Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bình Thuận gia tăng an ninh cho cụm nhà máy điện than Vĩnh Tân (CaliToday, 29/06/2018)

Trong những ngày qua, cùng với hiện tượng cá nuôi trong lồng bè của bàn con ngư dân ở Vĩnh Tân chết hàng loạt, mà theo người dân là do nhà máy điện than xả thải, còn có những tác động từ những phản ứng của dân chúng trước Luật đặc khu và luật an ninh mạng. Chính vì đó, chiều ngày 28/6, ông Nguyễn Ngọc Hai-Chủ tịch tỉnh Bình Thuận muốn đưa nhà máy điện than Vĩnh Tân vào diện "bảo vệ an ninh đặc biệt".

vn1

Cá trong lồng bè của người dân chết bị nghi ngờ là do nhà máy điện than Vĩnh Tân xả thải. Ảnh : Thủy sản Việt Nam

Một cuộc họp do chính quyền tỉnh Bình Thuận tổ chức có sự tham gia của các đơn vị chủ thầu tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) do ông Nguyễn Ngọc Hai chủ trì. Tại cuộc họp đó, ông Hai nhắc nhỡ các chủ đầu tư về vấn đề môi trường, nhằm tránh tạo ra những phản ứng từ dân chúng, nhất là các bãi tro xỉ đang ngày càng phình to như núi nhưng vẫn chưa tìm ra phương án xử lý.

Trong buổi họp, các quan chức cho biết bãi tro xỉ đã không còn hiện tượng khói bụi bay mịt mù do đã được lấy nước từ hồ Đá Bạc đưa về tưới.

Điều này khác với những gì người dân sinh sống ở gần nhà máy điện than Vĩnh Tân phản ánh. Theo họ, kể từ khi bãi tro xỉ phình to, để tránh hiện tượng tro xỉ phát tán ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, lãnh đạo nhà máy đã lấy nước biển lên tưới. Điều này được minh chứng qua việc nước mặn xâm nhập, các giếng nước của người dân trước đây sử dụng bình thường thì nay không uống được nữa, vì nước bị nhiễm mặn. Chưa hết, cây cối do dân chúng trồng đều bị nhiễm mặn mà chết. Cả vùng đều bị ngập úng trong nước mặn.

Chỉ mới cách đây vài tháng, chính miệng chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đưa ra khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước giếng cho sinh hoạt hàng ngày.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, từ ngày 15/6 tại Vĩnh Tân đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Chính quyền đã tổ chức họp dân để đưa ra kết luận. Tại đó, người đại diện cho chính quyền đã quanh co, đùn đẩy, chối trách nhiệm cho nhà máy điện than Vĩnh Tân. Nhưng phía người dân khẳng định, hiện tượng cá nuôi trong lồng bè của họ chết trong thời gian qua là do phía nhà máy xả thải, làm ảnh hưởng đến môi trường khiến cá chết hàng loạt. Trước đây khi chưa có nhà máy điện than người dân vẫn nuôi bè bình thường, nhưng kể từ khi có nhà máy cứ hàng năm lại xảy ra hiện tượng cá chết.

Chính vì vậy, rất nhiều người đã kéo nhau đến trước nhà máy điện than Vĩnh Tân để áp lực, buộc họ phải bồi thường cho số cá chết. Chính quyền cáo buộc việc người dân đi đòi quyền lợi là do "bị kích động" và đã đi vận động, khuyên bà con trở về để tránh trường hợp bạo loạn đã xảy ra hồi năm 2015.

Một lãnh đạo phía nhà máy điện than Vĩnh Tân cho biết ông đã kiến nghị lên chính phủ và Bộ công an cộng sản Việt Nam phải đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào diện "bảo vệ an ninh đặc biệt". Có mặt tại đó, ông Nguyễn Ngọc Hai đồng ý với kiến nghị này.

