Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 30 juin 2023 15:57

Huân chương đàn áp nhân dân !

Tương tự như ba cán bộ công an chết cháy bí ẩn trong vụ Đồng Tâm, bốn công an bị bắn chết lúc nửa đêm ở Đắk Lắk cũng được khen thưởng dồn dập, công nhận liệt sĩ, tổ quốc ghi công, thăng cấp, truy tặng huân chương. Cái chết nào cũng đáng thương, đáng tiếc. Khen thưởng không chỉ để vinh danh người chết mà còn để động viên người sống. Nhưng tôn vinh quá hớp những cái chết bí hiểm, làm dân đen thắc mắc. Huống hồ chi những cái chết này ít nhiều liên quan đến việc đàn áp người dân bị cướp đất. Phải chăng có một loại huân chương đàn áp nhân dân ?

huanchuong1

Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt những người tình nghi tham gia vụ nổ súng - TTXVN via Chính Phủ

Dân đen thường nói "Hà Nội không vội được đâu". Cái đó chỉ đúng với chuyện quốc kế dân sinh như thiếu điện, thiếu thuốc, dụng cụ y tế, vacxin phòng dịch phải chờ các ngành các cấp họp hành đề nghị, chính phủ tháo gỡ cơ chế hoặc chờ trời mưa. Với chuyện quyền lợi vật chất tinh thần cho lực lượng thanh kiếm và lá chắn mọi thứ đều rốp rốp nhanh như tên lửa.

Trong vụ đại án Đồng Tâm trước đây, với chiến công giết chết đảng viên lão thành 60 tuổi đảng Lê Đình Kình về cái tội bênh vực người dân giữ đất, ba cán bộ công an té giếng chết thiêu đã được tốc hành phong liệt sĩ, gắn huy chương, tổ chức lễ tang đình đám trong vòng vài ba ngày.

Buồn cười hơn, nhà nước còn phát động phong trào học theo tấm gương của ba cán bộ công an té giếng. Học được gì từ ba cái chết này ? Nghiệp vụ, kỹ năng tác chiến quá yếu. Kỷ năng mưu sinh thoát hiểm cũng tồi. Kỹ năng phối hợp càng tệ khi chết chùm trong cái giếng nông. Lòng dũng cảm khi rình mò trên mái nhà để ám sát ông già 86 tuổi bị gãy chân ư ? Có chăng điều đáng học là lòng trung thành với cấp trên, hiên ngang bắn vào người dân vô tội.

huanchuong2

Người thân của cụ Lê Đình Kinh tìm đường đến phiên toà ở Hà Nội hôm 7/9/2020. Courtesy of FB Duyen Nguyen

Mới đây, vụ bốn cán bộ công an Đắk Lắk bị bắn chết cũng được khen thưởng nhanh với tốc độ vũ trụ. Ngay chiều 11/6, ngày xảy ra vụ việc, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 4 cán bộ, chiến sĩ công an xã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ nghĩa tình đồng đội Công an nhân dân cũng đã ký Quyết định hỗ trợ 100 triệu đồng/gia đình đối với gia đình 4 đồng chí hy sinh ; hỗ trợ 50 triệu đồng/đồng chí đối với 2 đồng chí cán bộ Công an bị thương (1).

Ngày 12/6, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định cấp bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 6 liệt sĩ hy sinh (2).

Không chịu thua kém cấp dưới, nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xét những hy sinh thầm lặng vì bình yên của nhân dân ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) của các liệt sĩ công an, đã ký quyết định truy tặng, trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc cho bốn liệt sĩ công an này (3).

Các liệt sĩ anh hùng này đã hy sinh trong tình huống nào, chống lại giặc thù nào đang xâm lấn tổ quốc ? Ít ra cũng phải như Lê Văn Tám lấy thân làm đuốc sống hay Phan Đình Giót lấy thân làm giá súng… Thành tích để khen thưởng phải rõ ràng để thuyết phục, giáo dục nhân dân. Điều quái lạ là những chi tiết quan trọng ấy hoàn toàn mờ mịt.

