gây ồn ào trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Hồi tháng Mười, 2017, ông Quang gây bất bình khi cầm đầu một nhóm gọi là "Hội Cờ Đỏ" tổ chức một cuộc gặp quy tụ khoảng 700 người tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, để lên án các linh mục đang giúp các nạn nhân thảm họa cá chết kiện công ty Formosa và đòi bồi thường.
Một trong những vết nhơ liên quan đến Việt Vision vẫn được nhiều người nhắc đến là các thanh niên mặc đồng phục áo thun đỏ ghi tên nhóm có mặt tại khu vực Hồ Gươm múa hát và tranh cãi, xô đẩy với người tham gia tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma hôm 14 tháng Ba, 2015, ở Hà Nội.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, khi còn là giám đốc Công An Hà Nội, tuyên bố "đang xác minh lực lượng dư luận viên tự phát". Tuy vậy, sau đó không thấy truyền thông Việt Nam cập nhật kết quả xác minh thế nào và nhóm này vẫn hoạt động cho đến ngày "tự giải tán".
Tin nhóm Việt Vision tuyên bố tự giải tán làm dấy lên suy đoán rằng các thành viên nhóm này "đã bị thất sủng" và có thể là do cộng sản Việt Nam đã hình thành "Lực Lượng 47" thay thế hoặc không còn đủ kinh phí trả cho tất cả các nhóm dư luận viên đang hoành hoành trên mạng xã hội nhằm mục tiêu "định hướng dư luận, đưa thông tin tốt về đảng cộng sản Việt Nam".
Hồi tháng Mười Hai, 2017, tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội cộng sản Việt Nam, khoe quân đội cộng sản Việt Nam thành lập một lực lượng với hơn 10.000 người được gọi là "Lực Lượng 47", tức theo "Chỉ Thị 47" làm "hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ", theo báo Tuổi Trẻ.
Đó là lần đầu tiên và hiếm hoi, người ta thấy có một thứ "lực lượng" như thế trong tổ chức quân đội cộng sản Việt Nam được phô trương công khai. (T.K.)
********************
Đắk Lắk : 500 giáo viên 'tuyển dư' bị buộc thôi việc (BBC, 10/03/2018)
Hơn 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, ở Tây Nguyên của Việt Nam, vừa nhận thông báo bị thôi việc vì bị "tuyển thừa".
Giáo viên môn mỹ thuật Lê Thị Thu Hiền cùng các em học sinh dân tộc thiểu số ở một trường tiểu học huyện Krông Pắk. Chị cũng là một trong hơn 500 giáo viên có thể bị mất việc.
Uỷ ban Nhân dân Huyện Krông Pắk thông báo hôm 9/3, khoảng hơn 500 giáo viên hợp đồng và hiệu trưởng trên tất cả các trường từ mầm non đến cấp Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện phải nghỉ việc vì vượt quá chỉ tiêu.
Sự việc này liên quan tới việc huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 500 giáo viên đã được truyền thông trong nước phản ánh từ năm 2017.
Rất nhiều giáo viên đã tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng vào thời điểm tuyển dụng, phía lãnh đạo huyện đã cố tình tuyển dư dù biết không đủ biên chế.
Thi tuyển 83, buộc thôi việc hơn 500 người
"Đã biết đang dư giáo viên mà vẫn nhận vào là không có trách nhiệm với giáo viên", ông Nguyễn Trí Thọ, một trong những giáo viên hợp đồng nói với BBC hôm 10/3.
"Phía chúng tôi sau khi nghe lãnh đạo huyện thông báo đã sang UBND huyện gặp chủ tịch huyện nhưng được báo là chủ tịch đang đi vắng".
Theo báo Tuổi Trẻ, phó chủ tịch huyện Ngô Thị Minh Trinh nói rằng biên chế 2017 tổ chức thi tuyển dụng 83 giáo viên trên hơn 600 giáo viên hợp đồng trên toàn huyện.
Hơn 500 người "không đủ điều kiện" dự thi thì sẽ bị đuổi việc, tuy nhiên bà Trinh không nói rõ các điều kiện ở đây là gì.
