Việt Nam : Đảng viên có thể bị cấm xuất cảnh (BBC, 29/05/2018)
Thường trực Ban Bí thư ký qui định theo đó có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
Qui định được Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký
Qui định được ông Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký trong bối cảnh Việt Nam tăng cường phòng và chống tham nhũng.
Qui định số 01 gồm 4 chương, 8 điều có đoạn nói "Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, không có vùng cấm",
"Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra phải chủ động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Khi phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.
"Tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che, tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm," qui định này nói thêm.
Trong động thái được xem là trao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau một số vụ quan chức nhà nước bỏ trốn và bị truy nã, qui định nói rõ rằng ủy ban này "có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh".
"Khi cần thiết [Ủy ban Kiểm tra] đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn".
Được biết ủy ban này cũng có thẩm quyền yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tài sản, khi cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.
Qui định này được đưa ra trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ quan chức nhà nước bỏ trốn ra nước ngoài và bị khởi tố.
Hồi tháng Một năm nay, ông Phan Văn Anh Vũ, còn được gọi là Vũ 'Nhôm', bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sau khi ông bị bắt giữ ở sân bay Singapore và đưa về Việt Nam.
******************
Chứng khoán Việt Nam bị ‘thổi bay’ 10 tỷ USD trong một tuần ? (Người Việt, 27/05/2018)
Truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam Việt Nam đưa ra con số không khớp nhau về việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.
Chỉ số VN-Index liên tục giảm sâu trong tuần qua. (Hình : Thanh Niên)
Tờ Dân Trí hôm 27 tháng Năm nói gần 10 tỷ USD đã bị "thổi bay" trong một tuần mà Ủy ban Chứng khoán vẫn… im lặng, trong lúc báo điện tử VTC News ước lượng nhà đầu tư "thủng túi" 6,6 tỷ USD.
Tuy vậy, việc thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh trong thời gian qua là có thật, với hàng loạt phiên "giảm sâu" nối tiếp nhau và hãn hữu mới có một phiên tăng nhẹ trong tháng Năm. Tình trạng bán tháo được ghi nhận "tăng vọt" trong lúc thị trường thủng đáy.
Báo Lao Động mô tả : "Hôm 22 tháng Năm là ngày giao dịch ‘nhuốm máu’ khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái thất vọng. VN-Index chính thức mất mốc 1.000 điểm, lực bán tháo mạnh và lan trên diện rộng".
Tờ Dân Trí cho biết thêm : "Chỉ trong vòng một tuần giao dịch vừa qua, vốn hóa sàn Sài Gòn (HSX) đã giảm tới 225.522 tỷ đồng, nghĩa là khoảng gần 10 tỷ USD đã bị ‘đánh bay’ khỏi thị trường, chưa tính sàn Hà Nội (HNX) và sàn UPCOM của công ty đại chúng chưa được niêm yết".
"Việc thị trường chứng khoán lao dốc mạnh trong thời gian gần đây khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy ‘khó hiểu’ bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn diễn biến tích cực và không có thông tin xấu ‘đột biến’ nào," tờ báo viết.
Còn theo VTC News, trong đợt lao dốc này, các cổ phiếu ngân hàng lớn của Việt Nam như của Vietcombank, BIDV, VPBank "tiếp tục gánh chịu tổn thất lớn," với vốn hóa thị trường "hao hụt cả tỷ đô la".
"Các ông lớn nhiều khả năng vẫn phải chứng kiến nhiều mất mát nặng nề trong tuần tiếp theo. Khi dự báo về VN-Index trong thời gian tới, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra cái nhìn khá bi quan," VTC News viết.
Theo Bloomberg, MSCI, tổ chức xếp hạng chứng khoán của Mỹ có lý khi giữ Việt Nam trong danh sách các thị trường cận biên vì tính "mù mờ" của thị trường và chịu mức độ chi phối của một vài công ty lớn. Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia rằng bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam "sẽ tiếp tục mù mờ ngay cả khi một số thương vụ IPO lớn sắp được kích hoạt".
Việc chứng khoán lao dốc tương phản với những dự báo lạc quan của giới chuyên gia trước đó không lâu. Hồi cuối tháng Tư, 2018, báo VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI : "Nhìn chung thị trường chứng khoán (Việt Nam) năm 2018 đã, đang và sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực. Đây là chu kỳ tốt nhất từ khi thị trường thành lập cho đến nay. Tuy nhiên, đánh giá thị trường đang tốt không có nghĩa rằng chỉ số VN-Index phải luôn luôn tăng trưởng cao".
