Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Rộn ràng chợ hoa Tết Mậu Tuất 2018 (RFA, 14/02/2018)

Đi chợ hoa ngày tết từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người mỗi độ tết đến xuân về. Cứ đến những ngày giáp tết, người ta lại đua nhau đi sắm hoa, cây cảnh về trang trí nhà cửa đón năm mới. Những ngày này, thật không khó để tìm thấy một nơi bán hoa tết trên các phố phường tại Thành phố Hồ Chí Minh.

hoa1

Những cây tắc được uốn thành hình con chó tượng trưng cho năm Mậu Tuất. RFA

Dọc các con đường lớn, những nơi bán hoa rộ lên đủ loại sắc màu bắt mắt khiến người ta dễ dàng cảm nhận không khí tết đang tràn về.

Chú Phạm Ngọc Kiệt, hàng năm đều vận chuyển mai từ làng mai Háo Đức, Bình Định vào tận Thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp cho người mua. Với đặc điểm công việc như vậy, nhiều năm qua chú Kiệt phải tập quen với việc đón giao thừa trên xe khi về nhà sau đợt bán hoa tết.

30 Tết chứ nhiêu, 30 Tết mới nghỉ. Tối 30 mới về quê ăn Tết, về quê tới nhà thì cũng thuộc mùng 1 Tết rồi.

Dẫu rằng công việc không thuận lợi cho việc sum họp vào đêm 30 tết, chú Kiệt cũng phải chấp nhận để lo kinh tế cho gia đình.

Buồn chứ sao không buồn, nhưng mà giờ cuộc sống kinh tế khó khăn phải kiếm cơm đi bươn chải rồi giờ sao.

Chú Nguyễn Văn Tiến là chủ một vườn hoa đến từ Cái Mơn, Bến Tre. Mỗi năm, hoa từ vườn nhà chú được đưa lên bán tại Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng tới cận tết. Sau khi kết thúc hội hoa xuân vào trưa 30 tháng Chạp, chú Tiến và mọi người mới bắt đầu khăn gói về quê. Cũng vì thế mà chú nhiều năm đón khoảnh khắc năm mới ngay trên đường trở về.

Trưa 30 thì mình trả mặt bằng rồi về quê. Nếu mình bán hết thì về tay không. Nếu còn thì phải đem về dưỡng rồi năm sau mình bán lại. Nhưng mà thường thì năm nào bán cũng hết chứ không còn. Năm nào cũng đón giao thừa trên xe chứ không có về tới nhà giao thừa tại vì là trưa 30 mình lên xe sửa soạn rồi về tới nhà là qua 1 giờ hết rồi. Thì giao thừa trên xe không à.

Như mọi năm, người ta dễ dàng có thể tìm mua những chậu mai, hoa cúc, hoa mào gà tại các gian hàng. Bên cạnh đó, cây cảnh, bonsai, các cây tạo hình, đặc biệt là cây cảnh tạo hình chó cho năm Mậu Tuất cũng được đem ra bày bán.

Tuy lượng hoa được bày bán nhiều, nhưng hầu hết các nhà vườn từ miền Tây đều phản ảnh về tình trạng thời tiết thất thường làm chất lượng hoa giảm đi và ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bên cạnh đó, yếu tố giá mặt bằng tăng nhưng vẫn giữ mức giá bán như mọi năm khiến lợi nhuận của người bán cũng giảm đi đôi chút.

Chú Tiến từ Bến Tre cho biết tình trạng thời tiết xấu ngay dịp cuối năm khiến hoa năm nay kém sắc hơn.

Năm nay thì thời tiết nó hơi bất lợi cái là mưa trái mùa coi như cận tết mà mưa quá mưa. Bữa giờ là mưa 3,4 đợt mưa mà cái đợt mà mới hôm rồi 20 mấy đó mưa thành ra là cây cối nó không được tốt lắm. Nó cũng không thuận như là mấy năm trước. Thì bông nó hơi yếu hơn.

Gía mặt bằng thuê bán hoa năm nay cũng nhỉnh hơn trước khiến chú cần bán nhiều hơn để bù lại.

Năm nay nó cao hơn so với năm rồi là 1 triệu 1 lô. Như hồi năm rồi là 3,5 triệu năm nay là 4,.5 triệu. Mà nó bắt mình phải gối đầu khoản vệ sinh 500 nữa. Là coi như phải đóng 5 triệu. Rồi xong ngày 30 thì nếu mình giữ vệ sinh đàng hoàng thì họ trả lại. Gía nó lên chút xíu thì cái chi phí mình hơi nặng thành ra mình phải ráng làm cho nó tốt hơn thì mình bán cái giá, trung bình cũng như mọi năm thôi chứ nó không có lên cao nhưng mình bán được số lượng nhiều, bù qua cái phần mà cái chi phí nó cao hơn hồi năm trước.