Báo chí nhà nước đưa lên rồi rút xuống, sau đó đồng loạt thông tin rầm rộ về sự truy bắt, lời khai nhận tội của nghi can. Tin tràn ngập mặt báo liên tục ngày này qua ngày khác nhưng càng đọc lại càng tức. Giữa cả rừng chử nghĩa đó có rất ít thông tin. Diễn tiến, nguyên nhân sự kiện vụ nổ súng làm chết 9 người ở Đắk Lắk rất khó hiểu. Đã hơn nửa tháng qua, từ điển mở Wikipedia góp nhặt thông tin lại sự kiện này chỉ ngắn ngủi bí hiểm đến tức tưởi như sau :

"Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 2023, một nhóm người không xác định danh tính có mang theo vũ trang đã tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến 9 người tử vong, trong đó có 4 công an, 1 Chủ tịch ủy ban nhân dân xã và 1 Bí thư Đảng ủy xã, 2 cán bộ công an bị thương, đồng thời đốt phá nhiều tài liệu, giấy tờ và tài sản. Tính đến ngày 23 tháng 6 năm 2023, đã có 84 người bị khởi tố vì các tội danh khác nhau, trong đó có 75 người đã bị bắt giữ vì có liên quan trực tiếp đến các vụ tấn công. Theo quan điểm của chính quyền Việt Nam, đây là một vụ tấn công khủng bố" (4).

lancan4

Một người tình nghi tham gia vụ nổ súng ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị công an bắt giữ. Ảnh Công an Nhân dân 

Điều khó hiểu là trong điều kiện bình thường chính quyền từ trung ương tới địa phương đều làm việc trong giờ hành chính. Nhất là chính quyền cấp xã, chưa hết giờ đã đi nhậu hoặc cắp cặp về nhà. Mắc mớ gì cả chủ tịch, bí thư phải ở lại trụ sở xã đến quá nửa đêm để bị bắn chết ?

Công an xã có trụ sở riêng, việc gì nửa đêm phải túm tụm ở trụ sở UBND xã để bị bắn chết, bị thương ?

Phải chăng hai xã này đã có thông tin tình báo biết được có âm mưu bạo loạn, cướp chính quyền, xâm phạm đất đai bờ cõi của tổ quốc nên đã họp hành thâu đêm để bàn chiến lược đối phó ?

E rằng không phải vậy ! Chắc hẳn nếu biết có âm mưu của thế lực thù địch chắc chắn xã phải báo lên tới huyện, tới trung ương chớ chẳng dại mà liều mình đối phó vừa nguy hiểm cho bản thân trước kẻ địch vừa đắc tội với trên.

Hung thủ gây án là ai mà có gan trời dám động đến Công an nhân dân anh hùng ? Ngay bạn vàng binh hùng tướng mạnh, từ sau năm 1988 cũng chỉ dám bắn giết ngư dân Việt. Với cảnh sát biển, bạn chỉ dám đấu vòi rồng chưa hề đấu súng.

Qua hình ảnh, họ tên các nghi can được báo chí công bố cho thấy họ là người dân tộc bản địa, người dân địa phương chứ không ai xa lạ.

Tại sao nhóm nghi can biết sự tụ họp của quan chức, công an địa phương lúc nửa đêm mà ra tay hành sự ?

Phải chăng đã có sự tranh chấp giữa chính quyền và người dân địa phương âm ỉ chồng chất nhiều ngày, sự dồn nén đến đỉnh điểm mà đôi bên đều không thể kiềm chế ? Tranh chấp ấy là gì nếu không phải là đất đai ?

Theo thông tin báo chí, hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur liên quan trực tiếp tới hai dự án xây dựng lớn trong thời gian vừa qua : Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn đường tránh phía Đông Thành phố Buôn Ma Thuột, với chiều dài hơn 39km, có tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Dự án này đi qua các thửa đất nông nghiệp do một số công ty cà phê đang quản lý. Các công ty cà phê này lại đang khoán đất cho các hộ nông dân canh tác.

Dự án Khu đô thị mới Trung Hòa, đã được quy hoạch, nằm gọn trong hai xã này. Để xây dựng khu đô thị mới, chính quyền dự kiến sẽ thu hồi đất nông nghiệp từ các công ty cà phê dọc quốc lộ 27. 

Từ khi có quy hoạch khu đô thị này, tình trạng sốt đất gia tăng, nhiều hộ dân đang canh tác trên các phần đất nông nghiệp này đã sang tay một số thửa đất cho những người đầu tư, đầu cơ. Hiện có đến 500 trường hợp được cho là lấn chiếm, mua bán, sử dụng đất, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp do các công ty cà phê quản lý, trong đó có nhiều hộ nằm gọn trong khu vực quy hoạch khu đô thị mới.

