Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu tỉnh Ninh Thuận nên tạm dừng đề xuất nhà máy thép Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư và cần đánh giá kỹ lưỡng yếu tố môi trường cùng nhiều yếu tố quan trọng khác để phát triển dự án được hiệu quả.
Hình ảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Courtesy of hoasengroup.vn
Quyết định đúng đắn
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu mặt hàng thép để có quyết định thích hợp về quy mô, tổng vốn đầu tư, công suất và thời điểm phát triển dự án. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu cần đánh giá kỹ lưỡng về công nghệ và thiết bị của dự án thép Cà Ná để đảm bảo an toàn cho môi trường, không để xảy ra sự cố như nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa trước đây. Ông Thủ tướng nhấn mạnh sau khi nghiên cứu và làm rõ các vấn đề vừa nêu thì tỉnh Ninh Thuận cần phối hợp với các cơ quan ban ngành để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét.
Thông tin về đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná được dư luận cho là nhà nước có lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của người dân vì dự án này gặp làn sóng phản đối dữ dội do biến cố thảm họa môi trường biển bởi nhà máy thép Hưng nghiệp Formosa gây ra, khiến không chỉ dân chúng ở bốn tỉnh Bắc miền Trung chịu tác hại nặng nề mà hàng triệu người dân Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS cho biết nhận định của ông đối với đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :
"Đấy là quyết định đúng đắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việc đặt vấn đề như thế của ông Phúc là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nên quyết định dẹp hẳn dự án chứ không phải xem xét lại. Bởi vì có thể với việc tạm dừng này thì đã làm dư luận yên lòng được một chút, rồi họ ngấm ngầm sửa lại một chút xong cuối cùng họ nói đến lúc thuận tiện để cho làm tiếp. Nguy cơ đấy là nguy cơ vẫn có thể xảy ra".
Không chỉ riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng việc xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná, Ninh Thuận là một "nguy cơ" mà gần như hầu hết những chuyên gia trong các lãnh vực đầu tư, kinh tế, môi trường và cả pháp lý đều có nhận định tương tự.
Bão dư luận nổi lên khi Bộ Công thương Việt Nam ra quyết định số 3516/QĐ-BCT chấp thuận bổ sung Dự án "Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận" là một dự án trọng điểm, góp phần vào hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020-2025 của Việt Nam hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Lên tiếng với RFA về tính không khả thi của dự án, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích :
"Việc quy hoạch mà vẫn bám vào quy hoạch đã đưa ra cách đây 10 năm thì đã là một điều hoàn toàn không hơp lý. Bởi vì quy hoạch đưa ra trong bối cảnh kinh tế vào lúc đó chứ còn vào lúc này khi mà thị trường thép trên cả thế giới đã có sự dư thừa công suất cực kỳ lớn, đặc biệt sự dư thừa đó đang xuất hiện khắp Việt Nam và bây giờ thép Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam như thế nào, gây điêu đứng như thế nào cho các công ty thép đã có tại Việt Nam thì điều đó ai cũng biết rõ".
Không đủ điều kiện để luyện thép
Khu vực cầu cảng nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015. AFP photo
Dự án thép Cà Ná do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư với tổng vốn được nói lên đến 10 tỷ Mỹ kim cũng khiến cho các chuyên gia trong lãnh vực đầu tư đưa ra lập luận không loại trừ khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào dự án này và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn đầu tư bằng công nghệ và trang thiết bị phục vụ cho công việc luyện thép. Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ từng lên tiếng Trung Quốc là nước hàng đầu có hệ thống xử lý môi trường tồi tệ nhất và ai đảm bảo tập đoàn Hoa Sen không làm theo cách của Trung Quốc để hạ thấp giá thành sản phẩm.