Trả lời BBC, ông Thọ giải thích rằng, đợt thi tuyển này chỉ áp dụng cho một số môn ở các cấp học nhất định, ví dụ như cấp mẫu giáo chỉ thi tuyển giáo viên âm nhạc, cấp tiểu học chỉ tuyển giáo viên tiếng Anh…
Hơn 500 giáo viên không giảng dạy các môn học không thuộc chỉ tiêu thì không thể tham gia thi tuyển. Cho nên chỉ có khoảng 100 giáo viên có thể thi vào 83 vị trí này.
"Ở trong quyết định tuyển dụng cho mỗi giáo viên, có ghi rõ là quyết định này phải thi tuyển, xét tuyển không đậu mới chấm dứt, đây là chưa thi tuyển đã chấm dứt hợp đồng", ông Thọ nói.
Theo bà Trinh, các giáo viên "tuyển thừa" và các giáo viên thi trượt vòng xét tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước 30/4.
Một giáo viên bức xúc trả lời báo giới sau khi lãnh đạo huyện thông báo chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên
'Tuyển dư để ăn tiền chạy chọt'
Ông Thọ và nhiều giáo viên cho rằng UBND huyện đều nắm rõ số lượng học sinh, số lớp học những vẫn muốn tuyển dư để "ăn tiền đút lót".
Ông thừa nhận thực trạng giáo viên chạy chọt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng xảy ra ở Việt Nam.
"Thực sự giáo viên cũng như nhiều ngành nghề khác. Giờ muốn làm nhà nước thì phải chạy chọt. Những năm trước mặt bằng chung là 80-150 triệu.
"Thực sự thực trạng này rất là bất cập, nhiều người trình độ rất cao, rất tốt, ra trường bằng đỏ thì không có việc, phải về cuốc đất. Người chạy chọt được, bằng cấp thì thấp, nhưng được vào làm".
"Rất nhiều người ở đây hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ có ít đất canh tác phải nói cha mẹ bán đất đai để mà chạy chọt vào.
"Giáo viên hợp đồng lương tháng rất ít, có người làm được 7 năm lương chỉ hơn 600.000 đồng, trừ bảo hiểm thì chỉ hơn 500.000 đồng một chút".
"Năm ngoài, sau khi đài VTV đã đưa tin phản ánh việc thừa 600 giáo viên mà huyện vẫn tuyển thêm 100 giáo viên khác, rất nhiều giáo viên này đi vay 200 triệu đồng chạy vào.
"Nguyện vọng của giáo viên chúng tôi là các lãnh đạo UBND huyện tìm một phương án nào đó, một là để tất cả các giáo viên đi dạy lại, hai là đền bù hợp đồng thoả đáng.
"Giáo viên chúng tôi đã mất bao nhiêu tiền để chạy việc, đi học nâng cấp bằng để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt.
Ông Thọ cho biết ông và một số giáo viên đã liên hệ với phía đoàn luật sư Daklak để xin hỗ trợ pháp lý cho vụ việc trên.
"Chúng tôi đang thu thập các quyết định tuyển dụng, nâng lương mà UBND đã đánh về cho mỗi giáo viên. Có một số còn có giấy viết tay từ những người cò, những lãnh đạo cao cấp mà đã nhận tiền chạy chọt của giáo viên".
Các giáo viên tìm đến UBND huyện để khiếu nại, đòi giải trình hôm 9/3
"Làm như thế này chúng tôi rất bức xúc, mong muốn có một giải pháp để các giáo viên quay trở lại trường", ông Thọ nói.
Theo truyền thông trong nước, từ 2011-2015, huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hơn 500 giáo viên.
Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, hiện là phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 đã bị Uỷ ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo.
Báo Tuổi Trẻ của Việt Nam nói Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập tổ kiểm tra xác minh đơn tố cáo Chủ tịch huyện đương nhiệm Y Suôn Byă.