Khi chứng khoán lại tiếp tục đỏ sàn và chưa ai dám khẳng định thị trường đã "dò" xong đáy, rủi ro lớn nhất thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.
Luật sư Phùng Anh Tuấn bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Trong danh sách chín mục tiêu sửa Luật Chứng Khoán Việt Nam, không có mục tiêu nào là bảo vệ nhà đầu tư cả. Việt Nam cần ban hành các quy định pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư ; trao quyền và tạo điều kiện cho các tổ chức, hiệp hội để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Cần thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. Sau cùng, cần có cơ chế để các định chế bảo vệ nhà đầu tư có quyền đại diện khởi kiện thay mặt cho các nhà đầu tư… Không bảo vệ gà mái, làm sao có trứng vàng, phải không nhỉ ?" (T.K.)
*****************
Việt Nam : Công ty nhà nước ‘giấu lỗ, báo lời không thật’ (Người Việt, 28/05/2018)
Lần đầu tiên, người ta thấy một ông tổng thành tra chính phủ cộng sản Việt Nam kêu rằng "đa số" các công ty quốc doanh "giấu lỗ, báo lời không thật" vì sự thiếu lương thiện của các quan chức cầm đầu.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex) của tập đoàn Dầu khí Việt Nam thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng đang "đắp chiếu". Lãnh đạo của PVTex là Vũ Đình Duy hiện đang trốn ở Đức. (Hình : Thanh Niên)
Trong cuộc họp vừa diễn ra ở quốc hội cộng sản Việt Nam được VnExpress tường thuật, ông Lê Minh Khái, tổng thanh tra chính phủ cho biết "qua thanh tra cho thấy các mánh khóe trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước thường xoay quanh xu hướng : Đơn vị kinh doanh có hiệu quả thì thường không báo cáo hết, kể cả hoạt động sản xuất kinh doanh…" trong khi "Đơn vị lỗ, thất thoát tài sản nhà nước lại cố tình tạo ra những khoản lợi không có thật, che giấu các khoản lỗ, nhằm tránh trách nhiệm…"
Tình trạng gian dối như thế được ông Lê Minh Khái mô tả "cái này là đa số".
Ngay tại chính các công ty quốc doanh cũng có sẵn bộ phận kiểm tra, thanh tra nội bộ, nhất là các công ty lớn thuộc dạng tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, ông Khái nói "nhiều trường hợp lại không phát hiện ra sai sót".
Bởi vậy "Các sai phạm lớn nhất là sai về hạch toán doanh thu chi phí, sai về sản xuất kinh doanh, nộp thuế, mua sắm tài sản công… không đúng giá trị thực, hoặc đầu tư ra ngoài ngành… Tiếp theo là sử dụng cơ cấu vốn không hợp lý, vốn ngắn hạn thì sử dụng dài hạn, vốn dài hạn đem sử dụng trong ngắn hạn, làm cho tình hình tài chính phức tạp," ông Khái kêu ca trên tờ điện tử VnExpress.
Tình trạng "lãi giả, lỗ thật" của hệ thống kinh tài quốc doanh cộng sản Việt Nam vốn được biết đến từ lâu. Những đảng viên được cắt cử vào các chức vụ cầm đầu phải là những tay chân thân tín của những kẻ đương quyền. Nạn bè phái, tìm cách lươn lẹo để tham nhũng trong hệ thống quốc doanh làm thất thoát những số tiền rất lớn thỉnh thoảng mới chỉ thấy một ít quan chức bị hành tội khi không còn dịp để che đậy.
Theo các con số báo cáo ở Quốc hội cộng sản Việt Nam, tính đến cuối năm 2016 "cả nước còn 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần. Tổng tài sản tại doanh nghiệp nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn nhà nước gần 1,4 triệu tỷ".
Nhưng nhóm quốc doanh này hiện đang ôm "tổng nợ phải trả cao, từ gần 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên xấp xỉ 1,63 triệu tỷ vào cuối 2016" tức nợ ngập đầu, cao hơn số vốn bỏ ra.
Hiện đang có hơn chục đại công ty kinh doanh thua lỗ đang "đắp chiếu" hoặc xây dựng dở dang rồi cũng "đắp chiếu" gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng từng được phơi bày trên mặt báo chí của chế độ như công ty CP Hóa dầu và Xơ Sợi Dầu khí (PVTex), tổng công ty cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC), công ty Công Nghiệp Tàu Thủy Dung Quất (DQS)… đều là của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN).