Liên quan tới hai dự án nói trên, trong thời gian gần đây, hoạt động giải phóng mặt bằng và cưỡng chế thu hồi đất diễn ra liên tục (5).

Đất đai ở Tây Nguyên hàng ngàn năm nay là của người dân tộc. Từ sau 1975, những chủ trương xây dựng nông trường, khu kinh tế mới di dân từ các tỉnh phía bắc vào Tây Nguyên thực chất là cướp đất của người dân tộc. Những chính sách mang tên đẹp đẽ "định canh định cư đồng bào dân tộc" thực chất là cướp đi đại ngàn, buôn làng lâu đời của họ rồi xà xẻo cho mỗi hộ vài sào đất khoán. Họ bị vô sản hóa phải là công nhân, nhân đất khoán (thuê) của các nông trường, công ty cao su. Giờ này lại quy hoạch đẩy họ ra khỏi phần đất cuối cùng tức đưa họ vào tuyệt địa.

Thuật ngữ "chính sách đền bù giải tỏa" của nhà nước thì qua Thủ Thiêm, Văn Giang, những khu đô thị mọc lên từ máu của người nông dân mất đất thì đủ biết nó tàn tệ đến mức nào.

Riêng ở Đắk Lắk, tham nhũng, o ép người dân còn khủng khiếp hơn. Báo chí nhà nước từng đăng những thông tin thối động như : ông Đinh Xuân Tửu (sinh năm 1946, thôn 7, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) tố cáo nhiều sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Ea Súp, liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của gia đình ông và hơn 70 hộ dân trên địa bàn xã.

Năm 2001 tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi 25ha đất thực hiện dự án là. UBND huyện Ea Súp đã tự ý thu thêm 7ha nằm xung quanh, nâng tổng diện tích thu hồi lên 32ha, phân trên 300 lô đất để bán nền.

Việc đền bù cho 75 hộ dân cũng có dấu hiệu tham nhũng. Theo quyết định đền bù, ông Tửu được bồi thường với giá rẻ mạt là 7.405 m2 x 180 đ/m2 = 1.320.00đ, nhưng thực tế chỉ nhận 5.860m2 x 150đ/m2 = 897.00đ. Số tiền chênh lệch đền bù so với quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk là 432.00đ. Số đất còn thiếu chưa đền bù 1.545m2. Gia đình ông bị thu hồi hơn 4ha nhưng lại không được bố trí tái định cư. Sự việc này kéo dài từ năm 2001 đến nay (6).

Cũng trong tháng 3 năm nay, bà Nguyễn Thị T., cho biết, gia đình nhận được thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất về việc được hỗ trợ 1.900 đồng tại dự án đường Hùng Vương, Thành phố Buôn Ma Thuột. 

Khi nhận được thông tin trên, gia đình bà rất bất ngờ bởi, số tiền quá ít, chưa đủ tiền đổ xăng để lên trung tâm nhận tiền. Bà T. cho biết thêm, cùng 1 dãy đường nhưng gia đình nhà bà lại được hỗ trợ chưa tới 2 nghìn đồng, còn những hộ khác thì được trên 10 triệu đồng. "Thà họ không hỗ trợ còn hơn, chứ hỗ trợ thì phải công bằng như nhau", bà T. chia sẻ (7).

Ông tổ của lý thuyết cộng sản đã đưa ra quy luật "có áp bức thì có đấu tranh". Mao Trạch Đông dạy còn hay hơn nửa "Người nông dân đứng dây đấu tranh chỉ mất xiềng gông chứ không mất gì khác". Những người nông dân Tây Nguyên đã bị đẩy đến mức tận cùng phải đứng dậy liều lĩnh bảo vệ đất đai, con đường sống của mình như Đoàn Văn Vương ở Cống Rộc Hải Phòng từng đấu súng với Đỗ Hữu Ca hay như Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông phải tử chiến với đại gia tư sản đỏ thân hữu với chính quyền chiếm đất.

Không có thế lực thù địch, không có khủng bố, bạo loạn nào ở đây mà chỉ có những người dân cùng đường tuyệt vọng, tìm cái sống cho gia đình bằng cái chết của bản thân.