Các động thái, việc làm của phía nhà máy và lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Thuận chỉ làm cho dư luận thêm bất bình. Trong khi người dân không có tấc sắt trong tay, quyền lợi họ bị xâm phạm. Thay vì đứng về phía người dân để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, thì đằng này, chính quyền lại đứng về phía nhà máy điện than-tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường để "bảo vệ an ninh đặc biệt".

vn2

Bãi tro xỉ ở Vĩnh Tân. Ảnh : Tuổi Trẻ

Bên cạnh đó, thay vì đưa trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào diện theo dõi kiểm soát đặc biệt về môi trường thì lại đi bảo vệ trung tâm gây ô nhiễm này. Tất cả những điều trên chỉ càng làm cho người dân ngày càng bất bình mà thôi.

Cho đến nay, các bãi tro xỉ của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đã chất cao như núi. Theo phía chính quyền ho biết, có gần 4 triệu m3 tro xỉ đang được đổ tại đây. Bình Thuận đang mùa gió, lượng tro phát tán ra môi trường là điều không thể tránh khỏi.

Một điều đáng quan ngại nữa là cho đến nay phía nhà máy vẫn không tìm ra phương cách để giảm bớt lượng tro xỉ này. Trước đây, phía nhà máy có ý định dùng tro xỉ để làm gạch không nung và bán cho nước ngoài để làm gạch. Tuy nhiên, do giá thành và các chất độc hại tồn đọng trong tro xỉ không được an toàn nên tro xỉ vẫn cứ chất đống ko tìm được nơi tiêu thụ.

Sắp tới đây là mùa mưa bão, lũ lụt với bãi tro xỉ đang phình to, chỉ cần một cơn lũ có thể sẽ cuốn phăng lượng tro xỉ tràn xuống đường, tràn qua nhà dân, làm tắc nghẽn con đường huyết mạch Bắc-Nam.

Người Quan Sát

*****************

Hải Phòng : Du khách chạy khỏi đảo Cát Bà vì hôi thối (Người Việt, 28/06/2018)

Nhiều du khách phải bỏ chạy khi nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối tràn từ dưới cống lên mặt đường ở trung tâm đảo Cát Bà.

vn3

Vịnh Cát Bà đang bị ô nhiễm bởi nước thải và các loại rác xả xuống mỗi ngày (Hình : VnExpress)

Ngày 27 tháng Sáu, nhiều du khách ở Cát Bà, Hải Phòng, nói rằng nước biển tại vịnh Cát Bà và vịnh Lan Hạ đang bị ô nhiễm, rác thải trôi nổi nhiều nơi.

Báo VnExpress tường thuật, trưa cùng ngày, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối tràn từ dưới cống lên mặt đường tại trung tâm thị trấn Cát Bà, khiến nhiều du khách đang đi dạo nơi đây phải bỏ chạy.

Tin cho hay, các giới chức địa phương đã cho công nhân bơm nước biển rửa đường, ngăn nước thải tràn ra nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên từ các miệng cống. Công nhân cũng vớt rác trên vịnh, song không hết do rác thải quá nhiều. Các loại túi nylon, chai lọ, phao xốp vỡ vụn… vẫn trôi nổi trên mặt nước.

vn4

Nước biển gần bờ ở vịnh Cát Bà đổi sang màu xanh đen do ô nhiễm (Hình : VnExpress)

Ông Phạm Hồng Sơn, công nhân Ban Quản Lý vịnh Cát Bà cho biết, mỗi ngày ông cùng đồng nghiệp phải thu gom, vớt rác 3 lần tại vịnh Cát Bà. Nhưng do nhiều người dân địa phương, khách du lịch và cả ngư dân trên các tàu cá… thiếu ý thức, thường xuyên vứt rác xuống biển nên "thu gom bao nhiêu cũng không kịp".

Về việc nước biển gần bờ đổi màu, ông Sơn cho rằng do nước thải, chất thải từ trên bờ xả xuống không qua xử lý. "Những hôm thủy triều xuống thấp và khi nước lên, kết hợp với gió Nam từ biển thổi vào, cả khu trung tâm thị trấn Cát Bà nồng nặc mùi", ông Sơn nói.

Nói với báo VnExpress, ông Nguyễn Cộng Hòa, giám đốc Ban Quản Lý các vịnh ở Cát Bà, thừa nhận nước biển ở khu vực này đang bị ô nhiễm. Biển Cát Bà đầy rác một phần do rác từ Quảng Ninh theo dòng nước chảy sang. Trung bình mỗi ngày 2 đội thu gom rác tại 2 vịnh Cát Bà và Lan Hạ thu được khoảng 10 khối rác.