Bên cạnh đó, các tập đoàn nhà nước cộng sản Việt Nam đem 7 tỷ USD đi đầu tư nước ngoài, nhưng "hơn 25% dự án báo lỗ, gần 30% dự án phát sinh lỗ luỹ kế" phần lớn trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, trồng cây cao su…
Các định chế tài chính quốc tế đã nhiều lần đốc thúc nhà cầm quyền Việt Nam giải tán hệ thống quốc doanh vì chúng chỉ là cơ hội cho các đảng viên đục khoét, tham nhũng, gây thất thoát ngân sách. Dù vậy, bản báo cáo thấy đọc trong các kỳ họp đại hội đảng vẫn cả quyết lấy doanh nghiệp nhà nước "làm chủ đạo" để tiến lên cái thiên đường ảo tưởng "xã hội chủ nghĩa".
Ngày 24 tháng Mười, 2013, trong một buổi thảo luận ở Quốc hội về sửa đổi Hiến Pháp, ông Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thú nhận : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa". (TN)
***************
Lại thêm tàu cá Quảng Ngãi bị đâm chìm ở ngoài khơi Hoàng Sa (CaliToday, 28/05/2018)
Một tàu cá bị hải cảnh Trung Quốc đâm chìm khi đang khai thác rong biển ngoài khơi Hoàng Sa. Tất cả 7 ngư phủ sau đó đã được tàu cá khác cứu vớt kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn. Điều đáng nói hơn nữa là truyền thông Việt Nam vẫn như thường lệ không hề dám nói đến kẻ thủ ác đã ra tay với đồng bào mình.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn liên tục bị đâm chìm trong thời gian qua. Ảnh : Internet
Cho đến chiều ngày 27/5, chính quyền huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) mới cho truyền thông biết tin tức về con tàu mang số hiệu QNg 96798 TS do ông Lê Hơn (thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) làm chủ kiêm thuyền trưởng.
Chính quyền đảo cho biết, tàu cá QNg 96798 TS đã xuất bến tại đảo Lý Sơn cùng với 7 ngư phủ khác để đi ra khơi Hoàng Sa khai thác rong biển từ ngày 18/5 đến 24/5. Đang lúc khai thác rong biển thì gặp tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và ngăn cả, truy kích rồi sau đó đâm chìm ngay trên biển khơi.
Sau khi bị đâm chìm, chủ tàu là ông Lê Hơn đã nhanh chóng liên lạc với các tàu đang đánh bắt gần đó đến cứu giúp nên cả 7 người trên tàu đều được bình an. Cùng với đó, ông Hơn đã liên lạc với bộ đội biên phòng ở đất liền để trình báo sự việc.
Đến sáng ngày 28/5, cả 7 ngư phủ trên tàu cá QNg 96798 TS đã về được đất liền an toàn.
Không phải chờ đến khi Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ 1/5 đến 16/8) thì lực lượng hải giám mới tung hoành, bắt bớ, đâm tàu và cướp tài sản của ngư dân Việt Nam. Mà trước đó lực lượng này cũng đã hành xử như những tên cướp biển. Trong rất nhiều lần, ngư dân Việt Nam tố cáo lực lượng hải giám Trung Quốc dùng vũ khí để cướp tài sản của họ trên Biển Đông. Ngư dân Việt Nam đã trình báo sự việc với lực lượng có trách nhiệm, trong đó có cả bộ đội biên phòng, cảnh sát biển. Vậy nhưng cho đến này nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng chỉ ghi nhận những tổn thất, mất mát của ngư dân mà không hề có bất cứ giải pháp nào hiệu quả nhằm ngăn chặn, cũng như là bảo vệ ngư dân trước sự bách hại của hải giám Trung Quốc.
Lực lượng cảnh sát biển, biên phòng hay hải quân Việt Nam luôn luôn nằm bờ. Trong khi chính quyền cộng sản Việt Nam lại ra sức tuyên truyền, kêu gọi ngư dân phải ra khơi để bảo vệ chủ quyền. Cho dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thừa biết vùng lãnh hải mà họ kêu gọi ngư dân đi đánh bắt rất nguy hiểm.
Mới đây, những ngư dân bị Indonesia còn cho biết rằng, họ đánh bắt tại vùng lãnh hải mà nhà cầm quyền luôn khẳng định đó là thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi bị hải quân Indonesia bắt, những ngư dân này yêu cầu nhân viên sứ quán có mặt để khẳng định họ không hề xâm phạm lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ đánh bắt trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của các ngư dân, không hề có bất cứ nhân viên lãnh sự nào của cộng sản Việt Nam có mặt tại tòa để bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt.