Câu hỏi về hiệu quả kinh tế và tác hại môi trường của dự án thép Cà Ná cũng được các đại biểu quốc hội nêu ra trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào sáng ngày 15 tháng 11 năm 2016. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại buổi chất vấn đã khẳng định chủ trương của chính phủ là không đánh đổi môi trường để lấy những dự án công nghiệp bằng mọi giá và hướng tới phát triển những tập đoàn công nghiệp lớn của quốc gia có điều kiện tốt để khai thác nếu như đáp ứng được những yêu cầu, đặc biệt về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, chuyên gia về môi trường ở Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự Do Chính phủ Việt Nam cần giải đáp được ba vấn đề liên quan trong dự án thép Cà Ná, nếu dự án này được triển khai :
"Thứ nhất, tôi không thấy ở vùng Ninh Thuận có quặng sắt nào hết, làm nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng. Họ sẽ dùng quặng từ đâu, hoặc họ sẽ nhập cảng quặng sắt từ nước ngoài ? Điều đó tôi không rõ. Thứ hai nữa làm thép cần nhiều điện, nhưng hiện tại ở Ninh Thuận chưa có nhà máy điện nào lớn hết, ngoại trừ nhà máy gần nhất mà tôi biết là nhà máy thủy điện Đa Nhim, nhưng không biết nguồn điện đó có đủ để cung cấp cho nhà máy thép ở Ninh Thuận hay không, vì cần luyện 24/24 giờ đồng hồ nên lúc nào cũng cần một lượng điện như nhau. Điểm thứ ba là vùng Ninh Thuận ít mưa nhất Việt Nam. Khi làm thép phải cần nước. Tôi không rõ phải dùng nước ở đâu cho việc luyện thép ? Muốn làm thép thì phải trả lời ba câu hỏi đó".
Yếu tố môi trường
Trong khía cạnh đảm bảo an toàn môi trường của dự án như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập, Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ từng tuyên bố rằng không xả thải một giọt nào ra biển và sự cố môi trường do Formosa gây ra là bài học để cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp nhận thấy đó là trách nhiệm hàng đầu. Ông Lê Phước Vũ cũng nhấn mạnh nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường thì sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho nhà nước. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho là cam kết như thế không có giá trị pháp lý. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên Luật và chính sách công, quản trị nhà nước Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright cho biết quan điểm của ông với RFA :
"Một cá nhân anh tuyên bố như thế nhưng sau này gây thiệt hại rất là lớn và lâu dài thì cá nhân ấy làm sao chịu trách nhiệm được vì không có năng lực chịu trách nhiệm. Những thiệt hại sau này lớn hơn rất nhiều khả năng anh ta chịu được thì làm sao truy được trách nhiệm ? Thành ra những tuyên bố như vậy rất ít giá trị về mặt pháp lý sau này"
Qua thảm họa môi trường tại khu vực bốn tỉnh Bắc miền Trung do Fomosa thải độc tố ra biển, Chính phủ Hà Nội vẫn còn lúng túng trong việc giải quyết hậu quả cũng như chưa công bố phương án kỹ thuật để xử lý nếu có sự cố xảy ra trong tương lai. Đây là một trong những nguyên nhân chính mà dự án thép Cà Ná không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia và dân chúng vì tai nạn tiềm tàng luôn hiện diện và những quy trình đối phó của nhà nước Việt Nam không mang tính thuyết phục.
Dư luận cho rằng thay vì đề nghị tạm dừng dự án thép Cà Ná, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần yêu cầu dừng hẳn như lời bình luận của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh rằng "Đây là dự án phải hy sinh quá nhiều mà không rõ có mang lại hiệu quả gì không ?"
Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và dự án nhà máy thép Cà Ná
Có một câu chuyện thú vị về vai trò của một anh tướng cướp.
Số là sau khi cướp được rất nhiều con tàu trên khắp các đại dương một băng cướp biển nổi tiếng tính chuyện hoàn lương vì thấy tài sản đã quá lớn có thể bảo bọc cho chúng suốt đời ăn chơi mà không cần hành nghề bất lương như xưa.
Tên tướng cướp với cái đầu thông minh và tự tin rằng nếu chia tài sản lúc này không khác gì báo cho chính quyền biết chúng là dân ăn cướp, Tên này họp cả băng lại cho biết là tài sản sẽ do y tạm quản lý một thời gian trong khi mọi người tản mát ra tránh tai mắt của chính quyền. Hắn sẽ có kế hoạch giữ khối tài sản này an toàn và sẽ không có ai dám đụng chạm tới.
Tên tướng cướp lấy uy tín của y ra thề với thuộc cấp và mọi người yên tâm, tự lấy một số nhỏ của cải rồi tản mác tứ phương chờ giờ ..chia của.