Trong khi đó, giải thích việc nước thải đổ xuống biển chưa qua xử lý gây ô nhiễm, ông Đặng Đình Hỏa, giám đốc công ty quản lý công trình đô thị Cát Hải cho biết, nhà máy xử lý nước thải do công ty vận hành được thiết kế công suất đáp ứng khoảng 2,000 khách mỗi ngày. Thế nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, lượng khách ra đảo ngày càng đông, có ngày có đến cả chục ngàn khách nên nhà máy quá tải, dẫn đến việc nước thải tràn lên đường, chảy xuống biển. (Tr.N)

*******************

Nửa quả núi sạt lở, vùi lấp 24 ngôi nhà ở Lai Châu (Người Việt, 28/06/2018)

Nghe tiếng nổ lớn rồi ầm một cái, trong tích tắc, đất đá, nước lũ đã san phẳng cả một vùng khoảng 2 cây số ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, vùi lấp hàng chục căn nhà cùng nhiều ruộng, vườn của người dân nghèo.

vn5

Hiện trường vụ sạt lở (Hình : VnExpress)

Sau hơn 10 ngày mưa lớn, khoảng 4 giờ ngày 27 tháng Sáu, sườn núi phía trên bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu, đã đổ ụp xuống vùi lấp 24 căn nhà trong bản và cuốn phăng tất cả ao cá, ruộng vườn của người dân.

Nói với báo VnExpress ngày 28 tháng Sáu, ông Nguyễn Quốc Vương, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Sìn Hồ, cho biết nhận thấy nhiều vết nứt kéo dài trên sườn núi nên đêm 26 tháng Sáu, nhà chức trách địa phương đã di dời toàn bộ hộ dân với gần 300 nhân khẩu của bản Sáng Tùng đi nơi khác.

"Việc di dời được tiến hành trong đêm mưa lớn. Các hộ dân vừa đến nơi sống tạm trong nhà lều các bản khác trong xã an toàn thì núi sạt lở xuống bản", ông Vương nói.

vn6

Toàn bộ ruộng vườn, ao cá dài gần 2 cây số của người dân bị vùi lấp chỉ còn ngổn ngang những đất đá (Hình : Báo Giao Thông)

Theo ông Vương, lượng mưa đo được trong 24 giờ ở đây lên đến hơn 300 mm, kỷ lục trong 30 năm qua. "Có thể mưa nhiều làm mất độ kết dính ở núi nên dẫn đến sạt lở", ông Vương nhận định.

Trước đó, trận lũ quét cùng sạt lở đất làm 5 người ở xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ mất tích là bà Lò Thị Đấng và con trai Lò Văn Dũng (14 tuổi) ; ông Lò Văn Phim (45 tuổi) và con gái Lò Thị Tăm (10 tuổi), Lò Văn Kiếm (15 tuổi).

Sau 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, khoảng 8 giờ 50 sáng 27 tháng Sáu, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Kiếm trong hốc đá ven suối, sau đó bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng.

Theo phúc trình của "Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Thiên Tai" Việt Nam, tính đến cuối ngày 27 tháng Sáu, số người chết, mất tích, bị thương do mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng lên. Tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh, mưa lũ đã làm 22 người chết, 9 người mất tích, thiệt hại tài sản gần 500 tỷ đồng. (Tr.N)

**********************

Vụ áo phông lưỡi bò : 'Việt Nam để dành sự giận dữ' (BBC, 29/06/2018)

Có ý kiến cho rằng Việt Nam làm đúng khi chọn 'để dành' sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông.

vn7

Bản đồ Trung Quốc với Đường lưỡi bò - Ảnh minh họa

'Sự kiềm chế đáng chú ý'

Một bài viết trên Channel New Asia mới đây nhắc đến vụ 'áo phông lưỡi bò' và dường như khen cách giải quyết của Hà Nội.

Mạng xã hội ở Việt Nam từng dậy sóng vì hình ảnh 14 du khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò đang nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh hôm 13/5.

