Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tính đến đêm 24 tháng Hai (giờ Việt Nam), một nguồn tin thân cận với gia đình tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước cộng sản Việt Nam, xác nhận với nhật báo Người Việt rằng, ông Lê Đức Anh hiện vẫn đang điều trị ở Bệnh viện trung ương quân đội 108 chứ không "qua đời" như tin đồn ông chết vào hôm 23 tháng Hai, 2018.

lda1

Cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm ông Lê Đức Anh trong bệnh viện. (Hình : Facebook Triet Nguyen)

Trước đó, hôm 23 tháng Hai, trang Facebook Triet Nguyen của ông Nguyễn Minh Triết, con trai của cựu Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, đưa hình ông Dũng và Chủ tịch cộng sản Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm ông Lê Đức Anh bên giường bệnh. Ông Triết sau đó đã gỡ ảnh này nhưng một số trang mạng đã kịp chia sẻ lại ảnh.

Ông Lê Đức Anh, chủ tịch nước thứ tư của Nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975, năm nay đã 98 tuổi, được ghi nhận là đang mắc "bệnh già" và đã nằm trong bệnh viện từ trước Tết Mậu Tuất.

Trong một việc được cho là nhằm xóa tan tin đồn, hôm 24 tháng Hai, Facebook Lê Mạnh Hà, con trai của ông Lê Đức Anh, post ảnh ông Hà tươi cười với chú thích : "Cà phê trong một ngày rộn rã những tin đồn".

Bản tin gần đây nhất về ông Lê Đức Anh trên truyền thông "lề phải" là "Đại Tướng Ngô Xuân Lịch thăm, chúc Tết nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội" đăng trên báo quân đội Nhân Dân hôm 2 tháng Hai, 2018.

Bản tin viết : "Đến thăm và chúc Tết Đại Tướng Lê Đức Anh, Đại Tướng Ngô Xuân Lịch đã báo cáo tình hình kết quả công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại quốc phòng trong năm 2017. Đại Tướng Lịch chúc Đại Tướng Lê Đức Anh mạnh khỏe, trường thọ. Đại Tướng Lịch mong muốn Đại Tướng Lê Đức Anh tiếp tục đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đảng, nhà nước và xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc".

Do tình trạng sức khỏe của ông Lê Đức Anh cùng các lãnh đạo và cựu lãnh đạo cộng sản Việt Nam không được công bố chính thức, nên mạng xã hội có nhiều đồn đoán.

Khác với tin về ông Phan Văn Khải, tin về ông Lê Đức Anh gần như không nhận được sự thương cảm hay ca tụng từ cộng đồng mạng.

Ông Lê Đức Anh thường được mô tả là "thái thượng hoàng chột mắt" và là người ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng. Khi tin đồn ông Lê Đức Anh qua đời hôm 23 tháng Hai, nhiều blogger lặp lại cáo buộc ông này "là người đã quyết định không cho các lính hải quân Việt Nam bảo vệ đảo Gạc Ma bắn trả lại quân Trung Quốc cướp đảo, vì vậy mà 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bị bắn chết và đảo này rơi vào tay Tàu cộng từ ngày 14 tháng Ba, 1988".

Một bài trên trang chủ Đài Á Châu Tự Do hồi tháng Ba, 2015 dẫn lời Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh : "Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm bộ trưởng Quốc Phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc. Ông Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su của một người tình báo của Pháp chứ ông ta không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ấy khai man lý lịch rồi thì được lòng ông Lê Đức Thọ, ông Lê Đức Thọ cứ đưa ông ấy lên vù vù trở thành bộ trưởng Quốc Phòng, sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước".

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh từ Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Lê Đức Anh không đáng được chết nhẹ nhàng như thế, ông ta phải sống để sám hối và trả giá cho tội ác đã cùng với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh bán rẻ tổ quốc qua cái Hiệp Ước Thành Đô 1990, và tội ra lệnh hải quân không được nổ súng, khiến 64 chiến sĩ hy sinh, để mất Gạc Ma vào tay Trung Quốc hôm 14 tháng Ba, 1988. Chắc chắn một nơi khác đang đợi ông ta chứ không phải thiên đàng !"

Một số blogger khác còn nhắc lại chuyện ông Lê Đức Anh cùng các ông Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười "phải chịu phán xét của lịch sử về những tội lỗi liên quan đến Hội Nghị Thành Đô năm 1990 đầy ô nhục". Ba ông này bị mô tả là nhóm "Trần Ích Tắc của thế kỷ 20" và "là vết nhơ khó có thể gột rửa của lịch sử". (T.K.)

Published in Việt Nam