Ông Nguyễn Phú Trọng trong top tìm kiếm ở Việt Nam (VOA, 15/04/2019)
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nằm trong số các thông tin được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam hôm 14/4, giữa lúc mạng xã hội tràn ngập các tin tức chưa được kiểm chứng về tình hình sức khỏe của ông.
Ông Nguyễn Phú Trọng đứng phát biểu bên cạnh Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo trang Google, tên của nhà lãnh đạo 75 tuổi nằm trong 10 tìm kiếm nhiều nhất trong ngày, cùng với những người khác như ông Phạm Nhật Vũ, em trai tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, bị bắt hôm 13/4 vì bị cáo buộc "đưa hối lộ" trong vụ MobiFone mua Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn tin từ Thông tấn xã cho biết rằng trong hai ngày 13 và 14/4, ông Trọng "đã thăm, làm việc tại tỉnh Kiên Giang, về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng".
Một bức ảnh được VGP News đăng tải cho thấy ông Trọng đứng phát biểu bên cạnh Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, ông Trọng đã "nhắc nhở, không chỉ riêng với Kiên Giang mà với cả nước, là tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì sắp tới yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, trăn trở".
VnExpress và nhiều tờ báo của Việt Nam đăng lại tin của Thông tấn xã Việt Nam về chuyến thăm của ông Trọng tới tỉnh Kiên Giang ở vị trí đầu tiên trên trang chủ.
Tới tối ngày 14/4, chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng xác nhận hay bác bỏ chuyện ông Trọng phải "nhập viện" ở Kiên Giang như lan truyền trên mạng xã hội.
Do là ngày nghỉ, VOA tiếng Việt không thể liên lạc được với phía Việt Nam để xác minh thông tin liên quan tới tình hình sức khỏe của ông Trọng.
******************
Tranh cãi về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đâu là sự thật ? (RFA, 15/04/2019)
Trong hai ngày 14/4 và 15/4, các trạng mạng ở Việt Nam dồn dập đưa tin về tình trạng sức khỏe của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người vừa có chuyến thăm tỉnh Kiên Giang từ ngày 13/4 đến 15/4.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng AFP
Thông tin bắt đầu từ ngày 14/4 với dòng trạng thái trên trang facebook của một facebooker nổi tiếng cũng đồng thời là nhà báo, người thường xuyên đưa các tin về tình hình chính trường Việt Nam, Lê Nguyễn Hương Trà. Đoạn trạng thái viết : "Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đang ở Nội B, Bệnh Viện Đa Khoa Kiên Giang. Cả Rạch Giá đang nóng rực, công an vây kín bệnh viện. Hiện nhiều bác sĩ ở Bệnh Viện Chợ Rẫyđang được điều xuống. Bí Thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng bay trực thăng"
Sau đó, một loạt các trang facebook khác cũng đưa lại thông tin này và facebook của Người Buôn Gió, một facebooker cũng thường viết về tình hình chính trường Việt Nam còn có nhiều thông tin cập nhật hơn sau đó mà Đài Á Châu Tự Do không thể kiểm chứng.
Một trong những đoạn trạng thái vào ngày 14/4 của Người Buôn Gió viết : "Do thời tiết nắng nóng đột ngột và di chuyển nhiều ông bị chóng mặt, choáng. Bác sĩ xác định cần chuyển viện về Chợ Rẫy để xử lý". Các thông tin được cập nhật sau đó trên trang facebook Người Buôn Gió cho biết Tổng bí thư bị chảy máu não nhưng tình hình đã dần ổn định và đang chuẩn bị chuyển ra Hà Nội.
Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại về bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh để xác định thông tin này nhưng không nhận được trả lời.
Các thông tin liên tiếp trên mạng về sức khỏe của người đứng đầu đất nước nhiều đến nỗi Google trend, một công cụ thống kê về số lượt tìm kiếm trên mạng hôm 14/4 cho thấy các tin về Nguyễn Phú Trọng đứng trong danh sách 5 từ khóa được tìm nhiều nhất với hơn 200 ngàn lượt tìm kiếm.
Trong khi đó, các báo trong nước không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng. Tất cả các báo chính thống đều đưa hình ảnh và tin về chuyến thăm vào buổi sáng ngày 14/4 của ông Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mà không có thêm hình ảnh và thông tin nào khác về các hoạt động của ông sau đó. Các thông tin và hình ảnh của truyền thông trong nước cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn khỏe mạnh vào buổi sáng ngày 14/4 khi làm việc ở Kiên Giang.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước thăm Kiên Giang hôm 14/04/2019 Courtesy of nhandan.com.vn
Sang ngày 15/4, một loạt các trang mạng không phải chính thống nhưng thường xuyên đưa các bài viết ủng hộ chính quyền như nguyenphutrong.org, hay nguyenxuanphuc.org (các trang mang tên các lãnh đạo trong Bộ Chính trị) đưa bài phản bác các thông tin của các trang lề trái về sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bài viết trên các trang ủng hộ chính phủ có tựa "Hãy chấm dứt xuyên tạc sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng", chỉ trích các bloggers và facebooker là "tỏ ra hả hê, vui sướng mỉa mai về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước".