Những chiếc áo phông này được mua ở Trung Quốc, cuối cùng bị chính quyền Việt Nam tịch thu.

Tác giả Gary Sands cho rằng khi vụ việc 'áo phông' làm dấy lên vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước thì Việt Nam đã chọn một con đường lịch thiệp hơn để giải quyết sự việc.

Hà Nội chọn ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ trích công khai rằng 'đây là hành động có tổ chức, được chuẩn bị và sắp xếp với ý định xấu thay vì là hành động ngẫu nhiên, tự phát bởi cá nhân các du khách".

Nhưng giới chức địa phương dường như được Bộ Công an yêu cầu không làm gì vượt quá việc tịch thu vật vi phạm, đối với các vụ việc tương tự trong tương lai.

Một số người Việt Nam phản ứng với cách giải quyết 'nhạt nhẽo' của chính quyền, cho rằng lẽ ra phải trục xuất lập tức các khách vi phạm.

Nhưng Hà Nội có lý do để có cách giải quyết như vậy, theo phân tích của Gary Sands.

Các nỗ lực trong nước có thể giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhà triển lãm Hoàng Sa, nơi trưng bày các tài liệu cổ xưa hỗ trợ cho các tuyên bố của Việt Nam, là một ví dụ. Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hơn nữa hỗ trợ từ quốc tế cho các tuyên bố chủ quyền của mình.

Do đó Hà Nội có vẻ hài lòng để cho sự cố áo phông in hình đường lưỡi bò lắng xuống.

Hà Nội có lý khi nhìn nhận sự cố này như một vấn đề ngoại giao nhỏ, và đang chọn 'để dành' sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông, tác giả bài báo trên Channel New Asia nhận định.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng các ý kiến của học giả Trung Quốc cho rằng Việt Nam thiếu tự tin trong vụ 'áo phông'.

Một vài ý kiến khác cũng trên tờ này nói Việt Nam có thể làm tổn hại các quan hệ song phương nếu cứ tiếp tục thổi phồng hay có những biện pháp hung hăng đối với các du khách Trung Quốc.

'Nên kiểm soát chặt du lịch 0 đồng'

vn8

Khách du lịch Trung Quốc ở Nha Trang

Về mặt du lịch, Gary Sands bình luận rằng Việt Nam có thể kiểm soát chặt hơn để không xảy ra các vụ việc tương tự.

Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng số khách quốc tế tới Việt Nam.

Trong khi Việt Nam đón khoảng 1,36 triệu du khách Trung Quốc chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, tăng 42,9 % so với cùng kỳ này năm ngoái, doanh thu mà khách du lịch Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là câu hỏi, theo Channel New Asia.

Rất nhiều khách Trung Quốc vào Việt Nam theo các tua du lịch 'không đồng', được dẫn thẳng vào các nhà hàng và khách sạn Trung Quốc. Họ cũng sử đụng đồng yên, ví điện tử và các thiết bị thanh toán lưu động không phép để trốn thuế của Việt Nam.

Cán bộ xuất nhập cảnh có thể hạn chế số lượng khách du lịch Trung Quốc đi theo diện 'không đồng' và trừng phạt nghiêm khắc những người tổ chức tua bất hợp pháp cho khách Trung Quốc.

Đường lưỡi bò đã xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ năm 1947. Năm 2016, tòa trọng tài tại The Hague tuyên bố đường này là bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc phủ nhận phán quyết.

Quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung Quốc chiếm năm 1974. Năm 1988, quân đội Trung Quốc một lần nữa giao chiến với quân Việt Nam tại Đá Gạc Ma, chiếm các bãi đá và đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa.

************************

VN làm gì với du khách '0 đồng' từ Trung Quốc ? (BBC, 25/06/2018)

Một nhà tư vấn nhắc lại vụ du khách Trung Quốc mặt áo T-shirt có đường Lưỡi bò để lên vấn đề hơn thiệt về kinh tế của luồng du khách Trung Quốc tới Việt Nam.

vn9

Du khách Trung Quốc ở Nha Trang

Viết trên trang eastasiaforum.org (23/06/2018), ông Gary Sands từ Wikistrat và cũng là một giám đốc của quỹ đầu tư Highway West Capital Advisors cho rằng Việt Nam chắc muốn để vụ áo T-shirt có hình lưỡi bò xảy ra hồi tháng 5 'chìm xuồng' đi.

