Phòng ngừa tiêu cực
Dư luận vừa qua đã rất xôn xao về việc Đà Nẵng đã nhận xe Toyota Avalon trị giá 1,3 tỷ đồng của doanh nghiệp. Tỉnh Cà Mau cũng nhận 2 xe Lexus có tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng từ Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý).
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Văn phòng Thành ủy tiến hành ngay các thủ tục chuyển trả chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi hiệu Toyota.
Lãnh đạo Đà Nẵng phân trần, phần lớn các xe được tặng từ những năm trước đó. Ngoài 4 xe doanh nghiệp tặng Thành ủy Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đang quản lý 4 ô tô khác của doanh nghiệp trao tặng. Theo giải thích của người đứng đầu UBND tỉnh Cà Mau, thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt.
Tại Thông báo 127/TB - VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu, đối với việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 64/2007 của Thủ tướng. Việc trang bị ô tô phục vụ cho công tác thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng.
Theo quyết định này, bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND thành phố, chủ tịch UBND thành phố, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỉ đồng/xe...
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (như văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND, các sở, ban, ngành và các tổ chức tương đương)... được trang bị tối đa hai ô tô/đơn vị với giá tối đa 720 triệu đồng/xe.
Sửa đổi khung pháp lý với quà biếu, tặng
Cũng tại kết luận này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát tổng số ô tô dư thừa để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ công tác được giao.
Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng ô tô do các doanh nghiệp tặng.
Trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4.
Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh việc tỉnh Cà Mau và Văn phòng Tỉnh ủy Đà Nẵng xe ô tô của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề nghị sở tài chính các địa phương kiểm tra vụ việc.
"Quyết định số 64/2007/QĐ - TTg về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng, trong đó quà có nhiều thứ, không chỉ là ô tô. Như vậy, các bộ, ngành địa phương có cơ sở pháp lý trong việc thực hiện nhận quà tặng. Các địa phương tự căn cứ vào quyết định này để tự quyết định nhận hay không và tự chịu trách nhiệm. Trong thực tế, có một số đơn vị tặng thiết bị y tế, thiết bị phục vụ học tập cho các địa phương. Nếu việc tặng quà gắn với các điều kiện không có chuyện lợi dụng thì được nhận và sử dụng theo tiêu chuẩn định mức. Nếu quà tặng vượt quá tiêu chuẩn định mức, nơi nhận phải xử lý theo hình thức bán nộp tiền vào ngân sách", ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng thừa nhận : Quyết định 64/2007 về tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã ban hành 10 năm nên cần được xem xét, điều chỉnh.
"Từ thực tế địa phương nhận 'siêu' xe xảy ra trong thời gian qua, Bộ Tài chính đang cân nhắc với một số tài sản có giá trị lớn thì phải báo cáo cho một cấp cao hơn quyết định, chứ không để địa phương toàn quyền quyết định như hiện nay", lãnh đạo Cục Quản lý công sản chia sẻ.
Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, Quyết định 64 hiện không nêu ra thế nào là quà biếu không thích hợp. Vì vậy, Nhà nước cần đưa ra khung giá quà tặng để quản lý việc này tốt hơn. Ví dụ, quà tặng có trị giá hơn 5.000 USD cần để Bộ Tài chính định giá và quản lý.
Phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền
Trong thực tế cũng có trường hợp được phép nhận quà với điều kiện làm đúng thủ tục, quy trình. Cụ thể : Khi nhận phải thông báo cho cơ quan thẩm quyền việc nhận quà, động cơ, mục đích của việc nhận quà. Cùng với đó, phải xác định giá trị quà tặng và công khai đưa vào phục vụ lợi ích chung ; đồng thời, phải báo cáo cấp trên. Ví dụ, chủ tịch tỉnh phải báo cáo lên Thủ tướng, Chính phủ quyết định. Vừa qua, việc doanh nghiệp tặng xe sang cho địa phương, dù đúng luật cũng khó "thấu tình". Dư luận cho rằng, nếu đã muốn đóng góp, muốn tặng quà cho địa phương có nhiều cách ý nghĩa hơn rất nhiều như : Xây nhà tình nghĩa, xây bệnh viện, trường học, đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo. Với việc các địa phương nhận xe ô tô từ doanh nghiệp, chúng ta không thể vội vàng kết luận điều gì vì dù sao những chiếc xe đó đều được đưa vào tài sản công và dùng vì mục đích chung của chính quyền. Do vậy, cần có giai đoạn xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, xem sau khi nhận quà chính quyền có cho doanh nghiệp dự án, ưu ái gì không hay tặng quà rồi sau này, doanh nghiệp đó sai phạm, chính quyền có dám nặng tay xử lý không...
Phạm Trọng Đạt
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)
Phải từ chối nhận quà không phù hợp
Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trường hợp nào được nhận quà tặng và trường hợp nào không được nhận, trường hợp nào nghiêm cấm nhận quà tặng. Tại Nghị định số 29/2014/NĐ - CP của Chính phủ cũng đã quy định thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước. Trong đó, căn cứ tại Điều 33 quy định về căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận tài sản phải lập phương án xử lý tài sản cùng với hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản để trình cấp có thẩm quyền. Trường hợp tài sản được chuyển giao phù hợp với đối tượng, điều kiện tiếp nhận, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật thì giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận quản lý, sử dụng. Còn trường hợp không phù hợp thì đơn vị phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải xử lý bán theo quy định. Nếu tài sản là ô tô thì phải căn cứ vào Quyết định 32/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, trong đó có quy định rõ định mức ô tô phục vụ cho các chức danh ở các bộ, ngành cũng như các chức danh ở địa phương và quy định định mức ô tô dùng chung.
Vũ Thị Mai
Thứ trưởng Bộ Tài chính
Doanh nghiệp nên đóng góp bằng hoạt động từ thiện
Với quà biếu từ doanh nghiệp, Việt Nam nên học tập các nước trên thế giới vì họ làm rất nghiêm minh. Quyết định 64 của Thủ tướng đã quy định rất rõ, vấn đề là triển khai ra sao. Trường hợp doanh nghiệp tặng chính quyền, đặc biệt là doanh nghiệp đang kinh doanh tại địa bàn thì rõ ràng có liên quan đến nhau trong hoạt động công vụ, bởi một bên nắm vai trò quyết định các thủ tục hành chính, cấp phép dự án, còn một bên thì lại đi làm những thủ tục đó... Vì vậy nếu muốn nói là đóng góp, chia sẻ khó khăn với địa phương, các doanh nghiệp có thể tham gia bằng nhiều hình thức, như đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện. Đối với Quyết định 64 cũng cần phải chỉnh sửa thêm cho phù hợp hiện nay bởi ra đời đã 10 năm rồi ; xem nội dung, quy định nào ý nghĩa thì phát huy ; cái nào cần bổ sung, thay đổi thì cần làm ngay.
Ngô Trí Long
Phó Giáo sư Tiến sĩ
Minh Phương - T.Hằng (ghi)