Hơn thế nửa, sự phản kháng ở Đắk Lắk còn là tiếng súng bắn vào chính sách đồng hóa, tiêu diệt văn hóa, cộng đồng người dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Nếu thực tâm vì quốc gia, dân tộc thì đảng và nhà nước cầm quyền phải sửa sai từ căn bản là xóa bỏ chế độ công hữu đất đai, xóa bỏ đặc quyền man rợ "thu hồi đất" dù là nhân danh lợi ích quốc gia, cộng đồng. Phải trả đất, trả rừng cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên, tôn trọng quyền sống và tập tục, văn hóa bản địa.

Những danh hiệu liệt sĩ, những huân chương cho cán bộ công an ở Đồng Tâm, Đắk Lắk, không thể che lấp tội ác mà chính bà bằng chứng của nhà nước chống lại nhân dân.

Những huân chương, khen thưởng ấy không đủ để mua chuộc lòng trung thành mà chỉ nuôi dưỡng lực lượng kiêu binh phản trắc. Binh biến của lực lượng Warner ở Nga mơ1i đây là bài học điển hình.

Những huân chương đàn áp nhân dân ấy không thể tạo ra sự sợ hãi, tuân phục mà chỉ chồng chất thêm lòng oán hận.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 30/06/2023

Tham khảo :

1. https://nhandan.vn/truy-thang-cap-bac-ham-doi-voi-4-can-bo-chien-si-cong...

2. https://thanhnien.vn/cap-bang-to-quoc-ghi-cong-cho-6-liet-si-hy-sinh-tai...

3. https://tuoitre.vn/vu-tan-cong-tru-so-ubnd-hai-xa-truy-tang-huan-chuong-bao-ve-to-quoc-cho-cac-liet-si-20230621175739989.htm

4. https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_t%E1%BA%A5n_c%C3%B4ng_2_tr%E1%B...

5. https://www.datviet.com/boi-canh-vu-xa-sung-vao-don-cong-an-o-dak-lak/

6. https://baovemoitruong.org.vn/dan-khieu-nai-to-cao-chinh-quyen-huyen-ea-sup-dak-lak-dinh-nhieu-sai-pham-ve-dat-dai/

7. https://danviet.vn/nguoi-duoc-den-bu-1900-dong-tai-du-an-duong-o-dak-lak...

Published in Diễn đàn

Công an, an ninh Việt Nam : Lực lượng "hành" dân ? (RFA, 18/05/2018)

Qua vụ việc hai ‘hiệp sĩ đường phố’ ở Thành Phố Hồ Chí Minh bị đâm chết trong khi tham gia một vụ vây bắt nhóm trộm xe máy, dự luận dấy lên thắc mắc rằng công an ở đâu mà không thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân chúng ? Trong cùng thời điểm, cũng có những thông tin tố cáo lực lượng công an, an ninh ngày càng gia tăng sách nhiễu người dân bằng nhiều hình thức.

congan1

Sinh viên Trần Hoàng Phúc, thành viên Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (AYLF-ASEAN Young Leaders Forum)

Sách nhiễu, hành hung

Hội Sinh viên Nhân quyền vừa công bố một clip ghi lại hình ảnh của sinh viên Trần Hoàng Phúc, vào sáng sớm ngày 8 tháng 5 năm 2016 bị an ninh mặc đồ dân sự cản đường và giật điện thoại, khi anh Phúc vừa rời khỏi nhà để tham gia làm giáo khảo xét duyệt tài trợ một số dự án của tổ chức phi lợi nhuận tư nhân tài trợ các dự án xã hội, văn hóa, môi trường, y tế và giáo dục.

congan2

Sinh viên Trần Hoàng Phúc bị an ninh cản đường và giật điện thoại ngày 08/05/16. Courtesy : Ảnh chụp màn hình clip của hoisinhviennhanquyen.org

Trần Hoàng Phúc hiện là tù nhân lương tâm, bị tuyên án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, hồi cuối tháng Giêng năm 2018.