Theo Chú Kiệt tại điểm hoa mai Tết trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 cho biết, hoa mang trực tiếp từ vườn nhà tại Háo Đức, Bình Định có điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Bù lại, phần chi phí vận chuyển và thuê mặt bằng năm nay tăng lên khiến việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng đôi chút.

Chú chăm mai là được 20 năm rồi, sửa cành, bấm cành các thứ rồi đem vô quận 7 này bán. Gía thành năm nay nói chung là thuê rất là cao. Người mua chơi nói chung là quá chậm cây thì bán đầu ra rất là khó.

Nói chung là thuê mặt bằng ở đây thì không có gì thay đổi mà giá cao hơn mọi năm. Gía thuê mặt bằng, giá cao lắm.

Tuy chi phí kinh doanh có thay đổi đối với nhà vườn và người buôn bán hoa, người mua hàng lại ít bị ảnh hưởng. Lí do là vì giá bán được giữ ổn định nhằm đảm bảo việc kích cầu.

Có ảnh hưởng chứ. Gía thuê mặt bằng, giá vận chuyển rồi thuê nhân công vặt lá trong này cao quá, tính ra bán với giá thành thì thu nhập rất là thấp… Bán cây cũng không cao được. Bán cây giá rất là thấp so với mọi năm. Lợi nhuận năm nay tính ra thấp hơn mọi năm. Tăng giá bán thì người ta không mua. Ví dụ cây 2 triệu mà tăng 3 triệu ai mua. Cây 3 triệu mà tăng 4-5 triệu ai mà mua.

Trong không khí tết cận kề, anh Trung ngụ tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đến tham khảo cây cảnh tại hội hoa xuân gần nhà để tìm cây bài trí cho nhà mình.

Theo nhận xét của anh Trung, giá cả và chất lượng của các loại cây cảnh năm nay tương đối ổn định so với mọi năm.

Mới ngày đầu tiên mình đi, cho nên là giá cả thì mình thấy là giá cả cũng phù hợp như mọi năm. Có điều là nhà vườn tới chưa đủ nên là cũng chưa đánh giá được. Nhưng nhìn chung là giá cả cũng phù hợp như mọi năm.

Về chất lượng thì mình thấy năm nào cũng vậy. Cũng có cây kiểu này kiểu khác. Nói chung nhiều mẫu mã nhiều cái thay đổi nhưng mà nói chung là tiền nào của nấy thôi. Mua cây đẹp thì giá nó phải cao.

Hoa và cây cảnh vốn dĩ không chỉ bán mỗi dịp tết, nhưng tết lại là thời điểm mà hoa được tiêu thụ đại trà và tập trung nhất năm.

Riêng với người trồng mai, đây lại là dịp duy nhất cây mai được bày bán.

Chú Kiệt chia sẻ cho biết, để có mai tỏa đi khắp cả nước vào dịp cuối năm, người trồng mai phải dành trọn năm để tỉa cành, chăm bón.

Chăm sóc là 1 năm 365 ngày ngày nào cũng chăm hết. Cắt cảnh uốn sửa liên tục, tưới nước rồi phân thuốc. Nói chung ngày nào cũng làm liên tục. Nhưng chỉ tiêu thụ chỉ có dịp tết thôi. Nếu như mà cây mai mà không có tết thì đâu có tiêu thụ được đâu. Mà cây mai chỉ có ngày tết mới nở thôi chứ ngày thường cũng không có nở.

Người mua hoa thường lựa dịp năm mới để mua về cho mình những loại hoa, cây kiểng với mong muốn năm mới tươi vui, sung túc.

Vào dịp này, gia đình anh Trung cũng cùng nhau tới chợ hoa xuân lựa cây cảnh thay cho những cây cũ cho ý nghĩa tượng trưng rước tài lộc về nhà.

Thường thì mình thích mai rồi bonsai thì nó cũng mang lại cái phong thủy, nhà thì nó có thêm ngày Tết có rất là nhiều lộc, thì mình cũng mong muốn là gia đình sum họp và có thêm tài lộc năm mới. Thì hằng năm cũng thay đổi cây mới để có thêm sức sống mới cũng như là tiềm năng mới mà có thể là mình đón nhận được nhiều hơn so với năm cũ.