Uy tín của tên tướng cướp này không cần phải ra Ủy ban nhân dân đóng dấu xác nhận và hai năm sau khi thời cơ đã chin muồi bọn cướp quay lại đảo hoang nhận phần của mình đều không mất đi một món nào trong cái kho báu khổng lồ mà chúng cướp được.
Đó là cái uy của một tên tướng cướp.
Ở Việt Nam cũng có câu chuyện tương tự, một ông bộ trưởng cũng hứa với dân chúng rằng ông ta sẽ từ chức nếu thép Cà Ná có hệ lụy gì trong tương lai.
Tiếc một điều giữa ông và tướng cướp thân phận tuy giống nhau nhưng xét về mặt uy tín thì hoàn toàn khác hẳn.
Tướng cướp đồng cam cộng khổ với thuộc hạ, máu chảy như thuộc hạ và vinh quang thì chia đều với thuộc hạ. Còn ông Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh tuy là dòng dõi cách mạng nhưng chỉ thừa hưởng cái tiếng xấu do cha để lại nằm chình ình trong căn phòng khách, đó là cặp ngà voi không thể chứng minh do đâu mà có. Khi tài sản không chứng minh được thì cách giải thích chỉ là trộm, hoặc cướp mà có. Trộm khi không có quyền lực, thấy cặp ngà quý giá bèn móc ngoặc để có. Cướp khi đã có quyền lực thì tự động chủ nhân cặp ngà phải mang tới dâng không.
Trong trường hợp này, ông Trần Đức Lương, cha ruột ông Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh quá thừa quyền lực vì từng ngồi ghế Chủ tịch nước.
Tên cướp biển không có cơ hội được khổ chủ tự động dâng hiến tài sản, nó cùng đồng bọn phải rượt đuổi chiến đấu và đổ máu để cướp, còn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là "kế thừa" là "tinh hoa" nên đương nhiên thừa hưởng tài sản mà cha của ông ta "tự có". Vì thế ông Tuấn Anh có thể tự hào về dòng dõi của mình kể cả khi bị dè bỉu.
Thế nhưng vì không "đổ máu" trên chiến trường cướp bóc nên Bộ trưởng Tuấn Anh không được thuộc hạ tin tưởng như tên tướng cướp Caribe. Ông ta ngồi trên tài sản của nhân dân mà tưởng là của gia đình mình và có lẽ vì thế cái tâm lý làm chủ đã khiến ông ta mạnh miệng tuyên bố bảo kê cho dự án thép Cà Ná : ‘Sẽ từ chức nếu thép Cà Ná gây hệ lụy’
Một cướp biển đề nghị bảo quản cả kho Châu báu liền được đám cướp tung hê. Một Bộ trưởng đề nghị bảo kê kho thép Cà Ná liền bị báo chí xỉa sói, dè bỉu. Đó là cái khác của người cộng sản.
Ông Bộ trưởng muốn bảo kê mà không có vật thế chấp và ông vô tư tưởng rằng cái chức vụ Bộ trưởng của ông đủ to để bao trùm cả khu vực miền Trung. Ông không biết rằng đối với dân, gia tài để gây dựng uy tín của ông thua xa một vỏ sò của tên tướng cướp, vậy thì ai tin ông cho được ?
Bản thân từng là Hiệu trưởng một trường Đại học trước khi nhảy vào vai trò Bộ trưởng nhưng ông không khái niệm được đâu là uy tín được thiết lập trên lòng tin và đâu là chức sắc của Đảng giao cho không khác mấy với một con rối có điều kiện. Múa may quay cuồng thế nào ông cũng không thóa t ra khỏi sợi giây mà Đảng trói vào chân tay. Càng vẫy vùng thì người dân lại nghĩ là ông đang bảo kê cho thép Hoa Sen chứ không phải bảo lãnh để phát triển theo tinh thần của một bộ trưởng.
Cánh Cò
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/01/2017 (canhco's blog)
Các chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi của siêu dự án Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận
Bộ trưởng Công thương trong những ngày qua được chú ý nhiều sau khi cam kết ông 'sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam hôm 30/12 dẫn lời : "Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ lụy nào".
"Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa".
"Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này".
Các báo trong nước ghi nhận lời Bộ trưởng Tuấn Anh nói ông "sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná có hệ lụy".
'Không đoái hoài tới phản biện khoa học'
Hôm 2/1, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Anh Tuấn, người từng thực hiện điều tra độc lập vụ Formosa gây thảm họa cá chết năm 2016, bình luận : "Nếu đó đúng là phát ngôn của Bộ trưởng Tuấn Anh thì những lời đó rất thiếu trách nhiệm, coi thường dư luận và coi trọng chức vụ của ông".
"Tôi không hiểu tại sao ông ấy có thể phát ngôn như vậy sau hệ lụy của vụ Formosa ảnh hưởng đến sinh kế của cả triệu người dân ở miền Trung và thiệt hại kinh tế lên đến hàng triệu đôla".
"Ai cũng biết từ khi một dự án thép bắt đầu thi công đến khi gây hậu quả thường mất bảy, tám năm. Lúc ấy thì đằng nào ông ấy cũng đã về hưu rồi".
Thảm họa môi trường trong vụ Formosa xả thải đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình của ngư dân miền Trung
"Phát ngôn của ông Tuấn Anh và các quan chức khác về thép Cà Ná cho thấy phản biện và quan ngại xác đáng của các nhà khoa học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không được đoái hoài đến".
"Ngoài ra, ở đây còn có vấn đề xung đột lợi ích... [ông Tuấn Anh được cho là có quan hệ thân tình với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ] nên rất cần có quy trình giám sát, kiểm soát xung đột lợi ích trong dự án này".
"Nếu có trám được lỗ hổng pháp lý này thì người dân mới có lòng tin về phát ngôn của quan chức".
Cùng ngày, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận, nói với BBC : "Nếu Bộ trưởng Tuấn Anh tự tin về việc ngành Công thương quản lý chặt chẽ dự án thép thì phát ngôn của ông có thể xem là dũng cảm".
"Tuy vậy, tôi cũng như những người dân ở Ninh Thuận mong muốn rằng nếu chính phủ nhận thấy những người đề xuất dự án này đủ năng lực vận hành nhà máy thì cấp phép, nhưng phải đi kèm việc kiểm tra công nghệ thật gắt gao".
"Bằng không thì nhà máy thép ra đời sẽ gây thảm họa tại vùng Nam Trung Bộ và khiến người dân vùng này đau khổ bởi những thiệt hại không thể bù đắp được".
Dự án thép Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký với Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.
Dự án gây phản ứng mạnh trong dư luận do quan ngại về hệ lụy môi trường tương tự vụ Formosa gây thảm họa cá chết hồi năm ngoái.
************************
Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu ? (BBC, 07/09/2016)
Một tập đoàn ở Việt Nam lên kế hoạch tiến hành xây dựng một khu liên hợp luyện cán thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư lên tới 10 tỷ USD ở duyên hải Nam Trung Bộ của nước này, trong khi có ý kiến chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi.
Hôm 06/9/2016, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho hay tập đoàn này sẽ tiến hành một dự án công nghiệp với quy mô lớn về sản xuất thép ở Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận mà trong giai đoạn đầu "sẽ không trực tiếp luyện cốc mà sẽ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề về môi trường".
Về công nghệ, nhà lãnh đạo HGS nói khu liên hợp Cà Ná sẽ 'không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện", Dân Việt online hôm thứ Ba dẫn lời ông Lê Phước Vũ, cho hay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ đúc và luyện kim của Việt Nam đã lên tiếng và đặt dấu hỏi về một số yếu tố khả thi của dự án.
"Có nhiều vấn đề người ta quan tâm về việc thép đang dư thừa và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm nữa là về môi trường sau câu chuyện của Formosa, trong khi dự án được xây dựng ven biển và bên cạnh khu du lịch", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam được truyền thông Việt Nam dẫn lời nêu quan điểm.
"Hoa Sen có hứa sẽ sử dụng công nghệ mới, mới như thế nào, ai duyệt cái mới đó. Có đúng mới không vì Hoa Sen không thể có chuyên môn như chúng tôi được. Thậm chí, chuyên gia trong nước có đủ đánh giá tác động môi trường khi một nhà máy lớn vào đầu tư tại ven biển hay không ? Có phải thuê tư vấn nước ngoài không ? Dự án có đặc thù về môi trường nên tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét thận trọng".