Ngư dân Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự hung tàn của lực lượng hải giám Trung Quốc, mà còn phải chấp nhận sự vô trách nhiệm của chính quyền cộng sản Việt Nam khi xảy ra sự cố. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kêu gọi ngư dân ra khơi bảo vệ chủ quyền đất nước, và món quà mà họ tặng cho ngư dân là những lá cờ. Trong khi đánh bắt ngoài khơi, những lá cờ màu máu gây chú ý cho lực lượng hải giám Trung Quốc đuổi theo truy lùng, bắt giết.
**************************
Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa (Người Việt, 28/05/2018)
Một tàu đánh cá của ngư dân đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi vừa bị tàu tuần tra của Trung Quốc đâm chìm ở khu vực biển Hoàng Sa, nơi Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa được một tàu bạn kéo. (Hình : Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Theo truyền thông Việt Nam, chiếc tàu bị nạn do ngư dân Lê Hơn, cư dân thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, làm chủ kiêm thuyền trưởng với 7 lao động đều là người địa phương. Họ bắt đầu chuyến đi từ ngày 18 tháng Năm, 2018 đến ngư trường Hoàng Sa để khai thác rong biển.
Đến ngày 24 tháng Năm, 2018 thì họ gặp "tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm," theo tin tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 27 tháng Năm.
Nguồn tin vừa kể nói rằng "May mắn, các tàu cá địa phương đang khai thác hải sản tại ngư trường này kịp thời tiếp cận và cứu vớt".
Cùng đưa tin này nhưng tờ Dân Việt chỉ dám viết là tàu cá của ngư dân Lê Hơn "bị tàu của nước ngoài xuất hiện, ngăn cản và đâm chìm".
Theo tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi được cứu vớt lên tàu cá, "chủ tàu bị nạn đã liên lạc về đất liền. Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 2 đã điều tàu ra đưa các ngư dân trên tàu cá bị nạn về bờ," dự trù sẽ về đến cảng Kỳ Hà của tỉnh Quảng Ngãi ngày 28 tháng Năm, 2018.
Những tháng gần đây, người ta thấy Trung Quốc gia tăng các hành động hung bạo đối với ngư dân Việt Nam. tháng trước, người ta cũng đã thấy một tàu cá khác của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm.
Báo chí trong nước nói ngày 20 tháng Tư, 2018, tàu cá QNg 90332 TS do ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) làm thuyền trưởng bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 45103 và 46001 áp sát đâm chìm tại ngư trường Hoàng Sa rồi bỏ đi.
Người ta chỉ thấy Hội Nghề Cá tỉnh Quảng Ngãi gửi văn thư tới Nhà Cầm Quyền Trung Ương Hà Nội "đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân, để ngư dân Việt Nam yên tâm ra khơi bám biển sản xuất".
Mới ngày 22 tháng Năm, 2018, khi lặn bắt hải sâm ở Hoàng Sa, các ngư dân ở huyện Lý Sơn vớt được "vật thể lạ," nghi bom của Trung Quốc thả xuống đưa lên thuyền thúng để kiểm tra thì bất ngờ phát nổ khiến ba người tử nạn.
Đầu tuần trước, báo chí Hồng Kông đưa tin tàu cảnh sát biển phối hợp với hải quân của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến tuần tra hỗn hợp những ngày từ đầu tháng Năm, 2018 đã "đuổi" hơn 10 tàu đánh cá "nước ngoài" hiểu ngầm là tàu đánh cá Việt Nam ra khỏi vùng biển Hoàng Sa.
Khai thác thủy sản ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa nếu không phải tàu đánh cá Trung Quốc, chỉ có tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản gần quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, nhẹ thì đâm cho hư hỏng, nặng thì đâm cho chìm, bất chấp mạng sống của ngư dân.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), đại diện Việt Nam và Trung Quốc họp với nhau tại Hà Nội từ 14 đến 18 tháng Năm, 2018 để đàm phán về "hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển".
Không thấy loan báo chi tiết kết quả của cuộc đàm phán mà chỉ thấy TTXVN kể "Hai bên cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển và thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển" rồi khoe rằng "đạt được nhiều tiến triển thực chất". Những cái tiến triển thực chất là cái gì, ai cũng muốn biết thì lại giấu đi.
Năm nay cũng tương tự như những năm trước, Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh cá từ 12 giờ ngày 1 tháng Năm đến 12 giờ ngày 16 tháng Tám, 2018 trong Biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông, kể cả vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hà Nội chỉ đưa ra lời phản đối suông "thông báo cấm đánh cá của Trung Quốc là vô giá trị" nên ngư dân Việt Nam khi đến gần quần đảo Hoàng Sa là bị tàu tuần Trung Quốc uy hiếp, đâm chìm. (TN)