Anh Trung cho biết, tiêu chí lựa cây năm mới của anh phụ thuộc ở dáng cây, về thần thái sao để mang lại phong thủy, tài lộc cho gia đình.

Thường thì mỗi năm mình mua loại bonsai cho đẹp và phù hợp với thế của nhà nói chung là nó không những là bông mà mình chơi quanh năm luôn. Nó có tán có đồ đẹp chứ không chỉ là chơi bông không. Như mai thì nó không có chơi quanh năm được. Mình chỉ chơi là chơi cái tán lá với mẫu mã của nó. Bonsai thì chủ yếu là cái đó thôi.

Trước dịp tết chừng 3 tới 5 ngày, tức ngày 25 tới 28 âm lịch, người ta sẽ có xu hướng đi mua hoa nhiều hơn vì đây được coi là thời điểm đẹp nhất để lựa hoa về chưng đúng dịp tết. Các điểm bán hoa dịp này cũng vì thế mà nhộn nhịp hơn phục vụ nhu cầu đón tết của người Việt.

******************

Công nhân và Tết (RFA, 14/02/2018)

Tết Nguyên Đán đối với nhiều người lâu nay là dịp sum họp gia đình, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Giới công nhân đi làm ăn xa càng mong mỏi được về quê đón xuân.

hoa2

Công nhân công ty Ching Luh ở Long An, ảnh minh họa chụp trước đây. AP

Thực tế một số người lao động đón Xuân ra sao ? Tình cảnh của họ lâu nay thế nào ?

Kẻ vui, người buồn

Đến lúc này nhiều người đang cùng gia đình đón tết ở quê nhà hay cùng người thân du xuân đâu đó. Thế nhưng có một số người đang đi làm ăn xa, lại không có cơ hội để về quê ăn tết cùng gia đình.

Chị Nhanh, một công nhân làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoàn cảnh của bản thân :

"Cũng mong muốn về quê lắm, nhưng điều kiện mình không có thì phải chịu thôi".

Một công nhân khác làm việc tại công ty Bon Chen ở Đồng Nai cho biết lý do vì sao nhiều công nhân không thể về quê đón Tết Mậu Tuất :

"Năm nay họ muốn cắt giảm tiền thưởng tết của công nhân, nhưng do cuối năm công nhân phản đối nhiều quá nên họ không dám, họ đưa ra chính sách thưởng 1 tháng lương thay vì mọi năm là tiền thưởng tăng theo bậc. Cuối năm em thấy tiền thưởng không có bao nhiêu. Vật giá ngày càng lên mà cắt giảm tiền thưởng nữa thì họ không có tiền về quê. Một người công nhân mà muốn về quê với gia đình thì họ phải chuẩn bị từ 50 đến 70 triệu trở lên. Thành ra có nhiều người 2, 3 năm mới về một lần chứ không được về mỗi năm".

Chị cũng chia sẻ về đời sống khó khăn của đa số công nhân tại công ty Chị làm việc :

"Đa số công nhân là mượn tiền "ăn trước, trả sau". Đó là họ mượn một khoản nợ để sống rồi sau đó lãnh lương, thưởng ra, họ phải trả với tiền lãi cao".

Anh Trường, quê ở một tỉnh phía Bắc, hiện là công nhân tại công ty ở Khu Công Nghiệp Long Bình, Thành Phố Biên Hòa - Đồng Nai, cho biết về những khó khăn trong đời sống công nhân :

"Lương công nhân thì ít, chưa được bốn triệu bạc, mà mình phải trả tiền nhà, tiền giữ trẻ, tiền ăn, rồi các chi phí đều cao. Tôi làm thì chỉ đủ ăn".

Công nhân gặp khó khăn không chỉ trong dịp chuẩn bị Tết mà gần như trong năm tình hình cũng không khá gì hơn. Theo thống kê của Liên Đoàn Lao Động Việt, trong năm 2017 tại Việt Nam có 314 cuộc đình công, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đình công là do thu nhập công nhân thấp, trong khi đó lạm phát ngày càng cao, lương công nhân không đủ sống. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như : chủ sử dụng lao động không trả lương đúng thời hạn, nợ lương, tăng lượng sản xuất, nhưng không tăng lương, công nhân bị ép tăng ca quá sức nhưng tiền tăng ca thấp, công nhân không đồng ý với quy định bảo hiểm xã hội, tiền thưởng Tết, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không được bảo đảm…

Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập Liên Đoàn Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự quản lý của nhà nước cho chúng tôi biết thêm về những khó khăn mà công nhân phải đối mặt trong năm 2017 cũng như dịp cận Tết Mậu Tuất 2018 :

"Trong năm nay, nhiều công ty sa thải công nhân rất nhiều vào cuối năm, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh. Và có những công ty, giám đốc trốn luôn, chẳng hạn như công ty Sao Việt ở khu công nghiệp Bàu Xéo. Hàng ngàn công nhân bị giật tiền lương, không được đóng bảo hiểm, không có tiền thưởng nên những công nhân đó không có tiền về quê ăn tết. Đó là những điển hình".