Trao đổi với RFA liên quan clip vừa được công bố trên mạng xã hội, cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc cho biết con trai của bà bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung thường xuyên cho đến khi bị bắt. Cô Huỳnh Thị Út gọi lần Phúc và người bạn tên Phát bị nhóm an ninh bắt cóc ở bến xe Ba Đồn, Quảng Bình vào ngày 12 tháng 3 năm 2017 là việc làm của lực lượng hành pháp vô nhân tính. Mẹ của Trần Hoàng Phúc kể lại hai bạn trẻ sinh viên bị trùm đầu bằng áo khoác, bị trói tay và bị hành hung dã man vào đầu, vào cột sống và hạ bộ và bị lột sạch quần áo. Trần Hoàng Phúc sau đó nói với mẹ về sự nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và người bạn, sau khi nhóm an ninh bỏ lại hai người tại con đường mòn trên núi giữa rừng Trường Sơn. Cô Huỳnh Thị Út thuật lại lời của con trai :

"Hai đứa tự tháo cho nhau, rồi mở khăn trùm đầu ra. Chỗ Phúc nằm chỉ cách bờ vực khoảng 1, 2 mét thôi. Nếu lúc họ cố tình đánh mạnh thêm chút nữa, đánh đau thêm chút nữa và lâu thêm một chút nữa thì con chịu không nỗi và con sẽ lăn, thế nào con sẽ bị lọt xuống vực thẳm luôn. Vực thẳm này mà con rót xuống thì sẽ không thấy xác đâu hết".

Việc an ninh bắt cóc, hành hung Trần Hoàng Phúc và người bạn tại Quảng Bình được cho biết nhằm để tra hỏi mật mã điện thoại, ipad và laptop của Phúc.

Đài RFA ghi nhận không chỉ riêng tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc bị công an, an ninh sách nhiễu, hành hung mà hầu hết những người dân thể hiện tiếng nói đối lập với Chính phủ Việt Nam một cách ôn hòa hay các nhà hoạt động vì môi trường, xã hội và dân chủ đều lọt vào "tầm ngắm" của lực lượng công an, an ninh. Lực lượng này bị tố cáo thực hiện các hành vi sách nhiễu, hành hung, khủng bố và thậm chí triệt tiêu sinh kế của những người dân như thế.

Một trường hợp tố cáo mới nhất của gia đình tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong ngày 17 tháng 5 vừa qua, một nhóm an ninh đông đảo bao vây ngôi nhà trong nhiều giờ liền. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho RFA biết kể từ sau khi con gái bị bắt và bị tuyên án 10 năm tù giam, bà và hai đứa cháu nhỏ, con của Blogger Mẹ Nấm phải sống trong hoàn cảnh bị khủng bố tinh thần liên tục. Bà Tuyết Lan nhớ lại một lần mà bà cho là kinh khủng nhất :

"Trong chuyến tới Việt Nam của ông John MacCain thì lần đó thiệt là kinh khủng. Họ huy động hơn 100 người ; bao gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát chống khủng bố, an ninh, dân phòng…Họ làm hàng xóm náo động. Đây không phải lần đầu tiên. Nhiều lần rồi. Cứ mỗi lần có sự kiện nào liên quan có người nước ngoài tới, thì tôi là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần".

Gia tăng "hành" dân

Qua thông tin mạng xã hội, hình ảnh của lực lượng công an, an ninh mà dân chúng ghi lại và đăng tải cho thấy lực lượng hành pháp này được Nhà nước sử dụng như một công cụ để trấn áp người dân, mà nhiều người gọi đó là "thể chế công an trị" tại Việt Nam. Không những vậy, lực lượng hành pháp này còn lạm dụng quyền lực trong việc dùng côn đồ để phục vụ cho họ. Luật sư Lê Công Định khẳng định với RFA rằng việc làm này đang xảy ra và ngày càng gia tăng.

Linh mục Phan Văn Lợi còn lưu ý những tổ chức quần chúng tự phát, được sự hỗ trợ của công an, an ninh như Hội Cờ Đỏ góp phần không nhỏ trong việc tấn công nhắm vào những sinh hoạt tôn giáo của người dân. Linh mục Phan Văn Lợi nhấn mạnh các lực lượng hành pháp tăng cường kiểm soát dân chúng qua chính sách mới :

"Bây giờ tại Việt Nam, tất cả các công ty điện thoại Viettel, Mobile, Vina bắt người dân mua sim phải đăng ký tên tuổi và phải chụp hình. Đó là một cách thức để hù dọa, trấn áp người dân và kiểm soát ngay từ cái điện thoại di động. Đây là một phương tiện để hành động trên người dân".