Còn báo Zing cũng từ Việt Nam cho hay, vợ ông Y Suôn Byă là Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện, trong khi em trai ông là Phó trưởng phòng Nội vụ huyện.
Lê Thị Thu Hiền
*****************
Bát nháo chợ đêm Đà Lạt (Người Việt, 09/03/2018)
Những nét văn hóa một thời làm nên hồn cốt của "Đà Lạt mộng mơ" đang dần mai một, thành phố thơ mộng, hiền hòa nay lộn xộn, nhếch nhác.
Du khách đông nghẹt tại chợ đêm Đà Lạt. (Hình : Người Lao Động)
Theo báo Người Lao Động, chợ đêm Đà Lạt lộn xộn, nhếch nhác, có tình trạng tiểu thương lừa đảo, "chặt chém"… làm mất đi dáng vẻ hiền hòa, mến khách của thành phố du lịch vốn nổi tiếng này.
Chợ hoạt động từ 6 giờ chiều cho đến rạng sáng hôm sau. Theo những người lớn tuổi ở đây, chợ đêm Đà Lạt đã có hơn nửa thế kỷ qua. Từ thời đô thị chưa có đèn chiếu sáng thâu đêm, những gánh hàng rong bán hột vịt lộn, xôi, sữa đậu nành… trước khu vực chợ Đà Lạt đốt đèn dầu, bếp củi bập bùng trong sương trông giống như ở "cõi âm" nên mới có tên chợ Âm Phủ. Chính sự giản đơn, dân dã đó lại có sức hút đối với du khách và chợ đêm Đà Lạt trở thành địa chỉ ẩm thực về đêm hấp dẫn.
Do nổi tiếng, nên hiện nay chợ đêm Đà Lạt có rất nhiều đơn vị giành nhau quản lý. Cụ thể, từ cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt giao công ty Hiệp Thanh Bình quản lý. Công ty này lập dự án quản lý 120 gian hàng, nhưng có 52 gian hàng không hợp tác với công ty và kiến nghị được Ủy ban nhân dân phường 1 quản lý. Riêng khu ẩm thực trước thương xá Latulip, sát cầu thang chợ, lại do Ban Quản Lý Chợ Đà Lạt thu lệ phí.
Chưa hết, một số người thuê mặt bằng của thương xá rồi lấn ra cầu thang để kinh doanh. Tại chợ đêm Đà Lạt, người bán, người mua ngồi ngay vỉa hè, lòng đường. Nhiều hàng quán cho người đứng đón, chặn du khách mời mọc gây phản cảm. Ngoài ra, rác, nước thải… từ chính những quán ăn này bốc mùi hôi thối rất khó chịu.
Chợ đêm Đà Lạt, nơi xảy ra vụ nữ Việt kiều Mỹ bị đánh ngất xỉu vì chê thức ăn nấu còn sống. (Hình : Người Lao Động)
Theo ông Đặng Mậu Nhi, phó Ban Quản Lý Chợ Đà Lạt, vấn đề cấp bách lúc này là tổ chức lại chợ Đà Lạt để quản lý tốt hơn. "Do chợ Đà Lạt có nhiều đơn vị quản lý nên khó có tiếng nói chung phối hợp để giải quyết các vụ việc. Phần Ban Quản Lý Chợ chỉ quản lý khu vực nội bộ chợ Đà Lạt, còn từ cầu thang Latulip trở ra phía ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường 1 trông coi", ông cho biết.
Đáng chú ý, mới đây, tối 6 tháng Ba, một nữ Việt kiều Mỹ bị chủ quán ăn tại chợ đêm Đà Lạt xua người đánh bất tỉnh, phải vào bệnh viện cấp cứu chỉ vì phàn nàn về đồ ăn quá kém.
Theo báo Thanh Niên, sau vụ đánh du khách vừa qua, các bên liên quan như Ban Quản Lý Chợ, chính quyền phường 1 và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt "sẽ có cuộc họp cùng các hộ kinh doanh để tuyên truyền và bắt buộc các cơ sở kinh doanh cam kết để bảo đảm an ninh trật tự ở chợ đêm".