Vấn đề tiếp theo và có vẻ lâu dài hơn là du khách Trung Quốc đem lại lợi ích thế nào cho Việt Nam.

Xu hướng chung và hiện tượng riêng

Theo một bài trên tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản (01/05/2018) trích dẫn số liệu từ Tổ chức du lịch thế giới LHQ nói du khách Trung Quốc chi tiêu 258 tỷ USD chỉ trong năm 2017.

Cùng thời gian, có tới 130,5 triệu du khách Trung Quốc đi ra nước ngoái, tăng ba lần so với một thập niên trước.

Điều này mang lại lợi nhuận cho kinh tế nhiều nước nhưng cũng gây ra vấn đề môi trường.

Vẫn trang báo này cho hay một thống kê của hãng Nielsen nói tính trung bình, một du khách Trung Quốc chi 3 nghìn USD ở Hàn Quốc, 2 nghìn 971 USD ở Singapore và 2 nghìn 952 USD ở Nhật Bản.

Nhưng ở Việt Nam, vấn đề hiện nay là có dòng du khách Trung Quốc chi tiêu 'không đồng' (zero-dollar).

Theo ông Gary Sand, du khách Trung Quốc nay chiếm gần một phần ba số khách nước ngoài đến Việt Nam.

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 có 1,38 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2017, bài viết cho hay.

Nhưng "thu nhập từ dòng du khách Trung Quốc đóng góp vào kinh tế Việt Nam đang bị đặt câu hỏi".

"Nhiều người Trung Quốc đi các tour trả tiền trước, còn gọi là 'không đô la' vốn đưa họ tới các khách sạn, nhà hàng Trung Quốc. Du khách dùng đồng nhân dân tệ, các ứng dụng điện thoại thanh toán và các máy bán hàng không phép khi trả tiền để trốn thuế với Sở thuế ở Việt Nam", Gary Sands viết.

vn10

Trung Quốc có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất trong năm 2016

Trang Dân Trí (16/05/2018) ghi nhận ý kiến chuyên gia về hiện tượng này.

Ông Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch được báo này trích lời nói về nhóm du khách Trung Quốc chi tiêu thấp, sang Việt Nam bằng đường bộ :

"...tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nha Trang… xuất hiện hàng loạt các tour 0 đồng, các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc. Điều này đã làm méo mó hình ảnh du lịch Việt và không mang lại nguồn thu đáng kể.

Bởi lẽ, du khách đến các nơi mua sắm đã được thỏa thuận trước, số tiền sau đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào tay các đối tác người Trung Quốc".

Trang báo Nhật cũng trích lời một người dân ở Quảng Ninh, Việt Nam, than phiền về cảm giác "như ở Trung Quốc, vì số lượng đông đảo du khách, biển hiệu tiếng Trung".

Báo này nói chỉ một ngày trung bình có 10 nghìn du khách Trung Quốc tới Quảng Ninh thăm Vịnh Hạ Long và trong ba tháng đầu năm 2017, 70% số khách đi tour trên 600 thuyền có giấy phép tại đây là người Trung Quốc.

Nay, ông Gary Sands cho rằng Việt Nam cần "làm mạnh hơn, quản lý chặt hơn, và Cơ quan Biên phòng cần hạn chế số du khách Trung Quốc đi các tour 'không đô la', và diệt trừ các hãng tổ chức tour trái phép".

vn11

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2018 có 1,38 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam'

Ông cũng nói, nhân vụ áo thun có hình Lưỡi bò, rằng Việt Nam cần làm mạnh hơn để nêu cao chủ quyền ở Hoàng Sa, như qua cách để Nhà Triển lãm Hoàng Sa trình bày các tài liệu từ thời cổ đại về chủ quyền của Việt Nam gần đây.

Theo ông, Việt Nam có thể học Đài Loan trong việc đánh động dư luận quốc tế để ủng hộ mình.

Gần đây, các hãng hàng không Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc bắt họ gọi Đài Loan là Trung Quốc trên các bảng hiệu hàng không.

Published in Việt Nam