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới lên tiếng phản đối hành động ngày càng lạm dụng của Chính phủ Hà Nội dùng lực lượng công an, an ninh để trấn áp người dân Việt Nam, gọi đó là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng ; đồng thời kêu gọi phải cải thiện tình trạng này. Những người dân trong nước mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ sự hy vọng lực lượng công an, an ninh cần nhanh chóng phục hồi chức năng và nhiệm vụ của họ là bảo vệ người dân và bảo vệ quốc gia, như chia sẻ của thân mẫu Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lặp đi lặp lại mỗi lần họ xuất hiện xung quanh căn nhà của bà ở Nha Trang, Khánh Hòa rằng :

"Đừng có bóp cổ những người dân lành chúng tôi bằng những chuyện vô lý. Người dân đóng thuế qua xăng, qua gạo, qua nước…để họ làm những chuyện vô lý như vậy. Trong khi đất nước đang lâm nguy, hãy đi ra làm những việc bảo vệ đất nước".

Cô giáo Huỳnh Thị Út thì cho rằng việc làm vô cớ hành hung, đánh đập, trấn áp người dân của công an và an ninh cần được pháp luật xử lý, vì có như vậy Chính quyền mới tỏ rõ cho dân chúng thấy được sự thượng tôn pháp luật ở Việt Nam. Không ít người dân nói rằng nếu như chính sách "công an trị" được duy trì mà không sớm thay đổi, thì viễn ảnh sẽ giống như nhận định của Linh mục Phan Văn Lợi :

"Người dân bị dồn vào bước đường cùng, chắc chắn họ sẽ phản ứng. Trường hợp này như chúng ta đã thấy từng xảy ra ở xã hội Cộng Sản các nước Đông Âu trước đây vậy".

Hòa Ái

********************

Dân sống lạc hậu suốt 30 năm, xã vẫn đạt ‘nông thôn mới’ (Người Việt, 18/05/2018)

Sau ba năm "về đích nông thôn mới", nhưng hàng chục nhà dân ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A của xã Trường Long, huyện Phong Điền, vẫn đang phải sống cảnh "ba không" là không điện, không đường đi, không nước sạch, như hồi 30 năm trước.

congan3

Bà Nguyễn Thị Chi lau chùi những chiếc đèn dầu thắp sáng hằng đêm. (Hình : Cần Thơ)

Hôm 17 tháng Năm, để vào được ở hai ấp Trường Ninh và Trường Ninh A dài gần 3 cây số ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nơi gần 30 nhà dân đang sống cảnh "ba không", phóng viên báo Lao Động phải đi bộ men theo con đường đất dọc rạch Rau Mui và rồi phải đành thuê người dân dùng ghe chở vào, do đi được nửa đường thì không thể tiếp tục vì lối đi quá hẹp, cây cối um tùm chắn ngang. Trong nhiều năm qua, tuyến rạch này không có đường đi, người dân chỉ đi tạm trên phần đất vườn của các nhà dân.

Ông Trung Ký Đạt (trú ấp Trường Ninh) cho biết : "Năm 1996, gia đình tôi được cha mẹ cho phần đất cất nhà sinh sống. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống như ở cồn hay cù lao, đi lại bằng ghe, xuồng, vì không có đường đi".

Ông Võ Thành Sang (70 tuổi) buồn bã nói về tình hình đời sống : "Khổ lắm ! Tôi ở đây từ năm 1979 mà đang phải sống cảnh ‘ba không.’ Dùng đèn dầu mãi rồi, hai năm trước, tui phải sắm cái bình ắc quy này để thắp sáng. Có khi hết điện chưa đi sạc kịp lại phải đưa đèn dầu ra mà dùng".

Nói về nước tiêu dùng, ông Sang cho hay hằng ngày, gia đình phải hứng nước mưa tích trữ. Hết nước mưa thì phải múc nước kênh đục ngầu lên lắng lọc để dùng.

congan4

Ông Võ Thành Sang bên chiếc bình ắc quy vừa sắm để cải tiến thay vì đã dùng đèn dầu 30 năm nay. (Hình : Lao Động)

Liền bên cạnh là nhà bà Nguyễn Thị Chín (64 tuổi) cũng sống trong tình cảnh tương tự. Bà Chín cho biết, gia đình bà đã sống ở đây từ năm 1994. Đất nhà đã có "sổ đỏ" (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) từ lâu.