Vai trò của công đoàn ?

Gặp nhiều khó khăn, bị giới chủ đối xử không công bằng, người công nhân mong nhận được sự giúp đỡ từ phía công đoàn nhà nước, tuy nhiên nữ công nhân ở công ty Bon Chen Đồng Nai cho biết :

"Không có giúp đỡ gì. Giống như bên công đoàn, khi công nhân gặp chuyện gì, họ không có can thiệp vô. Phép năm của công nhân một năm có 12 ngày nhưng bây giờ có nhiều xưởng họ bắt công nhân phải nghỉ phép hết 5 ngày khi không có hàng.

Hôm rồi em gặp một số các chị làm bên xưởng D cho biết bị bắt nghỉ phép 5 ngày. Họ bắt nên đành chịu vì không có hàng,họ bắt buộc phải nghỉ".

Theo Chị công nhân này, phép năm là của công nhân, không phải của công ty và công nhân có quyền tự quyết. Công ty không có quyền áp đặt như vậy. Khi công ty hết hàng thì bắt buộc công ty nghỉ và cho hưởng 70% lương cơ bản theo luật lao động, chứ không có quyền bắt công nhân nghỉ phép năm của mình. Chị cho biết thêm :

"Nếu các chị công nhân nghỉ hết phép năm và phép bịnh, đến cuối năm phép năm và phép bịnh bị lố 15 ngày thì sẽ bị trừ tiền thưởng theo qui định của công ty.

Đa số công nhân ở đó là nữ. Nhiều người có con nhỏ nên nhiều khi con họ bịnh thì họ phải nghỉ thôi. Nghỉ như vậy nên họ sẽ trừ tiền thưởng nên cuối năm họ không bao nhiêu tiền thưởng hết".

Đối với những tổ chức độc lập chuyên hỗ trợ công nhân như Phong trào Lao Động Việt, họ cũng chỉ có thể giúp giới công nhân hiểu biết về các quyền lợi để lên tiếng chứ không thể giúp về tài chính, ông Đoàn Huy Chương thừa nhận :

"Riêng Phong trào Lao Động Việt luôn sát cánh với những người công nhân mà họ bị giới chủ sa thải hoặc áp bức. Chúng tôi không có tài chính để hỗ trợ cho công nhân vì có đến hàng ngàn người. Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ về mặt pháp lý hoặc hướng dẫn họ cách để bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hướng dẫn cách viết đơn khiếu kiện đến công ty hay đòi những quyền lợi chính đáng của họ mà bị các giới chủ bóc lột".

Gần nhất đối với trường hợp gần 2 ngàn công nhân Công ty KL Texwell Vina tại Khu Công nghiệp Bùi Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. bị nợ lượng trước Tết, và ban giám đốc người Hàn Quốc bỏ về nước, cơ quan chức năng Việt Nam phải can thiệp giúp đỡ.

Chị Lan, công nhân Công ty KL Texwell Vina ở Đồng Nai tâm sự trên trang mạng xã hội của mình :

"Hôm nay cũng nghe sơ sơ là công đoàn, chủ tịch gì đó, em cũng không nghe rõ, là sẽ trả lương cho mọi người 50%, để cho mình tạm ứng về quê trước, còn mấy cái vụ tiền bảo hiểm, rồi công đoàn này nọ qua Tết sẽ tính tiếp. Kêu qua Tết mình vô làm bình thường trở lại".

Tình trạng nhiều công ty sa thải công nhân hàng loạt vào cuối năm để né thưởng Tết, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh, cũng khiến cuộc sống người công nhân lao đao. Và cái khó nữa của họ là sau Tết, trở vào thành phố, họ lại phải tìm việc mới hoặc ký lại hợp đồng với công ty cũ như lúc mới làm. Và lúc này, mọi thứ quyền lợi lại bắt đầu từ đầu. Chính vì kiểu ký hợp đồng theo năm của các công ty nên đa phần công nhân là người chịu thiệt.

Published in Việt Nam