Ngày 8 tháng Ba, công an phường 1 cho biết sau khi xem lại camera và làm việc với chủ quán cơm Bích Thủy ở chợ đêm Đà Lạt đã xác định được bà Lò Thiều Mai Trang (29 tuổi), nhân viên của quán cơm, đã túm tóc, đánh bà Do Saphia Thuy (28 tuổi), Việt kiều Mỹ, ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Công an cũng lập biên bản và buộc quán ăn Bích Thủy tạm ngưng hoạt động.
Ông Phùng Khắc Đồng, chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết lãnh đạo tỉnh đã có văn bản gửi ủy ban thành phố Đà Lạt và các cơ quan chức năng "yêu cầu điều tra, xử lý chủ quán ăn đánh du khách ngất xỉu".
Bát nháo chợ đêm Đà Lạt
"Đây là trường hợp nhỏ nhưng không bỏ qua. Trường hợp này là ‘con sâu làm rầu nồi canh.’ Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch địa phương nhưng mức độ như thế nào thì phải chờ", ông nói. (Tr.N)
***************
Ghế của Bộ trưởng thông tin cộng sản Việt Nam ‘lung lay ?’ (Người Việt, 09/03/2018)
Cộng đồng mạng đang dấy lên suy đoán rằng cái ghế của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đang "lung lay" sau khi có tin Ban bí thư Đảng cộng sản Việt Nam yêu cầu giải quyết vụ Tổng công ty Viễn Thông Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG).
Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn. (Hình : quochoi.vn)
Báo Tuổi Trẻ viết : "Ban bí thư cho rằng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm".
"Ban bí thư đề nghị các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của đảng và pháp luật với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát", bài báo cho hay.
Mobifone được ghi nhận chi khoảng 8.889 tỷ đồng (hơn 390,6 triệu USD) để sở hữu AVG. Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã âm ỉ trên mạng xã hội từ năm 2015 vì những khuất tất và những đồn đoán về vai trò của Bộ trưởng Tuấn và bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái "rượu" của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị cho là "chủ mưu" trong vụ này.
Ông Tuấn, khi còn là thứ trưởng, đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone, ký hợp đồng mua AVG. Bà Nguyễn Thanh Phượng, cựu chủ tịch ngân hàng Bản Việt, là người bị cáo buộc "đưa Lê Nam Trà lên ghế chủ tịch Mobifone và cùng Phạm Nhật Vũ (em trai của Phạm Nhật Vượng và là chủ tịch AVG) tính kế đưa AVG lên mức giá cao hơn chín lần giá trị thực".
Hồi tháng Tám, 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra chính phủ "khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG". Tuy vậy, sau gần hai năm, đến nay Ban bí thư mới đề nghị "sớm công bố kết luận thanh tra dự án này".
Đáng lưu ý, hồi tháng Mười Một, 2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói ông "mong sớm kết luận vụ Mobifone-AVG".
Sau khi tin Ban bí thư yêu cầu giải quyết vụ Mobifone-AVG được loan ra, ngoài điềm báo không lành cho Bộ trưởng Tuấn, nhiều khả năng các ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc Mobifone), Phạm Nhật Vũ sẽ vướng vòng lao lý. Riêng bà Nguyễn Thanh Phượng có bị suy suyển gì trong vụ này hay không thì vẫn là một ẩn số. Do vậy, vụ này được đánh giá là có thể lớn không kém vụ Đinh La Thăng-Trịnh Xuân Thanh và tạo nên một chấn động đáng kể trên thương trường và chính trường ở Việt Nam trong năm 2018.
Từ năm 2015, một blogger ẩn danh dưới tên Nguyễn Văn Tung đã công bố trên mạng xã hội loạt bài "Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG". Ngoài việc đưa chi tiết cáo buộc những nhân vật liên quan đến vụ Mobifone-AVG, tác giả còn đặc biệt chỉ đích danh Phó Tổng Thanh Tra Ngô Văn Khánh và Thanh tra chính phủ phải chịu trách nhiệm thanh tra những bê bối trong thương vụ này. (T.K.)