Bài viết cho rằng "tất cả là một chiến dịch có chủ đích của các đối tượng. Tình trạng sức khỏe của lãnh đạo cấp cao ở quốc gia nào cũng luôn là vấn đề được quan tâm chú ý vì những quyết định của họ liên quan mật thiết đến đất nước, nên những lời đồn về sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước ít nhiều sẽ gây tâm lý hoang mang trong dư luận, gây nhiễu loạn chính sự, ảnh hưởng trực tiếp đến những câu chuyện ngoại giao. Thêm nữa, đây chính là miếng mồi ngon cho các cơ quan tình báo nước ngoài khai thác để tấn công Việt Nam".
Mặc dù vậy, bài viết trên các trang ủng hộ chính phủ cũng không đưa ra bằng chứng hay thông tin nào về tình hình sức khỏe thực sự của Tổng bí thư nay đã 75 tuổi.
Việt Nam thường coi các thông tin về sức khỏe của lãnh đạo là vấn đề bí mật quốc gia và vì vậy thường không công bố rộng rãi, ngay cả khi họ đã qua đời.
Ví dụ gần đây nhất là tình trạng sức khỏe của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người được cho là đã bị bệnh nhiều tháng trời và phải sang Nhật để điều trị theo các thông tin lề trái nhưng truyền thông trong nước cũng không đưa tin cho đến khi ông qua đời vào ngày 21/9/2018. Thông tin được công bố sau đó trên báo cũng chỉ nói rằng ông bị nhiễm một loại virut hiếm và độc nhưng không nói cụ thể là ông bị virut gì.
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 15/11/0218, quy định thông tin cá nhân và bảo vệ sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc bí mật nhà nước, vì cho rằng nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
******************
Mạng xã hội ồn ào tin sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng (BBC, 14/04/2019)
Công dân mạng người Việt trên Facebook và Google hôm Chủ nhật 14/4 xôn xao tìm kiếm tin về sức khỏe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Tên ông Nguyễn Phú Trọng có lúc đứng đầu trong danh sách tìm kiếm trên Google tại Việt Nam trong ngày 14/4.
Nguyên do là vì xuất hiện tin không chính thức nói ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện sáng 14/4 trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang.
Ông Trọng có hai ngày thăm Kiên Giang từ 13 đến 14/4, đúng dịp sinh nhật ông (14/04/1944).
Cùng ngày 14/4, bắt đầu xuất hiện tin đồn nói ông Trọng không khỏe, được đưa vào viện.
Truyền thông nhà nước không đề cập, nhưng tin đồn nhanh chóng loan ra trên Facebook, với tìm kiếm tăng mạnh trên Google.
Cây bút Lưu Trọng Văn, vào cuối ngày, nói rằng ông Trọng nhập viện nhưng sức khỏe đã ổn.
"Qua ba kênh có nguồn thông tin có uy tín mà gã dò hỏi thì cả ba đều nói :
- Việc ngài nhập viện là có thật.
- Hiện tại sk của ngài đã ổn. Một nguồn tin thân cận với ngài khẳng định là rất ổn.
"Khi gã viết những dòng kết này thì nhận một tin nhắn của người rất thạo tin cung đình báo là VTV sẽ có thông tin chính thức", ông Lưu Trọng Văn viết.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ông Trọng vào sáng 14/4 đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang ; nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo bản tin, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo sớm cho chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và có nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc.
Tỉnh đề nghị xem xét chấp thuận chủ trương thành lập huyện đảo Thổ Châu theo Tờ trình số 49-TTr/TU ngày 5/04/2018 của Tỉnh ủy Kiên Giang.
Tỉnh cũng đề nghị Trung ương đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự án đường hành lang ven biển giai đoạn 2 (đoạn Rạch Giá-Hà Tiên) và Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhứt).
Theo bản tin, ông Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và nêu rõ, cần có kế hoạch tổng thể, cân đối nguồn lực, tính toán từng bước đi cụ thể, chắc chắn.
********************
Chiều 13/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của T.Ư đã đến thăm một số doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, nằm trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành). Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào khu công nghiệp Thạnh Lộc, khu công nghiệp duy nhất ở Kiên Giang. Tại đây, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã tham quan dây chuyền sản xuất gỗ công nghiệp của doanh nghiệp.
Phát biểu với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo, công nhân, người lao động, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đặt câu hỏi tập trung vào vấn đề kêu gọi đầu tư, sản xuất kinh doanh, có chú ý đến sự hài hòa giữa lợi ích của địa phương và doang nghiệp.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Kiên Giang có lợi thế về phát triển nông nghiệp, với cây lúa, con tôm và có tiềm năng về du lịch khi Phú Quốc đang phát triển mạnh. Vì vậy, Kiên Giang cần quan tâm phát triển lĩnh vực công nghiệp để có sự phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, trong đầu tư phát triển, tỉnh Kiên Giang cần phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường….
Cũng trong chiều 13/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến tham quan mô hình nuôi tôm công nghiệp của Công ty cổ phần Trung Sơn, tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Công ty này hiện có hai khu sản xuất tôm giống chất lượng cao, với công suất 1,5 tỷ con tôm giống ; khu nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.000 ha và hai nhà máy chế biến, đang sử dụng 1.500 lao động với hơn 70% là người địa phương.
Việt Tiến