Bình luận về việc dự án có thể sẽ được chính quyền địa phương mà trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hỗ trợ cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất lên tới 2.500-3.000 mét khối/ngày đêm ở một vùng được cho là thường xuyên gặp hạn hán nặng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam được dẫn lời nói thêm :
"Tôi đã hỏi trực tiếp ông Chủ tịch Hoa Sen vấn đề này rằng : "Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép" ? Ông Chủ tịch Hoa Sen nói sẽ lấy nước biển để sản xuất. Tuy nhiên, nước biển là nước muối phải lọc như thế nào, xét về "bài toán" kinh tế có hiệu quả hay không thì phải trình ra. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận hứa như vậy có khả thi không thì Nhà nước phải xem xét. Bởi vùng Ninh Thuận rất khô hạn, đào bao nhiêu giếng lên cũng khô cạn không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thì lấy đâu ra nước. Mặt khác, nước mà có muối thì không thể dùng cho công nghệ được, vẫn phải có nước ngọt để tuần hoàn nước biển thì lấy đâu ra nước ngọt.
"Hiện nay, công nghệ nước biển là dấu hỏi lớn cho nhà khoa học. Anh có thể làm được nhưng giá thành như thế nào và thực tế trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim. Cái này đúng là khoa học viễn tưởng cho một khu công nghiệp và bài toán kinh tế lọc nước biển để làm luyện kim thì rất không khả thi", ông Phạm Chí Cường được Dân Việt trích lời nói.
Lấy quặng ở đâu ?
Việc thép Việt Nam cạnh tranh với thép nhập khẩu và phân chia thị trường sản xuất thép ở quốc tế và khu vực cũng là khía cạnh được các chuyên gia đặt dấu hỏi
Hôm 07/9, cũng bình luận về tính khả thi của dự án Hoa Sen - Cà Ná nói trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam, nói với BBC :
"Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu ? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài ? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao ? Có giải quyết được không ?
"Nếu không, không có quặng làm sao sản xuất được ? Mà quặng theo tôi hiện nay có mỏ quặng ở Hà Tĩnh tương đối là lớn đối với Việt Nam, nhưng mỏ ấy khai thác được không dễ dàng, rất khó khăn.
"Cho nên có thể phải nhập khẩu và nhập của nước nào, nhập của ai và tỷ lệ nhập ra sao với giả cả nào ? Nếu không, chúng ta (Việt Nam) cứ làm phương án mà không có một nguyên liệu cụ thể nào đấy thì khó.
"Bây giờ anh nói là làm cốc, nhưng cốc chỉ là nhiên liệu thôi, nên bây giờ muốn lấy nhiên liệu thì nhiên liệu lấy ở đâu ? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn.
"Ngay cả Formosa ở Hà Tĩnh, công suất là 5 triệu tấn/năm cũng không hiểu là họ lấy quặng ở đâu hay quặng khai thác ở đâu ?
"Có thể Formosa nhập ở nước ngoài, quặng là yếu tố chủ yếu, nếu bây giờ không có quặng thì sản xuất thế nào và nhập có hợp lý hay không, rồi theo phương pháp nào ?". Giáo sư Phùng Viết Ngư đặt các câu hỏi về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná với BBC.
Hôm thứ Ba, kỹ sư Phạm Chí Cường cũng bình luận với truyền thông Việt Nam về mặt thời điểm của dự án của Tập đoàn Hoa Sen :
"Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa ? Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại thép như thép xây dựng có công suất trên 10 triệu tấn ; thép cán nguội trên 3 triệu tấn ; thép tôn tráng kẽm 4 triệu tấn ; thép ống 2 triệu tấn…tất cả khoảng 20 triệu tấn nhưng nếu Formosa vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể Nghi Sơn đang tiếp tục đầu tư khu liên hợp khoảng 7 triệu tấn nữa…
"Tôi nghĩ rằng, các Bộ chủ quản phải có quy hoạch tổng thể, quản lý giám sát chặt chẽ các dự án sản xuất thép", nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với truyền thông Việt Nam.