Nói với báo Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Chi (48 tuổi) cho biết : "Gia đình tôi đã sinh sống 30 năm ở tuyến rạch Rau Mui. Là người dân của huyện nông thôn mới, của thành phố trực thuộc trung ương, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng đèn dầu để thắp sáng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhưng chưa cơ quan nào giải quyết".

Quá khổ, cuối năm ngoái, bà phải "cải tiến" mua cái bình ắc quy về thắp sáng cho con học bài. Còn việc xem ti vi, nghe đài là xa vời, thành ra cứ mù tịt thông tin.

Bà cũng cho hay : "Do không có tiền khoan cây nước, gia đình tôi canh những khi nước lớn để xách nước từ rạch lên lóng phèn sử dụng, kể cả nấu ăn và uống hằng ngày. Mặc dù biết nguồn nước dưới rạch Rau Mui không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác thay thế".

Ở đây, cũng có một số gia đình khá giả đầu tư kéo "điện câu đuôi" về sử dụng. Ông Đặng Văn Bảy nói : "Năm 2017, tôi mua dây điện để kéo điện ‘câu đuôi’ từ rạch Trà Ếch về đến rạch Rau Mui để tiêu dùng. Tuy nhiên, do đường điện quá xa nên điện năng hao hụt nhiều, vào giờ cao điểm là nguồn điện ‘chập chờn’ làm nhiều thiết bị điện bị hư hỏng".

Nhiều nhà dân khác ở ấp Trường Ninh này, và ở bên kia rạch Rau Mui là ấp Trường Ninh A cũng chung tình cảnh tương tự. Họ cho biết, đã nhiều cuộc họp, "tiếp xúc cử tri", đều có ý kiến. Sau đó, chính quyền cũng đã từng khảo sát và hứa chậm nhất đến cuối năm 2017 là có điện. Thế nhưng chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Nói về chuyện "ba không", ông Lê Văn Ảnh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Trường Long, thừa nhận, đúng là xã đã "về đích nông thôn mới" từ năm 2016. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn hàng chục nhà dân của ấp Trường Ninh và Trường Ninh A đang phải sống cảnh "ba không". Rất nhiều cuộc họp, người dân đều có ý kiến, kiến nghị lên chính quyền, lãnh đạo các cấp.

Ông Ảnh cho biết, lãnh đạo huyện đã hứa chậm nhất là tháng Mười Hai, 2017, sẽ có điện cho dân. Song, đến nay vẫn chưa thực hiện được do đang phải chờ nguồn vốn từ trung ương và chủ đầu tư là Sở Công Thương Cần Thơ.

"Điện là cái cần thiết nhất, phải ưu tiên trước. Sau khi có điện rồi sẽ tính tiếp đến nước, đến đường đi. Khi có điện rồi, trước hết, dân có thể dùng tạm giếng khoan, sau đó tính đến nước sạch và đường đi", ông nói.

Trả lời về việc tại sao dân đang sống cảnh "ba không" mà vẫn được chấm "về đích nông thôn mới" từ ba năm trước, ông Ảnh nói : "Cái đó thì vẫn bảo đảm. Bởi trên đã biết chuyện này từ lâu rồi, không ảnh hưởng gì lắm đến chỉ tiêu về đích".

Còn ông Hoàng Chí Thanh, chánh văn phòng ủy ban huyện Phong Điền, cho biết : "Do ở xã Trường Long chỉ còn ít nhà dân chưa có điện nên ngành điện lực họ đang tính toán đến hiệu quả kinh tế khi đầu tư, kéo đường điện. Còn về vấn đề xã hội thì huyện đang bàn, đang tính kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn nên cũng chưa thể trong ‘một sớm, một chiều’ mà làm được. Huyện sẽ cố gắng để triển khai được trong năm 2018 này".

Ông Thanh cũng cho hay, huyện Phong Điền đã đạt "nông thôn mới" từ năm 2015. Với câu hỏi, tại sao nhiều nhà dân xã Trường Long sống cảnh "ba không" mà xã và huyện vẫn đạt "nông thôn mới" được thì ông Thanh từ chối trả lời… (Tr.N)

Published in Việt Nam